TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin nhanh 18-10-2012


Biện pháp trừng phạt của EU tác động đến châu Âu

Kênh truyền hình Press TV của Iran ngày 17/10 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Ramin Mehmanparast tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Tehran sẽ càng khiến nền kinh tế đang lún sâu trong khủng hoảng của châu Âu thêm bất ổn.

Ông Mehmanparast cho rằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới của EU đi ngược với các quy định và luật pháp quốc tế, trong đó có quyền tự do thương mại và giao dịch tài chính giữa các nước. Ông cho rằng việc EU kiên quyết sử dụng những công cụ "cũ rích và không văn minh" này thay vì các biện pháp đối thoại và ngoại giao trên cơ sở cùng tôn trọng lẫn nhau sẽ chỉ khiến vấn đề thêm phức tạp.

Ông nhấn mạnh cách tiếp cận này không những không giúp giải quyết vấn đề mà thậm chí còn ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế châu Âu trong bối cảnh đang có khủng hoảng kinh tế tại khu vực này và châu Âu sẽ phải đối mặt với hậu quả từ việc làm này.

Theo ông, Iran đã có kinh nghiệm đối phó với các biện pháp trừng phạt của phương Tây trong ba thập kỷ qua, đồng thời khẳng định Tehran sẽ vẫn tiếp tục chương trình phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình phù hợp với quyền của nước này. Ông khẳng định các biện pháp đơn phương mà phương Tây áp đặt chống Iran là "bất hợp pháp", "vô lý" và "vô nhân đạo".

Trước đó, trong một cuộc họp ở Brussels, Bỉ, ngày 15/10, các ngoại trưởng EU đã thông qua gói biện pháp trừng phạt tài chính-thương mại cứng rắn mới đối với Iran nhằm gây sức ép để đạt được bước đột phá trong các cuộc đàm phán bị đình trệ lâu nay liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Gói trừng phạt mới nhằm vào những thỏa thuận của EU với các ngân hàng cũng như hoạt động thương mại, vận tải và nhập khẩu khí đốt của Iran. Cụ thể, EU nhất trí cấm mọi giao dịch giữa các ngân hàng của EU và Iran, trừ các ngân hàng được cấp phép từ trước, kể cả vì các lý do nhân đạo.

Các biện pháp trừng phạt đối với Ngân hàng Trung ương Iran cũng sẽ được tăng cường và bổ sung các mặt hàng bị cấm xuất khẩu sang Iran như than chì, kim loại, phần mềm công nghiệp và tàu chở dầu./.

(TTXVN)
---------
Ủy viên EU từ chức vì bị cáo buộc gian lận

Ủy viên phụ trách chính sách y tế và tiêu dùng của Liên minh châu Âu (EU) John Dalli vừa bất ngờ từ chức sau khi bị Cơ quan chống gian lận của EU (OLAF) điều tra vì cáo buộc gian lận.

 Các nhà điều tra cho rằng ông John Dalli biết rõ việc một doanh nhân đồng hương người Malta sử dụng mối quan hệ với ông để hi vọng gây ảnh hưởng tới đạo luật về các sản phẩm thuốc lá sắp tới của EU. Ông Dalli đến nay vẫn khẳng định mình không làm gì sai, nhưng từ chức để bảo vệ uy tín của cá nhân và Ủy ban châu Âu.

Theo Reuters, cuộc điều tra được bắt đầu sau khi OLAF nhận được đơn kiện của Match, hãng sản xuất xì gà và thuốc lá bột Thụy Điển vào tháng 5-2012. Theo đó, Match cho rằng một doanh nhân (giấu tên) nhờ có mối quan hệ với ông Dalli đã tìm cách trục lợi từ công ty bằng cách hứa hẹn sẽ tìm cách tác động lên dự luật liên quan tới sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là lệnh cấm xuất khẩu của EU nhằm vào mặt hàng thuốc lá bột. Đây là loại thuốc lá bị cấm bán ở nhiều nước thuộc EU, song được sản xuất và sử dụng tại Na Uy và Thụy Điển.

OLAF cho biết mặc dù không có bằng chứng cho thấy ông Dalli có “tham gia trực tiếp” vào vụ gian lận, song khẳng định ông Dalli biết rõ, thậm chí còn nhắm mắt làm ngơ cho vụ việc.

HẠNH NGUYÊN// Tuổi Trẻ
-----------------
Tổng thống Thein Sein tiếp tục lãnh đạo đảng cầm quyền

 Ngày 17/10, Tổng thống Myanmar Thein Sein đã được bầu lại làm người đứng đầu đảng cầm quyền tại một hội nghị nhằm “phục sinh” vận may chính trị của đảng đối với phe đối lập do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo.

Ông Thein Sein không còn đóng vai trò tích cực trong Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) kể từ khi ông trở thành tổng thống, và nhiều người dự đoán đối thủ chính của ông trong nội bộ đảng, ông Shwe Mann, sẽ nắm quyền lãnh đạo đảng.

Cuộc bầu cử năm 2015 của Myanmar được xem như là một trắc nghiệm quan trọng đối với chính phủ được quân đội hậu thuẫn trong một thời gian ngắn đã tiến hành những cải cách chính trị đáng kể.

Một thành viên Ban chấp hành USDP nói với BBC rằng, ông Thein Sein được bầu lại vì điều này phản ánh nguyện vọng của các thành viên đảng cầm quyền.

USDP không có một nhà lãnh đạo thường trực kể từ khi ông Thein Sein trở thành tổng thống Myanmar năm 2011. Đảng này hai năm trước đã thắng trong cuộc tổng tuyển cử mà những người chỉ trích nói là giả dối, nhưng sau đó đảng đã bắt tay vào một loạt cải cách.

Mặc dù phe đối lập do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đã tẩy chay cuộc bầu cử tháng 11/2010, nhưng sau đó họ tham gia chính trường trở lại và giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử bổ sung vào tháng Tư, tạo điều kiện cho đảng của bà có chỗ đứng khiêm tốn trong Quốc hội Myanmar.

VIỆT HƯNG (Theo Reuters, PNO)
---------
Thế giới có 72 triệu người phải sống ly hương

 72 triệu người trên thế giới đang phải rời bỏ nhà cửa để đi lánh nạn ở các nước khác. Đó là báo cáo mới nhất của Hội Chữ thập đỏ quốc tế về thảm họa thế giới hàng năm.

Báo cáo cho thấy, năm 2011 là năm mà các thảm họa gây ra nhiều thiệt hại vật chất nhất trong vòng một thập niên với 336 thảm họa đã gây tổn thất 3.655 tỷ USD cho các nước. Hơn nửa số tổn thất đó phát sinh từ vụ động đất và sóng thần ở Fukushima (Nhật Bản) hồi tháng 3 năm 2011.

Hội Chữ thập đỏ quốc tế cho rằng, số thống kê về thiệt hại đó tuy lớn nhưng không làm cho mọi người cảm thấy xúc động bằng việc ngày càng có nhiều người phải rời bỏ nhà cửa vì những yếu tố như chiến tranh, đàn áp, thiên tai, nghèo đói và những sự thay đổi của môi trường.
 

Người đứng đầu bộ phận di dân của Hội Chữ Thập đỏ quốc tế, bà Sue Lemesurier, đã làm việc với người tị nạn và người tản cư trong 20 năm qua cho biết, bà đã nhìn thấy sự đau đớn và thống khổ của phụ nữ, trẻ em (ảnh), những người lớn tuổi và những người tàn tật đã bị ly tán vì những thảm họa không do họ gây ra.

Trong số hơn 72 triệu người di dân bắt buộc, Liên Hợp Quốc ước tính chỉ có 15 triệu người được xem là người tị nạn, những người phải bỏ chạy vì xung đột. Trong 25 năm qua, chiến tranh đã giảm bớt và số người chết trong các cuộc nội chiến chỉ bằng 1/4 con số của thập niên 1980.

Mặc dù vậy, Liên Hợp Quốc cho biết bạo động và xung đột vẫn ảnh hưởng tới 25% số người trên toàn cầu.

Hạ Anh// Dân Việt
----------
Nga điều tra thủ lĩnh chống ông Putin

Ngày 17.10, giới chức Nga thông báo bắt đầu cuộc điều tra nhằm vào Sergei Udaltsov về cáo buộc âm mưu bạo loạn, theo RIA-Novosti.

Udaltsov, thủ lĩnh phong trào Mặt trận cánh tả, là một trong những nhân vật nổi bật nhất trong đợt biểu tình phản đối Tổng thống Vladimir Putin cùng chính quyền Nga từ cuối năm ngoái đến nay.

Cáo buộc xuất hiện từ tuần trước sau khi Đài NTV phát đoạn phim quay lén chiếu cảnh một người được cho là Udaltsov gặp Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng - an ninh quốc hội Georgia Givi Targamadze để thảo luận kế hoạch “gây bạo loạn và giành chính quyền” tại nhiều thành phố của Nga.

Cả hai sau đó đều phủ nhận từng gặp nhau và tuyên bố đoạn băng trên đã được dàn dựng. Cùng ngày, Đài tiếng vọng Moscow dẫn lời vợ của Udaltsov cho biết ông đang bị Ủy ban Điều tra đặc biệt giam giữ và thẩm vấn nhưng giới chức chưa xác nhận chuyện này. Nếu bị kết tội, Udaltsov có thể phải lãnh mức án 10 năm tù giam.

Trọng Kha// Thanh Niên
----------
 Dấu hiệu tích cực của kinh tế EU

Theo Tân Hoa xã, ngày 17-10, Cơ quan Thống kê của Liên hiệp châu Âu (EU) công bố số liệu cho thấy, tháng 8 vừa qua, xuất siêu thương mại của khu vực đồng ơ-rô đạt 6,6 tỷ ơ-rô, so mức nhập siêu 5,7 tỷ ơ-rô trong cùng kỳ năm ngoái.

Ðây được coi là dấu hiệu tích cực của nền kinh tế EU trong bối cảnh khu vực này đang đối phó cuộc khủng hoảng nợ công lan rộng. Các con số thống kê cho thấy, trong bảy tháng đầu năm nay, các nước EU đạt xuất siêu thương mại lớn nhất lần lượt là Ðức, Hà Lan và Ai-len, còn các nước nhập siêu lớn nhất là Anh, Pháp và Tây Ban Nha.

* Theo Roi-tơ, ngày 16-10, cuộc gặp giữa Thủ tướng Hy Lạp A.Xa-ma-rát và lãnh đạo hai đảng trong chính phủ liên minh, thảo luận việc thực hiện các biện pháp khắc khổ mới để A-ten nhận được khoản giải ngân tiếp theo trị giá 31,5 tỷ ơ-rô trong gói cứu trợ thứ hai của quốc tế, đã kết thúc mà không đạt kết quả. Trong khi đó, cuộc đàm phán giữa Chính phủ Hy Lạp với đại diện nhóm "bộ ba" chủ nợ (gồm EU, Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB), kéo dài hơn một tháng nay, cũng lâm vào bế tắc. Hai bên hiện còn chưa nhất trí về các biện pháp cải cách khắc nghiệt trên thị trường lao động. Dự kiến, các cuộc thảo luận mới giữa giới chức Hy Lạp và nhóm "bộ ba" chủ nợ sẽ được nối lại sau Hội nghị cấp cao EU diễn ra tại Brúc-xen (Bỉ) vào ngày 18-10.

* Cùng ngày, Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moodyếs thông báo giữ nguyên mức xếp hạng Baa3 đối với tình trạng nợ công của Tây Ban Nha, trên một bậc so mức vỡ nợ. Moodyếs cũng đưa ra triển vọng tiêu cực và giữ nguyên cảnh báo hạ bậc tín nhiệm đối với Tây Ban Nha nếu các điều kiện tài chính tiếp tục xấu đi.
(Nhân Dân)
------
Nhật chuẩn bị gói kích thích kinh tế 1.000 tỉ yen

Báo chí Nhật Bản ngày 17-10 đưa tin Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đang chuẩn bị chỉ thị cho các bộ trưởng lên kế hoạch đưa ra gói kích thích kinh tế trị giá 1.000 tỉ yen trước tình hình nền kinh tế trì trệ.

Vào chiều tối nay, ông Noda sẽ triệu tập cuộc họp nội các đặc biệt để thảo luận về gói kích thích. Gói kích thích sẽ được huy động từ các quỹ dự trữ của ngân sách đã phê duyệt cho năm tài chính hiện tại, do vậy không cần sự tán thành của quốc hội. Nếu phe đối lập đồng ý hợp tác, ông Noda có thể đề nghị quốc hội phê duyệt bổ sung ngân sách để tăng giá trị gói kích kích lên vài ngàn tỉ yen.

Hãng tin AFP cho biết gói kích thích có thể được sử dụng cho chính sách thúc đẩy các ngành công nghiệp năng lượng và liên quan đến môi trường, cũng như lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp và nhằm phục vụ cho việc tái thiết các khu vực bị sóng thần tàn phá vào năm ngoái.

Thủ tướng Noda lo ngại nếu trì hoãn đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế, ông sẽ hứng chịu những chỉ trích vì phớt lờ nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Tuần trước, chính phủ Nhật Bản tiếp tục hạ triển vọng nền kinh tế trong tháng thứ ba liên tiếp.

Theo hãng tin Kyodo, chi tiết về gói kích thích sẽ được công bố vào cuối tháng này.

(Theo Reuters, Bloomberg, TBKTSG)
---------
Tổng thống Putin sa thải thành viên nội các

 Tổng thống Nga Putin vừa sa thải một thành viên trong nội các của Thủ tướng Dmitry Medvedev hôm 17/10 sau 5 tháng tại nhiệm.

Theo RT News, ông Putin đã ký sắc lệnh sa thải Bộ trưởng Phát triển Khu vực Minister Oleg Govorun - một trong hai bộ trưởng bị Tổng thống Nga công khai phê bình hồi tháng trước, và đưa ông Igor Slyunyayev lên thay thế vị trí này. Ông Kostroma từng là cựu tỉnh trưởng Kostroma - khu vực phía đông bắc Moscow.

Hồi tuần trước, ông Putin đã công bố sắc lệnh yêu cầu khiển trách ông Oleg Govorun, Bộ trưởng Giáo dục, Khoa học Dmitry Livanov và Bộ trưởng Lao động Maxim Topilin vì không triển khai các sắc lệnh tổng thống.

Có những thông tin cho rằng ông Govorun đã khiến Tổng thống Putin thất vọng vì những cáo buộc vô căn cứ và đã không tới văn phòng làm việc gần 1 tuần qua sau khi bị Tổng thống Putin phê bình.

Trong hội nghị diễn ra ở Sochi hồi tháng 9, ông Putin chỉ trích dự thảo kế hoạch tài chính 3 năm (2013-2015) của chính phủ không tính tới chi phí cải cách tiền lương. Ông Putin còn chỉ đạo trực tiếp cho Thủ tướng Dmitry Medvedev khiển trách các bộ trưởng liên quan.
Theo Thu Hằng (Người lao động/ RT, Reuters)
--------
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đến thăm Myanmar

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns ngày 17/10 đã tới Nay Pyi Taw trong chuyến thăm chính thức Myanmar, tiếp tục chuyến công du của ông tới 5 nước châu Á.

Theo kế hoạch, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Myanmar U Thein Sein, các quan chức cấp cao trong chính phủ nước này, cũng như thủ lĩnh đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đối lập (NLD), bà Aung San Suu Kyi.

Đây là chuyến thăm chính thức cấp cao nhất của giới chức Mỹ tới Myanmar, kể từ khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thăm nước này hồi tháng 12 năm ngoái - chuyến thăm đầu tiên trong 57 năm của một ngoại trưởng Mỹ tới quốc gia Đông Nam Á này.

Trước những cải cách chính trị mới đây tại Myanmar, Chính phủ Mỹ đã nới lỏng trừng phạt kinh tế đối với nước này hướng tới bình thường hóa quan hệ thương mại giữa hai nước, theo đó cho phép các doanh nghiệp Mỹ đầu tư và xuất khẩu các dịch vụ tài chính vào Myanmar, cũng như giảm bớt những hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ quốc gia Đông Nam Á này.

Trước khi tới Myanmar, ông William Burns đã thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, và chặng dừng chân tiếp theo sẽ là Ấn Độ./.

(TTXVN)
-----------
Hy Lạp đàm phán thất bại, nguy cơ vuột mất 31 tỷ USD

Cuộc đàm phán nhằm có được gói cứu trợ mới thất bại khi Hy Lạp từ chối những yêu cầu "bất hợp lý" được EU, ECB và IMF đưa ra.

Mối quan hệ giữa Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế đang trở nên tồi tệ hơn. Cuộc đàm phán về việc mở gói cứu trợ trị giá 31,5 tỷ euro cho Hy Lạp hôm thứ ba đã kết thúc trong tình trạng bất đồng gay gắt dù đã có nhiều nỗ lực thỏa hiệp giữa hai bên.

Nguyên nhân sự bất đồng bắt nguồn từ việc Thủ tướng Antonis Samaras không muốn tiếp tục cắt giảm lương của người lao động. Sau hơn hai năm thắt lưng buộc bụng, chính sách này càng đẩy Hy Lạp tiến đến gần bờ vực phá sản hơn. Căng thẳng tiếp tục leo thang khi EU và IMF đưa ra thêm các yêu cầu ngặt nghèo.

Quan chức Hy Lạp cho biết, các điều kiện được đưa ra không nằm trong thỏa thuận khi Athens đăng ký gói cứu trợ tài chính thứ hai trị giá 130 tỷ euro hồi tháng 3. Phần lớn họ đều từ chối các yêu cầu mới nhất này, trong đó có việc tiếp tục cắt giảm tiền lương, đồng nghĩa với việc điều kiện sống của người lao động sẽ giống như "thời trung cổ". Ông Poul Thomsen, Phụ trách vấn đề Hy Lạp của IMF cố gắng xoa dịu căng thẳng sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Tài chính Yiannis Stournaras.

Ông Evangelos Venizelos, cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp cáo buộc Troika đang đùa với lửa, gây nguy hiểm cho Hy Lạp và châu Âu. Ảnh Guardian.

Với nguy cơ cạn kiệt tiền mặt trong tháng 11, chính phủ Hy Lạp cần cắt giảm ngân sách 13,5 tỷ euro và cơ cấu lại trong dài hạn nếu không muốn vuột mất gói hỗ trợ trị giá 31,5 tỷ euro. Tuy nhiên, khi đất nước ngày một sa lầy trong suy thoái kinh tế, Hy Lạp không muốn tiếp tục tiến hành chính sách thắt lưng buộc bụng quá khắc khổ.

"Chúng ta phải đưa ra quyết định nhanh chóng, nhưng không được tùy tiện và không phải bằng mọi giá", ông Venizelos, Cựu Bộ trưởng tài chính Hy Lạp nhận định. Vị cựu Bộ trưởng này còn cáo buộc nhóm Troika (bao gồm EU, IMF và ECB) đang đùa với lửa và có thể gây nguy hiểm cho cả Hy Lạp và EU. "Thay vì giúp cuộc đàm phán thành công, Troika lại cố ý đưa ra thêm các yêu cầu mới".

Chính phủ Hy Lạp đã lên kế hoạch cho thuê một số tài sản công bao gồm cả nhà máy lọc dầu và hai cảng tàu lớn nhất của quốc gia này. Đây được xem là một nỗ lực để Hy Lạp có thể trả nợ cho Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và thỏa mãn các điều kiện cho một gói cứu trợ quốc tế mới.

Nguyễn Tâm (theo Guardian , VNexpress)
---------
EU sẽ là nhà cung cấp viện trợ phát triển hàng đầu

Ngày 16/10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) sẽ duy trì vị thế là nhà cung cấp viện trợ phát triển hàng đầu thế giới. Ông đồng thời kêu gọi khu vực tư nhân hành động nhiều hơn trong lĩnh vực này.

Phát biểu tại một diễn đàn về phát triển ở thủ đô Brussels của Bỉ với sự tham dự của một số nhà lãnh đạo châu Phi, ông Barroso cho rằng để giảm nghèo đói, duy trì an ninh lương thực và đảm bảo phúc lợi xã hội đầy đủ cho tất cả mọi người, thế giới cần tăng trưởng kinh tế và khu vực tư nhân cần giữ vai trò quyết định trong vấn đề này.

Chủ tịch EC nhấn mạnh thế giới phải tiến tới một mối quan hệ đối tác chặt chẽ hơn với khu vực tư nhân bằng cách làm việc vì khu vực này và phối hợp với khu vực này. Ông cũng kêu gọi tìm kiếm các hình thức hợp tác mới với khu vực tư nhân để duy trì tăng trưởng và kiến tạo việc làm, trong khi vẫn theo đuổi mục tiêu cuối cùng là giảm nghèo đói.

Với 53 triệu euro (69 triệu USD) viện trợ phát triển trong năm 2011, EU và các nước thành viên tổ chức này hiện là nhà tài trợ hàng đầu thế giới về viện trợ phát triển.

EU đặt mục tiêu sử dụng 0,7% GDP của mình cho viện trợ, song khủng hoảng kinh tế đã cản trở những nước như Pháp, Đức và Italy đáp ứng mục tiêu này./.

(TTXVN)
--------
Đức ủng hộ cứu trợ Tây Ban Nha

Đây là tuyên bố từ Phó chủ tịch nhóm nghị sĩ Quốc hội của đảng liên minh dân chủ Cơ đốc giáo Đức, Michael Meister và người phát ngôn đảng này Norbert Barthle cho biết.

“Chúng tôi sẽ xem xét bất cứ đề nghị nào của Tây Ban Nha về hỗ trợ tài chính dự phòng hoặc chương trình cứu trợ toàn diện”, ông Meister nói. Ông này cũng nhấn mạnh, bất cứ đề nghị nào cũng sẽ phải đi kèm điều kiện.

Bình luận này cho thấy Đức không phản đối Tây Ban Nha xin cứu trợ toàn diện, trái với tuyên bố hồi tháng trước của bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Schaeuble.

Chính phủ Tây Ban Nha của thủ tướng Mariano Rajoy từ lâu cho biết họ chưa xin cứu trợ một phần do sự phản đối của Đức. Một quan chức giấu tên của Tây Ban Nha cho biết, nước này đang cân nhắc xin cứu trợ vào tháng 11 tới thông qua chương trình mua trái phiếu của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sau khi đạt được thỏa thuận về thời gian và điều kiện nhận cứu trợ với các đối tác châu Âu.

Quan điểm của giới làm luật Đức có ý nghĩa quan trọng bởi theo quy định của quốc hội họ sẽ phê chuẩn bất cứ đề nghị xin cứu trợ nào.

(Gafin)
-------
Trung - Nhật 'tung chiêu' mới bảo vệ 'lãnh hải'

Trong khi Ngoại trưởng Nhật công du châu Âu để khẳng định chủ quyền đối với Senkaku/Điếu Ngư thì Trung Quốc cũng tuyên bố kế hoạch đặt tên cho các đảo vô danh, gồm cả đảo tranh chấp.

Ngoại trưởng Nhật, Koichiro Gemba, hôm qua khẳng định quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là “chủ quyền không thể tách rời của lãnh thổ Nhật” trên một tờ báo lớn của Pháp, tờ Le Figaro.

Bài viết của Ngoại trưởng Gemba là một phần chiến dịch ngoại giao quốc tế của Nhật trong việc khẳng định chủ quyền của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền. Trong bài viết gửi tờ Le Figaro, ông Gemba viết: “Thật phi lý khi đòi chủ quyền bằng việc sử dụng bạo lực và bỏ qua các luật lệ quốc tế”. Rõ ràng, lời nói của ngoại trưởng nhằm ám chỉ các hoạt động biểu tình bạo lực của Trung Quốc chống Nhật trong thời gian trước đó.

Căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh tăng cao sau khi Nhật quyết định quốc hữu hóa 3 đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư tháng trước.

Nhật đang nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với lập trường của họ xung quanh vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong bối cảnh Trung Quốc cũng đang đòi chủ quyền quần đảo này.

Ông Gemba đang có chuyến công du tới châu Âu từ hôm 15/10 trong chuyến công tác 6 ngày. Trong chuyến thăm này, ngoại trưởng đến Pháp, Anh và Đức để hội đàm với ngoại trưởng các nước này. Tại đây, ông Gemba giải thích rằng Senkaku thuộc chủ quyền của Nhật, cả về mặt lịch sử và theo luật pháp quốc tế. Đồng thời, ông cũng sẽ nói với các ngoại trưởng rằng Nhật đang kêu gọi Trung Quốc giải quyết tranh chấp một cách bình tĩnh.

Trong khi đó, tờ báo chính thức của Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc (SOA) hôm qua đưa tin, cơ quan này đã chỉ thị cho chính quyền các tỉnh thành trong cả nước nhanh chóng hoàn tất bản điều tra thống kê đảo và thu thập thông tin về địa danh của các hòn đảo vào cuối tháng 4/2013.

"Việc đặt tên và thực hiện kế hoạch này đồng nghĩa với việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với tất cả những hòn đảo đó", tờ báo dẫn lời một quan chức giấu tên của SOA khẳng định.

Đỗ Quyên
Theo Infonet
----------
 Dân Pakistan vẫn không ưa chính sách của Mỹ

Theo giới phân tích, bất chấp bạo lực của Taliban, dân Pakistan vẫn không thiện cảm lắm với chính sách của Mỹ.

    Vụ bé gái Pakistan 14 tuổi - Malala Yusazai- nổi tiếng với các hoạt động vì quyền lợi của phụ nữ- bị lực lượng Taliban tại Pakistan sát hại mới đây đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trong dư luận Pakistan và thế giới.

Các nhà phân tích cho rằng, báo chí đã quá tập trung vào việc này khi liên tục đăng tải thông tin về Malala Yusazai, vì tại Pakistan vẫn thường xuyên xảy ra các vụ bạo lực cũng như việc các máy bay không người lái của Mỹ không kích khu vực biên giới Pakistan gây thương vong cho dân thường.

Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách Pakistan Karit Raman cho rằng, Taliban là một tổ chức không được người dân Pakistan ủng hộ vì đã gây ra nhiều vụ bạo lực, nhưng không nên thổi phồng mối đe dọa của tổ chức này.

Vụ việc trên đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trong dư luận, tuy nhiên, không vì thế mà người dân Pakistan thay đổi cách nhìn đối với các chính sách của Mỹ đối với nước này:  “Taliban không phải là một tổ chức được người dân ủng hộ, vì họ đã làm nhiều việc không hay. Người dân Pakistan rất phẫn nộ đối với hành động của lực lượng này. Nhưng điều đó không có nghĩa là người dân Pakistan sẽ có cái nhìn thiện cảm đối với các chính sách của Mỹ”.

Trước đó ngày 9/10, Malala Yusazai đã bị một tay súng Taliban bắn trọng thương vào đầu, vì đã dũng cảm chống lại Taliban khi lên tiếng bênh vực giáo dục cho phụ nữ. Yusazai đã được Pakistan trao giải Hòa bình quốc gia năm 2011 và được đề cử giải Hòa bình thiếu nhi quốc tế./.

Ngọc Khương/VOV-Trung tâm tin
Theo CCTV
---------
 Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất đối thoại 3 bên về khủng hoảng Syria

 Đề xuất này đưa ra khi Saudi Arabia vẫn công khai phản đối sự tham gia của Iran trong Nhóm Bộ tứ về tình hình Syria hiện nay

  Trong cuộc gặp vừa qua với Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đưa ra đề xuất về một cuộc đàm phán 3 bên với Ai Cập liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Syria.

Theo Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, tới nay, Saudi Arabia vẫn công khai phản đối sự tham gia của Iran trong Nhóm Bộ tứ về tình hình Syria hiện nay.

Phát biểu với báo chí sau khi trở về từ Azerbaijan, nơi ông có cuộc gặp với Tổng thống Iran Ahmadinejad trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Tổ chức hợp tác kinh tế, Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan khẳng định, ông đã đưa ra các lựa chọn khác nhau để 4 nước liên quan có thể tham gia các cuộc thảo luận sắp tới về Syria.

Trong đó bao gồm đề xuất về một nhóm bộ 3 gồm: Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Iran. Nhóm thứ 2 gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran. Nhóm thứ 3 gồm Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia.

Trước đó, đầu tháng 9/2012, Ai Cập đã thành lập nhóm bộ tứ về Syria gồm Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia, song Saudi Arabia đã không tham gia cuộc họp của nhóm này tại thủ đô Cairo (Ai Cập).

Theo các nhà ngoại giao, sự vắng mặt của Saudi Arabia được xem là  phản ứng của nước này đối với sự có mặt của Iran. Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Saudi Arabia nhiều lần công khai thể hiện sự ủng hộ đối với phe đối lập tại Syria, trong khi Iran lại là một đồng minh của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, khiến mọi cách tiếp cận trong giải quyết khủng hoảng tại Syria đều lâm vào bế tắc../.

Thu Hoài/VOV-Trung tâm tin
(Theo Reuteurs)
-----------
Pakistan thưởng 1 triệu USD bắt phát ngôn viên Taliban

Pakistan treo giải thưởng 1 triệu USD để bắt phát ngôn viên của phe Taliban tại Pakistan, sau khi phe này nhận trách nhiệm đã bắn bé gái 14 tuổi từng lên tiếng chống đối nhóm chủ chiến này.

Bộ trưởng Nội vụ Pakistan Rehman Malik hôm qua 16/10 cho biết, bất cứ ai bắt được Ehsanullah Ehsan sẽ được tiền thưởng và bất cứ ai cho biết thông tin về đương sự sẽ được trao phần thưởng cao qúy nhất nước.

Ông Malik còn nói rằng ông sẽ ân xá ông Hakimullah Mehsud, lãnh tụ của tổ chức đấu tranh này và các thành viên Taliban khác, nếu họ từ bỏ chủ nghĩa khủng bố.

Tổ chức Taliban tại Pakistan tiếp tục đe dọa sinh mạng của bé gái Malala Yousafzai sau khi các phần tử vũ trang bắn cô bé vào đầu và cổ, khi em rời trường học ngày 9/10 vừa qua ở Tây-Bắc Pakistan. Taliban tuyên bố đã bắn Malala vì em lên tiếng chống nhóm này.

An ninh vẫn là một vấn đề nhạy cảm đối với cô bé 14 tuổi, dù em đã được chuyển từ Pakistan đến một bệnh viện của nước Anh hôm thứ hai vừa qua.

Trong đêm, cảnh sát Anh đã câu lưu và thẩm vấn hai người tại Bệnh viện Nữ hoàng Elizabeth ở Birmingham, sau khi họ tự xưng là thân nhân của Yousafzai và muốn gặp em. Tuy nhiên không có ai bị bắt.

Vũ Quý
Theo AP, Dân Trí

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te