TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

'Khắc tinh' của máy bay, tàu chiến tàng hình

Máy bay tàu chiến tàng hình không còn vô hình nữa, khi “khắc tinh” của chúng là các hệ thống radar thụ động ra đời.

 

 

Mọi kỹ thuật tàng hình đều vô hiệu trước radar thụ động. Ảnh DPA


Radar thụ động có thể xác định mục tiêu mà không cần phải phát sóng. Thay vào đó, nó thu thập và phân tích các tín hiệu phản hồi từ các đài phát thanh, truyền hình và sóng vô tuyến của hệ thống điện thoại di động để xác định chính xác vị trí của các mục tiêu trên không, trên biển.

Hiện thời, công nghệ radar thụ động đã phát triển và hoàn thiện đến mức nó trở thành một thứ “kính chiếu yêu” phát hiện và xác định chính xác vị trí của mọi loại máy bay, tàu chiến tàng hình. Qua đó, “sức người sức của” của hơn 20 năm phát triển công nghệ tàng hình của các cường quốc quân sự hàng đầu thế giới bị “đổ xuống sông, xuống biển”.

Vô hiệu hóa các loại kỹ thuật tàng hình

Một trạm radar thông dụng thường phát đi sóng vô tuyến sục sạo mạnh và thu lại tín hiệu phản hồi từ máy bay, tàu chiến. Qua tín hiệu phản hồi này, nó xác định được vị trí, hướng đi và tốc độ của mục tiêu cần theo dõi. Radar thu động không cần phát sóng vô tuyến và sử dụng chính biển sóng vô tuyến của các đài phát thanh, truyền hình, mạng lưới điện thoại di động dày đặc trong bầu khí quyển. Máy bay, tàu thuyền, ô tô và cả con người luôn di động trong “biển sóng vô tuyến” như con cá bơi trong nước để lại gợn sóng và radar thụ động chỉ việc thu thập, phân tích những sóng phản hồi để phát hiện mục tiêu.
 

Tàu chiến tàng hình không còn "khả năng tàng hình" trước radar thụ động.
Ảnh US Navy


Từ lâu, người ta đã tìm cách sử dụng hiệu ứng này trong các thiết bị theo dõi mục tiêu. Chỉ có điều, thật khó “lọc” được tín hiệu cần tìm trong một đại dương mênh mông đầy những tín hiệu vô tuyến vô cùng hỗn độn. Với sự phát triển vượt bậc của máy tính điện tử, hệ thống Cassidian của Đức có thể đồng thời “lọc” tín hiệu thu được từ 3 dải tần khác nhau: sóng vô tuyến của đài phát thanh thông thường, đài phát thanh kỹ thuật số và các kênh truyền hình kỹ thuật số.  Với hệ thống Cassidian, người ta có thể phát hiện các vật thể nhỏ như máy bay đồ chơi với sai số chưa đầy 10m. Hệ thống này có thể phát hiện và định vị tới 500 mục tiêu ở cự ly tới 200km. Không những thế, để thu được tín hiệu phản hồi, radar thông thường phải mất tới 4 giây, trong khi radar thụ động chỉ mất có 0,5 giây.

Những kỹ thuật tàng hình như tạo hình, phủ lớp sơn hấp thụ hoặc phân tán sóng radar cũng như gây nhiễu điện tử… của máy bay ném bom B-2 hoàn toàn vô dụng trước radar thụ động. Ảnh REUTERS


Những kỹ thuật tàng hình như tạo hình, phủ lớp sơn hấp thụ hoặc phân tán sóng radar cũng như gây nhiễu điện tử… hoàn toàn vô dụng trước radar thụ động vì nó sử dụng các tần số khá thấp của sóng vô tuyến phát thanh, truyền hình. Không những thế, người ta không thể nào gây nhiễu hoặc triệt phá hằng hà sa số các đài phát thanh, các cột thu phát tín hiệu nằm rải rác ở các khu vực đông dân cư khắp nơi trên thế giới.

Hệ thống Cassidian chỉ là một trong nhiều hệ thống radar thụ động hiện hành và cũng chưa phải là hệ thống radar tiên tiến nhất.  Ngay từ năm 2002, tập đoàn sản xuất vũ khí Lockheed Martin của Mỹ đã trình làng hệ thống radar thụ động mang tên "Silent Sentry" (tạm dịch: canh gác thầm lặng) có thể theo dõi toàn bộ không phận thủ đô Washington thông qua các tín hiệu phát thanh. Hãng Roke Manor của Anh và tập đoàn Thales của Pháp cũng nghiên cứu chế tạo các hệ thống radar thụ động tương tự. Đó là chưa kể các tập đoàn quốc phòng của Thụy Điển, Nga và Trung Quốc. Ngay từ năm 2004, Trung Quốc đã làm chủ công nghệ radar thụ động.

Thủ tiêu ưu thế “bí mật, bất ngờ” của không quân Mỹ

Chính vì vậy mà giới chuyên gia cho rằng cái thời không quân Mỹ chiếm ưu thế áp đảo nhờ kỹ thuật tàng hình đã vĩnh viễn trôi qua.
 

Máy bay tàng hình F-117 "Nighthawk" từng làm mưa làm gió trong cuộc chiến tranh vùng vịnh lần thứ hai. Ảnh AP


Kỹ thuật tàng hình bắt đầu được áp dụng trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ hai. Hồi tháng 1/1991, không quân Mỹ đã sử dụng máy bay ném bom tàng hình F-117 "Nighthawk"  tấn công thủ đô Bagdad. Trong chiến dịch "Desert Storm" (Bão táp sa mạc), các máy bay F-117 đã tiến hành tới 1.300 phi vụ và không hề bị mất một chiếc F-117 nào. Đây quả là một chiến tích phi thường vì F-117 không có vũ khí tự vệ và cũng không có máy bay hộ tống, trong khi không kích các mục tiêu của đối phương. Vũ khí tự vệ duy nhất của F-117 là khả năng tàng hình của nó.

Radar thụ động không chỉ phát hiện máy bay tàng hình mà còn tất cả các loại máy mục tiêu di động trên không, trên biển. Các loại vũ khí chống radar hiện có trên các loại máy bay hoàn toàn vô tác dụng đối với radar thụ động. Không những thế, đám phi công không bao giờ phát hiện ra việc máy bay của họ đang bị theo dõi khi đang bay. 

Tên lửa phòng không Iran sẽ trở nên nguy hiểm hơn, nếu nước này có trong tay các hệ thống radar thụ động. Ảnh AP


Chính vì vậy mà người ta khó có thể tiến hành những cuộc không kích bất ngờ chống lại đối phương có trong tay các hệ thống radar thụ động. Những cải tiến mới trong công nghệ tàng hình chỉ có thể tạo ra những sự tiến bộ kỹ thuật nho nhỏ chứ không thể nào tạo ra bước đột phá từng giúp không quân Mỹ làm chủ bầu trời như trong hai thập kỷ vừa qua.

Radar thụ động đã khiến cho những khoản đầu tư khổng lồ của Mỹ, Trung Quốc, Nga vào việc nghiên cứu chế tạo các loại máy bay, tàu chiến tàng hình trở nên…vô ích. Thay vào đó, các cường quốc này cần đầu tư nghiên cứu chế tạo các hệ thống radar thụ động có khả năng phát hiện chính xác các vật thể bay cực nhỏ ở cự li hàng nghìn cây số.

Có thể nói với “mắt thần” radar thụ động ngày đêm canh gác vùng trời, yếu tố bất ngờ của các cuộc tấn công bằng máy bay, tên lửa xem ra hầu như không còn nữa. Các phương tiện đó, dù hiện đại đến đâu, sẽ bị các hệ thống thủ của đối phương vô hiệu hóa vì không còn yếu tố "bí mật, bất ngờ" như trước đây.

 

Minh Bích (theo Spiegel Online, ĐVO)

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te