La Viện cho rằng, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng mạnh trong những năm gần đây là sự bù đắp cho quá khứ.
Tờ Washington Post ngày 24/10 cho hay, ngân sách quốc phòng tăng lên nhanh chóng của Trung Quốc đang khiến các quốc gia châu Á láng giềng và các nhà hoạch định chính sách ở Lầu Năm Góc cảm thấy bất an về những mưu tính lâu dài của đất nước này.
Việc đưa ra con số chính xác về ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là rất khó vì phần lớn các khoản chi tiêu quân sự này không được công khai, giống như số tiền mà quân đội Trung Quốc đã chi cho chương trình nghiên cứu và thám hiểm không gian. Tuy nhiên theo ước tính của nhiều chuyên gia quốc tế, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng từ 20 tỉ USD năm 2002 lên ít nhất 120 tỉ USD hồi năm 2011.
Tàu sân bay Liêu Ninh mới được Trung Quốc đưa vào hoạt động |
Hiện ngân sách quốc phòng của Mỹ vẫn gấp bốn lần con số này. Nhưng theo một số tính toán, tổng chi cho quốc phòng của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2035.
Ngân sách tăng cho phép quân đội Trung Quốc tiến hành chương trình hiện đại hóa toàn diện trong đó có các tên lửa hành trình tầm xa mới, một phi đội tiêm kích J-10 và J-11 mới, một máy bay tàng hình thử nghiệm J-20, một chiếc tàu sân bay từ thời Xô-viết được cải tạo và một chương trình không gian đang phát triển nhằm thiết lập hệ thống định vị vệ tinh của riêng Trung Quốc.
Quân đội Trung Quốc cũng đã xúc tiến một chiến dịch dài hơi nhằm cải thiện khả năng hiệp đồng quân binh chủng từ lâu vốn là một điểm yếu của họ.
Mẫu thử nghiệm máy bay tàng hình J-20 của Trung Quốc |
Một số chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về ngân sách quốc phòng của Trung Quốc mà họ cho là được chi ra để củng cố tuyên bố của Trung Quốc đối với tranh chấp lãnh thổ trên các nhóm đảo, quần đảo ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Xa hơn nữa, một số chuyên gia dự đoán sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc sẽ làm thay đổi cán cân sức mạnh với Đài Loan được Mỹ cung cấp vũ khí nhằm thực hiện quyết tâm “giải quyết dứt điểm vấn đề Đài Loan”.
Sự lớn mạnh về quân sự này của Trung Quốc đã khiến chính quyền Obama phải thay đổi trọng tâm chiến lược của mình từ các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Việc Trung Quốc “mài nanh giũa vuốt” cũng khiến Nhật Bản và một số quốc gia Đông Nam Á phải tìm đến sự đảm bảo của Mỹ rằng họ sẽ không bị bỏ rơi, bất chấp các nhà ngoại giao Trung Quốc lớn tiếng cáo buộc Mỹ làm phức tạp hóa các tranh chấp trong khu vực.
Tàu sân bay USS George Washington của Mỹ đang hoạt động tại Biển Đông |
La Viện, thiếu tướng, học giả thuộc Hội Khoa học Quân sự Trung Quốc từng tuyên bố rằng thế giới không cần phải quan ngại về Trung Quốc. Viên tướng này cho hay ngân sách quốc phòng của Trung Quốc chỉ phản ánh sự phát triển của nền kinh tế, và quốc gia này đơn giản là đang bắt kịp với thời đại sau nhiều năm bỏ bê.
La Viện cho rằng, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng mạnh trong những năm gần đây là sự bù đắp cho quá khứ. Trung Quốc phải tăng chi tiêu cho quốc phòng là vì nước này phải đối mặt với nhiều mối đe dọa cả truyền thống và phi truyền thống.
Theo viên tướng này, Trung Quốc "có nhiều đất đai bị nước khác chiếm đóng", đồng thời Trung Quốc cũng là một trong những nước có nhiều lân bang nhất thế giới.
La Viện: Quân đội chính là cơ bắp. |
La Viện tuyên bố rằng khi các lĩnh vực kinh tế xã hội khác được hưởng thành quả của công cuộc đổi mới thì các lực lượng vũ trang không nên bị lãng quên. Viên tướng diều hâu này kết luận: “Người ta không chỉ cần phải phát triển về xương, mà còn phải tăng cường cơ bắp. Ở đây quân đội chính là cơ bắp.”