Triều Tiên: Lao động nước ngoài bị Chính phủ siết lương, bức ép?
Theo tờ Chosun Ilbo, Triều Tiên đã yêu cầu mỗi cơ quan của Cục An ninh Nhà nước kiểm soát 50 lao động Triều Tiên ở nước ngoài, nhằm ngăn chặn họ đào ngũ cũng như tiếp thu và mang về nước những ảnh hưởng của văn hóa phương Tây.
Mỗi cơ quan này được yêu cầu là phải thu 167 USD/công nhân/tháng để đạt được chỉ tiêu hàng năm: 100.000 USD.
Theo tờ Chosun Ilbo, trung bình mỗi lao động Triều Tiên ở nước ngoài kiếm được từ 300 - 1.000 USD/tháng, tùy thuộc vào loại công việc và quốc gia họ tới. 80% trong số đó sẽ được chuyển tới một cơ quan được gọi là Phòng 39 dưới dạng thuế, chi trả bảo hiểm và chi phí nội trú.
Như vậy, trên thực tế, họ chỉ kiếm được từ 60 - 200 USD/tháng, và thậm chí là có thể thấp hơn nữa.
Cũng về vụ việc này, mới đây, hãng tin Hàn Quốc Yonhap dẫn lời một nhà ngoại giao Seoul giấu tên cho biết, có khoảng 4.000 lao động Triều Tiên hiện đang làm việc tại các địa điểm xây dựng chính ở ngoại ô thủ đô Cô oét và sống trong các trại kiểu quân đội do Chính phủ Triều Tiên điều hành.
Theo đó, một công nhân xây dựng Triều Tiên ở Cô-oét kiếm được 500 USD/tháng, nhưng khoảng 4/5 số tiền này được chuyển trực tiếp vào tài khoản do chính phủ quản lý - nó được coi như khoản đóng góp tự nguyện cho những nỗ lực của Chính phủ.
"Mỗi công nhân Triều Tiên, kể từ thợ trát vữa, thợ mộc, thợ hàn đến lái xe tại các công trường, được cho là thực sự chỉ nhận được 100 US
Một bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết rất nhiều lao động Triều Tiên làm việc ở nước ngoài bị kiểm soát: "Những công nhân này phải đối mặt với đe dọa bị trả thù lên họ và những người thân ở Triều Tiên nếu cố gắng trốn thoát hoặc phàn nàn với bên ngoài".
Trong khi đó, nguồn tin của Chosun Ilbo cho hay, họ không được rời khỏi trại, không được xem ti vi và thường xuyên bị đánh đập cho tới khi chấp hành kỉ luật. "Những lao động nước ngoài phải làm quần quật 12 - 14 tiếng/ngày và chỉ được nghỉ một ngày trong suốt 2 tuần. Một số phụ nữ bị buộc phải bán dâm".
Cùng với Nga và Trung Quốc, Trung Đông hiện là điểm đến chính cho hoạt động xuất khẩu lao động của Triều Tiên. Theo Chosun Ilbo, Triều Tiên hiện đang có khoảng từ 40.000 - 120.000 lao động nước ngoài.
Tuy nhiên, một nguồn tin giấu tên của Chosun Ilbo cho biết "vì số tiền họ gửi về trở thành nguồn thu ngoại tệ duy nhất của Triều Tiên, các cơ quan nhà nước hiện đang tranh cãi nhau quanh vấn đề quyền được gửi lao động sang nước ngoài".
Rất nhiều công nhân Triều Tiên buộc phải thực hiện các phi vụ buôn bán phi pháp như buôn gạc hươu, xạ hương, mật gấu... để kiếm thêm thu nhập.
( Soha)
----------------
Ghana bắt 90 người Trung Quốc khai thác vàng lậu
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 14.10 cho biết Ghana đã bắt giữ hơn 90 công dân Trung Quốc do tình nghi khai thác vàng lậu và 1 người đã thiệt mạng, theo hãng tin AP.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng bày tỏ “lo ngại nghiêm trọng” với Ghana về cái chết và những vụ bắt giữ nói trên.
Cơ quan trên nói rằng họ biết Ghana sẽ xử lý vấn đề theo luật và bảo vệ sự an toàn cũng như quyền của các công dân Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cung cấp rất ít chi tiết trong một tuyên bố đưa lên website. Cơ quan này nói rằng chính quyền Ghana đã tiến hành trấn áp hoạt động khai thác vàng bất hợp pháp trong năm nay và bắt giữ những người Trung Quốc “gần đây”.
Tháng trước, Đại sứ quán Trung Quốc ở Ghana thông báo 40 người Trung Quốc đã bị bắt giữ do tình nghi khai thác vàng bất hợp pháp, 38 người trong số này đã bị trục xuất.
Trung Quốc rất muốn chứng tỏ rằng họ có khả năng duy trì an ninh và quyền của các công dân quốc gia mình ở nước ngoài.
Theo Thanh niên
------------
Ấn và Nga đàm phán về trách nhiệm hạt nhân dân sự
Các nguồn tin ngày 14/10 cho biết Ấn Độ và Nga sẽ tiến hành các cuộc đàm phán về trách nhiệm hạt nhân dân sự và thương mại trong ngày 15/10 tại thủ đô New Delhi.
Nguồn tin nêu rõ: “Ngoại trưởng Ấn Độ S. M. Krishna và Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin sẽ tiến hành cuộc gặp song phương. Các vấn đề như trách nhiệm hạt nhân dân sự và các biện pháp tăng cường thương mại giữa hai nước sẽ nằm trong chương trình nghị sự của hai quan chức này.”
Hai bên sẽ thảo luận về nhà máy điện hạt nhân Kudankulam tại bang Tamil Nadu ở miền Nam Ấn Độ. Cơ sở do Ấn Độ và Nga hợp tác xây dựng và chuẩn bị sản xuất điện này đã phải ngừng hoạt động do cuộc biểu tình của người dân địa phương.
Tin cho biết thêm Phó Thủ tướng Nga cũng có kế hoạch gặp Thủ tướng Manmohan Singh và Bộ trưởng Thương mại Anand Sharma của nước chủ nhà.
Những cuộc gặp này diễn ra trước thềm chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng tới, trong đó nhà lãnh đạo Nga sẽ tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh thường niên với Thủ tướng Ấn Độ./.
(Vietnam+)
-----------------
Thủ tướng al-Maliki: Iraq 'không phải là cái sân sau của Mỹ’
Mỹ không thể ngăn chặn, phong tỏa hợp đồng Iraq mua vũ khí của Nga. Đó là tuyên bố của Thủ tướng Nouri al-Maliki khi trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình "Nước Nga 1".
Thủ tướng Nouri al-Maliki tuyên bố: “Iraq không cần ai tham vấn cho việc mua sắm vũ khí hay dầu mỏ và tự mình thông qua những quyết sách chính trị". Ông bày tỏ hy vọng rằng các hãng Nga sớm quay trở lại Iraq và nói: "Đất nước chúng tôi không phải là cái sân sau của Mỹ".
Trong tuần qua Thủ tướng Nouri al-Maliki đã tiến hành chuyến thăm chính thức Liên bang Nga. Thủ tướng Iraq đã hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev về triển vọng hợp tác trong chính trị, thương mại-kinh tế và các lĩnh vực nhân văn.
Trong chuyến thăm Liên bang Nga của Thủ tướng Nouri al-Maliki, hai bên đã ký nhiều hợp đồng về việc Nga cung cấp vũ khí cho Iraq trị giá hơn 4,2 tỷ USD.
Theo VOR, ĐVO
--------------
Indonesia dành ưu tiên hàng đầu cho giảm đói nghèo
Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, trong chuyến thăm làm việc tại Yogyakarta mới đây, đã khẳng định Chính phủ Indonesia sẽ dành ưu tiên hàng đầu cho xóa đói giảm nghèo.
Tổng thống Yudhoyono cho biết xóa đói giảm nghèo luôn là một trong những ưu tiên của chính phủ kể từ khi Indonesia giành được độc lập.
Chính sách này luôn được các nhà lãnh đạo đất nước, từ Tổng thống đầu tiên Soekarno, cho đến những tổng thống kế nhiệm sau đó là Soeharto, Habibie, Abdurahman Wahid và Megawati coi trọng và nhất quán thực hiện.
Tổng thống Yudhoyono nêu rõ rằng mặc dù số lượng những người có thu nhập trên mức bình quân đầu người ngày một tăng, lên khoảng 130 triệu người trong tổng dân số 240 triệu dân của Indonesia, song vấn đề nghèo đói vẫn là một thách thức lớn của đất nước “Vạn Đảo,” khi vẫn còn tới khoảng 30 triệu người thuộc diện nghèo.
Ông Yudhoyono nhấn mạnh Chính phủ Indonesia sẽ tăng cường làm việc cùng với chính quyền các cấp, các ngành, các doanh nghiệp nhà nước và khu vực tư nhân để đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, đặc biệt việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường cũng sẽ cải thiện hiệu quả đời sống vật chất và tinh thần của người dân cả nước./.
(TTXVN)
-----------
Thủ tướng Malaysia Najib lần đầu thăm Philippines
Nhận lời mời của Tổng thống Philippines Benigno Aquino, Thủ tướng Malaysia Najib Razak ngày 14/10 đã tới thủ đô Manila, Philippines để chứng kiến lễ ký Hiệp định khung hòa bình giữa Chính phủ Philippines và Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF), dự kiến diễn ra vào ngày 15/10.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Najib tới Philippines kể từ khi trở thành Thủ tướng Malaysia vào năm 2009.
Sáng 15/10, tại Điện Malacanang sẽ diễn ra nghi lễ tiếp đón trọng thể dành cho Thủ tướng Najib, tiếp theo là cuộc gặp song phương giữa Thủ tướng Najib và Tổng thống Aquino trước khi diễn ra lễ ký kết Hiệp định khung hòa bình nói trên vào chiều cùng ngày.
Thủ tướng Najib là một trong số khách mời chứng kiến lễ ký kết nêu trên.
Malaysia từng là bên thứ ba tham gia tích cực các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Philippines và MILF kể từ năm 2001, đồng thời đứng đầu Nhóm giám sát quốc tế ở nước này từ năm 2004.
Hiệp định khung hòa bình là một lộ trình cho việc thiết lập một khu tự trị mới cho người Hồi giáo ở miền Nam Philippines nhằm mục đích mở đường cho một nền hòa bình lâu dài, sau hơn 40 năm xung đột.
Báo chí Philippines ra ngày 14/10 cho rằng thỏa thuận hòa bình với MILF là một đòn mạnh giáng vào những kẻ khủng bố tại nước này.
Theo tờ Philippine Daily Inquirer, giới chức Philippines hy vọng rằng thỏa thuận hòa bình sơ bộ mà chính phủ nước này đạt được với MILF, cuối cùng sẽ biến nhóm nổi dậy gồm 12.000 quân trở thành một lực lượng mạnh mẽ chống lại tàn quân của nhóm Hồi giáo vũ trang Abu Sayyaf và các nhóm cực đoan khác, được cho là đang ẩn náu tại khu vực Mindanao ở miền Nam Philippines./.
(TTXVN)
--------
Myanmar: Đảng cầm quyền họp về chiến lược tương lai
Ngày 14/10, đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) cầm quyền ở Myanmar đã khai mạc hội nghị đảng đầu tiên kéo dài bốn ngày tại thủ đô Nay Pyi Taw nhằm vạch ra chính sách tương lai và bầu ban lãnh đạo mới.
Tổng thống U Thein Sein, cựu Chủ tịch đảng, đã có bài phát biểu tại phiên khai mạc.
Theo Hiến pháp Myanmar, từ khi đắc cử Tổng thống, ông U Thein Sein không được kiêm nhiệm chức Chủ tịch đảng và vị trí này từ đó đến nay đã bị bỏ trống.
USDP thành lập năm 1993, xuất thân từ một tổ chức xã hội lớn nhất Myanmar được chính quyền quân sự cũ ủng hộ. Hiện đảng này có 16 triệu thành viên.
Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2010 với sự tham gia của 37 đảng phái, trong đó không có đảng Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ (NLD) đối lập, USDP đã giành được đa số 883 ghế trong Quốc hội (chiếm 76,5%) trên tổng số 1.154 ghế ở ba cấp, trong đó 259 ghế ở Hạ viện, 129 ghế Thượng viện và 495 ghế ở nghị viện bang và khu vực.
Hiến pháp năm 2008 của Myanmar quy định 25% số ghế nghị viện ở mỗi cấp do quân đội chỉ định trực tiếp không thông qua bầu cử.
Trong cuộc bầu cử năm 2012, USDP giành được một ghế ở Thượng viện trong khi NLD giành 43 ghế.
Cuộc tổng tuyển cử tiếp theo ở Myanmar sẽ diễn ra vào năm 2015./.
(TTXVN)
-----------
Thế giới 7 ngày: "Lửa chiến tranh" nhen nhóm tại Trung Đông
Căng thẳng Syria và Thổ Nhĩ Kỳ có thể thổi bùng lên ngọn lửa chiến tranh và cuốn khu vực Trung Đông vào vòng xoáy bạo lực.
Căng thẳng đang gia tăng từng ngày giữa hai quốc gia láng giềng đã từng có thời là đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ - Syria. Tiếp sau các vụ bắn pháo trả đũa nhau giữa hai bên tại khu vực biên giới, trong tuần qua, dư luận thế giới lại chứng kiến mối quan hệ giữa hai quốc gia này tiếp tục xấu đi khi ngày 10/10, các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ đã áp sát và buộc một máy bay dân sự của Syria đang bay từ Moscow (Nga) đến Damascus (Syria) phải hạ cánh khẩn cấp xuống thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ.
Chiếc máy bay này sau đó đã được phép cất cánh theo hành trình đã định sau khi lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ kiểm tra và tịch thu một số hàng hóa trên máy bay. Phát biểu với báo giới tại Ankara, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói rằng, chiếc máy bay của Syria đã chở các thiết bị quân sự do Nga sản xuất. Tuy nhiên, Syria đã ngay lập tức lên tiếng bác bỏ tuyên bố trên của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí, Giám đốc Hãng Hàng không quốc gia Syria Ghaida Abdulatif nêu rõ, việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ chiếc máy bay của hãng hàng không Syria một ngày trước đó và có các hành động ngược đãi đội bay, là một hành động thù địch.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 12/10 cũng nói rằng chiếc máy bay của Syria bị buộc phải hạ cánh tại Thổ Nhĩ Kỳ vài ngày trước không hề chở theo vũ khí mà chỉ chở các trang thiết bị cài đặt radar và việc vận chuyển này là hợp pháp. Phía Nga cũng đã hoãn chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Putin sau khi xảy ra vụ việc trên.
Dư luận dự đoán căng thẳng giữa hai nước sẽ không sớm được giải quyết khi ngày 13/10, Chính phủ Syria đã ban hành lệnh cấm máy bay dân sự Thổ Nhĩ Kỳ bay qua lãnh thổ Syria. Trong ảnh: Chiếc máy bay Syria bị buộc hạ cánh và kiểm tra tại Thổ Nhĩ Kỳ .
Ngày 11/10 (theo giờ Mỹ), Phó Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ và Hạ nghị sĩ P. Ryan của đảng Cộng hòa đã có cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên và cũng là duy nhất giữa hai ứng cử viên Phó Tổng thống.
Theo kết quả thăm dò ý kiến do kênh truyền hình CNN thực hiện, 48% cử tri theo dõi cuộc tranh luận cho rằng ông Paul Ryan đã chiến thắng, trong khi 44% có ý kiến tương tự đối với Phó Tổng thống Biden. Kết quả bất phân thắng bại này khiến sức ép sẽ tiếp tục gia tăng đối với Tổng thống Barack Obama và cựu Thượng nghị sỹ Mitt Romney khi hai ứng cử viên tổng thống gặp lại nhau trong vòng tranh luận trực tiếp thứ 2 tại New York vào tuần tới. Trong ảnh: Đương kim Phó Tổng thống Joe Biden (phải) và Hạ nghị sĩ P. Ryan tại cuộc tranh luận ngày 11/10
Ngày 8/10, kết quả bầu cử Tổng thống Venezuela đã được công bố theo đó, đương kim Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã tái đắc cử. Ông Chavez sẽ nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ mới vào ngày 10/1/2013 và điều hành đất nước Nam Mỹ có trữ lượng dầu mỏ khổng lồ này tới năm 2019.
Như vậy, với sự tái đắc cử nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ 3 của ông Hugo Chavez đã phản ánh nguyện vọng của đa số người dân đang hướng về tinh thần của cuộc cách mạng Bolivar - hướng về một tương lai tốt đẹp của Chủ nghĩa Xã hội hiện đại của thế kỷ XXI mà các nhà xã hội chủ nghĩa cánh tả Mỹ Latin đang theo đuổi. Trong ảnh: Tổng thống Hugo Chavez phát biểu sau khi giành chiến thắng
Sáng 12/10 tại Tokyo (Nhật Bản), các hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) chính thức khai mạc. Với sự tham dự của quan chức cấp cao phụ trách ngành ngân hàng, tài chính và các chuyên gia đến từ 188 nước thành viên, các hội nghị năm nay tập trung thảo luận về các giải pháp khôi phục kinh tế toàn cầu.
Phát biểu khai mạc, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nhấn mạnh, IMF muốn tạo ra một nền tảng để các nền kinh tế, từ mới nổi ở các thị trường đang phát triển đến truyền thống ở các thị trường phát triển, có thể tìm ra cách thức tham gia tích cực, đồng thời tạo ra những điều kiện có lợi cho sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Trước ngày khai mạc, IMF đã giảm dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2012 xuống 3,3% so với mức dự báo 3,5% trước đó, với lý do quá trình hồi phục diễn ra yếu hơn dự kiến. Trong ảnh: Hội nghị thường niên giữa IMF và WB tại Tokyo .
Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimura ngày 12/10 khẳng định, Nhật Bản không thay đổi chính sách đơn phương đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ đối với hai đảo thuộc quần đảo Takeshima/Dokdo, ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ở The Hague - Hà Lan. Hiện Nhật Bản đang trong giai đoạn cuối cùng của việc chuẩn bị trình vấn đề tranh chấp lãnh thổ này lên Tòa án Công lý Quốc tế, có thể vào cuối tháng 10 tới.
Cũng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, Nhật Bản và Trung Quốc đã quyết định khôi phục đối thoại. Sau cuộc đàm phán sơ bộ tại Tokyo ngày 12/10 vừa qua, Trung Quốc và Nhật Bản đã quyết định khởi động vòng tham vấn mới giữa đại diện bộ Ngoại giao 2 nước. Động thái này được dư luận đánh giá có thể hạ nhiệt mối quan hệ vốn căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn ở châu Á thời gian qua. Trong ảnh: Chuỗi đảo tranh chấp Takeshima/Dokdo giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.
Chiều 12/10, Ủy ban Giải Nobel Nauy thông báo, Liên minh châu Âu (EU) đã đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2012 vì đã duy trì được khối đoàn kết thống nhất tại châu Âu. Tại buổi lễ thông báo ở Oslo, Chủ tịch Ủy ban giải Nobel Thorbjoern Jagland nói rằng, EU đã “chuyển đổi châu Âu từ một châu lục gồm các cuộc chiến tranh thành châu lục hòa bình”. Ủy ban Nobel Nauy đánh giá cao những nỗ lực của EU ng việc tái thiết kinh tế sau chiến tranh Thế giới lần thứ hai.
Tuy nhiên, việc trao giải Nobel Hòa bình cho EU đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều. Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga cho rằng quyết định trao giải thưởng hòa bình năm 2012 cho Liên minh châu Âu là tiếp tục hạ giá trị của giải thưởng danh giá này.
Giám đốc Quỹ Hòa bình Nga đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng Nghị viện châu Âu (PACE) Leonid Slusky đánh giá việc trao giải thưởng hòa bình cho Liên minh châu Âu là "không đúng chuẩn mực". Trong khi đó, Tổ chức kiến tạo hòa bình Thụy Điển cũng phê phán quyết định trao giải thưởng cho Liên minh châu Âu. Trong ảnh: Cờ của các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu trước trụ sở Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp .
Trung Quốc tiếp tục phản pháo dữ dội một bản báo cáo của Quốc hội Mỹ cho rằng 2 công ty Trung Quốc đe dọa an ninh nước Mỹ. Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 9/10 cảnh báo rằng báo cáo trên sẽ làm tổn hại quan hệ giữa 2 nước, đồng thời cáo buộc Mỹ “đã vi phạm các nguyên tắc thị trường tự do mà nước này đã theo đuổi từ lâu và sẽ phá hoại sự hợp tác giữa 2 quốc gia”.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và hãng thông tấn chính thức của nước này cũng đã phản đối bản báo cáo của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ hối thúc các công ty Mỹ loại bỏ các đối tác Trung Quốc là Công ty kỹ thuật Hoa Vi và Công ty viễn thông Trung Hưng (ZTE). Trong ảnh: Người Mỹ đang lo ngại các thiết bị viễn thông Trung Quốc .
Mạnh Hùng/ VOV online
Tổng hợp
-------------------------------
“Iran không mềm yếu trước các âm mưu của kẻ thù”
Đại giáo chủ nước này khẳng định, kẻ thù đã lên kế hoạch cản trở sự tiến bộ và phát triển của Iran.
Lãnh tụ tinh thần tối cao Nhà nước Hồi giáo Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei nói rằng, quốc gia Hồi giáo đang đối mặt với những âm mưu to lớn của kẻ thù, song không mềm yếu khi phải đối mặt với những thách thức này.
Truyền hình Press TV mới đây dẫn lời Đại giáo chủ Khamenei khẳng định, kẻ thù đã lên kế hoạch cản trở sự tiến bộ và phát triển của Iran. Tuy nhiên, ông nói, ngay từ đầu cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, các thế lực thù địch của Iran đã nhận ra là chúng sẽ thất bại trong mọi âm mưu và thủ đoạn chống lại Nhà nước Hồi giáo.
Đại giáo chủ Khamenei tin tưởng rằng, sự đoàn kết quốc gia và trong đội ngũ lãnh đạo, sự hội tụ trong các cơ quan công quyền và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân, sẽ mang lại thêm nhiều thành quả nữa cho đất nước Iran./.
Bá Thi/VOV-Trung tâm tin
Theo Tân Hoa xã
----------
Nhật-Trung khôi phục đối thoại về tranh chấp lãnh thổ
Sau đàm phán sơ bộ tại Tokyo ngày 12/10, Trung Quốc và Nhật Bản quyết định khởi động vòng tham vấn mới giữa bộ Ngoại giao 2 nước.
Nhật Bản và Trung Quốc đã quyết định khôi phục đối thoại về quân đảo tranh chấp. Người đứng đầu Cơ quan phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc La Triệu Huy đã có chuyến thăm 2 ngày tới Nhật Bản. Cuộc gặp giữa ông và người đồng cấp Nhật Bản đã mở đường cho cuộc đàm phán cấp thứ trưởng giữa 2 nước.
Sau cuộc đàm phán sơ bộ tại Tokyo ngày 12/10 vừa qua, Trung Quốc và Nhật Bản đã quyết định khởi động vòng tham vấn mới giữa đại diện bộ Ngoại giao 2 nước. Ông La Triệu Huy là quan chức ngoại giao cấp cao đầu tiên của Trung Quốc thăm Nhật Bản kể từ khi Nhật Bản tuyên bố mua lại quần đảo mà nước này gọi là Senkaku (Trung Quốc gọi là Điều Ngư) ngày 11/9.
Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản cũng cho rằng, chuyến thăm của ông La Triệu Huy có thể giúp hạ nhiệt sự căng thẳng trong quan hệ 2 nước. Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba đã khẳng định, cuộc đàm phán cấp thứ trưởng sẽ diễn ra tại Tokyo. Vòng đàm phán cấp thứ trưởng ngoại giao đầu tiên về vấn đề tranh chấp lãnh thổ được tổ chức tại Bắc Kinh ngày 25/9 vừa qua./.
Thuỳ Linh/VOV-Trung tâm tin
Theo Tân Hoa xã
--------------
Đức kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế
Ngoại trưởng Đức cho rằng, các bên cần kiềm chế và “không đổ thêm dầu vào lửa”.
Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế trong vấn đề mâu thuẫn với Syria xung quanh việc nước này đã buộc một chiếc máy bay dân xự Syria hạ cánh để kiểm tra.
Tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tại Istanbul ngày 13/10. Ông Westerwelle nói rằng, các bên cần kiềm chế và “không đổ thêm dầu vào lửa”. Tuy nhiên, ông ủng hộ việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết định ngăn chặn chiếc máy bay dân sự trên lộ trình từ Moscow của Nga tới Damascus của Syria.
Ngày 10/10 vừa qua, chiếc máy bay F16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã chặn chiếc máy bay Airbus A320 của Syria khi chiếc máy bay này bay qua không phận Thổ Nhĩ Kỳ và buộc nó phải hạ cánh xuống sân bay Esenboga ở Ankara để kiểm tra. Cả Nga và Syria sau đó đều bác bỏ các cáo cuộc của Thổ Nhĩ Kỳ về việc Nga đang gửi vũ khí cho Syria thông qua máy bay dân sự này./.
Thuỳ Linh/VOV-Trung tâm tin
Theo Press TV
-------------
Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích Hội đồng Bảo an thiếu công bằng
Thủ tướng nước này cho rằng Hội đồng Bảo an không theo đuổi chính sách hữu hiệu đối với thảm kịch nhân đạo tại Syria.
Ngày 13/10, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã chỉ trích Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là thiếu công bằng trong cuộc khủng hoảng tại Syria.
Phát biểu tại Diễn đàn Thế giới Istanbul đang diễn ra tại nước này, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho rằng, Hội đồng Bảo an đã không thể theo đuổi một chính sách hữu hiệu đối với thảm kịch nhân đạo tại Syria vốn đã kéo dài 19 tháng qua và cướp đi mạng sống của ít nhất 30.000 người….
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nhấn mạnh: “Đã đến lúc phải cân nhắc về sự thay đổi đối với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Mỗi ngày trôi qua lại càng trở nên khó khăn hơn đối với các tổ chức quốc tế có những cơ chế không công bằng, không bình đẳng và thiếu năng động, trong việc thực thi chức năng và trọng trách của mình”./.
Bá Thi/VOV-Trung tâm tin
Theo Reuters