Một quan chức Trung Quốc tuyên bố nước này sẵn sàng chấp nhận một cuộc xung đột nhỏ xung quanh vấn đề chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, và nói rằng họ chuẩn bị đuổi tàu của tuần duyên Nhật khỏi vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp.
Phát biểu được đưa ra sau thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 14.9 rằng nước này đã đệ trình tuyên bố về đường cơ sở của Trung Quốc tại quần đảo tranh chấp lên Liên Hiệp Quốc.
Ông Uất Chí Vinh, quan chức cao cấp thuộc Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc (SOA), nói với tờ báo Nhật Asahi Shimbun vào hôm nay, 15.9: “Chúng tôi sẽ phải đuổi tàu tuần duyên Nhật ra khỏi lãnh hải Trung Quốc. Chúng tôi không ngại gây ra một cuộc xung đột nhỏ”.
Ông Uất, người từng có thời gian phục vụ trong hải quân, nói thêm rằng việc đệ trình bản đồ lên Liên Hiệp Quốc có mục đích “thể hiện rõ ràng lãnh hải mới" của Trung Quốc.
Vào hôm 10.9, chính phủ Trung Quốc đã thông báo ý định biến vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thành lãnh hải nước này.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết việc đệ trình bản đồ đã hoàn tất mọi thủ tục pháp lý cần thiết theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS).
Hôm nay, 15.9, SOA đã công bố tọa độ của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và 70 đảo xung quanh, theo Tân Hoa xã.
Kèm theo đó, SOA cũng công bố chi tiết bản đồ vị trí, bản đồ thuyết minh và bản đồ không gian ba chiều của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Hôm 14.9, ba ngày sau khi chính phủ Nhật quốc hữu hóa ba hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp, SOA đã cử 6 tàu hải giám đến vùng biển xung quanh quần đảo.
Đây là đợt tuần tra bao gồm nhiều tàu hải giám Trung Quốc nhất từ trước đến giờ tại vùng biển, theo ông Uất, người hiện là nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hải dương thuộc SOA.
Đội tàu bao gồm tàu Hải giám 50, có độ choán nước 4.000 tấn và có thể chở theo trực thăng.
Theo tố giác của phía Nhật, các tàu hải giám Trung Quốc đã liên tục xâm nhập lãnh hải Nhật xung quanh 5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trước khi rút ra vùng tiếp giáp bên ngoài.
Trung Quốc dự kiến sẽ cử thêm tàu hải giám cũng như tàu cá đến vùng biển xung quanh quần đảo để củng cố các tuyên bố chủ quyền. Một lệnh cấm đánh cá tại biển Hoa Đông được ban hành trong ba tháng rưỡi qua dự kiến sẽ hết hiệu lực vào ngày mai, 16.9.
Sơn Duân
Theo Thanh Niên