Thí nghiệm chính trị ở Iceland
Cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mới ở Iceland chẳng có gì đặc biệt về hình thức, vì nước này được xem là quốc gia trưng cầu dân ý thường xuyên nhất châu Âu lẫn thế giới.
Tuy nhiên, đây là cuộc trưng cầu dân ý độc nhất vô nhị vì người dân quyết định về một dự thảo hiến pháp do chính họ soạn thảo. Chẳng hề có một tác động từ bất cứ chính trị gia hay đảng phái nào. Chính trị không cần chính trị gia - đó là thông điệp từ Iceland, một đảo quốc nhỏ ở châu Âu, gây ra phản ứng rất khác nhau trên chính trường lẫn xã hội khắp châu Âu.
Hiến pháp hiện tại được thông qua và có hiệu lực từ năm 1944. Khi đó, 95% cử tri tán đồng và tỷ lệ cử tri tham gia cuộc trưng cầu dân ý là 98%. Ý tưởng về việc người dân soạn thảo hiến pháp được khởi xướng hồi năm 2009 giữa lúc nước này đang bên bờ vực phá sản vì khủng hoảng tài chính và ngân hàng. Sau hàng loạt thí nghiệm về chính sách kinh tế, tư pháp và xã hội thì nay đến chính trị.
Theo đó, 950 người dân được lựa chọn theo nguyên tắc ngẫu nhiên làm thành viên hội đồng xác định những nguyên tắc cơ bản của hiến pháp mới. Người dân trực tiếp bầu ra 25 trong số hơn 500 ứng cử viên làm thành viên hội đồng soạn thảo hiến pháp mới.
Hội đồng này làm việc theo nguyên tắc đồng thuận và công khai. Sau khi đạt được đồng thuận thông qua trưng cầu dân ý, hiến pháp mới sẽ có hiệu lực nếu tiếp tục được quốc hội hai nhiệm kỳ liên tiếp phê chuẩn. Kết quả cuối cùng chưa biết thế nào, nhưng dù sao đây cũng là dấu mốc lịch sử ở Iceland, gợi mở khả năng hình thành tiền lệ chính trị mới ở châu Âu.
Thảo Nguyên
------
Thế giới thiếu nước ngọt
Tại Hội nghị bàn tròn với chủ đề "Nước ngọt - nguồn sống: những thách thức và đe dọa toàn cầu", diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế quốc tế Xanh Pê-téc-bua lần thứ 12 mới đây, các chuyên gia đã báo động về tình trạng khan hiếm nước ngọt đang khiến khoảng 1 tỷ người thiếu nước sinh hoạt và đến năm 2020, con số này có thể tăng lên gấp năm lần.
Hội nghị đã bàn thảo biện pháp làm thế nào để bảo vệ nguồn nước ngọt và giải quyết vấn đề toàn cầu này.
Ngoài dầu mỏ và khí đốt, nước sạch cũng được coi là một trong những dự trữ chiến lược của nhiều quốc gia, trong khi những quốc gia ven biển lại đang phải chi nhiều tiền để ngăn chặn nước mặn xâm thực do nước biển dâng cao. Một trong những nguyên nhân trực tiếp là do khí hậu toàn cầu ấm dần lên. Theo một số nghiên cứu, nhu cầu sử dụng nước trên thế giới liên tục tăng lên trong suốt thế kỷ 20 và tăng gấp hơn hai lần so với mức gia tăng dân số. Nhiều chuyên gia dự đoán rằng, do khí hậu toàn cầu ấm dần lên, lượng nước tại nhiều con sông và hồ nước ở châu Á và châu Phi có thể giảm xuống từ 15 đến 50%. Biến đổi khí hậu toàn cầu đã tạo ra nghịch cảnh ở các nước bên đường xích-đạo là: vào mùa mưa, hàng loạt quốc gia bị "giặc nước" tàn phá, nhưng trong những tháng mùa khô lại thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt.
Theo Ðài Tiếng nói nước Nga, tại Diễn đàn Ða-vốt mới đây, Chủ tịch Ðu-ma quốc gia (Hạ viện) Nga, ông Bo-rít Grư-dơ-lốp cho biết, chính quyền Nga đã thông qua quyết định sẽ phải soạn thảo một chương trình quốc gia được ngân sách nhà nước tài trợ mang tên "Chiến lược nước ngọt của Nga" nhằm nâng cao chất lượng và tiết kiệm nước ngọt, mặc dù Nga sở hữu 20% nước ngọt toàn cầu. Chương trình "Chiến lược nước ngọt của Nga" bao gồm ý định xuất khẩu nước ngọt qua các đường ống dẫn nước đặc biệt, tiến tới thành lập "thị trường giao dịch nước". Ông nêu rõ, việc chuyển sang dùng loại nước chất lượng sạch có thể kéo dài tuổi thọ của người dân Nga thêm từ năm đến bảy năm.
Sự cạnh tranh toàn cầu các nguồn tài nguyên đã trở thành một phần của trò chơi địa - chính trị, trong đó việc tranh giành kiểm soát và sử dụng nguồn tài nguyên tại các con sông xuyên quốc gia đang là một yếu tố nhạy cảm, gây ra sự căng thẳng trong quan hệ hữu nghị giữa những quốc gia có chung những dòng sông. Trong bài viết dành cho Ðài Tiếng nói nước Nga, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Nga, ông A.Lu-kin chỉ rõ, vấn đề sử dụng nguồn tài nguyên sông Mê Công có nguy cơ phát triển thành một mâu thuẫn nghiêm trọng giữa quốc gia ở đầu nguồn và một số nước Ðông - Nam Á. Sông Mê Công dài 4.350 km, chảy qua Trung Quốc, Mi-an-ma, Lào, Thái-lan, Cam-pu-chia và Việt Nam. Trên thượng nguồn, quốc gia ở đầu nguồn đã xây hai nhà máy thủy điện và sắp đưa vào vận hành nhà máy thủy điện thứ ba. Chủ trương này của quốc gia ở đầu nguồn khiến các nước hạ nguồn Mê Công lo ngại. Hoặc như tại khu vực Trung Á, vì muốn khai thác và kiểm soát nguồn nước mà các quốc gia đã hình thành hai nhóm đối kháng: một bên là Cư-rơ-gư-xtan và Tát-gi-ki-xtan sở hữu thượng nguồn các con sông Trung Á và rất quan tâm phát triển ngành thủy điện, bên kia gồm Ca-dắc-xtan, U-dơ-bê-ki-xtan và Tuốc-mê-ni-xtan phụ thuộc vào khối lượng lớn nước tại các con sông này để phát triển nông nghiệp.
Năm 1995, các nước Lào, Thái-lan, Cam-pu-chia và Việt Nam đã thành lập Ủy ban Mê Công với mục đích cùng nhau khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên của con sông chung này. Tại các hội nghị cấp cao của Diễn đàn APEC, vấn đề quản lý và sử dụng nguồn nước sông Mê Công đã được lãnh đạo các nước hạ nguồn nêu ra là một vấn đề cấp bách, tác động tiêu cực tới nền sản xuất nông nghiệp. Ðã có đề xuất về sự hợp tác giữa các nước hạ lưu sông Mê Công với các đối tác ngoài khu vực.
XUÂN HIỆU // Nhân Dân
---------
Quỹ Nhật Bản hủy bỏ giao lưu quân sự Nhật-Trung
Quỹ Nhật Bản (NF, một tổ chức từ thiện) cho biết họ đã quyết định hủy bỏ chương trình thúc đẩy giao lưu quân sự giữa các sỹ quan Nhật Bản và Trung Quốc trong bối cảnh tranh chấp quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) trở nên căng thẳng.
Chủ tịch NF Yohei Sasakawa cho biết quỹ này quyết định hủy bỏ chương trình bắt đầu từ năm 2001 nói trên sau khi nhận được văn bản đề nghị từ đối tác Trung Quốc hoãn chuyến thăm Nhật Bản của phái đoàn Trung Quốc dự kiến vào tuần tới.
Theo phía Trung Quốc, việc cử phái đoàn tới Nhật Bản “là khó khăn trong tình hình hiện nay.”
Ông Sasakawa nói: “Đây là một quyết định đau lòng. Tầm quan trọng của giao lưu giữa các cá nhân nằm ở khả năng loại bỏ các vấn đề chính trị.”
Chương trình giao lưu này từng bị hủy bỏ năm 2010, khi phía Trung Quốc yêu cầu hoãn chuyến thăm của phái đoàn Trung Quốc trong lúc quan hệ hai nước căng thẳng sau vụ va chạm giữa tàu cá Trung Quốc với tàu tuần tra Nhật Bản năm 2010. Tuy nhiên, sau đó hai bên đã đạt được thỏa thuận tiếp tục chương trình trong năm năm tới và không để bị ảnh hưởng bởi các vấn đề chính trị.
Chương trình giao lưu nói trên gồm các chuyến thăm lẫn nhau hàng năm và khuyến khích giao lưu giữa các sỹ quan Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Tháng trước, nhiều hoạt động nằm trong chương trình giao lưu kỷ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc cũng đã bị hủy bỏ do tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông./.
(Vietnam+)
--------
Cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân tái xuất
Phiên bản điện tử của tờ Nhân dân nhật báo ngày 20/10 đã đăng bức ảnh cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân gặp gỡ các lãnh đạo của trường Đại học Hải dương Thượng Hải tại Bắc Kinh.
Trang web của trường cho biết, ông Giang cùng phu nhân đã tham dự một buổi lễ tổ chức hôm 9/10 để kỷ niệm 100 năm thành lập của ngôi trường chuyên về môi trường biển và công nghiệp đánh cá này.
Trang web cũng trích lời phát biểu của cựu lãnh đạo 86 tuổi này, nhấn mạnh “thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương” và “là một quốc gia khan hiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên, Trung Quốc cần phải chú trọng tới phát triển kinh tế biển.”
Đây là lần xuất hiện hiếm hoi trước công chúng của ông Giang Trạch Dân, ngay trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức vào tháng tới. Đại hội được xem là sẽ đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, trong đó có vấn đề nhân sự.
Sự xuất hiện của ông Giang Trạch Dân cũng đã bác bỏ những tin đồn về sức khỏe của ông.
Cuối năm ngoái, một kênh truyền hình Hong Kong đã bị phạt vì đưa tin ông Giang đã qua đời./.
(Vietnam+)
----------
Mỹ - Nhật hủy tập trận tái chiếm đảo
Một nguồn tin cho biết Nhật Bản và Hoa Kỳ đã hủy bỏ kế hoạch tập trận chung tái chiếm đảo từ tay quân đội nước ngoài trong lúc Tokyo và Bắc Kinh căng thẳng do tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Jiji Press cho biết hai bên đã quyết định hủy cuộc tập trận vì cuộc tập trận có thể sẽ khiến Trung Quốc giận dữ hơn sau khi căng thẳng Nhật – Trung leo thang do Nhật quốc hữu hóa 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp.
Nguồn tin từ chính phủ Nhật cho biết quyết định hủy bỏ cuộc tập trận này, trong đó có nội dung liên quan đến một hòn đảo không thuộc quần đảo Senkaku, cũng thống nhất với quan điểm của văn phòng Thủ tướng Yoshihiko Noda.
Hiện chưa có quan chức nào của Bộ Quốc phòng Nhật đưa ra bình luận về quyết định trên.
Trước đó, theo truyền thông Nhật Bản, cuộc tập trận này là một phần trong cuộc tập trận chung Mỹ - Nhật có qui mô lớn hơn dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 11.
Trước khi bị hủy bỏ, cuộc tập trận này theo dự kiến sẽ được thực hiện trên hòn đảo không người ở Irisunajima ở gần đảo chính Okinawa ở phía nam Nhật Bản. Trong cuộc tập trận này, các binh sĩ Nhật Bản và Mỹ dự định sẽ thực hiện nội dung đổ bộ chiếm đảo.
Nhật Bản và Trung Quốc đã từ lâu tranh chấp về chủ quyền quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Quần đảo này chịu sự quản lý của Nhật Bản từ lâu và mặc dù đây chỉ là những hòn đảo bằng đá và không người ở, vùng biển xung quanh quần đảo này được cho là có trữ lượng dầu khí và nguồn hải sản lớn.
Căng thẳng bùng nổ vào tháng 8 và tháng 9 với việc các nhà hoạt động hai bên đua nhau lên hòn đảo và cuối cùng Tokyo đã mua lại quần đảo này từ người chủ tư nhân.
Trong một diễn biến khác, hôm nay 5 tàu chính phủ Trung Quốc bị phát hiện ở gần Senkaku khiến tàu tuần tra Nhật Bản phải đuổi theo để các tàu này rời quần đảo tranh chấp.
Đây là lần đầu tiên trong 10 ngày qua tàu của nhà nước Trung Quốc xuất hiện ở gần quần đảo tranh chấp. Lực lượng canh gác Nhật Bản cho biết các tàu tuần tra Nhật đã cảnh cáo tàu Trung Quốc “không được xâm phạm chủ quyền lãnh thổ” và giám sát các tàu Trung Quốc.
Bất chấp lời cảnh cáo trên, một tàu Trung Quốc đáp lại: “Vùng biển này là một phần không tách rời của Trung Quốc và chúng tôi đang thực thi các hành động hợp pháp”.
TÙNG LÂM// Infonet
----------
Đài Loan thông qua nghị quyết chủ quyền Điếu Ngư
Mạng “Tin tức Trung Quốc” ngày 20/10 dẫn nguồn tin từ báo "Liên hợp” của Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, ngày 19/10, Viện Lập pháp Đài Loan đã thông qua “Nghị quyết tuyên bố chủ quyền đối với đảo Điếu Ngư Đài (Senkaku)”, trong đó yêu cầu toàn thể chính quyền Đài Loan nắm vững nghĩa vụ “chính trị dân chủ”, duy trì lập trường kiên định, cụ thể, rõ ràng trong tuyên bố chủ quyền đối với Điếu Ngư Đài (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư) và vùng biển phụ cận.
Nghị sĩ Lý Đồng Hào của Đảng Thân dân cho rằng Điếu Ngư Đài có bối cảnh lịch sử, văn hoá và địa lý riêng cũng như chủ quyền tuyệt đối không thể coi nhẹ, đồng thời bày tỏ hy vọng cơ quan chức năng tiếp tục tích cực bảo vệ tàu cá và tiến hành đàm phán, hiệp thương với Nhật Bản về quyền đánh cá tại khu vực này.
Trong khi đó, nghị sĩ của Đảng Liên minh đoàn kết Đài Loan, Hứu Trung Tín cho biết đảng của ông không tán thành và cũng không phản đối nghị quyết trên, song chủ trương Điếu Ngư Đài thuộc ngư trường truyền thống của Đài Loan và chính quyền hòn đảo này cần tiến hành đám phán về quyền đánh cá tại khu vực này với Nhật Bản./.
(Vietnam+)
----------
Kho lương của quân đội Mỹ tại Afghanistan bị tấn công
Lực lượng Taliban đã xác nhận gây ra vụ tấn công này.
Giới chức Afghanistan cho biết, cuối giờ chiều 19/10, phiến quân Taliban đã tấn công nhằm vào một kho lương thực tại một căn cứ quân sự Mỹ ở Afghanistan gây cháy lớn và phá hủy mọi thứ bên trong nhà kho. Tuy nhiên, không ai bị thương trong vụ tấn công này.
Đến sáng 20/10, vụ cháy đã được kiểm soát, mặc dù một số khu vực vẫn còn đang cháy âm ỉ./.
Hồng Nhung/VOV-Trung tâm tin
(Theo AP)
----
Triều Tiên phản đối cam kết bảo vệ Đường ranh giới phía Bắc
Đường ranh giới phía Bắc được xem là nguyên nhân sâu xa gây ra tình trạng xung đột và đối đầu giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.
Ngày 20/10, CHDCND Triều Tiên tuyên bố phản đối cam kết của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak bảo vệ Đường ranh giới phía Bắc (NLL) không được Triều Tiên công nhận.
Tuyên bố trên được đưa ra sau chuyến thăm bất ngờ ngày 18/10 của ông Lee Myung-bak tới đảo Yeonpyeong, hòn đảo gần biên giới trên biển Hoàng Hải với Triều Tiên, nơi từng xảy ra vụ đấu pháo giữa hai miền hồi tháng 11/2010, làm 2 lính thủy đánh bộ và 2 dân thường Hàn Quốc thiệt mạng. Đây cũng là khu vực Tổng thống Lee Myung-bak kêu gọi đưa quân đội đến để bảo vệ Đường ranh giới phía Bắc.
Hãng thông tấn nhà nước KCNA của Triều Tiên dẫn lời người phát ngôn Vụ Chính sách Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên cho biết, lâu nay, đường ranh giới phía Bắc được xem là nguyên nhân sâu xa gây ra tình trạng xung đột và đối đầu giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.
Theo người phát ngôn trên, Triều Tiên chỉ công nhận đường phân định ranh giới trên biển do nước này định ra ở phía Tây biển Hoàng Hải, không phải Đường ranh giới phía Bắc.
Đã từ lâu Triều Tiên không công nhận Đường ranh giới phía Bắc, đường biên giới trên biển giữa Hàn Quốc với Triều Tiên, vì cho rằng ranh giới này được lực lượng quốc tế do Mỹ cầm đầu đơn phương hoạch định sau cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953. Triều Tiên yêu cầu hai bên định ra một đường ranh giới mới nằm ở khu vực phía Nam xa hơn./.
Theo TTXVN
--------
Thổ Nhĩ Kỳ ‘tiến, thoái lưỡng nan' sau vụ máy bay chở khách Syria
Đúng như Moscow cảnh báo ngay từ đầu, vụ Thổ Nhĩ Kì bắt giữ chiếc máy bay chở khách Syria với công dân Nga và những thiết bị điện tử trên khoang chỉ là động tác khiêu khích.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Aleksandr Lukashevich thông báo chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã phải thừa nhận tính hợp pháp của lô hàng và chỉ phàn nàn về thủ tục vận chuyển. Thông báo về số "đạn dược" nào đó trên khoang máy bay đã bị thực tế bác bỏ.
Hành động khiêu khích nói trên thường xuất hiện ở những kẻ bất lương. Người đời thường gặp kẻ la to “Bắt lấy kẻ cắp” hơn ai hết lại chính là đạo chích. Những cáo buộc nhắm vào Nga là cần thiết để che lấp hành động phi pháp của hàng loạt nước phương Tây tuồn vũ khí cho phe đối lập Syria. Thêm nữa, trong hàng ngũ của phe này ngày càng nhiều những phần tử cực đoan.
Viên tướng Syria Mohammed Isatb phát biểu trên đài "Tiếng nói nước Nga": “Thật ra, những gì đang xảy ra ở Syria không phải là một cuộc cách mạng… như các đại diện phương Tây cố gắng tô vẽ. Đó là cuộc tấn công qui mô vào một quốc gia chủ quyền của các nhóm khủng bố được nước ngoài tài trợ. Trên lãnh thổ Syria có những thành viên của các tổ chức như Boko Haram và Taliban. Ngoài ra ở đây còn hiện diện các chiến binh của Jund al-Sham và những tổ chức tương tự có quan hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda. Nhiều vũ khí hiện đại đủ loại đã lọt vào tay những phần tử này. Đằng sau những nhân vật giao hàng là Saudi Arabia, Qatar, Mỹ và các nước phương Tây khác. Còn Thổ Nhĩ Kỳ đã biến thành nơi trung chuyển. Ankara thực sự giúp đưa vũ khí vào Syria theo con đường vận chuyển lậu”.
Chuyên viên khoa học Elizabeth O'Beydzhi từ Viện nghiên cứu các vấn đề chiến tranh có trụ sở ở Washington cho rằng các chiến binh có quan hệ với al-Qaeda ở Syria là tương đối nhỏ: khoảng 1.000 nghìn chiến binh nước ngoài trên tỷ lệ 50.000 thành viên phe đối lập vũ trang. Tuy nhiên, nguy cơ các phần tử thánh chiến Hồi giáo thâm nhập vào hàng ngũ đối lập Syria là cao hơn rất nhiều so với ở Libya, Ai Cập và Tunisia.
Phương Tây đang mất dần sự kiên nhẫn và gán trách nhiệm thảm kịch Syria lên đầu kẻ khác. Lô hàng hợp pháp (trên máy bay chở khách Syria) đã bị người ta cố mô tả là thứ siêu vũ khí bí ẩn nào đó có khả năng thay đổi cục diện chiến tranh nghiêng về phía có lợi cho Tổng thống Assad.
Theo VOR, ĐVO
------------
Mỹ-Hàn thảo luận vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên
Ông Davies kêu gọi sự thay đổi nền tảng trong chính sách của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên.
Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên Glyn Davies hôm 19/10 có cuộc gặp với các quan chức Hàn Quốc để thảo luận những chính sách đối với Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên.
Ông Davies đang có chuyến thăm Hàn Quốc 3 ngày sau cuộc gặp 3 bên giữa Mỹ-Hàn Quốc và Nhật Bản tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản). Phát biểu sau cuộc gặp với Trưởng đoàn đàm phán sáu bên của Hàn Quốc Lim Sung-nam, ông Davies kêu gọi sự thay đổi nền tảng trong chính sách của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên.
Ông Davies cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi tình hình tại CHDCND Triều Tiên và xem xét liệu có bất cứ sự thay đổi nào trong chính sách của nước này, bắt đầu với câu hỏi về chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa thấy những bước đi cụ thể mà họ đưa ra. Chúng tôi đang thực sự chờ đợi sự thay đổi này”.
Chuyến thăm Seoul là một phần trong chuyến thăm các nước Đông Bắc Á của Đặc phái viên Devi, trong hành trình tham vấn các nước đồng minh về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ căng thẳng gia tăng giữa hai miền Triều Tiên. Những bất đồng giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc bùng lên chỉ một ngày sau khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak thực hiện chuyến thăm bất ngờ đến đảo Yonpyon, nơi xảy ra vụ đấu pháo giữa hai miền vào năm 2010 làm 4 người Hàn Quốc thiệt mạng./.
Phạm Hà/VOV-Trung tâm tin
Theo Reuters
-------------
Việt Nam-Nga sẽ sớm ký hiệp định thành lập FTA
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 15 Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật Việt Nam-Liên bang Nga diễn ra tại thủ đô Mátxcơva, Phó Thủ tướng kiêm đồng Chủ tịch Ủy ban Hoàng Trung Hải và Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm đồng Chủ tịch Ủy ban Igor Shuvalov đã ký Biên bản về kết quả kỳ họp và Thỏa thuận kỳ họp thứ 16 của Ủy ban sẽ được tiến hành tại Hà Nội vào nửa cuối năm 2013.
Hai Phó Thủ tướng kiêm đồng Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ Hoàng Trung Hải và Shuvalov đã chứng kiến lễ ký Tuyên bố về thành lập Nhóm công tác chung cấp cao nhằm thúc đẩy các dự án hợp tác ưu tiên giữa hai nước, do Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Lê Dương Quang và Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Nga Alexei Ligachev ký.
Hai bên nhận thấy quan hệ chính trị Việt Nam - Liên bang Nga đang phát triển tốt đẹp và có mức độ tin cậy cao. Hợp tác kinh tế-thương mại phát triển năng động, kim ngạch trao đổi hàng hóa song phương năm 2012 dự kiến đạt 3 tỷ USD, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu và tiềm năng của hai nước. Hai bên dự định nâng kim ngạch này lên mức 7 tỷ USD vào năm 2015.
Hai bên nhất trí sẽ thực thi những biện pháp mang tính đột phá để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại song phương, trong đó có việc sớm đàm phán để ký kết hiệp định về thành lập Khu vực thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh Hải quan gồm ba nước Nga, Belarus và Kazakhstan.
Hai bên đã thống nhất lộ trình thực hiện Kế hoạch hành động chung Việt Nam - Liên bang Nga trong hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư đến năm 2015, đồng thời thỏa thuận thành lập Tổ công tác chung cấp cao do Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Phát triển kinh tế Liên bang Nga đứng đầu, nhằm thúc đẩy các dự án hợp tác giữa hai nước.
Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các địa phương hai nước, đặc biệt giữa các địa phương của Việt Nam với khu vực Viễn Đông, tỉnh Ulyanov và thành phố St. Petersburg của Liên bang Nga. Đồng thời, hai bên đã trao đổi và thống nhất các biện pháp tăng cường hợp tác về công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, tài chính, ngân hàng, thông tin-viễn thông, y tế, giáo dục và khoa học-công nghệ cũng như khoa học-kỹ thuật và lĩnh vực năng lượng.
Về phần mình, Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm đồng Chủ tịch Ủy ban Shuvalov xác nhận Liên minh Hải quan sẽ đàm phán với Việt Nam vào đầu năm 2013 để sớm ký kết hiệp định thành lập FTA bốn bên. Ông cho biết Nga chú trọng xây dựng nhà máy điện nguyên tử tại Việt Nam với chất lượng cao nhất và ủng hộ mạnh mẽ việc thúc đẩy hợp tác trực tiếp giữa các địa phương của hai nước cũng như khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư vào Liên bang Nga.
Ông Shuvalov cũng cho biết Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev sẽ thăm chính thức Việt Nam vào đầu tháng 11 tới nhằm thúc đẩy và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước anh em.
Trong khuôn khổ chương trình họp Ủy ban liên chính phủ Việt Nam - Liên bang Nga, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và đoàn đại biểu Việt Nam đã đi thăm hai nhà máy sản xuất titan của Công ty AVISMA ở tỉnh Sverdlov. Trong cuộc gặp lãnh đạo tỉnh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý rằng các địa phương Việt Nam và tỉnh Xvéclốp có nhiều tiềm năng hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp nặng, luyện kim và khai khoáng v.v; cho rằng cần thúc đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác trực tiếp giữa các địa phương hai nước./.
(TTXVN)
-----------
Tướng tình báo thiệt mạng trong vụ đánh bom kinh hoàng ở Beirut
Trung tướng Wissam al-Hassan, chỉ huy trưởng đơn vị tình báo cảnh sát quốc gia Lebanon đã bị thiệt mạng trong vụ đánh bom xe làm rung chuyển cả Beirut hôm thứ Sáu.
CBS News dẫn lời hãng tin Quốc gia Lebanon ngày 19/10 cho hay, Trung tướng Wissam al-Hassan, chỉ huy trưởng đơn vị tình báo cảnh sát quốc gia Lebanon đã bị thiệt mạng trong vụ đánh bom xe làm rung chuyển cả Beirut hôm thứ Sáu.
Trung tướng al-Hassan là một trong 8 nạn nhân thiệt mạng trong vụ đánh bom kinh hoàng này. Quả bom còn làm bị thương hàng chục người, xé nát ban công của nhiều tòa nhà, khiến cư dân hốt hoảng đổ ra đường phố thủ đô Lebanon.
Vụ nổ xảy ra tại một con phố hẹp ở khu Achrafieh của người Công giáo tại thủ đô Beirut, nơi có nhiều tiệm café và cửa hàng. Đường phố bỗng chốc bị biến thành một đống ngổn ngang đầy mảnh vụn và xe cộ cháy trơ khung.
Kênh tin tức CBS cho hay địa điểm phát nổ xảy ra tại một khu sinh viên gần Đại học Khoa học và Cộng nghệ Mỹ.
Một người dân tên là Elie Khalil kể với phóng viên AP rằng: “Tôi đang đứng gần quảng trường Sassine thì nghe một tiếng nổ lớn và tôi chạy về phía đó.” Anh này nói rằng đã nhìn thấy ít nhất 15 nạn nhân người đầy máu ở một khu đỗ xe gần đó trước khi xe cứu thương tới và đưa họ tới bệnh viện.
Các quan chức an ninh Lebanon cho hay đã có 8 người chết và 60 người bị thương trong vụ nổ này, trong đó có 20 người đang trong tình trạng nguy kịch.
Bộ trưởng Y tế Lebanon Ali Hussein Khalil kêu gọi các bệnh viện tiếp nhận người bị thương trong vụ “đánh bom khủng bố” này.
Lebanon đang phải hứng chịu những vụ tấn công và đánh bom đẫm máu tự sát kể từ năm 2005 sau khi một vụ đánh bom cảm tử sát hại cựu Thủ tướng Rafik Hariri và hơn 20 người khác ở Beirut. Trong các năm sau, một loạt các nhân vật chống Syria bị ám sát, trong đó có một số người thiệt mạng trong các vụ đánh bom xe.
Vụ đánh bom nghiêm trọng gần đây nhất là vào năm 2008. Sau đó tình hình ở Lebanon tương đối yên tĩnh. Sau khi phe nổi dậy đứng lên chống lại Tổng thống Syria Assad vào tháng 3/2011, tình hình ở Lebanon có chiều hướng ngày càng bất ổn với sự đấu đá giữ phe ủng hộ và phe chống lại ông Assad ngay ở đất nước vốn vừa trải qua cuộc nội chiến kéo dài từ 1975 đến 1990.
Một cư dân sinh sống ở Beirut cho hay: “Tôi rất lo lắng về tình hình đất nước sau vụ nổ này. Tôi lo rằng rồi sẽ có nhiều vụ nổ nữa, và đây mới chỉ là bắt đầu.”
Bảo Thành (Nguồn: CBS News, GDVN)
-------------
Phao cứu sinh cho "con tàu" nợ công Hy Lạp
Hy Lạp và bộ ba cứu trợ, gồm Liên hiệp châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vừa nhất trí kế hoạch cải cách kinh tế sâu rộng của A-ten. Với sự đồng thuận lẫn nhượng bộ từ hai phía, chiếc phao cứu sinh trị giá 31,5 tỷ ơ-rô, sẽ được tung ra nhằm cứu "con tàu" Hy Lạp khỏi nguy cơ chìm trong "cơn bão" nợ công.
Tín hiệu vui cho nỗ lực cứu Hy Lạp thoát khủng hoảng nợ công, xuất hiện ngay trước thềm Hội nghị cấp cao mùa thu hằng năm của EU, diễn ra hai ngày 18 và 19-10, tại Thủ đô Brúc-xen (Bỉ). A-ten cùng EU, IMF và ECB đã nhất trí về phần lớn điều khoản trong kế hoạch "thắt lưng, buộc bụng", mở đường cho bộ ba cứu trợ hoàn tất báo cáo về tiến trình cải cách ở Hy Lạp, tiến tới giải ngân khoản tài chính 31,5 tỷ USD trong gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ USD cho "xứ sở các vị thần". Nếu các chủ nợ không "rút hầu bao", A-ten sẽ đối mặt nguy cơ vỡ nợ cuối năm nay, bởi hàng loạt khoản nợ sắp đáo hạn, trong bối cảnh ngân khố trống rỗng.
Kế hoạch "thắt lưng, buộc bụng" giai đoạn 2013-2014 của Chính phủ Hy Lạp đặt mục tiêu tiết kiệm 11,5 tỷ ơ-rô từ các biện pháp cắt giảm chi tiêu công, lương, các khoản trợ cấp hưu trí, y tế và xã hội, đồng thời thu hai tỷ ơ-rô từ tăng thuế. Trong đó, A-ten phấn đấu cắt giảm 1,1 tỷ ơ-rô tiền lương, 3,8 tỷ ơ-rô trợ cấp hưu trí. Kế hoạch này nhằm đáp ứng các điều kiện ngặt nghèo của gói cứu trợ tài chính quốc tế, mà A-ten rất mong chờ vào thời điểm này. Kế hoạch ngân sách năm tài khóa 2013 của Hy Lạp cũng được đánh giá là cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ, nhằm đạt mức xuất siêu trước khi thanh toán số nợ chiếm 1,1% GDP trong thời gian tới. Ðức, nước đóng vai trò đầu tàu EU trong cuộc chiến chống nợ công, đã phải chấp nhận đối mặt làn sóng phản đối trong nước để ủng hộ "con tàu" A-ten thoát khỏi "vùng tâm xoáy" nợ công và không bị "trục xuất" khỏi mái nhà chung Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone). Trong khuôn khổ cuộc thăm A-ten mới đây, Thủ tướng Ðức A.Méc-ken kêu gọi Hy Lạp thực thi đầy đủ những cam kết của gói cứu trợ, đồng thời thể hiện quyết tâm của EU không bỏ rơi "mắt xích yếu" Hy Lạp. Chuyến thăm của "người phụ nữ quyền lực" nhất nước Ðức diễn ra trong bối cảnh bức tranh kinh tế Hy Lạp tiếp tục phủ gam màu xám. Theo dự báo của Bộ Tài chính Hy Lạp, kinh tế nước này sẽ suy giảm ở mức 4,2% GDP năm 2013, đánh dấu năm thứ sáu liên tiếp suy thoái; nợ công có thể lên tới 179,3%, thâm hụt ngân sách 9,1% GDP. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 7 vừa qua đã tăng lên mức kỷ lục 25,1%. Tuy nhiên, kế hoạch "thắt lưng, buộc bụng" của Chính phủ Hy Lạp đáp ứng điều kiện cứu trợ, đã vấp phải làn sóng biểu tình và bãi công không ngừng của người dân nước này. Tính từ đầu năm đến nay, đã có bốn cuộc tổng bãi công và hàng chục cuộc biểu tình lớn nhỏ, gây áp lực mạnh mẽ lên Chính phủ của Thủ tướng A.Xa-ma-rát. Họ cho rằng, mặt trái của kế hoạch kinh tế "khắc khổ" là nguyên nhân chính đẩy đời sống của người dân Hy Lạp, nhất là tầng lớp lao động, vào tình trạng khó khăn.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo EU đang gấp rút tìm lời giải cho bài toán nợ công châu Âu. Hội nghị cấp cao EU diễn ra hai ngày 18 và 19-10, tại Brúc-xen, nhằm đưa ra những định hướng cho tương lai vốn đang u ám của Eurozone. Hội nghị đã đạt thỏa thuận về lịch trình thành lập Liên minh Ngân hàng với tên gọi Cơ chế giám sát chung (SSM), nhằm phối hợp Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) giúp các nước thành viên EU đối phó khó khăn kinh tế. Theo đó, SSM sẽ "ra đời" ngày 1-1-2013 và được thành lập theo từng giai đoạn trong năm 2013, có hiệu lực đầy đủ vào đầu năm 2014. Từ đó, ECB sẽ đảm nhiệm việc giám sát toàn bộ 6.000 ngân hàng của Eurozone. Ðồng thời, chỉ khi SSM có hiệu lực, quỹ ESM mới được phép tái cấp vốn trực tiếp cho hệ thống ngân hàng, nhằm tránh gánh nặng nợ tại mỗi nước thành viên. Sự đồng thuận của các lãnh đạo EU tại hội nghị được dư luận đánh giá cao, coi đây là một bước quan trọng nhằm phá vỡ vòng luẩn quẩn giữa vấn đề nợ công và khủng hoảng hệ thống ngân hàng, tiến tới giải quyết dứt điểm khủng hoảng nợ và khôi phục đà tăng trưởng kinh tế khu vực. Tuy nhiên, hội nghị cũng bộc lộ bất đồng giữa Ðức và Pháp, hai nền kinh tế đầu tàu EU. Trong khi Béc-lin muốn thực thi các biện pháp siết chặt ngân sách, giám sát nghiêm ngặt hoạt động tài chính và hệ thống ngân hàng, thì Pa-ri lại ủng hộ phương án ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trước khi nghĩ tới các quy định ngặt nghèo.
Kết quả tích cực của Hội nghị cấp cao EU và tín hiệu vui ở "tâm bão" Hy Lạp được đánh giá là bước tiến quan trọng cho nỗ lực đối phó khủng hoảng nợ công châu Âu. Giới phân tích cho rằng, EU cần đoàn kết hơn nữa, hy sinh quyền lợi riêng, vì lợi ích chung toàn khối, mới mong sớm thoát khỏi "bão" nợ công.
BÌNH MINH // Nhân Dân