Nhật, Mỹ 'úp mở' tập trận để né Trung Quốc
Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 30/10 thông báo sẽ tiến hành tập trận chung với Mỹ trong vùng trời và vùng biển gần Nhật Bản nhưng không cho biết chi tiết về cuộc tập trận này, một động thái nhằm tránh kích động Trung Quốc.
Văn phòng Bộ Tổng tham mưu liên quân Nhật Bản cho biết khoảng 37.000 nhân viên lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) và 10.000 quân Mỹ sẽ tham gia cuộc tập trận không công khai cho báo chí từ ngày 5-16/11.
Văn phòng trên đã dẫn “các lý do khác nhau” cho việc không thông báo cụ thể về cuộc tập trận. Bộ Quốc phòng Nhật Bản được cho là đã quyết định như vậy sau khi cân nhắc đến Trung Quốc, nước đang có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản.
Tokyo và Washington ban đầu có kế hoạch tập trận tại hòn đảo không người Irisuna thuộc tỉnh Okinawa, cách đảo chính Okinawa khoảng 60 km và cách Trung Quốc khoảng 550 km, với kịch bản chiếm lại lãnh thổ bị lực lượng nước ngoài chiếm.
Tuy nhiên, hai bên đã xem xét lại ý tưởng này sau khi tính đến tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết cuộc tập trận trong tháng 11 tới sẽ không diễn ra ở đảo này.
Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, khoảng 30 tàu chiến và 240 máy bay sẽ được triển khai tham gia cuộc tập trận chung trên thực địa 2 năm một lần này. Đây sẽ là cuộc tập trận lần thứ 11 theo hình thức này và bao gồm việc vận chuyển lực lượng phòng vệ mặt đất của các tàu hải quân Mỹ và bảo vệ các căn cứ ở Nhật Bản.
(VTC)
-----------
Thủ tướng Israel cổ súy kế hoạch tấn công vào Iran
Ngày 30/10, phát biểu với giới báo chí trước khi lên đường thăm chính thức Cộng hòa Pháp, Thủ tướng Israel Benjamin Netayahu đã hết lời cổ súy kế hoạch tấn công của Israel nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran khi nói rằng thế giới Arập sẽ "yên lòng hơn" sau đòn tấn công ấy.
Ông Netanyahu nói: "Tôi phản đối quan điểm cho rằng một cuộc tấn công quân sự vào Iran sẽ làm mất ổn định toàn vùng Trung Đông. Trái lại, tôi nghĩ rằng chỉ năm phút sau cuộc tấn công ấy, rất nhiều người sẽ cảm thấy thoải mái và nhẹ nhàng hơn. Với người Arập, Iran không hề dễ chịu cả đối với chính quyền lẫn dân thường, chưa kể một Iran hạt nhân sẽ là mối nguy hiểm thực sự đối với toàn thế giới Arập."
Trước đó, tờ Corriere della Sera của Italy đưa tin blogger Richard Silverstein đã tiết lộ kế hoạch của Israel tấn công Iran.
Blogger vốn được nhiều người gọi là "WikiLeaks Israel" này khẳng định cuộc tấn công sẽ được phối hợp với các vụ công kích không gian mạng, có nhiệm vụ chỉ trong vài phút vô hiệu hóa hệ thống Internet, điện thoại, đài phát thanh, truyền hình, vệ tinh viễn thông, hệ thống cáp quang liên lạc giữa các chủ thể chiến lược liên quan tới Iran./.
(Vietnam+)
-------
Ấn Độ chọn mua CH-47F, từ chối Mi-26
Ngày 29/10/2012, Ấn Độ quyết định chọn mua CH-47F Chinook trong gói thầu cung cấp 15 trực thăng vận tải cho quân đội nước này.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ quyết định chọn CH-47F sau khi xem xét giá bỏ thầu và các vấn đề liên quan khác.
Nguồn tin Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, sở dĩ họ chọn CH-47F vì Boeing đã bỏ giá thầu thấp hơn so với đối thủ đến từ Nga.
Ngoài ra, CH-47F đã chứng minh được chi phí hoạt động và bảo trì trong vòng 30 năm thấp hơn so với Mi-26 của Nga.
CH-47F là biến thể nâng cấp mới nhất trong gia đình trực thăng vận tải hạng nặng Chinook, được thiết kế để kéo dài thời gian hoạt động đến năm 2030. CH-47F thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2001.
CH-47F được trang bị 2 động cơ mới công suất 4.868 mã lực/chiếc, khả năng mang tải trọng hàng hóa tăng lên 9,5 tấn, tải trọng hàng hóa tối đa lên đến 12 tấn. Hệ thống điện tử hàng không cải tiến CAAS, cấu trúc buồng lái mới với hệ thống kiểm soát kỹ thuật số DAFCS. CH-47F đã nhận được giấy chứng nhận sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ vào năm 2007.
Bên cạnh đó, CH-47 đã cho thấy hiệu quả cao trong hàng loạt nhiệm vụ khác nhau trên khắp các châu lục, đây cũng chính là trực thăng vận tải chủ lực của Không quân Mỹ và Vệ binh quốc gia, điều đó đã thuyết phục các nhà chức trách Ấn Độ.
Mi-26 mặc dù là trực thăng vận tải lớn nhất thế giới hiện nay, khả năng mang tải trọng hàng hóa của loại trực thăng này lên đến 20 tấn. Tuy nhiên, tải trọng lớn và thân hình đồ sộ của nó lại tỏ ra không mấy thích hợp cho các hoạt động quân sự, đặc biệt là các hoạt động tại các khu vực nhiều đồi núi.
Quốc Việt (theo Time of India, ĐVO)
----------
Iran “khoe” tiến bộ trong công nghệ UAV
Iran đã có các bức ảnh về một căn cứ quân sự Israel nhạy cảm, do một chiếc máy bay không người lái (UAV) của nước này thu được vào đầu tháng này.
Tuyên bố trên do một nghị sĩ của Iran đưa ra trên hãng thông tấn Mehr hôm 30/10, có ý liên hệ tới vụ phong trào Hezbollah ở Lebanon thả một chiếc UAV vào Israel trước khi nó bị bắn hạ vào đầu tháng này. Theo ông Ismaeil Kowsari, Iran đã có những tiến triển lớn về công nghệ UAV.
Ông Kowsari không cung cấp thông tin chi tiết về các bức ảnh, chỉ nói rằng nơi bị chụp hình là “khu vực cấm”. Ông cũng cho biết UAV của Iran đã có thể chuyển dữ liệu trở lại trung tâm điều khiển khi đang bay. Dường như đây là tín hiệu cảnh báo của quốc gia Hồi giáo, nhằm khiến Israel từ bỏ việc tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran.
V.L (TTVH)
------------
Israel: Iran đã rút lại mục tiêu chế tạo bom hạt nhân
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak ngày 30/10 cho biết Iran đã rút lui khỏi mục tiêu chế tạo vũ khí hạt nhân, đồng thời cảnh báo Israel vẫn có thể phải quyết định liệu có tiến hành tấn công quân sự nhằm vào Iran trong năm tới hay không.
Trả lời tờ nhật báo Telegraph của Anh, ông Barak cho rằng đã tránh được một cuộc khủng hoảng trước mắt thêm "8 đến 10 tháng nữa" khi Iran quyết định dùng hơn 1/3 số urani được làm giàu ở mức độ trung bình vì mục đích dân sự hồi đầu năm 2012.
Ông cho hay: "Có ít nhất ba cách giải thích. Một là các bài diễn thuyết công khai về chiến dịch có thể được tiến hành của Israel hay Mỹ đã ngăn cản họ tìm cách tiến gần hơn (tới vấn đề chế tạo bom hạt nhân). Nó (quyết định dùng 1/3 urani vì mục đích dân sự) có thể là một canh bạc ngoại giao mà họ thực hiện nhằm tránh để vấn đề này lên đến đỉnh điểm trước cuộc bầu cử Mỹ, nhằm có thêm chút thời gian. Đó có thể là cách họ nói với IAEA (Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế) rằng 'chúng tôi đã thực hiện các cam kết'."
Trả lời khi được tờ báo Anh hỏi về việc nếu Iran không rút lui, liệu cuộc khủng hoảng có xảy ra "vào thời điểm này" hay không, ông Barak trả lời: "Có thể."
Tuy nhiên, ông cho rằng Iran vẫn quyết tâm chế tạo vũ khí hạt nhân, đồng thời khẳng định Tel Aviv có quyền hành động một mình để bảo vệ "các lợi ích an ninh và tương lai của Israel"./.
(Vietnam+)
------
Nhật Bản phát triển loại tên lửa đẩy mới
Ria Novosti dẫn nguồn tin từ cơ quan vũ trụ quốc gia Nhật Bản JAXA cho biết, xứ sở hoa anh đào đang lên kế hoạch phát triển loại tên lửa đẩy Epsilon hạng nhẹ vào mùa hè năm 2013. Mục tiêu của JAXA là chế tạo được một loại tên lửa ít tốn kém để đưa các vệ tinh vào trong quỹ đạo. Nó sẽ thay thế tên lửa M -5 cùng loại vốn đã thực hiện thành công 7 sứ mệnh từ năm 1997 đến năm 2006.
Epsilon là tên lửa đẩy 3 tầng sử dụng nhiên liệu rắn. Nó được thiết kế để nâng thiết bị có khối lượng gần 1.200kg lên quỹ đạo thấp của Trái đất. Tên lửa M -5 có thể nâng thiết bị có khối lượng khoảng 1.800kg lên một quỹ đạo tương tự. Chi phí cho một đợt phóng Epsilon sẽ khoảng 48 triệu USD so với con số 70 triệu USD để phóng M -5. Để tiết kiệm chi phí, Epsilon sẽ được thiết kế một phần dựa theo công nghệ của tên lửa M -5./.
HOÀNG VŨ (QĐND)
------
Nhật Bản để ngỏ khả năng trang bị Osprey cho SDF
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto ngày 30/10 đã để ngỏ khả năng Lực lượng phòng vệ (SDF) nước này có thể được trang bị trực thăng vận tải thế hệ mới Osprey song cũng nhấn mạnh rằng sẽ không lập tức triển khai ý tưởng này.
Tuyên bố trên của ông Morimoto là nhằm đáp lại quan điểm trong chính phủ cho rằng SDF cần sở hữu loại máy bay vận tải thế hệ mới MV-22 Osprey.
Bộ trưởng Morimoto cho biết: “Bộ Quốc phòng vẫn chưa hoàn toàn quay lưng với khả năng này.”
Ông Morimoto cho biết bộ này đang nghiên cứu xem liệu việc đưa loại trực thăng vận tải này vào biên chế quân đội sẽ tác động ra sao đến an ninh quốc gia của Nhật Bản, đồng thời sẽ xem xét thấu đáo các lo ngại của người dân về tính an toàn của Osprey cũng như chi phí xung quanh việc triển khai loại máy bay này.
Việc triển khai Osprey thời gian gần đây của lính thủy đánh bộ Mỹ ở Okinawa, miền Nam nước này, đã làm dấy lên làn sóng phản đối của người dân địa phương do lý lịch không mấy sáng sủa của Osprey sau các sự cố và tai nạn của loại máy bay này ở nước ngoài.
Tuy nhiên, ông Morimoto cho biết ông vẫn chưa nhận được kế hoạch chi tiết về hoạt động huấn luyện bay liên quan đến Osprey trong bối cảnh cuộc gặp giữa các tỉnh trưởng của Nhật Bản chuẩn bị diễn ra vào ngày 2/11 tới./.
Hữu Thắng/Tokyo (Vietnam+)
------
Máy bay ném bom Su-24 rơi, 2 phi công thoát chết
Chiều 30/10, một máy bay ném bom Su-24 của Không quân Nga đã bị rơi tại tỉnh Chelyabin do trục trặc kỹ thuật, rất may hai phi công đã kịp nhảy dù trước khi lái máy bay ra khỏi khu vực dân cư.
Bộ Quốc phòng Nga thông báo chiếc máy bay Su-24 trên đã rơi lúc 12 giờ 54 phút (theo giờ địa phương) tại một địa điểm cách sân bay Shagol ở tỉnh Chelyabin 67 km về phía Đông-Nam.
Sau vụ tai nạn trên, các máy bay Su-24 đã được lệnh ngừng bay cho đến khi có chỉ thị mới.
Máy bay ném bom Su-24 được chế tạo vào những năm 1960 và được đưa vào trực chiến từ năm 1974, nặng 40 tấn, có vận tốc tối đa 1.320 km/giờ và có thể bay xa 4.274 km, đồng thời có khả năng ném bom và phóng tên lửa ở độ cao gần 5.500m.
Trước đó, hồi giữa tháng 2, một máy bay ném bom Su-24 của Không quân Nga cũng đã bị rơi ở một địa điểm cách thành phố Chelyabinsk, tỉnh Kurgan, khoảng 95km, rất may hai phi công đã kịp bung dù thoát hiểm.
Chiếc máy bay ném bom nói trên đã rơi xuống một khu rừng sau khi cất cánh từ sân bay Chelyabinsk để bay huấn luyện thường kỳ và trên máy bay không có bom, tên lửa hay bất kỳ vũ khí nào khác./.
(Vietnam+)
----------
Hàn Quốc truy tố cán bộ tình báo quân đội ra tòa án binh
Hàn Quốc đã đề nghị truy tố trước tòa án binh đối với 5 nhân viên tình báo quân đội với các cáo buộc mua dâm, tham ô và các hành vi sai trái khác.
Hãng tin Yonhap ngày 30/10 đưa tin, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay cơ quan điều tra quân đội Hàn Quốc đã đề nghị truy tố trước tòa án binh đối với 5 nhân viên tình báo quân đội với các cáo buộc mua dâm, tham ô và các hành vi sai trái khác được che giấu trong suốt hơn 2 năm trời.
Trước đó các nhân viên thuộc Cục An ninh Quân đội này chỉ bị áp dụng các biện pháp kỷ luật nội bộ như điều chuyển tới các đơn vị chiến đấu mà không bị truy tố khi đơn vị của họ không báo cáo vụ việc với cơ quan điều tra vì lo sợ rằng vụ việc sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh của đơn vị.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay họ sẽ kỷ luật 4 sĩ quan cấp cao vì đã có hành vi che giấu tội trạng của 5 sĩ quan trên.
Bộ trưởng Quốc phòng Kim Kwan-jin cũng đã cảnh cáo miệng đối với Cục trưởng Cục An ninh Quân đội, Trung tướng Bae Dek-sig.
Theo các điều tra viên quân đội, một trung tá và một chuẩn úy đã bị bắt tại một quán bar hồi tháng 6/2010 vì có hành vi mua dâm với nhân viên phục vụ của quán. Nhưng các bạn bè dân sự của họ đã nói dối cảnh sát và chịu hình phạt thay cho họ.
Sau đó Cục An ninh Quân đội đã nhận được kết quả điều tra nội bộ về những gì đã thực sự diễn ra nhưng vẫn khép lại vụ việc bằng cách điều chuyển các sĩ quan liên quan tới các đơn vị chiến đấu cũ vì quan ngại rằng nếu vụ việc bại lộ thì nó có thể ảnh hưởng tới hình ảnh của cơ quan tình báo quân sự hàng đầu này.
Một trung sĩ trong một đơn vị của Cục An ninh Quân đội cũng đã không bị truy tố sau khi tham ô khoảng 45 triệu won (41.169 USD) công quỹ để trang trải nợ nần cá nhân. Cục An ninh Quân đội không cho điều tra vụ việc này với lý do rằng nhân viên có hành vi sai trái này có thể tìm cách tự sát.
Ngoài ra, một trung tá tại một đơn vị khác cũng thuộc Cục An ninh Quân đội đã bị cảnh sát bắt vì lái xe trong tình trạng say rượu hồi tháng trước, nhưng Cục An ninh Quân đội chỉ xử lý vụ việc bằng cách giáng chức và trả về đơn vị cũ theo yêu cầu của ông này.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã chuyển tất cả những người liên quan trong các vụ việc này đến cơ quan kiểm sát quân sự để xử lý. Các quan chức Bộ Quốc phòng cho hay một quân nhân nữa cũng bị chuyển tới cơ quan kiểm soát quân sự là một thượng sĩ tuy biết về hành vi tham ô của đồng đội nhưng không đứng ra tố giác.
Bảo Thành (Nguồn: Yonhap, GDVN)
----------
Vũ khí Nga tiếp tục bại trận tại đất Ấn
Chương trình mua sắm 15 trực thăng vận tải hạng nặng của Không quân Ấn Độ IAF có sự tham dự của 2 ứng viên là CH-47F Chinook của Boeing, Mỹ và Mi-26 của Nga.
Trước đó, Không quân Ấn Độ đã sử dụng 4 trực thăng vận tải hạng nặng Mi-26 do Nga sản xuất điều đó từng củng cố khả năng thắng thầu của Nga.
Tuy nhiên, ngày 29/10/2012, Không quân Ấn Độ quyết định chọn CH-47F Chinook cho chương trình mua sắm của họ. Nguồn tin BQP Ấn Độ cho biết, các cuộc đàm phán với Boeing sẽ được tiến hành trong thời gian sớm nhất.
Nguồn tin cho biết thêm, CH-47F Chinook đã thể hiện nhiều đặc tính ưu việt hơn so với Mi-26 của Nga. Bên cạnh đó, Boeing cũng bỏ giá thầu thấp nhất với chi phí thấp và thời gian hoạt động lâu nhất.
CH-47F là biến thể nâng cấp mới nhất trong gia đình trực thăng vận tải hạng nặng Chinook, CH-47F thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2001. CH-47F được thiết kế để kéo dài thời gian hoạt động đến năm 2030.
CH-47F được trang bị động cơ mới công suất 4.868 mã lực, khả năng mang tải trọng hàng hóa tăng lên 9,5 tấn.
Hệ thống điện tử hàng không cải tiến, cấu trúc buồng lái mới với hệ thống kiểm soát kỹ thuật số. CH-47F đã nhận được giấy chứng nhận sẵn sàng chiến đấu của Quân đội Mỹ vào năm 2007.
Cần công nghệ hiện đại hơn Nga
Thời gian gần đây vũ khí Nga liên tiếp bại trận tại thị trường Ấn Độ. Từ sự thua trận của MiG-35 đến thất bại của Mi-28 trước AH-64D Apache và bây giờ đến Mi-26 trước CH-47F.
Rõ ràng Ấn Độ cần nhiều hơn những gì mà Nga đang có. Suy cho cùng, vũ khí Nga khó lòng sánh được với vũ khí phương Tây, đặc biệt là ở lĩnh vực công nghệ điện tử.
Bên cạnh đó, Ấn Độ đang muốn phát triển CNQP của riêng mình, do đó họ cần những công nghệ hiện đại hơn để bắt kịp tốc độ phát triển của thế giới.
Trong khi đó, các vũ khí và công nghệ từ Nga không đáp ứng được yêu cầu của Ấn Độ, mặc khác, Ấn Độ muốn tạo ra những sự khác biệt so với Trung Quốc. Lợi thế của Ấn Độ là họ có khả năng mua vũ khí trực tiếp từ Mỹ, điều mà Trung Quốc không có được.
Vài năm gần đây, Ấn Độ đã mua 8 tỷ USD vũ khí từ Mỹ, 10 chiếc vận tải cơ hàng khủng C-17 Globemaster trị giá 4,1 tỷ USD. 8 chiếc máy bay tuần tra hàng hải P-8I trị giá 2,1 tỷ USD, 6 chiếc C-130J trị giá 960 triệu USD.
Bên cạnh đó, Mỹ muốn tăng cường ảnh hưởng của mình tại Ấn Độ bằng cách bán vũ khí công nghệ cao cho nước này để kiềm chế Trung Quốc. Điều này đã tạo nhiều cơ hội cho vũ khí Mỹ tại thị trường Ấn Độ, đồng nghĩa với đó là sự sụt giảm thị phần của Nga tại đây.
Phan Nguyễn (theo Aviation Week, Kiến Thức)
-------------
Hải quân Iran điều tàu chiến tới Sudan
Truyền thông Nhà nước Iran khẳng định ngày 29/10, một nhóm đặc nhiệm của hải quân nước này đã cập cảng tại Sudan mang theo “một thông điệp về hòa bình và an ninh tới các quốc gia láng giềng”.
Theo thông tin của hãng thông tấn Irna được BBC trích dẫn, các tàu của Iran ghé cảng Sudan bao gồm một tàu hộ tống loại nhỏ và một tàu vận tải. Các tàu này đã khởi hành từ Iran hồi tháng trước.
Đoàn tàu trên cập cảng chỉ 6 ngày sau một loạt vụ nổ đã phá hủy một nhà máy quốc phòng tại thủ đô Khartoum của Sudan. Sau vụ việc này Sudan đã khiếu nại lên Liên hợp quốc rằng chính Israel đã không kích nhà máy vốn bị nghi là do Iran điều hành nêu trên. Israel không khẳng định hay phủ nhận cáo buộc này.
Theo truyền thông Iran, nhóm đặc nhiệm hải quân cập cảng Sudan sáng 29/10 bao gồm tàu Shahid Naqdi, một tàu lớp hộ tống, và tàu vận tải Kharg có khả năng mang 3 trực thăng. Chuyến viếng thăm này cho thấy mối quan hệ quân sự và an ninh giữa Tehran và Khartoum.
Xưởng sản xuất vũ khí bị ném bom nêu trên được các nhà phân tích cho là cơ sở sản xuất tên lửa và các loại vũ khí khác của Iran. Một vài trong số này được vận chuyển lậu từ Sudan qua Ai Cập tới các lực lượng của Hamas tại dải Gaza. Vụ việc khiến 2 dân thường thiệt mạng còn bộ trưởng thông tin Sudan Ahmed Belal Osman cho rằng đã có 4 máy bay quân sự Israel tham gia vụ không kích.
Mặc dù quân đội Israel hoàn toàn im lặng trước những thông tin về vụ việc nhưng các nguồn tin tình báo của BBC cho biết ít nhất đã có 3 đợt không kích do Israel thực hiện trong 3 năm qua nhằm làm gián đoạn mạng lưới vận chuyển lậu vũ khí này. Đó là lí do vì sao Sudan nhanh chóng cáo buộc Israel trong vụ việc mới đây.
Hải quân Iran khẳng định chuyến viếng thăm này “mang theo thông điệp hòa bình và hữu nghị tới các quốc gia láng giềng và đảm bảo an ninh cho hoạt động hàng hải trước những kẻ khủng bố đường biển và cướp biển”. Trong chuyến thăm này chỉ huy lực lượng Iran cũng đã gặp các quan chức hải quân nước chủ nhà. Dù vậy địa điểm của hải cảng này không được tiết lộ.
Thanh Tùng
Theo BBC, Dân Trí
----------
Indonesia đề cao gia đình trong chống khủng bố
Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono ngày 30/10 đã kêu gọi các bậc cha mẹ ở nước này tăng cường giám sát và quản lý con cái để giúp chúng tránh xa các hoạt động liên quan đến khủng bố.
Phát biểu trước khi sang thăm chính thức Vương quốc Anh, Tổng thống Yudhoyono kêu gọi các gia đình Indonesia cần liên tục dạy bảo và chỉ dẫn để con em mình không thực hiện các hành động khủng bố. Ngoài ra, ông cũng kêu gọi những người đứng đầu các tôn giáo tại các địa phương nỗ lực hơn nữa nhằm ngăn chặn người dân tham gia các hoạt động khủng bố.
Tổng thống Yudhoyono đưa ra lời kêu gọi trên sau khi cảnh sát nước này trong những tháng vừa qua tiến hành hàng loạt cuộc truy quét nhằm vào nơi ẩn náu của các phần tử khủng bố mà trong đó đã phá được một số âm mưu tấn công khủng bố.
Đặc biệt, lực lượng cảnh sát chống khủng bố ở Indonesia vừa qua đã phá được các âm mưu tấn công nhằm vào trụ sở phái bộ ngoại giao Mỹ tại Surabaya và nhiều mục tiêu khác.
Trong hơn một thập niên qua, quốc gia "vạn đảo" Indonesia đã phải hứng chịu hàng loạt vụ tấn công khủng bô lớn, khiến hơn 270 người thiệt mạng và trong những năm gần đây, các vụ tấn công khủng bố ở nước này thường diễn ra trên quy mô nhỏ và nhiều thủ phạm là những thanh thiếu niên./.
(TTXVN)
---------
Tàu Trung Quốc tiếp tục đi vào vùng biển tranh chấp
Theo Sankei, đây là ngày thứ 11 liên tiếp các tàu công vụ của Trung Quốc tuần tra tại vùng biển này.
Các tàu công vụ của Trung Quốc liên tiếp đi vào vùng biển thuộc quần đảo Điếu Ngư/Senkaku ở ngoài khơi biển Hoa Đông mà cả Trung Quốc và Nhật Bản đều tuyên bố có chủ quyền.
Báo Sankei dẫn nguồn tin từ lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cho biết, sáng 30/10, 4 tàu hải giám và 2 tàu ngư chính của Trung Quốc đã đi vào vùng biển tranh chấp. Một trong số các tàu này liên tục phát tín hiệu cảnh cáo và truy đuổi tàu Nhật Bản. Theo bài báo, đây là ngày thứ 11 liên tiếp các tàu công vụ của Trung Quốc tuần tra tại vùng biển này.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản do tranh chấp chủ quyền biển đảo chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Báo chí Nhật Bản cho biết, các cuộc hội đàm về xây dựng “cơ chế liên lạc trên biển” giữa cơ quan quốc phòng Nhật Bản và Trung Quốc nhằm tránh các xung đột hàng hải trên biển Hoa Đông đã chính thức bị hoãn.
Trong khi đó, phía Trung Quốc xác nhận, hiện chưa có kế hoạch về việc tổ chức cuộc gặp cấp cao Trung - Nhật bên lề Hội nghị Á-Âu (ASEM) lần thứ 9 được tổ chức tại Lào vào tuần tới./.
Xuân Dần/VOV-Bắc Kinh
--------------
Nhật, Mỹ và Ấn Độ họp về an ninh hàng hải
Tuy nhiên, nội dung chi tiết của cuộc thảo luận chưa được công bố.
Ngày 29/10, các quan chức Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ đã tiến hành trao đổi về các vấn đề an ninh hàng hải tại thủ đô của Ấn Độ.
Cuộc thảo luận nhằm trao đổi các quan điểm về an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nội dung chi tiết của cuộc thảo luận chưa được công bố. Tuy nhiên, phát biểu với các phóng viên, các quan chức Nhật Bản cho biết, họ đã đề cập các vấn đề khu vực như: tình hình Afghanistan, Hội nghị Cấp cao Đông Á sắp diễn ra tại Campuchia vào tháng 11 tới. Ngoài ra, một số nội dung khu vực và quốc tế khác cũng được đưa ra thảo luận tại cuộc gặp./.
Trần Nga/VOV-Trung tâm tin
Theo NHK
-------------
Pakistan đề nghị Mỹ chấm dứt các cuộc không kích
Ngày 30/10, Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Rehman Malik kêu gọi Mỹ chấm dứt các cuộc không kích nhằm vào khu vực biên giới nước này.
Ông Malik cho rằng: việc Mỹ tiến hành các cuộc không kích này dường như đang phản tác dụng. Chúng cũng làm cho những nỗ lực chống khủng bố của Pakistan trở nên không hiệu quả. Bất chấp những lời kêu gọi của Pakistan, Mỹ vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc không kích ở khu vực phía Bắc và Nam Waziristan - khu vực biên giới giáp với Afghanistan.
Phía Mỹ cho rằng, các cuộc không kích nhằm vào các phiến quân. Trong khi đó, các số liệu thực tế cho thấy, dân thường Pakistan mới là các nạn nhân chính của các cuộc không kích này. Đây cũng chính là yếu tố gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Pakistan và Mỹ./.
Thuỳ Linh/VOV-Trung tâm tin
Theo Press TV
--------------------
Ai Cập đập tan âm mưu ám sát Tổng thống Morsi
Theo mạng tin Trung Đông, Ai Cập đã đập tan âm mưu ám sát Tổng thống Mohamed Morsi trước khi diễn ra Lễ Hiến sinh (Eid Al-Adha) của người Hồi giáo (bắt đầu vào ngày 26/10) một ngày.
Nguồn tin cho hay lực lượng an ninh Ai Cập bắt giữ bốn nghi can là thành viên của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đến từ Tunisia, Libya, Palestine và tại Ai Cập.
Những nghi can này đã liên kết với một nhóm khác mới bị triệt phá tại Thành phố Nasr, phía Đông thủ đô Cairo.
Tổng thống Morsi, xuất thân từ Tổ chức Anh em Hồi giáo, đã nhiều lần nhấn mạnh sự ủng hộ cho Palestine.
Tháng Chín vừa qua, trong một bài phát biểu, ông đã gọi vấn đề Palestine là "một ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự không chỉ của Ai Cập, mà còn là của toàn bộ các quốc gia Arập"./.
(Vietnam+)
----------
Hạm đội Nam Hải lại tập trận
Truyền thông Trung Quốc lại đưa tin Hạm đội Nam Hải của nước này vừa tập trận sau hàng loạt động thái tương tự gần đây.
Ngày 29.10, Hoàn Cầu thời báo đưa tin Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc vừa diễn tập ứng phó tình huống khẩn cấp trên biển, với 16 phân mục huấn luyện khác nhau. Tham gia tập trận, tàu khu trục đảm nhiệm công tác thăm dò và phán đoán tình hình để đưa ra phương án ứng phó.
Hoàn Cầu thời báo không nói rõ thời gian và địa điểm của đợt huấn luyện mà chỉ tung ra những hình ảnh bao gồm nội dung tập huấn với máy bay không người lái, tàu chiến khai hỏa bắn đạn thật… Theo phân bổ của hải quân Trung Quốc, Hạm đội Nam Hải chịu trách nhiệm hoạt động tại khu vực biển Đông.
Thời gian gần đây, truyền thông Trung Quốc liên tục úp mở về các hoạt động tập trận của hạm đội này nhưng không cung cấp thời gian và địa điểm diễn ra. Ngày 19.10, tờ Nhân Dân nhật báo đưa tin Hạm đội Nam Hải diễn tập chống tàu ngầm và cung cấp hình ảnh bắn đạn thật. Trước đó khoảng 1 tuần, báo này đưa tin lực lượng thủy quân lục chiến thuộc hạm đội trên vừa tổ chức tập trận đổ bộ chiếm đảo.
Trong một diễn biến khác, báo China Daily ngày 28.10 dẫn một số nguồn tin cho hay không quân và hải quân Trung Quốc vừa được trang bị thêm ít nhất 260 chiến đấu cơ J-10. Là chiến đấu cơ đa nhiệm, loại máy bay này có tốc độ tối đa lên trên 2.000 km/giờ và bán kính chiến đấu đạt 1.600 km khi được tiếp nhiên liệu trên không.
(Thanh Niên)
---------
Công an và quân đội là lực lượng nòng cốt chống khủng bố
Tờ trình dự án Luật Phòng, chống khủng bố do Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tại phiên họp toàn thể của Quốc hội sáng 29-10 đã nêu bật điều này.
Ở Việt Nam, mặc dù chưa xảy ra vụ khủng bố nào do các tổ chức khủng bố quốc tế gây ra, nhưng trong hơn 10 năm qua, đã có 4 vụ khủng bố do các đối tượng phản động lưu vong người Việt được phát hiện, điều tra, xử lý. Bên cạnh đó, cũng có một số đối tượng khủng bố quốc tế xâm nhập vào Việt Nam với các mục đích khác nhau. Trong xu thế hội nhập hiện nay, Việt Nam đang mở rộng quan hệ với nhiều quốc gia, nên có thể trở thành đích nhắm tới của hoạt động khủng bố quốc tế. Do đó để đảm bảo đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này cần thiết phải có sự ra đời Luật Phòng chống khủng bố, xuất phát từ yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã quy định lực lượng phòng chống khủng bố trong dự thảo Luật với 8 điều (từ điều 9 - điều 16). Theo đó, trong lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân đã có lực lượng chuyên trách thực hiện chống khủng bố. Do đó, quy định trong dự thảo Luật về lực lượng chuyên trách thực hiện chống khủng bố không làm phát sinh về biên chế và tổ chức, mà chỉ tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho hoạt động của lực lượng hiện có. Việc giao thẩm quyền tổ chức lực lượng chuyên trách chống khủng bố cho Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng sẽ tạo điều kiện linh hoạt trong việc bố trí, sắp xếp lực lượng phù hợp với yêu cầu phòng, chống khủng bố.
Có ý kiến đề nghị đổi tên Luật thành “Luật Phòng, chống khủng bố và tài trợ khủng bố” vì cho rằng, “phòng, chống khủng bố” và “phòng, chống tài trợ khủng bố” có sự khác nhau về chủ thể thực hiện, đối tượng áp dụng và các biện pháp phòng, chống. Tuy nhiên, đa số ý kiến của các thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tán thành với tên gọi của dự luật do Chính phủ trình, vì cho rằng, tài trợ khủng bố là một loại hành vi gắn với các hoạt động khủng bố, do đó, không nên tách bạch khủng bố và tài trợ khủng bố ngay trong tên gọi của luật.
Châu Anh // ANTĐ
-------
2 tàu chiến Iran đã cập cảng của đồng minh Sudan
Hãng thông tấn chính thức IRNA đưa tin hai tàu chiến Iran ngày 29/10 đã cập cảng Sudan, chưa đầy một tuần sau khi Khartoum cáo buộc Israel tấn công một nhà máy vũ khí ở phía Nam thủ đô quốc gia Bắc Phi này, gây ra hỏa hoạn và làm hai người thiệt mạng.
IRNA cho biết tàu chở máy bay trực thăng Khark và tàu khu trục Shahid Naqdi đang mang “thông điệp hòa bình và hữu nghị đến các quốc gia láng giềng cũng như đảm bảo an ninh cho các tuyến vận tải biển trước khủng bố và cướp biển.”
Trong khi đó, hãng thông tấn bán chính thức Fars của Iran đưa tin hai tàu trên đã cập cảng Port Sudan bên bờ Biển Đỏ và các chỉ huy trên tàu dự kiến sẽ gặp gỡ các chỉ huy hải quân của Sudan.
Sudan, nước có quan hệ thân cận với Iran và các phần tử thánh chiến Hồi giáo dòng Sunni, từ lâu đã bị Israel coi là địa bàn trung chuyển những vũ khí được buôn lậu sang Dải Gaza thông qua sa mạc Sinai của Ai Cập.
Hồi tháng Sáu, Iran cho biết có kế hoạch đóng thêm tàu chiến và tăng cường sự hiện diện tại các vùng biển quốc tế, đặc biệt nhằm bảo vệ các tàu hàng của nước này trên thế giới./.
(Vietnam+)