TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin quân sự thế giới 17-10-2012


Indonesia ngỏ ý mua BrahMos

Trong khuôn khổ chuyến thăm Indonesia của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ AK Antony, hai bên đã thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác quân sự, liên kết đào tạo và hợp tác sản xuất chung và xuất khẩu các trang thiết bị quân sự.

Nguồn tin Bộ Quốc phòng Ấn Độ xác nhận, hai bên đã đồng ý về hợp tác liên kết đào tạo quân đội và trao đổi quân sự. Ngoài ra, hai nước sẽ xúc tiến một lộ trình hợp tác và sản xuất thiết bị quân sự.

Trong quan hệ hợp tác này, Indonesia bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến hệ thống tên lửa chống hạm siêu thanh BrahMos và hy vọng Ấn Độ sẽ bán cho Jakarta.

Vấn đề này đã được hai bên thảo thuận nhưng chi tiết không được tiết lộ.

BrahMos là sản phẩm liên doanh giữa Ấn Độ và Nga, việc bán loại tên lửa này cho bên thứ 3 nào đó cần được sự đồng thuận của cả Ấn Độ và Nga.

Các nhà phân tích quân sự đánh giá, Indonesia là thị trường hấp dẫn đối với cả Nga và Ấn Độ, xứ  vạn đảo cũng đã mua khá nhiều vũ khí từ Nga.

Trước đó, Nga đã bán cho Indonesia hệ thống tên lửa chống hạm siêu âm P-800 Yakhont , nguyên mẫu của BrahMos.

Tâm Việt (theo Defencenews, Bee)
--------
Quân đội UAE quan tâm đến nhiều vũ khí của Nga

Theo hãng tin Interfax ngày 16/10, triển vọng cho sự phát triển hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Nga với Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) sẽ được thảo luận trong chuyến thăm Mátxcơva của Phó Tư lệnh Tối cao các lực lượng vũ trang UAE, Thái tử Abu Dhabi Mohammed Al Nahyan.
 
Tại chuyến thăm, Thái tử Al Nahyan sẽ thảo luận về việc thực hiện các hợp đồng đã ký, cũng như triển vọng ký kết những hợp đồng mua vũ khí mới.
 
Theo nguồn tin này, quân đội UAE quan tâm đến các hệ thống phòng không Nga, đặc biệt là hệ thống S-400 Triumph, Tor-M2E và Buk-M2E. Ngoài ra, họ đang quan tâm đến các tổ hợp chiến thuật Iskander E, hệ thống tên lửa bờ biển Club-M, xe bọc thép…
 
Nguồn tin của Interfax cho hay trong cuộc hội đàm, Thái tử Al Nahyan sẽ thảo luận về triển vọng mua vũ khí và thiết bị quân sự Nga.
 
Tuy nhiên, theo ông, trong quá trình chuyến thăm này sẽ không trực tiếp ký hợp đồng vũ khí. Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến tiếp Thái tử Al Nahyan trong ngày 17/10 tới./.

(Vietnam+)
----------
Nga và Ấn Độ góp tiền chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ mới

Báo cáo của Trung tâm phân tích thị trường vũ khí thế giới (SAMTO) được công bố ngày 16/10 xác nhận Nga và Ấn Độ đang hợp tác thực hiện dự án chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm (FGFA) trị giá 12 tỷ USD, trong đó, mỗi nước đóng góp 6 tỷ USD.

Theo dự án trên, Nga và Ấn Độ sẽ phối hợp thiết kế, sản xuất và tổ chức bay thử nghiệm 144 máy bay tiêm kích đa chức năng Perspective Multi-role Fighter (PMF) và toàn bộ máy bay này sẽ được lắp ráp trên lãnh thổ Ấn Độ.

Hiện hai bên đang tiến hành thiết kế loại máy bay PMF với số vốn được cấp lên tới 295 triệu USD. Dự kiến máy bay PMF sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt trước năm 2020 với tỷ lệ trang thiết bị của Nga và Ấn Độ là 60/40.

Tham gia dự án này, Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất (OAK) của Nga sẽ cung cấp các động cơ và công nghệ stels, còn công ty Ấn Độ Hindustan Aeronautics Limited (HAL) sẽ đảm đương khâu lắp ráp máy bay PMF tại Ấn Độ.

Ấn Độ đang thực hiện chủ trương hiện đại hóa quân chủng không quân và có kế hoạch mua 214 máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm của Nga, gồm 166 máy bay một phi công điều khiển và 48 máy bay có hai phi công điều khiển. Hiện Không quân Ấn Độ có gần 130 máy bay tiêm kích đa chức năng Su-30 MKI của Nga mà sắp tới số lượng này có thể sẽ tăng lên tới 270 chiếc, gần 70 máy bay tiêm kích MiG-29 và 200 máy bay MiG-21 cũng của Nga cùng 51 máy bay tiêm kích Mirage 2000 của Pháp.

Trong vòng 2-3 năm tới, Ấn Độ dự kiến sẽ loại bỏ gần một nửa các máy bay này, số còn lại sẽ được nâng cấp và trang bị mới. Mới đây, Niu Đêli đã tiến hành đấu thầu mua 126 máy bay tiêm kích đa năng trị giá hơn 10 tỷ USD với công ty Pháp Dassault Rafale.

TTXVN/Tin tức
--------
Nga thử thành công hệ thống phòng thủ tên lửa

Bộ Quốc phòng Nga ngày 16/10 cho biết các lực lượng phòng không (ADF) nước này vừa thử nghiệm thành công một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm ngắn.

Theo nguồn tin trên, cuộc thử nghiệm diễn ra lúc 12 giờ 01 phút theo giờ Mátxcơva (8 giờ 01 phút GMT) tại bãi thử Sary-Shagan ở Kazakhstan và hệ thống này đã nhắm trúng mục tiêu đúng thời gian dự định.

Vụ thử này nhằm kiểm tra hoạt động kỹ thuật của hệ thống, vốn từng được ADF đưa vào sử dụng.

Là một phần trong Hệ thống Phòng thủ tên lửa của Nga, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm ngắn nói trên được thiết kế với mục tiêu phát hiện và ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công bằng tên lửa hạt nhân và các tên lửa đạn đạo chiến lược thế hệ mới nhằm vào nước này, cũng như nhằm phục vụ các mục đích về công nghệ và quân sự khác./.

(TTXVN)
-----------
Nga 'tăng hạn' hoạt động cho trực thăng Ka-27

Phát ngôn viên Hạm đội phương Bắc cho biết, Hải quân Nga đang thực hiện chuyến bay thử nghiệm trực thăng chống ngầm Kamov Ka-27M hiện đại hóa.

 “Trực thăng Ka-27M hiện đại hóa đang hoàn thiện chuyến bay cũng như thử nghiệm các hệ thống chính của nó”, phát ngôn viên Hạm đội Phương Bắc, ông Vadim Serga nói. Việc hiện đại hóa sẽ kéo dài thời gian phục vụ Ka-27 từ 10-15 năm.

Các cuộc thử nghiệm mới nhất trên biển gồm thử nghiệm hệ thống điện tử hàng không mới trên Ka-27M trong tìm kiếm tàu ngầm và thử nghiệm radar theo dõi tàu ngầm, tàu mặt nước và mục tiêu trên không.

“Trực thăng mới không chỉ trang bị hệ thống điện tử hiện đại, mà còn có thiết bị tiên tiến phục vụ nhiệm vụ đặc biệt”, ông Vadim Serga nói.

Ka-27M trang bị radar mới quét 360 độ, tăng bán kính tìm kiếm và theo dõi đồng thời 10 nhiều mục tiêu cùng lúc.

Trực thăng Ka-27M đi vào phục vụ trong Hải quân Xô Viết từ năm 1982 với vai trò chủ yếu tuần tra chống ngầm. Từ Ka-27M, nhà thiết kế Kamov phát triển thêm một số biến thể: biến thể xuất khẩu Ka-28, vận tải Ka-29 và trực thăng cảnh báo sớm đường không Ka-31.

Ka-27M vẫn lắp đặt hệ thống định vị thủy âm, phao âm và trang bị bom chống ngầm và ngư lôi.

Phượng Hồng (theo Ria Novosti, ĐVO)
------------
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ nói về Biển Đông

 “Mỹ cam kết giữ vai trò trung lập trong các cuộc xung đột ở Biển Đông và muốn những tranh chấp xảy ra trên vùng biển này sớm được giải quyết một cách hòa bình”.

Đó là tuyên bố của Đô đốc 4 sao Samuel J.Locklear III, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ trong chuyến thăm Thái Lan hôm 15-10.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Thái Lan Thanathip Sawangsaeng cho biết, chuyến thăm của Đô đốc Mỹ đánh dấu sự ra mắt của ông trên cương vị mới  tại Đông Nam Á.

Tại buổi gặp mặt Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Thái Lan Thanongsak Apirakyothin, Đô đốc 4 sao Samuel J.Locklear III đã khẳng định lập trường của Mỹ trước những tranh chấp ở Biển Đông và cam kết sẽ không đứng về bên nào trong vấn đề này.

Người phát ngôn Thanathip Sawangsaeng dẫn lời Đô đốc Samuel J.Locklear III rằng Mỹ cam kết duy trì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên nhằm đảm bảo an ninh hàng hải trong khu vực.

Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng mong muốn những tranh chấp trên khu vực biển này sớm được giải quyết một cách ổn thỏa thông qua đối thoại hòa bình. Thêm vào đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Thái Lan dẫn lời khẳng định của Đô đốc Samuel J.Locklear III rằng Mỹ sẽ không đứng về bên nào trong trường hợp các cuộc xung đột xảy ra.

Đô đốc Samuel J.Locklear III cũng nói thêm, hiện nay mối quan hệ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc đang có nhiều bước tiến rõ rệt và Thái Lan sẽ được “hưởng lợi” từ mối quan hệ của hai nước.

Vào ngày 25-10 tới đây, Thái Lan sẽ đứng ra tổ chức cuộc gặp mặt giữa các quan chức ASEAN và Trung Quốc để thảo luận về vấn đề tranh chấp  ở Biển Đông, trước khi Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN diễn ra tại Phnom Penh, Campuchia vào tháng 11.

Nguyễn Thủy
Theo Bangkok Post, Tiền Phong
---------------
Trung Quốc đang đóng mới 36 tàu Hải giám

 Trung Quốc tăng cường đóng mới 36 tàu Hải giám diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông và biển Đông ngày càng gia tăng.

Tờ Nhân Dân nhật báo ngày 16/10 đưa tin, ngày 14/10 Tổng đội Hải giám Trung Quốc đã làm lễ hạ thủy tàu Hải giám 1000 tấn do Trung Quốc tự đóng mới tại Hoàng Bộ, Quảng Châu, 1 trong 36 tàu Hải giám Trung Quốc đang đóng mới.

Tàu Hải giám này mang số hiệu 8002 được bắt đầu chế tạo từ tháng 2 năm nay tại nhà máy đóng tàu Quảng Châu và hoàn thành sau 8 tháng. Tàu Hải giám 8002 dài 79,9 m, rộng 10,6 m, lượng dãn nước thiết kế 1337 tấn, thủy thủ đoàn 43 người, hành trình cơ động liên tục 5000 hải lý và có thể duy trì hoạt động liên tục trên biển 30 ngày đêm.

Trong lễ hạ thủy tàu Hải giám 8002, Ngô Bình – Tổng đội trưởng Tổng đội Hải giám, Lưu Chấn Đông – Chi cục trưởng Hải dương Hoa Đông và Lưu Tu Đức – Giám đốc sở Ngư nghiệp Phúc Kiến đều có mặt.

Việc Trung Quốc tăng cường đóng mới 36 tàu Hải giám diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông và biển Đông ngày càng gia tăng nhằm mục đích tăng thực lực kiểm soát thực tế các vùng biển tranh chấp.

Động thái này của Bắc Kinh một lần nữa gây ra sự chú ý đặc biệt đối với công luận, đặc biệt là các quốc gia có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc.

Hồng Thủy (Nguồn Nhân Dân nhật báo, GDVN)
---------
Mỹ - Hàn đối thoại chiến lược

 Trong các vấn đề được đưa ra thảo luận có vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Các quan chức ngoại giao của Hàn Quốc và Mỹ ngày 16/10 có cuộc gặp tại Seoul (Hàn Quốc). Đây là vòng đối thoại chiến lược mới nhất giữa hai nước đồng minh, thảo luận những vấn đề song phương và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.

Trong cuộc đối thoại, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Ahn Ho-young và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William J. Burns đã thảo luận một loạt các vấn đề, bao gồm mối quan hệ đồng minh, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát tình hình ổn định trên bán đảo Triều Tiên trước cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ và Hàn Quốc, cam kết hợp tác để đảm bảo ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Tình hình Trung Đông như chương trình hạt nhân Iran, viện trợ cho Libya, Ai Cập cũng là nội dung được đề cập trong cuộc đối thoại.

Seoul là một trong những điểm dừng chân trong chuyến thăm 5 nước của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Myanmar và Ấn Độ. Vòng đối thoại chiến lược Mỹ-Hàn tiếp theo sẽ được tổ chức tại Washington vào năm tới./.

Phạm Hà/VOV-Trung tâm tin
(Theo Tân Hoa xã)
----------
Tàu chiến Trung Quốc đến gần Senkaku/Điếu Ngư

Sáng 16/10, 7 tàu hải quân Trung Quốc đã tiến vào vùng nước Điếu Ngư (Nhật gọi là Senkaku), Hoàn Cầu thời báo dẫn nguồn tin từ Nhật.

Kênh truyền hình Nhật Bản (FNN) cho biết, Cục phòng vệ Nhật Bản đã xác định thông tin nhiều tàu hải quân Trung Quốc kéo tới  vùng nước Điếu Ngư/Senkaku vào sáng nay.

Đây là động thái mới nhất của Trung Quốc kể từ khi Nhật tuyến bố quốc hữu hóa 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo Điếu Ngư/Senkaku hôm 11/9.

Theo nguồn tin từ chính phủ Nhật, họ đã nhận được tin báo rằng sáng 16/10, 6 -7 tàu hải quân Trung Quốc sẽ tiến vào vùng nước Điếu Ngư/Senkaku.

Hiện phía Nhật Bản vẫn chưa xác định được vị trí chính xác của các tàu Trung Quốc."Một chiếc máy bay của Nhật đã phát hiện 7 tàu hải quân Trung Quốc trong vùng biển cách phía nam đảo Yonaguni 49km vào lúc 7 giờ sáng nay (giờ địa phương)," một quan chức Cục phòng vệ Nhật Bản nói.

Cục này cho biết trong số những chiếc tàu trên có hai tàu khu trục, ít nhất một tàu có khả năng mang theo tên lửa, hai chiến hạm, hai tàu ngầm cứu hộ và một tàu tiếp vận.

Hoàn Cầu thời báo nói lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật đã điều tàu tới Điếu Ngư/Senkaku thăm dò và giám sát.

Căng thẳng Trung Quốc tiếp tục leo thang khi cả Tokyo và Bắc Kinh đều kiên quyết không nhượng bộ trong tranh chấp liên quan quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
( Theo VTC)
--------
Nga thử trực thăng chống tàu ngầm hiện đại

 Hạm đội Bắc của Hải quân Nga đang tiến hành thử nghiệm trực thăng chống tàu ngầm Kamov Ka-27M mới nâng cấp được triển khai trên các con tàu khu trục cỡ lớn.

 Thông tin trên vừa được người phát ngôn của hạm đội trên – Đại úy Vadim Serga hôm qua (15/10) cho hay.

Ông cho biết: “Trực thăng Ka-27M nâng cấp (mà NATO gọi với tên hiệu là Helix) đang hoàn thành thử nghiệm khả năng hạ cánh trên tàu khu trục đang di chuyển cũng như thử nghiệm một số hệ thống vũ khí chính”.

Trước đó, trực thăng Ka-27M đã được thử nghiệm hạ cánh trên tàu khu trục đang đứng yên ở một bãi đỗ tàu ngầm trên Bán đảo Kola.

Cuộc thử nghiệm trên biển mới nhất này sẽ bao gồm việc thử nghiệm các hệ thống điện tử mới với khả năng dò tìm tàu ngầm, đồng thời thử nghiệm hệ thống ra-đa chống tàu ngầm, phá hủy các mục tiêu trên không và dưới mặt đất.

"Chiếc trực thăng nâng cấp thử nghiệm hạ cánh xuống tàu chống hạm trên đường đi, và thử nghiệm hoạt động của hệ thống và các thành phần chủ yếu của máy bay," – Ông Sergey Brin cho biết.

Ông cho biết: “Trực thăng mới này không chỉ được lắp đặt các hệ thống điện tử hàng không hiện đại mà còn được nâng cấp với các hệ thống đặc biệt khác. Thêm vào đó, hệ thống ra-đa mới còn có khả năng 'quét' 360 độ".

"Máy bay trực thăng cải tiến cũng có thời hạn phục vụ lâu hơn khoảng 10-15 năm", đại diện của Hạm đội biển Bắc kết luận.

Được biết, giai đoạn tiếp theo của thử nghiệm máy bay trực thăng Ka-27m được tổ chức trong thao trường vùng biển của Hạm đội biển Bắc.Trực thăng Ka-27 được đưa vào biên chế của Hải quân Xô-viết từ năm 1982 với vai trò chống tàu ngầm.
( Theo VNmedia)
-----------
"Tàu hải quân Trung Quốc vào vùng biển của Nhật"

Bộ Phòng vệ Nhật Bản ngày 16/10 cho biết tàu của hải quân Trung Quốc đã có mặt trong "vùng biển gần đảo của Nhật Bản," thay vì các tàu dân sự như trước đây.

"Một chiếc máy bay của Nhật đã phát hiện 7 chiếc tàu hải quân Trung Quốc trong vùng biển cách phía nam đảo Yonaguni 49km vào lúc 7 giờ sáng nay (giờ địa phương)," một quan chức bộ phòng vệ Nhật Bản cho hay, đề cập tới vùng lãnh hải được quốc tế công nhận là của Nhật Bản.

Bộ này cho biết trong số những chiếc tàu trên có hai tàu khu trục, ít nhất một tàu có khả năng mang theo tên lửa, hai chiến hạm, hai tàu ngầm cứu hộ và một tàu tiếp vận.

"Những chiếc tàu này đang di chuyển từ phía Bắc Thái Bình dương tới Biển Hoa Đông," người phát ngôn bộ trên cho biết.

"Những con tàu này đang ở vùng biển tiếp giáp lãnh hải, cách Nakanokamishima 44km về phía tây nam," người phát ngôn bộ phòng vệ Nhật nói trong một tuyên bố khác, đề cập tới một dải bên ngoài lãnh hải mà Nhật Bản chắc chắn có chủ quyền theo luật hàng hải quốc tế./.

(Vietnam+)
---------
Chiến đấu cơ lên tàu sân bay Trung Quốc

Quân đội Trung Quốc vừa bắt đầu huấn luyện máy bay trên chiến hạm Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên và duy nhất của nước này.

Theo AP, những bức ảnh vừa được đăng tải trên mạng cho thấy một chiếc máy bay chiến đấu J-15 hạ cánh trong giây lát trên boong tàu sân bay rồi cất cánh. Trực thăng Z-8 do Trung Quốc sản xuất cũng vừa thực hiện các bài tập cất, hạ cánh trên tàu Liêu Ninh. Cả hai loại máy bay này đều dựa trên thiết kế của Nga và Pháp. Các phi công Trung Quốc được cho là đang được huấn luyện trên những boong tàu sân bay mô hình đặt trên đất liền.

Các bài tập luyện là một động thái mới nhất nhằm xây dựng năng lực tác chiến của tàu sân bay, vốn được phiên chế cho Hải quân Trung Quốc tháng trước mà không có máy bay hay đội tàu chiến nào đi cùng. Bước tiếp theo sẽ là việc phóng và cứu hộ máy bay, một quy trình phức tạp có thể mất nhiều năm để thực hiện.

Xinhua mới đây dẫn tin truyền hình Trung Quốc cho hay tàu Liêu Ninh rời cảng tối 13/10, lần đầu tiên kể từ khi được chính thức sung vào hải quân nước này.

Ukraina đóng tàu Varyag, tên nguyên thủy của tàu Liêu Ninh, để dành cho hải quân nước này vào những năm 80 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, quốc gia này sau đó bán vỏ tàu cho Trung Quốc vào năm 1998. Được làm mới hoàn toàn tại xưởng đóng tàu tại Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, con tàu đã trải qua 10 lần chạy thử từ tháng 8/2011.

Việc bổ sung Liêu Ninh vào hải quân Trung Quốc thể hiện tham vọng trở thành cường quốc hải quân hàng đầu châu Á, trong bối cảnh có căng thẳng với các nước láng giềng xung quanh tranh chấp biển đảo trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Tàu Liêu Ninh được coi là một bệ phóng thử nghiệm cho các tàu sân bay do Trung Quốc tự đóng trong tương lai.

Trọng Giáp// VNexpress
----------
Nga: Hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là khiêu khích

Đại sứ Nga ở Ankara, Vladimir Ivanovski được triệu tập đến Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ để giải thích về việc liên quan đến “hàng cấm” trên chiếc máy bay của Syria.

 Nguồn tin của Interfax ở Bộ Ngoại giao Nga cũng khẳng định tin này.

Chiếc máy bay Airobus A320 của hãng hàng không Syrian Air bay từ Moscow đến Damascus bị giữ chiều tối ngày 10/10 ở Ankara vì bị nghi chuyên chở vũ khí. Máy bay tiêm kích của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc các phi công hạ cánh vì họ nhận được thông tin máy bay chở hàng cấm.

Hiện chưa có giải thích chính thức máy bay chở gì. Các phương tiện thông tin đại chúng Thổ Nhĩ Kỳ viết là đã tìm thấy trên máy bay thiết bị thông tin gì đó có thể được sử dụng cho những mục đích quân sự.

Nga và Syria kiên quyết bác bỏ sự hiện diện của hàng quân sự.

Hãng hàng không Syria chuẩn bị đưa khiếu nại đối với hành xử của phía Thổ Nhĩ Kỳ lên Liên đoàn hàng không quốc tế cũng như đến các cơ quan hữu trách Arab và các tổ chức bảo vệ quyền con người, đại diện hãng, ông Gaida Abdel Latyf thông báo.

Về phía mình Moscow yêu cầu Ankara giải thích liên quan đến vụ việc. Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ sự bất bình trước cách thức Ankara đối xử với 17 người Nga trên máy bay. Những người này đã bị giữ trên máy bay 8 giờ đồng hồ không được cung cấp thực phẩm, cơ quan đại diện ngoại giao Liên bang Nga.

Izvestia đưa tin, nguồn của báo này ở Vnukovo nói: “Trong hành lý của hành khách không có các thiết bị cấm, không có bất kỳ thiết bị gây nhiễu tích cực nào mà các phương tiện thống tin đại chúng nhắc đến”.

Ngay sau khi hạ cánh, máy bay bị lục soát suốt 5 giờ, nhà chức trách đã tịch thu 12 hộp lớn có đóng dấu từ khoang hành lý đựng thiết bị quân sự.

Theo tin không chính thức của các phương tiện thông tin đại chúng Thổ Nhĩ Kỳ, nhà chức trách nước này đã tìm thấy trên máy bay các linh kiện vô tuyến điện và bộ phận để lắp các đài vô tuyến quân sự, cũng như những chi tiết của tên lửa. Sau tịch thu thiết bị, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép máy bay tiếp tục hành trình đến Syria.

Hãng tin SANA của Syria đưa tin dựa vào nguồn ở Nga cho biết, Điện Kremlin không có nhu cầu sử dụng máy bay chở khách để chuyên chở hàng quân sự đến Syria. Nga tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo các hợp đồng quân sự với Damascus đã được ký trước khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua các biện pháp trừng phạt. Moscow cam kết, không đưa vũ khí mới và không ký các hợp đồng mới cho đến khi tình hình ở Syria bình thường trở lại.

Giám đốc Trung tâm phân tích buôn bán vũ khí thế giới Igor Korotchenko khi trao đổi với báo Izvestia đã gọi việc Không quân Thổ Nhĩ Kỳ chặn máy bay Syria là sự khiêu khích và được lập kế hoạch cẩn thận.

Ông Korotchenko cho rằng: “Chuyến bay của Syrian Air không chuyên chở gì cả. Chắc chắn đây là sự khiêu khích của các cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ. Cần thấy rõ là thực tế Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên chiến với Syria - như mọi người đều biết, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép các lực lượng vũ trang của mình thực hiện những chiến dịch vượt qua biên giới. Ngoài ra, Bộ Tổng tham mưu Thổ Nhĩ Kỳ xác định vùng cấm bay rộng 10 km dọc biên giới – rõ là nước này đang chuẩn bị cho cuộc xâm lược”.

Theo ông này, vụ việc với chiếc máy bay Syria là bước tiếp theo của cuộc chiến tranh thông tin chống lại Syria nhằm chuẩn bị dư luận xã hội cho việc xâm nhập vào Syria của Thổ Nhĩ Kỳ.

Chủ nhiệm phòng phân tích Viện phân tích quân sự và chính trị Alexander Khramchikhin cho rằng, Nga tiếp tục cung cấp hàng quân sự cho Syria, song tỏ ra ngạc nhiên về cách chuyên chở.

Bởi vì Nga chính thức không ủng hộ trừng phạt chống chế độ của Bashar al Assad và có thể cung cấp vũ khí hoàn toàn công khai hợp lệ, không phải dùng đến máy bay dân dụng, hơn nữa lại là của các hãng hàng không nước ngoài.

Trước đó, The New York Times đã đưa tin, là 150 chuyên viên quân sự  đã đến Jordan để đảm bảo an ninh cho 200 nghìn người tị nạn đến từ Syria.

Ngoài ra, theo các nguồn không chính thức của Mỹ, là người Mỹ đã nhận được lệnh chiếm vũ khí hoá học của Syria sau khi quân đội của Bashar al Assad mất quyền kiểm soát các kho chứa vũ khí này.
( Theo ĐVO)
------------
Iran có kế hoạch gây tràn dầu ở eo biển Hormuz

Theo Đài Tiếng nói nước Nga, tạp chí Der Spiegel của Đức ngày 15/10 đưa tin Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Mohammad Ali Jafari có kế hoạch gây ra thảm họa môi trường ở Eo biển Hormuz để tạm thời dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của quốc tế.

Tờ báo cho biết theo kế hoạch này, mang mật danh là "Nước bẩn," một tàu chở dầu Iran sẽ va đập vào các tảng đá bên bờ Eo biển Hormuz nhằm gây sự cố tràn dầu.

Mục đích của việc tạm thời làm ô nhiễm nguồn nước là nhằm buộc các nước Phương Tây tham gia sự kiện quy mô lớn nhằm làm sạch nước biển tại khu vực này.

Tạp chí lưu ý rằng việc hớt dầu chỉ có thể được thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Chính phủ Iran và để làm điều đó cần phải tạm ngừng lệnh cấm vận.

Tạp chí này không tiết lộ nguồn gốc của thông tin, nhưng cho biết các cơ quan tình báo Phương Tây đang nghiên cứu kế hoạch của Tehran.
(VTC)
-----
Thủ tướng Nhật giao "trọng trách mới cho hải quân"

 Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda kêu gọi hải quân chuẩn bị đối mặt "với các trọng trách mới" trong bối cảnh an ninh quanh đất nước đang biến đổi.

Theo hãng tin AP, Thủ tướng Noda đưa ra phát biểu này nhân dịp hải quân Nhật Bản đánh dấu ngày kỷ niệm 60 năm bằng một màn tập trận lớn thể hiện sức mạnh hải quân, trong lúc Tokyo đang có tranh chấp lãnh thổ căng thẳng với Bắc Kinh xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Phát biểu từ khu trục hạm JS Kurama, Thủ tướng Noda nói nước ông đang đối mặt những thách thức an ninh "nghiêm trọng", mặc dù ông không nhắc tới tranh chấp chủ quyền nhóm đảo trên biển Hoa Đông với Trung Quốc.

Khoảng 40 tàu bao gồm các khu trục hạm tối tân và các thủy phi cơ có khả năng tấn công vào những vùng bờ biển có địa hình phức tạp và tàu ngầm thế hệ mới dùng năng lượng quy ước tham gia vào cuộc duyệt hạm năm 2012 – một hình thức tương tự như duyệt binh dành cho hải quân. Khoảng 30 phi cơ hải quân- đa phần là trực thăng- cũng tham gia vào buổi duyệt hạm hôm 14.10.

Ngoài ra, còn có chiến hạm đến từ Mỹ, Singapore, Australia và các đại biểu đến từ 20 quốc gia- trong đó có Trung Quốc- cũng tham gia vào sự kiện được tổ chức ở vùng biển phía nam Tokyo. Cuộc duyệt hạm được tổ chức ba năm một lần, nhưng năm nay được mở rộng ở quy mô lớn để kỷ niệm 60 năm ngày thành lập hải quân Nhật Bản.

Hải quân Nhật Bản- vốn có tên gọi chính thức là Lực lượng Phòng vệ trên biển, nằm trong số những đội quân được trang bị và được huấn luyện tốt nhất trên thế giới. Theo hiệp ước phòng vệ thời hậu chiến với Mỹ, Nhật Bản cho nước này đóng hạm đội 7 trên lãnh thổ của mình, trong đó có hàng không mẫu hạm USS George Washington.

Tuy nhiên, Tokyo đã đề cao cảnh giác trong những năm gầy đây trước sự trỗi dậy của lực lượng hải quân  nước láng giềng Trung Quốc. Các quan ngại về sự quả quyết ngày càng tăng trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh đã làm phát sinh các lời kêu gọi Tokyo tăng cường sức mạnh quân sự.

Hải quân Nhật Bản đang củng cố hạm đội của họ bằng cách mua thêm các tàu đổ bộ lưỡng cư và cũng đang tính đến khả năng mua các phi cơ không người lái để tăng cường khả năng thám sát ngoài khơi.

Trong khi đó, tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 15.10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố nỗ lực của Nhật Bản nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các nước trong tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku là hoàn toàn vô ích.

Ông Hồng Lỗi nhấn mạnh, quần đảo Điếu Ngư và các đảo phụ cận là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc từ xa xưa và Nhật Bản cũng không thể phủ nhận sự thật lịch sử là nước này đã chiếm hữu trái phép lãnh thổ của Trung Quốc.

Người phát ngôn cũng cho rằng phía Mỹ đã tuyên bố có thái độ không thiên vị trong tranh chấp lãnh thổ Trung - Nhật và ông này hy vọng rằng "Mỹ sẽ giữ lời".

Theo BBC, Xinhua , LĐ
----------
 Israel tăng cường an ninh biên giới với Ai Cập

Nhật báo "Yedioth Ahronoth" ngày 15/10 cho biết Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đang triển khai một hệ thống phát hiện và cảnh báo hiện đại dọc đường biên giới với Ai Cập trong bối cảnh gia tăng các mối đe dọa tấn công khủng bố từ Bán đảo Sinai.

Việc lắp đặt hệ thống này nhằm tăng cường an ninh dọc theo 40 km hàng rào biên giới, nhất là tại khu vực có các "cồn cát di động" vốn được xem là một trong những nơi nguy hiểm nhất trên đường biên giới Israel - Ai Cập. Hệ thống này, đã được triển khai dọc các đường biên giới giáp Dải Gaza, Lebanon và Syria, bao gồm các cảm biến điện tử hết sức tinh vi được kết nối trực tiếp với các trạm điều khiển trung tâm.

Thời gian gần đây, trước nguy cơ khủng bố ngày càng tăng tại Bán đảo Sinai, IDF đã tăng cường đầu tư cho công tác phòng vệ tại khu vực biên giới với Ai Cập.

Hiện Israel đang có kế hoạch xây dựng một con đường mới chạy dọc biên giới với Ai Cập và bắt đầu cho di chuyển các bốt gác vào sâu trong nội địa nhằm giảm thiểu các vụ tấn công của các tay súng giấu mặt từ bên kia biên giới nhằm vào lực lượng biên phòng Israel.

TTXVN/Tin tức
-----------
Nga: Bảo vệ biên giới phía nam bằng tên lửa mạnh nhất

Cuối năm nay, các đơn vị phòng không của Quân khu Phía Nam Nga sẽ được trang bị những hệ thống tên lửa tối tân S-400 – loại tên lửa mạnh nhất mà Nga đang có hiện giờ. Đây là thông tin vừa được một phát ngôn viên của Quân khu Phía Nam tiết lộ ngày hôm qua (15/10).

Quân khu Phía Nam được thành lập hồi tháng 10 năm 2010. Nó bao gồm các nước Cộng hòa Adygea, Dagestan, Ingushetia, Kabardino-Balkaria, Kalmykia, Karachay-Cherkessia, Bắc Ossetia, Chechnya, và các khu vực Krasnodar, Stavropol, Astrakhan, Volgograd, Rostov.

“Theo một kế hoạch tái vũ trang cho Quân khu Phía Nam, các hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 sẽ được đưa vào chiến đấu trong cuối năm nay, thay thế cho các hệ thống S-300PM”, Đại tá Igor Gorbul cho biết.

Quân khu Phía Nam của Nga sẽ được đón nhận 16 vũ khí mới trong năm 2012, trong đó có tổ hợp tên lửa-pháo phòng không tầm ngắn Pantsir-S (SA-22 Greyhound), ông Gorbul cho biết thêm.

Lực lượng Vũ trang Nga hiện đang vận hành 4 tổ hợp tên lửa S-400, hai ở thủ đô Moscow, một ở khu vực Kaliningrad và một ở Quân khu Phía Đông.

S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.

S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao.

Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng. Chính vì tính hiệu quả của S-400 nên Nga đã cho triển khai các hệ thống tên lửa phòng không này ở Moscow để bảo vệ thủ đô.

Nhiều nước rất muốn sở hữu S-400 của Nga. Hiện giá mỗi tổ hợp tên lửa phòng không tối tân này là khoảng 500 triệu USD. Nga khẳng định, nước này không có kế hoạch xuất khẩu S-400. Tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại này chỉ được sản xuất để phục vụ cho Lực lượng Vũ trang Nga.

Kiệt Linh - (theo RIA, VNmedia)
-----------
Hải quân Mỹ sẽ trở lại căn cứ Subic

Căn cứ quân sự lớn nhất ở nước ngoài trước đây của Mỹ tại cảng vịnh Subic sẽ lại mở rộng cửa đón tàu chiến Mỹ, trong kế hoạch quân sự mới giữa Mỹ và Philippines.

 Theo đó, tới năm 2020 Mỹ sẽ đưa một lượng lớn hạm đội tàu chiến đến Thái Bình Dương nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương.

Báo chí quốc tế và khu vực, ngày 15.10 đồng loạt đưa tin cho biết quan chức Mỹ và Philippines đã xác nhận rằng vịnh Subic, từng là căn cứ của Hạm đội 7. Bộ Ngoại giao Philippines đồng thời xác nhận việc triển khai luân phiên các lực lượng Mỹ tại Subic đã được tiến hành từ năm 2011.

“Tổng thống Benigno Aquino cho phép điều này với sự chấp thuận của cả hai viện của Quốc hội, và được đa số người dân Philippines đồng tình ủng hộ”- ông Edilberto Adan - một vị tướng đã nghỉ hưu và là cựu giám đốc của chương trình hiện đại hóa quân sự Philippines - cho biết. “Mỹ sẽ không quay trở lại các căn cứ mà họ đã lập vào năm 1991, nhưng họ sẽ có mặt thường xuyên và được chào đón ở đây”- ông Adan nói.

Cảng quân sự vịnh Subic, cùng với căn cứ không quân Clark ở gần đó (thuộc Philippines) là những cơ sở đồn trú quan trọng của Mỹ, nước cai trị Philippines trong suốt thời gian Thế chiến thứ II. Các căn cứ này cũng từng cung cấp hỗ trợ hậu cần cho Mỹ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam những năm 1970, và tiếp tục giữ vai trò chiến lược quan trọng trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Căn cứ không quân Clark bị đóng cửa vào năm 1991, sau vụ núi lửa Pinatubo gần đó phun trào biến căn cứ này thành tro và không còn có thể sử dụng được nữa.Trong khi đó, căn cứ hải quân Subic, nằm ở phía bắc thành phố Olangapo nhìn ra biển Đông, không bị hề hấn gì sau vụ núi lửa phun trào này.

Tuy nhiên, trước tinh thần dân tộc và các cuộc biểu tình mạnh mẽ của người dân đòi quân Mỹ rút khỏi Philippines, năm 1992 Thượng viện nước này đã bỏ phiếu chấm dứt hợp đồng cho Mỹ thuê căn cứ Subic. Tuy nhiên, đến năm 1999, Philippines lại thông qua một thỏa thuận về các chuyến viếng thăm quân sự với Mỹ và cho phép hai nước nối lại các hoạt động tập trận chung quy mô lớn...

Về phía mình, Philippines đã nhiều lần thể hiện sự quan ngại về sự tranh chấp của Trung Quốc trên biển Đông và cho rằng Trung Quốc sử dụng chiêu thức “ngoại giao bắt nạt” khi giải quyết tranh chấp bãi cạn Scarborough giữa 2 nước. Cho nên, dù không nói ra, nhưng việc Philippines mở rộng cửa đón tàu chiến Mỹ vào căn cứ Subic là nhằm đối phó với Trung Quốc. Hơn nữa, giữa Philippines và Mỹ có một hiệp ước phòng thủ chung, nếu Philippines bị tấn công, Mỹ sẽ có trách nhiệm can thiệp.

Cảng vịnh Subic được đánh giá là một trong các vị trí xung yếu chiến lược bởi nó nằm ở vị trí trung tâm Thái Bình Dương, hướng thẳng ra biển Đông, có thể kiểm soát được đường lối giao thương hàng hóa, xuất nhập dầu mỏ của Trung Quốc từ Trung Đông. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích nếu so về tầm chiến lược quân sự, thì hải cảng này xếp sau cảng Cam Ranh vốn nằm trong lòng biển Đông, có tầm “tác xạ” thẳng vào nhiều vùng, khu vực thuộc Trung Quốc. 

( Lao Động)

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te