TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin quân sự thế giới 04-10-2012


Hàn Quốc tái thử nghiệm ngư lôi Hongsangeo cho khu trục hạm

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc sẽ đưa ra quyết định tái bố trí ngư lôi tự chế mang tên Hongsangeo (Cá mập đỏ) sau 10 lần bắn thử, đài KBS ngày 3/10 đưa tin.

Trước đó, Hàn Quốc dự kiến trang bị Hongsangeo, ngư lôi chống tàu ngầm dạng tên lửa phóng theo chiều thẳng đứng được chế tạo hoàn toàn bằng công nghệ của Hàn Quốc, cho tàu khu trục Aegis đầu tiên mang tên “Sejong Đại đế” vào cuối tháng 8/2011, nhưng bị hoãn lại do thất bại trong đợt bắn thử vào tháng 7/2011.

Theo kế hoạch, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và Cơ quan Quản lý chương trình mua sắm quốc phòng (DAPA) sẽ bắn thử bốn ngư lôi Hongsangeo vào tuần thứ ba của tháng 10 và tuần đầu tiên của tháng 11, tiếp đó sẽ bắn thử hai ngư lôi vào cuối năm nay và bốn ngư lôi vào năm tới.

Một quan chức DAPA cho biết, các thiết bị đo lường và định lượng đã được lắp đặt trong các ngư lôi thử nghiệm để phân tích nguyên nhân thất bại. Dựa vào kết quả thu được, Hàn Quốc sẽ cải tiến các tính năng của ngư lôi đã cung cấp cho các đơn vị.

Quan chức trên nói rằng quyết định bắn thử nghiệm ngư lôi trước khi hoàn tất bố trí là chỉ thị của Tổng thống Li Miêng Pắc.

Tin tức
------------------
Nga lập tiểu đoàn đặc nhiệm cho Mistral

Quá trình thành lập đội đặc nhiệm của hải quân đánh bộ sẽ hoàn thành vào năm 2013.

(ĐVO) Theo nguồn tin từ bộ tổng chỉ huy lực lượng Hải quân Nga, năm 2013, Bộ Quốc phòng nước này sẽ hoàn thành việc thành lập các tiểu đoàn đặc nhiệm hải quân đánh bộ (theo kinh nghiệm của Mỹ) cho tàu đổ bộ trực thăng Mistral. Trong tiểu đoàn lính đặc nhiệm tương lai sẽ có 3 đại đội, 1 đội pháo, 1 trung đội trinh sát, chống tăng, pháo cao xạ và một đơn vị hậu cần.

Theo lời nhà nghiên cứu quân sự Dmitri Boltenkov, việc sắp xếp cơ cấu như thế có thể giúp cho các tiểu đoàn tận dụng được mọi ưu thế của Mistral.

Những tiểu đoàn này giúp Mistral thực hiện được nhiều nhiệm vụ:tham gia vào các cuộc chiến quy mô lớn, các cuộc xung đột cục bộ, chống cướp biển và di tản công dân Nga ra khỏi vùng chiến sự.

Mistral là đầu đổ bộ trực thăng đa năng của Pháp, được Nga mua về để biên chế cho Hải quân nước mình. Tàu dùng để đổ quân, chở trực thăng và thực hiện vai trò của tàu chỉ huy, tàu quân y. Tàu có diện tích bãi đỗ là 1.800 km2, có khả năng chở 900 người và 16 trực thăng, với trọng lượng 12 tấn.

Tháng 1/2012, Nga và Pháp đã kí một bản thỏa thuận chế tạo 4 chiếc tàu Mistral cho Hải quân Nga. Theo văn kiện này, 2 chiếc Mistral được đóng ở Pháp, 2 chiếc còn lại được Nga đóng tại nhà máy Baltic, Saint Peterburg, theo giấy phép của Pháp.

Chiếc Mistral đầu tiên có tên Vladivostok đã được khởi đóng ngày 1/10/2012.
( Theo ĐVO)
---------------
Iran trình làng súng bắn tỉa tầm bắn 4 km

Iran vừa giới thiệu một số sản phẩm vũ khí mới như xe tải, xe bọc thép chở quân và đặc biệt là loại súng bắn tỉa mới nước này tự chế tạo với tầm bắn lên tới 4 km.

Súng bắn tỉa Shaher sử dụng cỡ đạn 14,5  mm, được Iran quảng cáo có tầm bắn hiệu quả lên tới 3 km, tầm bắn tối đa chống lại các mục tiêu bộc lộ lớn lên tới 4 km, vượt xa những loại súng bắn tỉa cỡ nòng 12,7 mm (.50) của phương Tây.

Súng bắn tỉa Shaher không hề có hộp tiếp đạn. Sau khi bắn, súng cần phải được lắp thêm đạn trước khi có thể bắn phát tiếp theo.

Súng bắn tỉa Shaher có kích cỡ khá cồng kềnh, dài 1,85 mét, nặng 22 kg, rất khó để cho một người lính có thể mang vác khẩu súng này.

Do kích cỡ rất lớn của Shaher cộng với nhược điểm về cơ cấu nạp đạn, một tổ bắn súng này thường gồm ba người: trinh sát, xạ thủ và một người vận chuyển và lắp đạn giống như những tổ xạ thủ sử dụng súng trường chống tăng trong thế chiến hai.

Tuy Iran nhận là tự thiết kế ra súng trường Shaher, tuy nhiên giới chuyên gia dễ dàng nhận thấy Shaher có rất nhiều điểm tương đồng về cả hình dạng bề ngoài và cơ cấu nạp đạn với loại súng trường bắn tỉa Steyr HS.50 do Áo sản xuất (trong ảnh) mà nước này đang sử dụng.

Tiêm kích đầu tiên của châu Âu trang bị “siêu mắt thần” mới RBE2

Cơ quan mua sắm Quốc phòng Pháp (DGA) đã nhận được từ công ty Dassault chiếc máy bay chiến đấu Rafale C137 đầu tiên trang bị radar Thales RBE2 với anten mạng pha chủ động.

Website của công ty Thales cho biết rằng, cơ quan mua sắm Quốc phòng Pháp (DGA) đã nhận được từ công ty Dassault chiếc máy bay chiến đấu Rafale C137 đầu tiên trang bị radar Thales  RBE2 với anten mạng pha chủ động (AESA).

Trước đó, tổ hợp chế tạo hàng không Pháp Dassault đã nhận hệ thống radar AESA  RBE2 đầu tiên do hãng Thales chế tạo để trang bị cho chiến đấu cơ Rafale C137. DGA tại thời điểm đó cũng đã lên kế hoạch nhận chiếc tiêm kích Rafale C137 đầu tiên với radar AESA trong mùa hè năm 2012.

Rafale C137 đã trở thành là máy bay chiến đấu đầu tiên của châu Âu được trang bị loại radar với những tính năng vượt trội này.

Theo Thales, radar mới có cự ly phát hiện xa hơn nhiều so với các radar thông thường, đặc biệt nó có khả năng phát hiện những mục tiêu có diện tích phản xạ hiệu dụng rất nhỏ, thậm chí cả những mục tiêu tàng hình.

Radar AESA mới của Thales có tuổi thọ dài  với chu kỳ bảo dưỡng tới 10 năm. Ngoài ra, RBE2 cũng có khả năng chống nhiễu cực tốt trước các thiết bị chiến tranh điện tử của đối phương.

Các máy bay chiến đấu Rafale C137 trang bị radar tầm xa RBE2 với anten mạng pha chủ động (AESA) sẽ được biên chế trong không quân và Hải quân Pháp.

Sau khi được lắp đặt loại radar mới, tiêm kích Rafale C137 đã trở thành là máy bay chiến đấu đầu tiên của châu Âu được trang bị loại radar với những tính năng vượt trội này.

Trên thế giới, hiện mới chỉ có những chiếc máy bay chiến đấu F-15, F-16 và F-22 của Mỹ là được trang bị hàng loạt các radar mảng pha quét (AESA).

Ngoài ra, một dòng chiến đấu cơ khác của châu Âu cũng đang thử nghiệm radar AESA mới là Typhoon EF-2000 của Eurofighter và JAS 39 Gripen của Saab (Thụy Điển).

Ở Nga, radar AESA cũng được trang bị cho các tiêm kích MiG-29, MiG-35 và siêu tàng hình cơ thế hệ năm T-50 (PAK FA).
( GDVN)
------------
 Tàu ngầm Mỹ cập cảng Philippines

 Theo một thông báo của Đại sứ quán Mỹ ở Manila, một tàu ngầm của Mỹ sẽ có chuyến thăm Philippines sau khi cập cảng Subic vào ngày 3/10.

Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Manila đã thông báo, một tàu ngầm USS Olympia (SSN 717) của Mỹ sẽ có chuyến thăm Philippines sau khi cập cảng Subic vào ngày 3/10.

Đại sứ quán Mỹ cho biết chuyến thăm của tàu USS Olympia (SSN 717) thuộc lớp Los Angeles đã khẳng định "các quan hệ quân sự và cộng đồng mạnh mẽ, mang tính lịch sử" giữa Mỹ và Philippines.

"Chuyến thăm này sẽ cho phép con tàu tiếp tế dự trữ bổ sung cũng như giúp các thủy thủ đoàn có một cơ hội để nghỉ ngơi và thư giãn" - tuyên bố cho biết.

Tàu ngầm này đã bắt đầu tới căn cứ chính ở Trân Châu Cảng vào tháng 2 năm 1986 và là tàu thứ hai của Mỹ được đặt theo tên Olympia ở Washington.

Cũng theo tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ, chiếc USS Olympia đầu tiên đã được đưa vào hoạt động năm 1895 và gia nhập Hải đoàn Á châu, trở thành chiến hạm của Đô đốc Hải quân George Dewey dẫn đến chiến thắng Hải đoàn Tây Ban Nha tại trận chiến Vịnh Manila vào năm 1898.
(GDVN)
--------------
Mỹ đưa thêm lực lượng đến tây Thái Bình Dương

Cũng trong một diễn biến khác trên vùng biển Hoa Đông, ngày 3-10 lực lượng Hải quân Mỹ đã điều 2 hạm đội hải quân của mình đến khu vực phía tây Thái Bình Dương.

Sự có mặt của Hải quân Mỹ trong khu vực này có thể được cho là một hành động của Mỹ nhằm gây áp lực đối với Trung Quốc, bên đang dùng thế lực của mình gây nhiều căng thẳng tranh chấp với Nhật Bản. Lầu Năm góc cho rằng, việc tranh chấp trên biển Hoa Đông đã làm ảnh hưởng xấu đến Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ. Theo thỏa thuận của Hiệp ước này, mỗi bên sẽ coi bất kỳ sự xâm lược quân sự nào từ bên ngoài chống lại đồng minh là mối đe dọa cho chính an ninh của quốc gia mình.

Trần Biên
(Theo ITAR-TASS, ANTĐ)
-------------------
Iran đe dọa sẽ tiêu diệt Israel chỉ trong vòng 24 tiếng

Một nguồn tin báo chí tại New York cho biết ngày 3/10, Lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei đã tái khẳng định rằng nước ông “không bao giờ” chịu đầu hàng trước sức ép của quốc tế liên quan tới chương trình hạt nhân, và rằng kẻ thù “biết rõ như vậy” nên “cố tình chọc tức” Iran.
 
Tuy nhiên, ông Khamenei cũng thừa nhận những biện pháp trừng phạt của Phương Tây đã gây “phương hại nhất định” tới nền kinh tế Iran, song quả quyết rằng người dân nước này “không bao giờ” chịu khuất phục.
 
Đáng lưu ý là nguồn trên dẫn lời Giáo sĩ Ali Shirazi, Trợ lý và là người rất thân cận của lãnh tụ Khamenei, nói rằng nước ông hoàn toàn có thể “tiêu diệt” Israel chỉ trong vòng 24 tiếng và Iran đã sẵn sàng, thậm chí “đang chờ đợi” một cuộc chiến tranh với Israel.
 
Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cùng ngày tuyên bố Chính phủ Iran phải chịu trách nhiệm trước cuộc khủng hoảng tiền tệ của nước này khi đồng Rial bị mất giá nghiêm trọng, đồng thời khẳng định mục đích của Mỹ vẫn là thuyết phục Tehran "đàm phán nghiêm túc và thiện chí với cộng đồng quốc tế về chương trình hạt nhân" của nước Cộng hòa Hồi giáo./.

(Vietnam+)
--------------
Đại sứ Trung Quốc cảnh báo về chiến tranh với Nhật

Chính phủ Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản trở lại con đường thương lượng hòa bình đối với tranh chấp lãnh thổ liên quan đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và các đảo có liên quan.
 
Tạp chí Focus dẫn lời tân Đại sứ Trung Quốc tại Niger, Shi Hu, nói trong cuộc họp báo ngày 3/10 tại Niamey, rằng việc Chính phủ Nhật Bản mua lại và có ý định quốc hữu hóa quần đảo Điếu Ngư/Senkaku là "hoàn toàn bất hợp pháp, hoàn toàn không có giá trị và không thể làm thay đổi sự thật lịch sử về việc Nhật Bản chiếm đóng lãnh thổ Trung Quốc, cũng như chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này."
 
Ông Shi Hu cáo buộc Chính phủ Nhật Bản "không ngừng gây ra va chạm" về vấn đề Điếu Ngư/Senkaku trong những năm gần đây và khẳng định Trung Quốc "muốn hòa bình," nhưng nếu Tokyo "cứ làm theo ý mình thì sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi hậu quả có thể xảy ra."
 
Thậm chí, Đại sứ Trung Quốc còn cảnh báo chiến tranh có thể nổ ra "giữa hai người khổng lồ" và như vậy, sẽ là "thảm họa đối với vùng Đông Á cũng như nền kinh tế thế giới./.

(Vietnam+)
-------------
Lockheed Martin nâng cấp 145 máy bay F-16 của Đài Loan

Trang web của Lockheed Martin thông báo, tập đoàn sản xuất vũ khí này của Mỹ đã nhận được hợp đồng nâng cấp hệ thống điện tử cho 145 máy bay tiêm kích F-16 A/B Fighting Falcon Block 20 của Không quân Đài Loan (Trung Quốc), trị giá 1,85 tỷ USD.

Theo hợp đồng nâng cấp này, các máy bay chiến đấu Đài Loan sẽ được trang bị rađa quét mảng pha điện tử chủ động (AESA), hệ thống định vị toàn cầu và các phương tiện tác chiến điện tử hiện đại.

Thỏa thuận hiện đại hóa máy bay tiêm kích F-16 được Mỹ và Đài Loan ký kết hồi tháng Bảy. Trị giá hợp đồng lên đến 3,8 tỷ USD và có thể mở rộng đến 5,3 tỷ USD.

Ngoài việc nâng cấp hệ thống điện tử, các máy bay F-16 của Đài Loan sẽ có một số thay đổi về kết cấu.

TTXVN/Tin tức
------------------
Trung Quốc tuyên bố tiếp tục điều tàu hải giám ra đảo tranh chấp

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 3/10 cho biết các tàu hải giám của nước này sẽ tiếp tục tuần tra trên vùng biển ngoài khơi quần đảo Điếu Ngư (mà Nhật Bản gọi là Senkaku) trên biển Hoa Đông, Tân hoa Xã đưa tin.

Bình luận trên được đưa ra sau khi giới truyền thông Trung Quốc đưa tin các nhân vật cánh hữu Nhật Bản đã vào vùng biển ngoài khơi quần đảo Điếu Ngư/Senkaku cùng ngày 3/10 và các tàu hải giám Trung Quốc cũng đi vào vùng biển này để tuần tra.

Ông Hồng Lỗi nói: "Trung Quốc đang theo dõi sát sao diễn biến sự việc này. Các tàu hải giám Trung Quốc sẽ tiếp tục tuần tra trên vùng biển xung quanh quần đảo Điếu Ngư".

Theo ông Hồng Lỗi, Trung Quốc cực lực phản đối các nhân vật cánh hữu Nhật Bản xâm nhập trái phép vùng biển ngoài khơi quần đảo Điếu Ngư. Ông nói: "Các nhân vật cánh hữu Nhật Bản có mục đích gì khi tiếp tục gây rối trên quần đảo Điếu Ngư trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là khi Bắc Kinh và Tôkyô tích cực tham vấn lẫn nhau về tranh chấp này. Tại sao Chính phủ Nhật Bản lại cho phép họ?".

Trước đó, hãng Kyodo đưa tin Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết ngày 3/10 ba tàu hải giám Trung Quốc lại đi vào vùng biển gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Ba tàu này tiến vào vùng biển trên vào khoảng thời gian từ 12h30' và 12h50' trưa 3/10, phớt lờ cảnh báo của Nhật Bản.

Văn phòng khu vực của Lực lượng bảo vệ bờ biển tại Naha, tỉnh Okinawa, cho biết các tàu tuần tra của lực lượng này đã yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi vùng biển Nhật Bản, song đã không có phản hồi.

Nhật Bản ngay lập tức đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao ngày thứ hai liên tiếp.

Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba nói tại một cuộc họp báo ở Tôkyô: "Tôi kêu gọi phía Trung Quốc kiềm chế để chúng ta có thể liên lạc hiệu quả và tiến hành đối thoại trong bầu không khí hòa bình".

TTXVN/Tin tức
--------------
Mỹ kêu gọi Nhật Bản trữ plutonium ở mức tối thiểu

Theo Kyodo, một số nguồn tin Chính phủ Mỹ và Nhật Bản ngày 3/10 cho biết Mỹ đã đề nghị Nhật Bản tích trữ lượng plutonium ở mức tối thiểu, sau khi Tokyo điều chỉnh chiến lược năng lượng hướng tới ngừng sản xuất điện hạt nhân vào khoảng năm 2030.

Washington tỏ ý quan ngại về nguy cơ phổ biến hạt nhân sau khi Tokyo tháng trước quyết định tiếp tục tái chế nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng mặc dù quyết định này được nhìn nhận là không nhất quán với mục tiêu không phụ thuộc vào hạt nhân của nước này.

Theo các nguồn tin trên, Mỹ từng cảnh báo việc duy trì chính sách tái chế nhiên liệu hạt nhân nói trên, bất chấp kế hoạch từng bước chấm dứt sản xuất điện hạt nhân, sẽ gây tổn hại nền tảng của hiệp ước hợp tác hạt nhân dân sự Nhật-Mỹ hiện nay, trong đó Washington chấp thuận việc Tokyo tái chế nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.

Hiệp ước trên, có hiệu lực từ năm 1988, nhằm thúc đẩy hợp tác công nghệ song phương trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Washington đã "bật đèn xanh" để Nhật Bản sử dụng công nghệ tái chế nhiên liệu hạt nhân - thứ có thể được chuyển sang sử dụng trong quân sự - với mục đích thương mại.

Nhật Bản là nước phi hạt nhân duy nhất trên thế giới có cơ sở tái chế nhiên liệu hạt nhân thương mại. Điều có vẻ mâu thuẫn với chính sách năng lượng của Nhật Bản này có thể gây bất lợi cho các cuộc đàm phán giữa Tokyo và Washington về việc khôi phục hiệp ước hợp tác hạt nhân dân sự Nhật-Mỹ trước năm 2018./.

(Vietnam+)
----------------
 NATO gia hạn nhiệm kỳ cho Tổng thư ký Rasmussen

Theo hãng tin Reuters, các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 3/10 đã nhất trí gia hạn nhiệm kỳ Tổng thư ký của ông Anders Fogh Rasmussen thêm một năm, tới cuối tháng 7/2014.

NATO cho hay quyết định gia hạn này đồng nghĩa với việc ông Rasmussen sẽ giữ chức vụ người đứng đầu khối cho tới khi chỉ còn vài tháng nữa là đúng thời điểm NATO chấm dứt hoạt động tác chiến tại Afghanistan, dự kiến vào cuối năm 2014.

Theo thông lệ, chức vụ Tổng thư ký NATO có nhiệm kỳ bốn năm và có khả năng kéo dài thêm một năm.

Nhà Trắng ngày 30/9 khẳng định lực lượng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ tiếp sứ mệnh huấn luyện quân đội Afghanistan bất chấp các vụ tấn công gần đây nhằm vào quân đội Mỹ tại quốc gia Tây Nam Á này./.

(Vietnam+)
-------------
Hội nghị Nam Mỹ-Arab kêu gọi không phổ biến vũ khí hủy diệt

(VOV) - Tuyên bố của Hội nghị kêu gọi sự ủng hộ quyền độc lập của nhân dân Palestine và tất cả các quốc gia trong khu vực.

Hội nghị cấp cao lần thứ 3 các nước Nam Mỹ và Arab (ASPA) đã bế mạc tại thủ đô Lima của Peru với lời kêu gọi hòa bình, giải trừ vũ khí hạt nhân ở Trung Đông và công nhận Nhà nước Palestine.

Phát biểu tại phiên bế mạc, Tổng thống Peru Ollanta Humala, cho biết các nguyên thủ của 12 nước Nam Mỹ và 22 quốc gia Arab đã ký Tuyên bố Lima thể hiện sự nhất trí của cả hai khu vực về các vấn đề cùng quan tâm.

“Tuyên bố chung đã thể hiện hy vọng và mong đợi của cả hai khu vực về việc không phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, tôn trọng nhân quyền và bác bỏ tất cả các hình thức khủng bố. Văn bản cũng thể hiện sự ủng hộ quyền độc lập của nhân dân Palestine và tất cả các quốc gia trong khu vực cũng như quyền được sống trong hòa bình và an ninh trong lãnh thổ được công nhận.”

Cả hai khu vực Nam Mỹ và Arab đang tìm kiếm các cơ hội hợp tác, trong bối cảnh các đối tác thương mại truyền thống châu Âu và Mỹ đang lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính đe dọa các nền kinh tế toàn cầu./.

Thu Hoài/VOV-Trung tâm tin
Theo TTX, Reuters
-------------
Iran muốn đàm phán trực tiếp với Mỹ về chương trình hạt nhân

(SGGPO).- Hãng AFP ngày 3-10 đưa tin, phát biểu trong một cuộc họp báo tại thủ đô Teheran, Tổng thống Iran Ahmadinejad cho biết, nước này muốn đàm phán trực tiếp với Mỹ về chương trình hạt nhân để hai bên sớm giải tỏa những bất đồng. Tuy nhiên, đàm phán phải kèm theo một số điều kiện nhất định. Các cuộc đối thoại phải dựa trên sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Ông Ahmadinejad khẳng định không một người dân Iran nào muốn từ bỏ quyền phát triển hạt nhân của nước mình và rằng Iran sẽ không bao giờ khuất phục trước sức ép từ bên ngoài.

Đề xuất tiến hành đối thoại trực tiếp với Mỹ được ông Amadinejad đưa ra lần đầu tiên hồi tuần trước, khi ông tham dự kỳ họp lần thứ 67 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York.

Trong khi đó, ông Mansour Haqiqatpour, Phó Chủ tịch Ủy ban chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia thuộc Quốc hội Iran khẳng định Teheran sẽ làm giàu uranium đến độ tinh khiết 60% nếu các cuộc đàm phán với nhóm P5+1 (gồm năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) về chương trình hạt nhân của Iran thất bại.

Tuyên bố này có thể sẽ khiến phương Tây càng thêm quan ngại về những ý định của Iran. Theo ông Haqiqatpour, việc làm giàu uranium cấp độ 60% là để tạo nhiên liệu phục vụ tàu ngầm hạt nhân, loại thiết bị thường sử dụng uranium được tinh chế ở cấp độ cao.

P.NAM// SGGP
----------------
 Brazil lùi thời hạn công bố kết quả gói thầu F-X2 sang năm 2013

Chính phủ Brazil đã quyết định lùi thời điểm công bố kết quả gói thầu F-X2 tìm mua 36 chiến đấu cơ mới cho lực lượng không quân sang năm 2013.

Chính phủ Brazil đã quyết định lùi thời điểm công bố kết quả gói thầu F-X2 tìm mua 36 chiến đấu cơ mới cho lực lượng không quân sang năm 2013.

Theo Defense News, tuy bị chuyển sang năm 2013, nhưng nguồn tài chính dành cho gói thầu này không được được tính vào ngân sách quân sự cùng năm. Hiện tại, Brazil chưa thực sự "để mắt" tới sản phẩm chiến đấu cơ nào .

Gói thầu F-X2 đã được Brazil tiến hành trong vài năm qua với sự tham gia của 3 hãng chế tạo hàng không hàng đầu thế giới là Boeing - F/A-18E/F Super Hornet, Dassault - Rafal và Saab - JAS 39 Gripen NG.

Giá trị của gói thầu ước đạt tối thiểu khoảng 5 tỷ USD. Theo các nguồn tin không chính thức, Brazil đang cân nhắc giữa 2 sản phẩm chiến đấu cơ Super Hornet và Rafale.

Trong chuyến thăm Pháp tháng 12-2011, Tổng thống Brazil Dilma Ruseff từng tuyên bố, Rafale có nhiều khả năng trúng thầu tại F-X2.

Trung tuần tháng 7-2012, hãng Boeing từng ngỏ ý sẵn sàng chia sẻ công nghệ chế tạo chiến đấu cơ F/A-18E/F cho Brazil, nếu sản phẩm này trúng thầu.

Ngoài ra, Boeing cũng mời hãng chế tạo hàng không nội địa Brazil  Embraer tham gia vào chương trình phát triển máy bay tiếp liệu trên không KC-390.

Tuy nhiên, phía Brazil lo ngại dù việc chế tạo máy bay Super Hornet trong nội địa, nhưng Boeing có thể không chia sẻ công nghệ lõi của dòng máy bay chiến đấu này.

Mới đây, để chuẩn bị cho F-X2, Brazil đã đề nghị Ấn Độ cung cấp thông tin dự thầu của chiến đấu cơ Rafale tại gói thầu MMRCA.

Ấn Độ cũng khẳng đinh sẽ cung cấp toàn bộ thông tin về gói thầu MMRCA cho Brazil. Tuy nhiên, quốc gia Nam Mỹ cũng phàn nàn về giá thành quá cao của chiến đấu cơ Rafale.

Trong vài năm gần đây, Brazil rất tích cực mua sắm vũ khí mới tương ứng với sự bùng nổ kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này.

(GDVN)
-----------------
Type 45 hoàn thành các bài bắn thử

Chiếc tàu khu trục thứ 6 lớp Daring Type 45 của Hải quân Anh HMS Duncan hoàn thành chuyến thử nghiệm trên biển đầu tiên ngoài khơi phía Tây Scotland.

(ĐVO) Trong quá trình thử nghiệm kéo dài một tháng, tàu khu trục HMS Duncan đã bắn thử nghiệm một số hệ thống vũ khí gồm pháo hạm 127mm, pháo phòng không 30mm, súng máy.

Bên cạnh đó, nó còn thử nghiệm một số hệ thống khi chạy tốc độ tối đa 30 hải lý/h.

“Đây là lần đầu tiên tàu đi biển và chúng tôi đạt được tất cả mọi thứ đặt ra và nhiều hơn nữa”, sĩ quan chỉ huy tàu HMS Duncan Phil Game nói.

Dự kiến, HMS Duncan sẽ trải qua cuộc đi biển thử nghiệm thứ hai vào cuối năm 2012.

Nếu thuận lợi, nó chính thức đi vào phục vụ trong nửa đầu năm 2013.

HMS Duncan sẽ đóng ở cảng Portsmouth làm nhiệm vụ chống cướp biến, chống buôn lậu, cứu trợ thiên tai và các hoạt động giám sát biển, chiến đấu.

Hiện nay, Hải quân Anh đưa 4 chiếc lớp Daring Type 45 (HMS Daring, HMS Dauntless, HMS Diamond và HMS Dragon) vào hoạt động. Chiếc thứ 5, HMS Defender sẽ đi vào phục vụ đầu năm 2013.

Với 6 chiến hạm Type 45 Daring sẽ nâng cao đáng kể khả năng phòng không hạm đội Hải quân Anh. Tàu được thiết kế 48 ống phóng thẳng đứng chứa đạn tên lửa tầm trung – xa Aster 15/30 (tầm bắn 30/120km).

Phượng Hồng (theo Naval - Technology, ĐVO)
-------------
UAV Anka Thổ Nhĩ Kỳ rơi xuống đất

Mẫu thử máy bay không người lái (UAV) Anka do Thổ Nhĩ Kỳ phát triển đã bị rơi trong chương trình thử nghiệm.

(ĐVO) Trong cuộc bay thử nghiệm mới đây, UAV Anka đang bay ở độ cao 3.000m đã mất liên lạc với trạm điều khiển mặt đất và rơi xuống đất cách Eskisehir 4 km. Mẫu thử này trước đó đã thực hiện 98 chuyến bay.

Anka được đánh giá là một loại UAV có các tham số thiết kế khá ấn tượng.

Anka có phạm vi hoạt động khá rộng và trần bay trung bình. Anka có trọng tải hữu ích 200 kg, bay liên tục trên không 24 giờ và độ cao tối đa có thể lên đến 9.000m. Thế nhưng xét về tổng thể, UAV này vẫn có một số vấn đề.

Thổ Nhĩ Kỳ đang phát triển hai biến thể, UAV trinh sát Anka-A (TIHA-A) và biến thể tấn công là Anka + (TIHA-B).

Nhìn vào hình dáng bên ngoài, Anka giống như UAV Hermes-450 của Israel còn phần đuôi giống UAV vũ trang Predator-B/ Reaper.

Chiếc đầu tiên trong 5 máy bay không người lái Anka của Công ty Aerospace Industries Thổ Nhĩ Kỳ (TAI) đã được xuất xưởng ngày 16/7/2010 và thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 30/12/2010.

Chuyến bay đầu tiên của mẫu thử Anka chỉ kéo dài trong 14 phút, sau đó phải hạ cánh khẩn cấp.

Theo một số thông tin, trước đó đã có hai mẫu thử khác của UAV này cũng bị thất bại khi thử nghiệm.

Trong đó, mẫu thứ hai chỉ bay được 90 phút, đến mẫu thứ ba thì có khá hơn, bay được 120 phút.
Thu Hoài (theo Military Paritet, ĐVO)
----------------
Iran quyết không từ bỏ chương trình hạt nhân

TPO - Tổng thống Iran tuyên bố nước này sẽ không từ bỏ quyền hạt nhân của mình, đồng thời sẽ tiến hành làm giàu Uranium tới 60% nếu cuộc đàm phán với các cường quốc phương Tây thất bại.

Trước câu hỏi của phóng viên rằng liệu Cộng hòa Hồi giáo Iran có từ bỏ chương trình năng lượng hạt nhân hay không khi Iran chịu nhiều áp lực từ phương tây, ông Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố: “Quốc gia Iran sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình hạt nhân”.

Cũng trong ngày 2 tháng 10, phó giám đốc của Ủy ban an ninh quốc gia, ông Mansour Haqiqatpour cho biết, Iran sẽ làm giàu lượng Uranium đạt tới 60% độ tinh khiết nếu cuộc đàm phán giữa Iran và các nước phương Tây thất bại.

Tuy nhiên, ông Mansour Haqiqatpour nhận định, việc Iran tiếp tục làm giàu lượng Uranium đạt mức độ tinh khiết là bước tiến quan trọng để nước này chạm đến ngưỡng làm giàu tới 90% nguyên liệu cần thiết để chế tạo bọm nguyên tử.

Mặc dù phương Tây lên tiếng cáo buộc chương trình hạt nhân của Iran có thể gây chiến tranh song nước này khẳng định chương trình hạt nhân này chỉ phục vụ cho mục tiêu năng lượng và dân sự.

Trong số các nước cáo buộc Iran, Israel là quốc gia lên tiếng phản đối chương trình hạt nhân của Iran mạnh mẽ nhất. Israel khẳng định quốc gia Hồi giáo Iran sẽ phát triển vũ khí hạt nhân vào giữa năm 2013.

Tuy nhiên, các chuyên gia phương Tây nhận định rằng, dù Iran đang sở hữu lượng nguyên liệu phát triển vũ khí hạt nhân lớn nhưng vẫn phải vài năm nữa mới có thể phát triển được tên lửa hạt nhân.

Theo Reuters, Iran mong muốn các quốc gia phương Tây công nhận quyền hạt nhân của nước này mặc dù ba cuộc đàm phàn diễn ra từ hồi tháng tư tới nay vẫn chưa có được bước đột phá nào.

Nguyễn Thủy
Theo Reuters, TP
-------------
Pokemon - Cảm hứng cho vũ khí Mỹ

Lấy cảm hứng từ bộ phim hoạt hình Pokemon nổi tiếng của Nhật Bản, các nhà khoa học quân sự Mỹ đang có ý định chế tạo một khẩu súng khiến đối phương bị động kinh.

(ĐVO) Năm 1998, một bản phân tích tình báo bí mật của Quân đội Mỹ đề ra một phương thức mới để hạ gục đối phương: chiếu một nguồn năng lượng điện từ vào đối phương cho đến khi não của họ trở nên quá tải và lên cơn co giật.

Đây là ý tưởng được lấy trong sự kiện, 700 người xem phim Pokemon được trình chiếu ở Nhật Bản (năm 1997) gặp phải hiện tượng động kinh, là nôn mửa, do những tia sáng chói lòa, chớp loáng chiếu trong phim.

Giới quân sự đã xem xét ý tưởng sử dụng nguồn xung điện từ để làm gián đoạn quá trình di chuyển của các hạt mang điện lên não người và gây ra hiện tượng động kinh.

Các nhà khoa học quân sự tin rằng, bằng việc tăng cường độ các xung điện từ, chiếu trực tiếp vào đối phương, loại súng này có thể tác động đến cảm giác cũng như cảm xúc của toàn bộ dân cư sống trong vòng bán kính 160 km. Xung điện từ này có tác dụng trong vòng 5 phút.

Nhiều người Mỹ cho rằng loại súng này đang trong quá trình thử nghiệm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng thông tin này là không đúng. Lầu Năm Góc đã phủ nhận vai trò của mình trong quá trình chế tạo ra loại vũ khí này.

Hiền Thảo (tổng hợp)// ĐVO


 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te