TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

APEC họp cấp cao giữa những tranh chấp lãnh thổ

Cuộc họp cấp cao Diễn đàn kinh tế châu Á Thái bình dương năm nay diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng giữa một số thành viên, do tranh chấp chủ quyền lãnh thổ biển đảo.

Tổng thống Nga Putin thăm trung tâm truyền thông của Hội nghị APEC ở Vladivostok. Ảnh: AFP

Tại vùng biển Đông Bắc Á, bầu không khí nóng lên giữa các nước Nhật - Trung; Nhật - Hàn và cả giữa Nhật với Nga. Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền biển đảo với nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Philippines... Bắc Kinh ngày càng tỏ rõ sự bất bình khi nghi ngờ các nỗ lực của Mỹ tại châu Á-Thái Bình dương là nhằm kiềm chế sự trỗi dậy toàn cầu của Trung Quốc.

Những bất hòa này có thể ảnh hưởng đến sự tiến bộ về thương mại tại hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo vào ngày 8 và 9/9 tới. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng tất cả các bên tham gia đều sẽ cố gắng để đảm bảo chương trình nghị sự của hội nghị đạt được tiến bộ.

"Những căng thẳng này có thể sẽ làm cho các cuộc họp chính thức trở nên kém thân thiện và nồng ấm hơn đáng ra phải có", Deborah K. Elms, giám đốc Trung tâm Thương mại và Đàm phán Temasek, đại học công nghệ Nanyang, Singapore nói.

"Tuy nhiên tôi không cho rằng có bất cứ một nước nào lại muốn vấn đề lãnh thổ ảnh hưởng đến những vấn đề kinh tế vào thời điểm này, làm chệch chương trình vốn đã eo hẹp của APEC", ông nói thêm.

Trong số các nhà lãnh đạo chủ chốt tham dự hội nghị cấp cao cuối tuần này có Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda. Ngoại trưởng Clinton thay mặt cho Tổng thống Barack Obama tham dự, vì ông bận rộn với chương trình vận động tái tranh cử cuối năm nay.

Các nhà lãnh đạo thế giới thường tận dụng cơ hội này để thảo luận những vấn đề địa chính trị nóng, đặc biệt là trong các cuộc gặp bên lề, khi họ có điều kiện hội đàm trực tiếp với nhau.

"Lãnh đạo là lãnh đạo, họ có quyền tự do thảo luận với nhau về bất cứ chủ đề nào họ cho là quan trọng và cần thiết", giám đốc điều hành APEC, Muhamad Noor nói.

Ông Noor cũng cho biết là các cuộc gặp chính thức của hội nghị APEC ở Vladivostok sẽ tập trung vào đẩy nhanh tiến trình tự do hóa thương mại, bao gồm cắt giảm các loại thuế đánh vào các mặt hàng thân thiện với môi trường và đảm bảo an ninh lương thực nhằm chấm dứt việc tăng giá đột ngột. Các quan chức rất có thể sẽ thảo luận cách thức nhằm hạn chế tối thiểu tác động của thiên tai đối với hệ thống cung cấp lương thực toàn cầu, như việc gián đoạn trong sản xuất nông nghiệp năm ngoái do động đất và sóng thần ở Nhật Bản và lũ lụt ở Thái Lan.

Ông Noor cho biết mức thuế trung bình giữa các nước thành viên APEC hiện ở mức 6%, giảm nhiều so với mức 17% hồi năm 1989 khi tổ chức được thành lập, và các quan chức sẽ tập trung vào việc loại bỏ những rào cản phi thuế quan. APEC chiếm hơn 44% thương mại toàn cầu và 41% dân số thế giới.

Hội nghị năm ngoái ở Hawaii gây chú ý với những nỗ lực của Tổng thống Obama khi kêu gọi thành lập một khu vực thương mại tự do toàn châu Á-Thái Bình Dương hay còn được gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Kể từ đó, TPP đã đạt được một số tiến bộ, với số nước thành viên tham gia giờ đây đã lên đến con số 11. Tuy nhiên, TPP không có trong chương trình nghị sự chính thức của hội nghị năm nay. Các cuộc trao đổi về chủ đề này có thể diễn ra bên lề hội nghị.

Nga đã chi đến 20 tỷ USD để nâng cấp thành phố Vladivostok, một căn cứ hải quân cũ từ thời Liên Xô, để xây cầu, đường cao tốc, đường băng mới và nhà ga xe lửa.

Hội nghị sẽ được tổ chức trong khuôn viên trường đại học Liên bang Viễn Đông trên đảo Russki, bên ngoài thành phố Vladivostok. Tổng thống Putin hy vọng sự kiện này sẽ thể hiện tham vọng trở thành một thành viên chủ chốt ở Thái Bình Dương của Nga, đồng thời làm sống lại tiền đồn xa xôi ở Viễn Đông này.

Phạm Ngọc Uyển (Theo News Straight Times, VNexpress)

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te