TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin nhanh 03-11-2012


Tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam-EU rất khả quan

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy khẳng định rằng tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) rất khả quan.

Tại buổi gặp gỡ với đại diện của hơn 100 doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 2/11, trước khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng châu Âu nhấn mạnh chuyến thăm lần này của ông cho thấy triển vọng cho cả Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ của hai bên.

Mối quan hệ của Việt Nam và EU đang phát triển sâu rộng hơn thông qua Thỏa thuận hợp tác song phương, bên cạnh đó hai bên đang đàm phán cho Hiệp định Thương mại Tự do. Kim ngạch thương mại giữa hai bên cũng đã tăng 20% trong năm 2012 và đang tăng cường hợp tác trên phương diện chính trị và an ninh.

Châu Âu đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) cũng đã ký một thỏa thuận giá trị đến 150 triệu euro tài trợ cho các dự án môi trường ở Việt Nam. Châu Âu cũng đang là bạn đồng hành của Việt Nam trên con đường tiến tới hiện đại hóa, hướng đến mục tiêu một đất nước công nghiệp vào năm 2020.

Tại buổi gặp gỡ với các doanh nghiệp châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu cũng khẳng định tiềm năng hợp tác giữa hai bên là rất khả quan. Tuy nhiên, ngài Chủ tịch cũng cho rằng Việt Nam cần cải thiện thể chế và hướng tới phát triển kinh tế một cách bền vững, hấp dẫn hơn để thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là từ EU. Cùng với đó, Việt Nam cần có khung pháp lý rõ ràng, có định hướng và ổn định hơn, hạn chế hẳn tình trạng tham nhũng.

Đề cập đến Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), ngài Herman Van Rompuy nhấn mạnh rằng đây là công cụ tốt nhất để thúc đẩy các thay đổi về mặt thể chế từ phía Việt Nam, hướng tới nền kinh tế thị trường và môi trường cạnh tranh công bằng hơn. FTA sẽ giúp đảm bảo con đường bền vững và có định hướng cho hàng Việt Nam đến với 500 triệu người tiêu dùng châu Âu. Trong khi đó, EU có cơ sở pháp lý cam kết đầu tư bền vững ở ASEAN.

Mặt khác, FTA sẽ giúp Việt Nam có được nguồn cung tài chính và công nghệ đáng tin cậy, tiên tiến và chất lượng hàng đầu từ châu Âu, có thể giúp Việt Nam tiến xa hơn trên con đường phát triển bền vững. Chủ tịch Hội đồng châu Âu cho rằng Hiệp định này sẽ giúp đưa vị thế của Việt Nam trong khu vực lên một tầm cao mới./.

Hoàng Anh Tuấn (TTXVN)
--------
Nhà báo ra tòa vì công bố tài khoản của quan chức

Một phóng viên điều tra người Hy Lạp đã phải ra tòa hôm 1/11 vì công bố danh tính của nhiều quan chức nước này được cho là sở hữu các tài khoản ở ngân hàng Thụy Sĩ.

Trước đó, hôm 28/10, cảnh sát Hi Lạp đã bắt giữ Costas Vaxevanis, 46 tuổi, một cựu phóng viên truyền hình với cáo buộc nhà báo này đã "vi phạm quyền đăng tải thông tin cá nhân" sau khi ông công khai "danh sách đen" nói trên cho tạp chí Hot Doc.

Viết trên trang Twitter của mình trước phiên tòa, Vaxevanis cho hay: “Chúng ta sẽ cam chịu điều này chứ?”

Các luật sư của phóng viên Vaxevanis cho biết một số người có tên trong danh sách mà phóng viên này đã nêu trong bài báo sẽ ra làm chứng tại tòa.

Luật sư này cũng lên tiếng cáo buộc nhà nước Hy Lạp “đạo đức giả” và nói rằng hệ thống tư pháp đang cúi đầu trước hệ thống chính trị tham nhũng.

Hôm 27/10, tạp chí Hot Doc đã bất ngờ tung ra danh sách hàng nghìn người Hy Lạp trốn thuế, vốn do phóng viên Vaxevanis cung cấp sau khi ông nhận được một lá thư nặc danh và người gửi khẳng định đã nhận danh sách đen từ một chính trị gia.

Danh sách 2.059 người Hi Lạp trốn thuế bao gồm nhiều nhà kinh doanh, chủ thầu, chủ tàu buôn, luật sư, bác sĩ và một số quan chức.

Theo tạp chí Hot Doc, tất cả người Hi Lạp này đều có tài khoản tại chi nhánh Geneva của Ngân hàng HSBC.

Bản danh sách gây tranh cái này vốn được một nhân viên ngân hàng tuồn ra và chuyển tới Hy Lạp năm 2010 bởi Bộ trưởng Tài chính Pháp khi đó, bà Christine Lagarde, người hiện là Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế. Vì vậy, bản danh sách này còn được gọi là “Lagarde List.”

Trong ấn bản mới nhất của tạp chí Hot Doc ra ngày 1/11, nhà báo Vaxevanis đã lên án nhiều đồng nghiệp của mình đã cố tình ém nhẹm vụ việc này đồng thời giải thích tại sao mình lại công khai bản danh sách nói trên.

Hy Lạp đang trải qua cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ nhất trong lịch sử, trong bối cảnh xảy ra những cuộc biểu tình liên miên phản đối chính sách thắt chặt chi tiêu của chính phủ.

Việc danh sách nhiều quan chức có tài khoản nước ngoài càng làm gia tăng bất bình trong dân chúng./.

Trà My (Vietnam+)
---------
 Gruzia muốn bắt đầu kỷ nguyên mới với Nga

Thủ tướng nước này đã chỉ định một đặc phái viên phụ trách việc hàn gắn quan hệ với Moscow.

Thủ tướng Gruzia Bidzina Ivanishvili ngày 1/11 đã chỉ định cựu Đại sứ nước này tại Nga Zurab Abashidze làm đặc phái viên phụ trách việc hàn gắn quan hệ với Moscow. Quyết định này của Gruzia cho thấy những nỗ lực của chính phủ mới trong việc cải thiện mối quan hệ với Nga bị gián đoạn sau khi Nga công nhận độc lập của hai tỉnh tự trị Abkhazia và Nam Ossestia ly khai khỏi Gruzia năm 2008.

Thủ tướng Ivanisvili nhấn mạnh, Gruzia sẽ bắt đầu kỷ nguyên mới với Nga, đồng thời bày tỏ hy vọng Moscow cũng sẽ có bước đi tương tự để mối quan hệ song phương có bước chuyển biến tích cực.

Ông Ivanishvili nêu rõ, Gruzia và Nga có lịch sử chung sống lâu đời - trước, trong và sau thời Liên bang Xô Viết. Chính vì vậy, Gruzia không muốn mất đi mối quan hệ này. Ông Ivanishvili cũng khẳng định, ban lãnh đạo mới Gruzia chủ trương cải thiện quan hệ với Nga trong khi vẫn tiếp tục thực hiện đường lối liên kết với Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ông Ivanishvili nhấn mạnh: “Ưu tiên của chính phủ mới đó là gia nhập EU và NATO. Chúng tôi nhận thức rằng, Gruzia nên tham gia vào các hoạt động quân sự quốc tế và đóng góp vào những nghị quyết liên quan đến những vấn đề mà quốc tế đang phải đối mặt. Chúng tôi sẽ bắt đầu đối thoại với Nga thông qua sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế”.

Nga mới đây cũng bày tỏ hy vọng chính phủ mới tại Gruzia sẽ xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nam Ossestia, Abkhazia và Nga sau cuộc bầu cử tại Gruzia vừa qua.

Những động thái này cho thấy mối quan hệ giữa hai nước láng giềng này đang tan băng sau thời gian gián đoạn khi Nga công nhận hai tỉnh tự trị Abkhazia và Nam Ossestia ly khai khỏi Gruzia năm 2008. Tuy nhiên giới quan sát nhận định, mặc dù hai bên đang rất nỗ lực nhưng con đường phía trước vẫn đầy thách thức. Vòng đàm phán an ninh lần thứ 21 giữa Nga và Gruzia diễn ra ngày 11/10 vừa qua không đạt được đột phá nhằm đi tới một thỏa thuận về không sử dụng vũ lực giữa các bên. Vòng đàm phán tiếp theo được ấn định sẽ diễn ra vào ngày 12/12 tới.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây cũng bác bỏ những thông tin cho rằng Nga sẽ tiến hành đàm phán với Gruzia về tương lai của hai quốc gia láng giềng là Abkhazia và Nam Ossestia, nhấn mạnh tương lai của các quốc gia này nên do chính người dân hai nước tự quyết định. Ngay sau khi được bổ nhiệm, Đặc phái viên mới của Gruzia Abashidze cũng cho rằng, đã đến lúc cần phải bắt đầu tiến hành đối thoại với Nga và từng bước giải quyết những vấn đề phức tạp tồn đọng trong mối quan hệ song phương Nga - Grudia.

Tuy nhiên ông Abashidze cũng thừa nhận những vấn đề như khôi phục quan hệ kinh tế - thương mại, văn hóa và nhân đạo dễ dàng giải quyết hơn bởi chỉ cần lãnh đạo hai nước có ý chí chính trị cao. Song vẫn có những vấn đề hết sức phức tạp mà để giải quyết chúng đòi hỏi phải có thời gian và sự nỗ lực của hai bên./.

Phạm Hà/VOV-Trung tâm tin
--------
 Châu Âu chia rẽ trước thềm hội nghị về ngân sách dài hạn

 Đề xuất tăng ngân sách của Ủy ban châu Âu đang gây ra sự bất đồng các thành viên EU.

Các cuộc đàm phán về ngân sách dài hạn của Liên minh châu Âu, dự kiến diễn ra tại hội nghị cấp cao khu vực vào cuối tháng này đang có dấu hiệu bị chia rẽ sâu sắc. Một lần nữa, những lo lắng về khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài suốt 3 năm qua lại dấy lên mạnh mẽ.

Kế hoạch dự thảo ngân sách giai đoạn 2014-2020, được Ủy ban châu Âu công bố tháng 2/2011 đề xuất, ngân sách của Liên minh châu Âu sẽ được giới hạn ở mức 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước thành viên. Hiện có 15 nước ủng hộ đề xuất của Ủy ban châu Âu tăng ngân sách nhằm thúc đẩy sự phát triển và năng lực cạnh tranh kinh tế ở các nước nghèo hơn trong khối. Tuy nhiên, cũng sẽ là không ngạc nhiên, khi các nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu lại đồng loạt đưa ra cảnh báo phủ quyết dự thảo ngân sách khi chứng kiến phần đóng góp của mình tăng lên. Song sự cứng rắn của các nước giàu lại có nguy cơ ảnh hưởng tới khả năng phản ứng của khối trong giai đoạn khủng hoảng hiện  nay.

Theo chân Đan Mạch, Chính phủ Pháp mới đây đã dọa phủ quyết ngân sách giai đoạn 2014-2020 của Liên minh châu Âu, theo đó sẽ không ủng hộ bất kỳ sự cắt giảm tiếp theo nào trong ngân sách dành cho khu vực nông nghiệp. Tuần trước, Chính phủ Đan Mạch cũng tuyên bố sẽ phủ quyết kế hoạch ngân sách dài hạn của Liên minh châu Âu nếu nước này không được giảm phần đóng góp cho ngân sách của tổ chức này.

Tại Anh, dù vấp phải sự phản đối ngay trong chính đảng bảo thủ của mình, song chính phủ của Thủ tướng Anh David Cameron vẫn tuyên bố sẽ giữ lập trường cứng rắn trong đàm phán về ngân sách, trong điều kiện tốt nhất sẽ ủng hộ việc cắt giảm, trong điều kiện xấu nhất sẽ ủng hộ việc ngừng tăng ngân sách và sẵn sàng dùng quyền phủ quyết nếu hội nghị sắp tới không đạt được một thỏa thuận có lợi cho nước Anh.

Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne khẳng định: “Tất cả đều muốn thấy ngân sách châu Âu được cắt giảm. Các cuộc đàm phán mới chỉ bắt đầu, vẫn còn 26 nước thành viên nữa. Song chúng tôi muốn nói rõ rằng, chúng tôi sẽ không chấp nhận những thỏa thuận không có lợi cho nước Anh”.

Trong khi đó, cuộc chiến “bất đồng ngân sách” giữa Anh và Đức cũng có dấu hiệu tăng nhiệt khi Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây cảnh báo nước này sẽ tìm cách hủy cuộc họp cấp cao Liên minh châu Âu bàn về ngân sách châu Âu cho 7 năm tới, cũng như vai trò của Anh trong khối, dự kiến được tổ chức vào ngày 22 và 23/11 tới, nếu Anh vẫn quyết tâm phủ quyết bất cứ thỏa thuận nào liên quan đến việc tăng ngân sách cho Liên minh châu Âu.

Trong một phát biểu ngày 1/11, Thủ tướng Đức Merkel cũng khẳng định sẽ làm tất cả nhằm đạt được một giải pháp cho ngân sách châu Âu. Bà nhấn mạnh: “Là điều bình thường khi các nước xác định lập trường của mình trước khi diễn ra các cuộc đàm phán. Song tôi sẽ có các cuộc tiếp xúc trực tiếp và trao đổi cơi mở với Thủ tướng Anh David Cameron vào tuần tới. Đức sẽ làm tất cả để có thể tìm ra một giải pháp cho vấn đề ngân sách”.

Thực tế, bất đồng về ngân sách cho các hoạt động của Liên minh châu Âu là khó tránh khỏi, nhất là trong bối cảnh kinh tế chung của các nước không mấy khả quan. Song những bất đồng trong nội bộ này đang tạo ra thách thức mới cho Liên minh châu Âu trong bối cảnh “con bệnh” nợ công vẫn chưa có thuốc đặc trị. Theo các nhà phân tích, các nước cần tìm kiếm sự đồng thuận từ những khác biệt, nếu không căn bệnh nợ công sẽ không chỉ dừng lại ở Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha hay Italy./.

Thu Hoài/VOV-Trung tâm tin
----------
Hé lộ ứng viên gốc Việt tiềm năng trong bầu cử Mỹ

Một người đàn ông gốc Việt đang nắm những lợi thế vượt trội trong cuộc bầu cử chức thị trưởng thành phố Westminster vào ngày 6/11.

Đã từ lâu, quận Cam, California, Mỹ là nơi sinh sống của khá nhiều người gốc Việt. Tuy nhiên, chưa bao giờ người gốc Việt có thể nắm giữ chức vụ thị trưởng thành phố Westminster.

Dù vậy, mọi việc có thể sẽ thay đổi khi Tri Ta, người đàn ông 39 tuổi gốc Việt đang là ứng viên sáng giá nhất cho chức thị trưởng Westminster. Trong số 5 ứng viên chức thị trưởng thành phố, Tri Ta đang nắm giữ những lợi thế khá vượt trội so với đố thủ. Ngoài ra, ông còn có quãng thời gian 6 năm làm việc trong Hội đồng thành phố cùng với sự ủng hộ của Margie Rice, Thị trưởng lâu năm nhất của Westminster.

Không ít người nhận định, việc một người Việt đảm trách cương vị thị trưởng thành phố, nơi 1/3 cư dân là người gốc Việt là điều hoàn toàn hợp lý. Theo thống kê, có tới 91.000 người sống ở Westminster là người gốc Việt. Tuy nhiên, sự nghiệp chính trị của Tri Ta không vì thế mà được trải thảm đỏ. Đối thủ lớn nhất của ông trong cuộc đua sắp tới là Penny Lommer, một trong những chính trị gia “lão làng” của thành phố.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong những trở ngại phía trước Tri Ta. Dù đắc cử chức thị trưởng thành phố Westminster, ông Tri Ta vẫn phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, mà rõ ràng nhất là việc cắt giảm gần 70 công chức trong Hội đồng thành phố, cùng với việc chi 3 triệu USD nhằm cân bằng ngân sách thành phố.

Tri Ta tới Mỹ năm 1992 với mục đích theo học chuyên ngành công nghệ thông tin. Tuy nhiên, Ta chuyển sang theo học chuyên ngành chính trị sau kỳ học đầu tiên về công nghệ và tìm thấy niềm đam mê thực sự đối với chính trường. Dù còn khá trẻ tuổi nhưng Tri Ta đã có nhiều năm gắn bó với chính trị và được bầu vào hội đồng thành phố Westminster từ 6 năm trước đây.

Hồng Duy
Theo Infonet, Zing
--------
Mỹ không thay đổi chính sách với châu Á-TBD

 Châu Á - Thái Bình Dương được xem là khu vực có nhiều lợi ích về an ninh cũng như kinh tế đối với Mỹ.

Trong một phát biểu ngày 1/11 ở Washington, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á Kurt Campbell cho biết, Mỹ sẽ không thay đổi chính sách cũng như các cam kết đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cho dù ai giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới.

Ông Campbell nhấn mạnh, Mỹ sẽ tích cực can dự vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương bởi Mỹ có nhiều lợi ích về an ninh cũng như kinh tế tại khu vực này và đây là chính sách nhất quán của Chính phủ Mỹ.

Đầu năm nay, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố chiến lược quốc phòng mới, theo đó tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ đã triển khai một đơn vị lính thủy đánh bộ gồm 250 binh sỹ tới Australia và con số này sẽ tăng lên 2.500 binh sỹ vào năm 2016.

Theo kế hoạch, lực lượng hải quân Mỹ sẽ dồn 60% nguồn lực vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2020./.

Ngọc Khương/VOV-Trung tâm tin
(Theo NHK)
--------------
Quan chức đường sắt Đài Loan bị bắt vì tham nhũng

Phó Giám đốc Cơ quan đường sắt Đài Loan và năm nhân viên đã bị cảnh sát bắt giữ do cáo buộc nhận hối lộ trong những vụ việc dính líu đến.

Ông Chung Chao-hsiung và những người khác bị cáo buộc nhận hối lộ từ ít nhất hai nhà thầu trong các dự án, trong đó có ngân sách tổng cộng khoảng 10 triệu USD.

Tờ Apple Daily của Đài Loan trích các nguồn giấu tên cho biết các nhà thầu còn chiêu đãi ông Chung các “bữa tiệc tình dục” để moi thông tin.

Thời gian qua, có nhiều vụ tham nhũng và nhận hối lộ tai tiếng ở Đài Loan, buộc chính phủ phải thành lập một ủy ban đặc biệt phòng chống tham nhũng.

Ông Lin Yi-shih, một cựu quan chức hàng đầu của Đài Loan, từng bị buộc tội ăn hối lộ hồi tuần trước khi đã nhận 2 triệu USD từ các đối tác.

Theo giới quan sát, những vụ việc nêu trên đang giáng một đòn mạnh lên chính phủ của Tổng thống Mã Anh Cửu, người mới tái đắc cử trước đó và cũng là người thường đưa ra những phát biểu mạnh mẽ nhằm giải quyết tình trạng tham nhũng nhận hối lộ./.

Trà My (Vietnam+)
----------
 Hàn Quốc phủ nhận tin anh trai Kim Jong-un xin tị nạn chính trị

 Kim Jong-nam đã liên hệ với nhân viên tình báo Nam Hàn từ 1 nước thứ 3 để xin tị nạn chính trị ngay trên bán đảo Triều Tiên

Nhật báo Joins Hàn Quốc ngày 1/11 đưa tin, cơ quan tình báo Hàn Quốc đã lên tiếng bác bỏ tin đồn anh trai cả của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, ông Kim Jong-nam 41 tuổi xin tị nạn chính trị tại Hàn Quốc.

Trước đó ngày 31/12 một số tờ báo Hàn Quốc dẫn lời nguồn tin của họ cho hay Kim Jong-nam đã liên hệ với nhân viên tình báo Nam Hàn từ 1 nước thứ 3 để xin tị nạn chính trị ngay trên bán đảo Triều Tiên để đảm bảo an toàn cho cá nhân ông.

Những tờ báo này đã cử phóng viên tới Phủ tổng thống, Cục Tình báo quốc gia và cả cơ quan tình báo quân đội đề nghị xác nhận thông tin trên. Tin Kim Jong-nam xin tị nạn chính trị tại Hàn Quốc được xác định xuất hiện đầu tiên trên tờ SNS Nhật Bản ngày 31/10.

Trong khi đó ngày 29/10 khi trả lời trong một phiên điều trần, thủ trưởng cơ quan tình báo Hàn Quốc đã né tránh câu hỏi "có nắm được thông tin Kim Jong-nam xin tị nạn chính trị ở Hàn Quốc hay không" với lý do "không tiện trả lời".

Ông Kim Jong-nam là con trai trưởng của cố lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-il và là anh cả của đương kim Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un (28 tuổi). Nhiều nguồn tin cho rằng ông đang sống tại Ma Cao, Trung Quốc.

Cách đây không lâu, Kim Han-sol, con trai Kim Jong-nam đã lên tiếng trả lời phỏng vấn một kênh truyền hình Phần Lan về cuộc sống của cậu cũng như những vấn đề xung quanh Bắc Triều Tiên qua lăng kính của cháu đích tôn nhà lãnh đạo Kim Jong-il đang theo học tại nước ngoài.

Hồng Thủy (Nguồn Joins, GDVN)
-----------
Xung đột tôn giáo - thách thức lớn đối với chính quyền Myanmar

Các cuộc xung đột giữa tín đồ Phật giáo và tín đồ Hồi giáo ở Myanmar trong suốt một tuần qua khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ biến từ "bạo loạn bình thường” thành các "hành động khủng bố có vũ trang”, đồng thời đẩy Chính phủ của Tổng thống Thein Sein đứng trước một thách thức đầy khó khăn.

Sự hận thù giữa các tín đồ Phật giáo và cộng đồng người Hồi giáo thiểu số Rohingya, từng cháy âm ỉ trong nhiều thập kỷ, đã bùng lên hồi tháng Sáu sau vụ một phụ nữ theo Phật giáo bị hãm hiếp và sát hại mà cộng đồng người Phật giáo ở Rakhine cáo buộc thủ phạm là những người Hồi giáo Rohingya. Sự hận thù biến thành bạo lực khi sáng sớm ngày 25-10 tại một thị trấn ở phía Bắc Sittwe, thủ phủ của bang Rakhine. Lửa bắt đầu xuất hiện ở làng Pích Thên với khoảng 20 ngôi nhà bị cháy, ba người dân tại bang Rakhine đã bị bắn chết ngay tại chỗ. Chỉ tính đến 30-10, tại Rakhine đã có 89 người thiệt mạng, 136 người bị thương và hơn 30.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Trong thời gian bạo lực tái bùng phát này, 5.351 ngôi nhà cũng bị đốt cháy.

Sau hơn một tuần lễ căng thẳng, tình hình tại Rakhine đã được kiểm soát và đang dần trở lại bình thường. Chính phủ Myanmar cho biết đã tịch thu được 180 khẩu súng tự chế trong làn sóng bạo lực tôn giáo mới ở bang Rakhine, miền Tây nước này. Trong một thông báo báo chí của Văn phòng Tổng thống Myanmar ngày 31-10, Chính phủ nước này bày tỏ lo ngại rằng các cuộc xung đột giữa tín đồ Phật giáo và tín đồ Hồi giáo có nguy cơ biến từ bạo loạn bình thường thành các "hành động khủng bố có vũ trang” sau khi các lực lượng an ninh Myanmar bị tấn công bằng súng tự chế. Giới chức cho biết đã "thi hành pháp luật” đối với hơn 1.000 đối tượng liên quan tới bạo lực tôn giáo, gây tình trạng mất ổn định ở bang Rakhine từ đầu tháng 6 cho đến cuối tháng 10.

Xung đột tôn giáo ở Myanmar được xem là một trong số những thách thức lớn nhất đối với chính quyền Myanmar trong thời điểm hiện nay, khi chính quyền Myanmar đang mở rộng quyền tự do cho đa số người dân, bao gồm cả việc thả các tù nhân chính trị và nới lỏng hạn chế Intenet.

Người Rohingya không được quốc gia nào coi là công dân chính thức. Chính phủ Myanmar gồm đa số là người theo Phật giáo coi cộng đồng người Rohingya (ước tính khoảng 800.000 người) tại đất nước này là những người nhập cư trái phép đến từ Bangladesh, đồng thời từ chối cho họ quyền công dân. Myanmar yêu cầu LHQ trợ giúp bằng cách giúp họ hồi hương hoặc phối hợp thực hiện các nỗ lực cứu trợ. Tuy nhiên, từ năm 1992, Bangladesh cũng không trao cho cộng đồng Rohingya quy chế người tị nạn.

Tình cảnh khó khăn hiện nay của cộng đồng thiểu số người Rohingya tại Myanmar đang thu hút sự quan tâm của thế giới, khiến chính quyền Myanmar chịu sự chỉ trích mạnh mẽ từ thế giới Hồi giáo, tạo ra áp lực đối với Myanmar, buộc quốc gia này phải tìm ra một giải pháp cho vấn đề vốn đã âm ỉ cháy trong nhiều thập kỷ qua. Các nhà ngoại giao và các tổ chức nhân quyền cũng chỉ trích Bangladesh vì quốc gia này đã từ chối nhận thêm người Rohingya tới tị nạn. Bangladesh hiện đang là nơi cư trú của hàng nghìn người tị nạn Rohingya. Tuy nhiên, thậm chí ngay cả khi thế giới bên ngoài vẫn tiếp tục gây áp lực, vấn đề này sẽ không thể có được một giải pháp dễ dàng.

Kể từ khi quân đội chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự, một vận hội mới đầy tiềm năng phát triển mở ra cho Myanmar. Tuy nhiên, cuộc xung đột tôn giáo ở miền Tây đang là một rào cản lớn đối với công cuộc xây dựng và phát triển của Myanmar, có thể hủy hoại tiến trình cải cách, vốn đang được quốc tế hoan nghênh./.
Châu Giang
Đại Đoàn Kết
--------
Viện trưởng Viện Thống Nhất Hàn Quốc phải từ chức

Theo mạng tin Sankei ngày 2/11, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thống nhất - cơ quan nghiên cứu trực thuộc Chính phủ Hàn Quốc, ông Kim Tae Woo, 62 tuổi, bị buộc phải từ chức do bị dư luận và quốc hội phản ứng gay gắt sau khi đưa ra quan điểm “cùng Nhật Bản sở hữu tài nguyên đáy biển và vùng biển xung quanh” quần đảo tranh chấp Takeshima, Hàn Quốc gọi là Dokdo.

Theo quan điểm của ông Kim, hai nước cần bàn đến việc cùng khai thác và sử dụng “trên cơ sở Nhật Bản thừa nhận chủ quyền của Hàn Quốc” song dư luận ở Hàn Quốc cho rằng hành động này là nhượng bộ Nhật Bản và không thể tha thứ.

Mạng Sankei cho rằng việc ông Kim Tae Woo bị buộc phải từ chức một lần nữa cho thấy thực tế là không có tự do ngôn luận trong vấn đề Takeshima/Dokdo ở Hàn Quốc.

Ông Kim Tae Woo là chuyên gia về vấn đề an ninh và hạt nhân, từng có thời gian dài công tác tại Viện Nghiên cứu quốc phòng thuộc Chính phủ Hàn Quốc.

Ông thường tham gia tranh luận trên báo chí với các bài viết và bình luận trên quan điểm bảo thủ. Tháng 8/2011, ông nhậm chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu thống nhất phụ trách vấn đề Triều Tiên.

Vào thời điểm cuối tháng Tám vừa qua, khi quan hệ Nhật-Hàn xấu đi nghiêm trọng sau sự kiện Tổng thống Lee Myung-bak thăm đảo Dokdo, ông Kim đã cho đăng trên website của Viện này bài nghiên cứu với luận thuyết “sử dụng chung đảo Dokdo” như là một biện pháp khẳng định chủ quyền và giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên, quan điểm này của ông bị dư luận trên mạng Internet và các nghị sĩ đối lập chỉ trích gay gắt và Ủy ban giám sát chính trị của Quốc hội đã yêu cầu ông phải từ chức./.

(Vietnam+)
--------
 Thổ Nhĩ Kỳ nóng lòng gia nhập EU

Tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu không có nhiều tiến triển trong thời gian qua khiến Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy “sốt ruột”.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trong chuyến thăm Đức mới đây đã khiến dư luận bất ngờ khi tuyên bố nước này sẽ từ bỏ các nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu (EU) nếu như không đạt được mục tiêu này vào năm 2023. Đây là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra tuyên bố cụ thể về thời hạn mà nước này có thể chờ đợi trên con đường gia nhập EU. Có vẻ như tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu không có nhiều tiến triển trong thời gian qua khiến Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy “sốt ruột”.

Đến thăm Đức nhưng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan lại khiến dư luận phải quan tâm đến mối quan hệ giữa Ankara với Liên minh châu Âu (EU) nhiều hơn. Lý do là bởi ông Erdogan đã lần đầu tiên công khai phàn nàn rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã phải chờ đợi quá lâu để được gia nhập Liên minh Châu Âu, đồng thời tuyên bố liên minh châu Âu sẽ "để mất" Thổ Nhĩ Kỳ nếu không sớm kết nạp nước này làm thành viên.

Trong bối cảnh, thời gian gần đây mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU không được “thuận buồm xuôi gió”, những tuyên bố của Thủ tướng Erdogan được xem như là “tối hậu thư” gửi đến Liên minh châu Âu. Tuy vậy, thái độ này của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khiến cho dư luận không khỏi bất ngờ, bởi gần 50 năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ luôn theo đuổi mục tiêu được kết nạp vào Cộng đồng châu Âu (EC) trước đây và Liên minh châu Âu (EU) hiện nay.

Hầu hết, các nước thành viên Liên minh châu Âu đều có chung cảm nhận Thổ Nhĩ Kỳ cần khối này hơn là ngược lại. Kể từ khi được công nhận quyền đàm phán chính thức để gia nhập khu vực này từ năm 2005, cho đến nay, người ta chỉ thấy Liên minh châu Âu đưa ra điều kiện và áp đặt lộ trình để Ankara đàm phán việc gia nhập khối chứ không thấy điều ngược lại.

Tuyên bố của Thủ tướng Erdogan khiến dư luận thấy rằng Thổ Nhĩ Kỳ dường như tự tin hơn có lẽ do nước này nhận thấy tầm quan trọng và lợi ích đối với Liên minh châu Âu.

Do đâu mà Thủ tướng Erdogan có những phát biểu đáng ngạc nhiên như vậy? Trước tiên, có lẽ do Thổ Nhĩ Kỳ đã quá nóng lòng với mục tiêu trở thành thành viên của ngôi nhà chung châu Âu. Thực tế, suốt 7 năm qua, những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ để trở thành thành viên Liên minh châu Âu không đạt được những bước tiến triển đáng kể nào do vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia thành viên trong khối. Đơn cử như Cộng hòa Cyprus đã khẳng định rằng họ sẽ cản trở nỗ lực này của Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi nào đảo Cyprusp được thống nhất và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi đất nước này.

Một thành viên khác của Liên minh châu Âu là Bulgaria thậm chí đưa ra yêu cầu đòi Thổ Nhĩ Kỳ bồi thường 20 tỷ USD do Đế quốc Ottoman đã trục xuất khoảng 250.000 người Bulgaria trong thời kỳ chiến tranh Balkan năm 1913 để đổi lấy lá phiếu thuận của Bulgaria cho phép Thổ Nhĩ Kỳ ra nhập khối này.

Hiện, Thổ Nhĩ Kỳ mới chỉ hoàn thành 1 trong 35 điều khoản mà Liên minh châu Âu đặt ra, và những khúc mắc còn tồn tại mà Thổ Nhĩ Kỳ chưa đáp ứng được đó là các yêu cầu về nhân quyền và tự do ngôn luận.

Lý do thứ hai có lẽ Thổ Nhĩ Kỳ đang tự tin về vị thế quốc tế và tiềm lực kinh tế, tài chính của mình. Không thể phủ nhận rằng, trong những năm qua kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển một cách nhanh chóng và được coi là một “Trung Quốc ở châu Âu”. Thậm chí nước này còn tuyên bố sẵn sàng tham gia giúp Liên minh châu Âu thoát khỏi khủng hoảng tài chính. Nằm ở vị trí địa chiến lược quan trọng, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng mình có thể đóng góp tích cực cho sự ổn định tình hình khu vực và trở thành đối tác không thể bỏ qua của Liên minh châu Âu. Bản thân Liên minh châu Âu cũng coi Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác rất quan trọng. Nhưng để Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên của khối thì vẫn còn nhiều điều phải bàn.

Vì thế, thái độ “sốt ruột” đã chuyển thành “tự ái” của Thổ Nhĩ Kỳ cũng là điều có thể lý giải. Mặc dù ngay sau đó, trong buổi họp báo chung, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cam kết rằng Liên minh châu Âu sẽ chân thành trong các cuộc đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối này, song tiến trình để Ankara hòa nhập với Liên minh châu Âu chắc chắn sẽ là một chặng đường dài phía trước./.

Thanh Huyền/VOV 1
---------
 Bão Sandy tại Mỹ: Gần 100 người thiệt mạng, thiệt hại 50 tỉ USD

Con số người thiệt mạng vì bão Sandy ở Mỹ tiếp tục tăng, hiện đã lên gần 100 người, khi bão đã đi qua 3 ngày. Riêng ở thành phố New York, 37 người chết và nhiều người khác vẫn mất tích.

Ngoài ra, khoảng 4,5 triệu người ở 12 bang vẫn sống trong cảnh mất điện, nhiên liệu vẫn bị thiếu thốn.

Cơ quan bảo vệ quốc gia dự kiến chuyển 1 triệu bữa ăn và nước đóng chai cho người dân New York bị ảnh hưởng do bão.

Số người chết tại Mỹ đã vượt xa số người chết ở Caribe, nơi 69 người thiệt mạng khi Sandy quét qua.

Thiệt hại do bão gây ra ước tính lên tới 50 tỉ USD, theo công ty dự báo thảm họa Eqecat, gấp đôi con số dự báo trước đó.

Hàng trăm ngôi nhà bị thiêu rụi tại New York

Tại New York, một số dịch vụ đường tàu điện ngầm đã nối lại vào thứ năm, mặc dù 4/7 đường hầm tàu điện ngầm dưới sông Đông vẫn bị ngập.

Vé tàu hỏa, tàu điện ngầm, xe buýt tạm thời được miễn phí, để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, tránh gây tắc đường. Giới chức thành phố chỉ cho phép xe có ba người ngồi trở lên vào Manhattan.

Hệ thống đường tàu Antrak dự kiến sẽ nối lại dịch vụ ở Bờ Đông, tuyến đường đông đúc nhất tại Mỹ, vào thứ sáu.

Tại Hạ Manhattan, nơi bão Sandy gây sóng thủy triều cao tới 4,2m, dịch vụ tàu điện ngầm vẫn bị đóng và hàng trăm ngàn hộ gia đình vẫn mất điện.

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo hôm qua đã yêu cầu Cơ quan bảo vệ quốc gia giúp chuyển khoảng đồ cứu trợ cho 1 triệu dân trong bang, ưu tiên người già, người nghèo và đặc biệt là những người sống ở các tòa chung cư cao tầng.

Số người chết đã tăng lên sau đêm bão quét qua, khi mức độ thiệt hại tại khu vực Staten Island, tây nam thành phố New York hiện rõ dưới ánh sáng ban ngày, nơi ít nhất 15 thi thể đã được tìm thấy. Một trong những trận bão lớn nhất Mỹ trong nhiều thập niên đã làm ngập lụt quận thấp, cuốn phăng nhiều ngôi nhà.

Ở Breezy Point, thành phố New York, hỏa hoạn đã thiêu rụi 111 ngôi nhà và nhiều người ví nơi đây như vùng chiến sự.

Tại Hoboken, New Jersey, cách thành phố New York con sông Hudson, khoảng 20.000 người vẫn mắc kẹt trong nhà và bị nước ngập cùng nước thải bủa vây. Nhiều người đã phớt lờ cảnh báo sơ tán, ở lại để giữ nhà. Cơ quan bảo vệ quốc gia hiện đang giúp sơ tán và phân phát đồ ăn cho họ.

Vũ Quý
Theo BBC, Dân Trí
----------
An toàn cho người Do Thái là mục tiêu quốc gia của Pháp

Trong lễ tưởng nhớ ba trẻ em Do Thái và một giáo trưởng bị một tay súng Hồi giáo bắn chết ở miền Nam nước Pháp, Tổng thống Francois Hollande ngày 1/11 nhấn mạnh việc đảm bảo an toàn cho người Do Thái là “mục tiêu quốc gia” của Pháp.

Phát biểu tại một trường học Do Thái ở Toulouse, nơi tổ chức buổi lễ trên với sự tham dự của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ông Hollande tuyên bố “Pháp sẽ truy lùng khủng bố bằng tất cả những phương tiện có thể” và bày tỏ quyết tâm chống chủ nghĩa bài Do Thái. Ông cam kết thực thi các biện pháp để đảm bảo người Do Thái được an toàn tuyệt đối ở Pháp.

Tháng 3 vừa qua, Mohamed Merah, kẻ tự xưng là người ủng hộ Al-Qaeda, đã nổ súng vào một giáo trưởng, ba trẻ em Do Thái và ba lính dù của Pháp trong những cuộc tấn công ở bên trong và xung quanh thành phố Toulouse, miền Nam nước Pháp, trước khi bị cảnh sát bao vây và bắn hạ.

TTXVN/Tin tức
----------
Kẻ âm mưu đánh bom Nhà Trắng đi tù 17 năm

Một người Mỹ ủng hộ mạng lưới khủng bố Al-Qaeda vừa bị kết án tù 17 năm vì âm mưu đánh bom Nhà Trắng bằng máy bay điều khiển từ xa chứa chất nổ.

Rezwan Ferdaus, 27 tuổi, hồi tháng 7 nhận tội về kế hoạch mà thực chất là một cái bẫy của FBI. Sau khi mãn hạn tù 17 năm, Ferdaus sẽ tiếp tục bị giám sát trong vòng 10 năm nữa, AFP dẫn tuyên bố của Bộ Tư pháp Mỹ.

Ferdaus bị bắt giữ hồi tháng 9/2011, sau khi các nhân viên Cục tình báo liên bang Mỹ (FBI) cải trang làm thành viên của Al-Qaeda giao những vũ khí mà hắn yêu cầu, bao gồm súng trường, chất nổ, lựu đạn.

Ferdaus nói với các tình báo rằng hắn dự định sử dụng máy bay chứa lựu đạn và chất nổ được kích hoạt bằng điện thoại di động để "đánh sập nơi kinh tởm này". Hồi tháng 6/2011, hắn còn dự định mở rộng kế hoạch tiến công trên mặt đất vào Lầu Năm Góc và đòi được cung cấp thuốc nổ, lựu đạn và vũ khí tự động. Cũng trong tháng này, hắn đã thuê một phòng chứa đồ bằng tên giả.

Các quan chức miêu tả Ferdaus là một sinh viên ngành vật lý thuộc đại học Tây Bắc ở Boston. Kẻ ủng hộ Al-Qaeda này được cho là đã tham gia vào phong trào "thánh chiến bạo lực" mà mạng khủng bố khét tiếng phát động để lật đổ các chế độ ở các quốc gia Arab và Hồi giáo vào đầu năm ngoái.

Trọng Giáp
VNexpress

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te