Ấn Độ thử thành công tên lửa chiến lược Agni-IV
Ấn Độ hôm nay đã thử thành công tên lửa chiến lược đất-đối-đất có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Agni-IV, tầm bắn 4.000km.
Nguồn tin quốc phòng cho biết, tên lửa được phóng đi từ một bệ phóng di động tại đảo Wheeler, gần Dhamra, vùng Bhadrak, cách thủ phủ bang Bhubaneswar 112km.
Tên lửa Agni-IV có khả năng mang đầu đạn nặng 1 tấn, hai tầng, sử dụng nhiên liệu rắn, chịu được nhiệt độ hơn 3.000 độ C. Đây là lần thử thứ ba Ấn Độ thành công của loại tên lửa này. Vụ thử gần thành công đây nhất diễn ra vào ngày 15-11-2001.
Tên lửa Agni-IV do Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ phát triển và thử nghiệm.
Đ.P (Theo theHindu, Tân Hoa xã, NDĐT)
----------------
Vụ rơi máy bay Sukhoi tại Indonesia: Không phải lỗi kỹ thuật
Theo phóng viên TTXVN tại LB Nga, ngày 19/9, các đại diện chính thức của Nga và Indonesia (Inđônêxia) đã ký văn bản điều tra, mà theo đó con người là nguyên nhân chính gây ra vụ tai nạn máy bay Sukhoi Superjet-100 (SSJ-100) tại Indonesia hồi tháng Năm vừa qua.
Hộp đen thứ hai của chiếc Sukhoi Superjet-100 (SSJ-100)- rơi tại Indonesia hồi tháng Năm vừa qua- được giới thiệu tại buổi họp báo ở thủ đô Jakarta, ngày 31/5/2012. Ảnh: AFP-TTXVN
Các đại diện Nga và Indonesia tham gia Ủy ban hỗn hợp đặc biệt về điều tra nguyên nhân vụ tai nạn máy bay SSJ-100 tại Indonesia nhất trí rằng máy bay ở trong tình trạng bảo đảm khai thác tốt nên toàn bộ thành viên của ủy ban đều không có thắc mắc hay nghi ngờ về nguyên nhân kỹ thuật có thể dẫn đến tai nạn trên đây.
Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Nga, ông Yuri Sliusari cho biết, hai nước dự định sẽ công bố kết quả cuối cùng về nguyên nhân vụ tai nạn máy bay SSJ-100 vào cuối tháng Mười tới.
Vụ tai nạn thảm khốc trên xảy ra trong khuôn khổ chuyến bay chào hàng của SSJ-100 tới 6 nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Máy bay chở khách mới của Nga SSJ-100 đã gặp nạn tại vùng núi Salak của Indonesia làm 45 người, trong đó có 8 công dân Nga, thiệt mạng. Do vụ tai nạn này máy bay SSJ-100 đã không thực hiện được chuyến bay chào hàng tại Việt Nam.
TTXVN/Tin tức
-----------------
Đàm phán hạt nhân EU - Iran không đạt được tiến triển
Cuộc đàm phán cấp cao giữa Cao ủy chính sách đối ngoại châu Âu Catherine Ashton với trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Saeed Jalili tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ không đạt được bất kỳ kết quả nào và vòng đàm phán chính thức sẽ được tổ chức trong vài tuần tới, phát ngôn viên của bà Catherine Ashton cho biết.
Đây là cuộc đàm phán có sự tham gia của ông Jalili đầu tiên kể từ tháng 6 nhằm mục đích giải quyết vấn đề hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Iran, sau khi cuộc đàm phán giữa các cường quốc thế giới và Iran tại Matxcơva không đạt được bước đột phá nào.
"Đây không phải là cuộc đàm phán chính thức nhưng là một cuộc họp hữu ích, mang tính xây dựng đồng thời là cũng là cơ hội quan trọng nhấn mạnh sự cần thiết tìm kiếm giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran thông qua đàm phán", phát ngôn viên cho biết.
Cao ủy Catherine Ashton kêu gọi Iran nên có động thái rõ ràng cho thấy nước này sẵn sàng tham gia với các cộng đồng quốc tế về các đề xuất để giải quyết vấn đề hạt nhân mà các nước phương Tây cho rằng nhằm mục đích quân sự, trong khi Tehran nhiều lần khẳng định nhằm mục đích hòa bình.
Trong khi đó, tại thủ đô Alkara của Thổ Nhĩ Kỳ, thủ tướng Recep Tayyip Erdogan cũng đã có cuộc họp kín với ông Jalili để thảo luận về vấn đề hạt nhân của Iran.
P5+1 gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc) và Đức đã bắt đầu nối lại đàm phán với Iran vào tháng 4 nhưng cả 3 vòng đàm phán chính thức đều đạt được rất ít kết quả.
Theo kế hoạch, nhóm P5+1 sẽ có cuộc gặp với đại diện Iran bên lề cuộc họp của Đại Hội đồng Liên hợp quốc diễn ra tại New York (Mỹ) vào cuối tháng này, để "đánh giá tình hình hiện nay và thảo luận bước đi tiếp theo".
Theo Nasdaq/Khampha
-----------------
Thái Lan tăng cường mua sắm vũ khí hiện đại
Nội các Thái Lan sẽ dành khoảng 1 tỷ USD để Hải quân mua 2 tàu chiến mới.
Ngày 18/9, Nội các Thái Lan đã phê duyệt khoản chi ngân sách dành cho mua sắm nhiều loại phương tiện, vũ khí hiện đại theo đề nghị của Bộ Quốc phòng nước này.
Đáng chú ý, Nội các Thái Lan sẽ dành 30 tỷ baht (khoảng 1 tỷ USD) để Hải quân mua 2 tàu chiến mới; đồng thời duyệt chi 3,3 tỷ baht (khoảng 110 triệu USD) để thuê công ty của Thuỵ Điển bảo dưỡng một số tàu chiến hiện có. Bộ Quốc phòng Thái Lan cũng được mua thêm 1 máy bay trực thăng đa năng hiện đại nhãn hiệu Black Hawk của Mỹ. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Thái Lan còn được phép đặt mua một số phương tiện kiểm soát đám đông trị giá 200 triệu baht (hơn 6 triệu USD).
Thời gian gần đây, Chính phủ Thái Lan chú trọng trang bị phương tiện, vũ khí hiện đại cho Quân đội nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng, đồng thời phục vụ công tác huấn luyện và cứu hộ thiên tai./.
Tống Sơn/VOV-Bangkok
-----------------
Sức mạnh "khắc tinh của mọi chiến hạm" của Nga
Hải quân Nga sẽ trang bị cho hai con tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral được chế tạo tại Pháp mỗi tàu 30 trực thăng Ka-52K và Ka-29. Thông tin trên vừa được hãng tin Izvestia đưa ra hôm nay (19/9).
Tàu chiến lớp Mistral có khả năng chở 16 trực thăng, 4 tàu đổ bộ, 70 xe bọc thép và 450 quân nhân.
Tuy nhiên, hãng tin Izvestia dẫn lời một nguồn tin của Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Số lượng trực thăng được triển khai trên khoang có thể thay đổi tùy theo nhiệm vụ”.
Nguyên bản trực thăng tấn công Ka-52K hiện đang được chế tạo và phát triển tại nhà máy Progress ở vùng Viễn Đông Nga. Các chuyến bay thử nghiệm đối với loại trực thăng này dự kiến sẽ bắt đầu từ năm 2014.
Ka-52K được mệnh danh là "khắc tinh của mọi chiến hạm". Đây là loại trực thăng chống hạm phiên bản đặc biệt, được phát triển dựa trên nền tảng của trực thăng chiến đấu lục quân Ka-52 Alligator đang được Không quân Nga sử dụng.
Ka-52K khác biệt so với nguyên bản Ka-52 của nó ở các hệ thống điện tử, vũ khí đặc biệt để chống lại các mục tiêu trên biển và trên mặt đất. Ngoài ra, theo yêu cầu của Hải quân Nga, Ka-52K còn được trang bị nhiều loại cảm biến khác nhau cũng như mang được nhiều vũ khí hơn so với bản Ka-52 của Không quân.
Loại trực thăng được triển khai cho hải quân này sẽ được trang bị hệ thống ra-đa rất đặc biệt. Hiện tại, Nga đang lên kế hoạch trang bị radar loại mảng pha hoạt động theo từng giai đoạn (AESA) Zhuk-A và lắp vào vị trí mũi của trực thăng Ka-52K. Đây sẽ là một bước tiến lớn so với trực thăng Ka-52.
Ngoài ra, do sẽ trang bị trên tàu sân bay Mistral nên cánh quạt của trực thăng Ka-52K cũng được thiết kế có thể gấp lại. Cánh quạt, thân máy bay và các hệ thống điện tử bên trong cũng được tăng cường khả năng chịu ăn mòn khi hoạt động trên biển. Phần khung càng được gia cố sức mạnh để đảm bảo việc hạ cánh của trực thăng trên boong tàu trong thời điểm bị tròng trành mạnh.
Bên cạnh đó, Ka-52K còn có khả năng mang và phóng hai loại tên lửa chống tàu cực mạnh là Kh-31 (AS-17 Krypton) và Kh-35 (AS-20 Kayak).
Hợp đồng trị giá 1,2 tỷ euro cho việc đóng mới 2 tàu đổ bộ chở trực thăng Mistral của Pháp cho Hải quân Nga được ký kết trong tháng 6/2011. Theo dự kiến, tàu Mistral đầu tiên cho Hải quân Nga sẽ được Pháp chuyển giao vào năm 2014, tàu thứ hai sau một năm (năm 2015). Hai tàu Mistral còn lại dự kiến sẽ được đóng tại Nga theo phương thức chuyển giao dây chuyền công nghệ.
Đan Khanh - (Tổng hợp)// VNmedia
----------------------------------
Khu trục hạm lớp Talwar thứ 3 của Ấn Độ đã được thử nghiệm tại Nga
Truyền thông Nga cho hay, một chiếc khu trục hạm lớp Talwar mà Nga đang đóng cho Ấn Độ tại nhà máy đóng tàu Yantar ở bán đảo Kaliningrad đã bắt đầu trải qua công đoạn thử nghiệm tại bến (dock trials).
Chiếc khu trục hạm (cỡ nhỏ) lớp Talwar đang được thử nghiệm này được đặt tên là Trikand. Nó là chiếc thứ 3 và cũng là chiếc cuối cùng trong hợp đồng cung cấp 3 chiến hạm cùng lớp có tổng giá trị lên đến 1,6 tỷ USD mà Nga đã ký với Ấn Độ.
Chiếc đầu tiên mang tên Teg đã được Nga bàn giao cho Hải quân Ấn vào tháng 4/2012, chiếc thứ hai mang tên Tarkash đã hoàn thành thử nghiệm trên biển (sea trials) và sẽ được bàn giao vào tháng 11 tới đây.
Sergei Mikhailov - Phát ngôn viên của nhà máy đóng tàu Yantar cho hay, tàu chiến Trikand sau khi thử nghiệm xong tại bến cảng sẽ được đưa ra biển Baltic chạy, bắn vũ khí thử nghiệm trước khi bàn giao cho Ấn Độ vào mùa Hè năm 2013.
Dự kiến, khu trục hạm Trikand sẽ được trang bị 8 tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos, Pháo hạm 100 mm, 1 hệ thống tên lửa hải đối không Shtil, 2 hệ thống tên lửa phòng không Kashtan.
Lê Dũng (theo RIA, GDVN)
--------------------------------
Pakistan thử khả năng răn đe hạt nhân với tên lửa Babur
Pakistan đã thử thành công tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, Babur, có tầm bắn 700km.
Giới chức quân sự nước này nói rằng vụ thử này đã củng cố và tăng cường thêm khả năng răn đe của đất nước.
Văn phòng hỗ trợ kiểm soát và chỉ huy chiến lược thuộc Cục chỉ huy quốc gia (NCA), đơn vị kiểm soát kho vũ khí của Pakistan cho biết, cuộc thử nghiệm được tiến hành tại một địa điểm không được xác định trong lãnh thổ Pakistan.
Một tuyên bố gửi Văn phòng quan hệ liên binh chủng nói quả tên lửa đã được phóng đi từ một bệ phóng tên lửa cơ động đã “tăng cường đáng kể ứng dụng về mục tiêu và triển khai”.
Tên lửa Babur, còn được gọi là Hatf-VII, được chế tạo trong nước. Đây là loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn 700km.
Tên lửa thuộc loại có tầm bay thấp, tránh, lượn trên địa hình và có thể được dùng vào các mục tiêu trên đất liền và trên biển “với sự chính xác cao”.
Tên lửa Babur có các tính năng tàng hình và được trang bị công nghệ tên lửa đạn đạo hiện đại như “thích ứng với từng địa hình” và “kết hợp địa hình kỹ thuật số và phối hợp thực địa”. Hệ thống này được giới thiệu có thêm khả năng điều chỉnh hành trình.
Tên lửa có khả năng mang được đầu đạn hạt nhân và các đầu đạn quy ước.
Cuộc thử được Tổng giám đốc Cục chiến lược, Khalid Ahmed Kidwai, Chủ tịch Hội đồng khoa học và chế tạo quốc gia, Muhammad Irfan Burney và các sỹ quan của lưc lượng vũ trang và các tổ chức chiến lược chứng kiến.
Cuộc thử nghiệm được Tổng thống, Thủ tướng và Chủ tịch ủy ban liên quân Pakistan đánh giá cao và gửi lời khen ngợi các nhà khoa học và các kỹ sư tham gia dự án.
Năm 2012, Pakistan đã tiến hành nhiều vụ thử các loại tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Phạm Ngọc Uyển (theo TOI, ĐVO)
-------------------------------
Nga huấn luyện kíp xe T-90A theo mô hình mới
Cuối năm 2012, lữ đoàn tăng - pháo đóng quân tại Dagestan và một căn cứ của Nga ở CH Abkhazya sẽ sử dụng mô hình huấn luyện mới cho các kíp xe T-90A.
Điểm đặc biệt của mô hình này ở chỗ yêu cầu kíp xe phối hợp chặt chẽ trong quá trình vận hành xe.
Ngoài ra, nó cho phép quan sát toàn cảnh cuộc chiến bằng cách chỉ rõ vị trí của 15 mục tiêu ở khoảng cách từ 100m đến 4 km, khi chúng đang chạy với tốc độ 60 km/h.
Mô hình này rèn cho kíp xe quen với bất kỳ tình huống chiến đấu nào, trong mọi điều kiện thời tiết.
Ngoài ra, kíp xe phải đảm bảo yêu cầu không tiêu hao đạn dược, chất bôi trơn, và làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của xe tăng.
Chương trình huấn luyện của mô hình tăng này cho phép tạo ra những tình huống chiến thuật với độ khó khác nhau và sử dụng được nhiều hình thức tác chiến.
Đến nay, đã có những mô hình huấn luyện cho người lái các loại xe chiến đấu bộ binh. Người lái buộc phải lái xe trên những địa hình lồi lõm, vượt qua các chướng ngại vật tự nhiên và giả định, lội nước.
Để kết thúc khóa huấn luyện, các học viên phải hoàn thành những bài tập điều khiển xe tại trung tâm huấn luyện Dalni.
Hiền Thảo (theo Arms-expo, ĐVO)
--------------------------
Ấn Độ đưa thiết giáp xung kích lên biên giới với Trung Quốc
Các nhà lãnh đạo quân sự Ấn Độ có kế hoạch tăng sự hiện diện quân sự trên vùng biên giới với Trung Quốc ở phía đông bắc đất nước, bằng cách đặt bổ sung các đơn vị pháo binh và xe tăng thiết giáp tại đây.
Quyết định này được thông qua sau khi phía Trung Quốc tăng cường củng cố các cơ sở hạ tầng quân sự trên biên giới với Ấn Độ, tờ báo Ấn Độ “Siasat Daily” cho biết vào ngày 18/9.
Để tăng cường sức mạnh quân sự ở phía đông bắc, Ấn Độ sẽ thành lập lữ đoàn bọc thép được trang bị xe tăng và xe bọc thép sản xuất tại Nga, đồng thời tăng quân số trong các đơn vị chủ lực ở vùng núi.
Trong khuôn khổ của kế hoạch hiện đại hóa quân đội sẽ có thêm 10.000 binh sĩ Ấn Độ được chuyển đến các đảo Andaman và Nicobar, nơi hiện có một lữ đoàn dù đang triển khai hoạt động. Ngoài ra còn có kế hoạch xây các đường băng mới và các bãi đỗ cho trực thăng cách không xa biên giới Trung Quốc./.
(Theo Tiếng nói nước Nga// VOV)
---------------
Tàng hình hạm Gepard phóng tên lửa siêu âm Kalibr-NK
Quân khu phương Nam của Nga vào ngày 17 tháng 9 đã bắt đầu cuộc tập trận chỉ huy – tham mưu chiến lược quy mô lớn mang tên Kavkaz-2012.
Dagestan là một khu trục hạm tàng hình lớp Gepard có lượng giãn nước 2.000 tấn, dài 102m, tốc độ tối đa là 23 hải lý/h, thủy thủ đoàn gồm 103 người và tầm hoạt động lên đến 8.000km.
Ngoài tên lửa Kalibr-NK, Dagestan còn được trang bị tên lửa chống tàu Uran-E, pháo hạm 76,2 mm AK-176M, hệ thống tên lửa phòng không Palma, hai pháo phòng không AK-30 mm 630M và các ống phóng thủy lôi 533 mm.
Ngoài ra, tàu Dagestan còn có thể mang theo hai trực thăng chống ngầm Ka-28 và Ka-31 Helix.
Chiếc tàu khu trục lớp Gepard đầu tiên trong Hải quân Nga là tàu Tatarstan đã hoạt động trong biên chế của Hạm đội Caspian từ năm 2002. Tatarstan được trang bị các tên lửa chống hạm SS-N-25 Switchblade và là kỳ hạm của đội tàu Caspian.
Trịnh Tuân (Nguồn: tvzvezda.ru, GDVN)
--------------------
Nga tiếp tục tăng cường hệ thống phòng thủ không gian
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Lực lượng phòng không vũ trụ Nga sẽ nhận thêm lô thứ 2 của hệ thống phòng không Pantsir-S.
Pantsir-S là hệ thống pháo phòng không kết hợp với tên lửa đất đối không, có khả năng hoạt động trong phạm vi ngắn tới trung bình.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng cho biết: "Việc giao nhận tiếp theo này dự kiến được thực hiện trong tháng 9 - tháng 10 năm nay". Theo ông, hệ thống này có thể đáp ứng được đầy đủ yêu cầu quân đội đặt ra cho hệ thống phòng không.
"Mục tiêu của chính của hệ thống này là bảo vệ hệ thống phòng không S-400 Triumf tại các địa điểm triển khai khỏi sự tấn công của đối phương và các loại tên lửa".
"Ngay khi công việc được hoàn thành, mẫu hệ thống này sẽ được đưa ra thử nghiệm trên chiến trường".
Quân đội Nga phủ nhận việc sẽ triển khai Pantsir-S cho các Lực lượng Mặt đất. Theo phát ngôn viên Quốc phòng Nga, các phiên bản phòng thủ cho Lực lượng Mặt đất và Hải Quân đang được thực hiện.
Trước đó, quân đội Nga đã tiếp nhận lô thứ 1 hồi năm 2011. Phiên bản xuất khẩu của hệ thống này, Pantsir-S1, đã được bán cho Các tiểu vương quốc Ả Rập, Syria và Algeria.
Hồng Anh - theo TTVN
------------------
Iran triển khai tàu chiến ở vùng Vịnh, tỏ thái độ với Mỹ
Đây được xem là động thái nhằm đáp trả các cuộc tập trận trong khu vực do Mỹ đứng đầu.
Truyền hình nhà nước Iran ngày hôm qua đưa tin, Tehran đã triển khai một trong số những tàu ngầm do Nga sản xuất ở vùng Vịnh, chỉ đúng vài ngày sau khi Mỹ và hơn 20 nước đồng minh bắt đầu các cuộc tập trận hải quân gần đó.
Theo bản tin trên, chiếc tàu ngầm Taregh-1đã gia nhập hải quân Iran tại cảng miền Nam Bandar Abbassau sau khi được cải tiến toàn diện đầu năm nay. Đây là một trong 3 tàu ngầm lớp Kilo của Nga mà Iran mua đầu những năm 1990.
Bản tin truyền hình nhà nước Iran cũng phát đi hình ảnh hạ thủy chiếc tàu khu trục Sahand đã hoàn thiện một phần và dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong tương lai gần.
Cả hai động thái trên của Iran đều thực hiện theo mệnh lệnh của nhà lãnh đạo tối cáo Ayatollah Khamenei, người vẫn thường có tiếng nói cuối cùng trong mọi vấn đề. Ông cho rằng Iran không có ý định xâm lược các quốc gia khác.
“Quân đội phải được nâng cấp theo hướng không thế lực nào có thể xâm phạm pháo đài thép của Iran”, ông Khamenei phát biểu trong chuyến thăm tới một căn cứ hải quân ở cảng miền Bắc Noshahr.
Tuyên bố trên được đưa ra chỉ hai ngày sau khi các cuộc tập trận hải quân do Mỹ chỉ huy bắt đầu diễn ra tại vùng Vịnh. Đây là những cuộc tập trận chống mìn lớn nhất từng được tổ chức trong khu vực.
Các quan chức Mỹ nhấn mạnh đợt tập trận này thuần túy mang tính phòng vệ và không nhằm vào bất cứ quốc gia nào cụ thể.
Tuy nhiên, các cuộc tập trận do Mỹ đứng đầu được xem là hành động đáp trả những cảnh báo đóng cửa tuyến đường vận chuyển dầu lửa chiến lược ở Eo biển Hormuz đầu năm nay của Iran.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Iran Ramin Mehmanparas đã lên tiếng phản đối các cuộc tập trận trên bằng việc lên án sự hiện diện của các cường quốc nước ngoài trong khu vực.
“Cội rễ của việc mất an ninh trong khu vực là sự hiện diện quân sự của các cường quốc nước ngoài và phương Tây. Họ sẵn sàng chà đạp lên lợi ích của các nước trong khu vực để đạt được các lợi ích của họ và gây mất ổn định, mất an ninh ở đây”, ông Mehmanparas nói.
Mỹ và các quốc gia đồng minh nghi ngờ Iran theo đuổi âm mưu phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Tehran luôn phủ nhận cáo buộc đó và cho rằng các hoạt động hạt nhân của nước này chỉ phục vụ các mục đích hòa bình như sản xuất điện hay điều trị ung thư.
Anh Minh - theo TTVN
------------------------
30 nước rầm rộ tập trận ở vùng Vịnh
Mỹ và 29 nước tiến hành cuộc tập trận chung quy mô lớn tại vùng Vịnh giữa lúc vấn đề hạt nhân Iran vẫn đang căng thẳng.
Cuộc tập trận này do Mỹ dẫn đầu mang tên Diễn tập quốc tế các biện pháp đối phó thủy lôi (IMCMEX) diễn ra từ ngày 16 - 27.9. Bloomberg dẫn thông báo từ lực lượng hải quân Mỹ cho biết tham gia cuộc tập trận do Mỹ chỉ huy này có các nước như Anh, Pháp, Nhật Bản, Ả Rập Xê Út, UAE, Jordan, Yemen, New Zealand, Estonia... ( Xem Thêm>>)
-------------------------------
IAEA sẵn sàng nối lại đàm phán với Iran
Cơ quan này cũng đồng thời khẳng định sẵn sàng đàm phán với Iran trong thời gian sớm nhất.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 18/9 đã bày tỏ sẵn sàng nối lại đàm phán với Iran.
Thông cáo được công bố sau cuộc gặp giữa Tổng Giám đốc của IAEA, ông Yukiya Amano và người đứng đầu cơ quan năng lượng hạt nhân Iran Fereydoun Abbasi-Davani diễn ra một ngày trước đó. Nội dung thông cáo khẳng định, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cam kết tiếp tục đối thoại với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, đồng thời sẵn sàng đàm phán với Iran trong thời gian sớm nhất.
Tổng Giám đốc IAEA, ông Amano cũng nhấn mạnh rằng Iran nên mở rộng hợp tác với IAEA. Theo ông, cả Iran và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cần cùng nhau tìm ra một giải pháp làm rõ chương trình hạt nhân của Iran và điều này là hết sức cần thiết, cần được thực hiện càng sớm càng tốt./.
Hồng Nhung/VOV - Trung Tâm Tin
Xinhua
-----------------------
Mỹ mời Trung Quốc tham gia tập trận hải quân TBD
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta ngày 18/9 cho biết nước này đã mời Trung Quốc tham gia RIMPAC, cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới do Hải quân Mỹ tổ chức hai năm một lần ở Thái Bình Dương.
Theo hãng tin AFP, thảo luận về sự tương tác giữa lực lượng hải quân hai nước, ông Panetta và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đánh giá cao cuộc tập trận chung chống cướp biển của các hạm đội hai nước tại Vịnh Aden.
Trước đó, Mỹ và Trung Quốc từng tổ chức tập trận quy mô lớn tại Hawaii giữa các đơn vị Cảnh sát biển hai nước về cứu hộ-cứu nạn trên biển.
Tại cuộc đàm phán, ông Panettta và ông Lương Quang Liệt cho biết những cuộc tập trận chung này đã góp phần đáng kể vào việc phát triển hợp tác quân sự giữa hai nước.
Mỹ thường xuyên mời các nước đồng minh trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tham gia tập trận. Trong năm 2012, lần đầu tiên Hải quân Nga đã tham gia cuộc tập trận RIMPAC./.
(Vietnam+)
-------------------
Tùy viên quân sự nước ngoài thăm Hạm đội TBD Nga
Theo Đài Tiếng nói nước Nga, 60 tùy viên quân sự nước ngoài sẽ có dịp thăm các cơ sở Hạm đội Thái Bình Dương của Nga được triển khai tại Primorye và Kamchatka.
Trưởng phòng thông tin quân khu Đông về Hạm đội Thái Bình Dương, Đại tá Roman Martov cho biết theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng Nga, các nhà ngoại giao quân sự sẽ đến Vladivostok ngày 19/9.
Chuyến thăm tại căn cứ chính của Hạm đội Thái Bình Dương sẽ bắt đầu bằng cuộc hội đàm với lãnh đạo Sở đào tạo chiến đấu của hạm đội, Đại tá Oleg Korolev.
Sau đó, đoàn tùy viên quân sự tới tham quan tuần dương hạm trang bị tên lửa Varyag và ghé thăm lữ đoàn 155 của Hạm đội Thái Bình Dương.
Sáng 20/9, các sĩ quan quân sự nước ngoài sẽ bay tới Kamchatka. Tại đây, họ có cuộc gặp gỡ với bộ chỉ huy các cụm và lực lượng quân sự Đông Bắc Nga, đồng thời tham quan du lịch Petropavlovsk-Kamchatsky./.
(Vietnam+)
Iran triển khai tàu ngầm do Nga sản xuất
Iran đã triển khai một tàu ngầm do Nga sản xuất sau khi nó được đại tu hồi đầu năm nay, theo hãng tin AP.
Truyền hình nhà nước ngày 18.9 cho biết tàu, Taregh-1 đã gia nhập đội tàu ở cảng miền nam Bandar Abbas. Nó là một trong ba tàu ngầm lớp Kilo của Nga và Iran tiếp nhận vào đầu thập niên 1990.
Tehran đã nỗ lực xây dựng một chương trình quân sự độc lập kể từ năm 1992 và có một số tàu ngầm tự chế tạo cỡ nhỏ hơn. Vào tháng 5, Iran phải sửa một tàu ngầm khác do Nga sản xuất.
Thông báo ngày 18.9 được đưa ra khi cuộc tập trận do Mỹ chỉ huy với sự tham gia của 29 nước khác đang diễn ra ở vùng Vịnh.
Cuộc diễn tập nói trên được xem như là một phản ứng đối với cảnh báo của Iran rằng nước này có thể đóng cửa eo biển chiến lược Hormuz để trả đũa những biện pháp trừng phạt ngặt nghèo hơn của phương Tây nhằm vào quốc gia này. Tehran sau đó đã rút lại lời đe dọa.
Mỹ và các đồng minh tình nghi Iran đang theo đuổi việc chế tạo một quả bom hạt nhân, cáo buộc mà Tehran luôn bác bỏ.
Trùng Quang // Thanh Niên
---------------
Mỹ triển khai trạm radar mới ở Nhật: Nga "giật mình"
Nga hôm 17-9 vừa lên tiếng bày tỏ mối lo ngại về việc Mỹ sẽ triển khai thêm một trạm radar phòng thủ tên lửa X-band nữa ở Nhật Bản.
Hình minh họa
Trước đó, trong chuyến công du tới Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuyên bố Mỹ và Nhật đã nhất trí triển khai một trạm radar phòng thủ tên lửa X-band nữa ở nước này nhằm đối phó với mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên.
Ngay sau đó, Bộ ngoại giao Nga đã lên tiếng: “Việc triển khai một hệ thống radar đánh chặn tên lửa thứ hai của Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản sẽ tăng cường đáng kể hệ thống phòng thủ tên lửa tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ. Chúng tôi kêu gọi các đối tác của Mỹ hãy suy nghĩ kỹ và cân bằng những nỗ lực phòng thủ tên lửa của họ để chống lại những mối đe dọa và thách thức thật sự, đặc biệt là không làm ảnh hưởng tới lợi ích an ninh của các quốc gia khác trong cộng đồng quốc tế".
Cũng trong ngày 17-9, Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul đã viết trên trang blog cá nhân của mình rằng: “Việc triển khai hệ thống phòng thử tên lửa mới của Mỹ tại Nhật sẽ không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào tới Nga”.
Trạm radar phòng thủ tên lửa X-band đầu tiên của Mỹ được triển khai tại Nhật vào năm 2006.
Linh San (Theo Tân Hoa xã, NLĐ)
------------------------------
Iran cho hạ thủy tàu khu trục và tàu ngầm hạng nặng
Hãng thông tấn bán chính thức Fars của Iran cho biết ngày 18/9, Hải quân Iran đã hạ thủy thành công tàu khu trục mang tên Cộng hòa Hồi giáo Iran Sahand (IRI Sahand) do nước này chế tạo, tại thành phố cảng miền Nam Bandar Abbas.
Cùng ngày, cũng tại đây, Hải quân Iran đã cho hạ thủy một tàu ngầm hạng nặng mang tên Tareq-901 do Nga thiết kế và sản xuất, sau khi tiến hành sửa chữa hồi đầu năm. Đây là một trong ba tàu ngầm của Nga mà nước Cộng hòa Hồi giáo này có được từ những năm 1990 của thế kỷ trước.
Việc hạ thủy các tàu trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh đang tiến hành cuộc tập trận hải quân quốc tế quy mô lớn diễn ra trong 12 ngày tại Vùng Vịnh.
Trước đó, hồi tháng Sáu vừa qua, Tư lệnh Hải quân Iran - Đô đốc Habibollah Sayyari thông báo Iran có kế hoạch xây dựng các tàu mới và tàu ngầm nhằm tăng cường năng lực cho lực lượng hải quân nước này.
Trong khi đó, Phó Tư lệnh Hải quân - Thiếu tướng Abbas Zamini cũng cho biết, Iran đang triển khai đóng 10 tàu khu trục và tàu chiến cao tốc được trang bị các hệ thống đối đất, đối không và chống tàu ngầm tối tân.
Cuối tháng 2/2010, Iran công bố loại tàu khu trục tự chế tạo đầu tiên mang tên Jamaran được trang bị radar hiện đại, có các tính năng chiến đấu điện tử cùng hệ thống đối không, đối đất và chống tàu ngầm.
Jamaran còn có thể mang theo nhiều loại vũ khí khác nhau, trong đó có tên lửa thông minh Nour (Ánh sáng).
Hiện phần lớn tàu hải quân của Iran có từ trước năm 1979 và do Mỹ sản xuất./.
(TTXVN)