Tân Hoa xã Trung Quốc bàn về “ván cờ” châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ thông qua các cuộc diễn tập quân sự với các nước trong khu vực…
Tân Hoa xã vừa có bài viết về việc Mỹ “đánh cờ” ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sau đây xin giới thiệu nội dung toàn bộ bài viết:
Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương 2012 do Mỹ chủ trì, có 22 nước tham gia, không có Trung Quốc. |
Mỹ và rất nhiều quốc gia châu Á-Thái Bình Dương đều có diễn tập quân sự liên hợp định kỳ, quy mô diễn tập không xác định, lớn nhỏ khác nhau.
Năm 2010, hơn một nửa các cuộc diễn tập quân sự liên hợp do Mỹ chủ đạo được tổ chức ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương; năm 2011, các cuộc diễn tập quân sự do Mỹ tiến hành ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương lên tới 172 lần, hầu như bình quân cứ 2 ngày là có 1 lần.
Chu Thần Minh, Tổng biên tập tạp chí “Thế giới quán tính trên biển-trên đất liền-trên không-trên vũ trụ” cho rằng, các cuộc diễn tập quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương phần lớn là sự sắp xếp theo quy định, sau khi đưa ra chiến lược quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương, số lượng các cuộc diễn tập quân sự sẽ không có nhiều thay đổi quá lớn, nhưng quy mô diễn tập sẽ tăng lên rất nhiều so với trước đây. Qua đó, Mỹ khẳng định mối quan hệ với các đối tác diễn tập và thể hiện quyết tâm “quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương”. Hiện nay, Mỹ đang xây dựng một bàn cờ rất lớn.
Diễn tập “Hổ mang vàng” Mỹ-Thái Lan: quy mô lớn, “độc tính” nhỏ
Các nước tham gia: Ban đầu chỉ có 2 nước Mỹ và Thái Lan, sau đó các nước Singapore, Philippines, Mông Cổ, Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia đã lần lượt tham gia, có tới 7 nước diễn tập.
Nội dung diễn tập: Ban đầu thuộc đối đầu quân sự trong lĩnh vực an ninh truyền thống. Từ năm 1999 đến nay, cuộc diễn tập này lần đầu tiên đưa nội dung hoạt động gìn giữ hòa bình vào giả định diễn tập.
Diễn tập "Hổ mang vàng -2010" có sự tham gia của Mỹ, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Indonesia. |
Mỹ có lợi ích đặc biệt ở Thái Lan, từ khi bắt đầu Chiến tranh Việt Nam đến nay, Thái Lan và Singapore luôn là điểm tựa chiến lược tương đối quan trọng của Mỹ ở Đông Nam Á. Cho nên, giữa Mỹ và Thái Lan đã sớm tổ chức diễn tập quân sự liên hợp thường niên “Hổ mang vàng” (Cobra Gold), đây là hoạt động quân sự rất quan trọng của Mỹ ở Đông Nam Á. Diễn tập quân sự năm 2012 có sự tham gia của 13.180 người, là một cuộc diễn tập có quy mô lớn nhất trong lịch sử.
Chu Thần Minh cho rằng, Mỹ luôn có tiếng nói tương đối mạnh trong các nước ASEAN, dựa vào quan hệ quân sự đặc biệt giữa Mỹ với một số nước ASEAN, quy mô diễn tập quân sự không ngừng tăng lên, cũng là cục diện mà các nước ASEAN muốn nhìn thấy.
Các nước ASEAN hy vọng dựa vào sức mạnh của Mỹ, trên nền tảng của ASEAN, xây dựng một đồng minh có cấp độ cao hơn so với đồng minh quân sự, từ đó có thể có được nhiều tiếng nói hơn trong vấn đề biển Đông và các vấn đề khác; suy nghĩ này lại trùng hợp với chiến lược quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ hiện nay.
Khác với việc Mỹ-Hàn diễn tập quân sự nhằm vào CHDCND Triều Tiên tiến tới đe dọa Trung Quốc và Nga, việc Mỹ và Thái Lan tiến hành diễn tập quân sự chủ yếu vẫn là trạng thái chiến tranh có cường độ tương đối thấp, đặc biệt là đổ bộ quy mô nhỏ, tác chiến ở khu vực rừng núi, trong đó có tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển, thông thường không có mục tiêu nhằm vào đặc biệt.
Diễn tập “Yudh Abhyas” Mỹ-Ấn không “thật lòng”
Nước tham gia: Những năm gần đây, Lục quân Mỹ và Ấn Độ thông qua diễn tập quân sự liên hợp “Chuẩn bị Chiến tranh” (Yudh Abhyas) để cùng huấn luyện.
Nội dung diễn tập: Tình huống giả định thông thường là cứu trợ nhân đạo và ứng phó với ứng phó với thảm họa. Một cuộc diễn tập gần đây chủ yếu là hai bên trao đổi kinh nghiệm và kỹ năng tác chiến ở khu vực đặc biệt.
Lục quân Mỹ-Ấn tiến hành diễn tập quân sự "Yudh Abhyas 2012". |
Trong lịch sử, quan hệ Mỹ-Ấn hoàn toàn không hữu nghị, sau năm 2001, để thúc đẩy cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ đã được Ấn Độ chi viện, quan hệ quân sự Mỹ-Ấn bắt đầu ấm lên. Tháng 1/2012, Mỹ công bố đại cương chiến lược quốc phòng mới, tái thiết lập quyền ưu tiên của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó đặc biệt yêu cầu mở rộng đầu tư, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược lâu dài với Ấn Độ, “để ủng hộ nước này trở thành một trụ cột kinh tế khu vực và có khả năng đóng vai trò người đảm bảo an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương”.
Diễn tập quân sự liên hợp là một hình thức hợp tác quan trọng giữa hai nước. Hiện nay, Ấn Độ đã hợp tác với Mỹ triển khai mấy chục chương trình diễn tập quân sự.
Nhưng, Chu Thần Minh cho rằng, diễn tập quân sự giữa Mỹ-Ấn phần nhiều là xuất phát từ chiến lược của Mỹ, là xuất phát từ nhu cầu của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu của Mỹ, không thể nói là hợp tác thật lòng, mà là một mối quan hệ mỗi bên có ý đồ riêng.
Bởi vì, về truyền thống, quan hệ Mỹ-Pakistan tốt đẹp hơn, Mỹ và Pakistan có hơn 30 năm quan hệ hợp tác quân sự, còn với Ấn Độ lại có rất nhiều va chạm và tranh chấp. Cho nên, quan hệ Mỹ-Ấn hòa dịu, nội bộ Mỹ cũng bị Pakistan và một số nước Trung Đông phê phán.
Mỹ-Việt “phi chiến đấu”: động thái “nhỏ”, tín hiệu “mạnh”
Báo Tân Hoa xã, TQ tuyên truyền rằng: Năm 2010, Mỹ và Việt Nam bắt đầu tiến hành diễn tập quân sự.
Nội dung diễn tập: Chủ yếu đặt ra nội dung phi chiến đấu. Xét trang bị của Hải quân Việt Nam tương đối lạc hậu và trang bị của quân Mỹ còn có chỗ chưa phối hợp hài hòa, diễn tập quân sự giữa Mỹ-Việt tập trung nhiều vào phương diện tìm kiếm cứu nạn trên biển, chống cướp biển. Các cuộc diễn tập quân sự cấp cao hơn chẳng hạn như chống khủng bố, chống tàu ngầm khu vực hiện chưa thể tiến hành.
Mỹ-Việt diễn tập quân sự (ảnh: sohu.com) |
Tàu chi viện USS Guardian của Mỹ. |
Tháng 4/2012, Mỹ và Việt Nam lại tổ chức diễn tập hải quân “phi chiến đấu” ở cảng Đà Nẵng, miền trung Việt Nam trong thời gian 5 ngày. Mặc dù loại hình của các cuộc diễn tập này đều là “phi chiến đấu”, quy mô cũng tương đối nhỏ, nhưng vẫn là một động thái đáng coi trọng.
Chu Thần Minh cho rằng, Mỹ-Việt diễn tập quân sự liên hợp là một tín hiệu quan trọng của việc Mỹ quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương, cho thấy khả năng chi phối của Mỹ đối với eo biển Malacca tiếp tục được tăng cường. Đồng thời, những động thái này cũng có một số liên quan đến tranh chấp biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Nhưng, Chu Thần Minh nhấn mạnh, mặc dù diễn tập quân sự giữa hai nước đã phát đi tín hiệu quan hệ Mỹ-Việt tan băng, nhưng, theo chuyên gia TQ này, quan hệ Mỹ-Việt có thể phát triển đến mức độ nào vẫn còn phải chờ đợi quan sát.
Các cuộc diễn tập quân sự giữa Mỹ và Philippines cũng có quy mô tương đối nhỏ, nhưng sau tranh chấp bãi cạn Scarborough trong năm nay, Mỹ-Philippines đã tăng cường cấp độ diễn tập. Số người tham gia cuộc diễn tập quân sự liên hợp “Balikatan” giữa Mỹ và Philippines năm nay lên tới gần 7.000, nội dung diễn tập liên quan tới cứu trợ nhân đạo, ứng phó thảm họa.
Đồng thời, tháng 4/2012, quân đội hai nước Mỹ và Philippines còn tổ chức diễn tập quân sự liên hợp ở biển Đông, nội dung gồm mô phỏng tấn công giàn khoan dầu khí trên biển.
Diễn tập quân sự có khi thể hiện “thái độ chính trị”
Chu Thần Minh cho rằng, những nước tiến hành diễn tập quân sự với Mỹ ngoài những nước châu Á-Thái Bình Dương có lợi ích với Mỹ về truyền thống, điều đáng chú ý là gần đây có Ấn Độ, Việt Nam và Mông Cổ.
Có cuộc diễn tập quân sự thể hiện một “thái độ chính trị”, chẳng hạn khi tham gia cuộc diễn tập quân sự liên hợp “Steppe Eagle” tổ chức tại Kazakhstan năm 2010, Mỹ chỉ cử vài chục người tham gia.
Mỹ-Philippines diễn tập "Balikatan-2012" |
Không thể thổi phồng nhưng không thể coi thường thuyết mối đe dọa
Giáo sư Đới Húc, Đại học Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, Mỹ lấy Trung Quốc làm đối tượng giả định, chuyển trọng tâm chiến lược tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tiến tới kiềm chế Trung Quốc, hình thành vòng bao vây lớn đối với Trung Quốc.
Chu Thần Minh cho rằng, các cuộc diễn tập quân sự của Mỹ có trong chương trình hàng ngày của Mỹ, nhưng quy mô và cấp độ diễn tập lại căn cứ vào nhu cầu chiến lược đối ngoại của Mỹ, tiến hành kiểm soát việc mở rộng hoặc thu hẹp.
Không thể mù quáng thổi phồng mối đe dọa từ các cuộc diễn tập quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời cũng phải nhìn thẳng vào những mối đe dọa này. Mối đe dọa bất kể là lớn hay nhỏ, nếu không được coi trọng và chú ý, sẽ bị phá hủy như ổ kiến trong con đê nghìn dặm.
“Quả dưa” vặn mạnh không ngọt
Chu Thần Minh nhấn mạnh, mặc dù quy mô diễn tập quân sự thực sự có xu thế không ngừng tăng cường, nhưng lại không thể chắc chắn Mỹ đã hình thành sự hợp tác quân sự mạnh cỡ nào với những nước Đông Nam Á này.
Trước hết, rất nhiều nước còn cảnh giác với Mỹ. Thứ hai, giữa các nước Đông Nam Á này còn có mâu thuẫn, chẳng hạn giữa Malaysia và Singapore, Malaysia và Indonesia đều có tranh chấp trên biển hoặc lãnh thổ. Nếu Mỹ ép buộc những nước này kết hợp với nhau thì cũng có rủi ro về chính trị và quân sự.
Hải quân ba nước Mỹ-Nhật-Hàn tổ chức diễn tập quân sự liên hợp trên biển Hoa Đông. |
Đông Bình (nguồn Tân Hoa xã)
Theo Báo Giáo Dục Việt Nam