"Tạp chí Chính trị Thế giới" (Mỹ) ngày 23/10 đăng bài của tác giả Fraser Cameron, Giám đốc Trung tâm Liên minh Âu - Á, khẳng định rằng năm 2012, Liên minh châu Âu (EU) đã tăng cường nỗ lực triển khai chính sách can dự "sức mạnh mềm" ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương để cạnh tranh ảnh hưởng với các cường quốc khác.
Ông Cameron cho biết, chính sách can dự "sức mạnh mềm" ở châu Á - Thái Bình Dương của EU được thể hiện rõ qua các hoạt động ngoại giao, thương mại và kinh tế của EU với khu vực. Chẳng hạn, ngày 9/11, Chủ tịch EU Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Josse Manuel Barroso sẽ đến dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEM tại Viêng Chăn. Hội nghị thượng đỉnh này cũng sẽ đem đến cho các nhà lãnh đạo EU cơ hội để tổ chức một số cuộc gặp song phương với các nhà lãnh đạo châu Á. Trong thời gian ở khu vực, hai nhà lãnh đạo EU sẽ đến thăm Inđônêxia, Timo Lexte, Việt Nam, Thái Lan và Mianma. Đầu năm nay, hai nhà lãnh đạo EU đã đến Ấn Độ, Trung Quốc và Hàn Quốc để tham dự các hội nghị thượng đỉnh.
Lãnh đạo và Ngoài trưởng các nước Á-Âu dự Hội nghị thượng đỉnh các nước Á – Âu lần thứ 8 (ASEM 8) ở Bỉ tháng 10/2010. Ảnh: Internet. |
Đặc biệt, Cao ủy phụ trách các vấn đề đối ngoại và chính sách an ninh của EU, bà Catherine Ashton đã tăng cường các chuyến thăm châu Á. Bà cũng ký một tuyên bố chung với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton để mở đường cho hợp tác EU - Mỹ ở châu Á. EU đã khai trương một văn phòng đại diện ở Mianma và giúp nước này thực hiện chương trình cải cách đầy tham vọng. EU đang đàm phán thỏa thuận khung với Ôxtrâylia và Niu Dilân, bắt đầu các cuộc đàm phán với Pakixtan và Ápganixtan nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ của các nước này với EU. EU cũng tăng cường hiện diện ở Thái Bình Dương bằng cách cử ông David O'Sullivan, quan chức đối ngoại cấp cao của EU, tham dự Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương hàng năm hồi tháng 8 vừa qua.
Về thương mại, EU và Hàn Quốc đạt nhiều tiến bộ trong các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do và các hiệp định khung giữa hai bên. EU cũng đã ký các Hiệp định Quan hệ Đối tác với Việt Nam, Philíppin và chuẩn bị ký một thỏa thuận tương tự với Mông Cổ. Bên cạnh đó, EU đang thúc đẩy các cuộc đàm phán về Hiệp định hợp tác và quan hệ đối tác với Xinhgapo, Malaixia và Brunây và đạt nhiều tiến bộ trong các cuộc đàm phán thương mại tự do với ba nước này. EU cũng đang chuẩn bị để bắt đầu các cuộc đàm phán tự do thương mại với Nhật Bản và hiệp ước đầu tư với Trung Quốc.
Thực tế, cuộc khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh và uy tín của EU ở châu Á - Thái Bình Dương cũng như ở nhiều khu vực khác trên thế giới. Tuy nhiên, EU vẫn là thị trường xuất khẩu chủ yếu và là nhà cung cấp viện trợ phát triển lớn nhất cho các nước châu Á. Năm 2011, châu Á chiếm 33% nhập khẩu và 38,2% xuất khẩu của EU, do đó châu Á trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU (chiếm 42% tổng thương mại). EU cũng là một nhà đầu tư lớn ở châu Á: năm 2010, 17% tổng đầu tư nước ngoài của EU đổ vào châu Á.
Trong năm nay, EU đã cử một đại diện thường trực hoạt động bên cạnh ASEAN. Các quan chức cấp cao trong Cơ quan hoạt động đối ngoại của EU đã hoạt động tích cực nhằm thúc đẩy đối thoại chính trị với các đối tác châu Á.
Tuy nhiên, EU cần nâng cao khả năng phân tích và cải thiện ngoại giao công chúng với tất cả các đối tác châu Á. EU cũng cần cải thiện khả năng phản ứng nhanh trước các sự kiện trong khu vực. Các tài liệu chính sách được sửa đổi gần đây của Đông Á đã tạo ra một số nguyên tắc có lợi cho EU nhưng nhiệm vụ hiện nay của EU là đánh giá và tìm kiếm các biện pháp để đạt được các mục tiêu chính sách đề ra và thúc đẩy các thỏa thuận thương mại với các đối tác châu Á.
Hữu Trung
Theo Tin Tức