TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

'Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông' đánh trúng tim đen Trung Quốc

Ngày 7/8/2012, công trình biên khảo Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông về chủ quyền của Việt Nam tại các vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chính thức ra mắt độc giả trong nước. Truyền thông Trung Quốc đã lập tức tung ra nhiều bài đả phá những điều nêu trong quyển sách, chứng tỏ rằng công trình vừa xuất bản đã đánh trúng vào chỗ yếu của Trung Quốc.

 

 

Bìa cuốn Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông

Quyển Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông - dày khoảng 400 trang, bao gồm 4 chương và một phụ lục – là một công trình tập thể của các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực, với tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ Việt Nam chủ biên, và do nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành.

Chỉ ít lâu sau khi quyển Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông được chính thức phát hành, báo chí Trung Quốc đã liên tục lên tiếng bác bỏ những quan điểm được nêu lên trong quyển sách. Ngày 13/8 vừa qua chẳng hạn, trong một bài viết mang tựa đề “Giới chuyên gia bác bỏ đòi hỏi chủ quyền trên các đảo của một tác giả Việt Nam”, tờ Hoàn cầu Thời báo – Global Times của Trung Quốc đã viện dẫn hai chuyên gia Trung Quốc để đặc biệt đả phá phần chứng minh chủ quyền của Việt Nam từ thế kỷ 17 trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được nêu lên trong quyển Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông.

Tuy nhiên, lý do mà Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Địa lý và Lịch sử Biên giới Trung Quốc thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc hoàn toàn không có gì mới, mà chỉ lập lại quan điểm từ xưa đến nay vẫn được Bắc Kinh sử dụng : “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa) và Nam Sa (tức Trường Sa), vì Trung Quốc đã phát hiện và đặt tên cho các khu vực này cách đây 2.000 năm, sớm hơn nhiều so với Việt Nam”.

Trên đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về các phản ứng gay gắt của Trung Quốc trước sự kiện Việt Nam cho phát hành tập biên khảo Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông. Phản ứng của Trung Quốc cho thấy là Việt Nam đã đi đúng hướng trong việc tuyên truyền các quan điểm của mình trên vấn đề Biển Đông, đẩy các học giả Trung Quốc vào thế bị động.

Là người thường xuyên theo dõi các diễn biến liên quan đến Biển Đông, giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc Đại học Maine, Hoa Kỳ, đã cho rằng sự kiện Việt Nam xuất bản được một công trình có hệ thống về vấn đề Biển Đông là một điều rất đáng khích lệ và hướng tiếp cận này cần phải được thúc đẩy thêm, tạo điều kiện đưa quyển sách đến tận tay mọi người, song song với việc tổ chức thêm các hội nghị khoa học quốc tế về Biển Đông.

GS Ngô Vĩnh Long cho biết, Trung Quốc tuyên truyền rất dữ dội trong công chúng của họ về vấn đề Biển Đông. Họ có không biết bao nhiêu người làm việc này, những người gọi là “học giả” của họ. Ông Long cho rằng phần lớn những cái gọi là “nghiên cứu” của họ không có giá trị. Còn những nghiên cứu có giá trị thì họ chưa đưa ra, chỉ dùng riêng cho họ với nhau thôi.

GS Long cho rằng vấn đề đó cực kỳ nguy hiểm, bởi vì khi đưa thông tin ra rất nhiều, ở trong nước cũng như ngoài nước, nhưng lại là những thông tin sai lạc, thì đến khi phải thay đổi chính sách hay là bị buộc phải nhượng bộ trước công luận quốc tế, thì không làm được. Trung Quốc hiện nay chưa làm được điều đó, thành ra đã nói càn rồi thì tiếp tục làm càn. Mà tiếp tục làm càn như vậy, lấy thịt đè người, là điều rất nguy hiểm.

Về phía Việt Nam, ông Long nhận xét: “Việt Nam đi chậm nhưng chắc hơn Trung Quốc trong việc quảng bá về Biển Đông. Tôi thấy chậm nhưng mà nếu đi đàng hoàng thì sẽ chắc. Quyển sách Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông tôi chưa đọc, nhưng qua những lời giới thiệu, kể cả phỏng vấn với ông chủ biên thì tôi thấy đây là một bước đi vững chắc. Có bước đi đầu vững chắc thì nên tiếp tục làm như vậy. Một nước nhỏ như Việt Nam cần làm việc đàng hoàng chứng minh cho người ta biết mình làm việc đàng hoàng, có tình, có lý, bởi vì thật ra vấn đề này không chỉ là vấn đề nghiên cứu (thuần túy) mà là nghiên cứu để cung cấp tài liệu cho việc tranh đấu, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, bảo vệ an ninh trong khu vực. Và như thế, phải chứng minh cho thế giới biết là người Việt Nam đàng hoàng”.

Cần đẩy mạnh các cuôc hội thảo quốc tế về Biển Đông

Theo GS Long, đây là vấn đề rất tốt, tốt không chỉ vì giúp cho Việt Nam quảng bá vấn đề biển đảo của mình, mà tốt để cho Việt Nam học được cách quảng bá, hay là trao đổi với nước ngoài. Theo dõi những hội thảo mà Chính phủ Việt Nam hay Bộ Ngoại giao Việt Nam giúp tổ chức, thì ta thấy tiến triển rất khả quan.

Từ hội thảo lần đầu cho đến hội thảo lần thứ 3 vừa rồi, và sắp tới, tháng 11 sẽ có hội thảo lần thứ 4, các hội thảo đó ngày càng tập hợp được nhiều người trên thế giới đến để trao đổi, kể cả những học giả của Trung Quốc.

Thành ra mình học hỏi được cùng người khác, những người nói sai, mình cũng thấy cái sai của họ như thế nào. Những người nói như “họng cối xay” thì mình cũng biết, qua đó mình tìm được cách để trình bày vấn đề của Việt Nam.

Và hơn thế nữa, thái độ của Việt Nam ở các hội thảo quốc tế, cũng sẽ làm cho người ta thấy là người Việt Nam đàng hoàng, muốn tìm hiểu vấn đề, muốn tìm giải pháp, chứ không phải là cứ nói ngang.

Th.Long (Theo RFI)
Nguồn: Năng Lượng Mới

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te