TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin nhanh 04-10-2012


 Mỹ đòi Iran bồi thường cho nạn nhân vụ 11/9

    Ngày 3/10, một thẩm phán liên bang Mỹ đã ra phán quyết chính thức yêu cầu Iran, mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda và một số tổ chức Hồi giáo cực đoan khác phải trả tổng cộng hơn 6 tỷ USD bồi thường cho gia đình các nạn nhân của vụ khủng bố ngày 11/9/2001.

Phán quyết trên là hình phạt dân sự đầu tiên đối với những kẻ gây ra vụ khủng bố đẫm máu năm 2001 khiến gần 3.000 người thiệt mạng.

Dự kiến số tiền 6 tỷ USD này sẽ được dùng để bồi thường cho 110 người sống sót và gia đình của 47 nạn nhân trong vụ khủng bố kinh hoàng 11/9, trong đó có cơ trưởng trên chuyến bay 125 United Airlines đâm vào tòa tháp ở phía Nam của Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) ở thành phố New York.

Cho đến nay, Iran luôn bác bỏ sự dính líu của họ tới vụ khủng bố 11/9 ở Mỹ. Tuy nhiên, Tòa án New York vẫn đưa quốc gia Hồi giáo này vào danh sách các bị cáo phải bồi thường cho các nạn nhân vụ 11/9, cùng với phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah ở Lebanon (Libăng), lực lượng Taliban và mạng lưới Al-Qaeda. Lãnh đạo tinh thần tối cao của Iran, Giáo chủ Ali Khamenei cũng có tên trong danh sách này.

Trùm khủng bố Osama Bin Laden vừa bị đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt hồi đầu tháng 5 năm ngoái và mạng lưới khủng bố Al-Qaeda bị phía Mỹ buộc tội là thủ phạm gây ra các vụ cướp máy bay rồi tấn công vào Tòa tháp đôi WTC ở thành phố New York cũng như vụ lao máy bay vào Lầu Năm Góc ở gần thủ đô Washington.

Thời gian đó, Taliban nắm quyền ở Afganistan và hậu thuẫn cho Al-Qaeda. Về phần Iran, nước này bị tòa án Mỹ cáo buộc với lý do một số tên không tặc trong vụ 11/9 đã vào Iran để từ đó tiến hành vụ tấn công nhằm vào nước Mỹ.

TTXVN/Tin Tức
----------------
Thổ Nhĩ Kỳ tấn công trả đũa Syria

Hôm qua (3/10), Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Syria nhằm trả đũa vụ nước này bắn súng cối làm 5 dân thường Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng.

Đây là sự leo thang căng thẳng nghiêm trọng nhất giữa hai nước láng giềng kể từ khi phong trào nổi dậy ở Syria bùng phát cách đây 18 tháng. Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công lại hành động mà nước này gọi là “giọt nước làm tràn ly” khi một quả súng cối bắn trúng khu vực dân cư ở thị trấn biên giới Akcakale.

NATO đã kêu gọi tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về vấn đề này.

Tuyên bố của văn phòng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết: “Quân đội chúng tôi ở vùng biên giới đã ngay lập tức đáp trả vụ tấn công ghê tởm này, phù hợp với quyền can thiệp của họ. Pháo binh đã tấn công các mục tiêu ở Syria được radar định vị”.

“Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ bỏ qua những hành động khiêu khích như vậy chống lại an ninh quốc gia của chúng tôi từ chính quyền Syria”.

Chi tiết các đợt phản công của Thổ Nhĩ Kỹ hiện vẫn chưa được công bố cũng như chưa rõ lực lượng nào ở Syria đã bắn súng cối sang lãnh thổ nước này.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ duy trì các kênh liên lạc với Syria và sau đó đưa ra thông báo kêu gọi chính phủ Syria “tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của các nước láng giềng cũng như chấm dứt bạo lực đối với người dân”.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng bày tỏ tức giận trước hành động từ phía Syria, nói rằng Washington sẽ thảo luận với Ankara các bước đi tiếp theo và gọi hành vi “làm lan tỏa bạo lực là tình huống hết sức nguy hiểm”.

Phản ứng lần này của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đối lập với hành động tương đối kiềm chế trước đây khi Syria bắn hạ một máy bay do thám của họ hồi tháng 6/2012. Ankara đã tăng cường sự hiện diện quân sự dọc đường biên giới dài 900 km với Syria và kêu gọi NATO triệu tập cuộc họp của Hội đồng Bắc Đại Tây Dương.

Cuộc họp dạng này mới chỉ diễn ra lần thứ hai trong lịch sử 63 năm của NATO. Theo đó, các quốc gia được triệu tập căn cứ vào Điều 4 Hiến chương NATO để cùng nhau tham vấn khi một nước thành viên cảm thấy sự toàn vẹ lãnh thổ, độc lập chính trị hay an ninh của mình bị đe dọa.

Trong khi đó, ngày hôm qua, bạo lực tiếp tục gia tăng tại Syria. Theo các nhà hoạt động, 3 vụ tấn công liều chết bằng bom xe và một vụ tấn công bằng súng cối đã làm rung chuyển một quận ở trung tâm Aleppo do chính phủ Syria kiểm soát làm 48 người thiệt mạng.
( Khampha)
-----------------
Ai Cập cần khẩn cấp khoản vay tín dụng từ IMF

(VOV) - Quốc gia này đang đàm phán để có thể vay 4,8 tỷ từ IMF và thậm chí còn tỏ ý muốn tăng khoản vay này.

Thủ tướng Ai Cập Hisham Kandil ngày 3/10 cho biết, phái đoàn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ đến thủ Cairo vào tuần cuối cùng của tháng 10 nhằm nối lại đàm phán về việc cho Ai Cập vay tín dụng.

Thủ tướng Kandil cho biết, Chính phủ Ai Cập sẽ lấy ý kiến của người dân đối với kế hoạch cải cách kinh tế trước khi trình lên Tổng thống vào tuần tới. Ai Cập cần hỗ trợ tài chính khẩn cấp từ bên ngoài trong bối cảnh ngân sách quốc gia gặp khó khăn sau những biến động chính trị-xã hội vào năm 2011. Quốc gia này đang đàm phán để có thể vay 4,8 tỷ từ IMF và thậm chí còn tỏ ý muốn tăng khoản vay này.

Tuy nhiên, IMF đang đặt điều kiện Ai Cập phải đưa ra kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách vốn đã lên tới 11% GDP kể từ năm 2011. Trong đó có yêu cầu Ai Cập tái cơ cấu chương trình trợ giá xăng dầu, bởi chương trình này ngốn mất 25% tổng chi tiêu của Chính phủ. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, các biện pháp giảm trợ giá năng lượng chắn chắn vấp phải sự phản đối của người dân Ai Cập./.

Trần Nga/VOV-Trung tâm tin
(Theo Reuters)
------------------
Báo động tin tặc đánh cắp bí mật thương mại ở Mỹ

Ngày 3/10, đại diện một loạt công ty Mỹ đã cùng bày tỏ quan ngại về tình trạng đánh cắp bí mật thương mại ngày càng nghiêm trọng và khuyến nghị chính phủ có các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn các hành vi này.

Phát biểu tại cuộc hội thảo do Phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) chủ trì, ông Jeremy Waterman, Giám đốc Phòng Trung Quốc thuộc Hội đồng Thương mại Mỹ (USCC), cho biết trong một năm rưỡi qua, việc tin tặc Trung Quốc thông qua các vụ tấn công mạng để đánh cắp các bí mật thương mại có giá trị, nhằm cả vào các tập đoàn và các công ty nhỏ, đã gia tăng một cách đáng ngại và gây thiệt hại lớn.

Trong vụ việc mới nhất, hai công dân Trung Quốc tại thành phố Kansas, bang Missouri của Mỹ đã bị cáo buộc mưu toan mua các bí mật thương mại bị đánh cắp của tập đoàn Pittsburgh Corning Corp, với giá 100.000 USD.

Đầu năm này, tờ Thời báo New York của Mỹ cho biết một nhân viên tại công ty năng lượng American Superconductor đã đánh cắp "tài sản trí tuệ" của hãng và bán cho một nhà sản xuất turbine của Trung Quốc.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch công ty Electron Energy Corp, ông Peter Dent nói rằng việc bảo vệ các công ty Mỹ trước các cuộc tấn công mạng từ tin tặc ở Trung Quốc là rất khó khăn, do vậy Chính phủ Mỹ nên có các hành động mạnh mẽ, trong đó có thể bao gồm cả các biện pháp trừng phạt thương mại đối với các chính phủ./.

(TTXVN)
--------------
Kuwait giải tán Quốc hội

(VOV) -Đây sẽ là lần thứ 6 kể từ năm 2006, Kuwait giải tán Quốc hội.

Ngày 3/10, Nội các Kuwait yêu cầu giải tán Quốc hội nhằm mở đường cho một cuộc bầu cử mới và chấm dứt nhiều tháng bế tắc chính trị tại nước này.

Nếu Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah al-Ahmad al-Sabah phê chuẩn yêu cầu của Nội các Kuwait, đây sẽ là lần thứ 6 kể từ năm 2006, Kuwait giải tán Quốc hội.

Quốc hội mới sẽ được thành lập sau đó 60 ngày. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, bất đồng chính trị tại Kuwait sẽ sớm được giải quyết. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm cả kế hoạch xây dựng sân bay, cơ sở lọc hóa dầu mới, vốn bị đảng đối lập Kuwait bác bỏ từ tháng 4 vừa qua, sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Trong nhiều tháng qua, Kuwait đã không thể triệu tập một phiên họp Quốc hội sau khi Tòa án Hiến pháp Kuwait vào tháng 6 vừa qua đã ra quyết định giải tán Quốc hội, được bầu ra từ tháng 2 năm nay, chủ yếu do đảng đối lập nắm giữ.

Tòa án Hiến pháp Kuwait cũng đồng thời cho khôi phục lại Quốc hội được bầu ra trước đó vào năm 2009, chủ yếu là các thành phần thân chính phủ cầm quyền tại Kuwait hiện nay. Tuy nhiên, Quốc hội mới này không thể triệu tập các phiên họp quốc hội do vấp phải sự phản đối của các nghị sĩ./.

Hồng Nhung/VOV-Trung tâm tin
(Theo Reuters)
------------------
Ghana bắt giữ một tàu chiến của Argentina để xiết nợ

Một chiếc tàu chiến của Argentina vừa bị bắt giữ tại cảng Tema của Ghana theo lệnh của tòa án nước này sau khi Công ty NML kiện Chính phủ Argentina không thanh toán trái phiếu nợ mà công ty đã mua trong bối cảnh Argentina phải đối đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ bậc nhất trong lịch sử nước này hồi năm 2001-2002.

Trong một thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Argentina tố cáo việc bắt giữ tàu buồm Libertad - một biểu tượng của Hải quân Argentina - là một đòn đánh quỷ quyệt của các quỹ kền kền (quỹ chuyên mua trái phiếu với giá rẻ mạt so với giá trị mặt tại các nền kinh tế sắp bị vỡ nợ nhằm trục lợi) chống lại Nhà nước Argentina.

NML Capital Ltd có trụ sở tại quần đảo Cayman, một thuộc địa của Anh. Công ty này đề nghị bắt giữ tàu với mục đích thanh toán được trái phiếu nợ do Chính phủ Argentina phát hành sau khi đã thắng kiện tại các tòa án ở New York (Mỹ).

Theo Bộ Ngoại giao Argentina, NML không chấp nhận tham gia kế hoạch tái cơ cấu nợ của Chính phủ Argentina trong khi 93% những người mua trái phiếu đã tham gia. Trong khi dự phiên họp lần thứ 67 Đại hội đồng Liên hợp quốc mới đây, nhóm này đã phân phát tài liệu chống Tổng thống Argentina Cristina Fernández.

Một quan chức hải quân Argentina cho biết tàu Libertad không được nhổ neo một khi Tòa án Tối cao Ghana không cho phép.

Bộ Ngoại giao Argentina đã liên hệ với Chính phủ Ghana để chỉ rõ hành động bắt giữ tàu là một vụ lừa gạt và vi phạm Công ước Vienna về miễn trừ ngoại giao.

Bộ cũng cho biết nước này sẽ không nhượng bộ trước ý định tống tiền do các quỹ kền kền tiến hành và sẽ tiếp tục tố cáo chúng tại G20, Liên hợp quốc và các tổ chức đa phương khác.

Tàu Libertad được sử dụng để huấn luyện sỹ quan hải quân. Cho đến nay tàu đã thực hiện 43 chuyến huấn luyện, thăm khoảng 60 nước và thả neo tại hơn 400 cảng ở nước ngoài.

Tàu bị bắt giữ khi đang đưa học viên đi thực tế tại Nam Mỹ, châu Âu và châu Phi. Trên tàu có 330 người, trong đó có 110 học viên của Argentina và của một số nước Nam Mỹ khác.

Tàu rời cảng Buenos Aires hôm 2/6 và dự kiến kết thúc chuyến vượt đại dương này vào ngày 8/12./.

Quang Sơn (Vietnam+)
------------------
---------------
Mỹ tuyên bố vừa phá vỡ một mạng lưới gián điệp Nga

Mạng lưới này bị cáo buộc đánh cắp thiết bị quân sự Mỹ cho tình báo Nga.
Hôm qua, cáo trạng một tòa án cấp quận ở Mỹ cho biết, 11 người thuộc mạng lưới mua bán thiết bị quân sự bí mật đã bị buộc tội vận chuyển bất hợp pháp các thiết bị vi điện tử phức tạp cho các cơ quan tình báo và quân sự Nga.

Cục điều tra Liên bang Mỹ FBI đã bắt giữ người đứng đầu mạng lưới này là Alexander Fishenko, 46 tuổi và 7 người khác vào tối hôm thứ Ba và sáng ngày thứ Tư. FBI cũng thực hiện lệnh khám xét ở 7 địa chỉ cư trú, trụ sở công ty và đã thu giữ số tài sản từ 5 tài khoản ngân hàng.

Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng 3 nghi phạm còn tại ngoại khác đã trở về Nga.

Theo bản cáo trạng, từ 2008 Fishenko đã điều hành một kế hoạch tinh vi khiến các đại lý hải quan Mỹ tin rằng công ty Houston-based Arc Electronics, Inc của ông này đang sản xuất và vận chuyển những hàng hóa thông thường cho Nga.

Nhưng thay vào đó, bản cáo trạng tuyên bố họ đã cung cấp cho quân đội Nga các công nghệ nhạy cảm, bị kiểm soát có thể được sử dụng cho các hệ thống radar, giám sát, hệ thống định hướng vũ khí hay thiết bị kích nổ.

“Các bị cáo đã điều hành một trang web lừa dối nhằm trốn tránh luật pháp bảo vệ an ninh quốc gia của chúng tôi. Họ đã cố tình lợi dụng các thị trường tự do của Mỹ để đánh cắp công nghệ Mỹ về cho chính phủ Nga”, chưởng lý Loretta E. Lynch cho biết.

Nếu bị kết tội, các bị cáo sẽ phải đối diện với án tù lên tới 65 năm vì tội lừa đảo, cản trở công lý và vi phạm luật thương mại liên bang. Fishenko còn phải chịu thêm 30 năm tù vì âm mưu rửa tiền trên cương vị điệp viên bí mật của chính phủ Nga.

Một quan chức giấu tên của Đại sứ quán Nga tại Washington cho biết: “Cơ quan này cùng với các tổng lãnh sự ở New York và Houston hiện đang xác minh xem liệu những người bị giam giữa và buộc tội có phải công dân Nga hay không”.

( Theo Soha)
----------------
Cựu Tổng thống Arroyo tranh cử vào Quốc hội Philippines

PNO – Ngày 3/10, cựu Tổng thống Philippines Gloria Arroyo đã đăng ký tranh cử thêm một nhiệm kỳ tại Quốc hội, mặc dù bà đang đối mặt với cáo buộc tham nhũng và tuyên bố bị bệnh nặng cần điều trị ở nước ngoài.

Bà Arroyo, 65 tuổi, đăng trên trang Facebook của bà giấy chứng nhận ứng cử viên Quốc hội tại tỉnh nhà Pampanga trong cuộc bầu cử năm 2013. Phát ngôn viên của bà, Elena Bautista-Horn, cho biết con trai của bà Arroyo Mikey đã đệ đơn đăng ký thay cho mẹ mình.

Bà Arroyo từng là tổng thống Philippines từ năm 2001 đến 2010, trong thời gian đó, bà đã bị buộc tội tham nhũng và dính líu tới các vụ bê bối gian lận bầu cử.

Ông Benigno Aquino, đối thủ chính của bà Arroyo, sau đó được bầu làm Tổng thống Philippines kế nhiệm, điều hành đất nước trên nền tảng chống tham nhũng và cam kết sẽ bắt bà Arroyo phải chịu trách nhiệm các sai phạm bà bị cáo buộc.

Tuy nhiên, sau khi thôi giữ chức tổng thống, bà Arroyo đã đắc cử chức nghị sĩ tỉnh Pampanga, một tỉnh phía bắc Manila và hiện đang trong nhiệm kỳ ba năm của mình.

Bà từng bị bắt do cáo buộc gian lận bầu cử và bị quản thúc tại một bệnh viện quân đội vào tháng 10/2011, ngay sau khi cơ quan xuất nhập cảnh sân bay Manila ngăn không cho bà rời khỏi Philippines. Ông Aquino nói bà Arroyo tìm cách chạy trốn khỏi đất nước để tránh bị truy tố, mặc dù bà nói rằng bà cần các chuyên gia nước ngoài điều trị căn bệnh cột sống.

Tháng 7/2012, bà Arroyo bất ngờ được phóng thích sau khi một tòa án ban hành phán quyết cho phép bà tại ngoại, vì cho rằng cáo buộc của chính phủ về việc bà gian lận phiếu bầu rất kém thuyết phục.

Bà Arroyo cũng bị buộc tội tham nhũng trong thương vụ đã bị hủy bỏ với một công ty Trung Quốc để thiết lập mạng lưới Internet băng thông rộng toàn quốc, nhưng phiên tòa này còn chưa bắt đầu.

VIỆT HƯNG (Theo AFP, PNO)
-------------------
Lithuania kiện đòi Gazprom trả 1,9 tỉ USD

(TNO) Chính phủ Lithuania ngày 3.10 cho biết sẽ khởi kiện tập đoàn Gazprom của Nga để đòi bồi thường 1,9 tỉ USD với cáo buộc công ty khí đốt lớn nhất thế giới đã tăng giá không công bằng.

Theo hãng tin AP, các bộ trưởng Lithuania cho biết quy mô của khoản bồi thường bao gồm số tiền mà nước này đã trả lố để có khí đốt kể từ năm 2004, khi Gazprom tiếp nhận cổ phần lớn tại Lieutuvos Dujos, công ty nhập khẩu khí đốt lớn nhất Lithuania, và thay đổi công thức định giá.

Lithuania nhập khẩu toàn bộ khí đốt từ Nga và đã trở nên phụ thuộc hơn vào nước láng giềng phía đông sau khi đóng cửa một nhà máy điện hạt nhân thời Liên Xô hồi năm 2009.

Gazprom sẽ mất ảnh hưởng đối với chính sách khí đốt ở quốc gia vùng Baltic sau khi luật về bãi bỏ các quy định, vốn được thông qua hồi đầu năm nay, bắt đầu có hiệu lực vào năm 2014.

Đơn kiện của Lithuania sẽ được nộp lên một tòa án trọng tài của Thụy Điển.

Trùng Quang// Thanh Niên
------------------
"Giận" Nhật, Trung Quốc tẩy chay hội nghị IMF

(NLĐO) – Nhiều ngân hàng lớn của Trung Quốc đã hủy bỏ tham gia cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Tokyo – Nhật Bản vào tuần tới.
Động thái trên là dấu hiệu mới nhất cho thấy những tranh cãi xung quanh chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang làm tổn thương quan hệ kinh tế và chính trị giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á.
 
Theo báo Wall Street Journals ngày 3-10, các ngân hàng Trung Quốc tuyên bố rút khỏi các sự kiện liên quan đến IMF được tổ chức tại Tokyo bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc và Ngân hàng truyền thông. Trong khi đó, các quan chức ngân hàng Bank of China vẫn chưa quyết định liệu có tới tham dự hội nghị ngay không.
 
Một quan chức Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc thuộc chi nhánh Tokyo cho biết nguyên nhân chính khiến các ngân hàng Trung Quốc quyết định rút khỏi hội nghị chủ yếu là do tranh chấp lãnh thổ.
 
Trước đó, hôm 2-10, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde đã kêu gọi Nhật Bản và Trung Quốc hạ nhiệt căng thẳng về vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước, đồng thời nhấn mạnh nền kinh tế thế giới ảm đạm hiện nay đang cần “hai người khổng lồ châu Á” này hỗ trợ để tăng trưởng bền vững. Bà Lagarde cho rằng các nước láng giềng “cần có một mức độ nhượng bộ nhất định” để cùng chung sống.
 
Trong một diễn biến khác, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản thông báo 3 tàu hải giám Trung Quốc lại tiếp tục tiến vào vùng biển thuộc Senkaku/Điếu Ngư. Tàu tuần tra Nhật Bản đã yêu cầu các tàu này rời khỏi qua radio và các phương tiện khác, song 3 tàu hải giám không trả lời.
 
Các tàu này nằm trong số 4 tàu đã tiến vào vùng biển Senkaku/Điếu Ngư hôm 2-10; rời đi sau khoảng 6 giờ “tuần tra”. Nhân dân Nhật báo dẫn tuyên bố Cục hải dương nhà nước Trung Quốc cho biết nhóm tàu tuần tra gồm Hải giám 50, 15, 26 và 27 đang thực hiện hoạt động bảo vệ bình thường quanh Senkaku/Điếu Ngư.
H.Bình (Theo Reuters, China Daily, AAP, NLĐ)
-----------------
Iraq hướng tới xuất 2,9 triệu thùng dầu mỗi ngày

Phát biểu bên lề hội nghị các Dự án lớn Iraq lần thứ ba ở Dubai ngày 2/10, ông Thamir Ghadhban, cố vấn của Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki, cho hay Iraq dự định xuất khẩu 2,9 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong năm 2013, đồng thời hy vọng sẽ nâng sản lượng dầu thô của đất nước từ trên 3 triệu thùng/ngày hiện nay lên 3,4 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay.

Phát ngôn viên Bộ dầu mỏ Iraq, Assem Jihad, trước đó nói rằng xuất khẩu dầu thô của nước này trong tháng 9/2012 đạt khoảng 78 triệu thùng, tương đương mức trung bình 2,6 triệu thùng/ngày (cao hơn đôi chút so với 2,565 triệu thùng/ngày trong tháng 8/2012) và mang lại nguồn thu 8,4 tỷ USD dựa trên mức giá bán trung bình 107 USD/thùng.

Iraq có trữ lượng dầu mỏ đã được kiểm chứng thuộc hàng lớn nhất thế giới, với 143,1 tỷ thùng dầu thô và 3.200 tỷ m3 khí đốt.

Xuất khẩu dầu đóng góp gần 95% thu ngân sách của Iraq. Chính phủ nước này đang nhắm tới việc đẩy mạnh khai thác và bán dầu trong những năm tới, nhằm có thêm ngân quỹ để tái thiết nền kinh tế.

Để phát triển cơ sở hạ tầng chủ chốt, Iraq ngày 2/10 đã ký thỏa thuận trị giá 14 triệu USD với một côngxoócxium của Mỹ - do công ty North America Western Asia Holdings dẫn đầu - để hiện đại hóa cảng Mega Port thuộc tỉnh Basra (Iraq)./.

Như Mai (TTXVN)
------------
Hơn hai triệu công nhân Indonesia bãi công

PNO – Các nghiệp đoàn Indonesia hôm 3/10 cho biết, hơn hai triệu công nhân trên toàn quốc đã tham gia một ngày bãi công đòi nâng lương và phản đối việc thuê mướn lao động hợp đồng.

Phát ngôn viên cảnh sát quốc gia, đại tá Agus Rianto, nói rằng hàng trăm ngàn công nhân của hơn 700 công ty tại 80 khu công nghiệp đã xuống đường biểu tình hôm 3/10.

Ông Yoris Raweyai, Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Công nhân Indonesia, nói rằng công nhân muốn chính phủ sửa đổi một đạo luật cho phép các công ty thuê lao động tạm thời theo các hợp đồng không lợi nhuận với thời hạn một năm. Tháng 1/2012, Tòa án Hiến pháp Indonesia tuyên bố việc thuê mướn như vậy vi phạm hiến pháp, cũng như vi phạm quyền của người lao động.

Khoảng 23.000 công nhân có kế hoạch tuần hành chiều 3/10 tại thủ đô Jakarta, và khoảng 15.000 cảnh sát đã được dự kiến sẽ được triển khai bảo vệ cuộc biểu tình.

THANH HIỀN (Theo AP, PNO)
--------
 Iran rơi vào khủng hoảng tài chính

Iran đang hứng chịu cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ chiến tranh Iran-Iraq hồi những năm 1980, với đồng nội tệ mất hơn 50% giá trị so với USD và giá hàng hóa chủ lực tăng vọt.

Hiện, kinh tế Iran bên bờ sụp đổ do trừng phạt ngày càng tăng của phương Tây, đồng rial bị mất giá mạnh vào ngày 1/10, giảm hơn 15% - tụt xuống mức thấp nhất so với đô la Mỹ. Vào giữa ngày, trên thị trường mở, 34.500 rial mới mua được 1 USD, trong khi đó, tại phiên đóng cửa hôm 30/9, 1 USD ăn 29.600 rial, các trang web giám sát tiền tệ Iran cho hay.

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad trước đây luôn phủ nhận những dự đoán rằng đồng rial sẽ giảm xuống dưới 30.000 rial/1 USD, hiện cho rằng những gợi ý như vậy không hơn "chiến tranh tâm lý".

Thông tin mới trên như một cú đòn mới giáng vào Tổng thống Ahmadinejad, người sẽ về hưu vào tháng 6/2013 và sẽ không thể tranh cử nhiệm kỳ 3 theo luật Iran.

'Thật đáng xấu hổ cho Ahmadinejad. Kinh tế rơi vào khủng hoảng và ông ấy nhắm mắt hoặc không muốn chứng kiến điều đó'' Farshad, một sinh viên của đại học Tehran nói.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến những vấn đề của kinh tế Iran thêm trầm trọng, khiến đồng tiền của nước này mất giá không phanh.

Tình hình trở nên đặc biệt trầm trọng trong vài tháng gần đây, khi lệnh trừng phạt mới nhất của EU và Mỹ với Tehran có hiệu lực vào tháng 7. Kết quả là, giá thịt gà, sữa, pho mát, bánh mỳ, đường và sữa chua cũng như các mặt hàng chủ lực khác tăng giá mỗi ngày.

Với Zohreh, một bà nội trợ trung niên sống ở đông Tehran thì cuộc khủng hoảng này gợi nhớ lại những ngày tồi tệ của chiến tranh Iran-Iraq. "Như trong những năm tháng chiến tranh, giá cả hôm nay khác so với hôm qua. Với một số mặt hàng nhất định, bạn phải xếp hàng và một số thì không còn bán nữa".

Zohreh, cũng như hàng triệu người Iran khác, mỗi tháng đều được nhận được một khoản tiền của chính phủ dành cho gia đình nhằm bù đắp cho việc cắt giảm trợ cấp. Tuy nhiên, bà nội trợ này cho hay, số tiền này không còn đáp ứng được nhu cầu của bà. "Cách đây 9 tháng, tôi đi chợ với 120.000 rial trong túi và trở về nhà với một giỏ rau quả và các hàng thiết yếu song hiện giờ cũng từng đó món, tôi phải trả 300.000 rial".

Đồng rial đã mất 57% giá trị trong 3 tháng qua và 75% so với cuối năm ngoái. Ở Iran, đồng đôla hiện mạnh gấp 3 lần so với đầu năm ngoái.

    Hoài Linh (Theo Guardian, DailyMail, VNN)
---------
 Căng thẳng Nhật-Trung leo thang khiến IMF lo ngại

(VOV) - Lãnh đạo tổ chức này mong muốn 2 nước tìm tiếng nói chung để cùng chung sống hòa bình và phát triển.

    Trả lời phỏng vấn báo chí tại Washington (Mỹ) hôm 2/10, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde bày tỏ quan ngại về quan hệ căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan tới tranh chấp lãnh thổ.

 Bà Lagarde nhấn mạnh, cả Nhật Bản và Trung Quốc có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu và mối quan hệ căng thẳng leo thang giữa hai nước sẽ tạo ra những nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới sự ổn định và phát triển của nền kinh tế toàn cầu.

Vì vậy, bà  Lagarde kêu gọi Trung Quốc và Nhật Bản  nỗ lực tìm ra điểm chung để giải quyết tranh chấp, cùng tồn tại hòa bình và phát triển.

Tổng Giám đốc IMF Lagarde cho biết thêm, vấn đề Trung Quốc - Nhật Bản cũng sẽ được đề cập tại cuộc họp được tổ chức hàng năm giữa IMF và Ngân hàng Thế giới, dự kiến diễn ra vào cuối tháng này ở Tokyo./.                                        

Ngọc Huân/VOV-Trung tâm tin
Theo NHK
----------------
Việt Nam mong sớm có Quy tắc ứng xử Biển Đông

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh hôm qua phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế và ủng hộ sớm thông qua Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông (COC).

Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Liên Hợp Quốc trong những năm qua trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, xung đột ở các khu vực, tăng cường các hoạt động gìn giữ hòa bình. Việt Nam mong đợi Liên Hợp Quốc tiếp tục phát huy những kinh nghiệm của mình và thúc đẩy nền văn hóa hòa bình và đối thoại giải quyết các cuộc xung đột kéo dài và ngăn ngừa sự bùng phát của các xung đột mới.

Đánh giá tình hình tại Đông Á, ông Vinh cho biết Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang ngày càng phát huy vai trò trung tâm trong cấu trúc hợp tác khu vực và đóng góp vào thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh khu vực, trong đó có an ninh hàng hải ở Biển Đông.

"Việt Nam hoàn toàn ủng hộ Tuyên bố Sáu nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử (COC)", Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh nói.

Việt Nam cũng đề nghị các quốc gia cần phải cam kết mạnh mẽ tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, đặc biệt là nguyên tắc giải quyết hòa bình tranh chấp và không sử dụng vũ lực, cũng như tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Chúng ta cần thúc đẩy đối thoại và các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, nhất là vai trò của các tổ chức quốc tế và khu vực, cũng như phát huy các cơ chế pháp lý quốc tế.

Năm nay, Việt Nam kỷ niệm 35 năm ngày gia nhập Liên Hợp Quốc. Trong suốt thời gian đó, Việt Nam luôn thể hiện là một thành viên tích cực, có trách nhiệm, đóng góp vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội, và thịnh vượng chung của các dân tộc, thông cáo của Bộ Ngoại giao cho hay.

Vũ Hà // VNex
------------------
Hàng loạt ngân hàng Trung Quốc bỏ họp tại Nhật Bản

Tranh chấp lãnh thổ của Nhật Bản với Trung Quốc dường như đã lan sang cả lĩnh vực tài chính toàn cầu khi nhiều ngân hàng Trung Quốc công bố rút khỏi danh sách tham dự các cuộc họp tài chính quốc tế diễn ra tại Nhật Bản.

Nhiều ngân hàng lớn của Trung Quốc cho biết họ đã hủy bỏ tham gia vào các cuộc họp thường niên cấp cao của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được tổ chức tại Tokyo vào tuần tới cũng như các sự kiện bên lề các cuộc họp này. Một số ngân hàng còn công bố không tham gia cả một hội nghị tài chính lớn khác dự kiến sẽ diễn ra tại thành phố Osaka phía tây của Nhật Bản vào cuối tháng này.

Hầu hết các ngân hàng đã không đưa ra một lý do về việc rút lui vào phút chót này. Tuy nhiên, động thái trên diễn ra trong lúc căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang leo thang do những tranh cãi chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.

Trước đó, Trung Quốc đã thể hiện sự không hài lòng của mình bằng cách hủy bỏ một số sự kiện ngoại giao và cử tàu tuần tra vào vùng biển mà Nhật Bản cho rằng thuộc lãnh hải của mình. Một số công ty Nhật Bản cũng đã cho biết nhu cầu đối với hàng hóa của họ ở Trung Quốc bị sụt giảm, hàng hóa của họ bị kiểm tra một cách nghiêm ngặt hơn và các thủ tục tại các cảng Trung Quốc bị chậm chễ hơn.

Một lãnh đạo của một ngân hàng cho biết tranh chấp đảo có lẽ chính là lý do cho việc rút khỏi các cuộc họp này của các ngân hàng Trung Quốc.

Một quan chức thuộc chi nhánh Tokyo của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc đã nói: "Thẳng thắn mà nói, đó là do mối quan hệ Trung – Nhật hiện nay” khi giải thích về nguyên nhân ngân hàng này rút khởi các sự kiện của IMF cũng như hội nghị ở Osaka”.

Hành động này của các ngân hàng Trung Quốc là dấu hiệu mới nhất thể hiện rằng quan hệ căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á đang bắt đầu ảnh hưởng đến phạm vi kinh tế rộng lớn hơn, và không còn chỉ là những tranh cãi trong khu vực.

Cuộc họp thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới là sự kiện tập trung lớn nhất các quan chức tài chính và kinh tế, các tổ chức phi chính phủ và các ngân hàng. Các nhà tổ chức ước tính có khoảng 20.000 đại biểu sẽ tới Tokyo để tham dự hàng loạt các cuộc họp và hội thảo, diễn ra thứ Tư đến Chủ nhật tuần tới.

Trung Quốc từ lâu luôn tìm kiếm một vai trò quan trọng hơn trong các diễn đàn toàn cầu như thế này khi nền kinh tế của đất nước này đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo rằng việc để cho những căng thẳng song phương ảnh hưởng đến các lĩnh vực tài chính và kinh tế có thể là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc chưa sẵn sàng là một trong những nhà lãnh đạo quốc tế.

Phạm Khánh// Infonet
-----------------
EU cần 25 tỷ euro nâng cấp nhà máy điện hạt nhân

Các cuộc thử nghiệm mức độ chịu đựng thảm họa của các nhà máy điện hạt nhân trên toàn châu Âu, do Liên minh châu Âu (EU) tiến hành, cho thấy có hàng trăm dấu vết đáng lo ngại tại các lò phản ứng hạt nhân trên khắp châu Âu, chủ yếu là tại Pháp.

Đây là kết luận từ bản báo cáo đã bị rò rỉ với báo giới trước khi sẽ được Đại diện cấp cao EU phụ trách vấn đề năng lượng Gunther Oettinger chính thức công bố và đưa ra các kiến nghị tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào các ngày 18-19/10 tới.

Chương trình đánh giá an toàn trên đã được EU thực hiện đối với toàn bộ 143 nhà máy điện hạt nhân hiện đang được cấp phép hoạt động tại châu Âu, đặc biệt là mức độ chịu đựng những thảm họa lớn như động đất hoặc khủng bố.

Chương trình đánh giá trên do Cơ quan Quản lý Hạt nhân của từng nước thành viên tiến hành và kết quả được kiểm tra chéo trên thực địa.

Phát biểu với báo giới tại Brussels ngày 1/10, phát ngôn viên của Ủy ban Năng lượng EU, bà Marlene Holzne cho biết: “Chúng tôi đã đánh giá lại toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân tại châu Âu sau thảm họa tại Fukushima-Nhật Bản, và kết quả đánh giá sẽ được Ủy ban Năng lượng trình bày với các ủy ban công tác khác của EU vào ngày 3/10".

Bản báo cáo nói trên không đưa ra khuyến nghị đóng cửa bất cứ nhà máy điện hạt nhân nào, song lưu ý sẽ phải cần khoảng 25 tỷ euro để khắc phục các tồn tại và nâng cấp các nhà máy để đạt chuẩn an toàn quốc tế.

Hiện nhật báo "Le Figaro" (Pháp) và nhật báo "Die Welt" (Đức), là hai trong số những tờ báo lớn của châu Âu, đã được tiếp cận tài liệu này và cùng công bố tất cả 58 nhà máy điện hạt nhân của Pháp, ở các mức độ khác nhau, đều không đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn quốc tế dựa trên tiêu chuẩn của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Tờ "Le Figaro" cho biết 19 lò phản ứng tại Pháp không hề được trang bị dụng cụ đo địa chấn và các nhà máy tại Pháp thiếu rất nhiều thiết bị an toàn và công cụ cứu hộ trong trường hợp gặp thảm họa so với các nhà máy tại Đức, Anh hoặc Thụy Điển./.

(TTXVN)


 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te