TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Bài học thu hút đầu tư quốc phòng của Indonesia

Là quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới, có vị thế địa chính trị đáng kể, Indonesia đã khéo léo thu hút các nhà đầu từ quốc phòng nước ngoài để tăng cường sức mạnh.

 

 

Đông Tây hội tụ

Là quốc gia có 17.508 hòn đảo, đồng thời là quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, Indonesia có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với khu vực Đông Nam Á và cả châu Á - Thái Bình Dương. Giàu tài nguyên thiên nhiên, có vị trí địa lý thuận lợi cho thông thương buôn bán, các cường quốc trên thế giới đều muốn đặt ảnh hưởng của mình lên xứ sở vạn đảo.

Biết được thế mạnh của mình, Indonesia đã khéo léo kéo các nước lớn trên thế giới vào một cuộc đua tranh giành ảnh hưởng ở xứ vạn đảo. Họ đã cụ thể hóa thế mạnh này trong các hợp đồng mua sắm quốc phòng.

Tướng Hartind Asrin người đại diện Bộ Quốc phòng Indonesia từng nói: “Chiến lược của chúng tôi là sẽ mua các thiết bị quân sự cùng với việc chuyển giao công nghệ và hợp tác trong lĩnh vực sản xuất”.

Từ phương Tây đến phương Đông, các cường quốc đều cố gắng đặt một chân trong thị trường vũ khí đầy tiềm năng của Indonesia và cơ hội được chia đều cho các bên.

Chiến lược mua sắm kèm chuyển giao

Vào những năm 1980, công nghiệp quốc phòng Indonesia đã có bước đột phá ấn tượng khi hãng chế tạo máy bay CASA của Tây Ban Nha đã bắt tay cùng với Công ty hàng không vũ trụ PT Dirgantara Indonesia chế tạo máy bay vận tải hành khách và quân sự cấp khu vực có tên CN-235. Sự kiện này đã đưa Indonesia trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á tham gia vào việc chế tạo máy bay.

 

Hợp tác sản xuất máy bay vận tải quân sự đa dụng CN-235 đã tạo ra bước đột phá cho CNQP Indonesia.

Thế nhưng, thời điểm công nghiệp quốc phòng Indonesia có sự bứt phá từ những năm 2000, sau khi PT Pindad chế tạo thành công xe thiết giáp Pindad Panser vào năm 2005 với sự giúp đỡ của Pháp. Ở thời điểm này, sau Singapore, Indonesia là quốc gia thứ hai có khả năng chế tạo xe thiết giáp.
 

Quan trọng hơn cả, sự thành công của xe thiết giáp Pindad Panser đã khơi dậy tiềm năng của Indonesia và thu hút sự quan tâm của các nhà thầu quốc phòng nước ngoài. Có thể nói không ngoa, trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trừ Trung Quốc với những điều kiện riêng của nước này, Indonesia là thị trường vũ khí hấp dẫn không hề thua kém Ấn Độ.

Indonesia đã sử dụng một chiến lược rất khéo léo trong việc mua sắm quốc phòng, họ luôn tìm cách thương lượng với đối tác để tham gia một phần vào việc sản xuất.

Biết "làm giá" trước đối tác

Một “chiêu” khác mà họ sử dụng là không tập trung mua vũ khí vào một quốc gia cụ thể nào mà chia đều cơ hội cho tất cả các bên miễn sao đáp ứng được yêu cầu của họ đề ra.

Vũ khí của Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hà Lan đều có mặt trong biên chế quân đội nước này, nếu bên nào không đáp ứng yêu cầu của họ, họ sẽ chọn quốc gia khác là đối tác.

Trong thương vụ mua 4 tàu hộ tống lớp Sigma từ Hà Lan, khi giấy phép xuất khẩu cho tên lửa Exocet có vấn đề Indonesia lập tức công bố xem xét lựa chọn tên lửa C-802 của Trung Quốc để thay thế, sau đó giấy phép xuất khẩu cho tên lửa Exocet đã được thông qua.

Không chỉ vậy, ngày 16/08/2010, Bộ Quốc phòng Indonesia đã ký hợp đồng với PT PAL và Dame Schelde của Hà Lan để đóng mới 4 tàu hộ tống dựa trên thiết kế của Sigma tại Indonesia. Với hợp đồng này, Indonesia đã "kéo" được công nghệ đóng tàu hiện đại về nước.

 

Sau khi Indonesia mua 2 tiêm kích Su-27SK, 3 chiếc Su-27SKM, Nga đồng ý bán tên lửa chống hạm hàng “khủng” P-800 Yakhont cho nước này để hy vọng trở lại thị trường Indonesia và có vị thế như trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh.

Đáp lại, Indonesia cũng niềm nở tiếp tục mua thêm 6 chiếc Su-30MK2 và đưa Kilo của Nga vào "chung kết" với Hàn Quốc trong một cuộc đấu thầu xây dựng lực lượng tàu ngầm cho hải quân.

Tuy nhiên, sau khi không đạt được thỏa thuận về việc tham gia một phần vào việc sản xuất tàu ngầm, Kilo bị loại khỏi danh sách đấu thầu. Dù vậy, quan hệ hợp tác với Nga không hề gián đoạn.

Tháng 5/2012, Indonesia đặt mua 37 xe chiến đấu bộ binh BMP-3F kèm hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất tại Indonesia. Tất nhiên Moscow khó lòng từ chối vì không muốn mất phần ở Indonesia.

Với Hàn Quốc Indonesia còn bắt tay phát triển tiêm kích thế hệ 5 KF-X.

Cũng với chiến lược này, sau khi Bộ Quốc phòng Indonesia ngỏ ý muốn mua 100 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard-2A6 đã qua sử dụng từ Hà Lan nhưng vấp phải sự phản đối từ các nhà lập pháp Hà Lan họ lập tức chuyển hướng mua trực tiếp Leopard-2A6 từ Đức và tất nhiên không thể thiếu điều khoản đàm phán hợp tác sản xuất loại xe tăng này tại PT Pindad.

Đối với Mỹ, chiến lược “mua và chuyển giao” khó lòng thực hiện được. Washington luôn khắt khe trong việc chuyển giao công nghệ. Trong trường hợp này, Indonesia thực hiện một chiến lược khác. 

Indonesia từng đề nghị Washington nâng cấp và chuyển giao 24 chiếc tiêm kích F-16 C/D block 25, tuy nhiên đề nghị này vấp phải sự phản đối của các nhà lập pháp Mỹ.

Indonesia đã công bố việc hợp tác sản xuất tên lửa chống hạm C-705 với Trung Quốc, việc hợp tác này được nhận định khó lòng mang lại cho Indonesia các công nghệ tiên tiến từ Trung Quốc nhưng điều đó đã đánh động đến Washington.

 

Nếu Mỹ không đồng ý bán vũ khí cho Indonesia họ sẽ mua vũ khí từ Trung Quốc, Nga như vậy Washington sẽ mất chỗ đứng ở xứ vạn đảo. Tất nhiên, Indonesia cũng biết chọn thời điểm thích hợp để "làm giá". Họ đã chọn đúng lúc Mỹ đang chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương, và rõ ràng, Washington cần sự ủng hộ của Indonesia. Đích thân Tổng thống Obama đã công khai ủng hộ việc bán F-16 cho Indonesia.

Hợp đồng bán F-16C/D Block 25 được thông qua, không những thế Washington còn đồng ý bán tên lửa không đối đất AGM-65 Marevick cho nước này.

Gần đây nhất hôm 20/09/2012, Mỹ tiếp tục gật đầu bán 8 chiếc trực thăng tấn công hiện đại AH-64 Apache cho xứ sở vạn đảo.

Một hợp đồng gần đây nữa nằm trong chiến lược “mua và chuyển giao” là hợp đồng mua 9 chiếc máy bay vận tải quân sự đa dụng C-295 từ Airbus Military , 3 chiếc cuối cùng trong hợp đồng sẽ được lắp ráp tại nhà máy của công ty hàng không vũ trụ PT Dirgantara.

Sự khéo léo trong lựa chọn đối tác, dựa vào vị thế quan trọng của mình để mặc cả, Indonesia đã thành công trong việc kéo dây chuyền sản xuất vũ khí về trong nước, điều này đã tạo bệ phóng tích cực cho công nghiệp quốc phòng nước này.

Từ máy bay, tàu chiến, tàu ngầm, xe tăng, tên lửa đều đã và sẽ có dây chuyền sản xuất tại nước này. Tương lai không xa, Indonesia có thể trở thành nhà xuất khẩu vũ khí có vị thế trong khu vực nhưng ngay từ bây giờ, có thể coi là một bài học thành công đáng để tham khảo.

Quốc Việt
Theo ĐVO

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te