Theo AFP, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan ngày 30/10 tuyên bố những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông luôn có nguy cơ bùng phát thành bạo lực song Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang thể hiện một thái độ muốn nhanh chóng nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng.Tổng Thư ký ASEAN, Surin Pitsuwan. (Nguồn: Getty Images) Những bất đồng trong khu vực về cách giải quyết với Trung Quốc về tranh chấp nói trên đã ngăn cản ASEAN ra Tuyên bố chung về Biển Đông sau một hội nghị thượng đỉnh diễn ra hồi tháng Bảy tại thủ đô Phnom Penh, lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của hiệp hội này.
Tuy nhiên, ông Pitsuwan nhận định đã có "những dấu hiệu tích cực" trong các cuộc hội đàm không chính thức diễn ra tuần này tại khu nghỉ dưỡng Pattaya của Thái Lan giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc.
Trả lời báo giới sau khi có bài phát biểu tại Kuala Lumpur, ông Pitsuwan nói: "Hiện hai bên đang quả quyết muốn xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (COC) càng sớm càng tốt vì nếu trì hoãn sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của tất cả các bên. Dù khó khăn nhưng ít nhất họ đã đồng ý đối thoại."
Ông Pitsuwan không bình luận cụ thể về những kỳ vọng của ông tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN từ ngày 15-20/11 tới tại Campuchia.
Trước đó, Kyodo đưa tin, các quan chức cấp cao của Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 nước thành viên ngày 29/10 đã nhất trí duy trì đà tham vấn về các quy định mang tính ràng buộc nhằm kiềm chế cách ứng xử của các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Phát biểu tại một cuộc họp báo cùng ngày ở Pattaya của Thái Lan, Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkeow, người đồng chủ trì hội nghị trên cùng Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh, cho hay mặc dù các quan chức tham gia hội nghị không thể thảo luận thực sự về chi tiết của những quy định mang tính ràng buộc được dự kiến song tất cả các bên sẽ tìm cách đảm bảo thực thi kiềm chế và tránh những sự cố có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ chung giữa ASEAN và Trung Quốc.
Ông Sihasak nói: "Chúng tôi muốn duy trì một môi trường thuận lợi và chúng tôi có thể tiếp tục cuộc đối thoại để tìm ra cách thức có thể triển khai một bộ qui tắc về ứng xử trên Biển Đông."
Ông Sihasak còn nói: "Chúng tôi tin rằng khuôn khổ ASEAN-Trung Quốc hiện nay tạo ra một khuôn khổ cho chúng tôi xử lý trên tinh thần xây dựng tất cả các vấn đề liên quan đến Biển Đông để thúc đẩy sự tin tưởng và tin cậy lẫn nhau nhằm tăng cường đối thoại xây dựng mà chúng tôi tin là sẽ dẫn đến một môi trường có lợi cho việc giải quyết cuối cùng các tranh chấp giữa các bên liên quan trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển"./.