TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin nhanh 20-9-2012


Thủ tướng Nhật kêu gọi công chúng bình tĩnh

Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda kêu gọi công chúng nước này hành động tương xứng với "phẩm giá", khi nhắc đến việc lãnh sự quán Trung Quốc bị ném bom khói hôm qua, khi căng thẳng giữa hai nước lên cao.

"Chúng ta không nên làm như thế", ông Noda phát biểu tại nhà ga Shinjuku ở Tokyo khi được hỏi về vụ việc tại lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Kobe. Trong dó, một công nhân trẻ tuổi đã ném quả bom khói vào tòa lãnh sự và sau đó ra đầu thú, nói rằng anh ta làm vậy để phản đối Trung Quốc trong tranh chấp đảo Senkaku/Điếu Ngư. Không ai bị thương trong vụ việc.

"Chúng ta cần hành động bình tĩnh tương xứng với phẩm giá", Kyodo dẫn lời ông Noda nói.

Vụ bom khói diễn ra trong lúc làn sóng biểu tình chống Nhật dâng cao ở Trung Quốc suốt một tuần qua, sau khi chính phủ Nhật quốc hữu hóa ba trong năm hòn đảo tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

Thủ tướng Noda cho hay Tokyo đang hối thúc Bắc Kinh đảm bảo an toàn cho các công dân và công ty Nhật ở Trung Quốc, sau khi người biểu tình Trung Quốc đập phá, đốt nhiều cửa hàng, nhà máy của người Nhật. Sứ quán Nhật tại Bắc Kinh cũng bị tấn công bởi những người biểu tình Trung Quốc quá khích.

Căng thẳng bắt đầu ảnh hưởng đến một lĩnh vực khác trong quan hệ đôi bên. Tờ Japan Times hôm nay cho biết dường như có một lệnh cấm xuất bản sách liên quan đến Nhật ở Bắc Kinh, và dự đoán tình trạng này sẽ nhanh chóng lan ra các tỉnh khác. Báo Nhật dẫn các nguồn tin ở Trung Quốc cho biết một số nhà xuất bản được yêu cầu ngừng các ấn phẩm bằng tiếng Nhật hoặc được bảo hộ bản quyền của Nhật, cũng như các sách khác liên quan đến Nhật mà do người Trung Quốc viết.

Sau những ngày biểu tình lên cao từ cuối tuần qua, giới chức Trung Quốc cũng có nhiều biện pháp kiềm chế những người quá khích. Một số người đã bị bắt do vi phạm pháp luật. Các báo của Trung Quốc kêu gọi công chúng "thể hiện lòng yêu nước một cách hợp pháp" và không có những hành động quá đà.

Ông Noda cũng yêu cầu người dân Nhật Bản không xâm phạm an ninh của người và tài sản nước láng giềng.

"Chúng ta phải bảo vệ sứ quán và các lãnh sự quán của Trung Quốc ở Nhật Bản với tất cả trách nhiệm của mình", ông Noda nói. "Tôi hoàn toàn tin tưởng vào phẩm giá của người Nhật".

Thanh Mai// VNexpress
-----------

Kinh tế châu Á tổn hại vì tranh cãi Nhật - Trung    
     
Đại diện của hai lợi ích kinh doanh hùng mạnh ở Thái Lan là Nhật và Mỹ vừa chia sẻ quan điểm rằng, tranh cãi lãnh thổ giữa Nhật và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng xấu đến kinh tế châu Á.

Họ hy vọng hai quốc gia này sẽ nhanh chóng tìm ra thỏa hiệp chấm dứt xung đột để tiếp tục tăng trưởng giữa lúc có nhiều lo ngại về cuộc khủng hoảng tài chính ở khu vực đồng euro.

Tuy nhiên, ông Setsuo Iuchi (ảnh), Chủ tịch Tổ chức thương mại bên ngoài Nhật Bản và Joe Mannix, Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Thái Lan, cho rằng căng thẳng Trung - Nhật hiện nay có thể sẽ ảnh hưởng tích cực lên Thái Lan và Đông Nam Á khi các công ty Nhật đang có xu hướng chuyển dần từ Trung Quốc về các nước ASEAN. Thái Lan sẽ tiếp tục được coi là trung tâm chính cho đầu tư của Nhật.

Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn được đánh giá là cơ sở sản xuất quan trọng cho các hãng Nhật Bản vì thị trường nội địa khổng lồ của nước này.
     
 THU MAI (AFP// CATP)
--------------

Bắc Kinh cấm người dân tiếp tục biểu tình chống Nhật

Hôm qua, Cục an ninh công cộng thành phố Bắc Kinh đã chỉ đạo cho các công dân trong thành phố phải chấm dứt các cuộc biểu tình chống Nhật Bản bằng cách đưa ra tuyên bố “các cuộc biểu tình đã kết thúc”.

Theo tờ Yomiuri Shimbun, tuyên bố này của Bắc Kinh cho thấy chính quyền Trung Quốc, trước đó không hề có biện pháp gì cấm đoán các cuộc biểu tình phản đối Nhật Bản mua 3 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku, đã thay đổi chính sách và quyết định cấm các cuộc biểu tình diễn ra ở thủ đô.

Thông điệp này của chính quyền Bắc Kinh được gửi vào điện thoại di động của các công dân thủ đô Trung Quốc vào sáng hôm qua với nội dung: “Giao thông tại khu vực Đại sứ quán đã trở lại bình thường. Không được tới khu vực đó để tổ chức thêm cuộc biểu tình nào nữa”.

Lệnh cấm ô tô đi lại trước cửa Đại sứ quán Nhật tại Bắc Kinh cũng đã bị dỡ bỏ. Vào trưa hôm qua, không có cuộc biểu tình nào diễn ra trước cửa đại sứ quán nữa.

Hôm qua, bất chấp những lời kêu gọi biểu tình ở những khu vực khác của Bắc Kinh, không có thông tin về cuộc biểu tình nào diễn ra.

Tùng Lâm// Infonet
------------------

Trung Quốc mời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới thăm căn cứ hải quân

 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta lần đầu tiên được “mục sở thị” một căn cứ hải quân của Trung Quốc vào ngày hôm nay, khi Washington hối thúc đối thoại an ninh với quốc gia có thể là cường quốc đối thủ của Mỹ ở châu Á –Thái Bình Dương.
 
Ông Panetta đã bay tới cảng Thanh Đảo ở miền đông Trung Quốc, nơi là “đại bản doanh” của hạm đội miền bắc hải quân Trung Quốc, và trở thành người đứng đầu Lầu Năm Góc đầu tiên đặt chân lên căn cứ này.

Giới chức quân sự Trung Quốc đã hứa hẹn cho ông Panetta thị sát một trong những tàu khu trục loại nhỏ mới của họ và các tàu ngầm diesel, một ngày sau khi ông có bài phát biểu trước các học viên quân sự tại một học viện kỹ thuật quân sự ở Bắc Kinh.

Trong bài phát biểu với các học viên và các sỹ quan trẻ, ông Panetta đã tìm cách trấn an họ rằng chiến lược chuyển hướng trọng tâm của Mỹ sang Thái Bình Dương không nhằm kiềm tỏa sức mạnh của Trung Quốc mà là nỗ lực nhằm thúc đẩy sự ổn định của khu vực vô cùng quan trọng với nền kinh tế toàn cầu này.

Các tàu chiến và tàu ngầm được hiện đại hóa của hải quân Trung Quốc là chủ đề bị theo dõi sát sao của các chiến lược gia quân sự, các nhà phân tích quốc phòng và cả các nhà lập pháp Mỹ. Họ lo ngại trước thực tế Bắc Kinh ngày càng tập trung phát triển tên lửa đạn đạo dẫn đường chính xác và tên lửa hành trình, bởi chúng có thể làm suy yếu sức mạnh hải quân cũng như không quân của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Giới chức Lầu Năm Góc tin rằng kho tên lửa chống hạm và phòng không ngày càng mở rộng của Trung Quốc có thể nhắm tới một loạt căn cứ cùng các tàu ngầm ở trong các tuyến đượng trọng yếu. Chính cái tâm trạng lo lắng với Trung Quốc này đã thúc đẩy các kế hoạch hỗ trợ phát triển chiến đấu cơ tàng hình và thiết bị gây nhiễu điện tử ở Washington.

 Mặc dù vậy, trong chuyến công du 3 ngày tới Bắc Kinh, ông Panetta chọn một thái độ hòa hoãn, đề xuất phối hợp với Bắc Kinh nhằm giải quyết những mối đe dọa chung như thảm họa tự nhiên hay cướp biển.

Vũ Quý (Theo AFP // Dân Trí)
---------------

Israel tố Iran và Syria gây bất ổn Trung Đông

Một quan chức Israel hôm qua (19/9) đã lên tiếng cáo buộc Iran và Syria đang gây bất ổn cho khu vực Trung Đông.

Phát biểu tại Đại hội của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), người đứng đầu cơ quan năng lượng nguyên tử Israel – ông Shaul Chorev cho biết, Syria và Iran “được biết đến như hai quốc gia đang ngấm ngầm theo đuổi tham vọng sản xuất vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt”.

Ông Chorev cũng nói rõ rằng, Israel không bao giờ do dự đáp trả để bảo vệ mình và sẽ không bao giờ chỉ đơn thuần là một người quan sát trong một khu vực đầy bất ổn. Ông này nhấn mạnh, các nhà lãnh đạo Iran, những người thường xuyên đưa ra lời đe dọa đối với các quốc gia khác, nên bị cộng đồng quốc tế lên án.

Israel gần đây đã nhiều lần đe dọa sẽ phá hủy các cơ sở hạt nhân của Iran bằng những cuộc tấn công quân sự nếu sức ép ngoại giao không thể buộc nước Cộng hòa Hồi giáo từ bỏ tham vọng hạt nhân. Israel lo ngại, Iran đang ngầm sản xuất vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc của chương trình hạt nhân dân sự và một khi Iran đã sở hữu vũ khí hạt nhân thì an ninh của Israel luôn ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Tuy nhiên, Tehran một mực khẳng định, chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích hòa bình là sản xuất điện năng và bất chấp mọi sức ép của quốc tế cũng đe dọa tấn công của Israel, Iran sẽ quyết tâm theo đuổi chương trình hạt nhân đến cùng ( VNmedia)
---------------------------------------------------

LHQ hối Trung Quốc, Nhật Bản giảm nhẹ căng thẳng

AFP Ngày 19/9, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết ông đang "ngày càng lo lắng" trước căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư (Tokyo gọi là Senkaku) trên Biển Hoa Đông.

Trong bình luận đầu tiên về vụ tranh chấp trên, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nói: "Nhìn vào những gì đang xảy ra trong mối quan hệ Trung-Nhật về vấn đề lãnh thổ này, tôi ngày càng lo lắng trước những căng thẳng leo thang trong khu vực. Với tư cách là Tổng thư ký, tôi không có trách nhiệm đưa ra lập trường về những tranh chấp lãnh thổ như vậy."

Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh: "Tôi hối thúc tất cả các bên liên quan giải quyết vụ tranh chấp này một cách hòa bình thông qua đối thoại. Những nỗ lực cần phải được duy trì để xây dựng sự tin cậy lẫn nhau để tránh căng thẳng."

Ông Ban Ki-moon cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo tận dụng khóa họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra vào tuần tới tại New York (Mỹ) để nỗ lực xoa dịu mâu thuẫn ngoại giao về quần đảo này, vốn đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình chống Nhật trên khắp Trung Quốc.

Cũng theo ông Ban Ki-moon, tại khóa họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra vào tuần tới, các đại diện của các nước Châu Á sẽ "tiến hành thảo luận về vấn đề này một cách thân tình và ôn hòa".

Cùng ngày 19/9, Nhà Trắng bày tỏ hy vọng Nhật Bản và Trung Quốc giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước thông qua "các biện pháp hòa bình".

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết: "Chúng tôi tin rằng các mối quan hệ hữu hảo giữa Trung Quốc với Nhật Bản có lợi cho tất cả các nước trong khu vực"./.

(Vietnam+)
---------------------

Nhật Bản cảnh giác cao độ với TQ trên đảo tranh chấp

Bộ Quốc phòng Nhật Bản yêu cầu sẵn sàng hành động, bảo vệ an toàn hàng hải trên quần đảo tranh chấp.

Tờ Nihon Keizai Shimbun cho biết chính phủ Nhật Bản đã quyết định tăng cường số lượng tàu tuần tra và điều cảnh sát Okinawa tới đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư nhằm ngăn chặn Trung Quốc đổ bộ lên vùng đảo này.

Theo hãng tin Tân Hoa Xã, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã cử máy bay tuần tra P-3C tới giám sát quanh đảo tranh chấp. Trong trường hợp lực lượng tuần tra bờ biển Nhật Bản không thể đối phó với tình hình, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ điều tàu chiến tới.

Nguồn tin từ Tân Hoa Xã cũng cho hay chính phủ Nhật Bản đang cảnh giác cao độ khi tiến hành các hoạt động  "giám sát an ninh", "bảo vệ lãnh thổ".

Một khi tàu cá Trung Quốc tiến vào vùng biển này, họ sẽ có các biện pháp đối phó  "theo quy định của Nhật Bản".

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết vùng biển thuộc đảo tranh chấp là ngư trường truyền thống của ngư dân Trung Quốc, và rằng họ sẽ tiếp tục các hoạt động đánh bắt cá tại đây.

Số lượng tàu tới vùng biển này sẽ phụ thuộc vào điều kiện của địa phương và điều kiện thời tiết.
Mai Hạnh - theo TTVN
---------------------

Nga và Kazakhstan ký kết một loạt văn kiện hợp tác

Ngày 19/9, Nga và Kazakhstan đã ký 13 văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Kazakhstan, Nursultan Nazarbayev.

Lễ ký kết các văn kiện hợp tác diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác liên khu vực lần thứ IX Nga - Kazakhstan được tổ chức ngày 19/9 tại Pavlodar (Kazakhstan).

Trong số văn kiện hợp tác được ký kết lần này có biên bản về thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực cảnh báo tai nạn, thảm họa công nghiệp, thiên tai và khắc phục hậu quả thiên tai, được ký năm 1994; về trình tự đơn giản hóa việc đi lại qua biên giới đối với nhân viên cứu hộ; biên bản về sửa đổi thỏa thuận ký năm 2010 về hợp tác kinh tế-thương mại trong lĩnh vực cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ cho Kazakhstan...

Bên cạnh đó, một loạt thỏa thuận về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật, văn hóa cũng đã được các tỉnh vùng biên hai nước ký kết.

Phát biểu tại Diễn đàn, Tổng thống Putin và người đồng cấp nước chủ nhà Nazarbayev đều bày tỏ hài lòng về sự phối hợp hành động giữa các khu vực hai nước.

Theo Tổng thống Putin, Diễn đàn Hợp tác liên khu vực Nga và Kazakhstan, do ông Nazarbayev khởi xướng, là cơ chế đóng vai trò quan trọng trong tổ chức Liên minh Hải quan gồm các nước Nga, Kazakhstan và Belarus.

Về phần mình, Tổng thống Nazarbayev cho biết Diễn đàn Hợp tác liên khu vực lần thứ X Nga-Kazakhstan sẽ được tổ chức vào năm 2013 tại cố đô Saint Petersburg của Nga, đồng thời nhấn mạnh rằng Liên minh Hải quan sẽ trở nên có sức hút đối với nhiều nước trên thế giới./.

(TTXVN)
--------------------

Căng thẳng Trung -Nhật phủ bóng đen lên thương mại song phương

Trung Quốc ngày 19/9 tuyên bố, Nhật Bản phải "hoàn toàn chịu trách nhiệm" đối với bất kỳ ảnh hưởng thương mại nào do cuộc tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông gây ra.

Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Thẩm Đơn Dương nói trong cuộc họp báo rằng, việc Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo tranh chấp mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư còn Tôkyô gọi là Senkaku chắc chắn sẽ ảnh hưởng và phá hoại sự phát triển quan hệ kinh tế-thương mại thông thường giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á.

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Jun Azumi nhấn mạnh, Nhật Bản và Trung Quốc cần giữ các quan hệ kinh tế khỏi những căng thẳng chính trị. Ông cho rằng, việc người biểu tình Trung Quốc phá hoại các cơ sở sản xuất của Nhật Bản tại Trung Quốc chỉ gây hại cho Trung Quốc bởi các công ty này tuyển dụng rất nhiều lao động địa phương.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản cho rằng dù đang đối mặt với "nhiều thách thức chính trị khác nhau", hai nền kinh tế lớn thứ hai (Trung Quốc) và thứ ba thế giới (Nhật Bản) này cần dẫn đầu kinh tế toàn cầu vốn đã có những dấu hiệu giảm tốc độ tăng trưởng. Hai bên nên duy trì hợp tác kinh tế, phản ứng một cách bình tĩnh và thích hợp trước những vấn đề phát sinh.

Tranh chấp quần đảo ở biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang phủ bóng đen lên thương mại song phương. Nhiều tour du lịch tới Nhật Bản đã bị các công ty du lịch Trung Quốc hủy bỏ. Doanh số hàng hóa Nhật Bản trên thị trường Trung Quốc, đặc biệt là ô tô và đồ điện tử, đã giảm mạnh trong tháng qua. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản trong khi Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc. Kim ngạch thương mại song phương chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch ngoại thương của Nhật Bản.

Trong khi đó, ngày 19/9, các cuộc biểu tình chống Nhật Bản ở Trung Quốc đã lắng dịu. Cùng ngày 19/9, nhiều tập đoàn Nhật Bản ở Trung Quốc như các nhà sản xuất ô tô Honda, Nissan, Mazda, Suzuki... đã nối lại hoạt động.

 TTG// Báo Tin Tức
-----------------

Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt một số nhà lãnh đạo Myanmar

Động thái này nhằm đáp lại những đóng góp của một số nhà lãnh đạo Myanmar cho tiến trình cải cách của nước này.

Bộ tài chính Mỹ chiều qua 19/9 cho biết đã dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống lại tổng thống và chủ tịch hạ viện Myanmar, cho phép họ sử dụng các tài sản bị cấm trước đó và làm ăn với người Mỹ.

Tổng thống Myanmar Thein Sein và chủ tịch hạ viện Thura Shwe Mann "đã thực hiện các bước cụ thể để thúc đẩy cách cách chính trị và nhân quyền, nhằm chuyển đổi Myanmar từ chế độ áp bức độc tài lên chế độ dân chủ và tự do. Do đó, họ sẽ được Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt", thứ trưởng tài chính Mỹ David Cohen cho biết.

Chính quyền Obama gần đây cũng cho biết có thể dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu đối với các loại hàng hóa do Myanmar sản xuất. Theo các nhà phân tích, nếu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận kéo dài 9 năm qua đối với các hàng hóa của Myanmar, đối tượng đầu tiên được hưởng lợi chính là ngành dệt may của quốc gia Đông Nam Á này.

Theo đó, các doanh nghiệp may mặc tại Myanmar có thể mở rộng thêm dây chuyền sản xuất. Trước khi Washington ban hành lệnh cấm vận với các sản phẩm của Myanmar vào năm 2003, Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp dệt may nước này. Bên cạnh đó, Myanmar cũng xuất khẩu hàng may mặc sang Nhật Bản và các thị trường châu Á khác.

Chính quyền tổng thống Obama cho rằng việc dỡ bỏ lệnh cấm vận sẽ giúp Myanmar tăng cường thương mại với Mỹ, qua đó đẩy nhanh quá trình cải cách dân chủ, đồng thời giúp quốc gia Đông Nam Á này vực dậy nền kinh tế yếu kém.

Trước đó, hồi tháng 1, chính quyền tổng thống Obama tuyên bố sẽ khôi phục đầy đủ quan hệ ngoại giao với Myanmar sau 20 năm. Tuy nhiên, hiện Mỹ vẫn lo ngại về tình hình bạo lực sắc tộc cũng như mối quan hệ giữa Myanmar và Triều Tiên. Do đó, Mỹ sẽ cần có thêm thời gian đánh giá về cải cách dân chủ ở Myanmar trước khi dỡ bỏ hoàn toàn lệnh trừng phạt với nước này.
Theo Market Watch/Khampha
----------------

Mỹ hối thúc Trung-Nhật giải quyết bằng ngoại giao

Ngày 19/9, Nhà Trắng bày tỏ hy vọng Nhật Bản và Trung Quốc giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước thông qua "các biện pháp hòa bình".

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết: "Chúng tôi tin rằng các mối quan hệ hữu hảo giữa Trung Quốc với Nhật Bản có lợi cho tất cả các nước trong khu vực".

Ông Carney tuyên bố rằng Mỹ không đưa ra lập trường về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông, song mong muốn hai quốc gia Châu Á này giải quyết vấn đề trên thông qua biện pháp ngoại giao.

Căng thẳng được đẩy lên cao độ khi gần đây nổ ra các cuộc biểu tình quy mô lớn trên toàn Trung Quốc, trong khi các tàu thuyền hai nước theo sát nhau trên vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư./.
(Vietnam+)
--------------------

Tổng thống Putin hết kiên nhẫn với ông Medvedev?

Tại hội nghị về chiến lược ngân sách giai đoạn 2013-2015 chiều 18-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích dự thảo kế hoạch tài chính 3 năm do chính phủ của Thủ tướng Dmitry Medvedev chuẩn bị không thực thi các sắc lệnh do ông ký ban hành ngày 7-5, ngay sau khi quay lại Điện Kremlin.
 Các sắc lệnh này liên quan đến việc phát triển hạ tầng Siberia và vùng Viễn Đông, tăng chi phí quốc phòng, tạo việc làm, tăng lương cho giáo viên, tăng lương hưu và cải thiện điều kiện sống, trước hết cho những gia đình Nga có 3 con trở lên.

Cuộc họp diễn ra mà không có mặt Thủ tướng Medvedev do ông bận chủ trì một hội nghị khác bên ngoài Moscow. Ông Putin cho biết đã đề nghị Thủ tướng Medvedev cảnh cáo Bộ trưởng Phát triển khu vực Oleg Govorun và Bộ trưởng Lao động Maksim Topilin. Ngoài ra, người phát ngôn của ông Putin, ông Dmitry Peskov, sau đó thông báo tổng thống khiển trách thêm Bộ trưởng Giáo dục Dmitry Livanov.

Hãng tin Reuters nhận định phản ứng trên cho thấy ông Putin đang dần hết kiên nhẫn với ông Medvedev dù chính phủ mới được 4 tháng tuổi. Dư luận Nga gần đây bàn tán chuyện ông Mevedev có thể phải ra đi sớm sau khi hoàn thành vai trò đưa ông Putin lên chức tổng thống nhiệm kỳ thứ ba. Ông Andrei Piontkovsky, nhà phân tích chính trị của Học viện Khoa học Nga, nhận định: “Ông Medvedev không giỏi giang trong vai trò thủ tướng và ông Putin đã chịu đựng đủ rồi”.

Mỹ Nhung// NLĐ
---------------------
Thái Lan tăng cường 5.000 cảnh sát xuống cực Nam

Trong vòng 6 tháng tới, lực lượng cảnh sát sẽ được tăng cường 5.000 người xuống khu vực cực Nam.

Phó Thủ tướng phụ trách an ninh Thái Lan Yuthasak Sasiprapha cho biết, sau cuộc làm việc với Đảng Dân chủ đối lập ngày 18/9 nhằm tham khảo các biện pháp bình ổn cực Nam, Thái Lan sẽ đưa thêm quân đội và cảnh sát tới khu vực này nhằm tăng cường bảo vệ cuộc sống của người dân tại đây.

Phó Thủ tướng Yuthasak Sasiprapha cho biết, trong vòng 6 tháng tới, lực lượng cảnh sát sẽ được tăng cường 5.000 người theo như yêu cầu, còn lực lượng quân đội sẽ được tăng thêm để có thể hiện diện tại tất cả các khu vực cực Nam.

Mặc dù hàng ngàn binh sỹ được điều tới đây, nhưng lực lượng quân đội Thái Lan vẫn bị dàn mỏng và chỉ có thể triển khai kịp thời tới 70% khu vực khi có các vụ việc xảy ra.

Quân đội Thái Lan hiện đang phụ trách việc bảo vệ các trường học, đưa đón giáo viên đến trường, sự di chuyển của các sư sãi, bảo vệ các địa điểm trọng yếu và 7 khu vực quan trọng tại các tỉnh cực Nam Thái Lan.

Vừa qua, gần 100 đối tượng chống đối Chính phủ đã ra trình diện quân đội Thái Lan tại cực Nam./.

Xuân Sơn/VOV-Bangkok
-------------------

Nga cáo buộc Mỹ dùng USAID để tác động đến chính trị

Nga cáo buộc Mỹ sử dụng Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) để gây ảnh hưởng đến chính trị Nga.

Nga đưa ra lời cáo buộc này một ngày sau khi Washington công bố kế hoạch kết thúc các hoạt động của USAID tại Nga theo yêu cầu của Matxcova.

Hôm 19/9, Bộ Ngoại giao Nga đã bày tỏ lo ngại rằng USAID đang cố gắng gây ảnh hưởng đến chính trị Nga thông qua việc phân phối các khoản tài trợ và cho biết USAID sẽ phải ngừng các hoạt động tại Nga muộn nhất là vào ngày 1/10 tới.

Cơ quan này đã hoạt động tại Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ cách đây 20 năm với các phong trào chống bệnh thế kỉ AIDS, lao, giúp đỡ người tàn tật, bảo vệ động vật hoang dã, chống buôn bán người. Cơ quan này cũng thúc đẩy dân chủ, nhân quyền và việc xây dựng xã hội dân sự tại đây.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland phát biểu hôm 18/9 với các phóng viên rằng, Nga đã gửi một bức thư cho biết không cần tới sự giúp đỡ của Mỹ nữa, vào tuần trước.

Cho đến nay, USAID đã chi khoảng 2,7 tỷ USD ở Nga và có kế hoạch chi thêm 50 triệu USD trong năm nay.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích Hoa Kỳ tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ tác động đến chính trị của Nga.

Bà Nuland cho biết rằng mặc dù kết thúc sự hiện diện của USAID tại Nga, nhưng Hoa Kỳ cam kết tiếp tục hỗ trợ dân chủ, nhân quyền và sự phát triển của một xã hội dân sự mạnh mẽ hơn tại đây.

Phạm Khánh// Infonet
--------------------

Mỹ tạm đóng cửa Lãnh sự quán tại Indonesia vì biểu tình

Nguyên nhân do hàng trăm người Hồi giáo biểu tình phản đối bộ phim có nội dung được cho là “báng bổ” nhà tiên tri Mohammed.

  Ngày 19/9, Mỹ đóng cửa tạm thời văn phòng Lãnh sự quán tại Medan - thành phố lớn thứ 3 của Indonesia, do làn sóng biểu tình phản đối bộ phim có nội dung được cho là “báng bổ” nhà tiên tri Mohammed được sản xuất tại Mỹ.

Tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ tại Jakarta khuyến cáo những công dân Mỹ cần tránh đám đông, vì những cuộc biểu tình rất dễ biến thành bạo lực. Những công dân Mỹ đang sống và đi du lịch tới Indonesia cần phải thường xuyên cung cấp thông tin cho Đại sứ quán Mỹ tại Jakarta.

Sáng 19/9, hàng trăm người Hồi giáo đã biểu tình bên ngoài Lãnh sự quán tại Medan, yêu cầu Chính phủ Mỹ trừng phạt nhà sản xuất bộ phim. Đây là vụ biểu tình thứ 3 bên ngoài Lãnh sự quán này kể từ khi những hoạt động biểu tình xảy ra.

Hàng loạt vụ biểu tình cũng diễn ra tại thủ đô Jakarta và nhiều nơi khác ở Indonesia. Indonesia là đất nước có đông người Hồi giáo, với 80% trong tổng số dân 240 triệu người./.

   Phạm Hà/VOV-Trung tâm tin
Theo Tân Hoa xã
-------------------------------

50 tàu tuần tra Nhật đối phó 14 tàu công vụ Trung Quốc

Tính tới thời điểm này, lực lượng tuần duyên Nhật đã huy động 50 tàu tuần tra tới đảo Điếu Ngư/Senkaku để ứng phó với 14 tàu công vụ Trung Quốc, Kyodo News hôm 19/9 đưa tin.

Theo Kyodo News, tuần duyên Nhật đã phát hiện thêm 2 tàu công vụ Trung Quốc "xâm phạm trái phép vùng nước quanh đảo Điếu Ngư/Senkaku, tổng cộng có tới 14 tàu hải giám và Ngư chính Trung Quốc đang tuần tiễu trái phép ở Điếu Ngư/Senkaku".

Trước đó, Tân Hoa Xã đưa tin, hơn 2.000 tàu cá từ tỉnh Chiết Giang, Phúc Kiến, Trung Quốc đã ra khơi sau khi lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè trên Biển Hoa Đông hết hiệu lực.

1.000 tàu cá trong số trên được nói là sẽ đánh bắt ở Điếu Ngư/Senkaku vào ngày 18/9, nhưng tính tới thời điểm tối 19/9, chỉ có 14 tàu công vụ Trung Quốc di chuyển trong Điếu Ngư/Senkaku.

Theo Kyodo News, để ứng phó số lượng tàu công vụ dần tăng lên ở Điếu Ngư/Senkaku, lực lượng tuần duyên Nhật quyết định điều động 50 tàu tuần tra tới "khống chế các tàu Trung Quốc".

Truyền thông hai nước Trung – Nhật liên tiếp có những cuộc khẩu chiến nảy lửa, cả hai bên đều tuyên bố sẽ không nhượng bộ. Trước đó, quân đội Trung Quốc tuyên bố họ kiên quyết giữ vững “chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku”.

Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu có xảy ra một cuộc xung đột hay va chạm giữa quân đội Trung Quốc với lực lượng tuần duyên Nhật trên Biển Hoa Đông? ( Theo VTC)
-------------------------------

Đại hội đồng LHQ tập trung bàn về hòa bình và an ninh

Phiên họp thứ 67 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã được khai mạc ngày 18/9 tại New York, Mỹ.

Sau khi dành một phút mặc niệm vì hòa bình thế giới, chủ tịch mới của Đại hội đồng, cựu Ngoại trưởng Serbia Vuk Jeremic, đã nêu các vấn đề chính cần tập trung.

Ông cho biết, Đại hội đồng sẽ tìm cách giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, nhấn mạnh rằng hòa bình và an ninh là điều kiện tiên quyết cho sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu, phát triển bền vững và tiến bộ xã hội.
 
Ông Jeremic cũng nói, Đại hội đồng sẽ cải thiện quản trị kinh tế toàn cầu bằng cách tăng cường hợp tác cả với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới lẫn các nhóm G-8, G-20.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng, các cuộc tấn công khủng bố và các cuộc biểu tình bạo lực trên toàn thế giới là những ví dụ của sự không khoan dung và lòng thù hận.

Theo ông, bây giờ là lúc để những tiếng nói ôn hòa và sự bình tĩnh tự lên tiếng.

Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ có bài phát biểu tại Đại hội đồng bắt đầu từ thứ Ba tuần tới.
 
H.V  Theo NHK World // HNM
----------

Nga xóa 10 tỷ USD nợ cho Triều Tiên

Nga đã đồng ý xóa 90% số nợ 11 tỷ USD mà Triều Tiên vay của nước này đã nhiều thập niên. Đây là dấu hiệu cho thấy Moscow và Bình Nhưỡng có thể tạo lập quan hệ kinh tế và chính trị mới.

Bộ Tài chính Nga cho biết, nước này đồng ý xóa nợ cho Triều Tiên theo chính sách xóa nợ cho những nước đói nghèo.

Phần còn lại của khoản nợ, khoảng 1 tỷ USD, sẽ được dùng như chương trình "nợ lấy viện trợ", cho phép Moscow tham gia các dự án mới trong ngành năng lượng, y tế và giáo dục của Triều Tiên.

Cựu Tổng thống Dmitry Medvedev và cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il trong cuộc gặp vào năm ngoái.

Bộ Tài chính Nga không nêu chi tiết đó là những dự án như thế nào song nói rằng thỏa thuận trên được ký kết sau 3 ngày hội đàm với những người đồng nhiệm Triều Tiên, tiếp sau cuộc gặp giữa Tổng thống Dmitry Medvedev và cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il vào năm ngoái.

Thỏa thuận trên có thể là bước đầu trong việc củng cố quan hệ giữa Triều Tiên và Nga.

Liên Xô đã theo dõi sự hình thành của Triều Tiên sau khi quân Nhật rút khỏi lãnh thổ nước này vào năm 1945, và cho tới khi liên bang Xô viết tan rã thì họ vẫn là đối tác thương mại quan trọng nhất cũng như quốc gia hảo tâm đối với Triều Tiên.

Tuy nhiên, quan hệ giữa hai bên đã bị tổn hại do Nga khăng khăng rằng Triều Tiên phải trả tiền cho các hàng hóa, lập trường này đã góp phần làm kinh tế Triều Tiên tụt dốc vào những năm 1990.

Về thỏa thuận mới, thông tấn xã trung ương Triều Tiên đưa tin, nó sẽ tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.

    Hoài Linh (Theo FT, KCNA, AP, VNN)
--------------

Biểu tình chống Nhật hạ nhiệt ở Trung Quốc

Những cuộc biểu tình phản đối Nhật Bản ở Bắc Kinh và nhiều nơi khác trên khắp Trung Quốc giảm dần, khi giới chức nước này có vẻ đang tìm cách hạ nhiệt căng thẳng.

Không có đám đông nào tụ tập bên ngoài đại sứ quán Nhật ở thủ đô Bắc Kinh, nơi từng có những cuộc biểu tình lớn những ngày qua, AFP đưa tin. Cảnh sát Trung Quốc yêu cầu công dân nước này không tới gần đại sứ quán Nhật. Cảnh sát vũ trang vẫn chốt ở bên ngoài tòa nhà đại sứ quán để ngăn chặn bất cứ sự tụ tập nào, nhưng những con đường quanh đó đã được mở trở lại.

Ngoài một số cuộc biểu tình nhỏ lẻ ở bên ngoài lãnh sự quán Nhật tại thành phố Thượng Hải, không có thông tin nào về các cuộc phản đối khác ở Trung Quốc.

Những cuộc biểu tình có cả màu sắc bạo lực trong những ngày qua khiến dư luận quốc tế quan tâm và lo ngại xung đột có thể xảy ra giữa hai trong số ba nền kinh tế hàng đầu thế giới. Một số công ty Nhật đã ngừng hoạt động hoặc hạn chế sản xuất ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong một thông báo được đăng tải trực tuyến, đại sứ quán Nhật ở Trung Quốc cho biết cảnh sát Bắc Kinh đã gửi đi những tin nhắn di động để nói với các công dân nước này rằng, "không nên tiến hành biểu tình ở đại sứ quán (Nhật) nữa, và cũng nên hợp tác với cơ quan hữu quan để duy trì giao thông cũng như trật tự xã hội". Theo AFP, Sở Công an Bắc Kinh không bình luận về thông tin này.

Các lực lượng cảnh sát trên khắp Trung Quốc đăng những thông điệp trên các trang Weibo, mạng xã hội nổi tiếng ở nước này, cho hay bất cứ ai phạm các tội hình sự trong những cuộc biểu tình đều sẽ bị bắt giữ. Tuy nhiên, cảnh sát Trung Quốc không nói cụ thể rằng những cuộc biểu tình bị cấm. ( VNN)
---------------

Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cam kết hợp tác chống khủng bố

Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Tayyip Erdogan cam kết tiếp tục hợp tác hướng tới quá trình chuyển đổi chính trị tại Syria.

    Ngày 18/9, Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thảo luận những nỗ lực chung cần thiết nhằm chống chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức.

Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo diễn ra sau khi xảy ra vụ  7 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng cùng 63 người khác bị thương khi đoàn xe chở họ bị trúng tên lửa tại tỉnh Bingo.

Vụ tấn công được cho là do các tay thuộc Đảng công nhân người Kurd thực hiện. Mới đây nhất, Đại sứ Mỹ tại Libya và 4 nhân viên ngoại giao khác của nước này bị thiệt mạng trong một vụ tấn công vào lãnh sự quán Bengazi của Libya trong khi làn sóng chống Mỹ tiếp tục bùng phát và lan rộng tại nhiều quốc gia Hồi giáo trên thế giới.

Liên quan đến tình hình Syria, Tổng thống Obama và Thủ tướng Erdogan bày tỏ lo ngại bạo lực và khủng hoảng nhân đạo ngày càng gia tăng tại quốc gia Trung đông này.

Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ và hiệu quả để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi chính trị tại Syria./.

Mai Liên/VOV-Trung tâm tin
Theo Tân Hoa xã
-----------------------

Đại sứ quán Mỹ tại Thái Lan phải đóng cửa tạm thời

Sau khi bộ phim "Sự vô tội của người Hồi giáo" tràn lan trên mạng, làn sóng phản đối và phẫn nộ đã tăng lên nhanh chóng trong lòng những người Hồi giáo. Hàng nghìn giáo dân đã đổ xuống đường biểu tình và tấn công vào các Đại sứ quán của Mỹ tại nhiều nước.

Thậm chí, các cơ quan đại diện của Mỹ ở nước ngoài từ Mauritania đến Indonesia cũng trở thành mục tiêu tấn công của đoàn người biểu tình.


Ngày 18/9, Đại sứ quán Mỹ tại Thái Lan đã thông báo đóng cửa từ buổi trưa bởi các quan chức trong Đại sứ quán đã được thông báo người Hồi giáo sẽ có cuộc biểu tình phản đối trong ngày. Ngay từ đầu giờ chiều, hàng trăm người đã đổ về Cơ quan đại diện của Mỹ tại Bangkok. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho các công dân Mỹ, Cơ quan đại diện đã đề nghị tất cả những người Mỹ sinh sống tại Bangkok tránh xa các khu vực đông người.

Hơn 700 cảnh sát đã được huy động đến Đại sứ quán Mỹ tại Bangkok và Lãnh sự quán Mỹ ở Chiang Mai nhằm bảo vệ các nhân viên tại đây. Trước đó, ngày 11/9, một cuộc tấn công bất ngờ của người Hồi Giáo vào Đại sứ quán Mỹ tại thành phố Benghazi (Lybia) đã khiến Đại sứ Mỹ Christopher Stevens cùng ba quan chức khác bị thiệt mạng.

Cùng ngày, một nhóm người biểu tình cũng đã tấn công Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Cairo (Ai Cập), xé cờ Mỹ và thay bằng lá cờ của người Hồi giáo. Sau đó, nhiều cuộc biểu tình chống Mỹ đã xảy ra tại hơn 20 nước khiến ít nhất 17 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

Phát ngôn viên của Đại sứ quán, ông Braunohler Walter cho biết, thông tin về cuộc biểu tình được cảnh sát Thái Lan thông báo cho Đại sứ quán từ sớm. Ông Walter còn nói thêm, mặc dù cuộc biểu tình không hề đe dọa tính mạng của người Mỹ nhưng công dân Mỹ tại Thái Lan vẫn nên cẩn thận và đề phòng.

Thông báo cảnh sát gửi Đại sứ quán cho biết, cuộc biểu tình của người Hồi giáo sẽ bắt đầu từ công viên Lumpini kéo đến Đại sứ quán. Do lượng người biểu tình quá lớn nên giao thông trên đoạn đường nối hai khu vực này sẽ bị gián đoạn tạm thời".

Ông Walter cho biết: "Ngay cả các cuộc biểu tình dự định mang tính hòa bình cũng có thể chuyển thành bạo lực. Tất cả những cư dân Mỹ nên tránh xa các khu vực là mục tiêu của các cuộc biểu tình, thậm chí cả các khu vực đông người tập trung. Tất cả mọi người nên thường xuyên theo dõi các phương tiện truyền thông địa phương để cập nhật thông tin mới nhất về các cuộc biểu tình.

Dự đoán trong những ngày tới, các cuộc bạo loạn kích động vì bộ phim "Sự vô tội của người Hồi giáo" sẽ được kiểm soát nhưng để dập tắt hoàn toàn các cuộc biểu tình là điều khó khăn với lực lượng an ninh các nước.

An Mai (Theo Bangkok/AsiaNews/GlobalNews, NĐT)
----------------------

Phó Chủ tịch Trung Quốc: Nhật nên "ứng xử kiềm chế"

Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 19/9 cho rằng Nhật Bản nên "kiềm chế trong cách ứng xử của mình" và ngừng xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng bùng phát liên quan đến tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước.

Trong khi đó, phát biểu trong chương trình truyền hình TBS tối 18/9 về việc cửa kính Đại sứ quán và một số Tổng lãnh sự quán Nhật Bản ở Trung Quốc bị ném vỡ, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã thể hiện ý định yêu cầu Trung Quốc bồi thường khi nói rằng “nếu có thiệt hại cho các doanh nghiệp, tòa nhà của Chính phủ Nhật Bản hoặc các công dân Nhật Bản, đương nhiên việc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm là thông lệ."

Theo THX và Reuters, cùng ngày, Vụ trưởng Vụ Châu Á - Châu Đại Dương Sugiyama thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã gọi điện cho Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc để phản đối về việc người biểu tình Trung Quốc gây thiệt hại cho Đại sứ quán Nhật Bản và tàu của Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Nhật Bản./.

(Vietnam+)
-----------------------

"Ông Tập Cận Bình rất thoải mái và khỏe mạnh"

 Sau cuộc gặp sáng nay với ông Tập Cận Bình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã có những nhận xét rất tích cực về tình trạng sức khỏe của Phó Chủ tịch Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã có những nhận xét rất tích cực về tình trạng sức khỏe của Phó Chủ tịch Trung Quốc
 
Theo lời ông Leon Panetta, ông Tập Cận Bình rất thoải mái và khỏe mạnh trong cuộc tiếp đón hôm nay tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh.

Sự xuất hiện của Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp đầu tiên với một quan chức nước ngoài sau thời gian vắng bóng đã cực kỳ thu hút sự chú ý của báo giới. Buổi tiếp đón có sự tham dự của nhiều tướng lĩnh cấp cao Trung Quốc.

Theo nhận xét của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Tập Cận Bình “rất sắc sảo và nhạy bén”. Cuộc hội đàm giữa hai bên dự kiến diễn ra trong vòng 45 phút, song đã kéo dài tới hơn một giờ do ông Tập muốn kéo dài thời gian hội đàm.

Theo Tân Hoa xã, ông Tập Cận Bình đánh giá chuyến thăm của Bộ trưởng Panetta sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa quân đội cũng như giữa hai quốc gia.

Tại cuộc gặp, ông Tập Cận Bình cũng chia sẻ rằng chuyến thăm của ông Panetta "gợi lại cho tôi (tức ông Tập) về chuyến thăm Mỹ hồi tháng 2".

Đỗ Quyên (Theo Telegraph, NLĐ)
----------------------------------

Nga xóa 90% nợ từ thời Liên Xô cũ cho Triều Tiên

Nga vừa đồng ý xóa 90% tổng số nợ 11 tỉ USD mà Triều Tiên vay từ thời Liên Xô cũ, Bộ Tài chính Nga thông báo hôm thứ ba, 18-9.

Thứ trưởng Tài chính Nga Sergei Storchak cho biết một thỏa thuận về việc tái cơ cấu các khoản nợ vừa được kí kết vào hôm thứ hai.

Triều Tiên nợ Liên Xô cũ 11 tỉ USD kể từ năm 1950. Liên Xô từng xây dựng 70 nhà máy ở Triều Tiên và cung cấp cho nước này các nguồn năng lượng có trợ giá.

Moscow và Bình Nhưỡng đã có những đàm phán về vấn đề nợ trong bốn năm mà chưa tìm được giải pháp làm hài lòng cả hai bên, Bộ Tài chính Nga cho hay.

Theo thỏa thuận vừa đạt được, Nga quyết định xóa 90% số nợ và sẽ tái cơ cấu khoản nợ còn lại.

Khoản nợ còn lại sẽ được đưa vào nhóm “nợ cho mục đích hỗ trợ” chương trình trao đổi đầu tư vào các dự án chung Nga-Triều về các lĩnh vực nhân đạo và ngành năng lương, Bộ cho biết.

Phan Yến
Theo CRI, TP

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te