Iran đủ uranium chế tạo bom nguyên tử
Viện Khoa học và An ninh quốc tế Mỹ (ISIS) cho biết, Iran có thể sản xuất đủ lượng uranium cấp vũ khí để chế tạo một đầu đạn hạt nhân trong vòng 2-4 tháng.
Trong báo cáo đưa ra hôm 8/10, ISIS cho rằng Iran có khả năng sản xuất 25 kg uranium được làm giàu ở mức cao, đủ cho phần lõi của một đầu đạn hạt nhân trong 2-4 tháng tới.
Iran có hàng nghìn máy ly tâm làm giàu uranium tại nhà máy chính ở Natanz và hàng trăm máy ly tâm khác hoạt động ở cơ sở Fordo, nằm dưới một ngọn núi nhằm tránh các cuộc tấn không kích.
Mỹ và Israel từ chối thực hiện hành động quân sự để ngăn chặn Iran sản xuất vũ khí hạt nhân. Về phía mình, Tehran khẳng định chương trình hạt nhân của nước này chỉ sử dụng cho mục đích hòa bình.
Báo cáo của ISIS không nói rõ liệu Iran có quyết định chuyển uranium làm giàu thành bom hạt nhân hay không.
ISIS nhận định: “Iran cần thêm nhiều tháng nữa để chế tạo ra một thiết bị hạt nhân phù hợp cho quá trình thử nghiệm dưới lòng đất và thậm chí lâu hơn để tạo ra một đầu đạn chắc chắn cho tên lửa đạn đạo”.
Tháng 9/2012, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết, Iran có thể đặt chân tới giai đoạn sản xuất uranium cấp vũ khí vào giữa năm 2013 với tốc độ làm giàu như hiện tại.
Ông Netanyahu sử dụng bài phát biểu để lặp lại quan điểm rằng việc Iran sản xuất uranium cấp vũ khí là “vạch đỏ” mà cộng đồng quốc tế đưa ra.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc rằng, Mỹ sẽ làm những gì cần để ngăn chặn Iran sản xuất vũ khí hạt nhân. Nhưng ông này từ chối đặt ra một “giới hạn đỏ” và khẳng định rằng vẫn còn thời gian cho biện pháp ngoại giao cũng như cấm vận nhằm gây áp lực lên Iran.
Phan Anh (theo VOA, ĐVO)
------------------
Triều Tiên tuyên bố sở hữu tên lửa tấn công tới Mỹ
Triều Tiên đã có tên lửa liên lục địa Taepodong-2 nhưng chưa bao giờ thử nghiệm thành công.
Hôm nay, phản ứng trước thỏa thuận mới mở rộng phạm vi các hệ thống tên lửa giữa Hàn Quốc và Mỹ, Triều Tiên tuyên bố nước này đang sở hữu “các lực lượng tên lửa chiến lược” có khả năng tấn công đến tận nước Mỹ lục địa.
Trong một bản tin phát đi trên hãng Thông tấn chính thức KCNA, phát ngôn viên Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên nói rằng “các lực lượng tên lửa chiến lược của chúng tôi đã đặt không chỉ lực lượng Hoa Kỳ ở Bán đảo Triều Tiên mà còn cả ở Nhật Bản, Guam và thậm chí cả nước Mỹ lục địa trong tầm tấn công”.
Trước đó, ngày 7/10, Hàn Quốc công bố một thỏa thuận với Mỹ nhằm tăng gấp đôi tầm bắn các hệ thống tên lửa của mình, có khả năng bao quát toàn bộ lãnh thổ Triều Tiên. Thỏa thuận này cho phép Seoul triển khai các tên lửa có tầm bắn lên tới 800 km so với giới hạn hiện nay là 300 km.
Hàn Quốc cho biết mục đích của việc sửa đổi thỏa thuận với Mỹ là nhằm kiềm chế các hành động khiêu khích quân sự của Triều Tiên. Hệ thống tên lửa mới sẽ đặt toàn bộ Bắc Triều Tiên cũng như một số vùng của Trung Quốc và Nhật Bản vào trong tầm ngắm.
Tháng 4/2012, Bình Nhưỡng phóng tên lửa với lý do đưa một vệ tinh lên quỹ đạo nhưng đã thất bại. Trong khi đó, Mỹ và Liên Hiệp Quốc lên án vụ phóng như một bình phong để thử nghiệm tên lửa và cho rằng đó đơn giản chỉ là biến thể 3 tầng của Taepodong-2.
Anh Minh - theo TTVN | Soha
---------------
Nhóm Năm quốc gia Phòng vệ tập trận tại Singapore
Lực lượng vũ trang của các nước thành viên Nhóm Năm quốc gia Phòng vệ (FPDA) gồm Singapore, Australia, Malaysia, New Zealand và Anh, đang tham gia cuộc diễn tập hoạch định chung mang tên "Suman Protector" từ ngày 8-24/10 tại Singapore.
Đầu não chỉ huy cuộc tập trận đặt tại Trung tâm Chỉ huy và Kiểm soát Changi, Singapore.
Khoảng 400 binh sỹ và lực lượng yểm trợ của năm nước tham gia lập kế hoạch tác chiến thông thường ở cấp độ kết hợp lực lượng đặc nhiệm chung. Cuộc diễn tập chỉ huy cũng bao gồm kịch bản hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.
Phát biểu tại lễ khai mạc cuộc tập trận, Trung tướng Neo Kian Hong, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Singapore, cho biết cuộc tập trận nhằm tăng cường khả năng hành động theo nhóm và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các lực lượng vũ trang năm nước thành viên FPDA.
Cuộc tập trận cũng nhằm tăng cường khả năng của FPDA trong việc đối phó với những thách thức an ninh khu vực và xây dựng năng lực hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa./.
(Vietnam+)
------------
Đông Nam Á đua nhau củng cố quốc phòng
Theo hãng tin Reuters, các quốc gia Đông Nam Á đang đua nhau đổ tiền mua sắm trang thiết bị quốc phòng, chủ yếu là hàng hải. Indonesia mua tàu ngầm từ Hàn Quốc, các hệ thống radar ven biển từ Trung Quốc và Mỹ, trong khi Singapore - nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ năm thế giới - đang tăng chi để lấp đầy kho vũ khí tinh vi của mình.
Lý do khiến Đông Nam Á tăng chi tiêu vào các thiết bị quân sự là nhằm đề phòng Trung Quốc và nhờ nguồn tài chính dồi dào hơn do đạt được những thành công về kinh tế.
Những tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông giàu nguồn tài nguyên đã thúc đẩy các quốc gia Đông Nam Á cố nâng cấp tiềm lực quân sự để bù lại sức mạnh hải quân đang lên của Trung Quốc. Thậm chí cả những nước không dính vào tranh chấp biển như Indonesia, Thái Lan và Singapore, an ninh hàng hải cũng đang được tập trung mạnh.
Theo số liệu từ Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (IISS), khi các nền kinh tế Đông Nam Á phất lên, chi tiêu cho quốc phòng tăng 42% trên thực tế từ năm 2002 đến 2011. Chiếm vị trí cao trong danh sách mua sắm là tàu chiến, tàu tuần tra, hệ thống radar và máy bay chiến đấu, cùng với tàu ngầm và tên lửa chống tàu.
Trong nhiều thập kỷ, các quốc gia Đông Nam Á chi ít tiền cho những vũ khí khác ngoài súng và xe tăng nhỏ, do hầu hết các mối đe dọa đều xuất phát từ bên trong và cái ô của Mỹ được tin đủ để bảo vệ khu vực khỏi bất kỳ sự xâm chiếm nào từ bên ngoài. Nhưng với sức mạnh quân sự ngày một tăng của Trung Quốc, danh sách mua sắm đang ngày một tinh vi, phức tạp hơn. Đa số các quốc gia trong khu vực đều nằm ở ven biển nên việc bảo vệ biển và phòng không được nhấn mạnh.
Theo IISS, Malaysia đã có hai tàu ngầm Scorpene. Thái Lan cũng có kế hoạch mua nhiều tàu ngầm và các chiến đấu cơ Gripen của họ xuất xứ từ Saab AB của Thụy Điển cuối cùng sẽ được trang bị tên lửa chống tàu loại RBS-15F của Saab. Singapore đã đầu tư vào nhiều chiến đấu F-15SG từ công ty Boeing ở Mỹ và hai tàu ngầm loại Archer từ Thụy Điển, bổ sung vào hạm đội gồm bốn chiếc tàu ngầm Challenger đã có.
Indonesia, một quốc gia mênh mông những đảo có nhiều tuyến đường biển quan trọng và 54.700km bờ biển, hiện đã có hai tàu ngầm và đã đặt ba tàu nữa từ Hàn Quốc. Họ cũng đang làm việc với các hãng của Trung Quốc về sản xuất tên lửa chống tàu C-705 và C-802, sau khi đã bắn thử một tên lửa chống tàu do công ty Yakhont của Nga chế tạo năm 2011.
Các nhà phân tích nói việc nâng cấp quốc phòng này còn được thúc đẩy bởi nạn hải tặc, đánh bắt cá trái phép, buôn lậu, khủng bố và cứu trợ thảm họa.
Số liệu từ IISS cho biết, ngân sách quốc phòng Singapore năm 2011 là 9,66 tỷ đôla, Thái Lan 5,52 tỷ đôla, Indonesia 5,42 tỷ đôla, Malaysia 4,54 tỷ đôla.
M. PHƯƠNG - P.KHA// Công An
-------------------
Cảng Subic sẽ phục vụ Mỹ đóng quân tại Biển Đông?
Khi Mỹ bắt đầu thực hiện sự thay đổi, Subic sẽ đóng một vai trò quan trọng phục vụ cho sự hiện diện của họ ở Thái Bình Dương.
Một quan chức cấp cao của Philippines ngày 8/10 đã chỉ ra rằng, trong bối cảnh Mỹ có kế hoạch chuyển phần lớn các tàu chiến của mình đến Thái Bình Dương vào năm 2020, nước này sẽ cần vịnh nước sâu tự nhiên để các tàu nổi và tàu ngầm của mình cập bến.
Phát biểu trước các phóng viên tại vịnh Subic trên tàu USS Bonhomme Richard khi con tàu đang tham gia cuộc tập trận chung 10 ngày với các lực lượng Philippines, Edilberto Adan, một cựu tướng quân đội và là người đứng đầu Ủy ban Hiệp định Thăm viếng quân sự Philippines (VFA) cho biết: "Dựa trên những tuyên bố chính thức của Mỹ, khí tài và máy bay Mỹ sẽ hiện diện nhiều hơn ở Tây Thái Bình Dương."
"Có rất ít cảng có thể chứa khí tài hải quân và các tàu của hải quân và một trong số đó là Subic. Khi Mỹ bắt đầu thực hiện sự thay đổi, Subic sẽ đóng một vai trò quan trọng phục vụ cho sự hiện diện của họ ở Thái Bình Dương" - ông nói thêm.
Trước đây, căn cứ hải quân vịnh Subic nằm ở phía bắc Manila là một căn cứ lớn nhất của quân đội Mỹ ở nước ngoài nhưng đã trở thành một cảng tự do và địa điểm du lịch kể từ khi nó đóng cửa vào năm 1992.
Subic cùng với căn cứ không quân Clark gần đó là các cơ sở quan trọng đối với Mỹ. Clark đã đóng cửa vào năm 1991 sau khi núi lửa Pinatubo gần đó phun trào, khiến căn cứ bị bao phủ trong tro và khiến các thiết bị không sử dụng được.
Subic đã không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong bối cảnh các cuộc biểu tình trên đường phố kêu gọi quân đội Mỹ phải rời khỏi Philippines, Thượng viện đã bỏ phiếu vào năm 1992 để kết thúc một hợp đồng thỏa thuận cho phép các cơ sở hoạt động. Trong tháng 11 năm 1992, con tàu cuối cùng của Mỹ đã rời khỏi Subic.
Vào năm 1999, Manila đã phê chuẩn một thỏa thuận thăm viếng quân sự với Washington vào năm 1999, cho phép nối lại các cuộc tập trận quy mô lớn giữa hai nước.
Anh Vũ (Nguồn Inquirer, GDVN)
----------------
Israel triển khai tên lửa đánh chặn Patriot ở phía Bắc
Ngày 8/10, Israel đã cho triển khai các hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot tại một số địa điểm gần cảng Haifa miền Bắc nước này, động thái diễn ra hai ngày sau khi một máy bay không người lái (UAV) lạ được cho là của Iran xâm nhập thành công không phận Israel.
Mạng tin tình báo Debka dẫn các nguồn tin quân sự tiết lộ rằng trên thực tế việc triển khai tên lửa Patriot đã được Israel thực hiện “vội vã” do lo ngại Iran hoặc phong trào Hồi giáo Hezbollah có kế hoạch xâm nhập không phận nước này để thu thập thông tin tình báo trong bối cảnh tình hình Syria đang diễn biến xấu đi.
Hệ thống tên lửa đánh chặn này thường được triển khai trong các cuộc diễn tập quân sự chung giữa Mỹ và Israel hoặc vào những thời điểm căng thẳng trước chiến tranh.
Theo nhận định của Debka, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) rõ ràng phải hành động mau lẹ nhằm vá lại "các lỗ hổng phòng không" đã cho phép chiếc UAV nói trên bay dọc bờ biển Địa Trung Hải, từ phía Bắc xuống phía Nam Israel, bên trên các giàn khoan dầu khí và gần trung tâm công nghiệp Vịnh Haifa, các nhà máy điện và các căn cứ hải quân ở Haifa và Ashdod song lại không bị phát hiện.
Đáng lo ngại nhất là chiếc UAV này đã bay qua địa điểm phóng tên lửa Palmachim của IDF nằm không xa lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Nahal Soreq song lại không kích hoạt bất kỳ hệ thống cảnh báo sớm nào của Israel. Điều này cho thấy không quân và hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel không thể đối phó với các mối đe dọa trên không từ phía Bắc (Syria và Lebanon), và phía Tây (Địa Trung Hải) nước này.
Ngay sau khi vụ việc trên xảy ra, một chỉ huy cao cấp của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) tuyên bố vụ xâm nhập thành công của chiếc UAV nói trên đã phơi bày những yếu kém của hệ thống phòng không Israel và cho thấy hệ thống đánh chặn tên lửa Vòm Sắt của Israel "không hoạt động và thiếu khả năng cần thiết"./.
(Vietnam+)
-----------------------
Iran có khả năng chế tạo nhiều tàu chiến tối tân
Đài truyền hình Press TV hôm qua (8/10) đưa tin. Hải quân Iran sẽ tăng cường hiện diện ở các vùng biển quốc tế, trong đó có Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.
Chỉ huy Hải quân Iran – Chuẩn Đô đốc Habibollah Sayyari cho biết, Hải quân Iran có khả năng mở rộng sự hiện diện đến các vùng biển quốc tế ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới.
Ông cho biết: “Các vùng biển quốc tế thuộc sở hữu của tất cả các nước và chúng tôi sẽ hiện diện tại vùng biển quốc tế để bảo vệ các quyền lợi của mình”.
“Chúng tôi đã có khả năng thiết kế và chế tạo các tàu khu trục tối tân, chẳng hạn như tàu IRS Sahand mà chúng tôi đang trang bị những thiết bị hiện đại mỗi ngày”, Chuẩn Đô đốc cho biết thêm.
Ông Sayyari còn tuyên bố, Hải quân Iran sẽ đáp trả mạnh mẽ mọi âm mưu tấn công của nước ngoài, đặc biệt là mối đe dọa tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran từ Israel, quốc gia luôn "nóng mắt" với chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo.
Trước đó, ngày 18/9 vừa qua, Hải quân Iran đã cho hạ thủy tàu khu trục tự tạo IRS Sahand và tàu ngầm siêu nặng vừa được đại tu Tareq 901 ở cảng Bandar Abbas, miền nam nước này.
Việc hạ thủy diễn ra trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh đang tiến hành tập trận hải quân quy mô lớn ở vùng Vịnh.
IRI Sahand là một trong 3 tàu ngầm của Nga mà nhà nước Hồi giáo Iran đã mua lại được từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhằm tăng cường năng lực cho lực lượng hải quân nước này.
Theo các nguồn tin quân sự, phần lớn các tàu hải quân của Iran được mua từ trước năm 1979 và do Mỹ sản xuất. Vì vậy, Tehran đang rất nỗ lực đẩy mạnh chế tạo các tàu khu trục mới dựa trên phiên bản các tàu mua lại của Nga.
Trước đó, tháng 2/2010, Iran cũng đã cho “trình làng” tàu khu trục tự chế tạo đầu tiên mang tên Jamaran.
Jamaran được trang bị rađa hiện đại, có các tính năng chiến đấu điện tử kèm theo hệ thống đối không, đối đất và chống tàu ngầm. Ngoài ra, tàu này còn có thể mang theo nhiều loại vũ khí khác như tên lửa thông minh mang tên Nour (Ánh sáng).
Đan Khanh - (theo RIA, VNmedia)
--------------------
Iraq muốn được Nga hỗ trợ quân sự
Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki nhấn mạnh rằng Iraq cần tới sự hỗ trợ của Nga trong lĩnh vực quân sự và quốc phòng.
Ông đặc biệt nhấn mạnh nhu cầu vũ khí để triển khai chiến đấu ở địa hình đồi núi và sa mạc của nước này.
Các phương tiện truyền thông Ả Rập cho biết trong chuyến thăm của ông al - Maliki tới Nga lần này, ông sẽ bàn thảo với các quan chức cao cấp Nga về một loại các dự án tiềm năng về quân sự, chính trị và kinh tế với Nga, ước tính lên tới 5 tỉ USD.
Ông al-Maliki cho biết: "Một vài người cho rằng chuyến thăm này của tôi chỉ có mục đích duy nhất là mua vũ khí. Nhưng điều này không phải".
"Tất nhiên, chúng tôi cần sự hỗ trợ của Nga trong các lĩnh vực quân sự và quốc phòng. Iraq cần vũ khí để bảo vệ mình và chống lại chủ nghĩa khủng bố".
Khi được hỏi Iraq sẽ giải trình với Mỹ thế nào về việc mua vũ khí của Nga, ông al-Maliki cho biết quốc gia của mình không cần phải tham khảo ý kiến của bất cứ ai về việc mua bán vũ khí.
Ông cho biết Iraq sẵn sàng hợp tác với tất cả mọi người: "Chúng tôi có mối quan hệ tốt với cả Mỹ và Iran".
Thủ tướng al-Maliki được cho là sẽ tiếp tục thảo luận các chủ đề về công nghệ quốc phòng với Thủ tướng Nga Medvedev và Tổng thống Nga Putin
My Lan - theo TTVN | Soha
-----------
Philippines muốn Mỹ trở lại cảng hướng ra Biển Đông
Một cảng hướng ra Biển Đông của Philippines có thể đóng vai trò quan trọng đối với tàu Mỹ, trong bối cảnh Washington chủ trương tăng cường sự hiện diện tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Một quan chức cao cấp của Philippines hôm nay khẳng định rằng, trong bối cảnh Mỹ muốn đưa phần lớn số tàu chiến tới Thái Bình Dương trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2020, Washington sẽ cần những vịnh nước sâu tự nhiên để neo đậu tàu nổi và tàu ngầm.
“Số lượng khí tài và máy bay của Mỹ ở phía tây Thái Bình Dương sẽ tăng trong tương lai. Chỉ vài cảng có khả năng chứa khí tài và tàu của hải quân Mỹ. Subic là một cảng như thế. Trong bối cảnh Mỹ bắt đầu thực thi chiến lược quân sự mới, cảng Subic sẽ đóng một vai trò quan trọng”, AFP dẫn lời Edilberto Adan, một cựu tướng quân đội và đang đứng đầu Ủy ban Hiệp định Thăm viếng Quân sự (VFA) của Philippines, bình luận.
Những lời bình luận của Adan được đưa ra khi ông đứng trên tàu USS Bonhomme Richard của Mỹ trong vịnh Subic. Đây là một trong những tàu tham gia cuộc tập trận hải quân chung của Mỹ và Philippines trong 10 ngày tới.
Vào năm 1999, chính phủ Philippines phê chuẩn một hiệp định quân sự với Mỹ, theo đó hai nước sẽ nối lại các cuộc tập trận chung quy mô lớn. Từ đó tới nay, quân đội Mỹ tiến hành nhiều đợt tập trận với quân đội Philippines hàng năm.
Ông Adan cho rằng mức độ hiện diện ngày càng tăng của quân Mỹ tại Philippines có thể góp phần vào việc bảo đảm an ninh cho những vùng biển xung quanh.
“Mối quan tâm của Philippines và mọi quốc gia trong khu vực là tự do hàng hải. Chúng tôi muốn các hoạt động thương mại và vận tải trên biển diễn ra thuận lợi. Philippines nằm ở vị trí mang tính chiến lược trong khu vực, vì thế chúng tôi phải đảm nhiệm một vai trò nào đó trong bàn cờ địa lý của khu vực”, ông phát biểu.
Cảng Subic, nằm trên vịnh Subic và cách thủ đô Manila của Philippines khoảng 80 km về phía đông bắc, từng là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài. Sau khi quân Mỹ rút vào năm 1992, nó trở thành cảng tự do và điểm du lịch.
Việt Linh// VNex
-------------
Việt Nam tiếp tục tự đóng thêm 2 tàu chiến hiện đại
Ngày 8/10, tại Hải Phòng, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã tổ chức ký hợp đồng với Công ty đóng tàu Hồng Hà và XNLH Ba Son (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đóng mới 2 lớp tàu chiến đấu hiện đại là tàu pháo TT400TP và tàu 12418.
TIN LIÊN QUAN
Hai lớp tàu chiến đấu trên nằm trong chương trình trang bị tiếp theo cho Quân chủng Hải quân để nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc; góp phần xây dựng Quân chủng Hải quân tiến lên cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong tình hình mới.
Tàu pháo TT400TP và tàu 12418 được mua thiết kế và chuyển giao công nghệ triển khai đóng thành công tại Công ty đóng tàu Hồng Hà và XNLH Ba Son (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng).
Chiếc tàu TT400TP đầu tiên mang tên HQ-272 đã được đóng từ tháng 4/2009, hơn 2 năm sau đó, tháng 8/2011 con tàu được hạ thủy và bàn giao cho Hải quân Việt Nam vào cuối tháng 9/2011 sau khi đã chạy thử và kiểm tra hệ thống vũ khí thành công.
Trong khi đó, tàu TT400TP thứ hai, mang tên HQ-273 cũng bắt đầu thử nghiệm trước thời hạn cách đây 5 tháng (kế hoạch thử nghiệm ban đầu vào tháng 3/2012). Hôm 5/10 vừa qua, lữ đoàn 171 (Vùng 2 hải quân) đã tổ chức lễ đón nhận tàu HQ-273.
Tàu pháo TT400TP có chiều dài 54,16m, rộng 9,16 m, mướn nước 2,7m và có tải trọng 400 tấn, được trang bị 3 động cơ diesel MTU nên có thể đạt tốc độ tối đa lên tới 32 hải lý/giờ. Tầm hoạt động của tàu là 2.500 hải lý khi di chuyển ở tốc độ 14 hải lý/giờ, khả năng hoạt động độc lập trên biển trong 30 ngày.
Ở phía trước mũi tàu được trang bị một khẩu pháo 76 mm AK-176, ngoài ra phía đuôi còn được lắp đặt thêm hệ thống pháo tự động 6 nòng 30 mm AK-630. Hệ thống radar bao gồm radar kiểm soát hỏa lực MR-123-02 Bagira cũng như radar phát hiện mục tiêu trên không và radar định vị.
Trong khi đó, tàu tên lửa cao tốc Molnya Project 12418 được lắp đặt hệ thống tên lửa Uran-E, vận tốc cận âm 3M-23E (SS-N-25 Switchblade).
Tên lửa có khối lượng 600kg mang đầu đạn 145kg, được phóng từ container phóng/vận chuyển và có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự ly đến 130km. Ngoài ra, tàu 12418 còn được trang bị 12 tên lửa phòng không...
Theo hãng tin ARMS-TASS của Nga, các tàu 12418 được đóng tại Việt Nam theo một hợp đồng chuyển giao công nghệ được ký kết với phía Nga từ năm 1999.
( PN Today)
--------------
Ka-50: Siêu phẩm trực thăng Nga, phù hợp mọi điều kiện chiến trường
Ka-50 là một máy bay trực thăng tấn công một chỗ ngồi do công ty sản xuất máy bay Kamov của Nga thiết kế và phát triển. Loại trực thăng này được thiết kế với khả năng tấn công mạnh.
Loại trực thăng này được thiết kế từ thập niên 1980 và được chấp nhận đưa vào sử dụng trong quân đội Nga năm 1995. Ka-50 được sản xuất tại công ty Arseniev.
Chiếc Ka-50 được thiết kế nhỏ gọn, nhanh và linh hoạt nhằm có được ưu thế tồn tại và khả năng tấn công cao. Tương tự như nhiều loại máy bay thời kỳ Xô-viết khác, nó được cho là có các tính năng bay vượt trội nhưng có hệ thống điện tử kém so với các đối thủ phương Tây, như loại AH-64 Apache và Eurocopter Tiger. Hệ thống điện tử của nó không tinh vi như những chiếc trực thăng phương Tây nhưng nó hoạt động rất hiệu quả và khả năng bảo dưỡng đơn giản trong điều kiện chiến trường.
Loại trực thăng được trang bị cho các chiến hạm, có khả năng hoạt động độc lập trong thời gian dài, có thể cất cánh, hạ cánh trong điều kiện gió bão cấp 6, cả ngày lẫn đêm, trong sương mù hoặc bão cấp 7.
Ka-50 dễ vận hành, khả năng cơ động cao, chống ăn mòn rỉ sét an toàn.
Kiểu trực thăng Ka-50 trang bị cho lục quân cũng có các tính năng tương tự. Đây là loại trực thăng một người lái đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ hàng không quân sự tiên tiến nhất trên thế giới. Nhiều quy trình công nghệ chế tạo Ka-50 hết sức độc đáo như cánh quạt chính đồng trục, ghế thoát hiểm hiện đại (lúc gặp nguy có khối thuốc nổ tự làm cánh quạt văng đi, phi công nhảy dù ra), pháo và tên lửa chống tăng điều khiển bằng vô tuyến. Ngoài ra, trên trực thăng còn có hệ thống chống nhiễu hiện đại theo công nghệ mới nhất, hơn hẳn các loại máy bay trực thăng trên thế giới.
Có thể nói, Ka-50 không có đối thủ ở các khu vực rừng núi , khí hậu nóng vùng ven biển, bay rất nhanh để tránh tên lửa.
Quân đội Nga coi dòng trực thăng Kamov này là xương sống của tác chiến trên không. Cùng với Mi-28N,Ka-50,Ka-52 sẽ được xếp vào danh sách trực thăng hàng đầu thế giới trong thế kỷ 21.
(VNmedia)
-----------
"Tàu Trung Quốc sẽ tiếp tục nhiệm vụ gần Điếu Ngư"
Theo Tân Hoa xã, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 8/10 cho biết các tàu hải giám và tàu tuần ngư của nước này sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chính thức của họ trên vùng biển gần quần đảo Điếu Ngư mà Nhật Bản gọi là Senkaku.
Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, ông Hồng Lỗi cho rằng vùng biển ngoài khơi quần đảo Điếu Ngư thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.
Bình luận về tuyên bố mới đây của Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba nói rằng Chính phủ Nhật Bản hy vọng nối lại các cuộc đàm phán với Đài Loan về việc đánh cá trên vùng biển này, ông Hồng Lỗi nói Chính phủ Nhật Bản nên nghiêm chỉnh tôn trọng nguyên tắc một Trung Quốc và xử lý thỏa đáng các vấn đề liên quan.
Ông Hồng còn nêu rõ Mỹ đã tuyên bố không đưa ra quan điểm về tranh chấp lãnh thổ Trung-Nhật và hy vọng Washington "sẽ nói đi đôi với làm". Ông một lần nữa hối thúc phía Nhật Bản sửa chữa sai lầm và quay lại đàm phán nhằm giải quyết tranh chấp trên.
Giải đáp thắc mắc liên quan đến các hoạt động của Hải quân Trung Quốc, ông Hồng cho hay việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, các quyền hàng hải và lợi ích của Bắc Kinh là nhiệm vụ thiêng liêng của Hải quân Trung Quốc.
Trước đó, ngày 7/10, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết các tàu tuần tra của Trung Quốc lại vào vùng tiếp giáp lãnh hải xung quanh quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku.
Theo hãng tin Kyodo, đây là ngày thứ bảy liên tiếp Trung Quốc điều tàu vào khu vực này.
Theo nguồn tin trên, bốn tàu hải giám Trung Quốc đã đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải, dải nước nằm ngay ngoài lãnh hải Nhật Bản, gần đảo Kuba thuộc quần đảo Senkaku, đồng thời thông báo qua radio với một tàu tuần tiễu thuộc Sở chỉ huy Lực lượng Bảo vệ bờ biển Vùng 11 đặt tại ở Naha (tỉnh Okinawa) rằng họ đang thực hiện các nhiệm vụ hợp pháp.
Ngoài ra, một tàu ngư chính của Trung Quốc cũng tiến vào vùng tiếp giáp lãnh hải gần đảo Uotsuri cũng thuộc nhóm đảo trên./.
(Vietnam+)
--------------
Tổng thư ký LHQ cảnh báo căng thẳng Syria - Thổ Nhĩ Kỳ 'cực kỳ nguy hiểm'
Phát biểu tại buổi khai mạc Diễn đàn Dân chủ Thế giới ngày 8/10, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-Moon cảnh báo rằng tình trạng bạo lực leo thang dọc khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ và ảnh hưởng của cuộc xung đột ở Syria đối với Libăng là "cực kỳ nguy hiểm".
Ông Ban đã "bày tỏ lo ngại sâu sắc" về nguồn vũ khí vẫn tiếp tục được cung cấp cho cả lực lượng chính phủ lẫn phe đối lập Syria. Ông khẳng định cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này đe dọa sự ổn định trong toàn khu vực, đồng thời cho rằng "một giải pháp chính trị" là "lối thoát duy nhất cho cuộc khủng hoảng hiện nay".
Trong một diễn biến khác, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho hay sáng sớm 8/10, một loạt sào huyệt của phiến quân ở các tỉnh Daraa và Homs cũng như ở thủ đô thương mại Aleppo đã bị nã pháo và xảy ra xô xát, khiến ít nhất 23 người thiệt mạng.
TTXVN/Tin tức
------------
3.000 binh sĩ Mỹ- Philippines tập trận chung
Cuộc tập trận nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác hải quân giữa 2 nước, đồng thời tăng cường bảo vệ biên giới biển của lực lượng Philippines
Ngày 8/10, cuộc tập trận hải quân thường niên giữa Mỹ và Philippines bắt đầu tại vịnh Subic, ở phía Tây đảo Luzon, Philippines 3.000 binh sĩ Mỹ và Philippines tham gia cuộc tập trận kéo dài 12 ngày, tập trung hoạt động cứu hộ nhân đạo và đối phó thiên tai cả trên đất liền và trên biển.
Tướng Craig Timberlake thuộc lực lượng Hải quân Mỹ cho biết, cuộc tập trận nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác hải quân giữa 2 nước, đồng thời tăng cường khả năng tuần tra và bảo vệ biên giới biển của lực lượng Philippines.
Ông Timberlake cho biết: “Trong chiến tranh Thế giới thứ 2, Mỹ và Philippines đã cùng sát cánh. Đến nay, chúng tôi vẫn cùng chiến đấu để đối phó với những mối đe dọa chung. Mỹ và Philippines cùng chia sẻ thông tin và kỹ thuật nhằm giúp đối phó hiệu quả với chủ nghĩa cực đoan. Hai nước cũng tăng cường phối hợp trong đối phó với thảm hoại thiên nhiên”.
Theo kế hoạch, một phần cuộc tập trận cũng sẽ diễn ra tại vùng biển phía Tây Nam đảo Palawan của Philippines, gần với khu vực tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc./.
Hoàng Lê/VOV-Trung tâm tin
(Theo Reuters)
-----------
ICG: "Afganistan có thể sụp đổ khi NATO rút quân"
Theo AFP, nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG) ngày 8/10 công bố báo cáo nhận định Chính phủ Afganistan có nguy cơ sụp đổ sau khi NATO rút quân khỏi nước này vào năm 2014, đặc biệt trong trường hợp có gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra cùng năm.
Báo cáo, mang tên "Afganistan: Gian nan đường tới thời kỳ chuyển tiếp 2014," nhận định quốc gia Tây Nam Á này đang trong quá trình tiến tới một đợt bầu cử thiếu trung thực tiếp sau cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội năm 2009 và 2010.
Theo báo cáo của tổ chức có trụ sở tại Brussels này, việc lặp lại "vết xe đổ" có thể gây phương hại tới niềm hy vọng nhỏ nhoi về một sự ổn định sau khi Chính phủ Afganistan tiếp quản hoàn toàn an ninh từ lực lượng NATO do Mỹ đứng đầu.
Bà Candace Rondeaux, nhà phân tích cấp cao người Afganistan làm việc trong ICG, nhấn mạnh: "Thực sự là có nguy cơ chính quyền tại Kabul sụp đổ sau khi NATO rút đi... Cơ hội cứu vãn ngày càng hẹp lại."
Bà đánh giá: "Quân đội và cảnh sát Afganistan vẫn còn bị choáng ngợp và chưa sẵn sàng cho quá trình tiếp quản an ninh. Thêm một cuộc bầu cử gian dối kéo theo hậu quả là bạo loạn có thể đẩy họ rơi vào tình thế nguy kịch."
Liên quân, lực lượng đã phát động cuộc chiến kéo dài 11 năm qua chống phiến quân Taliban, đã rút dần quân số từ mức cao điểm khoảng 130.000 binh sỹ khỏi Afganistan và dự kiến rút toàn bộ lực lượng chiến đấu khỏi nước này vào trước cuối năm 2014./.
(Vietnam+)
-----------
Hàng không mẫu hạm Mỹ thăm Malaysia
Từ ngày 7-11/10, siêu hàng không mẫu hạm USS George Washington cùng 2 tàu khu trục khác của Mỹ đã cập cảng Klang thăm thiện chí Malaysia. Đây là chuyến thăm đầu tiên của tàu USS George Washington đến Malaysia với mục đích góp phần thúc đẩy hợp tác và củng cố mối quan hệ giữa Washington và Kuala Lumpur.
Sĩ quan chỉ huy tàu USS George Washington, Thuyền trưởng Greg Fenton, cho biết chuyến thăm cũng sẽ tạo cơ hội cho các thủy thủ hiểu biết hơn về môi trường biển Malaysia và trao đổi kinh nghiệm với các lực lượng vũ trang Malaysia.
Trong chuyến thăm này, các thủy thủ từ 3 tàu chiến của Mỹ sẽ tham gia 6 hoạt động phục vụ cộng đồng như làm công tác từ thiện tại trường học cho con em của người tị nạn Myanmar, các trường nuôi dưỡng trẻ khác... Các thủy thủ cũng gặp gỡ các gia đình người Mỹ thông qua chương trình Hội Thủy thủ Mỹ ở Kuala Lumpur (KLASS).
Trong ngày 8/10, tàu USS George Washington sẽ tiếp đón hơn 500 quan chức Malaysia bao gồm cả các quân nhân đến tham quan và học tập kinh nghiệm.
Còn được gọi là CVN-73, USS George Washington có kế hoạch tổ chức 11 chuyến thăm tàu cho các quan chức quân sự và các doanh nghiệp Malaysia, cũng như tổ chức chương trình giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về y tế và an toàn với quân đội Malaysia.
Trước đó, tàu USS George Washington và 2 tàu khu trục cùng với hơn 5.500 thủy thủ và 67 máy bay chiến đấu trên tàu, đã ghé thăm các cảng tại Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) và Nhật Bản.
TTXVN/Tin tức
------------------
Hàn Quốc nâng tầm bắn tên lửa, Tân Hoa Xã lo ngại
Truyền thông Trung Quốc và Nhật Bản đều đã tỏ ra lo ngại về việc Hàn Quốc nâng tầm bắn của tên lửa nước này từ 300 km lên 800 km sau khi đạt được thỏa thuận với Mỹ hôm Chủ nhật.
Tờ Chosunilbo xuất bản tại Hàn Quốc ngày 08/10 đưa tin, truyền thông Trung Quốc và Nhật Bản đều đã tỏ ra lo ngại về việc Hàn Quốc nâng tầm bắn của tên lửa nước này từ 300 km lên 800 km sau khi đạt được thỏa thuận với Mỹ hôm Chủ nhật.
Tân Hoa Xã cho rằng hành động nâng tầm bắn tên lửa này của Hàn Quốc “đi ngược lại với thỏa thuận kiểm soát vũ khí toàn cầu có tên gọi là Chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa (Missile Technology Control Regime)”.
Theo đó, Hàn Quốc đã tận dụng kẽ hở trong thỏa thuận này bằng cách lựa chọn “tên lửa hành trình mặt đất có tốc độ chậm hơn với tầm bắn lên tới 1.500 km không phải là đối tượng tác động của Chế độ này.”
Tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản đã đưa ra một bản đồ minh họa tầm bắn của tên lửa Hàn Quốc và cho rằng việc Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa tầm xa là yếu tố chủ yếu khiến Hàn Quốc phải nâng tầm tên lửa. Tờ báo này dự đoán Triều Tiên sẽ không còn chỉ dọa miệng nữa và sẽ tiến hành nhiều cuộc phóng tên lửa hơn, trong khi Trung Quốc cũng sẽ lên tiếng phản đối việc nâng cấp tầm bắn này.
Asahi Shimbun cho rằng Tokyo cũng tỏ ra lo ngại khi tên lửa mới của Hàn Quốc có thể vươn tới khu vực phía tây Nhật Bản.
Hãng tin Kyodo của Nhật Bản thì lại tự tin rằng Mỹ sẽ đảm bảo tầm bắn của những quả tên lửa này sẽ không chạm tới được Bắc Kinh hoặc Tokyo, nhưng cũng đưa ra dự đoán rằng Bình Nhưỡng sẽ lên tiếng phản đối vì giờ đây tên lửa của Hàn Quốc có thể đánh vào bất kỳ mục tiêu nào trên đất Triều Tiên.
Bảo Thành (Nguồn: Chosunilbo, GDVN)
-------------
Iran sẵn sàng thỏa hiệp về chương trình hạt nhân
Nếu quyền làm giàu urani của Iran được thừa nhận, Iran sẽ hạn chế cấp độ làm giàu urani trên cơ sở tự nguyện.
Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi ngày 7/10 đưa ra đề xuất liên quan tới chương trình hạt nhân của gây tranh cãi của nước này.
Theo đề xuất, Iran sẽ hạn chế cấp độ làm giàu urani theo yêu cầu của phương Tây và chuyển số urani đã làm giàu ở cấp độ thấp ra nước ngoài để đổi lấy các nhiên liệu phục vụ lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu ở Tehran.
Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của nước này hoàn toàn vì mục đích dân sự (Ảnh: AFP)
Phát biểu với báo chí, ông Ali Akbar Salehi một lần nữa khẳng định, quyền của Iran sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Theo ông Salehi, nếu quyền làm giàu urani của Iran được thừa nhận, Iran sẵn sàng thỏa hiệp. Iran sẽ hạn chế cấp độ làm giàu urani trên cơ sở tự nguyện.
Tuy nhiên, ông Salehi cũng cho rằng, Iran cần phải nhận được những đảm bảo của phương Tây để có thể nhận nhiên liệu cần thiết từ nước ngoài.
Trong các cuộc đàm phán trước đó, một giải pháp như vậy cũng đã được các nước phương tây đưa ra thảo luận nhưng không thành công. Tổng thống Iran tuần trước khẳng định, Iran sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu dự kiến họp vào ngày 15/10 tới tại Luxemburg để xem xét yêu cầu của Pháp, Đức và Anh trong việc “gia tăng các biện pháp trừng phạt mới về năng lượng và tài chính đối với Iran”./.
Thu Hoài/VOV-Trung tâm tin
(Theo AFP)
----------------
Nhóm hồi giáo Palestine nã đạn pháo Israel
Các lực lượng vũ trang của Palestine ở Dải Gaza đã bắn 35 quả đạn pháo và rocket vào miền nam Israel vào sáng ngày 8/10.
Hai nhóm vũ trang hồi giáo Hamas và Jihad của Palestine tại Dải Gaza cho biết, sáng 8/10, họ đã bắn 35 quả đạn pháo và rocket vào các cánh đồng ở khu vực Eshkol region và Kerem Shalom thuộc miền nam Israel. Chưa có có báo cáo nào về thương vong trong vụ tấn công này.
Các nhóm vũ trang của Palestine giải thích mục đích các cuộc bắn đạn pháo và rocket của họ là nhằm "trả đũa" cho đợt không kích của phía Israel vào lãnh thổ của Palestin vào ngày hôm qua (7/10).
Máy bay chiến đấu của Israel đã phóng tên lửa trúng một chiếc mô tô tại thị trấn Rafah ở miền nam Dải Gaza, khiến 5 dân thường và binh sĩ người Palestine bị thương.
Quân đội Israel tuyên bố mục đích của vụ phóng tên lửa là nhằm tiêu diệt 2 thành viên của nhóm "Thánh chiến Toàn cầu" bị tình nghi liên quan tới các vụ tấn công dọc biên giới với Ai Cập vào tháng 6 vùa qua, khiến 1 người Israel thiệt mạng.
Trong khi đó, một phát ngôn viên của Bộ Y tế Hamas cho biết trên hãng tin AFP vào sáng 8/10 rằng một xe tăng của quân đội Israel đã bắn vào khu vực miền đông Khan Younis của Palestine, khiến 3 người bị thương.
( Khám phá)