Hải quân Nga bàn giao chiến hạm Tarkash cho Ấn Độ
Ngày 9/11, tại nhà máy đóng tàu Yatar ở Kaliningrad, đại diện hải quân Nga đã chuyển cho đại diện hải quân Ấn Độ chiến hạm Tarkash, chiếc tàu chiến thứ hai trong số ba tàu chiến mà New Delhi đặt mua tại đây.
Chiến hạm đầu tiên Teg đã được phía Nga chuyển cho Hải quân Ấn Độ ngày 27/4 vừa qua. Chiến hạm thứ ba mang tên Trikand sẽ được chuyển cho phía Ấn Độ vào mùa Hè năm 2013 tới.
Trước đó, vào thời kỳ 2003-2004, nhà máy đóng tàu Baltik ở Sankt-Peterburg cũng đã đóng và chuyển giao cho Hải quân Ấn Độ ba chiến hạm Talwar. Các chiến hạm trên đây do Nga đóng cho Ấn Độ đều có khả năng tiêu diệt các tàu chiến và tàu ngầm của đối phương cũng như các mục tiêu tấn công từ trên không.
Tàu Tarkash có lượng choán nước 4.000 tấn, có đội thủy thủ 220 người và có thể ra khơi xa 5.000 hải lý.
Cho đến nay, Ấn Độ đã ký các hợp đồng mua tàu chiến và tên lửa của Nga trị giá tới 11 tỷ USD./.
(Vietnam+)
-----------
Nhật - Mỹ cập nhật hướng dẫn hợp tác an ninh
Hãng tin Kyodo (Nhật) đưa tin ngày 9-11, tại cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Satoshi Morimoto cho biết:
Nhật sẽ tìm cách củng cố mối quan hệ đồng minh an ninh với Mỹ trong các hội đàm giữa quan chức quốc phòng hai nước vào tháng sau. Ông nói Nhật và Mỹ sẽ cập nhật các hướng dẫn hợp tác an ninh giữa hai nước nhằm vạch ra các biện pháp đối phó các mối đe dọa mới nổi trong khu vực bao gồm chủ nghĩa khủng bố và tội phạm mạng máy tính. Các hướng dẫn hợp tác an ninh hiện tại chủ yếu đề cập đến phối hợp của quân đội hai bên nhằm ứng phó với các tình huống khẩn ở các khu vực xung quanh Nhật nhưng không chỉ ra tình huống khẩn cấp cụ thể. Bộ trưởng Satoshi Morimoto nói các hướng dẫn này được sửa đổi cách đây 15 năm do vậy không dự báo được nhiều mối rủi ro an ninh hiện nay.
Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Akihisa Nagashima đã lên đường sang Mỹ để thảo luận với người đồng cấp Mỹ Ashton Carter về các vấn đề hợp tác an ninh giữa hai nước.
Phản ứng trước thông tin trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi kêu gọi Nhật và Mỹ không làm tổn hại đến lợi ích của bên thứ ba trong khu vực cũng như tôn trọng các mối quan ngại an ninh của các nước trong khu vực.
THẠCH ANH
(PLTPHCM)
------------
Nga thay một loạt tướng lĩnh quân đội cấp cao
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa thay đổi một loạt tướng lĩnh quân đội cấp cao, chỉ ít ngày sau khi ông sa thải Bộ trưởng quốc phòng nước này.
Hãng tin AP đưa tin, hôm nay, ông Putin đã chỉ định Thượng tướng Valery Gerasimov là Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, thay thế Tướng Nikolai Makarov. Ngoài ra, ông Putin cũng thay thế một số tướng lĩnh cấp cao khác.
Từ phải sang trái: Tổng thống Nga Vladimir Putin, tân Bộ trưởng quốc phòng Sergei Shoigu và tân Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Valery Gerasimov tại điện Kremlin hôm nay.
Hôm 6/11, ông Putin đã sa thải Bộ trưởng quốc phòng Anatoly Serdyukov vì một bê bối tham nhũng. Đây là một động thái khiến nhiều người ngạc nhiên do trước đó vị Bộ trưởng Quốc phòng đầy quyền lực nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống Putin.
Thay thế ông Serdyukov là Thống đốc vùng Mátxcơva Sergei Shoigu.
Ông Serdyukov là người đã chứng kiến những cải cách cấp tiến nhất về quốc phòng của nước Nga và công cuộc cải cách đó đã khiến 200.000 sĩ quan bị sa thải và 10 đơn vị quân đội bị giải thể. Nỗ lực cải cách đó nhằm đưa quân đội Nga từ phong cách Xô viết trước đây thành một lực lượng cơ động hơn, giống quân đội của các nước phương Tây.
Theo tờ Nước Nga Ngày nay (RussiaToday), ông Putin đã thẳng thắn đề ra các nhiệm vụ cho tân Tổng tham mưu trưởng: xây dựng mối quan hệ ổn định với các công ty quốc phòng hàng đầu, tiếp tục hiện đại hóa vũ khí khí tài cho Quân đội và Hải quân.
Tân Tổng tham mưu trưởng Gerasimov được biết đến là người luôn chỉ trích các cải cách do cựu Bộ trưởng quốc phòng Serdyukov đề xuất và các cải cách đó cũng không nhận được sự ủng hộ của quân đội Nga.
Lê Dung
(Infonet)
----------
TQ tiếp tục điều chỉnh nhân sự cấp đại quân khu
Nhật báo Trường Giang (Trung Quốc) ngày 10/11 đưa tin vừa qua, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã ký quyết định bổ nhiệm Tham mưu trưởng đại quân khu Tế Nam, Trung tướng Triệu Tôn Kỳ làm Tư lệnh, Phó Bí thư Đảng ủy đại quân khu Tế Nam.
Đến nay, quá trình điều chỉnh nhân sự cấp Tư lệnh và Chính ủy tại 7 đại quân khu của Trung Quốc đã được hoàn tất, trong đó tổng cộng có 5 viên Tư lệnh và 3 Chính ủy đại quân khu là người mới được điều chuyển từ các cương vị khác. Chỉ có Tư lệnh quân khu Quảng Châu Từ Phấn Lâm và Tư lệnh quân khu Thành Đô Lý Thế Minh vẫn giữ nguyên vị trí công tác trong đợt điều chỉnh nhân sự vừa qua.
Ngoài Tư lệnh quân khu Thành Đô Lý Thế Minh, các Tư lệnh và Chính ủy quân khu còn lại khác đều sinh ra trong thập niên 50, trong đó Triệu Tôn Kỳ (57 tuổi) trở thành Tư lệnh đại quân khu trẻ tuổi nhất hiện nay.
Các đại quân khu của Trung Quốc hiện nay do Quân ủy Trung ương trực tiếp lãnh đạo, dưới đại quân khu là các tập đoàn quân và quân khu tỉnh, đồng thời chỉ huy hành động tác chiến liên hợp giữa không quân quân khu và hạm đội tàu chiến thuộc quân khu mình quản lý. Từ năm 1985 đến nay, Trung Quốc đã thiết lập 7 đại quân khu là Thẩm Dương, Bắc Kinh, Lan Châu, Tế Nam, Nam Kinh, Thành Đô và Quảng Châu.
Tư lệnh 7 đại quân khu hiện nay, trong đó Lưu Việt Quân, Triệu Tôn Kỳ, Thái Anh Đỉnh, Từ Phấn Lâm, Lý Thế Minh còn kiêm nhiệm Tham mưu trưởng đại quân khu./.
(Vietnam+)
---------
Hải quân Brazil tiếp nhận tên lửa chống tăng MSS 1.2
Theo Jane’s Defence, Công ty Mectron – Engenharia e Comércio dự kiến sẽ chuyển giao các tổ hợp tên lửa chống tăng điều khiển bằng laser MSS 1.2 cho Lính thủy đánh bộ Brazil.
Hợp đồng giữa Mectron – Engenharia e Comércio với Hải quân Brazil được ký kết tháng 11/2009 và dự kiến hoàn thành chuyển giao tháng 6-7/2013.
Hợp đồng bao gồm thiết bị phục vụ huấn luyện và linh kiện thay thế.
Theo nguồn tin của Jane’s Defence, hiện có tất cả 500 hệ thống bao gồm tên lửa và bộ phận điều khiển bắn được mua sắm thông qua các hợp đồng đặt hàng riêng biệt.
Điều đó cho thấy, quân đội chọn mua trung bình 12 quả đạn/bộ phận điều khiển bắn, còn hải quân chọn mua 6 quả/bộ phận điều khiển.
Tổ hợp tên chống tăng MSS 1.2 trang bị đạn chống tăng có đường kính thân 130mm, dài 1,5m, tính cả ống phóng thì có tổng trọng lượng 23kg và hệ thống điều khiển bắn có trọng lượng 28kg.
“Tổ hợp MSS 1.2 có tầm bắn tối đa 3.200m, nhưng trong quá trình bắn thử nghiệm nó được chứng minh là hiệu quả ngoài tầm 3.700m”, đại diện công ty cho biết.
Tổ hợp MSS 1.2 có thể triển khai sử dụng chỉ với một người. Xạ thủ làm nhiệm vụ xác định và theo dõi mục tiêu qua thiết bị kính ngắm quang học của bộ phận điều khiển bắn.
Về cách thức dẫn bắn, nửa giây sau khi phóng tên lửa, bộ phận điều khiển bắn sẽ chiếu chùm tia laser vào mục tiêu.
Sau đó, phần sensor đặt ở đuôi quả đạn sẽ đo góc lệnh của tên lửa với góc của chùm tia laser chiếu từ bệ phóng để lái quả tên lửa sao cho luôn bay ở trung tâm chùm tia này cho tới khi đánh trúng mục tiêu.
(GDVN)
------
Indonesia và Mỹ hợp tác sản xuất radar tầm xa 400km
Lockheed Martin và công ty công nghệ PT CMI Teknologi (Indonesia) gần đây đã hoàn thành khâu đánh giá đưa vào sản xuất hệ thống radar giám sát tầm xa TPS-77 và FPS-117.
Lockheed Martin và công ty công nghệ Indonesia PT CMI Teknologi (CMI) gần đây đã hoàn thành khâu đánh giá đưa vào sản xuất cho phép CMI đủ tư cách bắt đầu sản xuất trong nước hệ thống radar giám sát tầm xa TPS-77 và FPS-117.
Lockheed Martin và CMI cùng nhau theo đuổi các Chương trình giám sát không phận quốc gia của Indonesia (NASRI), với các mục đích sản xuất hơn 20 hệ thống radar mới nhằm cải thiện khả năng giám sát an ninh và quản lý không phận trên các quần đảo của nước này trong nỗ lực củng cố quốc phòng.
"Sự thành công của khâu đánh giá cho thấy, các nhân viên của CMI đã sẵn sàng để bắt đầu lắp ráp bộ thu tín hiệu radar và đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình thẩm định", ông James Gribbon, chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Lockheed Martin nói.
"Loại radar mới hoạt động ở băng tần L, có hiệu suất cao và đã có mặt tại 25 quốc gia trên khắp thế giới", ông Gribbon cho biết thêm.
Đánh giá sẵn sàng sản xuất là bước cuối cùng trong những nỗ lực của Chính phủ Indonesia nhằm tăng cường đáng kể việc giám sát chủ quyền vùng trời trên hơn 17.000 hòn đảo của quốc gia này, và nhắm tới mục tiêu sâu rộng hơn là mở rộng tiềm lực công nghiệp của Indonesia.
Dữ liệu lấy từ các mạng lưới mới cũng sẽ tăng cường kiểm soát giao thông hàng không dân sự, gồm quản lý giao thông thương mại hàng không, đang được xử lý bởi hệ thống radar ở Singapore.
PT CMI Teknologi của Bandung, Indonesia là một công ty công nghệ nhỏ thuộc sở hữu tư nhân chuyên thiết kế và sản xuất các thiết bị sóng radio (RF). Công ty hiện nắm giữ các hợp đồng phát triển và hỗ trợ các hệ thống radar quân sự của Indonesia.
Lockheed Martin đã ký một thỏa thuận hợp tác với CMI hồi đầu năm nay và vào tháng 8/2012. Lockheed Martin đã đưa ra một hợp đồng phụ để CMI bắt đầu chứng tỏ khả năng trong việc sản xuất các bộ thu tín hiệu radar.
Lockheed Martin đã sản xuất hơn 170 radar tầm xa, đang hoạt động trên khắp thế giới có thể giám sát mục tiêu trên không ở khoảng cách lên đến 400km.
Có khả năng hoạt động hoàn toàn tự động. Nhiều thiết bị đã hoạt động nhiều năm ở các vùng xa xôi, khắc nghiệt và trong một loạt các môi trường hoạt động khắc nghiệt suốt nhiều thập kỷ mà chưa từng bị gián đoạn.
(GDVN)
-----
Bộ giá kẹp nòng súng máy 14,5mm cho Lục quân VN
Thượng tá, kỹ sư Lương Thanh Bình, Chủ nhiệm Kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn đã nghiên cứu, chế tạo thành công bộ giá kẹp nòng để kẹp súng tiểu liên AK vào giá súng máy 14,5mm.
Thượng tá, kỹ sư Lương Thanh Bình, Chủ nhiệm Kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn đã nghiên cứu, chế tạo thành công bộ giá kẹp nòng để kẹp súng tiểu liên AK vào giá súng máy 14,5mm dùng để huấn luyện bắn các mục tiêu trên không ở độ cao khác nhau.
Giá kẹp nòng có kết cấu đơn giản, gọn, nhẹ. Qua kiểm định thực tế, bộ giá có cơ cấu chuyển động tầm, hướng bảo đảm chính xác, thuận tiện cho việc thao tác, sử dụng của trắc thủ đồng thời có tính cơ động cao.
Sản phẩm được Bộ tư lệnh Quân khu 1 công nhận và hiện được áp dụng rộng rãi trong huấn luyện tại các đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn.
(QĐND)
--------
Nhật Bản sẽ sản xuất 40% linh kiện F-35
Tuy nhiên, tính đến ngày 31/10, thỏa thuận cuối cùng về việc sản xuất linh kiện cho F-35 tại Nhật Bản vẫn chưa được ký kết.
Tham gia sản xuất các máy bay F-35A dành cho Nhật có 3 công ty lớn: Mitsubishi Heavy Industries sẽ sản xuất các bộ phận khung thân, Mitsubishi Electric sản xuất thiết bị điện tử, còn IHI Corporation sản xuất động cơ.
Tại Nhật sẽ sản xuất tổng cộng gần 300 đầu linh kiện.
Nhật dự định mua sắm 42 chiếc F-35A, 4 trong số đó Tokyo đã mua vào tháng 7/2012 với đơn giá 238 triệu USD.
Ngoài ra, trong 5 năm tới, Nhật sẽ bắt tay vào phát triển tiêm kích tương lai của mình mà các chuyên gia Mỹ liệt vào thế hệ 6.
Theo Jane's, kinh nghiệm sản xuất linh kiện cho F-35 sẽ hỗ trợ Nhật trong việc phát triển mẫu trình diễn công nghệ tiêm kích thế hệ 5 ATD-X (Advanced Technology Demonstrator - X).
PM (AFP, Lenta, ĐVO)
----------
VN sản xuất lớp bảo vệ nhiệt động cơ tên lửa
Viện Công nghệ (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đã nghiên cứu chế tạo thành công sản phẩm cao su sử dụng làm lớp bảo vệ nhiệt cho động cơ hành trình tên lửa nhiên liệu rắn.
Sản phẩm có các chỉ tiêu kỹ thuật tương đương với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài và hiện đã được ứng dụng trong sản xuất quốc phòng.
Quá trình cháy của nhiên liệu tên lửa phát sinh một nhiệt lượng lớn khiến nhiệt độ buồng đốt động cơ có thể lên tới hàng nghìn độ. Để bảo vệ động cơ tên lửa, cần phải sử dụng lớp bảo vệ nhiệt để hạn chế ảnh hưởng của nhiệt độ đến vỏ động cơ.
Lớp bảo vệ nhiệt phải có độ bám dính tốt với vỏ động cơ trong suốt quá trình bảo quản và trong khoảng nhiệt độ làm việc của động cơ; có độ dẫn nhiệt thấp, nhiệt dung riêng cao; độ bền cơ học, độ bền lão hóa, độ dẫn điện phù hợp…
Trên cơ sở nghiên cứu các mẫu lớp bảo vệ nhiệt của nước ngoài, các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ đã chế tạo thành công vật liệu cao su sử dụng làm lớp bảo vệ nhiệt cho động cơ hành trình của tên lửa. Theo đó, vật liệu là loại cao su nitril biến tính bằng nhựa phenolfomaldehyd.
Công nghệ chế tạo cao su gồm các bước cơ bản: Sơ luyện, hỗn luyện, cán xuất tấm, ép tạo hình và lưu hóa. Sản phẩm được sản xuất từ các loại nguyên liệu chính: Cao su nitril CKH-26; nhựa phenolfomaldehyd; ôxít kẽm; stearat canxi; chất ổn định; urotropin; lưu huỳnh…
Mẫu vật liệu cao su qua thử nghiệm đều đạt các chỉ tiêu, yêu cầu kỹ thuật. Thành công của nghiên cứu đã góp phần quan trọng trong chế tạo các loại ống lót bảo vệ nhiệt động cơ hành trình tên lửa.
Theo báo Quân đội Nhân dân
-------
Nhật Bản mời chào Indonesia thủy phi cơ US-2
Hãng ShinMaywa của Nhật Bản vừa giới thiệu với Bộ Quốc phòng Indonesia mẫu thủy phi cơ US-2.
Theo đại diện hãng Eiiti Negisi, giới quân sự Indonesia tỏ ra quan tâm đến loại máy bay lưỡng tính này và các cuộc đàm phán sơ bộ đã được tiến hành.
Hiện tại, Bộ Quốc phòng Indonesia đang chuẩn bị các yêu cầu về loại thủy phi cơ mới, dự kiến sẽ mua trên cơ sở đấu thầu. Hiện chưa rõ, khi nào Indonesia sẽ công bố mở thầu. Indonesia dự định sử dụng thủy phi cơ cho các chiến dịch tìm kiếm cứu hộ cũng như giám sát lãnh hải.
Theo lời đại diện Negisi, ShinMaywa đã tích cực tham gia thị trường quốc tế, bởi doanh số bán hàng máy bay của hãng này tại Nhật Bản còn vô cùng nhỏ. Tháng 11/2011, Chính phủ Nhật Bản cho phép ShinMaywa tham gia hoạt động xuất khẩu, tạo điều kiện cho hãng tham dự một cuộc đấu thầu của Ấn Độ.
Theo VOR, ĐVO
---------
Thổ Nhĩ Kỳ chưa chính thức yêu cầu NATO triển khai tên lửa Patriot
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết nước ông chưa đưa ra đề nghị chính thức nào với NATO về việc triển khai các khẩu đội tên lửa Patriot dọc biên giới giữa nước này với Syria, Tân Hoa xã đưa tin ngày 10.11.
Ông Davotoglu đưa ra tuyên bố trên tại cuộc họp báo chung hôm 9.11 tại thủ đô Ankara với người đồng cấp Ai Cập Mohammed Kamel Amr đang ở thăm nước này.
Ông nói: “Khi cần thiết, các bước có thể được thực hiện trong tinh thần đoàn kết của khối liên minh vì an ninh của một quốc gia thành viên hoặc lãnh thổ của NATO. Nhưng trong giai đoạn này, chúng tôi vẫn chưa đưa ra yêu cầu chính thức nào nhưng các cuộc thảo luận vẫn đang được tiến hành như một phần của kế hoạch khẩn cấp”.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết việc lập kế hoạch khẩn cấp đã được tiến hành từ nhiều tháng nay, đồng thời nhắc lại việc NATO đã bày tỏ sự đoàn kết mạnh mẽ với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi năm công dân nước này thiệt mạng do trúng đạn pháo bay lạc từ Syria sang thị trấn Akcakale của Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng trước.
Trong quá khứ, Thổ Nhĩ Kỳ đã hai lần yêu cầu triển khai các hệ thống tên lửa phòng thủ Patriot trên lãnh thổ nước này trong bối cảnh các cuộc giao tranh ở Iraq, một lần vào đầu thập niên 1990 và lần thứ hai vào đầu thập niên 2000.
Liên quan đến các cuộc giao tranh dữ dội giữa quân đội và phe nổi dậy Syria ở thị trấn Ras Al Ain giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ, ông Davutoglu nói các cơ quan an ninh và tình báo của nước này đang theo dõi sát sao tình hình và đã thực hiện những biện pháp ứng phó cần thiết.
Trùng Quang
Thanh Niên
--------
Iraq hủy thỏa thuận mua vũ khí trị giá 4,2 tỉ USD với Nga
Iraq đã hủy thỏa thuận mua vũ khí trị giá 4,2 tỉ USD với Nga vì những dấu hiệu tham nhũng, theo người phát ngôn của Thủ tướng Nuri al-Maliki vào hôm nay, 10.11.
Người phát ngôn Ali Mussawi nói với AFP: “Thỏa thuận đã bị hủy. Khi quay về nước sau chuyến thăm Nga, ông Maliki có một số nghi ngờ về tham nhũng, vì thế ông quyết định xem xét lại toàn bộ thỏa thuận… Cuộc điều ra về vụ việc đang diễn ra”.
Ông Mussawi từ chối cho biết cụ thể ai là người bị điều tra hoặc liệu Iraq có bắt đầu đàm phán về thỏa thuận mới với Moscow hay không.
Đại sứ quán Nga tại Baghdad vẫn chưa bình luận về vụ việc.
Hai nước đã đạt được thỏa thuận mua bán vũ khí khổng lồ cách đây một tháng khi ông Maliki dẫn đầu một phái đoàn thăm Nga.
Nếu được hoàn tất và tiến hành, thỏa thuận này sẽ biến Nga trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai của Baghdad, sau Mỹ.
Sơn Duân
Thanh Niên
-------
Canada và Philippines ký kết thỏa thuận quốc phòng
Canada và Philippines ngày 10.11 đã ký kết một thỏa thuận, theo đó Manila có thể mua các thiết bị quốc phòng từ Canada để bảo vệ lãnh thổ.
Thông tin này được tuyên bố tại một buổi họp báo khi Tổng thống Benigno Aquino tiếp đón Thủ tướng Canada, ông Stephen Harper tại thủ đô Manila ngày 10.11, theo tin tức từ AFP.
Theo thỏa thuận này, phía Philippines có thể mua các thiết bị và công nghệ quốc phòng của Canada.
“Thỏa thuận này giúp chúng tôi tăng cường khả năng phòng thủ và an ninh quốc phòng. Chúng tôi không thể công bố thêm chi tiết về thỏa thuận do lo ngại nó bị thế thực thù địch thăm dò”, Tổng thống Philippines Aquino cho biết.
Theo AFP, ông Aquino cho biết quân đội Philippines hiện chỉ có hai máy bay vận chuyển, và không có lấy một chiếc máy báy chiến đấu và chỉ có 132 tàu chiến thời Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Theo Hiệp ước quốc phòng Mỹ - Philippines, Washington dự kiến sẽ bàn giao cho Hải quân Philippines một tàu tuần duyên lớp Hamilton tân trang, đã được Tuần duyên Mỹ sử dụng trước đây, trong năm 2012.
Hồi tháng 10.2012, Tuần duyên Philippines tuyên bố sẽ mua năm tàu tuần tra của Pháp với tổng trị giá 116 triệu USD.
Phúc Duy
Thanh Niên
-----------
Mỹ bán 25 máy bay quân sự cho Ả Rập Xê Út
Bộ Quốc Mỹ đang có kế hoạch bán 20 máy bay vận tải hạng nặng C-130J-30 Super Hercules và năm máy bay tiếp nhiên liệu KC-130J cho Ả Rập Xê Xút, theo tin tức từ AFP.
Hãng tin AFP hôm nay (10.11) dẫn thông cáo từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết gói bán vũ khí này trị giá 6,7 tỉ USD, trong đó bao gồm chi phí huấn luyện, hỗ trợ hậu cần và các phụ tùng có liên quan.
Cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ đánh giá rằng số máy bay trên sẽ hỗ trợ cho đội bay đang già cỗi của Ả Rập Xê Út.
Hợp đồng bán máy bay quân sự cho Ả Rập Xê Út đã được trình lên Quốc hội Mỹ ngày 8.11 và sẽ được xem xét trong vòng 30 ngày.
Vài năm gần đây, Ả Rập Xê Út tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng. Cụ thể, trong năm 2010, Riyadh đã ký hợp đồng mua vũ khí trị giá 60 tỉ USD với Washington.
Đến cuối năm 2011, hai bên tiếp tục ký hợp đồng trị giá 30 tỉ USD, trong đó Mỹ cung cấp cho Ả Rập Xê Út 84 máy bay chiến đấu.
Văn Khoa
Thanh Niên
----
Mỹ chính thức hiện diện quân sự tại Ba Lan
Một đơn vị gồm 10 binh sĩ Mỹ ngày 9.11 đã đánh dấu sự hiện diện quân sự đầu tiên của nước này ở Ba Lan, một thành viên NATO, nhằm thực hiện sứ mệnh hỗ trợ các cuộc diễn tập huấn luyện bằng chiến đấu cơ F-16, tin tức từ hãng tin AFP.
Chỉ huy Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ (EUCOM) kiêm Tư lệnh Đồng minh Tối cao của NATO, Đô đốc James Stavridis, và Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak đã cho ra mắt biệt đội không quân Mỹ tại căn cứ không quân Lask ở miền trung Ba Lan, theo thông báo của Đại sứ quán Mỹ ở Ba Lan.
Sự hiện diện của lính Mỹ tại Ba Lan nhằm hỗ trợ việc luân chuyển ba tháng một lần 250 lính không quân Mỹ đóng tại Đức nhằm đáp ứng các cuộc diễn tập huấn luyện chung với quân đội Ba Lan bằng các chiến đấu cơ F-16 và máy bay vận tải Hercule C-130.
Các cuộc diễn tập sẽ bắt đầu vào năm tới tại các căn cứ không quân Lask, Powidz và Krzesiny ở miền trung Ba Lan nhằm tăng cường khả năng phối hợp giữa các đồng minh NATO.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Ba Lan Bronislaw Komorowski đã đồng ý thành lập biệt đội không quân đầu tiên của Mỹ trên đất Ba Lan trong cuộc gặp gỡ tại Washington hồi tháng 12.2010, một động thái gây khó chịu cho Nga.
Quan hệ giữa Moscow và Warsaw đã trở nên căng thẳng kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1990 và đặc biệt sau khi Ba Lan gia nhập NATO (năm 1999) và EU (năm 2004).
Trùng Quang
Thanh Niên