Hiện nay, môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản được cho là nghiêm trọng, đến từ các mối đe dọa ở xung quanh.
Nhật Bản quyết sở hữu máy bay do thám không người lái |
Ngày 4/11, tờ “Yomiuri Shimbun” Nhật Bản cho biết, Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch xin 3 tỷ yên (khoảng 37,3 triệu USD) trong ngân sách quốc phòng năm 2013 để nghiên cứu hệ thống máy bay không người lái (UAV) trong 4 năm tới.
Loại máy bay được nghiên cứu này sẽ lưu lại liên tục trên không trong 22 giờ tại độ cao 135.000 m (do không cần phi công), dùng để tăng cường khả năng dò tìm, phát hiện ra tên lửa đạn đạo.
Nhật đã có nền tảng công nghệ cho nghiên cứu phát triển UAV
Bài báo cho biết, Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch vào năm tới (2013) tiến hành thiết kế cơ bản máy bay không người lái thử nghiệm, sau khi hoàn thành mẫu máy bay thử nghiệm, tiếp tục tiến hành kiểm tra cường độ, tranh thủ từ năm 2020 sẽ trang bị, sử dụng.
Quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản tiết lộ, Nhật Bản đã hoàn thành nghiên cứu phát triển bộ cảm biến (sensor) hồng ngoại có thể nhận biết nguồn nhiệt, đã nắm chắc công nghệ cơ bản phát triển máy bay không người lái.
Do đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng, việc nghiên cứu phát triển máy bay không người lái do thám tầm cao “đã có nền tảng công nghệ”.
Tờ “Yomiuri Shimbun” dẫn lời Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng, để giám sát hoạt động phóng tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên và các động thái của Quân đội Trung Quốc, cần thiết phải tiếp tục tăng cường khả năng cảnh giới, đề phòng, theo dõi, giám sát của Nhật Bản.
Nhật Bản đối mặt với mối đe dọa tên lửa từ Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên. Trong hình là tên lửa tầm trung DF-21 của Lực lượng Pháo binh 2, Quân đội Trung Quốc |
Theo bài viết, nếu thực hiện được việc cảnh giới, theo dõi bằng máy bay không người lái, so với radar trên mặt đất, nó có thể phát hiện sớm hơn hoạt động phóng tên lửa đạn đạo của đối phương, nhanh chóng bước vào trạng thái chặn đánh.
Máy bay không người lái còn có thể tiếp tục theo dõi mục tiêu sau khi tên lửa đã phóng đi, điều này đến vệ tinh cũng khó làm được.
Vì vậy, cho dù tên lửa phóng thất bại, thì máy bay không người lái cũng có thể theo dõi được quỹ đạo tiếp theo của nó. Tất nhiên, vệ tinh cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi hoạt động phóng tên lửa của đối phương.
Trong tương lai, loại máy bay không người lái này còn có thể dùng cho lĩnh vực rộng mở hơn, chẳng hạn theo dõi các động thái của Hải quân Trung Quốc ở biển Hoa Đông, hoặc thu thập thông tin ở khu vực ô nhiễm phóng xạ do sự cố nhà máy điện hạt nhân số 1 Fukushima của Công ty Điện lực Tokyo gây ra.
Hiện nay, hệ thống thăm dò, cảnh báo tên lửa của Bộ Quốc phòng Nhật Bản chủ yếu được hợp thành bởi radar trên mặt đất và tàu khu trục Aegis, ngoài ra, vệ tinh cảnh báo sớm của quân Mỹ cũng cung cấp tin tức tình báo cho Nhật Bản. Nhưng, các hệ thống như radar chỉ có thể thăm dò được sau khi mục tiêu đã đạt tới độ cao nhất định.
Được biết, khi CHDCND Triều Tiên phóng vệ tinh vào tháng 4/2012, do tên lửa vừa bay lên đang hoạt động ở tầm thấp rồi rơi vỡ, vì vậy Nhật Bản đã không thể phát hiện được hoạt động phóng tên lửa này.
Tên lửa đạn đạo tầm trung của CHDCND Triều Tiên |
Các nguồn tin còn cho biết, Mỹ cũng đã sử dụng quy mô lớn máy bay không người lái để thực hiện nhiệm vụ trinh sát, theo dõi. Trong khi đó, tháng 9/2012, Trung Quốc cũng đã hoàn thành nghiên cứu chế tạo hệ thống không người lái mới.
“Cú đấm tổng hợp” trong xây dựng mạng theo dõi tên lửa
Kế hoạch nghiên cứu chế tạo máy bay không người lái tầm cao của Nhật Bản chỉ là một phần của kế hoạch tăng cường khả năng theo dõi, giám sát hoạt động phóng tên lửa đạn đạo của “kẻ thù”.
Tờ “Sankei Shimbun” Nhật Bản cho biết, Nhật Bản có kế hoạch tăng cường radar FPS-5 để giám sát tên lửa đạn đạo, đồng thời theo dõi khu vực Đông Bắc Á.
Theo đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản yêu cầu chi 100 triệu yên trong ngân sách tài khóa 2013 sử dụng riêng cho nghiên cứu chế tạo radar FPS-5.
Có phân tích cho rằng, Nhật Bản tăng cường FPS-5 rõ ràng phối hợp chặt chẽ với việc Không quân Mỹ gấp rút xây dựng liên tiếp trạm radar “hàng rào vũ trụ” ở Tây Nam Thái Bình Dương, về khách quan đóng vai trò thăm dò, phát hiện đối với hoạt động phóng tên lửa chiến lược tầm xa và không gian ngày càng tăng của Trung Quốc.
Radar cảnh giới tầm xa cỡ lớn FPS-5 của Nhật Bản |
Hiện nay, Nhật Bản có tổng cộng 7 radar cảnh báo sớm tầm xa FPS-2, cự ly thăm dò có thể đạt 600 km, trong đó phân đội 53 của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản đã được trang bị 1 radar loại này, dùng để theo dõi các động thái máy bay và tàu chiến của Trung Quốc ở vùng biển xung quanh đảo Senkaku.
Còn về radar cảnh báo cỡ lớn FPS-5 tiên tiến lớn, đây là loại radar mảng pha ba mặt kiểu cố định khổng lồ, cao tới 34 m, ba mặt trang bị ăng-ten radar mảng pha hình tròn.
Toàn bộ radar có thể chuyển động tổng thể, làm cho mặt chính của radar hướng tới mối đe dọa. Radar ba mặt có hình mai rùa, nên gọi là “radar mai rùa”.
Radar này từng được đưa vào theo dõi trong thời gian CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa đẩy Unha-2, khi đó từng xảy ra hiện tượng báo nhầm.
Tại sao Nhật mong muốn đột phá trong nghiên cứu chế tạo UAV?
Về lý do Nhật Bản khao khát sở hữu máy bay không người lái hoạt động ở tầm cao trong thời gian dài, ngày 4/11, chuyên gia quân sự Trung Quốc Vương Á Nam cho rằng, Nhật Bản cùng với các nước láng giềng như Trung Quốc và Hàn Quốc đều có tranh chấp trên biển, nếu sở hữu được loại trang bị tình báo chiến lược cỡ lớn có thể bay ở độ cao hơn 10.000 m này, sẽ có thể tiến hành theo dõi, giám sát theo thời gian thực trên phạm vi rộng, trong thời gian dài.
Máy bay cảnh báo sớm E-767 Nhật Bản, mua của Mỹ. |
Giống như FPS-5 giám sát trên không, máy bay không người lái tầm cao có thể loại bỏ điểm yếu trong thăm dò đối đất, có thể thăm dò, phát hiện được các tình hình như mật độ bố trí tên lửa, căn cứ, tiếp tế…
Trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, chính máy bay trinh sát U-2 Mỹ đã bay sát Cuba và chụp được tình hình bố trí tên lửa của Liên Xô.
Theo Vương Á Nam, đối với Nhật Bản, công nghệ máy bay không người lái tầm cao hoàn toàn không tồn tại trở ngại công nghệ quá lớn. Thiết bị điện tử và quang học lại càng là thế mạnh công nghệ của Nhật Bản, điểm khó là ở chỗ tích hợp hệ thống.
Nhưng cũng có phân tích cho rằng, Nhật Bản tuyên bố nghiên cứu chế tạo máy bay không người lái chỉ là ép Washington nhượng bộ, “giống như Nhật Bản tuyên truyền nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo, thúc đẩy Mỹ nhanh chóng bàn giao máy bay F-35”.
Tờ nội san công nghiệp quân sự nổi tiếng Nhật Bản là “Chuyển phát nhanh quốc phòng” (JADI) gần đây tiết lộ, đoàn đại biểu Nhật Bản đã có chuyến thăm kỹ càng tới dây chuyển sản xuất máy bay không người lái Global Hawk, họ trực tiếp quan sát dây chuyền sản xuất máy bay không người lái của Công ty Northrop Grumman, sau khi tìm hiểu chế biến/gia công vật liệu, lắp ráp thân, vận hành thử phần mềm kiểm soát của máy bay Global Hawk, thừa nhận bản thân không thể chế tạo được loại máy bay cùng loại trong một thời gian dài.
Nhật Bản rất quan tâm tới máy bay do thám không người lái Global Hawk, nhưng đã không được Mỹ phản hồi tích cực |
Trên thực tế, một loạt kế hoạch điều chỉnh sức mạnh chiến đấu của Bộ Quốc phòng Nhật Bản được triển khai xoay quanh Global Hawk, thậm chí ý tưởng cải tiến “Nhật Bản hóa” máy bay này đều đang thực hiện.
Hàng AFP cho rằng, Nhật Bản nghiên cứu chế tạo máy bay không người lái mới là để theo dõi hoạt động tấn công tên lửa của CHDCND Triều Tiên và ứng phó với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
Xung quanh vấn đề nhóm đảo Senkaku, Nhật Bản và Trung Quốc đã rơi vào tranh chấp lãnh thổ căng thẳng. Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết, trong 2 tháng qua, tàu thuyền Trung Quốc đã nhiều lần xâm phạm lãnh hải Nhật Bản; trong ngày 2/11, có 4 tàu công vụ Trung Quốc đã xâm nhập vùng biển do Nhật Bản kiểm soát.
Hiện nay, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sử dụng máy bay săn ngầm P-3C, máy bay trinh sát RF4E để thực hiện nhiệm vụ phòng không ở khu vực xung quanh Nhật Bản.
Máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-3C của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản |
UAV Nhật Bản tương tự Global Hawk của Mỹ
Tờ “Japan News Network” Nhật Bản ngày 4/11 cho rằng, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch nghiên cứu chế tạo máy bay do thám không người lái nhằm xây dựng hệ thống thăm dò, cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo độc lập.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản tiết lộ, loại UAV này tương tự như máy bay do thám không người lái Global Hawk Mỹ, có khả năng bay liên tục trên cao trong thời gian dài (ở độ cao 13.500 m, thời gian bay liên tục 22 giờ), có thể dò được các vật thể bay trên không phận Nhật Bản ở tầm siêu thấp.
Có chuyên gia cho rằng, nếu loại máy bay do thám không người lái này được phát triển thành công, nó không chỉ tiến thẳng tới CHDCND Triều Tiên và Nga, đồng thời còn phối kết hợp với hệ thống radar mặt đất, có thể phát hiện trước các tên lửa đạn đạo tiến hành tấn công Nhật Bản và tiến hành đánh chặn có hiệu quả.
Được biết, trong chiến tranh Iraq, quân Mỹ sử dụng tổng cộng khoảng 50 máy bay không người lái, chủ yếu là RQ-1 Predator, RQ-4A Global Hawk và RQ-5 Hunter. Global Hawk thường bay ở độ cao hơn 20.000 m, là loại máy bay hoạt động ở tầm cao mà các thiết bị phòng không mặt đất của Iran cơ bản không thể với tới.
Thời gian và cự ly hoạt động liên tục của máy bay không người lái Global Hawk lần lượt đạt 35 giờ và 22.000 km, sử dụng bộ cảm biến radar và hồng ngoại có thể theo dõi khoảng mục tiêu trong khoảng cách 60 km.
Mỗi hệ thống do 3 trạm chỉ huy mặt đất và 8 máy bay không người lái hợp thành, bay lần đầu tiên năm 1997, dài 13,3 m, sải cánh 34,9 m, bán kính tác chiến là 5.550 km, trọng tải có hiệu quả là 885 kg.
Máy bay không người lái RQ-1 Predator do Mỹ chế tạo |
Ở khu vực lân cận Nhật Bản, quân Mỹ hiện đã triển khai 3 máy bay do thám không người lái Global Hawk ở Guam.
Máy bay không người lái không chỉ có thể dùng cho thực hiện nhiệm vụ tuần tra và do thám trên không phận Nhật Bản, mà còn có thể thu thập tin tức tình báo - ngay cả khi nó bay trong khu nhận biết phòng không của Nhật Bản.
Khu nhận biết phòng không là chỉ ranh giới của không phận. Những tin tức tình báo do máy bay không người lái thu thập có thể cung cấp cho hệ thống phòng thủ tên lửa đang được Nhật Bản xây dựng.
Nhật Bản coi trọng máy bay không người lái từ rất sớm
Được biết, ngay từ tháng 4/2005, một nhóm khảo sát của Nhật Bản đã đến Mỹ, đã trực tiếp quan sát công dụng cụ thể của máy bay không người lái.
Nhóm khảo sát đã đặc biệt quan tâm tới các máy bay do thám không người lái tầm cao như Global Hawk, Predator và máy bay do thám tầm thấp như Hawkeye…
Máy bay không người lái siêu nhỏ μFR-II do Nhật Bản nghiên cứu chế tạo. |
Chính phủ Nhật Bản từng hy vọng mua máy bay do thám không người lái Global Hawk của Mỹ, nhưng đã không có được sự phản hồi tích cực từ phía Mỹ.
Do đó, độc lập nghiên cứu phát triển máy bay không người lái kiểu mới cho riêng mình trở thành một sự lựa chọn của Nhật Bản.
Bên cạnh việc tìm cách mua được máy bay do thám không người lái của Mỹ, Nhật Bản đã tích cực tự nghiên cứu phát triển máy bay không người lái.
Sự coi trọng đối với máy bay không người lái của Nhật Bản đã bắt đầu ngay từ thập niên 1980. Nhưng sự phát triển công nghệ của máy bay không người lái lại luôn là khoảng trống trong danh sách của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.
Trong tư tưởng chiến thuật của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trước đây, chiến lược “phòng vệ là chính” của họ đã quyết định việc trinh sát và theo dõi chiến trường dựa vào hệ thống radar hoàn chỉnh bố trí trên các hòn đảo.
Còn công dụng chủ yếu của máy bay không người lái, chiều sâu chiến lược đất liền của Nhật Bản rất nhỏ, đối đầu quy mô lớn trên mặt đất hoàn toàn không phải là trọng điểm chiến lược. Cộng với hành trình máy bay không người lái khi đó có hạn, hành trình trong do thám trên biển ngắn, bán kính nhỏ, cho nên không được Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản quan tâm lắm.
Máy bay trinh sát RF-4EJ của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản. |
Năm 2006, Nhật Bản từng định đầu tư 8,7 tỷ yên để chế tạo máy bay do thám không người lái tầm cao, hoạt động trong thời gian dài, cho Lực lượng Phòng vệ.
Theo tiết lộ của tờ “Jane’s Defense Weekly”, Nhật Bản có kế hoạch nhập khẩu máy bay không người lái cho Lực lượng Phòng vệ trong năm tài khóa 2007, dùng để hỗ trợ cho thực hiện các nhiệm vụ như quan sát, do thám, tuần tra và kế hoạch phòng thủ tên lửa.
Đáng chú ý, trong năm 2004, Nhật Bản từng phát triển thành công máy bay không người lái mini μFR-II nhẹ nhất trên thế giới hiện nay. Máy bay này có thể mang theo máy quay (camera) mini và chuyển hình ảnh thu được về căn cứ một cách nhanh chóng.
Đường kính của máy bay này là 136 mm, cao 85 mm, nặng 12,3 g, có thể bay liên tục 3 phút. Trong tương lai thời gian bay của nó sẽ được kéo dài, chủ yếu đảm đương nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo khi xảy ra hoạt động khủng bố trong các tòa nhà hoặc những nơi có thảm họa hạt nhân.
Mỹ-Nhật vừa nhất trí thiết lập hệ thống cảnh báo sớm tên lửa X-band ở miền nam Nhật Bản. |