TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin quân sự thế giới 24-10-2012


Mỹ - Campuchia tập trận hải quân chung

Hôm 22/10, tại căn cứ hải quân Ream ở tỉnh Sihanoukville (miền Nam Campuchia), Hải quân Mỹ trên tàu sân bay USS Vandegrift và Hải quân Hoàng gia Campuchia đã khai mạc cuộc tập trận hằng năm lần thứ 3 mang tên CARAT 2012 (Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu trên biển).

Thủy thủ trên tàu khu trục USS Vandegrift thực hiện các thao tác xử lý dòng trước khi
cho tàu cập bến cảng Sihanoukville để tham gia tập trận CARAT 2012 với Hải quân Hoàng gia Campuchia

Theo thông cáo báo chí của Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia, cuộc tập trận CARAT lần 3 này nhằm thúc đẩy hợp tác hải quân giữa 2 nước, đồng thời, sẽ tập trung nâng cao kiểm soát an ninh hàng hải thông qua các hoạt động như đánh chặn trên biển, cứu hộ, sắp xếp đội hình và ứng phó với thiên tai.

Tập trận kéo dài 5 ngày với sự tham gia của 500 binh sĩ Hải quân Mỹ và 300 binh sĩ Hải quân Hoàng gia Campuchia. Mỹ đã đưa tàu khu trục USS Vandegrift và hai tàu cứu hộ USNS Salvor và USNS Safeguard đến cảng Sihanoukville tham gia tập trận.

Ngoài ra, cuộc tập trận nhằm mục đích tăng cường hợp tác, tăng cường hiểu biết và xây dựng lòng tin giữa Hải quân Mỹ và Hải quân Campuchia thông qua các hoạt động giao lưu thể thao và hoạt động xã hội.

Trong năm 2010, Campuchia đã tham gia tập trận CARAT lần đầu tiên. Các nước tham gia vào cuộc tập trận này còn có Bangladesh, Brunei, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Singapore và Đông Timor.

Cuộc tập trận CARAT được tổ chức hằng năm giữa Mỹ và các nước khu vực Đông Nam Á kể từ năm 1995.

Linh Phương (Theo Xinhua)
--------
Hải quân Iran theo dõi sát chuyển động của tàu Mỹ

Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời Chuẩn Đô đốc Hải quân Iran Habibollah Sayyari cho biết tình báo nước này đang theo dõi sát sao những động thái của Hải quân Mỹ trong khu vực.
 
Theo ông Habibollah, Iran đã đạt được tiến bộ đáng kể trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nước này đã theo dõi liên tục các tàu sân bay Mỹ.
 
Trước đó, một trong các chỉ huy của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Hossein Salami, đã gọi tàu sân bay Mỹ "không gì khác ngoài một đống sắt gỉ."
 
Còn một chỉ huy khác của IRGC Ali Span tiết lộ Iran đã ghi được 50 phút di chuyển của hàng không mẫu hạm Mỹ ở cự ly gần./.

(Vietnam+)
------
Nga, Italy quyết sẽ khôi phục dự án tàu ngầm S1000

Tờ Thương gia đưa tin Nga và Italy đã quyết định khôi phục dự án tàu ngầm phi hạt nhân S1000 sau khi quá trình triển khai gần như bị đình trệ hoàn toàn trong bốn năm qua.
 
Đặc biệt, vào đầu tháng này, hai bên đã thảo luận về khả năng khởi động dự án, đồng thời nêu một số biện pháp cụ thể để quảng bá chiếc tàu ngầm này trên thị trường thế giới và thỏa thuận giảm giá thành của tàu.
 
Theo thỏa thuận đã đạt được, các bộ phận tàu của Nga và Italy sẽ tương ứng với tỷ lệ 20/80.

Trước đây, hai bên dự định một nửa số linh kiện trên tàu sẽ được sản xuất tại Nga, theo đó có kế hoạch trang bị cho tàu loại ngư lôi điều khiển từ xa Black Shark của Italy-Pháp và hệ thống tên lửa Club của Nga.
 
Tuy nhiên, việc lắp đặt tên lửa Club cho tàu ngầm này hiện không được bàn đến nữa./.

(Vietnam+)
----------
Nga tăng cường lực lượng ở Nam Kuril

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov hôm 22-10 cho biết Moscow sẽ chi khoảng 7 tỉ rúp (4.674 tỉ đồng) trong 2 năm tới để củng cố lực lượng quân đội nước này trên vùng quần đảo tranh chấp với Nhật Bản.  Moscow gọi quần đảo này là Nam Kuril trong lúc Tokyo gọi là vùng lãnh thổ phương Bắc.

Theo đài NHK (Nhật Bản),  ông Serdyukov đưa ra thông tin trên khi đang đi kiểm tra một căn cứ tàu ngầm hạt nhân của Hạm đội Thái Bình Dương ở Kamchatka thuộc vùng Viễn Đông. Ông Serdyukov cho biết cách đây 2 năm, ông đã nhận được lệnh xem xét lại trang thiết bị quân sự của binh sĩ đóng trên Nam Kuril từ tổng thống Nga khi đó là ông Dmitry Medvedev.

Khoảng 3.500 binh sĩ Nga đang đóng trên quần đảo Nam Kuril. Ngoài ra, quân đội Nga còn đang cho xây dựng doanh trại mới, thiết lập các hệ thống thông tin liên lạc và triển khai các loại tên lửa chống máy bay mới tại vùng lãnh thổ này. Tranh chấp về chủ quyền đối với vùng quần đảo nói trên đã cản trở Nga và Nhật Bản ký hiệp ước hòa bình sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Trong một diễn biến khác, một nhóm nghị sĩ Hàn Quốc đã đến thăm nhóm đảo Dokdo/Takeshima đang tranh chấp với Nhật Bản  hôm 23-10. Số nghị sĩ này là thành viên ủy ban quốc phòng của quốc hội, đến Dokdo để kiểm tra các biện pháp an ninh ở đó.

Theo hãng tin Bloomberg, Tokyo ngay lập tức đã lên tiếng phản đối chuyến đi này. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cho biết: “Chúng tôi xác nhận rằng một nhóm nghị sĩ Hàn Quốc đã đặt chân lên nhóm đảo Takeshima. Vùng lãnh thổ này thuộc chủ quyền của Nhật Bản, vì thế chuyến đi này là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Chúng tôi phản đối mạnh mẽ chuyến đi này và thúc giục Hàn Quốc ngăn chặn những vụ việc tương tự tái diễn”. Ông Fujimura cũng lấy làm tiếc khi phía Hàn Quốc không đáp lại lời kêu gọi hủy chuyến đi mà ông đưa ra một ngày trước đó.

Tranh cãi về chủ quyền Dokdo/Takeshima bùng phát trở lại sau khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak có chuyến đi bất ngờ đến đó hồi tháng 8. Chính phủ Nhật Bản ngay lập tức đã lên án “hành động khiêu khích cố tình” này của nhà lãnh đạo Hàn Quốc.
 
HOÀNG PHƯƠNG// NLĐ
-----------
Triều Tiên khôi phục đường hầm thử nghiệm hạt nhân

Chính quyền Bình Nhưỡng quyết định không lấp đường hầm dùng để thử nghiệm hạt nhân, hiện bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt mùa hè vừa qua. Thông tin được tiết lộ trong bối cảnh căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên đang tăng cao do các hoạt động rải truyền đơn chống phá Bình Nhưỡng của một số nhóm người ở Hàn Quốc.

Thông tin trên được hãng IHS Janes London thông báo hôm nay sau khi phân tích tài liệu hình ảnh vệ tinh.

Trước đó, các cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết, đường hầm gần trên gần như bị hoàn thành phá hủy bởi mưa và lũ lụt mùa hè. Cả hai thử nghiệm vũ khí hạt nhân năm 2006 và 2009 đều được Triều Tiên thực hiện trên địa bàn này.

"Hình ảnh vệ tinh chụp bãi thử nghiệm hạt nhân ngầm ở Phung, phía đông bắc đất nước, cho thấy những công việc nghiêm túc đã được thực hiện nhằm khôi phục đường hầm bị hư hỏng nặng” - IHS Janes London dẫn lời các chuyên gia khẳng định.

Các nhà hoạt động xã hội ở Hàn Quốc thả những quả bóng mang tờ rơi tuyên truyền chống Triều Tiên

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh những ngày gần đây các nhà hoạt động xã hội ở Hàn Quốc vẫn quyết thả hàng nghìn quả bóng bay đính theo tờ rơi mang thông điệp chống Bình Nhưỡng bất chấp đe dọa về tấn công quân sự từ Triều Tiên.

Hôm qua, cảnh sát thành phố Seoul đã chặn kế hoạch tuyên truyền do những người đào thoát từ Triều Tiên tổ chức, viện dẫn “quan ngại về an ninh".

Một số các nhà hoạt động xã hội sau đó đã chuyển đến một khu vực biên giới khác để thả bong bóng bay mang theo 120.000 tờ rơi chỉ trích nhà lãnh đạo Kim Jong Un; cáo buộc về những vi phạm quyền con người ở Triều Tiên và kêu gọi nổi dậy.

Các tờ rơi này cũng mang theo tin tức về các phong trào phản kháng ở các khu vực khác trên thế giới, trong đó có sự kiện "Mùa xuân Arập.”

Hành động ngăn chặn nói trên của Hàn Quốc được xem là bất bình thường. Các nhà phân tích cho rằng nó cho thấy Seoul muốn tránh bất cứ một đụng độ nào có thể gây bất ổn trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 12 tới.

Giáo sư Yang Moo-Jin tại Đại học Nghiên cứu về Triều Tiên cho biết: "Bình ổn là mục tiêu số một của Seoul hiện nay. Tôi cho rằng Tổng thống Lee Myung-bak cảm thấy nếu để căng thẳng tiếp tục leo thang, di sản chính trị của ông ta sẽ bị hoen ố vào cuối nhiệm kỳ. Ông sẽ bị đổ lỗi là để lại một gánh nặng ngoại giao nặng nề cho người kế niệm”.

Tuy Triều Tiên vẫn thường đe dọa sẽ đáp trả nhưng tuyên bố hôm thứ sáu tuần trước là cứng rắn một cách khác thường. Trong tuyên bố, Bình Nhưỡng xác định cụ thể thời gian, địa điểm cùng lời cảnh báo cư dân địa phương di tản ra khỏi khu vực này. “Khu vực xung quanh "sẽ là mục tiêu trực tiếp của vụ nã pháo”- đại diện Quân đội Nhân dân Triều Tiên khẳng định trong một tuyên bố.

Đặc phái viên của Mỹ về chính sách ngoại giao với Triều Tiên Glyn Davies buộc tội Triều Tiên “tạo ra một tình huống nguy hiểm... với lời đe dọa của họ nhắm vào khu vực dân sự. Chúng tôi kêu gọi Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên từ bỏ những hành động đe dọa nhằm gây bất ổn trong tương lai”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi thúc giục hai miền Triều Tiên bình tĩnh và tránh những phản ứng khiêu khích.

Bộ Thống nhất Triều Tiên lặp lại kêu gọi giảm căng thẳng. "Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên dừng đe dọa... và đã ngay lập tức yêu cầu các nhóm dân sự dừng các hoạt động (tuyên truyền) như vậy"- phát ngôn viên bộ này nói.

Th.Long (Theo IHS Janes London, AFP, Petrotimes)
--------
Tàu Hải quân Hoàng gia Australia sắp thăm Việt Nam

Từ ngày 29/10 – 3/11, tàu Hải quân Hoàng gia Ausralia HMAS Sydney sẽ thực hiện chuyến thăm thiện chí Việt Nam tại TP.HCM.

Theo Lãnh sự quán Australia tại TP.HCM, chuyến thăm này nhằm củng cố mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa 2 nước. Mối quan hệ này đã được xây dựng từ năm 1999 và đã được tái khẳng định trong buổi hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước vào tháng 8 năm nay. Từ năm 1999, quân đội Australia đã giúp đào tạo hơn 1.200 quân nhân của Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Việt Nam và Australia.

Theo đó, HMAS Sydney đến TP.HCM mang theo thuỷ thủ đoàn, gồm 35 sỹ quan và 194 thuỷ thủ. Sỹ quan chỉ huy tàu và thuỷ thủ đoàn sẽ gặp gỡ các sỹ quan cao cấp và thuỷ thủ của Hải quân Nhân dân Việt Nam và tham gia các hoạt động giao lưu thiện chí. Đồng thời, thực hiện trao đổi kỹ năng liên quan đến hoạt động của trực thăng trên tàu chiến.

Bên cạnh đó, thuỷ thủ đoàn của HMAS Sydney cũng sẽ tham gia giao hữu thể thao với học viên trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân và giao hữu Bóng Đá Úc với đội Vietnam Swans tại trường Đại học…

Được biết, tàu HMAS Sydney là tàu hộ vệ tên lửa thuộc lớp ADELAIDE được cải tiến với các chức năng phòng không, chống tàu ngầm, hải giám và trinh sát. Tàu có khả năng tác chiến phòng không, mặt nước và dưới nước cùng một lúc. HMAS Sydney có lực giãn nước 4.200 tấn, dài 138 m, được trang bị tên lửa đối không SM-2, tên lửa đối hải Harpoon Block 2, súng máy Mk 75 76 mm và hệ thống chống tên lửa Mk-15 Phalanx 20mm cùng 6 ống phóng lôi Mk 32. Tàu cũng có sân cho trực thăng cất hạ cánh và hangar cho 2 trực thăng. Tốc độ tối đa của tàu là 29 hải lý/giờ.

Thúy Ngà// Infonet
-------
"Nhật nên quen với việc hải quân TQ tập trận xa bờ"

Mạng tin Sankei (Nhật Bản) dẫn nguồn Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, số ra ngày 22/10 trích lời Chủ nhiệm Phòng Ngoại vụ Bộ Quốc phòng Trung Quốc Tiền Lợi Hoa cho rằng việc Bắc Kinh cho bảy tàu chiến đi qua vùng biển giữa đảo Miyako và đảo chính Okinawa, miền Nam Nhật Bản, là “hành động hợp pháp,” đồng thời yêu cầu Tokyo nên “quen” với việc này.

Ông Tiền nêu rõ việc huấn luyện ở vùng biển xa đã được hải quân Trung Quốc ấn định tổ chức định kỳ và kể từ nay quân đội nước này sẽ tiến hành hoạt động trên một cách thường xuyên hơn.

Ông Tiền nói: “Với quan điểm phòng ngự từ bên ngoài nên Trung Quốc không thể ngừng việc tiến ra các vùng biển xa.”

Do đó, ông Tiền Lợi Hoa đề nghị phía Nhật Bản giữ thái độ bình tĩnh và nên quen dần với các chuyến huấn luyện viễn dương của hải quân Trung Quốc.

Trong khi đó, ngày 23/10, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết bốn tàu hải giám Trung Quốc tiếp tục xuất hiện tại vùng biển tiếp giáp lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo Senkaku trong ngày thứ tư liên tiếp. Những tàu này đi vào vùng biển tiếp giáp gần đảo Uotsuri, đảo lớn nhất trong quần đảo Senkaku, trong khoảng 15 phút, bắt đầu từ lúc 8 giờ 40./.

(Vietnam+)
----------
Hạ thủy tàu 2.000 tấn cho Cảnh sát biển Việt Nam

Hôm 23/10, tàu DN 2000 mang số hiệu CSB 8001 trang bị cho Cảnh sát biển đã hạ thủy thành công tại nhà máy Z189.

Sáng 23/10, Cục Cảnh sát biển Việt Nam cùng đại diện nhà máy Z189 và hãng đóng tàu DAMEN (Hà Lan) tổ chức lễ ấn nút hạ thủy và bàn giao tàu DN 2000 (dựa trên nguyên mẫu OPV - 9014) mang số hiệu  CSB 8001.

Tham dự lễ bàn giao và ấn nút hạ thủy tàu có Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Thượng tướng Nguyễn Thành Cung; Cục trưởng Cục Cảnh sát biển Việt Nam Đại tá Nguyễn Quang Đạm và các bên có liên quan.

Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc hạ thủy tàu CSB 8001 và coi đây là bước tiến đánh dấu khả năng đóng tàu trọng tải lớn của các nhà máy đóng tàu quân đội.

Đồng chí cũng khẳng định, Cảnh sát biển Việt Nam sẽ không ngừng hoàn thiện về con người, lực lượng và trang bị để nhanh chóng tiến tương xứng với lực lượng cảnh sát biển các quốc gia trong khu vực.

Thượng tướng Nguyễn Thành cung yêu cầu thủy thủ đoàn tàu CBS 8001 nhận rõ trọng trách của mình khi được tiếp quản tàu cảnh sát biển trọng tại lớn và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Đồng thời. các nhà máy đóng tàu quân đội đẩy nhanh việc tiếp nhận công nghệ đóng tàu hiện đại từ đối tác nước ngoài, đảm bảo năng lực đóng các tàu quân sự hiện đại trong tương lai gần.

Trước yêu cầu thực thi pháp luật trên biển; cứu hộ, cứu nạn; chống buôn lậu và hỗ trợ ngư dân khi hoạt động ở biển xa, ngày 29/10/2009, Bộ Quốc phòng đã ra Quyết định số 3978/QĐBQP phê duyệt dự án đóng mới tàu Cảnh sát biển đa năng (Thiết kế DN 2000) và giao cho nhà máy Z189 chịu trách nhiệm đóng tàu.

Theo quyết định nêu trên, ngày 17/12/2010, lễ đặt ky tàu DN 2000 đã được thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế (tiêu chuẩn Anh) và bản quyền của hãng đóng tàu DAMEN. Quá trình đóng tàu được áp dụng theo phương thức đóng tổng đoạn (module) giúp giảm thời gian đóng mới và thuận tiện cho công tác sửa chữa, nâng cấp trong tương lai.

Sau 20 tháng, nhà máy Z189 đã hoàn tất việc đóng mới tàu DN 2000 đáp ứng mọi tiêu chuẩn kỹ thuật theo đúng yêu cầu với sự giám sát của chuyên gia nước ngoài.

Được thiết kế để hoạt động ổn định ở điều kiện sóng gió cấp 9, có thể kéo các tàu khác có độ choán nước hàng ngàn tấn trên biển, DN 2000 là tàu Cảnh sát biển cỡ lớn đầu tiên được đóng mới hoàn toàn tại Việt Nam (lượng choán nước tối đa đạt 2.100 tấn).

Tàu dài 90m, rộng 14m và độ cao mạn tàu là 7m. Khi hoạt động trên biển, DN 2000 có thể đạt tốc độ hải trình tối đa tới 21 hải lý/giờ và tầm hoạt động đạt 5.000 hải lý, khi chạy ở vận tốc 15 hải lý/giờ. Tầm kiểm soát và hoạt động của tàu còn được nâng cao nhờ việc mang theo một máy bay trực thăng hải quân Ka-28 (Nga) và các trang bị đi kèm.

Đại úy Nguyễn Đức Tuyên, Thuyền trưởng tàu CBS 8001, cho biết, anh và kíp thủy thủ đoàn đã sẵn sàng cho việc tiếp thu và làm chủ tàu CSB 8001. Sau khi hạ thủy, kíp thủy thủ đoàn CSB 8001 sẽ tiếp tục công tác huấn luyện làm chủ tàu với các chuyên gia Hà Lan để sẵn sàng cho tàu hoạt động chính thức trong thời gian ngắn.

Dự kiến, tàu CBS 8001 sẽ tiếp tục giai đoạn chạy thử và hiệu chỉnh tới hết tháng 12/2012 và hoạt động chính thức từ quý 1 năm 2013.
(ĐVO)
------
 Trung Quốc hoán đổi các vị trí lãnh đạo quân đội

Quân đội Trung Quốc vừa có tư lệnh không quân và phó tổng tham mưu trưởng mới, ở thời điểm ngay trước đại hội Đảng Cộng sản nước này vào đầu tháng sau.

Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm nay (23.10) đưa tin, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, Mã Hiểu Thiên vừa được phong làm tư lệnh không quân. Ông Mã được biết đến nhiều trong vai trò là đại diện thường xuyên của quân đội Trung Quốc tham gia các cuộc trao đổi ở nước ngoài.

Vị trí cũ của ông Mã sẽ được thay thế bởi ông Wang Guanzhong, nguyên là người đứng đầu Văn phòng Quân ủy Trung ương Trung Quốc, AP cho biết.

CCTV cũng cho biết ông Tian Xiusi vừa được giao vai trò chính ủy không quân Trung Quốc, trong khi ông Zhu Fuxi được điều làm chính ủy Quân khu Thành Đô. Đây là quân khu bao gồm phần lớn miền tây nam Trung Quốc.

Các sự hoán đổi vị trí lãnh đạo quân đội Trung Quốc diễn ra không lâu trước khi đại hội đảng Cộng sản nước này sẽ bắt đầu vào ngày 8.11 tới.

Theo VNE
-------
Tổ hợp tên lửa Pantsir-S phá hủy tên lửa hành trình

Một cuộc tập trận có sự góp mặt của tổ hợp tên lửa đất đối không Pantsir-S và các hệ thống vũ khí chống máy bay của Nga vừa được tiến hành ở Vòng Bắc Cực.

Trong cuộc tập trận này, các hệ thống vũ khí trên đã diễn tập khả năng chống phá một tên lửa hành trình thật, được phóng đi từ máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS Bear. Tên lửa này đã bị hệ thống tên lửa đất đối không Pantsir-S phá hủy ngay trong lần bắn đầu tiên.

Trước đây, tổ hợp tên lửa-pháo phòng không tầm ngắn Pantsir-S chỉ được thử nghiệm khả năng tiêu diệt những mục tiêu tên lửa hành trình giả định. Đây là lần đầu tiên, tổ hợp vũ khí hiện đại này của Nga được thử nghiệm với mục tiêu thật.

Tổ hợp Pantsir-S do tập đoàn KBP của Nga sản xuất. Pantsir-S là hệ thống kết hợp giữa pháo chống máy bay và tên lửa đất đối không có tầm từ ngắn đến trung, được thiết kế nhằm bảo vệ các mục tiêu điểm và mục tiêu vùng.

Hệ thống này có thể mang tới 12 quả tên lửa đất đối không nhiên liệu rắn hai tầng trong hai bệ phóng và hai khẩu đại bác kép tự động 30 mm. Theo đó, nó có thể phá hủy mục tiêu ở tầm xa tới 20 km bằng tên lửa và 4 km bằng đạn pháo.

Theo RIA, tính đến nay, Bộ Quốc phòng Nga đã đặt hàng khoảng 100 tổ hợp Pantsir-S cho Lực lượng Phòng không Nga và dự kiến, những hệ thống này sẽ được chuyển giao dần trong vài năm tới, trước năm 2020.

Phiên bản xuất khẩu của Pantsir-S là Pantsir-S1. Nó đã được xuất khẩu cho một loạt nước gồm Các tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất, Syria và Algeira. Theo một hợp đồng vũ khí trị giá 4,2 tỉ USD gần đây, Nga sẽ cung cấp cho Baghdad 50 hệ thống Pansir-S1 cho Iraq.
(VNmedia)
---------
 Anh tăng gấp đôi máy bay không người lái tại Afghanistan

 5 chiếc máy bay không người lái Reaper do Mỹ chế tạo sẽ được gửi tới Afghanistan và đưa vào sử dụng trong vòng 6 tuần tới.

Tờ Người bảo vệ của Anh số ra hôm 23/10 cho biết, Anh sắp tăng gấp đôi số máy bay không người lái và các hoạt động trinh sát tại Afghanistan.

Theo đó, một liên đội bay gồm 5 chiếc máy bay không người lái Reaper do Mỹ chế tạo sẽ được gửi tới Afghanistan và đưa vào sử dụng trong vòng 6 tuần tới. Đặc biệt, những thiết bị bay không người lái mới này, lần đầu tiên sẽ được điều khiển từ màn hình và trung tâm điều hành đặt tại Anh, căn cứ quân sự RAF Waddington.

Hiện tại, 5 chiếc máy bay không người lái của Anh tại Afghanistan, chuyên dùng để tấn công các mục tiêu nghi ngờ là lực lượng nổi dậy ở tỉnh Helman, vẫn được vận hành từ một căn cứ không quân của Mỹ ở bang Nevada do Anh chưa đủ khả năng vận hành. Chính phủ Anh vẫn chưa quyết định việc sẽ duy trì các máy bay này tại Afghanistan sau năm 2014, thời điểm hầu hết binh sỹ NATO dự kiến sẽ rút khỏi Afghanistan./.

Bá Thi/VOV-Trung tâm tin
Theo Reuters

--------
Thổ Nhĩ Kỳ có 70 quả bom hạt nhân

 Theo cổng tin tức Haber Monitor của Thổ Nhĩ Kỳ, tại căn cứ không quân Incirlik ở thành phố Adana của nước này có cất giữ khoảng 70 quả bom hạt nhân B61.

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ có bom hạt nhân, nhưng khả năng sử dụng những vũ khí giết người hàng loạt này rất hạn chế.

Phần lớn số bom nói trên thuộc quyền sở hữu của quân đội Mỹ và Washington bảo lưu quyền sử dụng chúng khi cần thiết.

Theo Haber Monitor, đến năm 1995, khoảng 10 đến 20 quả bom B61 được cất giữ tại các căn cứ không quân Akinci và Balikesir. Sau thời điểm trên, số bom này được chuyển đến Incirlik.

Mỹ đã nhiều lần đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ cho phép các máy bay có khả năng chuyên chở loại bom này đóng tại Incirlik nhưng không được Ankara cho phép. Vấn đề hiện nay là loại phương tiện nào sẽ chuyên chở số lượng bom này.

B61 là loại vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ, có chiều dài là 3,5 mét, đường kính 33 cm, trọng lượng khoảng 145 kg.

Trùng Quang// Thanh Niên
----
Nga tăng cường quân sự trên đảo tranh chấp với Nhật

 Nga sẽ chi bảy tỉ rub (hơn 200 triệu USD) trong hai năm tới cho việc gia cố các cơ sở quân sự trên Nhóm đảo Nam Kuril mà Nhật gọi là Vùng lãnh thổ phía bắc.

Thông tin trên được Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov công bố ngày 22.10 khi đến thăm một căn cứ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hạm đội Thái Bình Dương ở Viễn Đông, theo Đài truyền hình NHK của Nhật.

Ông Serdyukov nói rõ ngân sách trên sẽ được dùng để trang bị lại các cơ sở cho sư đoàn pháo binh được triển khai đến Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phía bắc.

Bộ trưởng Serdyukov cho hay cách đây hai năm, Tổng thống Nga khi đó Dmitry Medvedev đã ra lệnh cho ông xem xét lại trang thiết bị dành cho binh sĩ đồn trú trên Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phía bắc.

Ông Medvedev đến thăm nhóm đảo tranh chấp nói trên vào tháng 11.2010, trở thành tổng thống Nga đầu tiên đặt chân đến đây.

Hiện có khoảng 3.500 binh sĩ Nga đồn trú tại Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phía bắc. Nga đang xây nhiều doanh trại mới tại nhóm đảo này, và đang thiết lập hệ thống liên lạc và phát triển tên lửa chống máy bay mới, theo NHK.

Văn Khoa// Thanh Niên
---------
Thủ tướng Singapore: Biển Đông cần một bộ quy tắc ứng xử

Đông Nam Á cần nỗ lực hướng tới một bộ quy tắc ứng xử Biển Đông. Đó là tuyên bố của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sau cuộc gặp với Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 21/10.

Báo Today Online trích phát biểu của Thủ tướng Singapore với báo giới, trong đó bày tỏ hy vọng rằng các cuộc thảo luận không chính thức về vấn đề này sẽ diễn ra tại cuộc họp thượng đỉnh ASEAN vào tháng sau ở thủ đô Phnom Penh.

Ông Lý nói ASEAN cần nỗ lực hướng tới việc dàn xếp các cuộc tranh chấp nan giải ở Biển Đông, nhưng đồng thời cũng đừng để cho vấn đề tranh chấp làm cản trở sự hợp tác và các công việc khác của khu vực tại hội nghị cấp cao sắp tới.

Trả lời câu hỏi liệu ông có thấy tiến bộ nào trong vấn đề Biển Đông hay không, Thủ tướng Singapore nhìn nhận rằng việc này cần phải có thời gian, đặc biệt khi liên hệ tới vấn đề chủ quyền quốc gia.

Tuy nhiên, ông Lý lưu ý đã có nhiều dấu hiệu tốt trong 6 tháng qua, kể từ khi các vị bộ trưởng ngoại giao gặp nhau tại Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN ở Phnom Penh.

Giới lãnh đạo Trung Quốc và các nước ASEAN đã có các cuộc tiếp xúc bao gồm cả chuyến đi Philippines mới đây của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc.

Lãnh đạo các nước Đông Nam Á bao gồm Việt Nam sẽ đến Phnom Penh từ ngày 17 đến ngày 20/11 tới đây để tham dự hội nghị cấp cao khu vực.

Trong khoảng thời gian này, cũng sẽ diễn ra các cuộc thảo luận giữa ASEAN với các nước Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
 
Theo CAN/Today Online, ĐVO
-------
Nga sẽ triển khai hệ thống tên lửa đạn đạo trên đường sắt

Kế hoạch này sẽ giúp quân đội Nga có thêm một phương tiện phòng thủ quốc phòng linh hoạt.
Theo Đại tá Vadim Koval, phát ngôn viên về Các lực lượng tên lửa chiến lược (RVSN) thuộc Bộ Quốc phòng Nga, hệ thống này bao gồm một đàn tàu với 2 hoặc 3 đầu máy diesel và các toa xe chuyên dụng. Nhìn bên ngoài, các toa xe này trông giống như những toa xe hành khách, song nó lại chứa những tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và các đồn bốt. 

Hệ thống tên lửa trên đường sắt được thiết kế để sử dụng dọc những tuyến tuần tra biên giới đặc biệt, nó cũng có thể chạy trên các trên các đường ray dân dụng.

Trước đây, 3 sư đoàn tên lửa gần các thị trấn Kostroma, Krasnoyarsk và Perm của Nga đã được triển khai. Các sư đoàn này có 12 tàu, mỗi tàu chuyên chở 36 tên lửa, mỗi tên lửa chứa 10 đầu đạn hạt nhân.

Các sư đoàn tên lửa này của Nga đã ngừng hoạt động cách đây gần một thập kỉ trước.

Tuy nhiên, mới đây, nó đang được xem xét lại bởi có thể trở thành phương tiện bảo vệ một vùng rộng lớn của nước Nga khỏi những mối đe dọa toàn cầu đang ngày càng trở nên đa dạng hơn.
(Soha)
---------
Thổ Nhĩ Kỳ có bom nguyên tử

Theo tờ Haberturk, tại căn cứ không quân Thổ-Mỹ Injirlik tại Adana có cất giữ 70 quả bom nguyên tử B-61.

Cũng theo báo này, tuy Thổ Nhĩ Kỳ có bom nguyên tử, nhưng khả năng sử dụng chúng là rất nhỏ.

Phần lớn số bom này thuộc quyền sở hữu của quân đội Mỹ và Washington có quyền sử dụng chúng trong trường hợp cần thiết. Sự hiện diện của vũ khí hạt nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy mối quan tâm của Mỹ trong trường hợp khẩn cấp xảy ra trong khu vực.

Bom hạt nhân B-61 của Mỹ

Theo Haberturk, đến năm 1995, có từ 10 đến 20 quả bom B-61 được cất giữ tại 2 căn cứ không quân Akinci và Balikesir. Hiện tại, số bom này đã được chuyển sang căn cứ Injirlik.

Mỹ đã nhiều lần đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ cho phép các máy bay có khả năng chuyên chở loại bom này trú quân tại căn cứ Injirlik nhưng không được chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho phép. Vấn đề hiện giờ là loại phương tiện nào sẽ chuyên chở số lượng bom này.

B-61 là loại vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ, có chiều dài là 3,58 m, đường kính gần 33 cm,trọng lượng khoảng 320 kg, tùy thuộc từng biến thể.

Hiền Thảo (theo Itar-Tass, ĐVO)
----------
 Radar ‘Surok’: ‘Con mắt thần’ chống khủng bố đường không

Do tập đoàn Hệ thống vô tuyến điện và thông tin RTI chế tạo, các trạm radar cỡ nhỏ "Surok” là rất độc đáo và có tầm bao quát tuyệt hảo,vô song.

Phát ngôn viên của RTI Konstantin Poltoranin cho biết: “Tổ hợp ‘Surok’ khá linh hoạt nhạy bén, và phải kể đến tính năng độc đáo của nó là có thể bao quát trường mục tiêu rộng lớn, kể cả những phương tiện bay không người lái. Đây là nhiệm vụ không giản đơn đang đặt ra cho các hệ thống phòng không. Ưu điểm nữa là radar ‘Surok’ có thể triển khai trước các chủ thể quan trọng trong thời gian ngắn, để bảo vệ các cơ sở này khỏi hiện diện không mong muốn của kẻ lạ. Các nước ngoài chưa có tổ hợp tương tự. Có những nghiên cứu chế tạo của người Mỹ, người Australia, người Israel. Tuy nhiên, tổ hợp của Nga khác biệt ở chỗ không đòi hỏi kinh phí lớn để duy trì hoạt động, mà lại có nhiều chức năng”.

Trạm radar mới có thể nhận biết dễ dàng bất kỳ vật thể nào khi còn ở khoảng cách xa tới những đối tượng được bảo vệ. Quan sát viên quốc phòng Viktor Baranets của báo "Komsomolskaya Pravda" nói thêm: “Nếu mục tiêu đang bay ở độ cao 200 mét, ‘Surok’ có thể phát hiện ở khoảng cách 12 km. Nếu mục tiêu bay ở độ cao 1000 mét, radar nhìn thấy ở khoảng cách 20 km. Còn nếu khí cụ bay lạ ở độ cao 5 km, sẽ bị radar ghi hình ở cự ly 50 km. Không có kiểu radar nào trên thế giới sánh được với radar ‘Surok’ về đặc tính hiệu suất kỹ thuật. Mẫu gần tương tự thì có, nhưng xét về độ chính xác và khả năng chống nhiễu thì radar ‘Surok’ của Nga vẫn là vô song. Cần kể đến một ưu điểm khác của ‘Surok’ là radar đủ sức làm việc liên tục trong 50.000 giờ. Đây là chỉ số rất cao”.

Theo chuyên viên Viktor Baranets, ở  Nga có nhiều chủ thể chiến lược. Đó là nhà máy điện hạt nhân, đập nước, các trụ sở quốc phòng và cơ quan chính phủ. Nếu đặt trước mỗi chủ thể như vậy một trạm radar cỡ lớn thì sẽ tốn phí rất nhiều tiền. Trong khi đó, "Surok” hoạt động theo chế độ nội bộ không đòi hỏi quá nhiều năng lượng. Ông Baranets nói: “Ở mỗi chủ thể sẽ có một trạm radar ‘Surok’ riêng, bao quát  360 độ, liên tục theo dõi tình hình không trung. Như vậy nó là phương tiện rất hiệu quả để chống khủng bố đường không, mối đe dọa gần đây ngày càng gia tăng. Cũng không vô ích khi xem xét phương án bố trí trạm radar này tại mỗi chủ thể có hệ thống tên lửa chống máy bay. Nếu lập trận địa tên lửa mà thiếu ‘con mắt thần’ như ‘Surok’ thì không thể phát huy tác dụng vào thời điểm cần thiết”.

Tập đoàn RTI sáng chế “Surok” nằm trong số 100 hãng quốc phòng lớn hàng đầu của thế giới, được thừa nhận là thủ lĩnh trong chuyên ngành radar-vô tuyến điện. Đây là một trong số ít tập đoàn thuộc ngành công nghiệp quốc phòng Nga sở hữu tỷ lệ cao về nguồn vốn tư nhân. Đặc điểm đó tạo nhiều khả năng để RTI linh hoạt khai triển những sáng kiến ứng nghiệm trong lĩnh vực dân dụng cũng như quân sự.

Theo VOR, ĐVO
-----
 Nga lùi thời hạn trang bị tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borey

 Tuyên bố trên vừa được Bộ trưởng Quốc phòng Nga đưa ra ngày 22/10, nhưng ông không nói rõ lý do lùi thời hạn trang bị tàu lớp Borey.

 Ngày 22/10, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Serdyukov trả lời phỏng vấn báo chí cho biết, thời gian trang bị chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borey đầu tiên Yuri Dolgoruky cho Hải quân Nga sẽ bị trì hoãn đến năm 2013.

Ông Serdyukov nói: “Chúng tôi dự kiến Hải quân sẽ tiếp nhận tàu Yuri Dolgoruky vào năm 2013. Đến năm 2014, Hạm đội Thái Bình Dương sẽ sở hữu chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp này sản xuất hàng loạt đầu tiên – tàu Alexander Nevsky”.

Bộ Quốc phòng Nga ban đầu dự kiến đưa tàu Yuri Dolgoruky vào hoạt động trong tháng 10 năm nay, nhưng Serdyukov không giải thích nguyên nhân trì hoãn kế hoạch này.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borey là tàu ngầm hạt nhân chiến lược duy nhất do Nga nghiên cứu chế tạo sau khi Liên Xô sụp đổ, chủ yếu dùng để duy trì cân bằng chiến lược trên biển với Mỹ.

Truyền thông xác định nó là kình địch (đối thủ nặng ký) của tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio Mỹ.

Trong vài năm tới, nó sẽ thay thế cho tàu ngầm hạt nhân 667BDRM Dolphin, 667BDM Squid (Кальмар) và 941 Akula hiện có, trở thành xương sống của lực lượng hạt nhân chiến lược trên biển của Nga.

Căn cứ vào kế hoạch tái trang bị của Quân đội Nga, Hải quân sẽ sở hữu 8 tàu ngầm hạt nhân lớp này trước năm 2020.

Tàu ngầm hạt nhân lớp Borey do Cục Thiết kế Trung ương Rubin có trụ sở tại St. Petersburg thiết kế. Nó dài 170 m, rộng 13,5 m, tốc độ lặn tối đa 29 hải lý/giờ, lặn sâu tối đa 450 m, biên chế 107 người.

Vũ khí chủ yếu của tàu ngầm mới là 16 quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Bulava kiểu mới, tầm phóng của tên lửa này là 8.000 km, có thể mang theo nhiều nhất 10 đầu đạn hạt nhân độc lập (MIRV), khả năng gây thiệt hại của mỗi đầu đạn tương đương 100-150 nghìn tấn TNT.
Đồng thời, tàu ngầm Borey đã áp dụng công nghệ giảm tiếng ồn tiên tiến, khi lặn tiếng ồn chỉ 108 đê-xi-ben (decibel).
(GDVN)
----------
Chỉ huy cấp cao Taliban tại Bắc Afghanistan bị bắt

Reuters đưa tin, người phát ngôn cảnh sát tỉnh Kunduz Sayed Sarwar Husseini ngày 23/10 cho biết thủ lĩnh cấp cao của Taliban ở Bắc Afghanistan Mullah Abdul Rahman đã bị bắt trong một chiến dịch chung của lực lượng Afghanistan và NATO.

Ông Husseini nói: "Tên Rahman liên quan đến sự tình hình bất ổn ngày càng tăng tại các tỉnh Kunduz, Takhar và Badakhshan. Tên này khuyến khích phiến quân cài những quả bom ven đường và dàn dựng rất nhiều vụ tấn công nhằm vào giới chức Afghanistan."

Ông Husseini cho biết thêm tên Rahman, người được NATO miêu tả là "một chuyên gia tài chính của Taliban" ở miền Bắc Afghanistan, đã bị bắt ở huyện Char Darah thuộc tỉnh Kunduz hôm 19/10./.

(Vietnam+)

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te