Trung Quốc ngày 23-9 thông báo hoãn lễ kỷ niệm 40 năm Ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Nhật Bản, trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước liên quan quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông gia tăng.
Người dân Nhật biểu tình phản đối Trung Quốc tại Tokyo sáng 22-9
Tân Hoa xã dẫn lời một quan chức giấu tên từ Hội hữu nghị nhân dân Trung Quốc với các nước cho biết, do tình hình hiện nay, phía Trung Quốc quyết định lễ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước sẽ được hoãn cho đến một thời điểm thích hợp. Theo kế hoạch ban đầu, lễ kỷ niệm trên sẽ diễn ra tại Đại lễ đường nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh vào ngày 27-9 tới.
Trước đó 2 ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi cho biết, nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm Ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã bị ảnh hưởng bởi tranh chấp lãnh thổ trên Biển Hoa Đông.
Trong khi đó, tại Thủ đô Tokyo, ngày 22-9, khoảng 800 người dân Nhật Bản đã xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc. Những người biểu tình vẫy cờ và hô vang các khẩu hiệu gần Đại sứ quán Trung Quốc, lên án những gì mà họ gọi là mối đe dọa quân sự của Trung Quốc. Họ cũng chỉ trích các cuộc biểu tình của người dân Trung Quốc phản đối Nhật Bản hồi tuần trước, trong đó người biểu tình đập phá các cửa hàng, nhà máy của người Nhật Bản khiến nhiều cơ sở phải tạm ngừng đóng cửa. “Chúng tôi biểu tình theo cách của người Nhật. Chúng tôi không cướp phá các cửa hàng như người Trung Quốc”. Những người biểu tình giương cao các biểu ngữ: “Đánh chìm các tàu Trung Quốc trong lãnh hải của chúng ta”, “Không lùi bước trước những kẻ khủng bố ở Bắc Kinh”. Cuộc biểu tình tại Tokyo ngày 22-9 là hoạt động lớn đầu tiên của người dân Nhật Bản chống Trung Quốc sau hàng loạt vụ xuống đường rầm rộ của người Trung Quốc chống Nhật liên quan đến tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước trên Biển Hoa Đông.
Cùng với đó, báo Nhật Bản đã tố cáo Trung Quốc thuê ngư dân để biểu dương lực lượng trên biển. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc hồi đầu tuần trước đồng loạt đưa tin, hơn 1.000 tàu nước này từ các tỉnh ven biển Phúc Kiến, Chiết Giang đổ ra Điếu Ngư sau khi lệnh cấm đánh bắt cá của Chính phủ Trung Quốc hết thời hạn.
Theo báo Yomiuri Shimbun của Nhật Bản, chính quyền Trung Quốc đã cam kết sẽ tài trợ cho ngư dân nước này để đánh bắt tại vùng biển tranh chấp. Hãng này dẫn lời một chủ tàu ở Chiết Giang nói rằng cơ quan phụ trách ngư nghiệp Shipu, Chiết Giang đồng ý trợ cấp 100.000 nhân dân tệ cho mỗi thuyền hoạt động đánh bắt cá ở vùng biển Điếu Ngư. Tuy nhiên, theo hãng tin Kyodo, kể từ ngày 18-9 đến nay, có 17 tàu hải giám của Trung Quốc xuất hiện tại vùng biển tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư mà không thấy bóng dáng của tàu đánh cá nào.