Đức đề xuất lập "Ngân sách trung ương": Có khả thi?
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tại liên minh châu Âu (EU) đang gia tăng, đặc biệt là tại khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone, nước Đức mới đề xuất lập "Ngân sách trung ương" cho khu vực này để tháo gỡ những khó khăn đang có nguy cơ ngày càng trầm trọng.
Đây là đề xuất của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Bà cho biết, việc xây dựng một cơ chế cứu trợ tài chính mới thông qua "Ngân sách trung ương" là để ngăn chặn khủng hoảng và thúc đẩy sự hợp tác, hòa nhập sâu rộng hơn nữa giữa các nước châu Âu.
Ý kiến trái chiều
Theo dự kiến, đề xuất của Đức sẽ được thảo luận và là điểm quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của Thủ tướng Angela Merkel tại cuộc họp Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) vào giữa tháng 10 tới. Theo báo Thế giới (Đức), những công cụ hiện tại của EU như Quỹ cơ cấu và gắn kết đã không còn tác dụng. Với sáng kiến này, Đức muốn tiếp tục thúc đẩy đường lối "đoàn kết để kiểm soát tình hình" và cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt kế hoạch phát hành trái phiếu euro như đã dự định. "Ngân sách trung ương" sẽ được tạo ra từ nguồn thu thuế của các quốc gia, cũng có thể từ lợi nhuận của thuế giao dịch tài chính, trong đó Đức sẽ là nước đóng góp nhiều nhất.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định sẽ có những cuộc tranh cãi căng thẳng xung quanh sáng kiến này tại cuộc họp EU sắp tới. Nhiều nước trong đó có Pháp và Tây Ban Nha coi đề xuất này chỉ đơn thuần là một sự "làm chệch hướng". Họ cho rằng, điều quan trọng bây giờ là cần có những quyết định cụ thể và nhanh chóng tái tạo vốn cho các ngân hàng. Mặt khác, đề xuất của Đức sẽ đòi hỏi phải sửa đổi nhiều Hiệp ước EU và là một dự án phải sau vài năm nữa mới có thể được thực hiện.
Một nhà ngoại giao EU cho biết: "Chúng tôi rất thích nghe sáng kiến này nhưng chưa hình dung rõ hình hài của nó". Tất nhiên, để dành được sự ủng hộ, Berlin phải thúc đẩy các vấn đề khác song song với việc thuyết phục thành lập "Ngân sách trung ương". Một sự trợ giúp tạm thời, chẳng hạn như chống thất nghiệp cao, giải quyết hậu quả của chính sách thắt lưng buộc bụng... Nhưng quan trọng nhất là "Ngân sách trung ương" phải tạo ra nền tảng cho các điều kiện kinh tế vĩ mô thì Pháp cũng sẽ không phản đối.
Gắn với EU để phát triển Eurozone
Trong khi cựu Tổng thống Pháp Nikolas Sarkozy tích cực kêu gọi các nước Eurozone có các cuộc họp thường xuyên hơn để giải quyết tình hình nội khối thì Thủ tướng Đức Angela Merkel lại luôn coi trọng gắn kết với các quốc gia ngoài Eurozone, đặc biệt là Ba Lan. Warszawa muốn đưa vào sử dụng đồng euro nhưng đang e ngại vì có nhiều quyết định liên quan đến giải quyết khủng hoảng của khu vực này.
Dự kiến, Chủ tịch Hội đồng EU Herman Van Rompuy sẽ trình bày tại Hội nghị thượng đỉnh EU tới một báo cáo mới về "con đường tiến tới một liên minh tiền tệ và kinh tế".
Quan chức người Bỉ này hồi tháng 6 đã nhận nhiệm vụ của Hội đồng châu Âu, soạn thảo một văn bản quan trọng về tiếp tục phát triển khu vực Eurozone. Trong tài liệu để thảo luận đã được gửi tới chính phủ các nước Eurozone hồi giữa tháng 9, ông Van Rompuy cũng đề xuất thành lập một "Bộ tài chính euro" và một "Ngân sách trung ương". Đây là một hướng mới của khu vực eurozone.
Xanyba Nguyễn (Tổng hợp từ báo Đức)// GTVT
-----------------
Nhật tính xoa dịu Trung Quốc vụ quần đảo Senkaku
Các nguồn thạo tin ngày 9/10 cho biết Nhật Bản đang cân nhắc các kế hoạch nhằm xoa dịu căng thẳng với Trung Quốc bằng việc thừa nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với quần đảo tranh chấp tại biển Hoa Đông, trong khi vẫn bảo lưu lập trường rằng không tồn tại tranh chấp lãnh thổ chính thức nào đối với quần đảo này.
Kế hoạch trên đồng nghĩa với việc Nhật Bản sẽ có đôi chút thỏa hiệp với Trung Quốc mà không thay đổi lập trường từ lâu của mình. Bắc Kinh vốn kêu gọi Tokyo thừa nhận sự tồn tại bất đồng liên quan đến quần đảo Senkaku do phía Nhật Bản kiểm soát, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Tuy nhiên theo các nguồn tin, hiện chưa rõ liệu động thái này của Nhật Bản có là động lực để Trung Quốc cải thiện mối quan hệ tồi tệ giữa hai nước hay không.
Trong cuộc gặp với một phái đoàn gồm các nghị sĩ và các lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản ở Bắc Kinh cuối tháng trước, một quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc là Giả Khánh Lâm đã hối thúc Nhật Bản công nhận sự tồn tại của tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Tokyo cho rằng lời kêu gọi này cho thấy mục đích hiện thời của Chính phủ Trung Quốc là muốn Nhật Bản thừa nhận sự tồn tại của việc tranh chấp lãnh thổ. Chính sự lý giải này đã dẫn tới việc Nhật Bản bắt đầu cân nhắc có thể làm gì để dỡ bỏ những trở ngại cho việc cải thiện quan hệ song phương.
Nhật Bản vẫn luôn ghi nhớ thông cáo chung Trung-Nhật năm 1972, trong đó Trung Quốc nói rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể nhượng lại của nước này. Nhật Bản khi đó đã cam kết "hiểu đầy đủ và tôn trọng" lập trường của Trung Quốc, theo đó Nhật Bản không bày tỏ rõ lập trường về chủ quyền của Đài Loan.
Trong trường hợp quần đảo Senkaku, Tokyo sẽ chỉ "thừa nhận" các tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo tranh chấp bởi nếu Nhật Bản nói rõ rằng nước này "hiểu đầy đủ và tôn trọng" các tuyên bố trên, thì điều này có thể được Trung Quốc hiểu là sự thừa nhận việc tồn tại tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước./.
(Vietnam+)
------------
Al-Qaeda âm mưu đốt rừng hàng loạt ở châu Âu
Tại hội nghị mở rộng quy tụ lãnh đạo các cơ quan mật vụ, an ninh và thực thi pháp luật ở thủ đô Moskva vào hôm 3/10 vừa qua, Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) Alexander Bortnikov đã cho biết phương thức chiến lược mới của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda, chủ trương phóng hỏa những khu rừng rộng lớn trên địa bàn các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Mật danh của chiến lược khủng bố sinh thái mang tên "Hàng nghìn vết thương", ám chỉ những tác hại nặng nề sẽ gây ra cho nền kinh tế EU từ diện tích rừng khổng lồ bị đốt cháy. "Al-Qaeda rắp tâm thực hiện hình thức phá hoại mới, bởi không hao tổn công sức cùng nguồn kinh phí chuẩn bị, cũng như khó bị cảnh sát phát hiện và dư luận quốc tế lên án về mặt đạo đức - Giám đốc A. Bortnikov chỉ rõ - Đó chính là triết lý của các thủ lĩnh Al-Qaeda nhằm động viên tinh thần thuộc hạ".
Đồng thời Giám đốc A. Bortnikov cũng cho biết kế hoạch tạo ra "hàng nghìn vết thương" đã được đăng tải có chủ ý trên các trang tin điện tử Hồi giáo quá khích, song song với các diễn đàn hướng dẫn cách để thực hiện cái gọi là "rừng thánh chiến", khuyến nghị những địa điểm cần đốt phá gây tổn thất lớn trong 27 quốc gia thành viên EU, cũng như cách "chuồn êm" khỏi hiện trường qua việc cải trang thành công dân nước sở tại.
Ngoài ra, ông A. Bortnikov còn tố cáo nhiều tổ chức cực đoan ở Nga đã bỏ tiền tài trợ những chiến binh "tử vì đạo" trong vùng Caucasus, giúp chúng phương tiện tập kết vào EU chờ thời cơ hành động. Nguồn tiền này được tạo dựng từ các hoạt động phi pháp như buôn lậu thuốc phiện và vũ khí, bắt cóc con tin và buôn người, lừa đảo trong lĩnh vực tài chính và tín dụng… "Chung quy lại các tổ chức tội phạm đã gắn kết chặt chẽ với các hoạt động khủng bố", ông A. Bortnikov kết luận
Q.Phú (theo Komsomolskaya Pravda, CAND)
-------------------
Trung Quốc thúc giục Syria và Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế
Trung Quốc kêu gọi hai bên kiềm chế và tránh có những hành động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng.
Ngày 9/10, Trung Quốc đã kêu gọi Syria và Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực biên giới giữa hai nước này vẫn đang tiếp diễn.
Phát biểu trong buổi họp báo tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: “Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan tôn trọng chủ quyền và lãnh thổ của nhau, đồng thời kiềm chế và tránh có những hành động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng”.
Ông Hồng Lỗi cũng cho biết, Trung Quốc phản đối việc sử dụng quân đội để can thiệp vào vẫn đề Syria, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria hiện nay.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng tại khu vực biên giới với Syria trong bối cảnh các cuộc đấu pháo giữa 2 bên liên tiếp xảy ra trong mấy ngày qua. Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, họ sẽ đáp trả tất cả những hành động xâm phạm lãnh thổ nước này./.
Thùy Linh/VOV - Trung tâm tin
Theo Reuters
----------
“Phòng thủ thông minh" làm nóng Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO
Cải thiện khả năng phòng thủ là nội dung chính được đưa ra thảo luận tại cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng 28 quốc gia thành viên NATO, khai mạc ngày 9-10 tại Brúc-xen (Bỉ). Tại Hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng 28 nước thành viên thảo luận về việc thực hiện một gói trên 20 dự án đa quốc gia nằm trong chương trình “phòng thủ thông minh”, như dự án máy bay tuần tra biển, rô-bốt rà phá bom mìn, trung tâm huấn luyện bay… Ngoài ra, NATO dự định đề xuất thêm khoảng 10 dự án đa quốc gia, trong đó tập trung vào vấn đề an ninh mạng. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng Quốc phòng NATO cũng xem xét khả năng phòng thủ của từng nước thành viên trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế buộc các quốc gia phải cắt giảm ngân sách. Trong ngày làm việc thứ hai, các bộ trưởng sẽ tập trung bàn sứ mệnh của NATO tại Áp-ga-ni-xtan sau năm 2014.
TTXVN
------------
Trung Quốc thử tàu cao tốc qua núi nhanh nhất thế giới
Chuyến tàu thử nghiệm xuất phát từ Cáp Nhĩ Tân vào sáng thứ hai vừa qua và tới Đại Liên sau 3,5 giờ, trong khi nếu đi bằng tàu bình thường thì phải mất tới 9 giờ đồng hồ.
Việc xây dựng tuyến đường dài 921km này được bắt đầu vào năm 2008, có thể đạt được tốc độ tối đa là 350km/h, tuy nhiên chuyến tàu đầu tiên chỉ đi với tốc độ cao nhất là 300km/h.
( LĐ)
-------------
Nga điều tra âm mưu lật đổ chính quyền
Thủ lĩnh Mặt trận Cánh tả đối lập ở Nga, ông Sergei Udaltsov, ngày 8-10 cho biết đã bị các điều tra viên triệu tập do liên quan đến cáo buộc cho rằng ông ta âm mưu tiến hành cuộc cách mạng bạo động, lật đổ chính quyền.
Việc triệu tập diễn ra chưa đầy 72 giờ sau khi đài truyền hình NTV phát một đoạn băng được quay bí mật cuộc gặp gỡ của Udaltsov với chính khách Givi Targamadze, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội Georgia, đồng minh thân cận của Tổng thống Mikheil Saakashvili. Trong đó, 2 ông này bàn bạc kế hoạch chiếm chính quyền ở các thành phố khắp nước Nga.
Đoạn băng trên còn cho thấy 2 nhà hoạt động chính trị này thảo luận đề nghị của ông Andrei Borodin, cựu giám đốc Ngân hàng Moscow, về việc đóng góp 50 triệu USD cho kế hoạch. Ông Borodin còn hứa sẽ quyên góp thêm 150 triệu USD từ những người Nga đang sinh sống ở London (Anh).
Tuy nhiên, ông Udaltsov tuyên bố: “Người ta đang tiến hành điều tra. Tôi không liên quan đến âm mưu chiếm chính quyền ở bất cứ nơi nào cả”. Theo hãng tin RIA Novosti, ông Udaltsov khẳng định những hình ảnh phát trên đài NTV tối 5-10 là giả. Trong khi đó, ông Targamadze cho rằng đoạn phim chỉ là một sự tuyên truyền.
Đảng Cộng sản Nga cũng nói đoạn băng hình nêu trên là giả. Một nhóm người từng là lính nhảy dù - được cho là một bộ phận của âm mưu lật đổ Tổng thống Vladimir Putin - lên án đoạn phim là sự dối trá trắng trợn, đồng thời cho biết sẽ kiện hành vi vu khống này.
Lục San ( NLĐ)
---------------
“NATO đã có mọi kế hoạch để bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ”
Ngày 9/10, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã lên tiếng cảnh báo về những mối nguy khi cuộc xung đột ở Syria leo thang, đồng thời khẳng định thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng tỏ sự kiềm chế trước các vụ nã pháo vào khu vực biên giới.
"Tôi hoan nghênh chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã kiềm chế và thể hiện trách nhiệm của mình trước các cuộc tấn công không thể chấp nhận được của phía Syria," ông Rasmussen nói khi ông bước vào cuộc họp bộ trưởng quốc phòng NATO kéo dài trong 2 ngày.
"Rõ ràng Thổ Nhĩ Kỳ có quyền tự vệ theo luật quốc tế," ông nói và lưu ý rằng NATO có "mọi kế hoạch cần thiết để bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ."
"Chúng tôi hy vọng điều này là không cần thiết, chúng tôi hy vọng cả hai nước sẽ kiềm chế và tránh để cuộc khủng hoảng leo thang," ông phát biểu.
Theo tin từ Ankara ngày 9/10, tư lệnh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tướng Necdet Ozel đã tới thị sát các binh sĩ ở tỉnh Haty ở đông nam, một ngày sau khi các quả đạn pháo của Syria rơi xuống thị trấn gần đó.
Tuần trước, các vụ bắn pháo của Syria đã làm 5 người thiệt mạng tại một làng biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn đến một loạt các cuộc tấn công trả đũa và một thông điệp kiên quyết ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ của NATO.
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Năm tuần trước cũng đã bật đèn xanh cho chính phủ sử dụng vũ lực quân sự đối với Syria nếu cần thiết.
Các quan chức cho hay cuộc xung đột Syria không nằm trong chương trình nghị sự của cuộc họp NATO nhưng có thể được bàn tới một cách không chính thức./.
(Vietnam+)
---------------
Tổng thống Mỹ bảo vệ cuộc chiến tại Iraq
Tổng thống Obama khẳng định kết thúc cuộc chiến tại Iraq là nỗ lực đúng đắn của nước Mỹ.
Trong nỗ lực vận động tranh cử mới nhất chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới, ngày 8/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu tại San Francisco nêu rõ, kết thúc cuộc chiến tại Iraq là một nỗ lực đúng đắn của nước Mỹ, đồng thời phản bác mạnh mẽ tuyên bố của ứng cử viên đảng Cộng hòa - Thống đốc Mitt Romney về vấn đề này.
Tổng thống Mỹ khẳng định: “Thống đốc Romney có một quan điểm khác khi cho rằng kết thúc cuộc chiến Iraq là một bi kịch. Ông ấy nói rằng, kết thúc cuộc chiến là một sai lầm. Tôi không đồng ý với quan điểm này. Đưa các binh sỹ trở về là một việc làm đúng đắn”.
Trở thành Tổng tư lệnh quân đội Mỹ cách đây 4 năm, Tổng thống Mỹ Obama đã quyết định rút toàn bộ các lực lượng chiến đấu của Mỹ khỏi quốc gia Trung Đông vào cuối năm 2011, động thái đã nhận được rất nhiều phản ứng trái chiều ở cả trong và ngoài nước Mỹ./.
Bá Thi/VOV-Trung tâm tin
(Theo Reuters)
--------------
EU: Phát triển kinh tế biển để vượt khủng hoảng
Các Bộ trưởng kinh tế biển châu Âu ngày 8-10 nhóm họp tại thành phố Limassol ở miền Nam Cộng hòa Síp đã kêu gọi tăng cường tận dụng các cơ hội của các vùng biển châu Âu như một biện pháp để các quốc gia hàng đầu châu Âu vượt ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Kết thúc cuộc họp không chính thức 2 ngày, các bộ trưởng đưa ra "Tuyên bố Limassol" về việc xúc tiến thành lập lực lượng Cảnh sát biển hợp nhất (IMP) của Liên minh châu Âu (EU), thay thế cho Tuyên bố Lisbon, với tư cách là một kế hoạch hành động phát triển kinh tế biển cho giai đoạn 2014-2020.
Tuyên bố Limassol nêu rõ hàng hải và các lĩnh vực kinh tế biển là những động lực quan trọng cho tăng trưởng và việc làm đối với kinh tế EU và trong bối cảnh đó, những lĩnh vực này là con đường hiệu quả và nhanh chóng để khôi phục kinh tế dựa trên tăng trưởng xanh, thông minh và bền vững.
Tuyên bố kêu gọi tăng cường tính cạnh tranh trong lĩnh vực vận tải biển của EU, tận dụng tối đa những cơ hội phát triển các lĩnh vực mới trong ngành công nghiệp thiết bị đóng tàu, gia tăng sản xuất năng lượng tái sinh từ biển .v.v. Tuyên bố cũng kêu gọi phát triển ngành du lịch biển của các nước ven biển, các công nghệ mới để khai thác trầm tích khoáng sản biển và khuyến khích ngư nghiệp bền vững và nuôi trồng các loại hải sản.
Tuyên bố kêu gọi cải thiện sự hợp tác giữa các lĩnh vực ở cấp khu vực và quốc tế, bao gồm̉ giữa các nước EU và với các nước thứ 3 có chung biển với EU cũng như với các tổ chức quốc tế và khu vực.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso cho biết tổng số nhân công trong các hoạt động kinh tế biển của châu Âu dự kiến tăng từ 5,4 triệu hiện nay lên 7 triệu vào năm 2020, trong đó lĩnh vực du lịch tàu biển tăng 60%.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng Cơ chế tài chính cho giai đoạn 2014-2020 đang được xem xét tại Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu, là một công cụ quan trọng nhất của châu Âu để hướng đầu tư vào tăng trưởng và việc làm, vì vậy sự hỗ trợ cho các lĩnh vực kinh tế biển và khu vực ven biển cần phải được dựa hoàn toàn vào Cơ chế tài chính này.
(TTXVN)
--------------
Eurogroup sẽ giải ngân 1 tỷ USD cho Bồ Đào Nha
Tại cuộc họp Nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực sử dụng đồng euro (Eurogroup) ngày 8/10 ở Luxembourg, các bộ trưởng tài chính khu vực này đã nhất trí giải ngân 800 triệu euro (1 tỷ USD) trong khuôn khổ gói cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dành cho Bồ Đào Nha.
Quyết định được đưa ra đúng vào thời điểm nước này đang nỗ lực thực hiện các biện pháp khắc khổ để đáp ứng các mục tiêu thâm hụt ngân sách.
Trong tuyên bố chung công bố cuối ngày 8/10, các bộ trưởng nói rằng Eurogroup đã nhận được sự đảm bảo từ Bồ Đào Nha rằng chính phủ nước này sẽ đạt được các mục tiêu tài chính (đã được điều chỉnh).
Như vậy, con đường để Bồ Đào Nha nhận được khoản vay 2 tỷ euro từ các quỹ cứu trợ của EU và 1,5 tỷ euro từ IMF vào cuối tháng 10/2012 đã thông tỏ.
Đây là đợt giải ngân thứ sáu trong khuôn khổ gói cứu trợ trị giá 78 tỷ euro mà EU và IMF dành cho Bồ Đào Nha.
Chính phủ Thủ tướng Bồ Đào Nha Pedro Passos Coelho đang nỗ lực khắc phục tình trạng thất nghiệp gia tăng và suy thoái đang trở nên sâu sắc. Kinh tế Bồ Đào Nha dự đoán sẽ giảm trong năm thứ ba liên tiếp trong năm 2013.
Tuần trước, Nội các nước này đã tung ra biện pháp tăng mạnh thuế đánh vào lương và các thuế thu nhập khác nhằm đạt được mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách vào năm 2013. Đây là các biện pháp khắc khổ mới nhất của chính phủ nước này.
Các bộ trưởng tài chính Eurozone cho hay Bồ Đào Nha sẽ có thêm thời gian để giảm thâm hụt ngân sách sau khi nguồn thu ngân sách từ thuế không đạt được như dự báo.
Các bộ trưởng cũng tỏ ra hài lòng rằng việc chính phủ chuẩn bị tích cực để trở lại các thị trường tài chính vào năm 2013 gần đây đã đạt được kết quả tốt.
Bộ trưởng tài chính Bồ Đào Nha, Vitor Gaspar, hôm 11/9 điều chỉnh mục tiêu thâm hụt ngân sách của nước này năm 2012 từ 4,5% lên tương đương 5% GDP và năm 2013 từ 3% lên 4,5% GDP, sau khi các quan chức EU và IMF cũng nhất trí các mục tiêu mới này.
Chính phủ cũng nhắm tới việc đưa thâm hụt ngân sách về mức giới hạn 3% theo quy định của EU, với mức mục tiêu đề ra là 2,5% vào năm 2014. Thâm hụt ngân sách của nước này năm 2011 là 4,4%.
Phát biểu với báo giới tại Luxembourg ngày 8/10, ông Gaspar nói: “Cuộc thảo luận về Bồ Đào Nha rất tích cực, không khí cuộc họp rất thuận lợi”.
Các bộ trưởng Eurozone thấy rằng chương trình khắc khổ của Bồ Đào Nha đang đi đúng quỹ đạo và các mục tiêu thâm hụt ngân sách mới đáng tin cậy./.
Như Mai
vietnam+
-----------------
Hải tặc Somali thành lập “hợp tác xã cướp biển”
Ít ai ngờ rằng, hoạt động cướp tàu đòi tiền chuộc của hải tặc Somali lại được tổ chức một cách bài bản theo một quy trình chặt chẽ. Cách chúng sử dụng đồng tiền cướp được cũng đáng để suy nghĩ.
Vài năm gần đây, cướp biển Somali có vũ trang tập trung tại mũi Horn, một khu vực vô chính phủ của châu Phi, đã tăng cường hành động cướp bóc tại các tuyến đường vận chuyển trên Ấn Độ Dương và Vịnh Aden. Đây là hải trình liên kết châu Âu và châu Á thông qua Biển Đỏ.
Các băng nhóm hải tặc đã thực hiện cả chục vụ tấn công tàu hàng, cướp sạch hàng hóa và đòi tiền chuộc cho xác tàu cùng thủy thủ đoàn. Hàng chục triệu USD tiền chuộc đã được các chủ tàu buộc phải chi trả, chưa kể giá trị số hàng hóa trên tàu bị cướp.
Theo Reuters, cướp biển là một hoạt động kinh doanh sinh lời thực sự tại đây. Các băng nhóm cướp biển tổ chức hẳn một loại hình giống như hợp tác xã hay công ty cổ phần, thu hút tài chính cộng đồng dân cư đầu tư vào đó. Mọi người có thể góp bất cứ thứ gì họ có cho các chuyến ra khơi đánh bắt tàu thuyền của hải tặc: Xuồng cao tốc, lương thực, thực phẩm đi biển, hay thậm chí là vũ khí. Khi một vụ cướp tàu thành công, hàng hóa cướp được và tiền chuộc sẽ được hải tặc chia phần cho mọi người tùy theo mức độ góp vốn của họ trong chuyến đi ăn cướp ấy.
Một phụ nữ cho biết, cô đã được chồng một người bạn cho một trái lựu đạn để góp vốn với hải tặc. 38 ngày sau, cô được chia tới 75.000 USD sau khi vốn góp của cô được sử dụng trong một vụ tấn công tàu đánh cá ngừ Tây Ban Nha. Hàng loạt các ngôi nhà mới mọc lên nhờ tiền ăn chia với cướp biển.
Thị trấn Haradheere cách thủ đô Mogadishu (Somali) 400 km về phía Đông Bắc, từng là một làng chài nhỏ. Bây giờ nó là một thị trấn nhộn nhịp, với những chiếc xe hơi đời mới thuộc sở hữu của những tên cướp biển và những người góp vốn cho chúng. Chính phủ được phương Tây hậu thuẫn của Tổng thống Somalia Sheikh S.Ahmed đang sa vào cuộc chiến với phiến quân Hồi giáo cực đoan, và chỉ kiểm soát một vài khu vực quanh thủ đô. Ở Haradheere, luật pháp không tồn tại, một người dân địa phương nói.
Cướp biển đã trở thành nguồn thu chính trong hoạt động kinh tế của Haradheere. Thật ngạc nhiên là ngoài việc chia phần cho những người góp vốn, cướp biển không hưởng thụ cả số tiền lớn còn lại. Chúng luôn dành một tỷ lệ phần trăm nhất định số tiền chuộc thu được để tài trợ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương, bao gồm cả trường học và bệnh viện.
Chiến tranh, thất nghiệp đã đẩy hàng vạn thanh niên Somali phải rời bỏ quê hương tìm đường lánh nạn, sinh nhai. Ba tháng trước, Abdirahman Ali từng là một học sinh trung học ở Mogadishu. Nhưng giờ đây, cậu thanh niên trẻ tuổi này đang trên một con tàu cướp biển ở ngoài khơi Haradheere. "Tôi chọn trở thành cướp biển, thay vì đi di tản và chết trên sa mạc hoặc chết bởi súng cối ở Mogadishu". Ali cho biết.
Tránh được cái chết khi bị buộc phải gia nhập hoặc quân đội chính phủ, hoặc quân nổi dậy; có công ăn việc làm trên biển với mức thu nhập cao chót vót, lại được người dân địa phương hết lòng ủng hộ. Gia nhập cướp biển dường như là một ý tưởng không tồi với bất kỳ thanh niên Somali nào trong bối cảnh hiện nay. Hoạt động cướp biển của hải tặc Somali vì thế đã trở nên manh động và liều lĩnh một cách đột biến từ năm 2008.
Tiền chuộc mỗi vụ đã tăng lên trong những tháng gần đây, từ khoảng 2-3 triệu USD lên 4 triệu USD vì số lượng gia tăng của các cổ đông và những rủi ro do hoạt động truy quét gắt gao của các lực lượng hải quân quốc tế.
Tuy nhiên, các hợp tác xã cướp biển vẫn không vì thế mà e sợ. Họ cứ việc truy lùng chúng tôi. Chúng tôi không lo lắng, vì chúng tôi chỉ có một lựa chọn - ăn cướp hoặc chết Mohammed, một tướng cướp biển Somali nói với phóng viên Reuters.
Thanh Tùng (Theo Reuters, NĐT)
-------------------------
Thái Lan: 11 người thiệt mạng trong ngày đẫm máu
Hãng AFP dẫn nguồn tin từ cảnh sát Thái Lan ngày 9/10 cho biết các tay súng tình nghi là người Hồi giáo đã bắn chết 11 người, trong đó có 3 cảnh sát cơ động bán quân sự trong một ngày đẫm máu ở khu vực cực Nam bất ổn của nước này.
Chiếc xe bán tải chở các cảnh sát cơ động trên bị phục kích ngày 8/10 tại tỉnh Pattani ở khu vực biên giới có đông người Hồi giáo sinh sống, nơi cuộc xung đột kéo dài tám năm qua đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người.
Cũng trong ngày 8/10, cảnh sát cho biết 4 tín đồ Phật giáo đi cạo mủ cao su trên đường đi làm đã bị sát hại trong hai vụ tấn công bằng súng ở Pattani, trong khi hai người đàn ông Hồi giáo bị sát hại ở tỉnh Yala.
Hai chủ cửa hàng bán rau quả cũng bị bắn chết tại tỉnh Songkhla, nơi hồi tháng Tư đã diễn ra một loạt vụ đánh bom xe làm 15 người thiệt mạng.
Trước đó, hồi tháng 8, Chính phủ nước này đã tăng cường các biện pháp an ninh và đang xem xét triển khai các sách lược quân sự mới ở khắp khu vực cực Nam Thái Lan sau khi bạo lực leo thang làm 3 người thiệt mạng và 11 người bị thương.
Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Sukumpol Suwanatat nói rằng các biện pháp tăng cường an ninh cũng như sách lược quân sự mới sẽ được triển khai ở vùng cực Nam.
Theo ông, áp đặt lệnh giới nghiêm cũng có thể là một biện pháp ở những khu vực điểm nóng nhằm giảm thiểu các vụ tấn công đêm, ngăn chặn những nhóm chống đối hoạt động.
Ngày 31/7, Chính phủ Thái Lan đã thông qua ngân sách 391 triệu baht, tương đương 12,4 triệu USD, nhằm trợ cấp, cung ứng hậu cần cho các binh sỹ đóng ở vùng cực Nam. Đồng thời, một Trung tâm tác chiến đặc biệt nhằm điều phối những nỗ lực mang lại hòa bình cho vùng cực Nam Thái Lan cũng đã được thành lập./.
(Vietnam+)
---------------
Ba cựu thủ lĩnh Khmer đỏ bị ECCC bổ sung tội danh giết người hàng loạt
Hãng AFP ngày 9-10 đưa tin, Tòa án xét xử tội ác Khmer đỏ tại Campuchia (ECCC), do Liên hợp quốc bảo trợ, đã bổ sung một vụ thảm sát 3.000 sĩ quan quân đội tại địa điểm hành hình Tuol Po Chrey, Tây Campuchia, vào bản cáo trạng đối với ba cựu lãnh đạo chế độ Khmer đỏ (giai đoạn 1975-1979) gồm Ieng Sary, Nuon Chea và Khieu Samphan trong bối cảnh xuất hiện quan ngại rằng các bị cáo này sẽ không sống được bao lâu nữa để hầu tòa. Quyết định này sẽ mở rộng nội dung xét xử của ECCC, có thể đẩy nhanh tiến độ của việc xét xử những người này.
Động thái trên diễn ra giữa lúc Ieng Sary, cựu Ngoại trưởng thời Khmer đỏ, 86 tuổi, đang phải nằm viện vì một loạt chứng bệnh nặng, dẫn đến nhiều khó khăn cho phiên xét xử sắp tới Cả ba bị cáo trên đều bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, diệt chủng và tội ác chống lại loài người nhưng liên tục phủ nhận những cáo buộc này.
Cho tới nay, ECCC mới chỉ kết án một cựu thủ lĩnh Khmer đỏ là Giám đốc Nhà tù S-21 khét tiếng Kaing Guek Eav (Duch), người lĩnh án tù chung thân hồi đầu năm nay vì vai trò của y trong cái chết của khoảng 15.000 người.
P.NAM ( SGGP)
---------------
Đàm phán Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam
Theo tin từ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Hà Nội, vòng đàm phán đầu tiên của Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam đã chính thức được khai mạc sáng 8/10 tại Hà Nội, với sự tham gia của 60 chuyên gia châu Âu và Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam và Thứ trưởng Thương mại của châu Âu Petriccione - Trưởng đoàn đàm phán EU phát biểu khai mạc chia sẻ về việc các vòng đàm phán nên được tiến hành thế nào. Hai trưởng đoàn đàm phán đã biết nhau khá rõ từ khi Việt Nam trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới WTO, và họ cũng hiểu rõ nhất việc các vòng đàm phán nên thực hiện như thế nào theo tinh thần xây dựng.
Nguyễn Linh ( KTĐT)
-------------------
'Công ty Trung Quốc đe dọa an ninh nước Mỹ'
Ủy ban tình báo điều tra Thượng viện đã đưa ra kết luận: Các công ty viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies và ZTE Ltd đang đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.
Nguyên nhân là các thiết bị của công ty này có thể được sử dụng với mục đích gián điệp.
Trong bản báo cáo được thông báo ngày 8/10, Ủy ban tình báo đã khuyến cáo Ủy ban đầu tư nước ngoài đóng mọi hợp đồng hợp tác hoặc thu hút đầu tư, mà theo đó cho phép Huawei và ZTE tiếp cận với thị trường hệ thống vô tuyến viễn thông của Mỹ.
Ngoài ra, Mỹ sẽ khuyến cáo các công ty nước này không sử dụng thiết bị của các công ty này và tìm một nhà cung cấp khác để thay thế.
Bản báo cáo này sẽ khiến mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc thêm căng thẳng.
Các quan chức quốc phòng và tình báo Mỹ đã coi Trung Quốc là một đe dọa chính đối với an ninh của hệ thống mạng quốc phòng Mỹ.
Trước đây, Mỹ thường không muốn công khai mối quan hệ này, một việc làm khiến quan hệ đôi bên thêm xấu đi. Nhưng tình hình đã có biến đổi.
Theo tin tức của The Wall Street Journal , trong bản báo cáo tới của Ủy ban tình báo, Mỹ sẽ thẳng thắn hơn khi đối diện với vấn đề này (nêu lên sự mất an toàn của Mỹ gây ra bởi hoạt động của một số công ty Trung Quốc).
Doanh thu của Huawei năm 2011 tại Mỹ đạt 1,3 tỉ USD, của ZTE là 30 triệu USD (70% các thương vụ của Huawei là ở nước ngoài).
Hai công ty này đã tốn nhiều công sức vận động hành lang để đặt chân vào thị trường Mỹ. Các nhà lãnh đạo của 2 công ty đã không ít lần tuyên bố không cho phép chính quyền Bắc Kinh sử dụng thiết bị của họ vào mụ đích gián điệp, bởi điều đó ảnh hưởng đến lợi ích kinh doanh của họ.
Hiền Thảo (theo Vz, ĐVO)
--------------
Người được giải Nobel rút khỏi chính phủ Liberia
Bà Leymah Gbowee, người phụ nữ Liberia đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2011 vì hoạt động nhân quyền hôm 8/10 đã rời bỏ chức vụ của mình trong chính phủ của Tổng thống Ellen Johnson-Sirleaf sau khi chỉ trích người đồng đoạt giải Nobel với mình tham nhũng và gia đình trị.
Bà Gbowee và Tổng thống Johnson-Sirleaf – nữ nguyên thủ quốc gia đầu tiên được bầu cử tự do ở châu Phi vào năm 2005 – là những người cùng đoạt giải Nobel 2011 vì có công thúc đẩy hòa bình ở Liberia.
Bà Gbowee đã giúp đỡ bà Johnson-Sirleaf tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai năm 2011 và nổi tiếng với “chiến công” góp phần chấm dứt cuộc nội chiến ở Liberia bằng việc tổ chức “đình công tình dục” của các bà vợ chiến binh. Bà là người đứng đầu Ủy ban Hòa bình và hòa giải Liberia.
Omecee Johnson, phát ngôn viên của bà Gbowee nói rằng, bà từ chức vì quan ngại về việc Tổng thống không thể nhổ tận gốc tình trạng tham nhũng và gia đình trị trong chính phủ, nhưng ông từ chối giải thích thêm. "Bà Leymah Gbowee từ chức Chủ tịch Ủy ban Hòa bình và hòa giải, và chính phủ Liberia đã chấp nhận đơn xin từ chức của bà", ông Johnson nói với Reuters qua điện thoại.
Chính phủ Liberia đã xác nhận tin bà Gbowee từ chức và cho biết họ không tán thành những lời chỉ trích của bà. Tổng thống Johnson-Sirleaf có ba con trai đang nắm các chức vụ hàng đầu trong nội các Liberia, nhưng bà ta phủ nhận cáo buộc gia đình trị và đã nói chống hối lộ là một ưu tiên hàng đầu của chính phủ.
Liberia là một trong các quốc gia nghèo và kém phát triển nhất trên thế giới, nước này đang tìm kiếm nguồn tài trợ để phục hồi nền kinh tế suy kiệt bằng cách thu hút đầu tư vào khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của mình, bao gồm quặng sắt và dầu mỏ ngoài khơi.
Các nhà hoạt động nhân quyền Liberia nhiều lần bày tỏ lo ngại rằng các thương vụ tài nguyên của nước này bị hoen ố bởi các hoạt động gian lận và che dấu doanh thu.
VIỆT HƯNG (Theo Reuters, PNO)
---------------
Kinh tế Pháp mất sức cạnh tranh
Các công nhân của hãng xe hơi Peugeot ở Aulnay-sous-Bois, gần Paris, đang tràn ra cửa quay của sân vận động. Cơn phẫn nộ đang bùng nổ. Trong tháng 7, khi công ty tuyên bố nhà máy 3.000 công nhân phải đóng cửa, Tổng thống François Hollande nhấn mạnh quyết định “không thể chấp nhận được”. Hai tháng sau, một thông báo chính thức sau đó, cho biết bây giờ chính phủ của ông đã chấp nhận. “Ông Hollande đã nói rằng ông ta sẽ chăm sóc chúng tôi”, anh Samir Lasri, đã làm việc trong khâu sản xuất 12 năm: “Bây giờ chúng tôi ân hận vì đã bỏ phiếu cho ông ta”.
Quyết định bởi Peugeot - PSA, một hãng sản xuất xe hơi thua lỗ, đóng cửa xưởng của nó ở Aulnay, là bế tắc đầu tiên của một hãng sản xuất xe hơi Pháp trong vòng 20 năm qua, và cắt giảm 8.000 việc làm trên khắp nước Pháp đã gây chấn động cả nước. Sự kiện này tiêu biểu cho sự cố cạnh tranh của nước Pháp lẫn sự bất lực của chính phủ mới của đảng Xã hội, mặc cho những lời hứa của chính phủ, đối với việc ngưng tái cơ cấu khu vực kinh tế tư nhân.
Trong 12 năm qua, lỗ hổng cạnh tranh đã mở ra giữa Pháp và Đức, đối tác thương mại lớn nhất của Pháp. Sự việc này thể hiện cả trong giá lao động tăng lên 28% ở Pháp từ năm 2000, nhưng chỉ 8% ở Đức, và sự sút giảm cổ phần xuất khẩu tăng thêm ở Liên minh châu Âu. Một cuộc nghiên cứu ở hai bên biên giới về hai công ty hóa chất của ông Henri Lagarde, một doanh nhân Pháp, cho thấy Đức chỉ trả 17% lương công nhân của họ trong các chi phí xã hội, so với 38% nơi đối tác Pháp của họ. Một cuộc thăm dò cạnh tranh gần đây cho thấy, Đức xếp hạng 6, Pháp xếp hạng 21.
Sau khi đắc cử tổng thống, ông Hollande đã cho Bộ trưởng Công nghiệp Pháp, ông Arnaud Montebourg, tác giả quyển best-seller “đảo ngược toàn cầu hóa”, một công việc được thiết kế để ngăn chặn những bế tắc về kinh doanh. Ông Montebourg có trách nhiệm đi khắp nước Pháp để hứa hẹn điều khó có thể thực hiện được.
Vào mùa thu này, khi có hiện tượng gia tăng bế tắc trong các xí nghiệp, một nhận thức thực tế dần dần hiện ra. Ông Hollande có thể vẫn dồn nỗ lực cho mức thuế suất mới 75% của ông, nhưng đối với những phương diện khác, tình hình đã thay đổi. Không chỉ có vụ đóng cửa xưởng ở Aulnay đành phải chấp nhận, ông Hollande còn nói về những nỗ lực “đau khổ” ở phía trước. Ông cảnh báo về 10 tỷ euro cắt giảm tiêu xài, cũng như 20 tỷ euro tiền thuế gia tăng, trong ngân sách năm 2013. Trên tất cả, ông yêu cầu “cải cách thị trường lao động”, điều cấm kỵ truyền thống của cánh tả.
Ông Montebourg có thể vẫn tố cáo “sự hám lợi của hệ thống tài chính”, nhưng các bộ trưởng khác, đặc biệt là Bộ trưởng tài chính Pierre Moscovici và Bộ trưởng lao động Michel Sapin đã tuyên bố hợp lý hơn. “Chúng ta muốn có một nền doanh nghiệp chuyên môn và hợp lý”, ông Moscovici nói. “Chúng ta biết rõ rằng nền kinh tế của chúng ta sẽ không cải tổ được nếu không có các công ty”.
Những nhà cố vấn thừa nhận rằng chi phí lao động quá nhiều và mức tiêu xài công - chiếm 56% số GDP, cao đứng hàng thứ hai trong Liên minh châu Âu - là một vấn đề đối với nước Pháp. Đảng Xã hội của Tổng thống François Hollande đang kiểm soát quyền lực ở mọi lãnh vực trên khắp nước Pháp; ông vừa mới bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm và tính đại chúng của ông đang có nguy cơ giảm sút nhanh. Nếu ông không thể làm được điều cần làm trong mùa thu này, điều đó giống như ông chưa bao giờ khắc phục được những khó khăn.
K.GIANG (Economist, CATP)