EU thất bại trong đàm phán về ngân sách năm 2013
Các cuộc đàm phán đầu tiên diễn ra ngày 9/11 giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Nghị viện châu Âu (EP) về ngân sách năm 2013 của tổ chức này đã thất bại sau khi một số nước ủng hộ chủ trương "thắt lưng buộc bụng" từ chối lấp đầy phần thiếu hụt trong những quỹ dành cho các nước thành viên nghèo hơn trong năm 2012.
Thay vì tập trung vào thông qua ngân sách năm 2013, vòng đàm phán lần này "sa lầy" vào phần thiếu hụt lên tới 8,9 tỷ euro (11,3 tỷ USD) chi tiêu trong năm 2012. Các nước đóng góp nhiều nhất cho ngân sách EU - gồm Anh, Áo, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Pháp, Phần Lan và Thụy Điển - đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) sử dụng 15 tỷ euro trong ngân sách dự trữ để lấp đầy "lỗ hổng" nói trên. Tuy nhiên, EC cho biết các nguồn dự trữ này đã cạn kiệt, đồng thời đề nghị giảm hóa đơn thanh toán trong năm 2012 bằng cách khấu trừ 1,4 tỷ euro không được thanh toán trong thời gian này.
Đối với ngân sách 2013, EC và EP đang tìm kiếm một sự gia tăng 6,8%, lên 138 tỷ euro để thúc đẩy tăng trưởng và việc làm, song những nước đóng góp chính lại tìm cách cắt giảm mạnh với lý do để đáp ứng những mục tiêu cắt giảm chi tiêu và chương trình "thắt lưng buộc bụng" ở hầu hết các nước thành viên EU. Pháp, Phần Lan và Đức muốn giảm 5 tỷ euro trong khi Anh đưa ra con số cao hơn. EP và các nước thành viên dự định nối lại các cuộc đàm phán này vào ngày 13/11 tới.
Theo các nhà quan sát, thất bại trong các cuộc đàm phán về ngân sách năm 2013 của EU báo điềm xấu đối với hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này bàn về ngân sách dài hạn 2014-2020, dự kiến diễn ra trong các ngày 22-23/11 tới. Thất bại này cũng đe dọa tương lai của một loạt chương trình xã hội, trong đó có kế hoạch trao đổi sinh viên mang tên Erasmus và kế hoạch bồi thường cho các nạn nhân động đất ở Italy.
Cũng trong ngày 9/11, nhóm "Bộ ba" chủ nợ - gồm EC, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã bắt đầu đàm phán với Cộng hòa Síp nhằm đi đến thỏa thuận cứu trợ vỡ nợ dành cho quốc đảo đang gặp khó khăn về tài chính này.
Nguồn tin Chính phủ Síp cho biết đàm phán đạt tiến bộ, song hai bên vẫn còn nhiều việc cần phải làm. Nicôxia khẳng định sẵn sàng và quyết tâm làm việc tích cực nhằm đi đến thỏa thuận cho vay càng sớm càng tốt. Nhóm "Bộ ba" sẽ ở lại Síp cho đến tuần tới và tập trung thảo luận về mức độ cắt giảm chi tiêu trong khu vực nhà nước của Cộng hòa Síp.
Tháng 6 vừa qua, Cộng hòa Síp đệ đơn xin cứu trợ vỡ nợ từ EU sau khi các định chế cho vay lớn nhất của nước này như Cyprus Popular Bank và Bank of Cyprus không thể đáp ứng những mức trần mới về vốn dự trữ, do tác động từ cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp./.
(Stoxbiz)
----------
Obama chuẩn bị đến Đông Nam Á
Ở nhiệm kỳ hai, Tổng thống Obama tiếp tục theo đuổi chiến lược hướng Đông.
Ngày 8-11, người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Mỹ Jay Carney thông báo chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tổng thống tái đắc cử Barack Obama sẽ bắt đầu từ ngày 17 đến 20-11 tới ba nước Đông Nam Á: Thái Lan, Campuchia và Myanmar.
Tại Thái Lan, Tổng thống Obama sẽ hội đàm với Thủ tướng Yingluck Shinawatra nhằm tái khẳng định sức mạnh đồng minh nhân kỷ niệm 180 năm quan hệ song phương. Ông sẽ đến Campuchia ngày 18-11 tham dự hội nghị Đông Á và sẽ tiếp xúc với nhiều nhà lãnh đạo các nước ASEAN. Hôm sau ông sẽ đến Myanmar.
Người phát ngôn Jay Carney cho biết trong chuyến công du, Tổng thống Obama sẽ đề cập đến nhiều vấn đề, trong đó có phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm thông qua tăng cường thương mại và quan hệ đối tác, hợp tác năng lượng và an ninh, nhân quyền.
Báo New York Times (Mỹ) nhận định chuyến công du đầu tiên trên cương vị tổng thống sau bầu cử của ông Obama phù hợp với ván cờ địa-chính trị của Mỹ. Đó là kiềm chế đà trỗi dậy của Trung Quốc bằng cách lôi kéo các nước láng giềng của Trung Quốc bởi Myanmar và Campuchia vốn nhận được tài trợ nhiều nhất từ Trung Quốc.
Báo ghi nhận đặc biệt chuyến thăm Myanmar của ông Obama mang tính chất lịch sử trong bối cảnh Myanmar đang cải cách và hướng về phương Tây nhiều hơn vì cảm thấy Trung Quốc nhìn ngó tài nguyên của Myanmar.
Hãng tin Reuters ghi nhận Tổng thống Obama đến Myanmar là chứng nhận cao nhất của cộng đồng quốc tế đối với đường lối cải cách của Tổng thống Myanmar Thein Sein.
Theo báo New York Times, chuyến công du của Tổng thống Obama chứng minh Mỹ muốn thể hiện ý đồ lèo lái chính sách đối ngoại hướng về châu Á-Thái Bình Dương nhiều hơn nữa trong bốn năm tới.
Hãng tin AP nhận định kết quả tái đắc cử đã cho phép Tổng thống Obama thêm thời gian theo đuổi chiến lược hướng trọng tâm về châu Á-Thái Bình Dương mà ông bắt đầu trong nhiệm kỳ đầu. Đồng thời, chuyến công du sắp tới của ông cũng sẽ làm thế giới quan tâm hơn chính sách đối ngoại của Mỹ và thái độ ứng xử của Mỹ với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Cũng theo nhận định của AP, chiến lược hướng Đông trong nhiệm kỳ hai của ông Obama có thể bị giới hạn phần nào vì cuộc chiến ngân sách ở Mỹ và tình hình bất ổn ở Trung Đông.
Ngoài ra, thực tế sắp tới của chiến lược này còn phụ thuộc vào việc ai sẽ kế nhiệm Ngoại trưởng Hillary Clinton. Bà vốn hoạt động rất thành công tại châu Á và đã thực hiện hàng chục chuyến công du đến châu Á để chuyển tải thông điệp của Mỹ rằng quyền lợi Mỹ gắn liền với việc mở rộng và củng cố quan hệ với khu vực này.
Thực ra đối với ông Obama, nhằm bảo vệ quyền lợi của Mỹ, dù liên tục phàn nàn Trung Quốc kiềm chế thương mại, ông vẫn chủ trương đối sách cân bằng và tăng cường quan hệ với Trung Quốc, đồng thời khuyến khích Trung Quốc hành xử theo quy tắc quốc tế nhằm ngăn ngừa nguy cơ xảy ra đối đầu.
(PLTPHCM)
----------
Bất đồng về ngân sách - Châu Âu đứng trước nguy cơ chia rẽ
Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận do Công ty YouGov tiến hành vừa công bố cho biết 49% người dân Anh được hỏi cho biết sẽ bỏ phiếu đồng ý việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) nếu được trưng cầu về khả năng này. Trong khi đó, chỉ có chưa đầy 1/3 số người được hỏi phản đối quyết định rời khỏi EU. Kết quả thăm dò của YouGov cũng tương tự với kết quả một số cuộc thăm dò trước đó tại Anh về khả năng xứ sở sương mù rời khỏi ngôi nhà chung EU.
Nhiều nước cảnh báo phủ quyết tăng ngân sách cho EU
Kết quả cuộc thăm dò trên dự báo Thủ tướng Anh David Cameron sẽ tiếp tục đưa ra lập trường cứng rắn với Brussels (Bỉ), phủ quyết bất cứ thỏa thuận nào liên quan đến việc tăng ngân sách cho EU trong các cuộc họp thảo luận về ngân sách của EU trong 7 năm tới (2014 - 2020), dự kiến diễn ra tại Brussels vào cuối tháng này.
Chính phủ của Thủ tướng Cameron đang tiến hành chính sách cắt giảm chi tiêu ngân sách, vì thế Luân Đôn sẽ nỗ lực bằng mọi cách ngăn chặn việc tăng phần đóng góp của nước này cho các cơ cấu của châu Âu. Đảng Độc lập nước Anh (UKIP) kêu gọi về một cuộc “ly hôn thân thiện” giữa Brussels và Anh. Trong khi đó, một số nghị sĩ đảng Bảo thủ của ông Cameron đã cùng với Công đảng đối lập thông qua kiến nghị, yêu cầu Thủ tướng có ý kiến cắt giảm ngân sách của EU tại hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới.
Trong khi Anh đang thúc đẩy việc đóng băng ngân sách ngàn tỷ của EU trong giai đoạn tới, ngày 8-11, Italia và Pháp - hai thành viên có mức đóng góp lớn thứ hai và thứ ba cho ngân sách EU, đã kêu gọi xây dựng một hệ thống minh bạch cắt giảm phần đóng góp cho ngân sách của khối. Giới chức Ý cho rằng khả năng các nhà lãnh đạo EU đạt được sự nhất trí về vấn đề trên tại hội nghị thượng đỉnh EU tới đây là “không dễ dàng, nhưng không có nghĩa là không thể”.
Trong khi đó, Pháp cũng kêu gọi cần có sự “đoàn kết” lớn hơn trong EU và nguồn ngân sách của khối nên được phân bổ một cách cân bằng, minh bạch và hợp lý. Hiện Anh, Đức, Hà Lan, Thụy Điển và Áo đang thương lượng về mức cắt giảm phần đóng góp cho ngân sách EU, với lý do họ đang phải đóng góp quá nhiều, trong khi vẫn phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” nhằm thoát khỏi giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay.
Trước đó, Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning Schmidt cũng đã cảnh báo sẽ phủ quyết kế hoạch ngân sách EU giai đoạn 2014 - 2020, nếu Copenhagen không được giảm trừ 174 triệu USD/năm tiền đóng góp cho ngân sách này.
Nguy cơ chia rẽ “lục địa già”
Vấn đề ngân sách EU đang gây bất đồng sâu sắc giữa các nước thành viên EU, trong đó nhóm nước do Đức đứng đầu đề xuất ngân sách ở mức 1% tổng GDP của EU (gần 960 tỷ EUR), trong khi nhóm còn lại gồm Anh, Hà Lan, Thụy Điển, Phần Lan, Séc đòi cắt giảm mạnh ngân sách này, chỉ để ở mức không quá 900 tỷ EUR. Vấn đề tranh cãi này đang gây chia rẽ giữa Anh và phần còn lại của “lục địa già”.
Phát biểu tại buổi họp báo chung sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel kéo dài 1 giờ, Thủ tướng David Cameron nhấn mạnh, lãnh đạo hai nước Anh - Đức nhất trí cho rằng các nước châu Âu nói chung và EU nói riêng cần đạt đồng thuận. Luân Đôn cho rằng sẽ không hợp lý nếu tăng ngân sách EU trong bối cảnh lãnh đạo các nước thành viên phải thông qua các giải pháp khó khăn nhằm cân bằng ngân sách.
Theo ông, tốt nhất là nên cắt giảm ngân sách, còn trong trường hợp xấu nhất thì nên giữ nguyên. Về phần mình, Thủ tướng Merkel tuyên bố ngân sách EU cần phải được sử dụng hiệu quả, đồng thời cảnh báo việc rút khỏi EU không có lợi cho nước Anh. Bà Merkel cũng lên tiếng kêu gọi người đồng cấp Anh hợp tác nhằm tránh để vấn đề này rơi vào bế tắc tại hội nghị thượng đỉnh EU sẽ được tổ chức vào cuối tháng này.
Đề cập tới khả năng Luân Đôn rời khỏi EU, phát biểu tại Nghị viện châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố, bà muốn Anh ở lại trong EU và cho rằng sẽ tốt cho “xứ sở sương mù” nếu Luân Đôn quyết tâm ở lại trong khối. Theo bà, trong một thế giới 7 tỷ người, trong đó một thế hệ mới với các nền kinh tế đang nổi lên, nước Anh sẽ trở nên lạc lõng đơn độc nếu ở ngoài EU.
HẠNH CHI (tổng hợp)// SGGP
----------
Nhật Bản nhập thêm đất hiếm của Ấn Độ
Chính phủ Ấn Độ cho biết đã đồng ý ký kết bản ghi nhớ (MoU) xuất khẩu quặng đất hiếm sang Nhật Bản. MoU này có thể được ký kết giữa Cục năng lượng nguyên tử Ấn Độ và Chính phủ Nhật Bản trong chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Manmohan Singh đến Nhật Bản vào tuần sau.
Theo Times of India, trong các cuộc đàm phán giữa hai nước thời gian qua, Ấn Độ dự kiến sẽ cung cấp khoảng 5.000 tấn đất hiếm hàng năm, chiếm hơn 10% nhu cầu đất hiếm mỗi năm của Nhật Bản. Nhật Bản hiện đang phụ thuộc vào Trung Quốc về nguyên liệu đất hiếm. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao hai nước như hiện nay, Nhật Bản đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc này.
H. Xuân
-----------
Italy và Pháp kêu gọi thiết lập hệ thống minh bạch
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh thảo luận về vấn đề ngân sách Liên minh châu Âu (EU) trong 7 năm tới (2014-2020), dự kiến diễn ra tại Brussels (Bỉ) vào cuối tháng này, ngày 8/11, Italy và Pháp - hai thành viên có mức đóng góp lớn thứ hai và thứ ba cho ngân sách EU, đã kêu gọi xây dựng một hệ thống minh bạch cắt giảm phần đóng góp cho ngân sách của khối.
Trong cuộc hội đàm tại Rome giữa Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Italy, ông Enzo Moavero, với người đồng cấp Pháp Bernard Cazeneuve, hai bên đã kêu gọi thiết lập một hệ thống chung minh bạch, cho phép bất kỳ nước nào nếu đáp ứng các tiêu chí hiện tại đều có thể yêu cầu được đền bù.
Ông Moavero nhấn mạnh rằng khả năng các nhà lãnh đạo EU đạt được sự nhất trí về vấn đề trên tại hội nghị thượng đỉnh EU tới đây là "không dễ dàng, nhưng không có nghĩa là không thể". Trong khi đó, ông Cazeneuve cũng kêu gọi cần có sự "đoàn kết" lớn hơn trong EU và nguồn ngân sách của khối nên được phân bổ một cách cân bằng, minh bạch và hợp lý.
Hiện Anh, Đức, Hà Lan, Thụy Điển và Áo đang thương lượng về mức cắt giảm phần đóng góp cho ngân sách EU, với lý do họ đang phải đóng góp quá nhiều, trong khi vẫn phải thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng" nhằm thoát khỏi giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay.
Trước đó, Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmid cũng đã cảnh báo sẽ phủ quyết kế hoạch ngân sách EU giai đoạn 2014-2020 nếu Copenhagen không được giảm trừ 174 triệu USD/năm tiền đóng góp cho ngân sách này. Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron cũng khẳng định rõ lập trường rằng Chính phủ Anh sẽ không ủng hộ bất kỳ đề xuất nào về việc tăng ngân sách EU trong giai đoạn tới./.
(TTXVN)
---------
Anh sẽ chấm dứt viện trợ cho Ấn Độ vào năm 2015
Theo AFP, Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Anh Justine Greening ngày 9/11 cho biết London sẽ ngừng tất cả các khoản viện trợ cho Ấn Độ vào năm 2015 và ngân sách hỗ trợ này sẽ bị giảm xuống khoảng 200 triệu bảng (320 triệu USD) cho đến khi đó.
Trong một tuyên bố của bộ trên, ông Greening cho hay sau khi tổ chức các cuộc thảo luận với Chính phủ Ấn Độ hồi đầu tuần này, "chúng tôi đã nhất trí rằng giờ là thời điểm để hướng đến mối quan hệ tập trung vào việc chia sẻ các kỹ năng chứ không phải là viện trợ."
Quyết định trên được Anh đưa ra sau khi có tranh cãi ở trong nước rằng London sẽ chi tiền cho một đất nước có thể tự tài trợ cho chương trình không gian vũ trụ của họ vào thời điểm những người đóng thuế của Anh phải đối mặt với chính sách thắt lưng buộc bụng.
Ông Greening nói: "Đến lúc thừa nhận vị thế ngày càng thay đổi của Ấn Độ trên thế giới."
Tuyên bố khẳng định: "Bộ trưởng Greening sẽ không kỳ bất cứ chương trình mới nào và chương trình viện trợ cho Ấn Độ sẽ chấm dứt hoàn toàn vào năm 2015"./.
(Vietnam+)
------------
Nhật Bản và CHDCND Triều Tiên sắp hội đàm
Hôm qua, AFP dẫn lời Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cho hay nước này và CHDCND Triều Tiên sẽ có cuộc hội đàm cấp cao diễn ra từ ngày 15-16.11 tại thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ.
Hồi tháng 8, hai bên cũng có cuộc gặp giữa lãnh đạo một đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao Nhật với người đồng cấp CHDCND Triều Tiên tại Trung Quốc. Trong cuộc gặp sắp tới, dẫn đầu phái đoàn Nhật Bản là ông Shinsuke Sugiyama - đứng đầu Cơ quan phụ trách các vấn đề châu Á và hải dương. AFP trích phát biểu của ông Fujimura khẳng định: “Chúng tôi sẽ thảo luận các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên diện rộng”.
Một trong những chương trình nghị sự quan trọng là vấn đề một số công dân Nhật Bản bị bắt cóc thời Chiến tranh lạnh mà Tokyo cáo buộc Bình Nhưỡng là chủ mưu. Trong khi đó, chưa ghi nhận phản hồi chính thức nào từ phía Triều Tiên về cuộc gặp sắp tới.
Hoàng Đình
Thanh Niên
--------
Iraq đưa ra tối hậu thư với Gazprom
Gazprom lựa chọn và trả lời cho Chính phủ Iraq: Hoặc là tập đoàn xé bỏ hợp đồng với Kurdistan, hoặc là rời khỏi mỏ Badr
Chính quyền Iraq thông báo với Gazprom, hoặc là tập đoàn hủy bỏ hợp đồng thăm dò khai thác mỏ ở Kurdistan, hoặc là chính phủ trung ương sẽ không làm việc với tập đoàn khí đốt của Nga nữa, theo AFP.
"Chúng tôi đã nêu đề xuất để Gazprom lựa chọn và trả lời cho Chính phủ Iraq: Hoặc là tập đoàn xé bỏ hợp đồng với Kurdistan, hoặc là rời khỏi mỏ Badr", - đại diện của Phó Thủ tướng Iraq Faisal Abdullah tuyên bố.
Gazprom hiện thời chưa bình luận gì về tuyên bố của nhà chức trách Iraq.
Tại Iraq có hoạt động của Gazprom Neft - công ty con thuộc tập đoàn độc quyền khí đốt này. Năm 2009, công ty đã thắng thầu giành hợp đồng thăm dò khai thác mỏ dầu Badr, nằm ở phía đông Iraq. Gazprom Neft là nhà điều hành của đề án mà công ty chiếm tỷ lệ 30%.
Tháng Tám 2012, Gazprom Neft đã ký kết thỏa thuận về khai thác dầu ở Kurdistan cùng với chính quyền thực thể tự trị. Công ty nhận được 80% trong lô Shakal và 40% trong lô Garmian. Theo đánh giá của các chuyên viên Gazprom Neft, trữ lượng dầu trong cả hai lô mỏ này tương đương khoảng 3,6 tỷ thùng.
Theo The voice of Russia, GDVN
------
Lào xây đập thủy điện trên sông Mekong
Nhiều tổ chức bảo vệ môi trường tại các nước láng giềng và Mỹ đã lên tiếng lo ngại về ảnh hưởng lâu dài của con đập vì nó ngăn tuyến đường di thực của cá, có khả năng gây phương hại tới kế sinh nhai của khoảng 60 triệu người.
Liên quan đến sự kiện này, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 8/11, người phát ngôn Lương Thanh Nghị cho biết: “Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ quan điểm là việc xây dựng các công trình thuỷ điện trên dòng chính sông Mekong cần đặt trong tổng thể quản lý và phát triển bền vững sông Mekong”.
Theo ông Nghị, Việt Nam đã đề nghị các nước phối hợp nghiên cứu tổng thể các tác động của các dự án thuỷ điện dòng chính đối với sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong.
“Chúng tôi được biết Chính phủ Lào quyết định khởi công xây dựng thuỷ điện Xayaburi sau khi đã điều chỉnh thiết kế của công trình để giảm thiểu tác động đối với hạ du và trong quá trình xây dựng, nếu phát hiện công trình gây tác hại lớn sẽ dừng ngay dự án. Chúng tôi mong rằng phía Lào sẽ tiếp tục nghiên cứu tác động môi trường và hoàn thiện thiết kế của đập Xayaburi; phối hợp với Việt Nam, Campuchia và Thái Lan cùng nghiên cứu tổng thể, kỹ lưỡng, toàn diện các tác động luỹ tích về môi trường, kinh tế, xã hội của tất cả các công trình thuỷ điện dự kiến xây dựng trên dòng chính sông Mekong”, ông Nghị nói.
( ĐVO)
--------
Kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2016?
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ở Pháp ngày 9.11 công bố báo cáo dự đoán 42 nền kinh tế lớn sẽ ra sao từ đây tới năm 2060.
Theo đó, Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng 4 năm và GDP của nước này sẽ chiếm 28% tổng GDP toàn cầu vào năm 2060.
Trong khi đó, GDP của Ấn Độ sẽ chiếm 18% GDP toàn cầu vào năm 2060, Đài truyền hình NHK của Nhật dẫn nội dung báo cáo trên hay.
Cũng theo báo cáo trên, trước năm 2025, tổng GDP của Trung Quốc và Ấn Độ sẽ lớn hơn cả tổng GDP của Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật, Pháp và Ý gộp lại.
Báo cáo còn chỉ ra rằng GDP toàn cầu sẽ tăng thêm 3% mỗi năm trong vòng 50 năm tới, nhưng sẽ có sự thay đổi lớn giữa các quốc gia và khu vực, theo báo The Guardian.
Hồi năm 2011, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới Justin Lin nhận định Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ về kinh tế trong vòng 20 năm tới nếu Trung Quốc tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng hằng năm là 8%, theo AFP.
Văn Khoa
Thanh Niên