TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Sự hồi sinh của 2 tàu sân bay tưởng đã hết thời

Sau ngày Liên bang Xô viết sụp đổ, lực lượng hải quân Xô Viết hùng mạnh cũng dần dần suy yếu. 6 tàu sân bay của Liên Xô, chiếc thì ngừng sử dụng, chiếc thì vĩnh viễn không bao giờ hoàn thiện. Nhưng…
 

Ngày 13-10, chuyên trang “Chiến lược” của Mỹ (strategypage.com) có bài viết dưới nhan đề: “The Soviet Navy Lives On” (tạm dịch: Hải quân Liên Xô hồi sinh). Bài viết đã tổng hợp tính năng của 2 tàu sân bay Kuznetsov và Gorshkov của Liên Xô cũ hiện đang được Trung Quốc và Ấn Độ cải tạo, nâng cấp hiện đại hơn nguyên bản dưới 2 cái tên mới là Liêu Ninh và INS Vikramaditya.

Đến cuối thập niên 80, Liên Xô đã sở hữu 6 tàu sân bay, hoặc đã biên chế hoặc đang chế tạo, đến nay chỉ còn lại 3 chiếc. Chiếc Kuznetsov hiện đang là tàu sân bay duy nhất trong lực lượng hải quân Nga, hai chiếc khác đã được bán đi, cải tạo, nâng cấp và hiện đã có chủ nhân mới.

Ngày 25/09 vừa qua, Trung Quốc vừa đưa tàu sân bay Varyag vào biên chế lực lượng hải quân dưới cái tên mới là Liêu Ninh, Ấn Độ cũng đang cải tạo và thử nghiệm “Gorshkov” thành tàu sân bay INS Vikramaditya.

Tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ 

2 chiếc tàu sân bay của Trung Quốc và Ấn Độ có nhiều điểm không giống nhau cả về hình dáng, kích thước, lượng giãn nước và tính năng.

Gorshkov có kích thước nhỏ hơn, lượng giãn nước khoảng 4,5 vạn tấn, nguyên là một tuần dương hạm hạng nặng, trang bị hàng trăm quả tên lửa phòng không và tên lửa đối hạm, chuyên chở máy bay chiến đấu phản lực cất cánh thẳng đứng và máy bay trực thăng.

Máy bay trên hạm là loại Yak-38 (biệt danh là “thợ rèn”), tuy hiện đại hơn loại máy bay chiến đấu phản lực AV-8 Harrier đời đầu, nhưng không sánh bằng phiên bản nâng cấp tiên tiến nhất của nó là AV-8B hiện đang biên chế trên các tàu sân bay Anh, Mỹ, thậm chí nó còn không được trang bị pháo. AV-8B của hải quân Anh và Ấn Độ được trang bị 2 khẩu pháo 30mm, còn Mỹ thì trang bị 1 khẩu 25mm. Tải trọng mang theo của -38 chỉ được 3,5 tấn, còn AV-8B mang được tới 6 tấn. Tầm bay của Yak-38 cũng rất hạn chế, chỉ khoảng 200 - 360km, còn AV-8B đạt tới 1100km. Thế hệ kế tiếp của Yak-38 là Yak-141 tuy tốc độ và tầm bay cao hơn nhưng vẫn không phải là đối thủ của AV-8B, cuối cùng cũng đã bị loại bỏ cuối thời kỳ chiến tranh lạnh.

Ấn Độ đã cải tạo Gorshkov thành một hàng không mẫu hạm đúng nghĩa của nó, loại bỏ toàn bộ tên lửa và máy bay phản lực cất cánh thẳng đứng. INS Vikramaditya sẽ mang theo 16 chiếc Mig-29K và 12 máy bay trực thăng.

 

Gorshkov là chiếc tuần dương hạm hạng nặng chở máy bay thứ 4 của Liên Xô trước đây. Chiếc đầu tiên ra đời vào năm 1975, chiếc cuối cùng được đưa vào phục vụ năm 1987. Dựa trên những kinh nghiệm thu được từ việc chế tạo các tuần dương hạm hạng nặng này, Liên Xô quyết định thiết kế và đóng mới hàng không mẫu hạm lớn hơn và hiện đại hơn là Kuznetsov. 
 

 

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc mới bàn giao cho hải quân ngày 25-09
 
Liêu Ninh là 1 trong 2 chiếc tàu sân bay thuộc lớp Kuznetsov được Liên Xô chế tạo cuối thập niên 80, thế kỷ trước với tên gọi là Varyag. Thiết kế ban đầu của nó là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân có lượng giãn nước lên tới 9 vạn tấn, sử dụng thiết bị phóng hơi nước giống tàu sân bay Mỹ. Nhưng do chi phí chế tạo hàng không mẫu hạm quá cao và công nghệ quá phức tạp nên Liên Xô đã sửa đổi mô hình thiết kế còn có 6,5 vạn tấn, loại bỏ thiết bị phóng hơi nước và sử dụng đường băng kiểu bật lướt để thay thế, cả động cơ năng lượng hạt nhân cũng bị loại bỏ nhưng Kuznetsov vẫn có uy lực rất đáng sợ.

Tuy Kuznetsov chỉ mang theo 12 chiếc tiêm kích bom Su-33 (biến thể tiêm kích hạm của Su-27), 14 chiếc trực thăng trinh sát chống ngầm Ka-27, 2 chiếc trực thăng tác chiến điện tử và 2 chiếc trực thăng tìm kiếm, cứu hộ, nhưng trên thực tế nó có thể mang theo tới 36 chiếc Su-33 và 16 máy bay trực thăng các loại cùng với 2500 tấn nhiên liệu hàng không, đủ bảo đảm cho 500 - 1000 lượt máy bay cất cánh. Thủy thủ đoàn 2500 người, khi biên chế đầy đủ nhóm nhân viên bảo đảm máy bay sẽ là 3000 người.

 

Chiếc đầu tiên trong lớp này cũng mang tên Kuznetsov hiện vẫn đang còn trong biên chế hải quân Nga, chiếc thứ 2 là Varyag chưa đóng xong thì tạm dừng năm 1992 do sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết. Đầu năm 1998, Trung Quốc bỏ tiền mua con tàu còn dang dở này, tiêu phí hơn 10 năm để biến nó thành Liêu Ninh hiện nay.
 

 


 

Nguyễn Ngọc
Theo Strategypage, ANTĐ


 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te