Theo báo “Thương gia” (Nga) ngày 12/10, việc máy bay tiêm kích F-16 của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ buộc chiếc máy bay Airbus-A320 đang trong chặng bay từ Mátxcơva (Nga) đến thủ đô Đamát (Xyri) phải hạ cánh khẩn cấp không những gây nên cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc nhất trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Xyri, mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay sau khi xảy ra sự việc, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã lên tiếng cáo buộc Mátxcơva cung cấp các thiết bị quân sự cho Đamát, trong khi Bộ Ngoại giao Nga cực lực bác bỏ thông tin này.
Chiếc A320 của Xyri ở sân bay Esenboga hôm 10/10 sau khi bị máy bay tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ ép hạ cánh. |
Một nguồn tin của tờ “Thương gia” cho biết khi chiếc Airbus A320 bị buộc phải hạ cánh, trên máy bay có 17 người mang quốc tịch Nga cùng một số thiết bị kỹ thuật chuyên dùng cho các trạm quan sát vô tuyến của hệ thống phòng không Xyri. Thông tin này được phát đi cùng lúc với tin đồn Cơ quan An ninh Liên bang Nga dự kiến tiến hành một cuộc kiểm tra nội bộ đối với việc rò rỉ thông tin Nga cung cấp một lô hàng cho Xyri. Mỹ cũng tuyên bố sẽ xem xét khả năng liệu Nga có sử dụng máy bay dân dụng để cung cấp vũ khí cho Xyri hay không.
Theo thông tin trước đó, chiếc Аirbus А320 bị buộc hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Ancara vì bị tình nghi chở các hàng hóa không thuộc danh mục của hàng không dân dụng. Sau khi kiểm tra, các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cho phép chiếc Аirbus А320 tiếp tục cất cánh theo lộ trình đến Đamát, nhưng giữ lại số hàng hóa bị tình nghi.
Chiều 11/10, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố máy bay của Xyri chở vũ khí từ Nga về Đamát. Lô hàng trên là của một công ty chuyên xuất khẩu vũ khí của Nga và bên nhận là Bộ Quốc phòng Xyri. Cùng thời điểm trên, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thông báo Mỹ sẽ xem xét vấn đề này. Trong khi đó, một nguồn tin thân cận với Cơ quan Hợp tác Quân sự-Quốc phòng Nga bác bỏ thông tin về việc có vũ khí trên khoang máy bay. Còn Cơ quan xuất khẩu vũ khí Nga không đưa ra bình luận trước thông tin trên.
Nguồn tin của tờ “Thương gia” cho biết trên khoang chiếc Airbus A320 có 12 thùng hàng chứa các thiết bị kỹ thuật chuyên dùng cho các trạm định vị vô tuyến phòng không và hồ sơ kỹ thuật đi kèm. Nguồn tin này cũng cho biết số hàng trên không phải qua khám xét đặc biệt vì không gây phương hại cho máy bay cũng như phi hành đoàn, và cũng không vi phạm bất cứ điều khoản nào của công ước quốc tế về hàng không dân dụng.
Sự cố trên chỉ là "giọt nước làm tràn ly" trong bối cảnh quan hệ Ancara và Đamát vốn đã căng thẳng. Bộ trưởng Giao thông Xyri Mahmud Said coi hành động này của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ là “không tặc”, còn Bộ Ngoại giao Xyri tuyên bố đây là bằng chứng rõ ràng của một chính sách thù địch. Một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin chính quyền Xyri đã ra lệnh cho không quân nước này chặn tất cả các máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ đi qua không phận Xyri. Xyri đã ra lệnh cấm các máy bay chở khách của Thổ Nhĩ Kỳ bay trên không phận Xyri kể từ 4 giờ sáng ngày 14/10 (giờ Hà Nội). Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 14/10, Ngoại trưởng Ahmet Davutoglu thông báo, Ancara đóng cửa không phận đối với các chuyến bay dân sự của Xyri, với lý do Đamát "lợi dụng" các chuyến bay dân sự để vận chuyển trang thiết bị quân sự.
Một nguồn tin thân cận với Cơ quan hàng không Nga cho rằng việc buộc hạ cánh đối với máy bay dân sự chỉ được áp dụng nếu máy bay này đột ngột thay đổi hành trình đã xin phép trước đó, không trả lời các tín hiệu vô tuyến hoặc được thông báo phải hạ cánh mà không chấp hành. Nếu đối chiếu với các quy định này, việc Thổ Nhĩ Kỳ buộc hạ cánh đối với chiếc Airbus A320 có thể được coi là một hành động gây hấn.
Sau vụ việc trên, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ hi vọng sự cố này không làm ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ Nga-Thổ. Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexandr Lukashevich nói rằng hành động bất thường này đe dọa tính mạng và sự an toàn bay của các công dân Nga. Còn Tổng thống Nga Vladimirr Putin ngay sau đó tuyên bố lùi chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ - dự kiến sẽ diễn ra vào tuần tới - sang ngày 3/12. Có lẽ, đây mới là phản ứng chính thức của phía Nga.
Trao đổi với báo "Thương gia", Alexandr Khramtrinkhin - chuyên gia của Viện Phân tích Chính trị và Quân sự Nga - cho rằng sự việc này đã khiến quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO, đang hoạt động vì lợi ích của các đồng minh và trong tương lai có thể là bàn đạp để khối quân sự này triển khai các chiến dịch chống Xyri.
Trong khi đó, chuyên gia Konstantin Makienko thuộc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Chính trị Nga nhận định Nga sẽ không bỏ qua sự việc này. Sau khi điều tra nội bộ về việc rò rỉ thông tin, Nga sẽ khởi tố vụ án và yêu cầu Ancara có giải thích đầy đủ. Không loại trừ khả năng các cơ quan đặc biệt của Mỹ đã báo cho Thổ Nhĩ Kỳ thông tin trên khoang của chiếc Airbus-A320 có vũ khí. Nếu không, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ không thể có hành động mạo hiểm như vậy.
Cao Cường
Theo Báo Tin Tức