TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin nhanh 09-10-2012


Ai Cập ân xá hàng ngàn tù nhân chính trị

 Tổng thống Ai Cập Mohammed Mursi hôm 8.10 đã đặc xá cho tất cả các tù nhân chính trị bị bắt trong cuộc tổng nổi dậy lật đổ lãnh đạo Hosni Mubarak hồi năm ngoái.

Theo BBC, lệnh ân xá của Tổng thống Mursi sẽ giúp hàng ngàn người được trả tự do.

Lệnh ân xá được áp dụng cho tất cả những người bị bắt giữ từ ngày đầu tiên nổ ra cuộc nổi dậy, tức ngày 25.1.2011, cho đến cuối tháng 6 năm nay.

Theo lệnh ân xá này, cả những người đang chờ xét xử cũng như đang thụ án tù sẽ được trả tự do. Trường hợp ngoại lệ sẽ là những người bị cáo buộc tội giết người, một phát ngôn viên tổng thống cho Reuters biết.

Tuy nhiên, người này không tiết lộ cụ thể sẽ có bao nhiêu tù nhân được thả. Reuters dẫn một nguồn tin cho biết, hiện có ít nhất 5.000 tù nhân chính trị đang bị giam giữ ở Ai Cập.

Ông Mursi đã được chọn trong cuộc bầu cử tổng thống dân chủ đầu tiên của Ai Cập hồi tháng 6.

Riêng ông Mubarak đã rời chức tổng thống vào tháng 2.2011 theo sau cuộc nổi dậy kéo dài 18 ngày tại Ai Cập, khiến hàng trăm người biểu tình thiệt mạng.

Ông Mubarak hiện đang thi hành án tù chung thân, sau khi bị kết tội do không ngăn chặn các vụ giết người hồi tháng 6.

Huỳnh Thiềm// Thanh Niên
------------------------
 Châu Âu khủng hoảng: Nợ công Hy Lạp có thể lên 150% GDP

Tình hình nợ công của Hy Lạp có chiều hướng xấu đi và có thể khiến nước này không đủ điều kiện nhận cứu trợ tiếp theo.

Trong điều kiện kinh tế nhưu hiện tại, nợ công của Hy Lạp có thể lên 150% GDP vào năm 2020, cao hơn dự báo 146% đưa ra hồi đầu năm, và vượt ngưỡng đánh giá “nợ ổn định” 120% mà IMF đưa ra.

Hiện 3 chủ nợ của Hy Lạp gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và IMF đang đánh giá tình hình kinh tế và cải cách của Hy Lạp trước khi phê chuẩn giải ngân tiếp gói cứu trợ thứ 2 cho nước này.

Hôm qua 8/10, các bộ trưởng tài chính châu Âu và đại diện 3 tổ chức trên đã nhóm họp tại Luxembourg để bàn về tình hình eurozone, trong đó chú trọng đến Hy Lạp.

Hiện các bên vẫn chưa thống nhất quan điểm đánh giá triển vọng kinh tế Hy Lạp trong những năm tới. IMF tuyên bố sẽ không cấp vốn cho Hy Lạp nếu nợ của nước này không “bền vững”, đồng thời hối thúc EU và ECB tái cơ cấu nợ cho Hy Lạp.

Tuy nhiên, các chủ nợ này đều yêu cầu Hy Lạp thể hiện 89 cam kết của mình tại hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 18/10 tới nếu muốn nhận giải ngân tiếp.

Chủ trì cuộc họp, chủ tịch nhóm các bộ trưởng tài chính chính eurozone, Jean-Claude Juncker, nói, các chủ nợ muốn chính phủ Hy Lạp hoàn thành các giải pháp ngân sách và cải cách quan trọng trước ngày 18/10.

(Gafin)
---------------
Trung Quốc cho phép báo giới đưa tin đại hội đảng

Giới chức Trung Quốc hôm qua thông báo các phóng viên trong nước và quốc tế sẽ được mời tham dự đại hội toàn quốc lần thứ 18 của đảng Cộng sản vào ngày 8/11 tại Bắc Kinh.

Tân Hoa Xã dẫn lời giới chức cho hay, các nhà báo sẽ đăng ký tham dự đưa tin đại hội từ ngày 9/10 tới 2/11.

Các nhà báo từ đặc khu hành chính Hong Kong và Ma Cao sẽ đăng ký tại các văn phòng liên lạc của chính phủ trung ương tại hai đặc khu hành chính. Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc sẽ nhận đơn đăng ký của các nhà báo từ Đài Loan.

Phóng viên quốc tế nộp đơn tại các đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc ở nước ngoài. Nhà báo trong nước đăng ký tại Cục Thông tin của Bộ Ngoại giao. Một trung tâm báo chí sẽ được thành lập trong quá trình đại hội diễn ra để các quan chức tổ chức họp báo và trả lời phỏng vấn.

Đại hội đảng toàn quốc đảng Cộng sản Trung Quốc là một sự kiện chính trị quan trọng tại Trung Quốc, bởi nó đánh dấu sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Trong cuộc họp vào ngày 28/9, Bộ Chính trị của đảng Cộng sản Trung Quốc nhất trí tổ chức đại hội lần thứ 18 tại thủ đô Bắc Kinh vào ngày 8/11.

Việt Linh// VNex
-----------
Bổ sung cáo trạng đối với ba cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ

Tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ tại Campuchia (ECCC) do Liên hợp quốc bảo trợ ngày 8/10 đã bổ sung một vụ giết người hàng loạt vào bản cáo trạng đối với ba cựu lãnh đạo chế độ Khmer Đỏ (giai đoạn 1975-1979) gồm Ieng Sary, Nuon Chea và Khieu Samphan trong bối cảnh xuất hiện quan ngại rằng các bị cáo này sẽ không sống được bao lâu nữa để hầu tòa.
 
Động thái trên, sẽ mở rộng nội dung xét xử của ECCC, diễn ra giữa lúc cựu Ngoại trưởng thời Khmer Đỏ Ieng Sary (86 tuổi) đang phải nằm viện vì một loạt chứng bệnh nặng. Không mấy thành viên ECCC cho rằng bị cáo này có thể hầu tòa trở lại, do đó khiến các thủ tục xét xử thêm cấp bách.
 
Bên nguyên đề nghị đưa thêm ba tội ác vào nội dung xét xử của ECCC, song các thẩm phán nói rằng họ không muốn "mạo hiểm kéo dài phiên tòa" và đã nhất trí bổ sung một cáo trạng đó là vụ thảm sát 3.000 sĩ quân quân đội tại địa điểm hành hình Tuol Po Chrey ở miền Tây Campuchia.
 
Các bị cáo Ieng Sary, Nuon Chea và Khieu Samphan bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, diệt chủng và tội ác chống lại loài người. Tuy nhiên, họ phủ nhận những cáo buộc này.
 
Cho tới nay, ECCC mới chỉ kết án một cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ là Giám đốc Nhà tù S-21 khét tiếng Kaing Guek Eav (còn có tên là Duch), người lĩnh án tù chung thân hồi đầu năm nay vì vai trò của y trong cái chết của khoảng 15.000 người./.

(Vietnam+)
-------------
 Căng thẳng Xyri - Thổ Nhĩ Kỳ dẫn tới chiến tranh?

Tình hình tại biên giới Xyri với Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục căng thẳng, khiến dư luận lo ngại hai quốc gia láng giềng này đang đứng bên miệng hố chiến tranh.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 8/10 đã ngay lập tức bắn trả một loạt đạn pháo sang Xyri sau khi một quả đạn pháo bắn từ Xyri rơi trúng thị trấn biên giới Akcakale của nước này. Đây là ngày thứ sáu liên tiếp Xyri và Thổ Nhĩ Kỳ đấu pháo. Vụ pháo kích mới nhất từ Xyri đã nhằm trúng khu đất gần một nhà máy thuộc Cơ quan ngũ cốc Thổ Nhĩ Kỳ, cách trung tâm thị trấn Akcakale vài trăm mét, nơi 5 dân thường đã thiệt mạng trong vụ pháo kích đầu tiên xảy ra hôm 3/10.

Ngay sau vụ pháo kích đầu tiên từ Xyri, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 4/10 đã cho phép quân đội tiến hành các hoạt động quân sự xuyên biên giới nhằm vào các mục tiêu ở Xyri. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định quyết định của quốc hội nước này chỉ đơn thuần nhằm mục đích “răn đe”. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Besir Atalay cho hay, việc quốc hội “bật đèn xanh” cho phép tiến hành các hoạt động quân sự ở bên phía quốc gia láng giềng Xyri không phải là một sự ủy thác chiến tranh. Quân đội chỉ có thể sử dụng quyền hạn này trong trường hợp cần thiết.

Động thái trên của Thổ Nhĩ Kỳ khiến dư luận trong nước và quốc tế lo ngại về khả năng Ancara sẽ sa vào một cuộc chiến tranh với quốc gia láng giềng từng một thời là đồng minh chiến lược. Theo nhận định của chuyên viên Ajdar Kurtov thuộc Viện Đánh giá Chiến lược Nga: “Đó không đơn thuần là những ngôn từ hiếu chiến mà là mệnh lệnh chính trị cho các lực lượng vũ trang trong trường hợp nảy sinh bất cứ hành động nào cần thiết vượt ra ngoài phạm vi biên giới và tiến hành chiến sự trên lãnh thổ Xyri… Có thể các nhà quân sự và chính trị Thổ Nhĩ Kỳ sẽ suy nghĩ kỹ trước khi tiến hành các hành động quân sự, nhưng khả năng xảy ra chiến tranh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Xyri là điều có thể”.

H.H// Tin Tức
--------------
Nga: Quy tụ các cơ quan điều tra về một mối

Người phát ngôn Dmitry Peskov của Văn phòng Tổng thống Liên bang Nga vừa cho báo giới biết, thể theo sáng kiến của đương kim Tổng thống Vladimir Putin nhằm tập trung tất cả các cơ quan điều tra nội địa cấp liên bang về một đầu mối duy nhất, giúp hình thành một tổ chức quản lý mới cấp tổng cục mang tên Ủy ban điều tra thống nhất toàn Nga (ESKR).

Vẫn theo lời ông D. Peskov, thì sáng kiến của Tổng thống V. Putin đã được Chính phủ của Thủ tướng Dmitry Medvedev chấp thuận, chuẩn bị trình lên Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) phê chuẩn trong thời gian tới. Còn giới chuyên gia am hiểu luật pháp cho rằng, việc tạo ra ESKR sẽ dẫn đến sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong Bộ luật Tố tụng hình sự Liên bang, nhằm trao cho ESKR quyền điều tra tất cả các vụ án hình sự diễn ra trong nước.

Cụ thể là lực lượng cảnh sát chuyên trách chỉ tiếp xúc với các vụ án trong giai đoạn đầu hòng xác định bản chất hành vi phạm tội, quá trình điều tra kế tiếp sẽ thuộc thẩm quyền của ESKR. Ngay cả đặc quyền điều tra giới nghị sĩ Nga vốn do Viện Công tố Tối cao thực hiện, sau khi đã gửi kiến nghị lên Duma để tước quyền miễn trừ hình sự đối với người liên quan, thì nay nhiệm vụ này cũng do ESKR đảm nhiệm.

Ngân sách nhà nước sẽ chi số tiền tương đương 600 triệu euro mỗi năm cho việc hình thành và củng cố nhân sự thuộc ESKR, dự kiến việc kiện toàn tổ chức từ trung ương xuống các địa phương sẽ được hoàn tất trong vòng 4 năm từ 2012 đến 2016. Gần 37.000 nhân viên điều tra thuộc Bộ Nội vụ Nga hiện nay sẽ được điều chuyển sang ESKR, thêm vào là quân số 2.000 chuyên viên đang công tác tại Cơ quan Kiểm soát ma túy Liên bang cũng sẽ chuyển qua ESKR. Tất cả nhân viên mới thuộc ESKR đều được nâng thêm một bậc lương so với mức thu nhập ở cơ quan cũ. Mọi hoạt động của ESKR sẽ chịu sự giám sát từ các ủy ban điều tra thuộc 2 viện của Quốc hội, phù hợp với quy định của luật pháp.

"Đây là bước tiến mới trong khuôn khổ cải cách tư pháp, góp phần tạo ra một cơ quan pháp lý chuyên nghiệp trong lĩnh vực điều tra tội phạm", người phát ngôn D. Peskov nhấn mạnh

  Quang Long (theo Nezavisimaya Gazeta, CAND)
--------------
Tổng thư ký LHQ: Khủng hoảng Syria đe dọa ổn định khu vực

Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh, giải pháp chính trị là cách duy nhất để giải quyết khủng hoảng tại Syria.

    Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon hôm 8/10 kêu gọi ngăn chặn hoạt động vận chuyển vũ khí vào Syria và cảnh báo cuộc khủng hoảng tại đây có nguy cơ đe dọa sự ổn định của toàn bộ khu vực.
 
Phát biểu tại Hội nghị quốc tế về dân chủ diễn ra tại thành phố Strasbourg (Pháp), Tổng thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng Syria đang trong tình trạng hết sức nguy hiểm, đặc biệt là sau khi xung đột Thổ Nhĩ Kỳ- Syria bùng phát mạnh tại khu vực biên giới 2 nước. Cuộc khủng hoảng tại đây còn ảnh hưởng tới quốc gia láng giềng Libăng. Ông cũng nhấn mạnh, giải pháp chính trị là cách duy nhất để giải quyết khủng hoảng tại Syria.

Trong bài phát biểu tại hội nghị, ông Ban Ki-moon cho biết, đặc phái viên chung của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab Lakhdar Brahimi sẽ trở lại đây trong tuần này để tiếp tục các nỗ lực của cộng đồng thế giới nhằm tìm kiếm một tiến trình chuyển giao chính trị tại Syria./.

   Hồng Nhung/VOV-Trung tâm tin
Theo AP
---------------
Myanmar: Bà Kyi tuyên bố sẵn sàng làm tổng thống

Theo hãng AP/THX, ngày 8/10, nhà lãnh đạo đối lập hàng đầu của Myanmar Aung San Suu Kyi tuyên bố bà sẵn sàng ngồi vào chiếc ghế tổng thống và mục đích sửa đổi hiến pháp của Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cũng nhằm cho phép bà hiện thực hóa điều này.

Bà Suu Kyi nhấn mạnh rằng với tư cách là Chủ tịch NLD, bà sẵn sàng lên làm tổng thống nếu đó là ý nguyện của người dân Myanmar.

Bà cho biết một số điều được quy định trong hiến pháp Myanmar đang cản trở việc bà đảm nhiệm vai trò lãnh đạo đất nước và đó là một trong một số điều khoản mà NLD muốn sửa đổi.

Theo kế hoạch Myanmar sẽ tiến hành bầu cử tổng thống vào năm 2015.

Tuần trước, bà Suu Kyi đã kết thúc chuyến công du Mỹ kéo dài 17 ngày và khẳng định với báo giới rằng bà chưa có kế hoạch đi thăm Trung Quốc./.

(Vietnam+)
--------------
Trung Quốc lo ngại tình hình ở Bán đảo Triều Tiên

Theo Tân Hoa xã, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 8/10 cho biết Bắc Kinh không muốn thấy đối đầu quân sự leo thang trên Bán đảo Triều Tiên.

Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, ông Hồng Lỗi cho rằng việc duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, thực hiện chính sách giải trừ vũ khí hạt nhân và tránh phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt không chỉ có lợi cho tất cả các bên liên quan mà còn là nghĩa vụ mà họ phải thực hiện.

Nhắc lại lập trường của Trung Quốc trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại, ông Hồng Lỗi đã kêu gọi tất cả các bên nỗ lực hơn nữa nhằm làm dịu tình hình.

Bình luận trên được đưa ra sau khi Hàn Quốc hôm 7/10 cho biết nước này đã đạt được thỏa thuận với Mỹ liên quan đến việc phát triển các tên lửa đạn đạo, theo đó sẽ cho phép Hàn Quốc phát triển tầm bắn của các tên lửa đạn đạo lên 800km, cao hơn gấp đôi so với mức giới hạn cho phép hiện nay.

Ngoài ra, Seoul còn được phép triển khai máy bay không người lái có trọng tải lên đến 2.500kg.

Trước đó, trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 1/10, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Pak Kil Yon nói rằng Bán đảo Triều Tiên đã trở thành điểm nóng nguy hiểm nhất trên thế giới, nơi chỉ một mồi lửa có thể dẫn tới chiến tranh nguyên tử.

Thứ trưởng Pak Kil Yon đã chỉ trích chính sách "thù địch" của Mỹ đối với Triều Tiên dẫn tới "quỹ đạo xấu của đối đầu trầm trọng hơn" khiến cho Bán đảo Triều Tiên tiến gần tới một cuộc xung đột hạt nhân.

Ông Pak cũng cáo buộc Washington tìm cách chiếm đóng toàn bộ Bán đảo Triều Tiên bằng vũ lực và "sử dụng nó làm bàn đạp hòng hiện thực hóa chiến lược chi phối toàn bộ châu Á."

Ông cho rằng Mỹ đã hoàn tất các kịch bản cho một cuộc chiến tranh Triều Tiên mới và đang đợi để thực hiện các kịch bản này song đã bị Triều Tiên ngăn chặn./.

(Vietnam+)
----------
Iran phá vụ tấn công mạng máy tính giàn khoan dầu

 Một quan chức ngành dầu mỏ Iran ngày 8.10 cho biết nước này đã ngăn chặn thành công một vụ tấn công vào mạng máy tính của các giàn khoan dầu xa bờ của nước này.

Hãng thông tấn bán chính thức ISNA dẫn lời ông Mohammad Reza Golshani, trưởng bộ phận công nghệ thông tin của Công ty Dầu mỏ xa bờ Iran, buộc tội Israel thực hiện vụ tấn công trên.

Ông nói vụ tấn công xảy ra trong hai tuần qua và chỉ tác động đến các hệ thống truyền thông của mạng. An ninh của những cơ sở dữ liệu của các công ty dầu mỏ vẫn được đảm bảo.

Iran thường xuyên thông báo những vụ tấn công mạng nhằm vào các mục tiêu công nghiệp, dầu khí, hạt nhân, chính phủ và quy trách nhiệm cho Mỹ và Israel.

Tel Aviv hầu như không làm gì để xóa đi những nghi ngờ rằng họ đang sử dụng virus máy tính làm công cụ chống lại Tehran.

Iran đang bất đồng với phương Tây về chương trình hạt nhân của nước này. Mỹ và các đồng minh tình nghi chương trình này được sử dụng làm bình phong cho nỗ lực chế tạo bom hạt nhân của Iran, cáo buộc mà Tehran luôn phủ nhận.

Trùng Quang // Thanh Niên
----------------
Bắt đầu đàm phán FTA Việt Nam - EU

Sáng 8/10 60 chuyên gia từ phía Châu Âu và Việt Nam bắt đầu tham gia đàm phán tại Khách sạn Melia Hà Nội, mở màn cho Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam.

Trưởng đoàn đàm phán phía Việt Nam là Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, phía EU là Thứ trưởng Thương mại Châu Âu, ông Mauro Petriccione. Trong bài phát biểu khai mạc, cả hai trưởng đoàn đều chia sẻ nhiều ý kiến về việc các vòng đàm phán nên được tiến hành thế nào.

Thông thường, quá trình đàm phán sẽ kéo dài nhiều vòng, trong nhiều năm và không ai đoán trước được sau bao lâu sẽ kết thúc. Tuy nhiên, Cao ủy Thương mại EU, ông Karel De Gucht từng kỳ vọng sẽ hoàn thành xong Hiệp định FTA với Việt Nam trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 10/2014.

Việt Nam là đối tác thứ ba của EU trong khu vực ASEAN tiến hành đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do, Singapore và Malaysia. Hiện Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ năm của EU trong khối ASEAN (và là thứ 35 của EU trên thế giới).

Ngược lại EU là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam, sau Trung Quốc và Mỹ. EU cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay, với kim ngạch 12,8 tỷ euro trong năm 2011. Năm 2011, EU xuất khẩu sang Việt Nam đạt 5,2 tỷ USD.

Theo Thanh Bình
VnExpress
------------
Tổng thống Myanmar U Thein Sein thăm Hàn Quốc

Tổng thống Myanmar U Thein Sein ngày 8/10 đã tới Seoul, bắt đầu chuyến thăm Hàn Quốc cấp nhà nước trong ba ngày với nội dung chủ yếu là nhằm hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Lee Myung-bak về hợp tác kinh tế.

Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, trong ngày 9/10, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận phương thức mở rộng hợp tác song phương về thương mại, đầu tư, các nguồn tài nguyên và năng lượng, cơ sở hạ tầng, xây dựng... cũng như tăng cường trao đổi văn hóa, nhân sự.

Ngoài ra, hai bên cũng sẽ trao đổi lập trường về những chủ đề nóng của khu vực, trong đó có tình hình bán đảo Triều Tiên, và hợp tác trong nhiều vấn đề toàn cầu.

Trong chuyến thăm này, Tổng thống Thein Sein cũng có kế hoạch thăm một số công ty liên quan đến quân sự.

Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, chuyến thăm này của Tổng thống Thein Sein sẽ giúp mở rộng hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước và diễn ra tiếp sau chuyến thăm Myanmar của Tổng thống Lee Myung-bak hồi tháng Năm vừa qua, chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Hàn Quốc tới Myanmar kể từ năm 1983.

Myanmar là một trong những nước có nguồn dự trữ khí tự nhiên lớn nhất thế giới, có các mỏ sắt, kẽm, kền... trữ lượng lớn, và cùng với các cuộc cải cách chính trị-kinh tế đang được chính phủ xúc tiến nhanh chóng, nước này đang trở thành một điểm đến hấp dẫn tại Đông Nam Á đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuần trước, một nghiệp đoàn của Hàn Quốc đã ký thỏa thuận xây dựng nhà máy điện có công suất 500.000Kw và mạng lưới chuyển tải điện vào năm 2015 ở thị trấn Tharkayta thuộc Yangon.

Theo số liệu thống kê chính thức, kể từ năm 1998 đến tháng 7/2012, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã rót vào Myanmar tổng vốn đầu tư lên tới gần 3 tỷ USD, đưa Hàn Quốc lên vị thứ tư trong danh sách các nhà đầu tư nước ngoài ở quốc gia Đông Nam Á này. Kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều năm ngoái đạt 970 triệu USD và trong bốn tháng đầu của tài khóa 2012-2013 (bắt đầu từ tháng 4/2012) đạt 158 triệu USD./.

(TTXVN)
------------
Anh bắt đầu chuyến bay giám sát không phận nước Nga

RIA dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga hôm nay (8/10) cho hay, một nhóm các thanh sát viên quân sự Anh sẽ bắt đầu thực hiện chiến dịch bay giám sát không phận nước Nga theo Hiệp ước Bầu trời mở.

Theo đó, chuyến bay kiểm tra sẽ được tiến hành trong khoảng thời gian từ ngày 8 – 12/10 tới. Trên máy bay vận tải quân sự SAAB OS-100, các chuyên gia Anh cùng các đồng nghiệp người Nga sẽ giám sát việc thực hiện các thỏa thuận vùng trời của quốc gia này nhờ sử dụng các thiết bị kỹ thuật công nghệ cao và theo lộ trình bay mà đôi bên đã thỏa thuận từ trước.

Cũng theo nguồn tin trên, một nhóm các thanh tra Nga cũng có kế hoạch thực hiện 2 chuyến bay giám sát liên tiếp toàn lãnh thổ nước Mỹ từ ngày 8 – 22/10 tới trên máy bay Tupolev Tu-154M Lk-1.

Hiệp ước Bầu trời mở được ký kết vào năm 1992 theo sáng kiến ​​của Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là George H.W Bush. Theo đó, các nước tham gia hiệp ước sẽ thiết lập một chế độ bay quan sát không vũ trang trên lãnh thổ của 34 quốc gia thành viên, nhằm thúc đẩy sự công khai và minh bạch trong các hoạt động quân sự của các quốc gia này.

Hiệp ước này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2002 và là một yếu tố quan trọng trong cấu trúc an ninh khu vực châu Âu.

Trước đó, hôm 1/10, một nhóm các thanh sát viên quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và Na Uy cũng đã thực hiện chiến dịch bay giám sát kéo dài 5 ngày trên vùng trời nước Nga theo Hiệp ước Bầu trời mở.

Hoài Nam (Theo RIA, Petrotimes)
-----------------
Iran phát hiện đá gián điệp gần cơ sở hạt nhân

- Thời gian gần đây các nhân viên an ninh Iran đã phát hiện những hòn đá kỳ lạ tự nhiên xuất hiện bên ngoài hàng rào các cơ sở hạt nhân Iran và khi các nhân viên an ninh tiếp cận để tìm hiểu “vị khách” không mời này thì nó phát nổ.

Phía Iran nhanh chóng vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân việc đá tự phát nổ. Kết quả điều tra khiến họ phải giật mình. Những hòn đá kỳ lạ này chính là một thiết bị gián điệp điện tử được điều khiển từ xa bằng vệ tinh.

Thiết bị này có hình dáng bên ngoài như những hòn đá tự nhiên, bên trong được lắp các thiết bị điện tử phục vụ cho nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo. Thiết bị gián điệp đặc biệt này được điều khiển qua vệ tinh, đặc biệt nó có thể tự hủy nếu bị phát hiện.

Lực lượng an ninh Iran nhận định, thiết bị này đã góp phần vào đợt tấn công mạng nhắm vào chương trình hạt nhân của nước này. Hiện chưa rõ bao nhiêu thiết bị loại này đã được Mỹ triển khai hoạt động tại các cơ sở hạt nhân Iran nhưng chắc CIA có không ít thông tin về chương trình hạt nhân của Tehran.

 Thông tin về thiết bị gián điệp này được Mỹ bảo mật khá chặt chẽ. Nguyên tắc hoạt động của thiết bị này vẫn chưa được công bố.

Thiết bị gián điệp này đã được Mỹ triển khai hoạt động cách đây hơn 10 năm. Israel, một đồng minh  quan trọng của Mỹ trong khu vực Trung Đông,  từng triển khai loại thiết bị gián điệp này tại Lebanon để thu thập thông tin về các lực lượng du kích Hồi giáo tại đây. Trước Iran, Nga cũng là trở thành nạn nhân của loại thiết bị gián điệp này.

Năm 2006, tình báo Nga FSB đã bắt giữ 4 người đàn ông Anh bị cáo cuộc thực hiện các hoạt động gián điệp tại Moscow. FSB đã theo dõi một người đàn ông thường xuyên đi ngang một tảng đá trên đường phố Moscow, thỉnh thoảng anh ta lại đá vào hòn đá này.

FSB lấy hòn đá này và mang đi chụp X- quang, kết quả thật bất ngờ, bên trong chứa các thiết bị điện tử phục vụ cho mục đích gián điệp. Thiết bị này đã gặp sự cố và hoạt động không ổn định nên người đàn ông này đã đá vào nó. Điều đó đã tố cáo anh ta. Sự kiện này đã dẫn đến những căng thẳng ngoại giao giữa Anh và Nga trong suốt năm 2006.

Theo một số nguồn tin từ Nga, thiết bị gián điệp này có trọng lượng khoảng 2,73kg đơn giá của nó khoảng 10.000 USD, thiết bị được triển khai ở Iran hiện đại và có chi phí cao hơn.

Phan Nguyễn (theo VPK, Bee)
--------------
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi dân chuẩn bị chiến tranh

  Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ khai chiến với Syria trong trường hợp cần thiết, đồng thời kêu gọi người dân sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh, theo Hoàn cầu thời báo.

Mấy ngày gần đây, hai nước Thổ Nhĩ Kỳ, Syria liên tiếp xảy ra đụng độ. Theo Hoàn Cầu thời báo, quan hệ giữa hai nước láng giềng này ngày càng xấu đi khi cả hai đều cố trả đũa nhau bằng bạo lực.

Về khả năng chiến tranh giữa hai nước, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói "người dân Thổ Nhĩ Kỳ nên chuẩn bị tinh thần cho một cuộc chiến với Syria".

Kênh truyền hình Press TV của Iran hôm 8/10 cho biết, ông Erdogan tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ "sẽ chiến đấu với Syria nếu cần thiết", đồng thời kêu gọi người dân nước này sẵn sàng cho một cuộc chiến.

Hôm 3/10, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã nã pháo vào một số mục tiêu ở Syria nhằm đáp trả việc đạn pháo từ nước láng giềng bay qua biên giới khiến 5 dân thường Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng.

Một ngày sau đó, quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép tiến hành các hoạt động quân sự nhằm vào các mục tiêu ở quốc gia láng giềng Syria, hãng thông tấn nhà nước Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin.
( VTC)
------------
 Mỹ cáo buộc 2 công ty viễn thông Trung Quốc "đe dọa an ninh"

Hai công ty viễn thông Trung Quốc đã bị một ủy ban của Quốc hội Mỹ nhận diện là "đe dọa an ninh" đối với nước này sau một cuộc điều tra.

 Vì vậy, hai công ty Hoa Vị (Huawei) và ZTE nên bị cấm hoạt động mua lại hoặc sáp nhập trên lãnh thổ Mỹ, theo kiến nghị được nêu ra trong bản báo cáo của ủy ban - vốn dự kiến sẽ được công bố vào cuối ngày hôm nay (8.10).

"Thu thập thông tin"

Theo bản báo cáo này, 2 công ty trên làm tăng quan ngại về mối quan hệ của họ đối với chính phủ và quân đội Trung Quốc.

Hai công ty này nằm trong số những nhà sản xuất hàng đầu thế giới về các thiết bị hệ thống viễn thông.

"Trung Quốc có phương tiện, cơ hội và động cơ để sử dụng các công ty viễn thông cho các mục đích xấu" - báo cáo cho biết. "Dựa trên những thông tin mật và những thông tin công khai mà chúng tôi có được thì không thể tin là Hoa Vị và ZTE không bị nước ngoài tác động, và do đó đặt ra một thách thức an ninh đối với Mỹ và hệ thống của chúng ta".

Tuy nhiên, cả hai công ty này đều bác bỏ các cáo buộc trên.

"Sự trung thực và tính độc lập trong tổ chức và hoạt động kinh doanh của Hoa Vị được tin tưởng và tôn trọng ở gần 150 thị trường trên thế giới" - Phó Chủ tịch Hoa Vị William Pummer nói với AFP.

Đã có những quan ngại và cáo buộc rằng Hoa Vị đang giúp Trung Quốc thu thập thông tin về các công ty và chính phủ nước ngoài, mặc dù họ luôn bác bỏ. Năm ngoái, một ủy ban an ninh của Mỹ đã bác thỏa thuận cho phép Hoa Vị mua lại một công ty máy tính của Mỹ có tên là 3Leaf systems.

Hồi đầu năm nay, cùng với ZTE, Hoa Vị bị cáo buộc rằng các thiết bị của họ được cài mật mã để truyền các thông tin nhạy cảm đưa về Trung Quốc.

Theo BBC // LĐ
-----------
Lãnh đạo Israel đạt được đồng thuận đối phó Iran

Theo một tuyên bố chung do Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Israel công bố ngày 7/10, Thủ tướng nước này Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak đã đạt đồng thuận trong vấn đề đối phó với Iran, cũng như về quan hệ với Mỹ.

Tuyên bố nêu rõ: "Thủ tướng và Bộ trưởng đã nhất trí tiếp tục hợp tác đối phó với mối đe dọa Iran dưới mọi hình thức cũng như xử lý các mối quan hệ với Mỹ dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng."

Trước đó, trong chuyến thăm Mỹ gần đây, ông Barak đã bày tỏ những quan điểm mâu thuẫn với ông Netanyahu về vấn đề Iran, theo đó không tán thành yêu cầu của ông Netanyahu về việc đặt ra "giới hạn đỏ rõ ràng" đối với Iran liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran, động thái có thể dẫn tới hành động quân sự chống Iran.

Yêu cầu này của ông Netanyahu đã gây căng thẳng trong quan hệ giữa Israel và Mỹ vì Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trương trừng phạt kinh tế và ngoại giao hơn là hành động quân sự.

Báo chí Israel nhận xét trong gần bốn năm qua Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Barak là những đồng mình "cùng chung chiến hào," song gần đây ông Netanyahu cáo buộc ông Barak "vận động sau lưng ông" để thể hiện với Washington rằng Bộ trưởng Quốc phòng Israel là một nhân vật "ôn hòa" so với Thủ tướng có quan điểm "cực đoan."

Rạn nứt giữa Thủ tướng Netanyahu và Bộ trưởng Barak nảy sinh trong bối cảnh rộ lên thông tin về khả năng bầu cử sớm tại Irael, có thể là vào tháng Hai hoặc tháng 3/2013./.

(TTXVN)
------------
Công đoàn Singapore sa thải cán bộ nói ẩu trên Facebook

 Một nữ cán bộ Công đoàn quốc gia Singapore (NTUC) bị sa thải vào hôm nay sau khi đưa lên Facebook cá nhân bình luận mang tính kì thị sắc tộc vào tối qua 7.10.

Bà Amy Cheong, trợ lý giám đốc Ban quản lý Thành viên, đã bị NTUC sa thải với hiệu lực tức thì ngay trong sáng 8.10.

Tối chủ nhật 7.10, bà Cheong viết trên Timeline của mình lời phàn nàn về tiếng ồn từ một đám cưới của người gốc Malay ở tầng trệt khu chung cư dành cho người có thu nhập thấp cạnh nhà bà.

Không chỉ phàn nàn bình thường, bà Cheong dùng những thán từ thô tục và danh từ mang tính xúc phạm đối với người Malay. Bà cũng gay gắt ám chỉ người Malay có tỉ lệ li hôn cao.

Phát biểu của bà Cheong lập tức “hứng đá” khốc liệt. Trang Facebook NTUC Membership của bộ phận mà bà Cheong quản lý cũng ngay lập tức tràn ngập phản ứng giận dữ của công chúng.

Bà Cheong liền nhanh chóng có lời xin lỗi cho “bình luận ngu xuẩn” của mình trên trang cá nhân lẫn trang của NTUC.

Tuy nhiên, “bão táp” càng lúc càng dữ dội khiến bà đóng cửa trang cá nhân.

Dù vậy, “mặt tiền” Facebook của bà với lời bình luận xúc phạm đã được cư dân mạng nhanh tay chụp lại và phổ biến trên cả Twitter với hàng trăm bình luận phản đối.

Đồng thời trên Facebook, tài khoản Fire Amy Cheong (sa thải Amy Cheong) và Stop Racism in Singapore (Hãy chấm dứt tệ phân biệt sắc tộc ở Singapore) ra đời, lập tức được hàng ngàn người ủng hộ.

NTUC ngay trong đêm 7.10 cũng lên tiếng trên Facebook cho biết họ đang điều tra về “bình luận không đứng đắn” được nói là do một cán bộ của mình đưa ra trên mạng xã hội.

“Phong trào Công nhân lấy chủ trương tập hợp toàn thể là phương châm hành động, và không chấp nhận bất kì lời nói hay hành động nào có tính nhạy cảm hay xúc phạm đối với bất kì cộng đồng nào”, NTUC trấn an.

Singapore là một quốc gia đa sắc tộc, gồm 3 nhóm chủ yếu: người Hoa, người Malay và người Ấn, trong đó người Hoa chiếm đa số với gần 75%, và người Malay chiếm khoảng 13%.

Hòa hợp sắc tộc được coi là một trong những chiến lược sống còn của chính phủ nhằm tránh bất ổn chính trị. Báo chí và ngành nghệ thuật nước này vì thế bị cấm tuyệt đối việc đụng chạm đến những vấn đề gai góc về sắc tộc.

Bởi thế, không có gì ngạc nhiên khi NTUC ngay trong sáng 8.10 đã ra quyết định đuổi việc bà Cheong.

Tổng thư ký NTUC Lim Swee Say, người đồng thời giữ chức Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng, cho biết: “NTUC đã chấm dứt công việc của bà Amy Cheong, trợ lý giám đốc Ban quản lý Thành viên, với hiệu lực tức thì sau khi xác minh chính bà đã đăng trên Facebook cá nhân bình luận xúc phạm vào ngày 7.10.2012”.

“Chúng tôi lấy làm tiếc vì xảy ra việc này”, ông Lim nói them, đồng thời cũng nhắc lại: “Bà Cheong rất ân hận và cũng đã xin lỗi về sự bất cẩn nghiêm trọng trong phán xét của mình”.

Trang Yahoo! News cho hay theo “lý lịch” trên Facebook cá nhân (trước khi bị đóng cửa), bà Cheong tốt nghiệp đại học tại Đại học Tây Úc (University of Western Australia).

Trước đây, cũng trên Facebook, bà Cheong từng viết: “Nên cấm đám cưới tổ chức ở tầng trống của chung cư. Nếu anh không đủ tiền để tổ chức một đám cưới đàng hoàng, tốt nhất anh đừng kết hôn. Chấm hết”.

Thục Minh// Thanh Niên
(Văn phòng Singapore)

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te