Ngày 16/10, hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của các cường quốc kinh tế châu Á, bao gồm cả các nước xuất khẩu và nhập khẩu dầu mỏ lớn, đã khai mạc tại Kuwait. Hội nghị là diễn đàn của tổ chức Đối thoại Hợp tác châu Á (ACD), nhằm thúc đẩy hợp tác và đối thoại trong một loạt các vấn đề như an ninh lương thực, năng lượng, tài chính và công nghệ.
Hội nghị thượng đỉnh hợp tác và đối thoại châu Á - Ảnh: APP
Hội nghị thượng đỉnh hai ngày của ACD gồm 32 thành viên dự kiến sẽ tập trung vào cách thức phục hồi và duy trì sự hợp tác khu vực để bảo vệ các nước thành viên chống lại cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu ngàng càng thêm gay gắt, các nhà tổ chức cho biết.
Được khởi xướng bởi Thái Lan vào năm 2002, hội nghị thượng đỉnh ACD quy tụ các nhà lãnh đạo, các ngoại trưởng và các quan chức cấp cao từ các nền kinh tế lớn của châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, cũng như các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu như Ả Rập Xê-út, Kuwait và Các Tiểu vương quốc Ả Rập (UAE) và Qatar, ngoài ra còn có Iran và Nga.
Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad và Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra có mặt trong số các nhà lãnh đạo tham dự.
"Một thập kỷ đã trôi qua với sự tham vấn và đối thoại thường niên của chúng ta, trong đó, nguyện vọng của chúng ta nhằm hợp tác và phát triển hành động chung đã được thể hiện để thúc đẩy đối thoại thành một cơ chế có lợi cho sự phồn vinh của nhân dân chúng ta”, Phó Thủ tướng Kuwait Sheikh Sabah Khaled Al-Sabah phát biểu với báo giới.
"Lục địa châu Á của chúng ta lớn nhất và đông dân nhất hành tinh", ông Al-Sabah cho biết và kêu gọi các thành viên ACD "phục hồi các nỗ lực chung hướng tới phối hợp và tham vấn nhiều hơn".
Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul cho biết, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các quốc gia châu Á cần duy trì một môi trường hòa bình và ổn định để thúc đẩy quan hệ tốt hơn trong khu vực.
Kể từ cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008, tăng trưởng kinh tế thế giới đã rất mong manh trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu ngày càng sâu sắc, tăng trưởng yếu ở Mỹ và kinh tế TQ đang “nguội đi”. Tình trạng bất ổn đó đã buộc các nước châu Á phải chung tay đấu tranh chống tác động tiêu cực từ kinh tế toàn cầu.
Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh dự báo báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2012 xuống còn 3,3% so với dự báo 3,5% từ tháng Bảy.
VIỆT HƯNG (Theo Yonhap, PNO)