Cơ quan tình báo quân sự Mỹ cho biết, Trung Quốc đang xúc tiến các hoạt động để tiến hành thử nghiệm một loại tên lửa chống vệ tinh mới mang tên DN-2 (Đồng Năng 2).
Cơ quan tình báo Mỹ đánh giá loại tên lửa này có thể đe dọa các vệ tinh địa tĩnh của Mỹ.
Báo cáo tình báo mới nhất trong tháng 9/2012 cho biết, Trung Quốc sẽ thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh DN-2 từ một căn cứ bí mật vào giữa tháng 11/2012.
DN-2 là một tên lửa chống vệ tinh được thiết kế để tiêu diệt các vệ tinh ở quỹ đạo rất cao so với trái đất, đây là tầm hoạt động các vệ tinh địa tĩnh, đảm nhiệm cho các hoạt động truyền thông trên thế giới.
Tên lửa này tiêu diệt các vệ tinh bằng cú va chạm ở tốc độ cao mà không cần đến thuốc nổ, được đánh giá là vũ khí không gian rất quan trọng.
DN-2 đại diện cho bước ngoặt quan trọng trong khả năng diệt vệ tinh của Trung Quốc được phát triển trong hơn một thập kỷ qua.
Nếu Trung Quốc thành công với tên lửa chống vệ tinh DN-2 có khả năng đạt đến quỹ đạo địa tĩnh đó sẽ là một thảm họa đối với Mỹ. |
Quỹ đạo địa tĩnh có độ cao từ 12.000-22.236 dặm (19.200-35.577km) so với mực nước biển.
Trong năm 2007, Trung Quốc đã tiêu diệt thành công một vệ tinh thời tiết bị hỏng ở quỹ đạo thấp 893km. Sự kiện này đã tạo nên một cú “sốc” đối với Mỹ.
Washington đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh mà không thông báo, kích động chạy đua vũ trang không gian. Ngoài ra, các mảnh vỡ từ vụ tiêu diệt vệ tinh này gây ảnh hưởng cho các vệ tinh khác trong vòng tới 100 năm.
Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ dự đoán, Trung Quốc sẽ thử nghiệm tiêu diệt một vệ tinh nào đó như đã làm trong năm 2007 để đánh giá các công nghệ liên quan. Tuy nhiên, khả năng này được cho là rất thấp bởi điều này có thể vấp phải sự phản đối của các quốc gia đang có vệ tinh hoạt động trong quỹ đạo địa tĩnh. Thay vào đó, thử nghiệm sẽ được tiến hành bằng cách đánh chặn một tên lửa dẫn đường ở độ cao hàng ngàn dặm.
Một quan chức Mỹ cho biết: “Mỹ đang gặp khó khăn trong việc phát triển tên lửa chống vệ tinh ở quỹ đạo địa tĩnh”
Quan chức này cho biết, hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu của Mỹ được sử dụng trong việc dẫn đường chính xác cho tên lửa được đặt ở quỹ đạo có độ cao khoảng 19.200km do đó rất dễ bị tổn thương bởi DN-2.
Minh họa quá trình tiêu diệt vệ tinh của tên lửa chống vệ tinh KT-2. |
Chạy đua với hiệp định hạn chế phát triển vũ khí không gian
Dù thử nghiệm của tên lửa chống vệ tinh DN-2 chưa được tiến hành và khả năng thành công còn bỏ ngỏ nhưng điều này cho thấy rằng Trung Quốc đang ráo riết phát triển vũ khí không gian, ngay cả khi nước này đang tìm kiếm các hiệp định quốc tế hạn chế phát triển vũ khí không gian. Chiến lược của Trung Quốc là cố gắng phát triển thành công tên lửa chống vệ tinh trước khi hiệp định về hạn chế phát triển vũ khí không gian được quốc tế thông qua.
Michael Pillsbury, cựu nhân viên hoạch định chính sách dưới thời Tổng thống Ronald Reagan nhận định, chủ trương của Trung Quốc là triển khai phát triển các chương trình vũ khí bí mật, tên lửa chống vệ tinh. Một phần trong số đó được sử dụng để chống lại hệ thống vệ tinh đồ sộ của Mỹ một cách bất ngờ.
Theo tính toán, một cuộc tấn công quy mô nhỏ nhắm vào khoảng 50 vệ tinh của Mỹ có thể tạo nên một thảm họa không chỉ với lực lượng quân sự Mỹ mà còn là thảm họa đối với nền kinh tế thế giới. Viện nghiên cứu Hudson, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington, Mỹ nhận định.
Hệ thống tên lửa chống vệ tinh là một phần rất quan trọng trong kho vũ khí ngày càng tăng của Trung Quốc, đó là những vũ khí bất đối xứng và luôn được bảo mật một cách rất chặt chẽ.
Nguồn tin Lầu Năm Góc cho biết, ít nhất 24 tên lửa chống vệ tinh đã được Trung Quốc sản xuất và đưa vào trang bị. Số tên lửa chống vệ tinh này có thể làm suy yếu khả năng quân sự của Mỹ, nước có hoạt động quân sự phụ thuộc nhiều vào hệ thống vệ tinh.
Theo các nhà phân tích, sự chậm trễ trong việc thử nghiệm DN-2 có thể là do Trung Quốc muốn chờ cho qua đợt bầu cử Tổng thống Mỹ.
Richard Fisher, một chuyên gia nghiên cứu về quân đội Trung Quốc nhận định, sự phát triển của DN-2 được bảo mật rất chặt chẽ. DN-2 có thể là sự kết hợp giữa tên lửa chống vệ tinh KT-2 và tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-31A.
Ông Fisher cho biết thêm, trong năm 2002, các quan chức cấp cao Trung Quốc đã được mời tham quan tên lửa chống vệ tinh KT-2A có trọng lượng 2.000kg, Tên lửa này có thể đạt tới quỹ đạo rất cao. Trong khi đó, Mỹ vẫn chưa có biện pháp để có thể ngăn chặn DN-2 đe dọa hệ thống vệ tinh đồ sộ của họ.