TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin nhanh 25-10-2012


 Mỹ và Hàn Quốc cam kết tăng cường quan hệ đồng minh

Hai nước tái khẳng định nguyên tắc của kế hoạch an ninh chi tiết mang tên “Đồng minh chiến lược 2015”.

Hôm qua (24/10), tại Hội nghị Ủy ban Quân sự Hàn - Mỹ lần thứ 36, hai bên đã tái khẳng định sẽ tiến hành chuyển giao quyền tác chiến thời chiến cho Hàn Quốc dự kiến vào tháng 12/2015.

Hội nghị diễn ra với sự tham dự của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Jeong Seung-jo và người đồng cấp Mỹ Martin Dempsey.

Hàn Quốc và Mỹ cam kết tăng cường quan hệ đồng minh nhằm duy trì hòa bình và an ninh.

Hai nước cũng tái khẳng định các nguyên tắc của kế hoạch an ninh chi tiết mang tên “Đồng minh chiến lược 2015”. Kế hoạch “Đồng minh chiến lược 2015” là bước tiếp theo sau khi Hàn Quốc và Mỹ quyết định hoãn chuyển giao quyền tác chiến thời chiến sang năm 2015.

Ngoài ra, Hàn Quốc và Mỹ đánh giá cao Hội nghị Ủy ban Quân sự Hàn-Mỹ, cho rằng hội nghị đóng vai trò lớn cho việc tăng cường quan hệ đồng minh chiến lược song phương và cam kết sẽ tổ chức hội nghị này ít nhất 2 lần/năm.

Hiện nay Hội nghị Ủy ban quân sự Hàn - Mỹ diễn mỗi năm một lần vào tháng 10 hàng năm./.

Anh Tuấn/VOV-Bắc Kinh

------
Phương Tây điều chỉnh chiến lược đối với Iran

 Các cường quốc phương Tây có khả năng đề nghị Iran hạn chế chương trình hạt nhân nếu muốn các lệnh cấm vận được nới lỏng.

Đây là một chiến lược điều chỉnh đang được phương Tây cân nhắc nhằm hướng tới một giải pháp thương lượng, giúp chấm dứt tiến trình đàm phán kéo dài hơn 1 thập kỷ qua xung quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.

Giải pháp trên được đưa ra bàn thảo nhằm chuẩn bị cho vòng đàm phán mới với Iran dự kiến nối lại sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 6/11 tới. 3 vòng đàm phán trước diễn ra trong năm nay đều rơi vào bế tắc.

Trong khi đó, kênh truyền hình "Press TV" của Iran hôm 23/10 cho biết, Quốc hội Iran đã soạn thảo một "gói cấm vận ba bước" đối với một số nước châu Âu để trả đũa các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này.

Theo đó, trong bước đầu tiên, các nước mà Iran xác định là thù địch sẽ không được phép mua các loại dầu chất lượng cao của nước này. Bước thứ hai là cấm nhập khẩu hàng hoá từ những nước châu Âu nào tham gia các lệnh trừng phạt chống Iran. Trong bước thứ ba, Iran sẽ cấm công dân của mình đi du lịch tại các nước nói trên.

Iran cũng cho biết, hiện có gần 70 nhà máy lọc dầu ở châu Âu và các nơi khác trên thế giới phụ thuộc vào nguồn dầu thô của Iran và tiết lộ một số công ty lọc dầu của châu Âu đang phải nhập khẩu dầu thô Iran thông qua các trung gian.

Cho tới nay Iran luôn phủ nhận mọi cáo buộc về việc nước này đang theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân và từ chối đáp ứng các yêu cầu đòi họ phải hạn chế chương trình phát triển hạt nhân. Thay vào đó, Iran yêu cầu phương Tây phải nới lỏng các lệnh cấm vận nhằm vào nước này.

Tuy nhiên, các cường quốc phương Tây không đồng ý đề nghị của Iran và nỗ lực đưa ra những sáng kiến hạn chế tập trung vào vấn đề hợp tác kỹ thuật, đồng thời tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm gây sức ép buộc Iran quay lại bàn đàm phán./.

Vũ Anh Tuấn/VOV- Trung tâm tin
Theo Reuters
----------
 EU và Việt Nam hợp tác về giáo dục nhân quyền

 Ngày 24-10, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ đã tổ chức buổi hội thảo về giáo dục nhân quyền tại Hà Nội.

Đây là sự kiện cuối cùng trong chuỗi các hoạt động đào tạo về nhân quyền trong khuôn khổ dự án Đối thoại Chiến lược EU-Việt Nam do EU tài trợ, nhằm đào tạo hàng trăm cán bộ Việt Nam thông qua các hội thảo về nhân quyền tại các tỉnh (Hạ Long, Nha Trang và Cần Thơ) và các khóa đào tạo cán bộ tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Buổi hội thảo diễn ra trước thềm của Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam diễn ra tại Brúc-xen (Bỉ) vào ngày 25 và 26-10.

Nguyên Xuân// QĐND
----------
EU chuẩn bị chương trình hỗ trợ mới cho Việt Nam

Nhân dịp tham dự Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Việc làm của ASEM tại Hà Nội, ngày 24/10, Thứ trưởng phụ trách lao động và các vấn đề xã hội của Liên minh châu Âu (EU) Koos Richelles đã gặp gỡ báo chí chia sẻ về tình hình lao động và xã hội của Liên minh châu Âu và những vấn đề liên quan.

Trả lời về chương trình hợp tác phát triển giữa EU và Việt Nam trong Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) mới ký kết, mà theo đó EU cam kết tiếp tục viện trợ phát triển cho Việt Nam sau năm 2013, Thứ trưởng Koos Richelles cho biết năm 2013 là năm cuối trong chương trình hỗ trợ phát triển của EU dành cho Việt Nam giai đoạn 2007-2013, EU đang chuẩn bị chương trình hỗ trợ mới giai đoạn 2014-2020.

EU sẽ thảo luận chặt chẽ để biết được mục tiêu của những nước sở tại muốn đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội khi tiếp nhận hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). EU muốn lắng nghe ý kiến của Việt Nam ở những lĩnh vực tập trung hỗ trợ cụ thể.

Trước đây, EU hỗ trợ phát triển ở những dự án đơn lẻ, trong tương lai, EU sẽ tập trung hỗ trợ cho lĩnh vực ngành, theo đó sẽ xem xét tới những chính sách của ngành đó đưa ra có tác dụng như thế nào đối với người thụ hưởng.

Thứ trưởng Koos Richelles cho biết Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Việc làm của ASEM tại Hà Nội là cơ hội để Liên minh châu Âu chia sẻ thông tin cũng như kinh nghiệm về những thách thức trong vấn đề việc làm và an sinh xã hội tại EU hiện nay.

Với tỷ lệ thất nghiệp hiện nay trong EU trung bình là 10%, trong đó người lao động trẻ (18-25 tuổi) lên tới 25%, riêng Tây Ban Nha và Hy Lạp có tỷ lệ trên 50%, EU đang có kế hoạch đầu tư vào lực lượng lao động trẻ; tìm giải pháp giải quyết vấn đề dân số già và tỷ lệ sinh giảm bằng cách kéo dài tuổi về hưu và cách tính mới trong vận hành hệ thống an sinh xã hội..../.

Hoàng Thị Hoa (TTXVN)
--------
 Trung Quốc quy hoạch phát triển vệ tinh khí tượng

Ngày 24/10, Cục Khí tượng Trung Quốc đã công bố “Quy hoạch phát triển và ứng dụng vệ tinh khí tượng giai đoạn 2011-2020”, theo đó đến trước năm 2020, Trung Quốc sẽ đầu tư 21,7 tỷ Nhân dân tệ (NDT) cho mục đích nghiên cứu chế tạo vệ tinh khí tượng, xây dựng hệ thống vệ tinh khí tượng mặt đất và xây dựng năng lực ứng dụng tổng hợp tư liệu vệ tinh khí tượng.

Chủ nhiệm Trung tâm Khí tượng vệ tinh quốc gia Trung Quốc Dương Quân cho biết từ năm 2011 đến năm 2020, Trung Quốc có kế hoạch phóng 11 vệ tinh nghiệp vụ khí tượng, bao gồm 3 vệ tinh Phong Vân-2; 3 vệ tinh buổi sáng Phong Vân-3; 2 vệ tinh buổi chiều Phong Vân-3; 1 vệ tinh rađa đo lường mưa và 2 vệ tinh quang học Phong Vân-4. Trong đó, vệ tinh đầu tiên trong số 3 vệ tinh Phong Vân-2 đã được phóng thành công hồi tháng 1/2012.

Ngoài vệ tinh phục vụ công tác nghiên cứu khí tượng, Trung Quốc cũng có kế hoạch phóng 2 vệ tinh thực nghiệm khí tượng trước năm 2020.

Sau khi phóng thành công vệ tinh khí tượng Phong Vân-1A lần đầu tiên năm 1988, đến nay Trung Quốc đã phóng thành công 12 vệ tinh khí tượng, trở thành nước có nhiều vệ tinh khí tượng, chỉ đứng sau Mỹ và EU, đồng thời cũng là nước có hai loại vệ tinh khí tượng nghiệp vụ hoạt động song song là quỹ đạo địa cực và quỹ đạo địa tĩnh.

TTXVN/ Tin Tức
--------
 LHQ kêu gọi thực hiện MDGs và đối phó vấn đề toàn cầu

 193 quốc gia thành viên LHQ cần cùng nhau chia sẻ, hợp tác và phấn đấu để đạt được Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs).

Nhân ngày LHQ 24/10, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã ra thông điệp, kêu gọi các quốc gia thành viên nỗ lực thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và đối phó với các vấn đề toàn cầu.

Người đứng đầu tổ chức lớn nhất hành tin nhấn mạnh, 193 quốc gia thành viên LHQ cần cùng nhau chia sẻ, hợp tác và phấn đấu để đạt được Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs), vì lợi ích của hòa bình và phát triển trên toàn thế giới. Nhân loại đang sống trong kỷ nguyên của những thay đổi rất cơ bản và sâu sắc, đồng thời đang đứng trước những mối đe dọa nghiêm trọng về an ninh truyền thống và phi truyền thống. Những năm qua, thế giới đã được chứng kiến những thành tựu to lớn, từ việc giảm số người đói nghèo, đến cải cách dân chủ, phát triển kinh tế, xã hội...

Tuy nhiên, từ nay đến năm 2015, đích đến của MDGs vẫn còn rất nhiều nhiệm vụ to lớn và nặng nề, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải giải quyết để thực hiện được những mục tiêu cao cả đã nêu. Và đây chính là giai đoạn thể hiện trách nhiệm lớn lao của LHQ, đòi hỏi tổ chức này không được phép chậm trễ hay bỏ qua bất cứ biện pháp nào trong hoạt động của mình vì hòa bình, phát triển, quyền con người và bình đẳng... LHQ cần vạch ra chương trình hoạt động, bao gồm những nhiệm vụ và công việc cụ thể cho giai đoạn sau 2015, vì những mục tiêu nhất quán của tổ chức này.

Cùng với việc đánh giá cao sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức xã hội dân sự đối với mọi hoạt động của LHQ, Tổng thư ký Ban Ki-moon đồng thời kêu gọi mỗi cá nhân, mỗi quốc gia và các tổ chức khu vực và quốc tế tiếp tục có những đóng góp xứng đáng vào sự lớn mạnh chung của LHQ cũng như vào việc củng cố hòa bình, an ninh và phát triển chung trên toàn thế giới.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon khẳng định: LHQ không phải là diễn đàn gặp gỡ cho các nhà ngoại giao, mà là nơi con người trên trái đất có thể giúp nhau gìn giữ hòa bình, phân phối thuốc chữa bệnh, trợ giúp nhân đạo cho người tỵ nạn, giúp nhau tạo lập công lý.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh: “Năm nay, thời điểm của sự xáo trộn và chuyển giao toàn cầu, chúng ta cùng nhau khẳng định lại cam kết với các dân tộc trên thế giới về chấm dứt các cuộc chiến tranh, hành động vì công lý, giải quyết các cuộc khủng hoảng thầm lặng như lòng thù hận, nạn đói, dịch bệnh và sự suy thoái môi trường. Con người và các vấn đề đòi hỏi phải có các giải pháp bền vững. Thế giới cần có sự hợp tác toàn cầu lớn hơn. Chúng ta thực hiện điều đó tại LHQ”.

Ngày 24/10/1945 là ngày Hiến chương Liên Hợp Quốc bắt đầu có hiệu lực. Kể từ đó, LHQ đã chọn ngày này làm ngày kỷ niệm hàng năm./.

Bá Thi/VOV-Trung tâm tin

-------
Romney tiếp tục coi Nga là “kẻ thù địa chính trị” của Mỹ

Trong cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng giữa hai ứng cử viên tổng thống tối hôm 22/10, ứng cử viên của Đảng Cộng hoà - Mitt Romney đã nói, Nga là “kẻ thù địa chính trị của Mỹ”. Đây là tuyên bố được ông Romney nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong năm nay.

Điều này chắc chắn sẽ khiến điện Kremlin nổi giận. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới Nga - Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng bởi phát biểu của ông Romney.
 
Còn nhớ, hồi tháng 3 đầu năm nay, ứng cử viên Romney đã mạnh miệng nói rằng, ông coi Nga là “kẻ thù địa chính trị số 1” của nước Mỹ. Lời phát biểu này được ông Romney đưa ra ngay sau khi người ta phát hiện một đoạn băng ghi âm ghi lại cuộc nói chuyện của ông Obama với Tổng thống Nga lúc đó là ông Dmitry Medvedev. Trong cuộc trò chuyện này, ông Obama đã đề nghị người đồng cấp Medvedev ngừng phản đối kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ cho đến sau cuộc bầu cử vào tháng 11. Tổng thống Mỹ hứa hẹn, “Tôi sẽ lính hoạt hơn” sau thời gian này.
 
Mặc dù phát biểu của ông Romney về Nga mang tính “tấn công chính trị” nhằm vào ông Obama nhiều hơn nhưng nó đã khiến Nga bối rối và tức giận.

Phản ứng trước phát biểu của ông Romney, Tổng thống Nga khi đó - ông Medvedev đã nói rất gay gắt: "Liên quan đến những tuyên bố sáo rỗng về ý thức hệ, mỗi lần có ai đó dùng đến cụm từ “kẻ thù số 1” thì điều đó luôn làm tôi lo ngại. Nó giống ‘mùi’ Hollywood và làm người ta nhớ đến thời quá khứ. Tôi khuyên tất cả các ứng cử viên tổng thống Mỹ khi nói gì về lập trường của mình thì họ cần dùng cái đầu của mình và dùng lý lẽ xác đáng".
 
Khi ứng cử viên Romney nhắc lại lời phát biểu về Nga trong Hội nghị Toàn quốc của Đảng Dân chủ hồi tháng 8, ông này cũng đã vấp phải phản ứng tiêu cực từ phía Moscow. Và hôm qua, ông Romney lại không ngại ngần nhắc lại phát biểu: “Nga là kẻ thù địa chính trị của Mỹ”.
 
Các nhà phân tích nhận định, dù phát biểu như vậy nhưng nếu đắc cử tổng thống, ông Romney cũng sẽ không thực hiện những chính sách cứng rắn với Nga như tuyên bố mạnh miệng của ông này. Tuy nhiên, ông Romney sẽ có thời gian dài bối rối và khó xử khi xử lý quan hệ với Nga.

Một cuộc thăm dò dư luận do Trung tâm Levada ở thủ đô Moscow tiến hành hồi đầu tháng này cho kết quả, 42% người Nga nghĩ rằng quan hệ giữa họ với Mỹ hoặc “thân thiện”, “láng giềng tốt” hoặc là “bình thường và hoà bình”. Trong khi đó, 47% người được hỏi nghĩ, mối quan hệ này “nguội lạnh” hoặc "căng thẳng". Chỉ 4% nghĩ quan hệ Nga - Mỹ là “thù địch”.

Kiệt Linh - (theo Christian Science Monitor, VNmedia)
--------
 Hàn Quốc diễn tập chống khủng bố

Ngày 24/10, một đơn vị quân đội Hàn Quốc đã tiến hành cuộc diễn tập chống khủng bố với giả định xảy ra một vụ tấn công bằng khí độc tại sân bay quốc tế Gimpo ở thủ đô Seoul (Xơun) .

Tham gia cuộc diễn tập 1 ngày này có 400 binh sĩ, cảnh sát và quan chức chính phủ.

Đây là một phần trong cuộc tập trận hàng năm mang tên Hoguk diễn ra cho đến ngày 2/11 tới trên khắp Hàn Quốc.

Cuộc tập trận Hoguk nhằm tăng cường khả năng phối hợp hành động giữa Bộ binh, Hải quân, Không quân và lính thủy đánh bộ nhằm đối phó với những khiêu khích từ phía CHDCND Triều Tiên.

Từ năm 1996, cuộc tập trận Hoguk đã thay thế cuộc tập trận "Tinh thần đồng đội" giữa Hàn Quốc và Mỹ. Tham gia cuộc tập trận Hoguk năm nay có khoảng 500 binh sĩ Mỹ.

TTXVN/ Tin Tức
--------
Trung Quốc xiết chặt an ninh trước đại hội đảng

Trung Quốc đang thắt chặt an ninh trước khi đại hội đảng diễn ra đầu tháng tới tại Bắc Kinh, nơi 2.000 đại biểu sẽ bầu ra thế hệ lãnh đạo tiếp theo của nước này.

Kể từ tháng 8, Bắc Kinh đã triệt phá nạn cờ bạc, mại dâm, trộm xe đạp, taxi dù, China Daily dẫn lời Phó bí thư Thành ủy Bắc Kinh Ji Lin hôm 21/10 cho biết. Cảnh sát thành phố cũng đang kiểm soát các lao động nhập cư chặt chẽ hơn.

Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến diễn ra trong vòng một tuần. Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được dự đoán sẽ trở thành Tổng bí thư của 82 triệu đảng viên, thay thế Hồ Cẩm Đào để trở thành chủ tịch Trung Quốc. Zhou Yongkang, ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc, hôm 19/10 kêu gọi chính quyền cả nước bảo vệ an ninh cho đại hội.

"Chúng ta phải tỉnh táo nhận thức rằng đang tồn tại rất nhiều yếu tố có thể dẫn đến bất ổn, mất trật tự, an ninh, gây ra nhiều rủi ro và thách thức đối với công tác an ninh của đại hội đảng", Xinhua dẫn lời ông Zhou nói.

Tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, đã lệnh cho 60.000 cảnh sát không nghỉ lễ từ ngày 20/10 đến 20/11 để "tham gia một chiến dịch khó khăn" trước khi đại hội đảng diễn ra, cảnh sát tỉnh thông báo trên website.

An ninh được thắt chặt hơn nhưng sẽ không gây trở ngại tới cuộc sống của người dân Bắc Kinh. Ông Ji cho biết các cơ quan an ninh sẽ "quan tâm tới cảm nghĩ và ý kiến của người dân khi họ thực hiện nhiệm vụ".

Đại hội đảng ở Trung Quốc là sự kiện chính trị quan trọng, tổ chức "vào một thời điểm then chốt, khi Trung Quốc đang xây dựng một xã hội khá giả toàn diện", theo thông báo của cuộc họp Bộ Chính trị Trung Quốc vừa qua.

Trọng Giáp// VNexpress
---------
Thái Lan sẵn sàng điều trần bất tín nhiệm Chính phủ

Ngày 24/10, thủ lĩnh Đảng Dân chủ Thái Lan Abhisit Vejjajiva cho biết phe đối lập đã sẵn sàng tổ chức một cuộc điều trần bất tín nhiệm đối với Chính phủ và kiến nghị tổ chức điều trần sẽ được gửi lên Chủ tịch Hạ viện vào cuối tháng này.

Các vấn đề được đưa ra điều trần dự kiến liên quan đến chương trình trợ giá gạo, các dự án phòng chống lũ lụt và chính sách lương tối thiểu 300 baht/ngày (31 baht = 1 USD) cho lao động phổ thông.

Tuy nhiên, Đảng Dân chủ vẫn chưa quyết định liệu chỉ yêu cầu điều trần từ phía Thủ tướng Yingluck Shinawatra hay đối với cả các bộ trưởng.

Phe đối lập cho rằng chính sách lương tối thiểu, đang được áp dụng thử nghiệm ở bảy tỉnh và dự kiến sẽ phổ biến trên toàn quốc vào năm tới, có tác động xấu tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Abhisit cũng bày tỏ lo ngại việc Chính phủ từ chối xem xét lại chương trình trợ giá gạo và khẳng định sẽ tiếp tục xúc tiến bất chấp những lời chỉ trích.

Ủy ban các vấn đề kinh tế, thương mại và công nghiệp của Thượng viện Thái Lan đã có kết luận rằng chính sách này có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước./.

(Vietnam+)
---------
Iran lên kế hoạch ba bước nhằm đáp trả lệnh trừng phạt của Châu Âu

Theo Press TV, Quốc hội Iran đã soạn thảo một “gói cấm vận ba bước” đối với một số nước Châu Âu để trả đũa các lệnh trừng phạt nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Theo Phó Chủ tịch Uỷ ban Năng lượng của Quốc hội Iran Naser Soudani, trong bước đầu tiên, các nước thù địch với Iran sẽ không được phép mua các loại dầu nặng và dầu nhẹ chất lượng cao của nước này. Bước thứ hai trong gói cấm vận là cấm nhập khẩu hàng hoá từ các nước Châu Âu tham gia các lệnh trừng phạt chống Iran. Trong bước thứ ba, Iran sẽ cấm công dân của mình đi du lịch tại các nước nói trên.

Hiện có gần 70 nhà máy lọc dầu ở Châu Âu và các nơi khác trên thế giới phụ thuộc vào nguồn dầu thô của Iran và một số công ty lọc dầu của Châu Âu vẫn đang phải nhập khẩu dầu thô Iran thông qua các trung gian. Cũng theo ông Soudani, hiện Iran đang phá vỡ lệnh trừng phạt của Phương Tây nhờ sự giúp đỡ của khu vực tư nhân, đồng thời cho biết Quốc hội đã cho phép Chính phủ tư nhân hóa 20% lượng dầu xuất khẩu của nước này.

Trong một diễn biến khác, Chuẩn Đô đốc Hải quân Iran Habibollah Sayyari cho biết tình báo nước này đang theo dõi sát sao những động thái của Hải quân Mỹ trong khu vực. Theo ông Habibollah, Iran đã đạt được tiến bộ đáng kể trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nước này đã theo dõi liên tục các tàu sân bay Mỹ. Trước đó, một trong các chỉ huy của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Hossein Salami, đã gọi tàu sân bay Mỹ “không gì khác ngoài một đống sắt gỉ”. Còn một chỉ huy khác của IRGC Ali Span tiết lộ Iran đã ghi được 50 phút di chuyển của hàng không mẫu hạm Mỹ ở cự ly gần.

H.Xuân// SGGP
-------
WTO điều tra tranh chấp ôtô nhập khẩu Trung-Mỹ

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 23/10 đã lập một nhóm chuyên gia để điều tra về khiếu nại của Mỹ liên quan tới những khoản thuế mà Trung Quốc đánh vào ôtô nhập khẩu từ Mỹ.

Đại diện thương mại Mỹ Ron Kirk hoan nghênh quyết định trên của WTO. Trong tuyên bố, ông Kirk nói: "Chúng tôi sẽ không khoanh tay đứng nhìn Trung Quốc lạm dụng các thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại và đẩy người Mỹ vào nguy cơ mất việc làm."

Một nguồn tin thân cận với WTO cho biết Mỹ coi các hành động của Trung Quốc là "những sai sót nghiêm trọng về mặt thủ tục."

Theo phái đoàn Mỹ, các khoản thuế của Trung Quốc cũng vi phạm các điều luật thương mại quốc tế. Phía Washington cho rằng việc Trung Quốc đánh thuế ảnh hưởng tới hơn 80% lượng ôtô của Mỹ xuất sang Trung Quốc.

Đáp lại, Trung Quốc biện luận rằng họ lấy làm tiếc trước đề nghị của Mỹ về việc thành lập ủy ban giải quyết tranh chấp ở WTO, bởi Bắc Kinh vẫn luôn tuân thủ các chỉ dẫn của WTO, đồng thời hy vọng hai bên sẽ tự giải quyết vấn đề này.

Trong một tuyên bố, phía Trung Quốc nhấn mạnh loại phương tiện đang trong vòng tranh cãi "đã được bán phá giá ở thị trường Trung Quốc và được Mỹ trợ giá, gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa của Trung Quốc."

Trước đó hồi tháng 12/2011, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế chống bán phá giá đối với các xe có dung tích xilanh từ trên 2,5 lít nhập khẩu từ Mỹ, khoảng 50.000 chiếc/năm vào thời gian đó.

Hiện Mỹ đang theo đuổi 10 vụ kiện Trung Quốc tại WTO, thể hiện phần nào nỗ lực của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm giảm thặng dư thương mại của Trung Quốc đối với Mỹ.

Phía Trung Quốc cũng phàn nàn về đạo luật Mỹ đưa ra hồi tháng Ba vừa qua, cho phép Washington thực hiện các biện pháp chống phá giá nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

Bắc Kinh khẳng định đạo luật này không phù hợp với quy định của WTO vì cách thức tính toán của Mỹ khi áp dụng các biện pháp này./.

(TTXVN)
---------
Mỹ phong tỏa mọi giải pháp của Nga cho hòa bình ở Libya

Mỹ sẽ phong tỏa mọi giải pháp hòa bình cho tình hình bạo lực đang diễn ra ở Libya, vì sự ổn định của khu vực này không có lợi cho Mỹ.

Tuyên bố dự thảo này kêu gọi nhà chức trách Libya “có các biện pháp khẩn cấp để giải quyết xung đột bằng phương pháp hòa bình và bảo vệ quyền lợi của mọi công dân Libya.” Tuyên bố này cũng bày tỏ quan ngại về tình hình bạo lực leo thang bên trong và xung quanh thị trấn Bani Walid trong những ngày gần đây.

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin cho rằng: “Việc ngăn chặn một tuyên bố dự thảo kêu gọi giải quyết các vấn đề chính trị của Syria bằng biện pháp hòa bình là rất lạ lùng. Trong trường hợp này, thật khó lý giải nổi hành động của phái đoàn Mỹ.”

Lawrence Freeman ở tạp chí Executive Intelligence Review nói rằng Mỹ sẽ phong tỏa mọi giải pháp hòa bình cho tình hình bạo lực đang diễn ra ở Libya, vì sự ổn định của khu vực này không có lợi cho Mỹ.

“Vấn đề ở đây là Tổng thống Obama và Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Susan Rice không hứng thú với việc thiết lập hòa bình ở Libya và toàn khu vực Trung Đông. Bởi vậy họ sẽ làm tê liệt bất cứ động thái nào mà Nga đưa ra nhằm làm lắng dịu tình hình ở đây.”

Thông tin từ Bani Walid cho thấy các dân thường vô tội ở đây đang trở thành nạn nhân của các đợt giao tranh giữa lực lượng ủng hộ chính phủ Libya và các tay súng trung thành với Đại tá Gaddafi.

Đợt giao tranh mới đây nhất bùng lên sau cái chết của Omran Shaaban, người đã được ghi nhận có công bắt giữ ông Muammar Gaddafi hồi tháng 11/2011. Shaaban chết vào ngày 25/9 sau 2 tháng bị giam giữ ở Bani Walid. Các lực lượng ủng hộ chính phủ và dân quân bao vây thị trấn này nhằm truy tìm những người chịu trách nhiệm cho cái chết của “vị anh hùng của Libya mới” này.

Các chỉ huy quân sự trung thành với ông Gaddafi trong thị trấn Bani Walid cáo buộc lực lượng chính phủ “bắn phá thị trấn bằng các vũ khí tầm xa và nhắm cả vào bệnh viện.”

Hôm thứ Ba, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng đã hoãn việc thông qua hai dự thảo tuyên bố do Nga đề xuất. Một dự thảo tuyên bố lên án vụ tấn công khủng bố ở Damascus hôm 21/10 khiến nhiều dân thường thiệt mạng và bị thương. Tuyên bố thứ hai kêu gọi cả quân chính phủ và phe nổi dậy ở Syria chấp thuận lệnh ngừng bắn trong lễ Eid Al Adha của người Hồi giáo bắt đầu vào ngày 25/10 tới đây.

Lời kêu gọi ngừng bắn của Nga được đưa ra trùng với đề xuất của đại diện Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab tại Syria Lakhdar Brahimi nhằm thuyết phục các bên ở Syria chấp nhận ngừng bắn trong dịp này. Ông Brahimi đã rời Syria hôm thứ Ba sau chuyến thăm 4 ngày nhằm tìm kiếm sự ủng hộ cho đề xuất chấm dứt bạo lực ở Syria của mình.

Bảo Thành (Nguồn: RT, GDVN)
--------
Quan chức ngoại giao Trung-Nhật tiếp xúc bí mật

 Tại cuộc gặp, hai bên đồng ý duy trì tiếp xúc nhằm làm giảm tình trạng đối đầu hiện nay.

Theo phóng viên Đài TNVN thường trú tại Trung Quốc, các quan chức ngoại giao cấp cao Trung Quốc và Nhật Bản đã có nhiều cuộc tiếp xúc kín, để trao đổi về các biện pháp nhằm làm giảm căng thẳng trong quan hệ song phương do tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Điếu Ngư (theo cách gọi của Trung Quốc – trong khi Nhật Bản gọi là Senkaku).
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang là tâm điểm tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc tại biển Hoa Đông (Ảnh: AP)

Theo Hãng tin Kyodo của Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Chikao Kawai đã có chuyến thăm đến Thượng Hải (Trung Quốc) vào tuần trước. Thông tin cho biết, tại cuộc gặp, hai bên đồng ý duy trì tiếp xúc nhằm làm giảm tình trạng đối đầu hiện nay.

Trong một thông tin khác, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, 3 tàu chiến Trung Quốc đã đi vào vùng biển quốc tế ở giữa các đảo Okinawa và Miyako của Nhật Bản chiều 23/10. Thông tin cho biết, máy bay tuần tra của Nhật Bản đã phát hiện các tàu chiến Trung Quốc di chuyển theo hướng Tây Bắc từ Thái Bình Dương vào vùng biển thuộc biển Hoa Đông, cách đảo Miyako khoảng 130km về phía Đông Bắc và cách đảo Okinawa khoảng 300km về phía Tây Nam.

Trước đó, ngày 16/10, 7 tàu chiến Trung Quốc cũng đi vào vùng biển tiếp giáp lãnh hải Nhật Bản, gần đảo Yonaguni thuộc tỉnh Okinawa./.

Xuân Dần/VOV- Bắc Kinh
---------
Nga khai thác mỏ khí đốt khổng lồ ở vùng Bắc Cực

Tập đoàn nhà nước Nga Gazprom ngày 23/10 đã bắt đầu khai thác ở một trong những mỏ khí đốt tự nhiện lớn nhất thế giới sau 40 năm nó được các nhà khoa học Liên Xô phát hiện ở gần vùng Bắc Cực băng giá không người ở.

Tổng thống Vladimir Putin đã đích thân ấn nút khởi động dây chuyển khai thác khí đốt thương phẩm tại mỏ gần Bắc Cực này, được phát hiện từ đầu những năm 1970 và từng gây sốt vì khối lượng khổng lồ của mỏ khí.

Mỏ Bovanenkovo trên bán đảo Yamal tại mỏm cực Tây Bắc Siberia được Gazprom ước tính có trữ lượng 4,9 nghìn tỉ mét khối khí đốt, con số khiến nó nằm trong nhóm ba mỏ khí đốt lớn nhất thế giới.

Nhưng mỏ này cũng nằm ở một vùng thời tiết cực kỳ khắc nghiệt và đã không thể tiếp cận ngay cả cho những hoạt động thông tin liên lạc cơ bản trong nhiều năm trời.

“Mỏ khí đốt này sẽ sản xuất ra 115 tỉ mét khối khí và sau đó sẽ tăng dần lên 140 tỉ”, ông Putin nói với các công nhân làm việc ở mỏ qua đường truyền video trực tuyến từ Moskva. “Lượng khí đốt đó gần tương đương với lượng mà chúng ta hiện đang xuất sang châu Âu.”

Mỏ khí đốt khổng lồ này, lớn thứ hai ở Nga chỉ sau mỏ Urengoi của Gazprom ở miền nam, là một phần trong dự án khai thác Bắc Cực mà Gazprom đặt rất nhiều hy vọng. Công ty khí đốt và dầu mỏ lớn nhất nước Nga đã phải chứng kiến lượng xuất khẩu sang châu Âu giảm trong năm ngoái sau khi không tăng trong nhiều năm do sản lượng và mức cầu thấp vì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Gazprom đã quyết định thực hiện một chiến lược nhiều rủi ro khi không phát triển các mỏ mới mà mua khí đốt từ các nước khác trong khi chờ đợi mở Bovanenkovo đi vào hoạt động. Giám đốc điều hành Gazprom, Alexei Miller, nói hãng dự tính sẽ mở gần 150 giếng khai thác trong năm nay cung cấp cho châu Âu và thay thế cho mức cung sụt giảm do mỏ Shtokman ở biển Barents hiện tạm ngừng khai thác.

“Chúng ta dự tính tạo ra một tỉnh khí đốt và dầu mỏ ở Yamal”, Putin nói trong đoạn băng trực tuyến. “Chúng ta sẽ mở hàng chục khu mỏ mới đầy hứa hẹn”. Nga hiện cung cấp khoảng 30% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu và là nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới./.

Trần Trọng (Vietnam+)
------------
Iran dọa ngừng bán dầu nếu phương Tây siết thêm trừng phạt

 Nhà nước Hồi giáo Iran cảnh báo sẽ ngừng mọi hoạt động xuất khẩu dầu nếu như phương Tây tiếp tục siết chặt các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này.

Trong tuyên bố đưa ra ngày hôm qua, Iran cũng cho biết nước này đã có sẵn “phương án 2” trong trường hợp không có thêm bất kỳ nguồn thu nào từ xuất khẩu dầu mỏ.

“Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn kế hoạch trong trường hợp không có nguồn thu từ dầu mỏ” Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Rostam Qasemi phát biểu với báo giới tại Dubai.

Nhưng ông cũng không quên nhấn mạnh thêm rằng “đến thời điểm này, Iran vẫn chưa phải đối mặt với bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào” và rằng Iran “sẵn sàng chuyển sang phương án 2 nếu phải chịu thêm các lệnh trừng phạt của phương Tây”.

“Nếu các nước thù địch tiếp tục đưa ra thêm các lệnh trừng phạt mới, chúng tôi sẽ cắt lượng dầu xuất khẩu ra thế giới. Chúng tôi hy vọng điều này sẽ không xảy ra vì đối tượng chịu thiệt nhiều nhất chính là người tiêu dùng. Chúng tôi không muốn nhìn thấy người tiêu dùng Mỹ và châu Âu cũng phải gánh chịu hậu quả từ các lệnh trừng phạt này”, ông nói thêm.

Đây là cảnh báo mới nhất của giới chức Iran nhằm phản đối việc phương Tây, do Mỹ dẫn đầu, đang tìm cách siết chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính nhằm vào nước này hòng buộc Tehran phải thay đổi lập trường cứng rắn trong chương trình hạt nhân gây tranh cãi.

Theo các chuyên gia dầu mỏ thế giới, các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào lĩnh vực ngân hàng, tài chính và xuất khẩu dầu mỏ của Iran đang ngày càng phát huy tác dụng. Trong vài tháng trở lại đây, lượng dầu mỏ xuất khẩu của Iran đã giảm mạnh khiến nước này mất đi một nguồn thu lớn.

“Iran cần đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới. Họ đã túng thiếu tiền nghiêm trọng”, nhà kinh tế trưởng Leo Drollas tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Toàn cầu nhận định.

Cũng theo nhà kinh tế trên, các lệnh trừng phạt đã khiến sản lượng xuất khẩu dầu thô của Iran giảm mạnh xuống chỉ còn khoảng 1 triệu thùng/ngày, so với mức 2,2 triệu thùng/ngày trong năm ngoái. Các nước mua dầu nhiều nhất của Iran hiện nay là Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ.

Với mức giảm này, doanh thu từ xuất khẩu dầu thô của Iran giảm xuống còn một nửa, trong khi doanh thu từ xuất khẩu dầu tinh chế và các sản phẩm khác từ dầu giảm tới 80%.

Hiện chưa biết nền kinh tế Iran sẽ vận hành như thế nào trong trường hợp phải ngừng mọi hợp đồng xuất khẩu dầu mỏ, nhưng có một điều chắc chắn là nước này sẽ chưa thể “chết” ngay như mong muốn của Mỹ và phương Tây vì Tehran có lượng dự trữ ngoại tệ khổng lồ được tích lũy sau hàng chục năm đứng trong nhóm các nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Việt Giang// Dân Trí
 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te