Trong tháng 8, tuyến đường sắt nối tỉnh Vân Nam (Tây Nam TQ) với các quốc gia ĐôngNamÁ đã được hoàn tất. Tuyến đường sắt Ngọc Khê - Mông Tự này dài 141km, được tài trợ bởi Bộ Đường sắt TQ và chính quyền tỉnh Vân Nam, có tổng vốn đầu tư lên tới 4,5 tỷ nhân dân tệ (tương đương 709,78 triệu USD).
Mạng lưới đường sắt xuyên Á được thiết kế với khởi điểm tại Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam), đi qua các thành phố Ngọc Khê, Mông Tự và Hà Khẩu của tỉnh này, kết nối với Việt Nam, Lào, Thái Lan và Singapore. Sau khi khai thông tất cả các phần của tuyến đường sắt xuyên Á, đi từ thủ phủ Côn Minh của tỉnh Vân Nam đến Singapore chỉ mất 10 tiếng đồng hồ.
Hầu hết các quốc gia mà tuyến đường này đi qua có thể háo hức nối gót nền kinh tế hùng mạnh của TQ và hy vọng thương mại sẽ tăng theo. Trong khi đó, dư luận quốc tế cho rằng, động lực chính của việc bắt đầu xây dựng đường chính là TQ mong muốn tăng cường ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á.
The Economist nhận định, trong một khu vực đang có khuynh hướng nghiêng về phía Mỹ, TQ muốn lôi kéo các nước láng giềng vào vòng ảnh hưởng kinh tế của mình. Giáo sư Evgeni Kanaev, Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế (Viện Hàn lâm Khoa học Nga), nhận xét: “TQ đang tích cực bỏ vốn đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng giao thông của các nước Đông Nam Á. Nhưng sẽ có thể thành một cái bẫy chiến lược đối với các quốc gia Đông Nam Á là chuyện TQ sẽ ràng buộc các quốc gia này vào các tỉnh Vân Nam và khu vực tự trị Choang - Quảng Tây”.
Tỉnh Vân Nam đảm nhận vai trò chính trong chiến lược thiết lập “bàn đạp TQ” tại khu vực. Sau khi hình thành các hành lang giao thông và cơ sở hạ tầng khác, sẽ phát huy tác dụng khiến sự hiệp lực hội nhập của các nước Đông Nam Á xoay theo quỹ đạo kinh tế của TQ. Mặt khác, khu tự trị Choang - Quảng Tây chiếm vị trí quan trọng trong chiến lược “một trục hai cánh”.
Trục là hành lang kinh tế từ thành phố Nam Ninh đến Việt Nam, Lào và Thái Lan, còn cánh là khu vực hợp tác kinh tế Vịnh Bắc bộ và khu vực Tiểu vùng Mê Kông rộng lớn. Theo BBC, Lào cho biết TQ có thể xây dựng tuyến đường sắt trị giá 7 tỷ USD từ TQ tới thủ đô Vientiane.
Trong khi đó, Thái Lan đang đàm phán với TQ xây dựng tuyến đường sắt bắc - nam, sử dụng vốn vay của TQ. Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), vào năm 2014, khi được đưa vào hoạt động đầy đủ, con đường này sẽ vận chuyển khoảng 7 triệu tấn hàng hóa từ các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, và khối lượng này sẽ tăng lên 26 triệu tấn vào năm 2025.
Theo một bài báo mới đây mang tựa đề “Hội nhập Đông Nam Á, TQ đưa đường xe lửa xuống phía Nam” trên tờ The Economist, lợi ích của Bắc Kinh khi tuyến đường sắt tốc hành xuyên Đông Nam Á hình thành sẽ to lớn hơn nhiều, đó là sự ràng buộc khiến kinh tế Đông Dương lệ thuộc vào TQ.
Song hành cùng dự án này, Bắc Kinh gần đây liên tục đề nghị sử dụng đồng nhân dân tệ như phương tiện thanh toán thương mại với các nước Đông Nam Á. Bắc Kinh đang theo đuổi mục tiêu thiết lập trong khu vực Đông Nam Á một mô hình riêng về hội nhập, như đối trọng với ASEAN. Xu thế này có thể sẽ còn tăng cường hơn nữa, vì rằng đến những năm 2012 - 2014, chủ tọa ASEAN sẽ là Campuchia và Myanmar - hai nước đang phát triển hợp tác với TQ qua chính những dự án cơ sở hạ tầng.