TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin nhanh 16-10-2012


Anh ký thỏa thuận trưng cầu dân ý về độc lập của Scotland

Ngày 15-10, Thủ tướng Anh David Cameron và Bộ trưởng thứ nhất Scotland Alex Salmond đã ký thỏa thuận nhằm tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của Scotland vào năm 2014.

Một phát ngôn viên Văn phòng Thủ tướng Cameron đã xác nhận, thỏa thuận tổ chức trưng cầu ý dân đã được ký sau cuộc hội đàm tại Edinburgh giữa ông D.Cameron và ông A.Salmond, người đồng thời là Chủ tịch đảng Dân tộc Scotland ủng hộ chủ trương độc lập.

Cuộc trưng cầu dân ý nói trên có thể dẫn đến việc Liên hiệp Anh tan vỡ sau 300 năm tồn tại, theo đó sẽ chỉ còn lại Anh, Xứ Wales và Bắc Ireland trong liên hiệp này. Theo kết quả thăm dò dư luận do TNS-BMRB công bố hồi tuần trước, có 28% số người được hỏi ủng hộ Scotland tách khỏi Liên hiệp Anh, trong khi tỷ lệ phản đối là 53%.

 Phương Chi // HNM
------------------
Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Anh

Chiều 15.10, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp ông Tony Blair, cựu Thủ tướng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland nhân dịp ông Blair sang thăm, làm việc tại VN.

Thủ tướng bày tỏ mong muốn Vương quốc Anh và Bắc Ireland tiếp tục hợp tác hỗ trợ ODA cho VN, tập trung vào phát triển hạ tầng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời đề nghị ông Tony Blair ủng hộ hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở biển Đông và lập trường chung 6 điểm của các nước ASEAN về vấn đề biển Đông... Cựu Thủ tướng Anh bày tỏ tin tưởng VN sẽ ngày càng có vai trò, vị trí quan trọng trong tương lai; đồng thời đánh giá cao lập trường 6 điểm về vấn đề biển Đông của các nước ASEAN. Ông Tony Blair cũng khẳng định sẽ làm hết sức mình thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước ngày càng phát triển.

Trước đó, tại cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, ông Tony Blair cho biết sẽ tiếp tục ủng hộ Anh tăng cường quan hệ với Việt Nam.

Sáng cùng ngày ông Tony Blair đã có buổi nói chuyện với sinh viên Học viện Ngoại giao. Thông điệp được ông gửi tới các sinh viên là thế giới đang ngày càng kết nối chặt chẽ và cơ hội để làm việc cùng nhau xuyên quốc gia, biên giới là lớn hơn bao giờ hết. Ông Blair khẳng định thế giới ngày nay thuộc về những người có đầu óc cởi mở, nhận thấy cơ hội từ những khác biệt về dân tộc hay văn hóa.

Ng.Phong// Thanh Niên
-----------------
 EU siết chặt “thòng lọng” tài chính với Iran

Trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang dần bóp nghẹt nền kinh tế Iran, các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) ngày 15/10 đã thông qua các biện pháp trừng phạt mới về tài chính và thương mại chống Têhêran nhằm gây sức ép lên chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.

Chi tiết của các biện pháp này sẽ được chính thức công bố trong ngày hôm nay, 16/10. Tuy nhiên, hãng tin Reuters đã dẫn nguồn tin từ một nhà ngoại giao EU cho biết, theo lệnh trừng phạt vừa được thông qua tại cuộc họp của các ngoại trưởng EU ở Lúcxămbua, các thương nhân của châu Âu phải xin phép chính phủ nước mình thì mới có thể thực hiện những giao dịch tài chính cho các loại hàng hóa được phép. Các nước EU sẽ bị cấm bán kim loại và than chì cho Iran cũng như bị cấm nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Iran. EU cũng nhắm mục tiêu vào ngành vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy của Iran, nhằm tìm cách cản trở Têhêran bán dầu cho các nước nằm ngoài Mỹ và EU. Các biện pháp mới cũng cấm các công ty châu Âu cung cấp công nghệ đóng tàu và các thiết bị trữ dầu cho các công ty vận chuyển dầu của Iran.

Theo nhận định của giới quan sát, các biện pháp trừng phạt mới mà EU áp đặt đối với Iran đánh dấu một bước chuyển biến đáng kể trong chính sách của EU, vốn trước đây chỉ tập trung nhắm vào các cá nhân và công ty cụ thể bằng các hạn chế về kinh tế. Hãng Reuters cho rằng, các lệnh trừng phạt nói trên được xem là một trong những "cú đòn" cứng rắn nhất từ trước đến nay của EU nhằm vào Iran.

Tuy nhiên, phát biểu trước thềm cuộc họp ngoại trưởng EU, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle nói rằng giải pháp ngoại giao vẫn là một lựa chọn để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố nước này sẵn sàng đàm phán về ngừng làm giàu urani ở cấp độ 20% nếu như Têhêran nhận được nguyên liệu hạt nhân này từ các quốc gia khác.

H.H (Tổng hợp) // Tin Tức
----------------
 Israel trang bị hệ thống phân biệt "địch-ta" trên toàn bộ máy bay nội địa

 Chính quyền Israel đang xem xét việc trang bị hệ thống phân biệt "địch-ta" trên toàn bộ máy bay hạng nhẹ và trực thăng dân sự. Theo Flightglobal, nếu kế hoạch trên được thực hiện, hệ thống phòng không của Israel sẽ dễ dàng phát hiện ra các phương tiện bay lạ xâm nhập không phận nước này.

Ngoài ra, cơ quan kiểm soát không lưu dân sự ở các sân bay sẽ thiết lập kênh liên lạc vô tuyên với đơn vị cảnh giới của quân đội Israel. Các biện pháp trên sẽ giúp tạo thành một "bức tường lửa" quản lý toàn bộ các phương tiện bay dân sự lẫn quân sự hoạt động trên không phận Israel.

Quy định trên được chính phủ Israel áp dụng từ ngày 6-10, sau khi chiến đấu cơ F-16 của không quân nước này bắn hạ một phương tiện bay không người lái đến từ Lebanon. Theo YnetNews, sự việc trên xảy ra vào ngày thứ 7, thời điểm có rất nhiều máy bay dân dụng và tàu lượn hoạt động trên không phận Israel làm hệ thống phòng không bị nhiễu loạn.

Nhiều khả năng thiết bị bay không người lái bị bắn rơi là sản phẩm của Iran. Các chuyên gia Israel đang nghiên cứu các mảnh vỡ của nó. Theo các thông tin sơ bộ, thiết bị bay không người lái lạ đã hoạt động trong không phận Israel khoảng 3 giờ và chỉ bị bắn hạ khi cố bay qua khu vực dân cư khoảng 20 phút. Trong suốt thời gian trên, hệ thống cảnh giới Israel đã phải cố gắng xác định thiết bị bay nói trên là của ai.

Tính từ năm 2004, vụ việc trên là lần thứ 3 một thiết bị bay lạ xâm phạm vùng trời Israel. Vì sự cố này, không quân Israel đã hủy bỏ hầu hết các chuyến bay do thám ở Lebanon và dải Gaza.

Trong quá khứ, Israel đã từng ban bố luật cấm tàu lượn được hoạt động tại vùng biên giới. Lệnh cấm trên được ban bố sau sự kiện xảy ra hồi tháng 10-1987, khi 2 kẻ khủng bố sử dụng tàu lượn vượt biên vào Israel từ Lebanon. Khi tiếp đất tại gần trạm kiểm soát Kiryat Shmona, những kẻ này đã xả súng làm 8 binh sĩ Israel thiệt mạng và 8 người khác bị thương.

Tuấn Sơn (theo Lenta, QĐND)
-------------------
Hai người Mỹ cùng đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2012

Theo tin từ Stockholm, ngày 15/10, Ủy ban xét giải Nobel công bố hai người Mỹ là Alvin Roth và Lloyd Shapley đã đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2012 cho công trình nghiên cứu về phương thức hài hòa các tác nhân kinh tế khác nhau.

Trong thông báo ngày 15/10, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển (RSAS) tuyên bố hai nhà kinh tế Roth và Shapley được tôn vinh vì công trình nghiên cứu "Thuyết phân phối ổn định và thực tiễn về tạo lập thị trường," qua đó phối hợp hài hòa các tác nhân kinh tế khác nhau, ví như học sinh với trường học hay thậm chí là người hiến nội tạng với bệnh nhân được cấy ghép.

Giáo sư Alvin Roth (60 tuổi) hiện giảng dạy môn Kinh tế và Quản trị kinh doanh tại Đại học Harvard của Mỹ. Ông nổi tiếng với các đóng góp về lý thuyết trò chơi, tạo lập thị trường và kinh tế học thực nghiệm.

Giáo sư Lloyd Shapley (89 tuổi) hiện giảng dạy môn Toán và Kinh tế học tại Đại học California (Mỹ). Ông được rất nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là biểu tượng của "Lý thuyết trò chơi."

Hai nhà kinh tế này làm việc hoàn toàn độc lập với nhau, song sự phối hợp kết quả nghiên cứu của họ đã tạo ra giá trị thực tiễn. Cụ thể, sự kết hợp giữa lý thuyết cơ bản của ông Shapley và kết quả thực nghiệm của ông Roth đã tạo ra một phạm vi rất rộng cho các công trình nghiên cứu, cải thiện tính năng động của nhiều thị trường.

Cũng như những người đoạt giải Nobel khác, hai nhà khoa học này sẽ nhận giải thưởng trị giá 8 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 1,2 triệu USD) tại lễ trao giải dự kiến được tổ chức vào ngày 10/12 ở Stockholm.

Năm ngoái, Giải Nobel Kinh tế 2011 cũng thuộc về hai nhà khoa học người Mỹ là Thomas J.Sargent và Christopher A.Sims, với công trình nghiên cứu về mối quan hệ giữa chính sách kinh tế vĩ mô và tác động của chúng lên nền kinh tế.

Giải Nobel Kinh tế đã khép lại "mùa Giải Nobel" hàng năm, thường được công bố vào tháng 10 và luôn thu hút sự quan tâm của toàn thế giới.

Giải Nobel Kinh tế không phải là một trong năm giải Nobel đặt ra theo nguyện vọng của Alfred Nobel mà là giải thưởng do Ngân hàng Thụy Điển đặt ra và tài trợ bắt đầu từ năm 1968 để kỷ niệm 300 năm thành lập ngân hàng và cũng để tưởng niệm Nobel.

Ngày 12/10 cho biết Liên minh Châu Âu (EU) đã trở thành chủ nhân của giải Nobel Hòa bình năm 2012 nhờ vai trò lâu dài của liên minh này trong việc đoàn kết toàn châu lục. Trước đó một ngày, Nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn giành Nobel Văn học.
 
Giải Nobel Hóa học năm nay thuộc về hai nhà khoa học người Mỹ là Robert Lefkowitz và Brian Kobilka cho công trình đột phá của họ về cách các thụ quan của tế bào cơ thể phản ứng với môi trường.
 
Ngày 9/10, hai nhà khoa học Serge Haroche người Pháp và David Wineland người Mỹ đã được trao giải Nobel Vật lý nhờ công trình của họ về việc đo và can thiệp vào các hạt trong khi vẫn giữ được bản chất cơ học lượng tử của chúng.
 
Trước đó, nhà khoa học Shinya Yamanaka của Nhật Bản và John B. Gurdon của Anh trở thành những người giành giải Nobel Y học của năm nay.

Vì cuộc khủng hoảng kinh tế, Ủy ban giải Nobel đã cắt bớt phần thưởng xuống còn 8 triệu kronor (1,2 triệu USD) cho mỗi giải, tụt xuống so với mức 10 triệu kronor được trao kể từ năm 2001.

Dưới đây là danh sách những người đoạt giải Nobel Kinh tế kể từ lần đầu trao vào năm 1969:
 
2012: Alvin Roth và Lloyd Shapley (Mỹ)
2011: Thomas Sargent và Christopher Sims (Mỹ)
2010: Peter Diamond và Dale Mortensen (Mỹ) và Christopher Pissarides (Síp-Anh)
2009: Elinor Ostrom và Oliver Williamson (Mỹ)
2008: Paul Krugman (Mỹ)
2007: Leonid Hurwicz, Eric Maskin và Roger Myerson (Mỹ)
2006: Edmund S. Phelps (Mỹ)
2005: Thomas C. Schelling (Mỹ), Robert J. Aumann (Mỹ-Israel)
2004: Finn Kydland (Na Uy), Edward Prescott (Mỹ)
2003: Robert F. Engle (Mỹ), Clive W.J. Granger (Anh)
2002: Daniel Kahneman (Israel-Mỹ) and Vernon L. Smith (Mỹ)
2001: George Akerlof (Mỹ), A. Michael Spence (Mỹ), Joseph Stiglitz (Mỹ)
2000: James Heckman (Mỹ), Daniel McFadden (Mỹ)
1999: Robert Mundell (Canada)
1998: Amartya Sen (Ấn Độ)
1997: Robert Merton (Mỹ), Myron Scholes (Mỹ)
1996: James Mirrlees (Anh), William Vickrey (Mỹ)
1995: Robert Lucas Jr (Mỹ)
1994: John Harsanyi (Mỹ), John Nash (Mỹ), Reinhard Selten (Đức)
1993: Robert Fogel (Mỹ), Douglass North (Mỹ)
1992: Gary Becker (Mỹ)
1991: Ronald Coase (Anh)
1990: Harry Markowitz (Mỹ), Merton Miller (Mỹ), William Sharpe (Mỹ)
1989: Trygve Haavelmo (Na Uy)
1988: Maurice Allais (Pháp)
1987: Robert Solow (Mỹ)
1986: James Buchanan (Mỹ)
1985: Franco Modigliani (Mỹ)
1984: Richard Stone (Anh)
1983: Gerard Debreu (Mỹ)
1982: George Stigler (Mỹ)
1981: James Tobin (Mỹ)
1980: Lawrence Klein (Mỹ)
1979: Theodore Schultz (Mỹ), Arthur Lewis (Anh)
1978: Herbert Simon (Mỹ)
1977: Bertil Ohlin (Sweden), James Meade (Anh)
1976: Milton Friedman (Mỹ)
1975: Leonid Kantorovich (Liên Xô), Tjalling Koopmans (Mỹ)
1974: Gunnar Myrdal (Thụy Điển), Friedrich von Hayek (Anh)
1973: Vassily Leontief (Mỹ)
1972: John Hicks (Anh), Kenneth Arrow (Mỹ)
1971: Simon Kuznets (Mỹ)
1970: Paul Samuelson (Mỹ)
1969: Ragnar Frisch (Na Uy), Jan Tinbergen (Hà Lan)

(Vietnam+)
---------------
Trung-Nhật-Hàn tìm hướng giải quyết tranh chấp hiện tại

Diễn đàn hợp tác 3 bên được tổ chức ở Seoul với sự tham gia của quan chức chính phủ và học giả các nước này.

    Trong bối cảnh tình hình tại khu vực Đông Bắc Á gần đây diễn biến phức tạp liên quan các tranh chấp về lãnh thổ, các đại diện Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc hôm 15/10 đã tham dự Diễn đàn về hợp tác ba bên tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc.

Tại diễn đàn, đại diện 3 nước gồm các quan chức chính phủ, các học giả và lãnh đạo các cơ quan truyền thông cho rằng, 3 nước cần tăng cường hợp tác nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại hiện nay. Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung-hwan cho rằng, cơ chế hợp tác ba bên có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực:

“Hợp tác giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là cơ chế hợp tác hữu ích nhằm vượt qua các thách thức hiện nay cũng như thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trong khu vực. Ba nước chúng ta cần tiếp tục mở rộng hợp tác về chiều rộng lẫn chiều sâu, vì sự phát triển và tương lai của khu vực và mỗi nước”.

Hiện nay, quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang trở nên căng thẳng liên quan tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku, phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Trong khi Nhật Bản cũng đang vướng vào tranh chấp với Hàn Quốc đối với quần đảo Takeshima, Hàn Quốc gọi là Dokdo.

Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc hiện chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới./.

Ngọc Khương/VOV-Trung tâm tin
Theo Reuters
--------------
Xung đột lợi ích trong bốn cơ quan trực thuộc EU

Theo trang tin Euobsever, ông Igors Ludborzs, thành viên của Tòa Kiểm toán châu Âu, nhận định xung đột lợi ích trong bốn cơ quan giám sát về các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, thuốc men, hóa chất và an ninh hàng không có thể khiến sự an toàn của người dân tại châu lục này bị đe dọa.

Ông Igors Ludborzs nói “không một cơ quan nào trong số bốn cơ quan trên thực hiện quản lý xung đột lợi ích một cách hợp lý.” Tòa Kiểm toán đã chọn cơ quan đó vì tin tức báo chí lặp đi lặp lại nhiều lần và có ý kiến của Nghị viện châu Âu xoay quanh những cáo buộc xung đột lợi ích.

Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu có trụ sở tại Cologne (Đức) có hồ sơ tồi tệ nhất, trong khi ba cơ quan còn lại là Cơ quan Hóa chất châu Âu, Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu và Cơ quan Thuốc châu Âu thì khá hơn chút ít, vì ít nhất họ cũng có một số chính sách “trên giấy tờ” để giải quyết các xung đột lợi ích.

Theo ông Ludborzs, tình trạng xung đột lợi ích có thể xuất hiện ở bất kỳ cơ quan nào vào bất kỳ thời điểm nào. Nếu không được giải quyết, nó có thể tác động tới các quyết định, làm phương hại danh tiếng và có thể ảnh hưởng tới sự an toàn và sức khỏe của người tiêu dùng.

Trong số các kiến nghị chống tình trạng xung đột lợi ích, được nêu chi tiết trong một báo cáo, Tòa Kiểm toán đề nghị các ứng cử viên cần được kiểm tra trước khi được bổ nhiệm vào các cơ quan của EU, để xem liệu họ có cấu kết với những người vận động hành lang hay các đại diện của giới kinh doanh, hoặc liệu họ có làm bất kỳ công việc tư vấn nào cho các công ty mà có thể được lợi từ công việc của họ hay không.

Các nhà kiểm toán cho rằng phần lớn các cơ quan đã có những biện pháp chống tình trạng xung đột lợi ích, kể cả hạn chế quyền bỏ phiếu hay thậm chí sa thải các nhân viên bị phát hiện đang trong tình trạng xung đột lợi ích nghiêm trọng.

Ông Ludborzs cho biết Tòa án Kiểm toán châu Âu sẽ tiếp tục theo dõi tình hình tại các cơ quan trong những năm tới, và kiến nghị rằng các cơ quan EU khác - hiện không được nêu tên - cần có những điều khoản chặt chẽ hơn nhằm hạn chế ảnh hưởng của khu vực tư nhân đối với các quy định về tiêu chuẩn và sự ủy quyền./.

Thái Vân (TTXVN)
-------------------------
 Scotland sẽ tách khỏi Anh?

Thủ tướng Anh nói rằng người dân Scotland sẽ đưa ra quyết định lịch sử này.

Thủ tướng Anh David Cameron hôm 14/10 tới thành phố Edinburgh (Scotland) để ký thỏa thuận liên quan tới việc tổ chức trưng cầu ý dân vào năm 2014 về độc lập cho Scotland, một vấn đề mà ông cho là “mang tính lịch sử”.

Dự kiến, ông Cameron sẽ gặp Thủ hiến Scotland Alex Salmond để hoàn tất thỏa thuận về các điều khoản tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về sự độc lập của khu vực này. Cuộc trưng cầu ý dân này dự kiến sẽ chỉ có câu hỏi "đồng ý hay không đồng ý" Scotland tách khỏi Liên hiệp Anh.

Trong một tuyên bố trước chuyến đi, Thủ tướng Cameron cho rằng, Chính phủ Anh và chính quyền Scotland đang thỏa luận các nội dung quan trọng nhằm đảm bảo cuộc trưng cầu ý dân diễn ra hợp pháp, công bằng và mang tính quyết định. Điều này sẽ mở ra một chương quan trọng trong lịch sử Scotland và cho phép bắt đầu một cuộc tranh luận thực sự. Ông cũng nhấn mạnh, bản thân ông ủng hộ một nước Anh thống nhất, song người Scotland mới là người đưa ra quyết định lịch sử.

Sau nhiều tháng đàm phán, thỏa thuận dự kiến ký ngày hôm nay sẽ cho phép Scotland tổ chức cuộc trưng cầu ý dân này. Các cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy, chưa đến 1/3 trên tổng số hơn 5 triệu người Scotland muốn tách khỏi liên hiệp Anh./.

Thu Hoài/VOV-Trung tâm tin
Theo AFP
--------------
Chính phủ Philippines-MILF ký thỏa thuận hòa bình

Ngày 15/10, chính phủ Philippines và nhóm phiến quân Hồi giáo lớn nhất tại nước này, Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) đã ký thỏa thuận khung về hiệp định hòa bình sau 15 năm đàm phán, theo đó phác thảo những bước đi nhằm chấm dứt xung đột vào năm 2016.

Thỏa thuận bước đầu nói trên định ra các nguyên tắc và hành động cơ bản trong kế hoạch của cả hai bên nhằm thiết lập "một thực thể chính trị tự trị mới" có tên gọi Bangsamoro.

Trong buổi lễ được phát trên truyền hình toàn quốc, các trưởng đoàn đàm phán của hai bên đã ký vào thỏa thuận khung này tại Dinh tổng thống Philippines, trước sự chứng kiến của Tổng thống Benigno Aquino và thủ lĩnh MILF Murad Ebrahim.

Trước đó, trong cuộc gặp tại dinh tổng thống giữa Tổng thống Benigno Aquino và Thủ tướng Malaysia Najib Razak, hai nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố chung hoan nghênh việc kết thúc thành công và ký kết thỏa thuận trên./.

(Vietnam+)
--------------------------
 Hàng chục nghìn người Pakistan biểu tình chống Taliban

 Lực lượng Taliban trước đó tấn công một nữ sinh cùng 2 người bạn, làm dấy lên làn sóng phẫn nỗ từ cộng đồng người dân địa phương.

Ngày 14/10, hàng chục nghìn người Pakistan đã tập trung tại thành phố Karachi, miền nam nước này để phản đối vụ tấn công của Taliban nhằm vào nữ sinh Malala Yousufzai, 14 tuổi, một nhà hoạt động trẻ tuổi trong lĩnh vực thúc đẩy giáo dục cho nữ giới và lên án các nhóm phiến quân tại Pakistan đã làm nữ sinh này bị thương nghiêm trọng.

Những người tham gia biểu tình tại thành phố Karachi, miền Nam Pakistan, gọi vụ tấn công này là “một vụ ám sát”.

Hôm 9/10, lực lượng Taliban đã tấn công nữ sinh Yousufzai và 2 bạn cùng lớp, khi các em đang trên đường đi học về. Vụ việc đã làm dấy lên làn sóng phản đối giận giữ từ cộng đồng người dân ở trong và ngoài nước Pakistan. Họ hy vọng rằng, vụ việc này sẽ là lời cảnh tỉnh để chính phủ Pakistan đẩy mạnh cuộc chiến chống Taliban và những nhóm nổi dậy khác./.

Hoàng Lê/VOV-Trung tâm tin
Theo CCTV
 ------------------------
 All Nippon Airways nối lại đường bay tới Myanmar

Sau 12 năm ngừng hoạt động, ngày 15/10, Hãng hàng không All Nippon Airways Co. của Nhật Bản (ANA) đã chính thức nối lại đường bay trực tiếp giữa Nhật Bản và Myanmar (Mianma).

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh số lượng hành khách đến Myanmar du lịch và kinh doanh không ngừng tăng.

Theo kế hoạch, mỗi tuần có 3 chuyến bay khứ hồi giữa sân bay Narita của Nhật Bản và sân bay Yangon của Myanmar.

ANA sử dụng máy bay Boeing 737-700 ER 38 chỗ ngồi cho tuyến đường bay này.

Trước đó, ANA ngừng các chuyến bay tới Myanmar từ tháng 3/2000, với lý do tình hình chính trị tại quốc gia Đông Nam Á này không ổn định.

TTXVN/ Tin Tức
---------------
Quốc tế ủng hộ giải pháp hòa bình đối với Syria

 Liên Hợp Quốc và hàng loạt nước như Nga, Iran,… mong muốn khủng hoảng Syria được giải quyết qua con đường hòa bình.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại Syria vẫn lâm vào bế tắc, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước có ảnh hưởng đối với Damascus tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao giúp ngăn chặn đổ máu và tiến hành đối thoại tại quốc gia Trung Đông này.

Đặc phái viên về Syria Lakhdar Brahimi hôm 14/10 đã gặp các nhà lãnh đạo Iran trong khuôn khổ chuyến công du Trung Đông, trong đó Iran đã đưa ra một đề xuất giúp giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay tại Syria.

Phát biểu sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Luxembourg, Jean Asselborn, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhắc lại lập trường của Nga đối với vấn đề Syria, đó là “ngừng bắn và đối thoại”.

“Chúng tôi cho rằng con đường duy nhất nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Syria là thực hiện đầy đủ thỏa thuận Geneva về chuyển tiếp chính trị tại Syria”, ông Lavrov nói. “Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy thực hiện thỏa thuận này trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, điều quan trọng hiện nay là cộng đồng quốc tế cần ủng hộ người dân Syria và gửi đến nước này một thông điệp rằng hãy chấm dứt bạo lực và đối thoại”.

Phản đối can thiệp quân sự và ủng hộ giải pháp hòa bình cho vấn đề Syria cũng là thông điệp mà các nhà lãnh đạo Iran tái khẳng định trong cuộc gặp ngày 14/10 với đặc phái viên chung của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab về vấn đề Syria Lakhdar Brahimi.

Nhân chuyến thăm này, phía Iran đã trao cho đặc phái viên Brahimi đề xuất của Tehran nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria. Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi khẳng định Tehran sẽ ủng hộ các nỗ lực của đặc phái viên quốc tế lập lại hòa bình ở Syria, tin tưởng rằng với những kinh nghiệm dày dạn trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, ông Brahimi sẽ tìm ra giải pháp hòa bình toàn diện cho vấn đề Syria hiện nay. Ngoại trưởng Iran cho rằng Syria cần tiến hành các cuộc bầu cử tự do để lập ra quốc hội và hiến pháp dựa trên nguyện vọng thực sự của người dân.

Trong khi các cuộc xung đột vẫn tiếp diễn hàng ngày tại Syria, thì căng thẳng tiếp tục gia tăng giữa Syria và nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ khi Ankara tuyên bố kể từ ngày 14/10 đóng cửa không phận đối với các chuyến bay dân sự của Syria.

Giải thích về quyết định này, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nói rằng đó là do chính quyền Syria "lợi dụng" các chuyến bay dân sự để vận chuyển trang thiết bị quân sự.

 “Chúng tôi đã quyết định bắt đầu cấm tất cả các chuyến bay dân sự từ Syria đi vào không phận của Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Davutoglu tuyên bố. “Bởi những chuyến bay dân sự chỉ được phép sử dụng vì các mục đích dân sự chứ không phải là sử dụng đồng thời với nhiều mục đích khác”.

Hành động cứng rắn trên được đưa ra sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc một máy bay chở khách của Syria từ Moscow (Nga) tới Damascus phải hạ cánh để kiểm tra và tịch thu một số hàng hóa trên máy bay, mà Ankara cho là các thiết bị quân sự của Nga chuyển cho Syria. Cáo buộc này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Syria và Nga./.

Ngọc Khương/VOV-Trung tâm tin
-------------------
Trung Quốc tấn công tội phạm mạng

Phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh dẫn tin công bố trên mạng “Bộ Công an Trung Quốc” ngày 15/10 cho biết, từ khi Bộ Công an Trung Quốc triển khai các hoạt động trấn áp tội phạm mạng Internet từ tháng 8 đến nay, các cơ quan an ninh trên toàn Trung Quốc đã điều tra và phá 4.400 vụ án, bắt giữ 8.900 tên tội phạm, xoá sổ hơn 700 băng nhóm tội ác liên quan; tổ chức chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ gỡ bỏ hơn 1.800.000 thông tin không lành mạnh, phạm pháp, tập trung xử lý hơn 3.500 trang web thường xuyên phát tán thông tin có hại trên mạng Internet.

Theo Bộ Công an Trung Quốc, ngoài các loại tội phạm đang trực tiếp thực hiện các hoạt động phạm pháp trên mạng Internet như đánh cắp thông tin, tin tặc tấn công, khiêu dâm…, các loại tội phạm truyền thống cũng đang lợi dụng Internet để tiến hành các hoạt động phi pháp, như lừa đảo, buôn bán hàng giả, thuốc giả; các loại tội phạm mới, như lập trang web giả danh cơ quan công an, buôn bán thông tin cá nhân của công dân trên mạng cũng ngày càng nổi cộm. Bộ Công an Trung Quốc cũng cho biết, trong quá trình triển khai đợt tấn công trấn áp tội phạm lần này, đã phát hiện công tác quản lý Internet của Trung Quốc còn tồn tại một loạt vấn đề, như luật pháp chưa hoàn thiện, trách nhiệm của các Nhà cung cấp dịch vụ Internet chưa được chú trọng, các công ty chuyển phát nhanh chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm…

Bộ Công an Trung Quốc xác định việc tấn công trấn áp tội phạm mạng Internet là một nhiệm vụ lâu dài và nặng nề; Công an Trung Quốc sẽ từng bước tăng cường mức độ, tập trung lực lượng, nguồn lực và thời gian, tiếp tục tổ chức thống nhất hoạt động chuyên đề chống tội phạm mạng; nhiệm vụ trọng điểm trong thời gian tới là tập trung điều tra các vụ án lớn liên quan đến tội phạm mạng, xử lý, chấn chỉnh một loạt các trang web và nhà cung cấp dịch vụ mạng vi phạm quy định, nhằm tạo môi trường mạng an toàn, văn minh và lành mạnh cho nhân dân.

* Trong một diễn biến khác, ngày 13/10, chính quyền Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã bắt giam một đối tượng được cho là đã tiết lộ trên mạng Internet nhiều chi tiết liên quan đến cuộc điều tra về cựu lãnh đạo công an Trùng Khánh Vương Lập Quân.

Người đàn ông này bị công an cáo buộc đã tiết lộ những thông tin về việc ông Vương Lập Quân chạy trốn vào Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô và sau đó bị chính quyền bắt giữ vì đã giao nộp cho Mỹ các tài liệu có liên quan đến Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai.

TTXVN/Tin tức
---------------
Israel-Mỹ sắp đạt được thỏa thuận về tấn công Iran

Theo mạng tin Toàn cầu hóa, Israel và Mỹ sắp đi đến ký kết về một cuộc tấn công chống Iran.

David Rothkopf của tạp chí Chính sách đối ngoại Mỹ (cơ quan báo chí của Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ) dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết sau nhiều tháng bị áp lực từ các nhà chức trách Israel, Mỹ đã tham gia vào các cuộc đàm phán về chủ đề làm thế nào để sớm có thể tiến hành cuộc tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran.

Nguồn tin gần gũi với các cuộc đàm phán này tiết lộ mặc dù một kế hoạch chưa được xác định chắc chắn song vụ tấn công có thể sẽ được thực hiện từ trên không và các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và máy bay ném bom chỉ diễn ra trong "một vài giờ," không cần tới "hai hoặc ba ngày hành động."

Trong bài báo xuất bản ngày 8/10, Rothkopf viết: "Để chôn vùi cơ sở hạt nhân của Iran, chẳng hạn như cơ sở làm giàu urani tại Fordow, cần rất nhiều bom đạn phá hủy boongke và ở cấp độ này không một máy bay nào của Israel có khả năng cung cấp" và "do đó, nhiệm vụ này đòi hỏi sự can dự của Mỹ, có thể hành động một mình hoặc cùng với Israel và những nước khác"./.

(Vietnam+)
-----------
Trực thăng quân sự Ấn Độ rơi, 3 người chết

 Trong khi hạ cánh, máy bay này bất ngờ gãy làm đôi và bốc cháy.

Một trực thăng quân sự của Ấn Độ đã gặp nạn sáng ngày 15-10 khi đang hạ cánh xuống sân bay ở bang Goa, miền Bắc nước này. Vụ tai nạn khiến 3 người trên máy bay thiệt mạng.

Vụ tai nạn xảy ra lúc 10 giờ sáng (giờ địa phương), khi chiếc trực thăng Chetak của lực lượng Hải quân Ấn Độ hạ cánh xuống sân bay Dabolim, ở bang Goa. Trong khi hạ cánh máy bay này đã bất ngờ bị gãy làm đôi và bốc cháy.

Máy bay này có lộ trình từ Mumbai tới bang Karnataka, miền Nam Ấn Độ, và gặp nạn khi tiếp nhiên liệu tại sân bay Dabolim. Hiện nhà chức trách Ấn Độ đang tiến hành điều tra nguyên nhân vụ tai nạn./.

Hoàng Lê/VOV-Trung tâm tin
Theo Tân Hoa xã
------------------
 LHQ kêu gọi Israel ngăn nạn bạo lực nhằm vào người Palestine

 Người Israel cực đoan tại các khu vực chiếm đóng đã thực hiện nhiều vụ tấn công nhằm vào người Palestine và hoa màu của họ.

Ngày 14/10, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Trung Đông Robert Serry bày tỏ lo ngại về sự gia tăng các vụ tấn công nhằm vào người Palestine tại các khu vực chiếm đóng. Ông cũng kêu gọi chính quyền Israel có các biện pháp bảo vệ tốt hơn người dân Palestine và tài sản của họ.

Hiện có gần 500.000 người định cư Israel sống tại hơn 100 khu định cư bất hợp pháp được xây dựng kể từ khi Israel chiếm đóng khu Bờ Tây và Đông Jerusalem năm 1967.

Theo một tổ chức nhân quyền của Israel, kể từ khi bắt đầu vụ thu hoạch hàng năm 10/10 vừa qua, những người cực đoan Israel tại các khu vực chiếm đóng đã thực hiện nhiều vụ tấn công nhằm vào người Palestine và hoa màu của họ./.

Thu Hoài/VOV-Trung tâm tin
Theo Press TV
----------------
Hơn 100 thợ mỏ Trung Quốc bị bắt ở châu Phi
 
Hơn 100 thợ mỏ người Trung Quốc đã bị bắt giữ trong khi 1 người bị bắn chết do khai thác vàng trái phép ở nước Cộng hòa Ghana, tờ China Daily đưa tin hôm 15/10.

Đây là lần thứ 3 tính từ đầu năm 2012 các công nhân Trung Quốc bị bắt giữ và là trường hợp đầu tiên có người thiệt mạng do xung đột tại các khu mỏ ở quốc gia Tây Phi này.

Trong phát ngôn gửi từ đại sứ quan Trung Quốc ở Ghana, vào hôm 12/10 vừa qua, một số cảnh sát địa phương đã tới đập phá các cơ sở khai thác vàng của người Trung Quốc, bắt giữ hơn 100 người và bắn chết một người ở khu mỏ gần thị trấn Manso, miền tây Ghana.

Người tử vong trong vụ xô xát này là cậu bé họ Trần, 16 tuổi đến từ tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Thi thể của nạn nhân sẽ được đưa về nước trao trả cho người thân vào hôm nay (15/10), tờ China Daily dẫn nguồn đại sứ quán Trung Quốc.

Trong khi đó, lực lượng an ninh Ghana nói cái chết của cậu bé người Trung Quốc tại khu mỏ hôm 12/10 "chỉ là một tai nạn và sẽ tiếp tục điều tra để làm rõ nguyên nhân".

Cùng ngày xảy ra vụ việc, Đại sứ Trung Quốc Gong Jianzhong đã có cuộc gặp khẩn cấp với Thứ trưởng ngoại giao và đại diện Cục An ninh Quốc gia nước Cộng hòa Ghana để bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc trước việc công dân Trung Quốc thiệt mạng và bị bắt giữ hôm thứ Sáu vừa qua".

Ông Gong cũng yêu cầu chính phủ nước sở tại nhanh chóng điều tra thủ phạm và bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân họ Trần, đồng thời kêu gọi các công nhân Trung Quốc tại Ghana tuân thủ những nguyên tắc liên quan để đảm bảo lợi ích hợp pháp ở quốc gia Tây Phi này.

Theo China Daily, trước đề nghị của đại sứ quán Trung Quốc, phía Ghana đã đồng ý trả tự do cho một số phụ nữ và người có sức khỏe yếu trong khi những người còn lại được cung cấp nước sạch và thuốc men trong quá trình giam giữ.

Ông Gong Jianzhong cho biết, hầu hết thợ mở người Trung Quốc ở Ghana đến từ khu tự trị của dân tộc Choang Quảng Tây và chủ yếu làm việc theo dự án xây dựng đường, cảng và ống dẫn dầu do chính phủ Bắc Kinh tài trợ.

Việc Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác khai thác mỏ với Ghana là dựa trên cở sở lợi ích chung giữa 2 bên.

Ghana có nguồn nguyên liệu dồi dào đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của Trung Quốc trong khi Bắc Kinh có thể đem lại cho quốc gia Tây Á này nguồn vốn, công nghệ và các thiết bị cần thiết, một chuyên gia nghiên cứu châu Phi ở Bắc Kinh nhận định.

Cộng hòa Ghana là nước xuất khẩu vàng lớn thứ hai ở Châu Phi với lợi nhuận thu về đóng góp khoảng 6% GDP cả nước.

Theo thống kê của chính phủ Ghana, trong quý đầu năm 2012, tổng sản lượng vàng xuất khẩu của quốc gia này đã tăng 64% và đạt 1.53 triệu ounce trong khi giá vàng thế giới cũng tăng từ mức 1.389 đô la lên 1.689 đô/ounce so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây có thể được xem là một động lực để các công ty đẩy mạnh hoạt động khai thác vàng ở Ghana, theo Daily Mail hôm 15/10.

( Bích Kỳ // VTC)


 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te