TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tàu sân bay Liêu Ninh thử nghiệm nhóm bảo đảm không quân hạm

Vào lúc 6h ngày 12-10, tại cầu cảng Đại Liên, tàu sân bay số hiệu 16 “Liêu Ninh” của Trung Quốc nhổ neo ra khơi tiến hành một đợt thử nghiệm mới. Đây là đợt thử nghiệm đầu tiên kể từ khi nó được bàn giao cho Hải quân ngày 25-9.
 

 


Trên không, phía sau máy bay trinh sát chống ngầm Z-8 là máy bay tiêm kích hạm J-15

Theo quy định, sau khi bàn giao, các hạng mục thử nghiệm sẽ do lực lượng hải quân đảm nhiệm, chủ yếu là thử nghiệm các tính năng bảo đảm và tác chiến của tàu và các thử nghiệm có liên quan đến biên đội tàu hộ tống, biên đội tiêm kích hạm…

 
Tuy hải quân Trung Quốc không thông báo rõ về địa điểm, khoảng thời gian cũng như nội dung thử nghiệm nhưng trên một số trang mạng Trung Quốc xuất hiện các bức ảnh và thông tin rất đáng chú ý. 

Với đường băng dạng bật lướt, bánh của J-15
không thể rời khỏi đường băng trước khi nó lướt ra khỏi mũi vểnh của con tàu

Thời báo Hoàn Cầu đăng tải nội dung công điện cảnh báo hàng hải số 0260 phát ra ngày 10-10 của Cục hải sự Liêu Ninh về hoạt động quân sự trong một khu vực giới hạn bởi 5 điểm liên tuyến tại khu vực phía bắc Bột Hải và khẳng định đó là khu vực hoạt động của tàu sân bay Liêu Ninh. Theo nội dung cảnh báo hàng hải, thời gian diễn ra hoạt động từ 8h ngày 12-10 đến 18h ngày 31-10. Như vậy, tàu sân bay Liêu Ninh sẽ tiến hành thử nghiệm trong vòng 20 ngày, ít hơn 5 ngày so với đợt thử nghiệm dài nhất của nó. 


Cận cảnh trang phục của nhân viên bảo đảm không quân
Về mục đích thử nghiệm, các diễn đàn trên mạng của Trung Quốc cũng không thống nhất với nhau. Một số trang mạng của Trung Quốc đăng tải loạt ảnh tàu sân bay Liêu Ninh trong ngày khởi hành. Trong số đó, đáng chú ý là bức ảnh trên boong có 1 chiếc trực thăng trinh sát chống ngầm Z-8 đang cất hạ cánh dưới sự điều khiển của nhân viên bảo đảm, trên không phía sau nó có 1 chiếc máy bay đang bay ở tầm thấp được cho là máy bay tiêm kích hạm J-15 đang huấn luyện cất, hạ cánh trên boong tàu sân bay. Ngoài ra còn có 1 bức ảnh J-15 đang bay sát sạt, cách một mặt cầu lõm giống như đường băng của tàu sân bay chưa đến 1m được chú thích là J-15 đang tập cất, hạ cánh trên tàu sân bay. 


J-15 huấn luyện với mô hình mô phỏng đường băng tàu sân bay
Thế nhưng cũng bức ảnh đó, thời báo Hoàn Cầu chú thích rõ là J-15 đang tập với mô hình mô phỏng đường băng của tàu sân bay Liêu Ninh, còn chiếc J-15 bay trên bầu trời được chú thích đơn giản là: “một chiếc máy bay J-15 đang bay”. Xem xét các khả năng, có vẻ thời báo Hoàn Cầu đăng tải hợp lý nhất. Bức ảnh J-15 đang bay sát mặt cầu lõm không thể là đường băng trên tàu sân bay. Với thiết kế đường băng kiểu bật lướt, mũi vểnh, bánh máy bay chỉ ngừng tiếp xúc với đường băng khi nó gia tăng vận tốc tới hạn, phóng khỏi mũi tàu, tăng tốc và lấy độ cao bay lên.

Nếu J-15 đã có thể nâng độ cao ngay trên mặt boong, chưa cần hết đường băng thì nó đã đạt đến tầm cất cánh gần như thẳng đứng, đây là điều không tưởng. Nếu vậy, với thói quen của người Trung Quốc, sự kiện này đã được giới truyền thông Đại lục tung hô ầm ĩ như là việc họ đưa được người lên mặt trăng vậy. Lần thử nghiệm này của Liêu Ninh chắc chắn không phải là thử nghiệm cất, hạ cánh của tiêm kích hạm, chỉ có độc nhất chiếc Z-8 là đã thực sự bay lên và hạ cánh trên đó.


Hành trình di chuyển của tàu sân bay Liêu Ninh từ cảng Đại Liên
(khoanh tròn, màu đỏ) ra khu vực thử nghiệm (hình bình hành màu vàng)

Xem xét thêm bức ảnh Z-8 đang hạ cánh, có thể nhận ra một nhóm nhân viên bảo đảm bay với trang phục khác nhau. Nhóm điều khiển bay sử dụng gậy phát sáng điều khiển đứng trước, trên áo gilê đỏ có hàng chữ rất mờ “hải quân Trung Quốc”, nhóm bảo đảm đứng sau, trên áo gilê xanh khoác ngoài có ghi rõ chữ “Tứ trạm”. “Tứ trạm” có nghĩa là 4 trạm, đây chính xác là một kiểu biên chế lực lượng bảo đảm không quân của tàu sân bay, có vai trò rất quan trọng trong bảo đảm cho phi công và máy bay. 4 trạm bảo đảm gồm có: trạm chế tạo dưỡng khí, trạm cung cấp dưỡng khí, trạm làm mát và trạm nạp điện. 


Nhân viên hoa tiêu giúp máy bay di chuyển trên tàu sân bay

Thời báo Hoàn Cầu còn đăng tải 1 biểu mẫu quy định màu sắc quần áo và mũ đội đầu của lực lượng bảo đảm trên tàu sân bay Enterprise (CVN-65) của Mỹ, đồng thời họ cũng đăng tải trên chục bức ảnh chụp trang phục của nhân viên bảo đảm trên tàu để so sánh và đối chiếu. Đây là cơ sở quan trọng để khẳng định mục đích ra biển lần nay của Liêu Ninh là thử nghiệm nhóm bảo đảm không quân của tàu sân bay.



Nhân viên kiểm tra thiết bị bay trên tàu sân bay Enterprise 


Đây là lực lượng bảo đảm cho hệ thống tổ chức huấn luyện và tác chiến không quân hạm, chủ yếu phụ trách bảo đảm cho công tác huấn luyện và tác chiến không quân; bảo đảm quản lý và sửa chữa trang bị; bảo đảm cung ứng kinh phí, vật tư, thiết bị; bảo đảm huấn luyện, bồi dưỡng nhân viên và thực hiện một số công việc khác.

Nguyễn Ngọc
Theo Thời báo Hoàn Cầu, ANTĐ


 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te