TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin quân sự thế giới 03-11-2012


Iran: Hàng nghìn nguười biểu tình rầm rộ chống Mỹ

Kênh truyền hình Al-Arabiya của Arập Xêút cho biết, ngày 2/11, hàng nghìn người đã tham gia một cuộc biểu tình rầm rộ chống Mỹ và đốt cờ Mỹ tại thủ đô Tehran nhân kỷ niệm 33 năm sự kiện các tay súng Iran chiếm giữ và bắt cóc con tin tại tòa đại sứ Mỹ vào năm 1979.
 
Những người biểu tình còn hô vang các khẩu hiệu phản đối Anh, Israel và đốt nhiều cờ của nước này tại địa điểm trước đây là tòa đại sứ Mỹ.
 
Cuộc biểu tình này diễn ra chỉ vài ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, trong đó chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran là một trong những trọng điểm của chiến dịch tranh cử của ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney.
 
Trong vụ tấn công và chiếm giữ tòa đại sứ Mỹ tại Tehran vào ngày 4/11/1979, lực lượng sinh viên Hồi giáo Iran đã giam giữ 52 nhà ngoại giao Mỹ trong 444 ngày.
 
Sự kiện này, diễn ra chỉ vài tháng sau cuộc Cách mạng Hồi giáo lật đổ chế độ quân chủ được Mỹ hậu thuẫn, được xem như là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của Tổng thống Mỹ Jimmy Carter trong cuộc bầu cử năm 1980./.

(TTXVN)
------
Hải quân Nga tập trận chống tàu ngầm trên Biển Bắc

Hải quân Nga ngày 2/11 cho biết Hạm đội phương Bắc của nước này đã tiến hành tập trận chống tàu ngầm tại Biển Bắc.

Người phát ngôn Hải quân Nga Eugeni Kirillov nói với phóng viên: "Trong các cuộc tập trận, hai khinh hạm chống tàu ngầm lớn mang tên Severomorsk và Đô đốc Chabanenko đã tham gia cùng các trực thăng chống tàu ngầm Ka-27 và máy bay Tu-142."

Theo ông Kirillov, nội dung diễn tập là tìm kiếm, phân loại tàu ngầm của kẻ thù và cách thức đáp trả. Tàu Severomorsk và Đô đốc Chabanenko cũng đã có cuộc "hải chiến" với các tàu "kẻ thù" trên mặt nước và máy bay chiến đấu cũng như phá thủy lôi và các mục tiêu ven biển.

Theo THX, hôm 1/11, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga cũng đã diễn tập phóng tên lửa từ hai tàu ngầm hạt nhân./.

(Vietnam+)
--------
Trung Quốc muốn quản lý chung quần đảo tranh chấp

Các nguồn tin ngoại giao Trung Quốc và Nhật Bản ngày 2/11 cho biết Trung Quốc đã quyết định tìm kiếm các cuộc tham vấn định kỳ với Nhật Bản để bàn về việc quản lý chung vùng biển quanh quần đảo Senkaku (Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư) trên Biển Hoa Đông nếu Tokyo thừa nhận sự tồn tại tranh chấp liên quan đến quần đảo do Nhật Bản kiểm soát này.

Trong khi đó, theo Kyodo, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cùng ngày đã cam kết sẽ tìm cách làm dịu căng thẳng với Trung Quốc trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại về mối quan hệ song phương ngày càng xấu đi liên quan đến tranh chấp lãnh thổ có thể tăng thêm gánh nặng cho nền kinh tế phụ thuộc phần lớn vào xuất khẩu của Nhật Bản.

Trước đó, hãng tin AFP dẫn lời lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết 4 tàu của Trung Quốc đã đi vào vùng biển tranh chấp xung quanh quần đảo mà Nhật Bản đang kiểm soát.

Các tàu này xuất hiện gần Uotsurijima, đảo chính trong quần đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư./.

(Vietnam+)
----------
Mỹ: Trung tâm CNN bị đe dọa đánh bom hóa học

Theo AP, cảnh sát đã phong tỏa đường phố và vỉa hè xung quanh Trung tâm CNN ở khu trung tâm Atlanta để điều tra vụ đe dọa đánh bom hóa học.

Nhật báo "The Atlanta Journal-Constitution" dẫn lời Đại úy cảnh sát Atlanta Adam Lee cho biết một kẻ gọi điện thoại tuyên bố đã gài bom hóa học ở khu phức hợp gồm trụ sở của CNN, một số nhà hàng, cửa hiệu và khách sạn.

Một số xe cảnh sát và xe cứu hỏa đã được điều tới hiện trường./.

(Vietnam+)
-----------
WSJ: Phái bộ Mỹ ở Benghazi là hoạt động của CIA

Tờ Wall Street Journal (WSJ) ngày 2/11 đưa tin phái bộ Mỹ tại Benghazi, nơi bị du kích Libya tấn công hồi tháng 9, chủ yếu là một hoạt động bí mật của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang vấp phải rất nhiều chất vấn về lý do tại sao không có các biện pháp đảm bảo an ninh chặt chẽ hơn tại Lãnh sự Mỹ, nơi 4 người Mỹ trong đó có cả Đại sứ Chris Stevens, bị thiệt mạng hôm 11/9.

Theo Wall Street Journal, phái bộ này chủ yếu là một hoạt động của CIA, và trong số 30 quan chức Mỹ phải sơ tán khỏi Benghazi sau vụ tấn công thì chỉ có 7 người làm việc cho Bộ Ngoại giao.

Bài báo cũng xác định hai nhân viên an ninh bị chết trong vụ tấn công - cựu nhân viên lực lượng đặc biệt SEAL của Hải quân Mỹ Tyrone Woods và Glen Doherty - đang làm việc cho CIA chứ không phải là Bộ Ngoại giao.

WSJ tiết lộ rằng khác với thông lệ, Giám đốc CIA David Petraeus đã không tham dự buổi lễ đón quan tài những người thiệt mạng để che giấu hoạt động của CIA tại miền đông Libya.

Bài báo nói gần 20 điệp viên CIA đã hoạt động bí mật tại một tòa nhà riêng rẽ liền kề, nơi các quan chức tại lãnh sự quán ẩn náu sau cuộc tấn công đầu tiên để tránh vụ nã súng tiếp theo.

Hoạt động của CIA, được triển khai ngay sau khi bắt đầu vụ nổi dậy vào tháng 2/2011 lật đổ nhà lãnh đạo Muamer Gaddafi, được giải thích là nhằm chống khủng bố và đảm bảo an toàn cho các vũ khí hạng nặng vì chính quyền mới còn gặp nhiều khó khăn.

Tờ báo cho rằng an ninh lơi lỏng có thể là do thiếu trao đổi thông tin chặt chẽ giữa CIA và Bộ Ngoại giao, vì Bộ Ngoại giao cho rằng nhóm an ninh ở tòa nhà kể trên là đủ hỗ trợ cho các nhân viên bảo vệ.

Cũng theo WSJ, chỉ một ngày sau khi xảy ra vụ tấn công, các quan chức an ninh Libya và CIA đã hủy các tài liệu mật cũng như các thiết bị nhạy cảm./.

(Vietnam+)
--------
Gruzia chỉ định đặc phái viên hàn gắn quan hệ với Nga

Thủ tướng Gruzia Bidzina Ivanishvili ngày 1/11 đã chỉ định cựu Đại sứ nước này tại Nga Zurab Abashidze làm đặc phái viên phụ trách việc hàn gắn quan hệ với Nga.

Phát biểu sau khi công bố quyết định trên, Thủ tướng Ivanisvili nhấn mạnh Gruzia sẽ bắt đầu kỷ nguyên mới với một bước đi mới, đồng thời bày tỏ hy vọng Nga cũng sẽ có bước đi tương tự để mối quan hệ song phương có bước chuyển biến tích cực.

Ông Ivanisvili nêu rõ Gruzia và Nga có lịch sử chung sống lâu đời - trước, trong và sau thời Liên bang Xôviết và khẳng định trước hết, Gruzia sẽ tìm cách hàn gắn quan hệ với Nga và sau đó nâng quan hệ song phương lên tầm cao mới.

Trong khi đó, phát biểu trực tiếp trên kênh truyền hình Rustavi-2, ông Abashidze cho rằng đã đến lúc cần phải bắt đầu tiến hành đối thoại với Nga và từng bước giải quyết những vấn đề phức tạp tồn đọng trong mối quan hệ song phương Nga-Gruzia.

Đặc phái viên Thủ tướng Gruzia thừa nhận những vấn đề như khôi phục quan hệ kinh tế-thương mại, văn hóa và nhân đạo dễ dàng giải quyết hơn bởi chỉ cần lãnh đạo hai nước có ý chí chính trị cao. Song vẫn có những vấn đề hết sức phức tạp mà để giải quyết chúng đòi hỏi phải có thời gian và sự nỗ lực của hai bên.

Đặc phái viên Abashidze từng là Đại sứ Gruzia tại Nga trong giai đoạn 2000-2004.

Nga và Gruzia cắt quan hệ ngoại giao từ tháng 8/2008 sau cuộc xung đột tại khu vực ly khai Nam Ossetia./.

(TTXVN)
---------
Áo giáp mới cho buồng lái của trực thăng Mi-17

Tại Triển lãm AUSA 2012 vừa diễn ra ở Washington (Mỹ), Công ty ASU Baltija của Litva đã giới thiệu một trực thăng vận tải đa dụng hạng nhẹ Mi-17 mới.

Điểm đặc biệt của trực thăng Mi-17 của ASU Baltija là toàn bộ buồng lái của nó đều được bọc giáp.

ASU Baltija là công ty liên kết với đối tác của họ là Công ty Flight Test Aerospace có trụ sở ở Mỹ, thực hiện phát triển bộ áp giáp bọc bên ngoài buồng lái cho trực thăng Mi-17 như là một phần trong gói thầu hiện đại hóa 3 trực thăng Mi-17 cho Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Rwandan.

ASU nói rằng, lớp phủ áo giáp hình bảo giác của họ trên trực thăng Mi-17 được thiết kế để pha trộn vào hình dạng của máy bay, nhưng chỉ có trọng lượng bằng một nửa lớp áo giáp mà công ty trực thăng Nga thiết kế. Áo giáp của trực thăng Mi-17 được ASU chế tạo chỉ nặng có 200kg và có thể chống được nhiều loại vũ khí như đạn của súng trường M-16 và AK-47.

Theo công ty này, do tấm áo giáp có hình bảo giác nên khi được lắp lên buồng lái của trực thăng Mi-17, cấu hình khí động học của chiếc máy bay không hề bị thay đổi. Do vậy, không gây ra vấn đề gì về hiệu suất hay chi phí nhiên liệu.

Hiện tại, lớp áo giáp mới mới chỉ được ASU lắp trên các máy bay trực thăng Mi-17 của Rwandan nhưng hoàn toàn có thể lắp đặt trên tất cả các dòng trực thăng Mi-8/17 do Liên Xô/Nga chế tạo. ASU cũng tiết lộ mục đích họ trưng bày mẫu giáp bảo vệ buồng lái tại Triển lãm AUSA ở Wasshington là để có thể ký được hợp đồng trang bị áo giáp cho một số lượng lớn các trực thăng Mi-8 và Mi-17 đang được quân đội Mỹ sử dụng ở Afghanistan.

Các trực thăng Mi-17 của Rwandan cũng đang tham gia hỗ trợ một số hoạt động trên thế giới của Liên Hiệp Quốc với nhiều cấu hình cho các nhiệm vụ khác nhau.    
Phạm Thái
Kiến Thức
--------
Lực lượng tác chiến đặc biệt Mỹ thiếu hụt phi công

 Bộ tư lệnh tác chiến đặc biệt Mỹ, US SOCOM (United States Special Operations Command) đang tìm cách tuyển thêm phi công để khắc phục tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng hiện nay.

Theo trang tin quân sự Strategypage, hiện nay, Trung đoàn đặc nhiệm hàng không số 160, đơn vị có nhiều loại máy bay đặc biệt được SOCOM sử dụng là nơi thiếu phi công trầm trọng nhất.

Thống kê cho thấy, Trung đoàn 160 chỉ có 75% lượng phi công cần thiết và đang phải vật lộn với sự thiếu hụt này.

Để có thể làm phi công trong SOCOM cần có đáp ứng được những tiêu chuẩn vô cùng khó khăn. Các phi công của SOCOM là người thực hiện nhiệm vụ điều khiển các máy bay trực thăng có cấu tạo đặc biệt, vận chuyển binh sĩ đặc nhiệm SOCOM đên địa điểm thực hiện nhiệm vụ.

Đơn vị này đang cố gắng tìm thêm 300 phi công cho Trung đoàn 160 bằng các lựa chọn từ các ứng viên đang là phi công quân sự thông thường.

Kể từ sau vụ khủng bố 11/9/2011, các phi công và nhất là phi công của SOSCOM đã phải hoạt động rất tích cực ở các mặt trận Iraq hay Afghanistan. Số lượng phi công hi sinh khá lớn so với trước kia đã gây ra tình trạng thiếu hụt cho lực lượng đặc nhiệm Mỹ.

Trung đoàn đặc nhiệm hàng không hi vọng sẽ kết nạp được 300 phi công trong 3 năm tới. Các ứng viên sẽ phải trải qua một tuần xét nghiệm sàng lọc sơ bộ sau đó là 6 tháng đào tạo đặc biệt để làm quen với các hoạt động bay của SOCOM.

Hiện nay, SOCOM đang cố dùng tiền lương để thu hút được các phi công tài năng đến Trung đoàn 160 và giữ chân họ cho các nhiệm vụ đặc biệt. SOCOM đang rơi vào tình trạng cần nhiều phi công để phục vụ các chiến dịch có 'nhịp độ cao'.

Tuy nhiên, 'nhịp độ cao' cũng chính là nguyên nhân khiến các phi công của họ hi sinh ngày một nhiều hơn và gây ra tình trang thiếu phi công hiện nay.

Khi thiếu máy bay, các máy bay của quân đội cũng được SOCOM sử dụng nhưng sẽ trang bị thêm các thiết bị điện tử bí mật để phục vụ chiến đấu.

Ngoài ra, phi công của các máy bay này phải là những phi công cực nhiều kinh nghiệm trong quân đội và phải làm quen ít nhiều với các hoạt động bay của SOCCOM.

Dù vậy, các phi công này vẫn không thực sự xuất sắc và hạn chế phần nào các hoạt động của binh sĩ SOCOM.

Chính vì thế, SOCOM luôn mong muốn đào tạo được những phi công của riêng mình, đáp ứng được nhu cầu "phi công của các phi công".
(VTC)
-------
Triệu phú Anh hoạt động gián điệp cho Iran

Triệu phú người Anh Christopher Tappin ngày hôm qua (1/11) đã nhận tội tại một tòa án liên bang ở Texas, Mỹ với những cáo buộc âm mưu bán các thiết bị tên lửa cho Iran.

Theo luật sư Mỹ Robert Pitman, dù trước đây không thừa nhận nhưng hôm qua Tappin, 66 tuổi, đến từ Orpington, Kent, Anh đã thay đổi lập trường trong phiên xét xử tại tòa án liên bang ở El Paso. Tappin đã bị các công tố viên đề nghị mức án 33 tháng tù giam cộng với mức tiền phạt hơn 11.000 USD.

Các công tố viên liên bang Mỹ cho biết, Tappin –một ông trùm vận tải biển đã nghỉ hưu cùng với hai người khác, qua kênh Hà Lan, từng tìm cách vận chuyển cho Iran các pin kẽm/ôxít bạc dùng sử dụng trong tên lửa phòng không Hawk.

Điều bất ngờ là một trong những người đóng vai trò môi giới trung gian lại là điệp viên bí mật của hải quan Mỹ.

“Ông Tappin đã thừa nhận tội hỗ trợ xuất khẩu sang Iran các thiết bị quân sự nhạy cảm”, Pitman nói trong một tuyên bố. ‘Với hành động này, bị cáo đã đặt an ninh quốc gia Mỹ và các nước đồng minh vào tình thế nguy hiểm bằng việc bán cho Iran các bộ pin vận hành tên lửa Hawk”.

Hai bị cáo khác tham gia kế hoạch này cũng bị kết án từ 20-24 tháng tù giam.

Chiến dịch của Tappin bắt đầu vào cuối 2005 và kết thúc vào đầu 2007 – thời điểm ông ta bị bắt giữ. Tappin đã bị dẫn độ về Mỹ đầu năm nay sau hai năm đấu tranh pháp lý. Các công tố viên nói rằng họ không phản đối việc đưa Tappin về giam giữ tại Anh để ông này có điều kiện gần gũi những người thân trong gia đình và người vợ đang ốm yếu.
(Khám Phá)
--------
Trung Quốc đã có chiến đấu cơ cho tàu sân bay

 Quân đội Trung Quốc vừa thử nghiệm thành công loại máy bay chiến đấu tàng hình mới thuộc thế hệ thứ năm mang tên J-31. Đây là loại máy bay chiến đấu tàng hình cỡ nhỏ, với hai động cơ phản lực.

 Theo giới chuyên gia quân sự, loại máy bay này sẽ được Trung Quốc trang bị cho tàu sân bay đầu tiên của nước này.

Trung Quốc đã chính thức trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới sau Mỹ sở hữu hai loại máy bay chiến đấu tàng hình thuộc thế hệ thứ năm sau vụ thử nghiệm thành công máy bay J-31. Theo trang web mil.huanqiu.com, một trang web quân sự nổi tiếng hàng đầu Trung Quốc, vụ thử nghiệm máy bay J-31 đã diễn ra thành công. Trang web này cũng đăng tải một số hình ảnh về loại máy bay chiến đấu tàng hình J-31. Các chuyên gia phân tích quân sự nhận định rằng hai động cơ phản lực của J-31 có khả năng cho phép chiếc máy bay này thực hiện các nhiệm vụ một ngày bay từ một tàu sân bay.Theo tờ South China Morning Post của Hồng Kông, ngay sau khi truyền thông Trung Quốc Đại lục đưa tin về vụ thử thành công, các nguồn thạo tin cho biết loại máy bay hiện đại này sẽ được Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) triển khai trên tàu sân bay Liêu Ninh.

Những bức ảnh chụp máy bay J-31 đang bay trên không được đăng trên các diễn đàn quân sự Trung Quốc và được mil.huanqiu.com đăng lại. Trong những bức ảnh này là hình ảnh một chiếc máy bay chiến đấu màu đen do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Thẩm Dương, một chi nhánh của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc, thiết kế và chế tạo. Ông Andrei Chang, Tổng biên tập "Tạp chí Quốc phòng châu Á Hán Hòa" có trụ sở ở Canada, nói rằng J-31 là một mẫu máy bay lai giữa các máy bay chiến đấu F-22 và F-35 của Mỹ. Theo ông Andrei Chang, chuyến thử nghiệm của máy bay J-31 đã cung cấp thêm các bằng chứng rằng Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Thẩm Dương, một đơn vị vốn nổi tiếng với những bản sao  máy bay chiến đấu Su do Liên Xô thiết kế, giờ đây đã thành công trong việc nhân bản những máy bay chiến đấu của Mỹ.

Giới chuyên gia quân sự nói, thiết kế của J-31 cho thấy rằng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có thể sử dụng nó để vũ trang và hộ tống cho các tàu sân bay như tàu Liêu Ninh, con tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc và đã được triển khai hồi tháng trước nhưng PLA hiện vẫn đang thiếu loại máy bay phản lực phù hợp với tàu sân bay này. Đại tá cấp cao Lý Kiệt, một chuyên gia về hải quân của PLA cho biết: "Nguyên mẫu của chiếc J31001 có thể trở thành một máy bay chiến đấu phản lực đặt trên tàu sân bay trong tương lai bởi vì kích cỡ của nó nhỏ hơn và mảnh hơn so với loại máy bay chiến đấu J-20. Tuy nhiên, so với tiến bộ trong việc phát triển máy bay J-20, J-31 vẫn còn phải đi một chặng đường dài nữa”. Đại tá Lý Kiệt cũng nói rằng, PLA vẫn chưa đưa J-31 trở thành một thiết kế nguyên mẫu chính thức.

Theo ông Andrei Chang, “Không quân PLA không tham gia dự án chế tạo J-31, nhưng vẫn chưa rõ liệu hải quân PLA có phải là nhà đầu tư trong dự án này hay không”. Trong khi đó, ông Từ Quang Dục, chuyên gia quân sự thuộc Hiệp hội Kiểm soát vũ khí và Giải trừ quân bị ở Bắc Kinh nhận định rằng mặc dù Trung Quốc giờ đây là quốc gia thứ hai trên thế giới cùng với Mỹ sở hữu công nghệ sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình, nhưng vẫn còn một khoảng cách lớn giữa những kỹ thuật máy bay chiến đấu tàng hình Mỹ và Trung Quốc, bởi vì Trung Quốc vẫn đang thử nghiệm cả hai loại J-20 và J-31. Có thể phải mất thêm khoảng 2 năm nữa Trung Quốc mới có thể đưa chúng vào dây chuyền sản xuất.

Trong khi đó, một số chuyên gia quân sự khác nhận định rằng vụ thử máy bay J-31 chỉ là sự khởi đầu của một màn trình diễn quốc tế những kỹ thuật quân sự tiên tiến của Bắc Kinh. Sự phát triển đó chắc chắn sẽ làm dấy lên những cuộc thảo luận về sự khởi đầu thù địch quân sự giữa hai cường quốc này.

 Minh Tâm
PL&XH
-------
 Bộ trưởng Quốc phòng Nga "gặp hạn"

Bộ trưởng Quốc phòng Nga có nguy cơ vướng vào cuộc điều tra hình sự một vụ tham nhũng tại Bộ Quốc phòng nước này.

Trong vòng 10 năm qua, ông Anatoly Serdyukov được biết đến là một nhân vật có công và trung thành với Tổng thống Putin. Serdyukov từng là người đứng đầu cơ quan thuế của Nga năm 2003, ủng hộ việc truy tố và bỏ tù tỉ phú dầu mỏ Mikhail Khodorkovsky. Gần đây hơn, với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng, Serdyukov mạnh tay cắt giảm và tái cơ cấu quân đội theo chỉ thị hiện đại hóa quốc phòng của Tổng thống Putin.

Tuy nhiên, tuần trước cơ quan chức năng đã ập vào trụ sở Bộ Quốc phòng, tịch thu một số tài liệu ở đây, làm dấy lên nhiều đồn đoán vì sao ông Serdyukov trở thành mục tiêu. Liệu ông Serdyukov có vượt qua một số ''ranh giới ngầm'' nào không?

Vụ án hình sự có liên quan đến Oborronservis- đơn vị được thành lập để bán một số tài sản không cần thiết của Bộ Quốc phòng. Theo cáo buộc của các nhà điều tra, Oborronservis đã dàn xếp để bán cho "người quen" tài sản của bộ với giá thấp hơn thị trường, khiến tổng thiệt hại của nhà nước trong vụ bê bối này lên đến 100 triệu USD.

Ngoài ra, những người đứng đầu Oborronservis còn bị cáo buộc sử dụng tiền của bộ để sửa sang lại một số bất động sản béo bở nhất, sau đó bán đi bất hợp pháp hoặc cho thuê vì mục đích thương mại. Một số bất động sản này ở ngay tại Mátxcơva.

Các nhà điều tra cũng tịch thu đồ cổ, nữ trang và 96.000USD từ cựu giám đốc bộ phận quản lý tài sản của bộ là Yelena Vasilyeva. Tổng cộng, các nhà điều tra đã mở 5 án hình sự liên quan đến vụ bê bối này.

Bộ trưởng Quốc phòng Serdyukov được cấp báo về vụ điều tra và lập tức có mặt tại các địa điểm bị lục soát. Người phát ngôn Tổng thống Nga cho biết, ông Putin đã gặp ông Serdyukov và yêu cầu hợp tác với các nhà điều tra.

Tờ nhật báo Izvestia ngày 1.11 đưa tin, các nhà điều tra có thể sẽ mở một án hình sự khác điều tra việc sử dụng tiền của Bộ Quốc phòng để xây cho bộ trưởng một biệt thự sang trọng gần khu bảo tồn thiên nhiên ở biển Đen. Trong khi đó, Hãng Interfax cho hay cảnh sát đã bắt giữ 2 người liên quan đến vụ bê bối.

Theo Washington Post, Ria Novosti , LĐ
------
Chiến sự ở Syria tiếp tục leo thang

Trong ngày đầu của tháng 11, chiến sự ác liệt tại nhiều khu vực ở Syria đã cướp đi mạng sống của ít nhất 157 người.

Bất chấp các nỗ lực ngoại giao dàn xếp của cộng đồng quốc tế, chiến sự vẫn tiếp tục nổ ra ác liệt tại nhiều khu vực khác nhau ở Syria trong ngày đầu tiên của tháng 11, cướp đi mạng sống của ít nhất 157 người, trong đó có nhiều thường dân vô tội. Bạo lực đẫm máu tiếp diễn đang làm lu mờ mọi hy vọng về việc có thể sớm tiến tới một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng đã kéo dài hơn một năm rưỡi qua tại quốc gia Trung Đông.

Tân Hoa xã dẫn nguồn tin từ Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh ngày 1/11 cho biết, quân nổi dậy Syria do phương Tây hậu thuẫn, vừa tiến hành vụ hành quyết được mô tả là rất “man rợ” đối với 20 binh sỹ Chính phủ Syria tại tỉnh Idlib, miền Nam nước này. Trong đoạn băng video phát tán trên mạng Internet, các phiến quân Syria đã bắt các binh sỹ nằm úp mặt xuống đất, giẫm đạp lên đầu họ trước khi xả súng dữ dội vào những con người đã mất hoàn toàn khả năng kháng cự.

Theo nhà phân tích chính trị Arab Abdulla Mansour, vụ hành quyết chắc chắn sẽ khắc sâu hơn sự thù địch giữa hai bên, làm phức tạp hóa các nỗ lực hòa giải mà cộng đồng quốc tế và các bên có thiện chí đang quyết tâm theo đuổi.

Cùng ngày, các cuộc giao tranh ác liệt giữa lực lượng trung thành với Tổng thống Syria al-Assad và quân nổi dậy tiếp tục nổ ra dữ dội tại thủ đô Damascus, các thành phố Homs, Aleppo, Idlib và Halab cùng nhiều khu vực khác. Hơn 150 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh này, trong đó có khoảng 50 dân thường, gồm cả phụ nữ và trẻ em.

Không chỉ trực tiếp cướp đi cuộc sống của nhiều người vô tội, chiến sự gia tăng cũng đang gián tiếp đe dọa cuộc sống của hàng chục ngàn người khác đang bị mắc kẹt giữa hai làn đạn. Theo Văn phòng Liên Hợp Quốc phụ trách Điều phối các vấn đề nhân đạo, an ninh bất ổn khiến hàng cứu trợ không thể đến với người dân Syria tại nhiều khu vực chiến sự.

Người phát ngôn Văn phòng Liên Hợp Quốc phụ trách Điều phối các vấn đề nhân đạo Jens Laerke cho biết: “Tất cả các bên trên thực địa đã liên lạc với phái bộ cứu trợ và bày tỏ thiện chí sẵn sàng cho phép hàng cứu trợ đi qua các chiến tuyến. Tuy nhiên, việc phân phát tức thì hàng cứu trợ đã bị ngăn cản bởi xung đột liên tiếp và sự phức tạp về hậu cần, trong đó có việc thiếu địa điểm an toàn để tập kết lương thực”.

Bạo lực tại Syria chưa có dấu hiệu lắng dịu, thậm chí có chiều hướng gia tăng. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia có nhiều ảnh hưởng, vẫn chưa thể thống nhất được một giải pháp đáng tin cậy để chấm dứt bạo lực, tạo lập hòa bình cho quốc gia Trung Đông. Trong đó, bất đồng quan điểm lớn nhất giữa các nước vẫn là vấn đề vai trò của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trên chính trường Syria trong tương lai./.

Bá Thi/VOV-Trung tâm tin
----------
Syria: Quân nổi dậy hành quyết 20 binh sĩ    
 
 Một video xuất hiện trên mạng hôm thứ Sáu cho thấy quân nổi dậy được phương Tây hậu thuẫn hành quyết 20 binh sĩ Syria (theo Tân Hoa xã, còn theo Reuters là 28) tại tỉnh Idlib ở mạn bắc.

Hành quyết diễn ra sau những vụ tấn công vào 3 điểm kiểm soát của quân đội quanh Saraqeb, một thị trấn trên xa lộ chính bắc-nam của Syria. Saraqeb cách Aleppo khoảng 40km về phía nam. Một số bị bắn chết sau khi đã đầu hàng, theo cảnh quay trên video. Quân nổi dậy chửi mắng họ, gọi họ là “chó của Assad”, bắt họ nằm xuống đất, dẫm lên người họ trước khi bắn.

Trong khi đó, các quan sát viên nói tổng số người chết do bạo lực hôm thứ Sáu là 157, gồm 50 thường dân và 72 lực lượng vũ trang. Trong một diễn biến khác, Trung Quốc đưa ra sáng kiến mới để giải quyết 19 tháng xung đột, gồm từng giai đoạn, ngừng bắn hết vùng này qua vùng khác và thành lập một chính phủ chuyển tiếp.
     
      Quang Hùng (theo Tân Hoa xã và Reuters, CAO)
----------
Mỹ không tin Afghanistan tự duy trì được an ninh

Theo tin nước ngoài, một cuộc đánh giá của Chính phủ Mỹ mới đây cảnh báo Afghanistan sẽ khó có khả năng duy trì lực lượng an ninh của họ sau khi quân đội nước ngoài rút đi vào năm 2014.

Ngày 26/10, một kẻ đánh bom liều chết đã kích hoạt khối thuốc nổ mang theo người tại nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Maymana, thủ phủ tỉnh Faryab, làm ít nhất 40 người, thiệt mạng, hàng chục người bị thương. Trong ảnh: Chuyển người bị thương trong vụ đánh bom tới bệnh viện ở Maymana ngày 26/10. Ảnh: AFP/ TTXVN

Đây là cảnh báo mới nhất trong một loạt những cảnh báo của Tổng thanh tra đặc biệt về Tái thiết Afghanistan liên quan đến khả năng của nước này tự điều hành khi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút quân vào cuối năm 2014. Báo cáo công bố hôm 31/10 tập trung vào các hoạt động và các khả năng duy trì của Chính phủ Afghanistan, trong đó có vấn đề về ngân sách, mua bán và các hệ thống hậu cần - tất cả đều được cho là "chưa phát triển".

Trọng điểm của đánh giá trên nhằm vào các hệ thống hành chính của chính phủ, nhưng chuyên gia an ninh Gary Schmidt thuộc Viện kinh doanh Mỹ tại Washington nói rằng các khiếm khuyết trong những hệ thống này là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình của Afghanistan sau năm 2014. Ông này cho rằng sau thời điểm 2014, nhiều khả năng những người ở tiền tuyến sẽ không được cung cấp đủ thực phẩm, tiền lương hay có trang thiết bị phù hợp để đảm trách tình hình an ninh và khi binh sĩ không được cung cấp điều kiện như vậy, họ có khuynh hướng hoặc sẽ đào ngũ hoặc sẽ chĩa súng vào chính phủ.

Vị tổng thanh tra còn cho rằng một vấn đề trọng yếu nữa là tỷ lệ cao những binh sĩ và các nhà thầu thiếu trình độ để tiếp quản việc điều hành hay thực hiện công việc. Báo cáo đã chỉ trích các nhà thầu được trả lương để huấn luyện người Afghanistan tiếp quản các vấn đề hành chính trước năm 2014, trong đó có một công ty đã hết tiền trước thời gian rút quân tới 16 tháng nhưng mới chỉ hoàn tất một nửa nhiệm vụ.

Trong năm tài chính vừa qua, NATO đã chi 800 triệu USD cho các hoạt động hỗ trợ và dịch vụ bảo trì, trong đó có việc huấn luyện các giới chức Chính phủ Afghanistan.

TTXVN/Tin tức

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te