Hôm qua (7.9), ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết các cuộc đàm phán của bà ở Trung Quốc tuần này đã đem lại lợi ích mặc dù có những khác biệt đáng kể giữa Washington và Bắc Kinh về các vấn đề quốc tế quan trọng từ nội chiến Syria cho tới tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton phát biểu trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Bắc Kinh, Trung Quốc |
“Thậm chí chúng tôi bất đồng ý kiến nhưng chúng tôi có thể xem xét các vấn đề khó khăn nhất mà không nguy hại đến toàn bộ mối quan hệ” – Bà Clinton nói tại Dili, Đông Timor – một ngày sau khi bà gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và những quan chức Trung Quốc ở Bắc Kinh.
Bà Clinton bị truyền thông chính thống Trung Quốc chỉ trích trong suốt chuyến đi, bà đã có những lời thẳng thắn với Ngoại trưởng Dương Khiết Trì về vấn việc tìm cách chấm dứt đổ máu ở Syria. Bà và ông Dương cũng đã có những quan điểm không đồng nhất về biển Đông, nơi mà chính quyền ông Obama e ngại rằng do chủ nghĩa dân tộc, căng thẳng sẽ tiếp tục leo thang giữa Trung Quốc và những nước hàng xóm nhỏ hơn về những tuyên bố chủ quyền biển chồng lên nhau.
Trung Quốc phản đối Mỹ và các nước khác về việc đưa thêm các cấm vận chống lại Syria nhằm gây áp lực cho chính quyền Tổng thống Bashar Assad, và cho rằng cuộc nội chiến ở đây phải được giải quyết thông qua đàm phán. Bắc Kinh muốn đàm phán về vấn đề tranh chấp trên biển Đông với từng cá nhân nước láng giềng, nhưng không chấm thuận việc thực hiện mau chóng một bộ quy tắc ứng xử để ngăn chặn xung đột và đàm phán đa phương mà Mỹ ủng hộ.
Một quan chức Mỹ cao cấp đi cùng với bà Clinton từ Đông Timor tới Brunei – quốc gia là thành viên ASEAN – cho biết Washington tin rằng có thể sẽ có giai đoạn căng thẳng hơn diễn ra “cho dù” có thể đạt được tiến triển như thế nào.
Mỹ đã nói rằng giải pháp hòa bình cho tranh chấp biển Đông cũng là lợi ích của Mỹ, chủ yếu là vì an ninh hàng hải và vận chuyển quốc tế an toàn. Tuy nhiên, phát biểu với bà Clinton hôm thứ 4, ông Dương nói rằng tranh chấp trên không phải là chuyện của nước khác mà là vấn đề “trực tiếp” của các nước có liên quan.
Hà Châu (Theo AP, Giáo Dục Thời Đại)