Thế giới đang trở thành một nơi nguy hiểm hơn và cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân đã góp phần vào viễn cảnh báo động đó, có bao giờ bạn tự hỏi hiện trên thế giới có bao nhiêu vũ khí hạt nhân đang tồn tại?
Câu hỏi này không quá khó để trả lời.
Chỉ vài nước có vũ khí hạt nhân, song điều đó cũng đủ đáng sợ. Danh sách những nước sở hữu vũ khí hạt nhân không lớn. Chỉ có Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc, Israel, Ấn Độ và Pakistan, có thể cả Triều Tiên đang có loại vũ khí đáng sợ nhất thế giới. Dù vậy, cộng đồng quốc tế vẫn luôn lo ngại danh sách những nước sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ mở rộng.
Càng nhiều nước có bom hạt nhân thì cơ hội những quốc gia khác cũng có ngày càng lớn. Đó là triết lý đằng sau Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân (NPT). Hiệp ước này yêu cầu các nước không có bom hạt nhân cam kết không cố phát triển vũ khí hạt nhân và những nước đã sở hữu loại vũ khí này không bán bí mật hạt nhân.
Theo các quy định về kiểm đếm trong Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START), Mỹ ước tính có 5.200 đầu đạn hạt nhân và 2.700 đầu đạn đã được lắp để sẵn sàng hành động.
Ước tính Nga có khoảng 14.000 vũ khí hạt nhân dù tổng số này vẫn chưa chính xác hoàn toàn do không kiểm đếm đúng đắn về vũ khí chiến lược.
Pháp có khoảng 300 đầu đạn hạt nhân, xấp xỉ 290 đầu đạn trong số này đã được lắp đặt để sẵn sàng hành động.
Kho vũ khí hạt nhân của Anh có chưa đầy 200 đầu đạn chiến lược và hạ chiến lược lắp đặt trên các tàu ngầm chạy bằng hạt nhân hạng Vanguard.
Trung Quốc có khoảng 400 vũ khí hạt nhân chiến lược và chiến thuật, với khoảng 60 đầu đạn được lắp đặt trên các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Trung Quốc không tuyên bố công khai về việc đã ngừng sản xuất uranium làm giàu cao (HUE) và plutonium cho vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng Trung Quốc đã ngừng sản xuất HEU vào năm 1997 và plutonium vào năm 1990.
Ấn Độ đã chính thức tuyên bố nước này là quốc gia hạt nhân. New Delhi có thể đã sản xuất đủ plutonium cho ít nhất 100 đầu đạn.
Pakistan được cho là có xấp xỉ 580-800 kg uranium đã được làm giàu ở mức cao, đủ cho chế tạo 30-50 quả bom hạt nhân. Theo Mỹ, Trung Quốc đã giúp Pakistan bằng cách cung cấp vật liệu liên quan tới hạt nhân, kiến thức khoa học và trợ giúp về kỹ thuật.
Triều Tiên thử bom hạt nhân lần đầu vào tháng 10/2006 và lần thứ hai vào tháng 5/2009.
Israel được cho là sở hữu một kho vũ khí hạt nhân khá lớn song nước này vẫn duy trì chính sách mơ hồ về hạt nhân. Dựa trên công suất chế plutonium của lò phản ứng Dimona, Israel có thể có 100-200 vũ khí hạt nhân.