TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin quân sự thế giới 21-10-2012


Tàu sân bay Mỹ tuần tra biển Đông

Tàu sân bay USS George Washington đang tiến hành chuyến tuần tra tại biển Đông vào hôm nay, 20.10, nhằm biểu dương sức mạnh trong khu vực hiện có nhiều tranh chấp về lãnh thổ.

Theo AP, chuyến tuần tra của tàu USS George Washington có thể khiến Trung Quốc, nước có nhiều tranh chấp chủ quyền với các quốc gia khác trong khu vực, bực tức.

Mỹ vốn tuyên bố nước này có lợi ích quốc gia trong việc bảo vệ tự do hàng hải tại biển Đông, khu vực nằm trên các tuyến đường biển quan trọng.

Một tàu sân bay thứ hai, chiếc USS John C. Stennis, cũng đang hoạt động tại khu vực Tây Thái Bình Dương, theo thông tin từ Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ.

Theo tờ Manila Standard Today vào hôm nay, 20.10, tàu USS George Washington dự kiến thực hiện chuyến thăm thiện chí Philippines vào ngày 24.10 và sẽ tiến vào vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của Philippines.

Ít nhất hai tàu khu trục Mỹ sẽ hộ tống tàu sân bay lớp Nitmitz này tiến vào vùng biển Philippines vào ngày 24.10.

Trước đó, con tàu có trọng tải 104.200 tấn dự kiến sẽ đi qua bãi cạn Scarborough tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc.

Đây là điểm nóng tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh kể từ tháng 4.2012, sau khi các tàu Trung Quốc ngăn cản tuần duyên Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc tại khu vực.

Sơn Duân // Thanh Niên
----------
Vệ tinh Mỹ chụp ảnh Trung Quốc đóng tàu sân bay hạt nhân?

Theo China.org.cn, gần đây, vệ tinh trinh thám Mỹ đã chụp hình ảnh cho thấy Trung Quốc đang đóng tàu sân bay tại nhà máy Thượng Hải.

Cũng theo China.orga.cn, tàu sân bay mới này được xem là sản phẩm nội địa đầu tiên của Trung Quốc.

Tuy nhiên, China.org.cn không đưa ra được bằng chứng cụ thể cho thông tin này. Mọi việc chỉ nằm ở mức độ phỏng đoán hơn là khẳng định.

Dù vậy, theo các nguồn tin không chính thức, Trung Quốc có thể đã mua bản vẽ thiết kế tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân Ulyanovsk (project 1143.7) của Liên Xô (cũ).

Tàu sân bay Ulyanovsk (project 1143.7) là dự án đầy tham vọng của Hải quân Liên Xô cuối những năm 1980 nhằm tạo ra còn tàu có sức mạnh tương đương tàu Mỹ. Ulyanovsk cũng sẽ khắc phục thiếu sót, hạn chế tàu sân bay Kuznetsov.

Theo thiết kế, Ulyanovsk có lượng giãn nước hơn 79.000 tấn, dài 324,6m. Tàu thiết kế chạy bằng năng lượng hạt nhân cho phép đạt tầm hoạt động không giới hạn.

Ulyanovk có khả năng chở tới 70 máy bay gồm 27 tiêm kích Su-33/MiG-29K, 10 cường kích Su-25, 4 máy bay cảnh báo sớm Yak-44 và 15-20 trực thăng Kamov.

Tất nhiên, Ulyanovsk vẫn đi theo trường phái tàu sân bay Liên Xô trang bị hỏa lực mạnh đủ khả năng tác chiến độc lập không cần hộ tống. Tàu trang bị: 12 tên lửa hành trình chống hạm tầm xa P-700 Granit, tổ hợp phòng không tầm trung Buk, tổ hợp pháo.

Tuy nhiên, sau khi Liên Xô sụp đổ, project 1143.7 Ulyanovsk đã chết theo. Con tàu bị phá dỡ đem bán sắt vụn năm 1992.

Việc Trung Quốc có thể mua bản thiết kế Ulyanovsk (project 1143.7) hoàn toàn có khả năng. Sau 1991, Ulyanovsk thuộc quyền sở hữu của Ukraine, một trong các đối tác chính cung cấp vũ khí và công nghệ quân sự cho Trung Quốc.

Ukraine từng bán khá nhiều công nghệ quân sự tiên tiến Liên Xô cho Trung Quốc như tiêm kích Su-33 – Trung Quốc sao chép thành mẫu J-15 hoặc bộ cáp hãm đà cũ. Đặc biệt, tàu sân bay Liêu Ninh (CV-16) được cải tạo từ tàu Varyag Trung Quốc mua từ Ukraine.

Phượng Hồng (theo Navy Recognition, ĐVO)
-------------
Putin chỉ huy tập trận hạt nhân chiến lược quy mô lớn

Ngày 20/10, Lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga đã kết thúc thành công cuộc tập trận chỉ huy quy mô lớn, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng Tư lệnh tối cao Quân đội Nga - Tổng thống Vladimir Putin.

Cuộc tận trận quy mô lớn này được thực hiện lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại của Nga.

Ngày 19/10, hệ thống điều khiển Lực lượng hạt nhân chiến lược và các cuộc phóng tên lửa đã được thực hiện thành công dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng thống Putin.

Hệ thống điều khiển Lực lượng hạt nhân chiến lược mới gồm hệ thống điều khiển liên lạc tự động, các thuật toán mới điều khiển Lực lượng hạt nhân chiến lược với sự thực hiện thành thục các nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu ba thành phần thống nhất của Lực lượng hạt nhân gồm không quân tầm xa, lực lượng hạt nhân trên biển và lực lượng hạt nhân trên đất liền.

Tổng thống Putin đánh giá cao trình độ tác chiến của các đơn vị và Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nga đã thực hiện tất cả các nhiệm vụ đề ra, khẳng định độ tin cậy và hiệu quả của lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga.

Cũng trong ngày 19/10, Binh chủng tên lửa chiến lược của Nga đã phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Topol, trong khi tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa mang tên Thánh Georgy bách thắng (thuộc Hạm đội Thái Bình Dương) đã phóng thành công tên lửa đạn đạo, và các máy bay ném bom chiến lược Tu 95 và Tu 160 cũng đã phóng thành công 4 tên lửa chiến lược.

Cũng trong cuộc tập trận này, lần đầu tiên quân đội Nga đã sử dụng tổ hợp pháo tên lửa phòng không hiện đại Pantsir-S bắn hạ thành công tên lửa có cánh./.

(TTXVN)
-------
CIA mở rộng đội máy bay vũ trang không người lái

Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đang thúc giục Nhà Trắng phê duyệt việc mở rộng đội máy bay vũ trang không người lái của CIA, theo đó cấp thêm cho CIA khoảng 10 máy bay không người lái vào số đang có khoảng 30 đến 35 chiếc hiện nay.

Theo Giám đốc CIA David Petraeus, đề nghị này sẽ thúc đẩy khả năng duy trì các chiến dịch tấn công sát thương của CIA tại Pakistan, Yemen, đưa máy bay tới Bắc Phi nơi đang nổi lên các mối đe dọa từ mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda cũng như các điểm nóng phức tạp khác.
 
Trước đây, Bộ Quốc phòng Mỹ và các cơ quan khác đã dấy lên quan ngại về kho vũ khí ngày một mở rộng của CIA và sự can dự của cơ quan này trong các hoạt động mang tính sát thương. Tuy nhiên, theo một quan chức quốc phòng cao cấp, Lầu Năm Góc không phản đối kế hoạch hiện tại của CIA. Đây là động thái có thể dẫn tới việc chuyển đổi cơ quan tình báo thành một lực lượng bán quân sự.

H.Xuân// SGGP
------
Nga phô diễn sức mạnh hạt nhân

Ngày 19/10, Nga bắn thử phối hợp thành công các đầu đạn hạt nhân giả từ máy bay, tàu ngầm và bongke dưới mặt đất trong một vụ kiểm tra hiệu quả tác chiến của chúng.

Cuộc phô diễn sức mạnh bất thường này diễn ra vào thời điểm nhiều căng thẳng gia tăng giữa Moscow và Washington về những vấn đề phòng thủ không gian trong nhiệm kỳ 3 của Tổng thống Vladimir Putin.

Các quan chức Hải quân và Bộ Quốc phòng Nga cho biết, hai tên lửa Topol và R-29R đã được phóng đi từ một bongke và một tàu ngầm ở phía bên kia đất nước thuộc khu vực Tây Bắc và vùng Viễn Đông. Các tên lửa này đã bay xa hơn 6.000 km theo những hướng đối diện nhau trước khi cùng tiêu diệt mục tiêu theo thời gian chính xác định trước.

“Độ tin cậy của Topol cho thấy các hoạt động của loại tên lửa này có thể được mở rộng trong tương lai”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố.

Trong một phát ngôn riêng rẽ trên hãng thông tấn Interfax, một quan chức hải quân Nga nói rằng vụ thử nghiệm trên tàu ngầm đã chứng tỏ “mức độ hiệu quả cao của tên lửa”.

Một quan chức khác thuộc Bộ Quốc phòng Nga sau đó thông báo, hai máy bay ném bom chiến lược cũng đã thực hiện thành công các đợt bắn thử tên lửa hành trình. Cả hai máy bay này đều có thể tiếp cận bất cứ mục tiêu nào trên Trái Đất từ căn cứ xuất phát của chúng để thả bom hạt nhân.

Các tên lửa hành trình của Nga cũng có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân nhưng bay ở các tầm ngắn hơn và phải cần thêm một số chuẩn bị khác trước khi phóng đi. Theo Bộ Quốc phòng Nga, các máy bay ném bom Tu-160 và Tu-95, mỗi chiếc đã bắn đi 2 tên lửa hành trình trên Bán đảo Komy phía Bắc đất nước.

Lần hiệp đồng tác chiến này đã đánh dấu việc thử nghiệm thành công “bộ 3 trụ cột sức mạnh Nga”: phòng thủ hạt nhân trên không, trên biển và dưới mặt đất. Đây là những lực lượng đã định hình nên rường cột an ninh quốc gia Nga trong nhiều thập kỷ.

Là nước duy nhất từng phóng thử các tên lửa đạn đạo liên lục địa, Nga thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động như vậy vào những thời điểm gia tăng căng thẳng ngoại giao với Mỹ. Moscow cũng đã liên tục phải đối lá chắn tên lửa mới trang bị cho châu Ấu do NATO đứng đầu.
(KHám Phá)
---------
Iran chi 11-13 tỷ USD để mua vũ khí Nga

Theo lãnh đạo Trung tâm phân tích mua bán vũ khí toàn cầu (TSAMTO) Igor Korotchenko, tương lai gần, Iran có thể chi 11-13 tỷ USD mua vũ khí và trang bị quân sự Nga.

 “Ngoài các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) và Việt Nam, đối tác rõ ràng của Nga là Iran, trong tương lai gần nước này sẵn sàng mua vũ khí của Nga với tổng số tiền lên đến 11-13 tỷ USD”, ông Korotchenko cho biết sau hội nghị bàn tròn về Trung Đông.

Theo ông, biện pháp trừng phạt chống lại Iran của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc được thông qua dưới sức ép của Mỹ.

“Đồng thời, các biện pháp trừng phạt không hề đề cập đến bất kỳ áp đặt nào về việc xuất khẩu hệ thống phòng thủ vào Iran, đặc biệt là các hệ thống và tổ hợp phòng không, mà Bộ Ngoại giao Mỹ đã công nhận”, ông Korotchenko nói.

Vì vậy, “việc nối lại hợp tác với Iran trong các phân đoạn vũ khí không bị cấm cung cấp, đó là quyền của Nga”, ông Korotchenko cho biết.
Thu Hoài (theo Vz, ĐVO)
---------
Khả năng hủy diệt của Pantsir-S được kiểm chứng

Hệ thống tổ hợp pháo-tên lửa phòng không Pantsir-S của Nga đã bắn rơi thành công tên lửa hành trình trong một cuộc thử nghiệm gần đây.

 Bộ Quốc phòng Nga cho biết, hai tên lửa được phóng từ hệ thống phòng không tầm gần Pantsir-S đã bắn hạ một mục tiêu khi thử nghiệm tại một địa điểm ở miền bắc nước này.

Mục tiêu bị bắn hạ một tên lửa hành trình được triển khai từ máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS nhắm tới mục tiêu là một tòa nhà cách đó 800 km.

"Pantsir-S đã bắn trúng mục tiêu với hai tên lửa và bảo vệ tòa nhà khỏi bị phá hủy"- đại diện Bộ Quốc phòng Nga cho biết - "Thử nghiệm bắn thật ở khu vực Pemboy đã khẳng định hiệu suất cao của hệ thống phòng không mới".

Bước tiến mới thể hiện trong thử nghiệm lần này ở chỗ, đây là lần đầu tiên Pantsir-S đối đầu với một mục tiêu thực sự, trước đó, hệ thống mới chỉ thử nghiệm với các bia bay.

Tên lửa hành trình là một mục tiêu khó ngăn chặn bởi chúng có kích thước nhỏ, di chuyển nhanh, có thể bay ở tầm rất thấp và thường khó bị phát hiện bởi radar và các khí tài trinh sát hồng ngoại.

Các hệ thống Pantsir-S được sản xuất bởi tập đoàn KBP của Nga, là tổ hợp pháo - tên lửa kết hợp, được dẫn bắn bằng hệ thống radar điều khiển hỏa lực và cảm biến quang - điện. Hỏa lực của hệ thống gồm 2 pháo 30mm và 12  đạn tên lửa tầm ngắn điều khiển bằng sóng radio 57E6.

Trong giới thiệu của KBP, Pantsir được thiết kế để ngăn chặn các mục tiêu lên đến 20 km bằng tên lửa và 4 km bằng pháo.

Đến nay, Bộ Quốc phòng Nga đã đặt hàng 100 hệ thống Pantsir-S cho lực lượng phòng không Nga, dự kiến ​​việc chuyển giao sẽ được thực hiện trong vài năm tới.

Các biến thể xuất khẩu của hệ thống (Pantsir-S1) đã được bán cho Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Syria và Algeria.


Trong hợp đồng vũ khí gần 4,2 tỷ USD gần đây với Iraq, Moscow sẽ cung cấp cho Baghdad 50 hệ thống Pansir-S1.

Đàm Thuận (theo RIA, ĐVO)
----------
Hàng trăm máy bay Iran có thể tiến vào không phận Israel

 Đây là một tình huống mà Iran cho rằng, Israel không có khả năng ứng phó.

 Ngày 19/10, Kênh truyền hình Press TV dẫn lời Tư lệnh Lực lượng Basij của Iran, Chuẩn tướng Mohammad-Reza Naqdi cảnh báo rằng, hàng trăm máy bay không người lái có thể tiến vào không phận của Israel, một tình huống mà Iran cho rằng, Israel không có khả năng ứng phó.

Phát biểu với các phóng viên, Tướng Naqdi nhấn mạnh, sẽ có hàng trăm chiếc máy bay không người lái thuộc 25 kiểu khác nhau, được trang bị các hệ thống bay mới và sẵn sàng tiến vào không phận Israel.

Trước đó, quân đội Israel hồi đầu tháng tuyên bố máy bay chiến đấu của nước này đã bắn hạ một máy bay không người lái tại khu vực hoang mạc phía Nam. Phong trào Hồi giáo Hezbollah, nhóm vũ trang Hồi giáo dòng Shiite tại Lebanon, đã nhận trách nhiệm phóng chiếc máy bay nói trên./.

Theo TTXVN
---------
Mỹ mời Myanmar dự tập trận lớn nhất thế giới

Mỹ sẽ mời Myanmar chính thức tham dự “Cobra Gold” (Rắn hổ mang vàng) - đợt diễn tập quân sự đa quốc gia lớn nhất thế giới, với sự tham gia của hàng nghìn quân nhân Thái Lan và Mỹ, cùng khách mời từ nhiều nước châu Á.

Theo các nhà phân tích, đây là hành động mang tính biểu tượng thể hiện sự ghi nhận những tiến bộ về nhân quyền ở Myanmar và là cột mốc trong việc nước này nối lại quan hệ với phương Tây.

Anh mới đây bắt đầu nỗ lực nối lại quan hệ quân sự với Myanmar. Tướng về hưu Mike Jackson, một trong những nhân vật nổi tiếng nhất của quân đội Anh, gặp Phó tổng tư lệnh quân đội Myanmar Soe Win ở Naypyitaw ngày 21-9. “Hai bên thẳng thắn thảo luận tăng cường quan hệ giữa quân đội Anh và Myanmar, Thông tấn xã Myanmar đưa tin.
Myanmar vừa được mời làm quan sát viên cuộc tập trận Cobra Gold. Theo một số chuyên gia an ninh, đây là một phần của quá trình tái lập quan hệ giữa Mỹ với Myanmar, dưới danh nghĩa đối thoại nhân đạo của một chính phủ bán dân sự, sau 49 năm quân đội trực tiếp điều hành đất nước.

Đây cũng được coi là bước đầu nhằm tiến tới việc nối lại ràng buộc quân sự giữa Mỹ và Myanmar bị đứt đoạn từ năm 1988, khi quân đội Myanmar nổ súng vào những người biểu tình đòi dân chủ, khiến hàng nghìn người chết và bị thương, cùng với việc nhà hoạt động vì dân chủ Aung San Suu Kyi bị quản thúc tại gia.

Theo các nguồn tin của Reuters (Anh), Myanmar được mời tham gia Cobra Gold sau những đợt vận động hành lang dồn dập của Thái Lan - nước đồng tổ chức đợt tập trận.

Giới quan sát cho rằng, lời mời của Mỹ cũng là minh chứng nói lên sự thay đổi chính sách của chính quyền Obama trong năm nay: chuyển trọng tâm từ Iraq và Afghanistan sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

“Nếu có một quyết định nhằm tiến tới trao đổi hoạt động quân sự với Myanmar, thì chúng tôi sẽ được chuẩn bị để hỗ trợ tốt nhất có thể”, Đô đốc hải quân Samuel Locklear, Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, nói với các phóng viên tại thủ đô Bangkok của Thái Lan hồi đầu tuần.

Đợt diễn tập quân sự thường niên Cobra Gold sẽ diễn ra ở tỉnh Chon Buri, nằm ở phía đông Bangkok - nơi từng là căn cứ quân sự của Mỹ.

Năm ngoái, khoảng 10.000 binh lính Mỹ tham gia tập trận Cobra Gold kéo dài 3 tuần cùng 3.400 quân nhân Thái Lan. Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Singapore và Hàn Quốc cũng tham gia diễn tập. Trung Quốc nằm trong số 9 nước quan sát viên.

“Trước đây, Myanmar luôn khó chịu với Cobra Gold, vì cho rằng đợt tập trận này trực tiếp chống lại họ và là bước chuẩn bị cho một sự xâm lược”, TS. Tin Maung Maung Than, nghiên cứu sinh cao cấp ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore và là chuyên gia nghiên cứu quân sự Myanmar, nhận định.

Nhiều ý kiến cho rằng, Washington đang đi quá nhanh trong việc tìm cách thay đổi một quân đội bị cáo buộc vi phạm nhân quyền nhiều lần ở các khu vực thiểu số như ở bang Kachin ở miền bắc Myanmar, khiến hàng chục nghìn người phải chuyển nơi sinh sống chỉ sau 16 tháng chống cự.

Lời mời Myanmar được đưa ra sau chuyến thăm trong tuần qua của phái đoàn do Michael Posner, quan chức nhân quyền cao nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ, tới thủ đô Naypyitaw của Myanmar.

Phái đoàn còn có sự góp mặt của Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Vikram Singh và một số quan chức quân sự khác.

Đại diện của Myanmar tham dự các cuộc đối thoại với Mỹ là Thứ trưởng Quốc phòng Commodore Aung Thaw.

Báo chí nhà nước Myanmar viết: “Hai bên đối thoại về mức độ và hoạt động của các đơn vị quốc phòng của Myanmar và Mỹ, cũng như trao đổi quan điểm về hợp tác song phương và các cuộc đối thoại trong tương lai”.

Các quan chức Mỹ ở Bangkok và Washington từ chối bình luận về những điều này.

Từng khăng khít trong quá khứ

Có thời kỳ, Myanmar cử số lượng quan chức tới Mỹ để đào tạo nhiều hơn hẳn các nước khác. Hơn 1.200 cán bộ được đào tạo tại Mỹ từ khi Myanmar giành độc lập từ tay Anh năm 1948 đến cuộc đảo chính của quân đội do tướng Ne Win cầm đầu năm 1962.

Theo các nhà phân tích, cuộc đảo chính của tướng Ne Win dẫn tới gần nửa thế kỷ bị cô lập và sự ra đời của nền cai trị của quân đội, nhưng Mỹ vẫn duy trì ràng buộc quân sự với Myanmar để ngăn chặn sự lây lan của chủ nghĩa cộng sản từ nước láng giềng Trung Quốc.

Giai đoạn 1980-1988, có 255 quan chức Myanmar tốt nghiệp tại Mỹ theo chương trình đào tạo quân sự quốc tế. Con số này nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Chương trình này bị tạm dừng và Mỹ áp lệnh cấm vận với Myanmar, sau khi quân đội đàn áp cuộc biểu tình năm 1988 và từ chối công nhận kết quả cuộc bầu cử phổ thông mà bà Suu Kyi giành thắng lợi hai năm sau đó.

Mối quan hệ giữa hai nước bắt đầu ấm hơn sau chuyến thăm lịch sử của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tới Myanmar vào tháng 11 năm ngoái.

Bà Clinton nói với Tổng thống Thein Sein về việc tìm kiếm hài cốt của binh lính Mỹ thiệt mạng trong Thế chiến II.

Gia Tùng// Tiền Phong
------------
Hàn lắp 1 hệ thống giám sát gần biên giới liên Triều

Đài KBS dẫn lời Quân đội Hàn Quốc cho biết sẽ triển khai dự án lắp đặt hệ thống giám sát và kiểm soát một cách khoa học thông minh cho đến năm 2014 tại các căn cứ quân sự gần đường ranh giới liên Triều.
 
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 19/10 đã báo cáo kế hoạch này lên Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội. Theo đó, các hệ thống kiểm soát sẽ được triển khai tại Sư đoàn số 22 thuộc huyện Goseong, tỉnh Gangwon, một căn cứ tiền phương gần đường ranh giới liên Triều.
 
Ngoài ra, quân đội sẽ tăng thêm binh sĩ cho các sư đoàn tiền phương để tăng cường hoạt động giám sát gần đường ranh giới liên Triều.
 
Quân đội Hàn Quốc sẽ lắp đặt thêm máy điện thoại, biển hiệu, cờ màu trắng tại khu vực hàng rào dây thép gai ở đường biên giới liên Triều để giúp người dân và binh sĩ Bắc Triều Tiên xin tị nạn một cách an toàn.
 
Trước đó, quân đội Hàn Quốc đã có kế hoạch thực hiện dự án này tới năm 2015, song đã quyết định rút ngắn một năm./.

(Vietnam+)
---------
Chiến hạm Mỹ đến Indonesia tập trận

Ngày 19/10, chiến hạm USS Green Bay (LPD-20) của Hải quân Mỹ đã cập cảng Bali của Indonesia để tham gia cuộc tập trận chung giữa quân đội hai nước.

Chỉ huy tàu USS Green Bay, Trung tá AM Browne cho biết tàu được chế tạo từ năm 2005 và đưa vào vận hành năm 2009.

Tàu có trọng tải 28.000 tấn, có thể chở 1.000 binh sỹ, được trang bị công nghệ kỹ thuật cao, đượć thiết kế như một tàu huấn luyện.

Theo Trung tá Browne, Green Bay có vai trò là tàu hậu cần cho các tàu chiến của Mỹ.

Trong thời gian lưu lại Indonesia đến ngày 21/10, các binh sỹ trên tàu Green Bay và quân đội Indonesia sẽ tiến hành tập trận hải quân chung. Trước khi cập cảng Bali, tàu Green Bay đã dừng tại Trân Châu Cảng và Timor Leste.

Trước đó, hải quân hai nước này cũng đã tiến hành một cuộc tập trận chung tại tỉnh Đông Java, ngày 30/5, nhằm tăng cường quan hệ cũng như kỹ năng thực hiện các hoạt động quân sự.
(VTC)
--------
Căng thẳng bùng phát trở lại giữa Triều Tiên và Hàn Quốc

Ngày 19/10, hãng tin KCNA dẫn tuyên bố của Bộ chỉ huy Mặt trận phía Tây thuộc Quân đội nhân dân Triều Tiên (KPA), đã cảnh báo sẽ nổ súng vào khu vực biên giới của Hàn Quốc, nếu nước này tiếp tục hoạt động rải truyền đơn chống Triều Tiên trong tuần tới.

KPA nói rằng truyền đơn sẽ được rải từ vùng Rimjin Pavillion của thành phố Phaju, tỉnh Kyonggi của Hàn Quốc vào trưa ngày 22/10 và cáo buộc quân đội Hàn Quốc đứng sau hoạt động này. Bình Nhưỡng đe dọa khu vực Rimjin Pavilion và vùng lân cận sẽ trở thành mục tiêu đầu tiên bị tấn công và khuyến cáo người dân Hàn Quốc sống tại khu vực trên sơ tán để tránh rủi ro.
Một nhà hoạt động Hàn Quốc chuẩn bị rải truyền đơn sang phía Triều Tiên

Đáp lại lời đe dọa từ phía Bình Nhưỡng, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin khẳng định Seoul sẽ trả đũa nếu bị tấn công. "Chúng tôi sẽ đập tan nguồn thực hiện vụ tấn công" - ông tuyên bố. Về mặt kỹ thuật, hai miền Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với nhau, bởi cuộc chiến diễn ra trong giai đoạn 1950 - 1953 giữa đôi bên đã kết thúc bằng một hiệp ước ngừng bắn, không phải hiệp định hòa bình.

V.L (theo nguồn tin nước ngoài, TTVH)
----------
Nếu bị tấn công, Iran sẽ gây chiến toàn cầu

Quyền Chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran ngày 18/10 tuyên bố, nước này đã sẵn sàng cho “những cuộc chiến toàn cầu” nếu như các cơ sở hạt nhân của họ bị tấn công.
 
Tướng Hossein Salami cảnh báo, Israel “chắc chắn” sẽ phải đối diện với đòn trả đũa khủng khiếp nếu nước này dám tấn công Iran.
 
Những phát biểu trên của ông Salami dường như là một phần trong nỗ lực của Iran nhằm cảnh báo rõ với phương Tây và Israel rằng, bất kỳ cuộc tấn công nào vào họ đều sẽ châm ngòi cho một cuộc xung đột khu vực. Cuộc xung đột này sẽ lôi kéo các đồng minh của Iran như nhóm chiến binh Hồi giáo Hezbollah ở Li-băng vào tham chiến ở khu vực biên giới Israel.
 
Chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran từ lâu luôn đứng hàng đầu trong chương trình nghị sự quốc tế và các cường quốc phương Tây đang gây áp lực ngày một lớn lên Tehran để buộc nước này từ bỏ tham vọng hạt nhân.
 
Israel đe doạ sẽ tấn công phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân của Iran nếu Tehran không ngừng làm giàu uranium theo yêu cầu của cộng đồng quốc tế. Làm giàu uranium là một tiến trình có thể dẫn đến việc sản xuất vũ khí hạt nhân. Phương Tây và các nước đồng minh lo ngại, Iran đang tìm cách chế tạo vũ khí nguyên tử dưới vỏ bọc một chương trình hạt nhân dân sự. Tehran bác bỏ cáo buộc này, nói rằng chương trình hạt nhân của họ chỉ phục vụ các mục đích hoà bình như sản xuất điện năng hoặc nghiên cứu phương thức chữa bệnh ung thư.
 
Nói về lời đe doạ của Israel, Tướng Salami tuyên bố, nước CH Hồi giáo đã sẵn sàng cho “những cuộc chiến toàn cầu". “Bất kỳ cuộc tấn công nào của chính quyền Do Thái nhằm vào chúng tôi sẽ đều là cơ hội để chúng tôi phá huỷ chính quyền đó. Cơ chế phòng vệ của họ không được chuẩn bị cho những cuộc chiến lớn và lâu dài. Những lời đe doạ của họ chỉ mang tính tâm lý. Nếu họ bước qua ranh giới và thực hiện những lời đe doạ đó thì họ chắc chắn sẽ bị huỷ diệt”, ông Salami cảnh báo Israel.
 
Tướng Salami đã đưa ra những lời cảnh báo mới nhất đối với phương Tây và Israel bên lề của cuộc tập trận chiến đấu đang diễn ra ở thủ đô Tehran. Cuộc tập trận này có sự tham gia của tới 15.000 dân quân. Lực lượng này nằm dưới sự quản lý của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.
 
Cuộc tập trận mang tên Hướng tới Thánh địa (ám chỉ Jerusalem) bao gồm các cuộc diễn tập phòng vệ trước những cuộc không kích và một số mối đe doạ khác có thể xảy ra với Iran.

Kiệt Linh - (theo AP, DM, VNmedia)

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te