TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin nhanh 24-10-2012


Chính phủ Nhật lao đao

Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda vừa chấp thuận đơn từ chức của Bộ trưởng Tư pháp Keishu Tanaka. Sự việc làm chính phủ của ông càng thêm rối ren.

Ông Keishu Tanaka mới giữ chứcBộ trưởng Tư pháp chưa đầy một tháng. Ông này bị buộc từ chức sau khi có thông tin cho rằng, ông có quan hệ với băng đảng tội phạm khét tiếng ở Nhật, Yakuza và nhận tiền tài trợ từ nước ngoài, vi phạm luật của Nhật Bản.

Ông Tanaka (74 tuổi) ngày 19/10 đã nhập viện Tokyo vì đau ngực, huyết áp cao và loạn nhịp tim.

Sau khi thông tin ông có liên quan đến băng đảng tội phạm được tiết lộ, các đảng đối lập đã chỉ trích và yêu cầu ông từ chức.

Ông Tanaka thừa nhận rằng, ông đã làm mai cho một thành viên của một băng đảng tội phạm và tham dự đám cưới do kẻ đứng đầu nhóm tổ chức. Tuy nhiên, ông Tanaka cho rằng, đó là chuyện cũ và đã xảy ra cách đây 30 năm. Ông Tanaka còn khẳng định, ông không hề biết đám cưới đó có liên quan đến nhóm tội phạm Yakuza.

Trước đó, ông Tanaka cũng bị chỉ trích vì nhận 420.000 yên Nhật từ một công ty Trung quốc. Ông cho biết mình không hề biết quốc tịch của nhà tài trợ và đã trả lại tiền ngay sau khi nhận ra sai lầm.

Tháng 9 năm ngoái, bộ trưởng kinh tế của Nhật cũng từ chức. Tháng trước, bộ trưởng dịch vụ tài chính tự tử và sự việc từ chức của bộ trưởng tư pháp càng khiến chính phủ của Thủ tướng Noda thêm nhiều rắc rối, bởi ông Noda đang chịu áp lực vì tình hình kinh tế trong nước và cách giải quyết trong chính sách ngoại giao, cụ thể là với Trung Quốc. Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Chính phủ của Thủ tướng Noda chỉ đang ở mức 18%.

Trước tình hình đó, các đảng đối lập đang mạnh mẽ yêu cầu Thủ tướng Noda mở một cuộc tổng tuyển cử trong tương lai gần, cụ thể là cuối năm nay.

Đỗ Quyên
Theo Infonet
------
Nam Phi: Mỏ vàng Gold Fields sa thải 8.500 công nhân đình công

 Ngày 23/10, mỏ vàng Fields ở Nam Phi đã sa thải toàn bộ 8.500 thợ mỏ từ chối chấm dứt đình công bất hợp pháp tại mỏ Đông KDC.

Công nhân mỏ vàng Gold Fields diễu hành ở thị trấn Carletonville, phía tây Johannesburg tháng 9/2012 - Ảnh: AFP

"Toàn bộ 8.500 người đình công không trở lại làm việc, vì vậy chúng tôi sa thải tất cả họ," phát ngôn viên của mỏ, ông Sven Lunsche, nói với AFP. Người lao động có 24 giờ để kháng cáo việc họ bị sa thải, ông nói thêm.

Những công nhân khu mỏ đang đình công thuộc quyền quản lý của nhà sản xuất vàng lớn thứ tư thế giới ở Carletonville, tây nam Johannesburg, đã phớt lờ tối hậu thư yêu cầu trình diện vào lúc 4 giờ chiều (21g giờ VN).

Ngày 18/10, công ty đã cho 1.500 người đình công nghỉ việc tại mỏ Tây KDC , mặc dù sau đó đa số công nhân phản đối quyết định sa thải họ.

Sa thải tập thể thường được các chủ mỏ ở Nam Phi sử dụng như một phương thức thương thuyết cứng rắn đối với công nhân bãi công.

Hàng chục ngàn người lao động trong ngành khai thác mỏ tại Nam Phi đã tham gia vào hàng loạt các cuộc đình công đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.

Các cuộc đình công này đã làm tê liệt ngành sản xuất tạo ra 19% giá trị nền kinh tế Nam Phi, tăng thêm áp lực cho những người sử dụng lao động, chính phủ và thậm chí cả các nghiệp đoàn công nhân.

VIỆT HƯNG (Theo AFP, PNO)
----------
Khai trương trang web của Ủy ban Nhân quyền ASEAN

Đây là một cánh cổng mới để Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền kết nối với thế giới bên ngoài.

   Ngày 23/10, trang web và sách giới thiệu Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) đã chính thức ra mắt tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia.

Phát biểu tại buổi lễ ra mắt trang web www.aichr.org, Bộ trưởng Cấp cao Campuchia Om Yentieng, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền 2012, cho biết trang web và cuốn sách giới thiệu là thành quả mới của ủy ban, phổ biến những hoạt động chủ đạo cũng như thành tích của Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền trong lĩnh vực thúc đẩy nhân quyền.

Ông nhấn mạnh: "Đây là một cánh cổng mới nữa để Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền kết nối với thế giới bên ngoài".

Cũng theo ông Om Yentieng, Tuyên bố ASEAN về Nhân quyền sẽ chính thức được đưa ra vào tháng 11 tới trong thời gian diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 tại Phnom Penh./.

Theo TTXVN
-----
Qatar sẽ đầu tư 400 triệu USD để tái thiết dải Gaza

Ngày 23/10, trong chuyến thăm lịch sử của Quốc vương Qatar Hamad bin Khalifa al-Thani tới dải Gaza, Thủ tướng phong trào Hồi giáo Hamas Ismail Haniya cho biết Doha sẽ tăng mức đầu tư vào công cuộc tái thiết Dải Gaza từ 254 triệu USD lên 400 triệu USD.

Phát biểu họp báo tại Khan Yunis ở miền Nam Gaza, ông Haniya nói: "Quốc vương al-Thani đã nhất trí tăng kinh phí đầu tư từ 254 triệu USD lên 400 triệu USD."

Theo AFP, chuyến thăm của Quốc vường al-Thani là một sự kiện ngoại giao có ý nghĩa lịch sử đối với Hamas, chính quyền bị quốc tế tẩy chay kể từ khi phong trào này dùng vũ lực giành quyền kiểm soát Dải Gaza năm 2007 từ tay các lực lượng trung thành với Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmud Abbas được phương Tây ủng hộ.

Thủ tướng Haniya đánh giá chuyến thăm cấp nguyên thủ quốc gia của ông al-Thani là "thắng lợi" trước sự kiềm tỏa về chính trị và kinh tế đối với chính quyền của ông.

Các quan chức cho biết dự án tái thiết Dải Gaza, vốn bị phá hoại nghiêm trọng trong chiến dịch tấn công 22 ngày đêm của Israel từ cuối tháng 12/2008, sẽ bao gồm làm đường, xây nhà và cơ sở hạ tầng cũng như phát triển nông nghiệp./.

(Vietnam+)
---------
Việt Nam, EU bàn khuôn khổ hợp tác mới

Bộ Ngoại giao Việt Nam và Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Hà Nội hôm nay đồng tổ chức hội thảo "Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện PCA: khuôn khổ hợp tác mới cho quan hệ Việt Nam - EU".

Gần 100 đại biểu đến từ các bộ, ngành, cơ quan trung ương, chính phủ, đại diện địa phương của Việt Nam đã tham dự hội thảo. Phía EU có các đại sứ và đại diện đại sứ quán các nước thành viên cũng Phái đoàn EU tại Hà Nội. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và đại sứ, trưởng Phái đoàn EU tại Hà Nội, ông Franz Jessen đồng chủ trì, thông cáo của Bộ Ngoại giao cho hay.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - EU đang có những bước phát triển hết sức tốt đẹp, đặc biệt là ngay trước chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu theo lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. EU hiện là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực từ chính trị - ngoại giao, hợp tác phát triển, thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ đến ứng phó với các thách thức toàn cầu. Hiệp định PCA và việc đàm phán Hiệp định FTA Việt Nam - EU là những bước phát triển hết sức quan trọng, đưa quan hệ Việt Nam - EU chuyển sang một giai đoạn mới theo tinh thần đối tác bình đẳng, hợp tác toàn diện, lâu dài, mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên.

Đây là cuộc hội thảo lần đầu tiên về PCA được tổ chức kể từ khi Hiệp định được Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Đại diện cấp cao của EU về đối ngoại và chính sách an ninh Catherine Ashton ký chính thức ngày 27/6/2012 tại Brussels, Vương quốc Bỉ. Hội thảo nhằm mục đích giới thiệu về PCA - một Hiệp định có tầm quan trọng trong quan hệ Việt Nam - EU; ý nghĩa của việc ký kết Hiệp định đối với quan hệ Việt Nam - EU; cung cấp thông tin cơ bản về PCA, những đánh giá của cả hai phía Việt Nam và EU về triển vọng hợp tác Việt Nam - EU; qua đó giúp các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam xây dựng định hướng hợp tác cụ thể với EU trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định Hiệp định PCA góp phần quan trọng định hình sự phát triển của quan hệ Việt Nam - EU trong nhiều năm tới và nhiệm vụ đặt ra là cần biến những thỏa thuận trong PCA thành những kết quả hợp tác cụ thể, thiết thực, mang lại lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.

Đại diện của Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Phái đoàn EU và Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu đã có các bài phát biểu tham luận tại Hội thảo; cung cấp thông tin, giới thiệu toàn diện về PCA... cung cấp đánh giá tác động của PCA đối với quan hệ Việt Nam - EU, những thuận lợi và khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, một trụ cột quan trọng hàng đầu trong quan hệ Việt Nam - EU. Các đại biểu tham dự Hội thảo đã tích cực thảo luận xung quanh nội dung PCA và công tác triển khai trong thời gian tới.

Nhân dịp Hội thảo, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Phái đoàn EU tại Hà Nội đã hợp tác cho ra mắt quyển sách giới thiệu toàn văn Hiệp định PCA và Quan hệ Việt Nam - EU. Sách được in bằng tiếng Việt và Anh, là một tài liệu tham khảo hữu ích đối với những người nghiên cứu hoặc công tác trong các lĩnh vực có quan hệ với EU.

Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 10 năm 1990, mối quan hệ Việt Nam - EU đã phát triển nhanh chóng, chuyển từ sự tập trung ban đầu vào thương mại và viện trợ sang một mối quan hệ đối tác mang tính chính trị hơn, đa dạng và sâu rộng hơn. Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện mới giữa EU và Việt Nam (PCA), đã được ký tắt vào tháng 10/2010 và được ký kết chính thức vào ngày 27/6/2012. Hiệp định này thay thế Hiệp định Hợp tác khung ký kết năm 1995. PCA mới sẽ cần phải được các nước thành viên EU phê chuẩn và trình lên Nghị viện châu Âu trước khi nó chính thức có hiệu lực.

Hà Giang, VNexpress
--------
Australia cấp phép cho chủ TQ mua đất nông nghiệp

Thủ tướng Australia Julia Gillard hôm 23/10 tuyên bố các nhà đầu tư nước ngoài muốn mua đất nông nghiệp ở Australia thì sẽ phải xin giấy phép cấp quốc gia, giữa lúc có những chỉ trích về việc chính quyền cho phép các nhà đầu tư Trung Quốc mua lại những vùng đất nông nghiệp có giá trị.

Theo Thủ tướng Julia Gillard, Australia hoan nghênh sự đầu tư từ nước ngoài song chính phủ nước này cũng hiểu về nhu cầu thông tin mà người dân sở tại cần biết.

Thủ tướng Julia Gillard cho hay: “Việc đăng ký sẽ giúp cộng đồng có cái nhìn toàn diện hơn về bức tranh tổng thể, trong đó những nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải công khai chi tiết quy mô đất và vị trí.”

Thời gian qua, những chính trị gia bảo thủ đã lên tiếng cảnh báo chính phủ Australia về việc bán những mảnh đất nông nghiệp có giá trị cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Trung Quốc.

Tuy nhiên, bà Gillard, người đã đưa ra những phát biểu trong cuộc gặp những nông dân ở Canberra, cho biết đầu tư nước ngoài “không phải là vấn đề mới xuất hiện” ở Australia.

Thủ tướng Julia Gillard cho hay: “Đầu tư nước ngoài giúp nền nông nghiệp Australia trong 200 năm qua và nó rất quan trọng cho tương lai khi chính phủ đang tìm kiếm cách thúc đẩy các hoạt động liên quan đến an ninh lương thực.”

Theo một bản báo cáo hồi đầu năm của một ủy ban do chính phủ Australia chỉ định, 89% số nông trại hiện nay thuộc quyền quản lý của người dân Australia.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc giới đầu tư Trung Quốc chuyển hướng sang mảng đất nông nghiệp đang trở thành một vấn đề nhạy cảm ở Australia.

Mới đây, một đoàn do Trung Quốc đứng đầu đã mua một trong các trang trại lớn nhất trên thế giới tại vùng hoang mạc hẻo lánh của Australia, có tên Cubbie Station./.

Trà My (Vietnam+)
---------
Philippines bảo vệ tàu của LHQ trước nạn cướp biển Somalia

Hiện quân số cụ thể vẫn chưa được đề cập.

Ngày 23/10, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, lực lượng bảo vệ bờ biển nước này sẽ triển khai binh sỹ trên các tàu của LHQ chở lương thực tới châu Phi, bảo vệ các tàu này khỏi nguy cơ bị cướp biển Somalia tấn công và bắt cóc.
Cướp biển Somalia ở bờ biển Hobyo (Somalia) (Ảnh minh họa, nguồn: AFP)

Nguồn tin cho biết, quyết định gửi binh sỹ Philippines bảo vệ các tàu của LHQ được Chính phủ Philippines đưa ra nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Lực lượng Hải quân EU đề nghị Chính phủ các nước đóng góp lực lượng và tài chính cho các chiến dịch chống cướp biển.

Các binh sỹ được triển khai bảo vệ tàu của LHQ thuộc Nhóm các chiến dịch đặc biệt trong Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines. Tuy nhiên, quân số cụ thể chưa được đề cập./.

Bá Thi/VOV-Trung tâm tin
Theo Tân Hoa xã

----------
 Myanmar ban bố lệnh giới nghiêm sau bạo lực tôn giáo

Ngày 23/10, chính quyền bang Rakhine ở miền Tây Myanmar đã ban bố lệnh giới nghiêm đối với hai thành phố đầy bất ổn Minbya và Mrauk U sau khi tái diễn tình trạng bạo lực tôn giáo tại khu vực trong những ngày qua.

Theo chính quyền bang Rakhine, lệnh giới nghiêm bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23/10 trong khoảng thời gian từ 19 giờ đến 5 giờ sáng, với thời hạn chưa xác định.

Các cuộc xung đột tôn giáo bùng phát trở lại từ tối ngày 22/10 tại thành phố Minbya và tiếp tục lan sang Mrauk U. An ninh tại khu vực này trở nên hỗn loạn buộc chính quyền địa phương phải ban bố lệnh giới nghiêm và lực lượng an ninh phải can thiệp để kiểm soát tình hình. Hiện chưa có báo cáo chính thức về vụ việc, song theo thống kê ban đầu, ít nhất 5 người đã thiệt mạng và hàng trăm ngôi nhà bị đốt cháy trong các vụ xung đột này.

Ngày 17/8 vừa qua, Tổng thống Myanmar U Thein Sein đã ký sắc lệnh thành lập một ủy ban điều tra gồm 27 thành viên nhằm tìm hiểu nguyên nhân thực sự của cuộc xung đột bùng phát tại bang Rakhine, làm xói mòn sự ổn định và luật pháp tại khu vực này.

Vào ngày 21/10, Chính phủ Myanmar đã cho phép các tổ chức nhân đạo quốc tế thực hiện các chương trình cứu trợ đối với những nạn nhân là tín đồ Hồi giáo trong các vụ xung đột tôn giáo tại khu vực miền Tây nước này. Quyết định trên được đưa ra sau khi những người theo đạo Phật tại Myanmar đã xuống đường biểu tình phản đối việc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) yêu cầu hỗ trợ các tín đồ Hồi giáo là nạn nhân trong vụ xung đột tại Rakhine .

Kể từ khi bùng phát xung đột giữa người theo đạo Phật và người Hồi giáo địa phương từ giữa tháng 6, đã có tổng cộng 90 người thiệt mạng, gần 120 người bị thương và hàng trăm ngôi nhà bị phá hủy, khiến hàng chục nghìn người bị ảnh hưởng. Chính quyền bang Rakhine đã ban bố tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm tại 6 thành phố trọng điểm, bao gồm Maungtaw, Buthidaung, Sittwe, Thandwe, Kyaukphyu và Yanbye.

* Trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy kinh tế tại Mianma, ngày 21/10, Tổng thống U Thein Sein đã tổ chức một buổi họp báo tại thủ đô Nay Pyi Taw để trả lời các câu hỏi của báo giới trong và ngoài nước.

Tại buổi họp báo, Tổng thống U Thein Sein đã trả lời các câu hỏi về vấn đề ban hành Luật Đầu tư nước ngoài mới, đồng thời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thu hút và thúc đẩy đầu tư nước ngoài trong việc phát triển kinh tế. Hiện Myanmar, quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên với nguồn lao động dồi dào đang là một trong nước thu hút đầu tư mạnh mẽ từ nước ngoài.

TTXVN/Tin tức
-----
7 chuyên gia bị kết án không cảnh báo động đất

Giới cộng đồng khoa học đang bị rúng động trước tin 7 chuyên gia Italia hôm qua (22/10) vừa bị kết tội ngộ sát vì đã không cảnh báo đầy đủ cho người dân về nguy cơ trước khi một trận động đất tấn công vào miền trung Italia năm 2009, khiến hơn 300 người thiệt mạng.
 
Các bị cáo, tất cả đều là những nhà khoa học nổi tiếng, các chuyên gia về địa chất và thảm hoạ, đã bị kết án 6 năm tù giam.
 
Trong số những người bị kết tội ngày hôm qua có một số là những chuyên gia địa chất và địa chất học nổi tiếng nhất Italia và được quốc tế đánh giá cao như ông Enzo Boschi, cựu Giám đốc Viện Địa Vật lý và Núi lửa quốc gia.
 
"Tôi hoàn toàn thất vọng và chán nản. Tôi nghĩ đáng ra tôi phải được xử trắng án. Tôi vẫn không hiểu tôi bị kết tội gì”, ông Boschi nói.
 
Một bị cáo khác có tên là Bernardo De Bernardinis cho biết: “Tôi xem mình vô tội trước Chúa và mọi người dân”.
 
Phiên toà xét xử các nhà khoa học ở Italia được bắt đầu từ hồi tháng 9 năm ngoái ở thành phố Apennine. Các bị cáo bị cáo buộc đã cung cấp “những thông tin mâu thuẫn, không chính xác và không đầy đủ” về việc liệu những dư chấn nhỏ mà người dân L'Aquila cảm nhận thấy trong những tuần, những tháng trước ngày 6/4/2009 có phải là cơ sở cho một lời cảnh báo về trận động đất mạnh hay không.
 
Trận động đất 6,3 độ richter hôm 6/4/2009 đã cướp đi sinh mạng của 308 người.
 
Các chuyên gia động đất trên khắp thế giới đã lên án phiên toà xét xử trên, gọi đó là hành động lố bịch. Theo lập luận của các chuyên gia này, không có cách nào để biết một loạt chấn động sẽ dẫn đến một trận động đất gây chết người.
 
"Đó là một ngày buồn cho khoa học. Thật là một điều đáng lo ngại", nhà địa chấn học Susan Hough thuộc Cục Khảo sát Địa chất Mỹ ở Pasadena, California, cho biết.
 
Trong khi đó, nhà khoa học chuyên nghiên cứu về động đất – bà Maria Beatrice Magnani cho hay, phán quyết của phiên toàn “thật sự gây sốc”. Bà này đã theo dõi rất sát phiên toà xét xử các chuyên gia của Italia.
 
Trái ngược với phản ứng của các nhà khoa học, người thân của các nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất năm 2009 lại cho rằng, công lý đã được thực thi. Bà Ilaria Carosi, chị gái của một trong những nạn nhân, đã phát biểu trên đài truyền hình Italia rằng, các quan chức cần phải chịu trách nhiệm vì đã “coi nhẹ công việc của họ".
 
Ở Italia, sự kết án chưa phải là cuối cùng sau khi ít nhất một người kháng cáo. Vì thế, chưa có bất kỳ bị cáo nào phải đối mặt với án tù ngay lập tức sau phiên toà.

Kiệt Linh - (theo AP)
------
Quỹ cứu trợ eurozone 500 tỷ euro có thể bị phủ quyết

Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) hay quỹ cứu trợ 500 tỷ euro của eurozone có thể bị coi là vi phạm luật pháp Liên minh châu Âu.

Một thành viên thuộc quốc hội Ireland, Thomas Pringle, vừa đệ trình đơn kiện lên Tòa án tư pháp Liên minh châu Âu (EU) về tính bất hợp pháp của ESM. Đây là tòa án có quyền phủ quyết ESM nếu cơ chế cứu trợ của quỹ không phù hợp với quy định của EU.

Ông Pringle tranh luận, ESM vi phạm điều khoản “không cứu trợ” theo luật của EU và tiếm quyền của EU trong chính sách kinh tế và tiền tệ.

Dự kiến, phiên điều trần về vấn đề này sẽ diễn ra hôm nay 23/10 với phán quyết cuối cùng có thể đưa ra vào cuối năm dựa trên phán quyết của 27 nước thành viên EU.

Phiên tòa diễn ra sau khi Tòa án hiến pháp liên bang Đức thừa nhận tính hợp pháp của quỹ trên.
ESM chính thức ra mắt hôm nay 8/10 nhằm hỗ trợ tài chính các nước đang gặp nhiều khó khăn trong khu vực với điều kiện chính phủ nước đó phải thực hiện cải cách, giảm chi tiêu, giảm thâm hụt ngân sách.

Ngoài ra, ESM còn có thể dùng để bơm vốn trực tiếp cho những ngân hàng trong khu vực hoặc dùng để mua trái phiếu trên thị trường thứ cấp, giảm chi phí đi vay cho các nước mắc nợ.
 
Theo Gafin
-------
Tổng thống Nga Putin đã lùi thời gian thăm Ấn Độ

India Today ngày 23/10 đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lùi chuyến thăm Ấn Độ đến ngày 24/12, muộn hơn gần hai tháng so với lịch trình ban đầu từ ngày 31/10-1/11.

Quyết định này đã làm dấy lên đồn đoán về những bất đồng giữa hai nước đối với các vấn đề gây tranh cãi như luật trách nhiệm hạt nhân dân sự của Ấn Độ và đầu tư của Nga tại Ấn Độ liên quan đến việc Tòa án Tối cao Ấn Độ hủy giấy phép của một số công ty, trong đó có hai công ty của Nga do dính líu tới vụ bê bối tham nhũng 2G xảy ra năm 2008, khiến nhà nước Ấn Độ thất thu nhiều tỷ USD.

Tuy nhiên, liên quan đến sự kiện ông Putin lùi chuyến thăm, bộ Ngoại giao Ấn Độ chỉ thông báo ngắn gọn rằng Tổng thống Putin sẽ thăm chính thức Ấn Độ vào ngày 24/12 để tham dự cuộc gặp thượng đỉnh thường niên Nga-Ấn./.

(Vietnam+)
------
"Iran sẽ dừng xuất khẩu dầu nếu bị tăng trừng phạt"

Theo THX và Reuters, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Rostam Qasemi ngày 23/10 tuyên bố nước Cộng hòa Hồi giáo này có thể ngừng xuất khẩu dầu nếu phương Tây gia tăng sức ép lên Tehran thông qua các biện pháp trừng phạt.

Trả lời báo giới, ông Qasemi cho biết Iran đã có chiến lược khẩn cấp mang tên "Phương án B" để vượt qua các biện pháp trừng phạt mà không cần tới nguồn thu từ dầu mỏ.

Ông nói rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) "không có gì mới đối với Iran, chúng tôi đã đương đầu với chúng hơn 30 năm qua". Quan chức này cũng lưu ý rằng nhu cầu dầu mỏ tại các thị trường mới nổi đang ngày một tăng.

Phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng Thế giới 2012 tại Dubai, ông Qasemi cho hay Iran đã bắt tay vào nỗ lực phát triển năng lượng xanh để cắt giảm mức tiêu thụ dầu hóa thạch trong nước. Tehran có kế hoạch tăng cường sản xuất năng lượng thay thế như năng lượng Mặt Trời, gió và nhiên liệu sinh học để giảm bớt việc sử dụng các nguồn dự trữ dầu mỏ và khí đốt.

Ông nhấn mạnh: "Iran đang thực hiện các chính sách kinh tế mới như cải cách trợ cấp, tối ưu hóa-chuẩn hóa hoạt động tiêu thụ nhiên liệu và thay đổi mô hình tiêu thụ trong nước."

Trước đó, các nguồn tin ngoại giao cho biết ngày 12/10, các quốc gia thành viên EU đã nhất trí tăng cường trừng phạt Iran vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước Cộng hòa Hồi giáo này, trong đó chủ yếu tập trung vào các thỏa thuận với khu vực ngân hàng, thương mại và nhập khẩu khí đốt của Iran.

(Vietnam+)
-------
Hàn Quốc xây nhà máy thủy điện trên sông Mê Kông tại Lào

 Tập đoàn xây dựng SK và Công ty năng lượng Phương Tây của Hàn Quốc đã giành được bản hợp đồng trị giá 1 tỉ USD để xây dựng và vận hành một nhà máy thủy điện tại Lào, AFP dẫn lời một quan chức cho biết hôm nay 23.10.

Theo thỏa thuận với chính phủ Lào, SK sẽ xây dựng ba đập và một nhà máy thủy điện trên sông Mê Kông ở vùng cao nguyên phía nam Bolaven đến năm 2018, phát ngôn viên SK nói với AFP.

Nhà máy thủy điện Xe-Namnoy có công suất khoảng 410 megawatt sẽ được sở hữu và vận hành bởi Công ty năng lượng Phương Tây Hàn Quốc đến năm 2045, rồi sau đó chuyển giao lại cho phía Lào.

Điện được sản xuất tại Xe-Namnoy chủ yếu sẽ được bán cho Thái Lan, còn Lào sẽ hưởng được khoảng 30 triệu USD tiền thuế và các lệ phí khác mỗi năm, phát ngôn viên cho biết thêm.

Tiến Dũng
----------
Singapore hối thúc ASEAN thảo luận về COC

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long kêu gọi các nước ASEAN nỗ lực thúc đẩy Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) và hi vọng việc đàm phán sẽ bắt đầu ngay tại cuộc họp của ASEAN vào tháng tới tại Campuchia.

Tuyên bố được thủ tướng Singapore đưa ra ngày 21-10 trong cuộc gặp với người đồng cấp Campuchia Hun Sen tại Phnom Penh sau khi viếng tang cựu quốc vương Norodom Sihanouk. Ông Lý Hiển Long, như Channel News Asia dẫn lời, cho biết các nước cần hành động để kiềm chế một vấn đề nan giải như tranh chấp trên biển Đông, nhưng cũng cảnh báo không nên để nó lấn át những việc cần làm khác.

Theo ông Lý Hiển Long, giải quyết tranh chấp về lãnh thổ sẽ cần nhiều thời gian. Dù vậy, đã có một số “tín hiệu tốt” trong sáu tháng qua kể từ Hội nghị bộ trưởng ASEAN tại Phnom Penh sau tuyên bố chung sáu điểm về biển Đông. Một số cuộc gặp giữa các lãnh đạo Trung Quốc và các quốc gia ASEAN đã diễn ra trong thời gian qua, mới nhất là chuyến thăm Philippines của Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh cuối tuần trước.

Các lãnh đạo ASEAN sẽ gặp gỡ tại Phnom Penh, Campuchia từ ngày 17 đến 20-11. Tham dự các cuộc thảo luận sẽ có các quan chức cấp cao của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Cũng tại cuộc họp này, các lãnh đạo ASEAN và một số nước khác trong khu vực vào tháng tới sẽ công bố việc chính thức thiết lập một khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới với tên gọi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Thỏa thuận giữa các nước ASEAN và sáu đối tác châu Á gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand sẽ góp phần mở rộng cửa thương mại, dịch vụ và đầu tư giữa các nước.

TRẦN PHƯƠNG // Tuổi Trẻ
--------
Đối tác dễ kiếm, đồng minh khó tìm

Chuyến công du hiện tại của Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đến New Zealand và Úc vừa dễ nhưng lại vừa khó thành công đối với ông. New Zealand và Úc gần như chẳng ngần ngại gì để đáp ứng những đề nghị của ông Aquino về thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Nhất là khi, việc hợp tác trên những lĩnh vực này đều đem lại lợi ích cho cả ba nước.

Ngoài ra, chính phủ Philippines vừa đạt được thỏa thuận hòa bình với lực lượng Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro, mở ra triển vọng phát triển cho khu vực Mindanao giàu tài nguyên thiên nhiên. Vì thế, nếu ông Aquino đề nghị New Zealand và Úc tăng cường đầu tư khu vực trên thì hai nước này chắc chắn cũng rất muốn có phần trong nhu cầu phát triển ở đó.

Tuy nhiên, nếu đối tác kinh tế thương mại dễ kiếm, thì Tổng thống Aquino lại khó tìm đồng minh quân sự và an ninh trong chuyến thăm lần này.

Ông muốn Canberra chấp thuận đề nghị trở thành đối tác chiến lược của Manila như Philippines đang có với Mỹ và Nhật Bản. Ẩn ý của đề nghị này là Philippines muốn được Úc hậu thuẫn về vấn đề chính trị an ninh ở Đông Nam Á, đặc biệt trong cuộc tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên biển Đông. Tuy nhiên, vì không muốn quan hệ với Trung Quốc bị ảnh hưởng nên cả Úc lẫn New Zealand đều chưa sẵn sàng chiều ý Philippines. Cho nên, với chuyến đi này, ông Aquino có thể dễ dàng đạt được mục tiêu thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với Úc và New Zealand. Thế nhưng, ông rất khó thuyết phục họ chấp nhận nâng cấp quan hệ hợp tác quân sự và an ninh với Manila.

La Phù// Thanh Niên

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te