TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Phi công "non" trên tàu sân bay Liêu Ninh rất dễ gây thảm hoạ thê thảm

Tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc thực sự đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng như chạy thử cuối cùng, trang bị máy bay, tác chiến biên đội...
 

Tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc còn phải trải qua thời gian dài mới có khả năng chiến đấu

Tờ “Thanh niên Trung Quốc” vừa đăng bài viết của Hồng Hiểu Vinh và Lý Vĩ – hai nhà nghiên cứu của Đại học Quốc phòng Trung Quốc. Bài viết cho rằng, tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh đã chính thức bàn giao biên chế cho Hải quân Trung Quốc, qua đây Trung Quốc muốn khẳng định với thế giới rằng họ đã chính thức bước vào thời đại “tàu sân bay”.

Tuy nhiên, mặc dù tàu sân bay của họ đã được biên chế, nhưng không có nghìa là tàu sân bay lập tức có khả năng chiến đấu. Tàu sân bay Liêu Ninh muốn hình thành khả năng chiến đấu, còn phải đi một con đường dài, ít nhất đối mặt với 4 thách thức lớn:

1. Chạy thử giai đoạn cuối cùng

Việc chạy thử của tàu sân bay thường chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn neo đậu trong bến cảng. Tức là tàu sân bay tiến hành thử nghiệm ở trạng thái tĩnh tại bến cảng. Giai đoạn thứ hai là chạy thử do phía nhà máy tiến hành.

Tức là nhà sản xuất tiến hành thử nghiệm và kiểm tra các chỉ tiêu tính năng của tàu sân bay, bảo đảm không xảy ra vấn đề về công nghệ, thiết bị hoạt động bình thường, tính năng máy móc đạt tiêu chuẩn.

Giai đoạn thứ ba là chạy thử trên biển do phía quân đội tiến hành. Sau khi nhà máy bàn giao tàu sân bay cho hải quân, hải quân trước tiên phải tiếp tục kiểm tra và kiểm nghiệm các chỉ tiêu có đạt tiêu chuẩn hay không, sau đó tiếp tục căn cứ vào mục đích riêng để tiến hành thử nghiệm và huấn luyện trong bối cảnh chiến thuật.

Chẳng hạn, kiểm tra khả năng nhận biết mục tiêu chiến thuật của radar, tiến hành chạy thử ban đêm, hoạt động trong điều kiện khí tượng phức tạp, để tiếp tục kiểm tra tính năng của tàu sân bay trong một môi trường gần như tác chiến thực tế. Chỉ có hoàn thành toàn bộ một loạt các cuộc thử nghiệm này, tàu sân bay này mới có thể được coi là hoàn thành chạy thử.

 

Ngày 12/10/2012, tàu sân bay Liêu Ninh lại ra biển chạy thử

Hiện nay, tàu sân bay Liêu Ninh chỉ hoàn thành thử nghiệm 2 giai đoạn trước, chạy thử giai đoạn ba còn chưa hoàn thành cuối cùng. Vì vậy, con tàu này hiện vẫn nằm trong giai đoạn kiểm tra và kết nối các hệ thống, nó hiện là một chiếc tàu thử nghiệm, còn chưa có khả năng tác chiến.

Mặc dù Hải quân Trung Quốc đã tiến hành huấn luyện rất nhiều cho binh sĩ trên tàu sân bay, nhưng đều là tiến hành trên các thiết bị mô phỏng chiến thuật, loại thao tác này có những khác biệt nhất định so với thao tác, vận hành trên thực tế.

Vì vậy, hiện nay vấn đề phải giải quyết đầu tiên là huấn luyện thao tác/vận hành. Hiện nay, vấn đề này vẫn có sự hỗ trợ tạm thời của các nhân viên nhà máy và viện nghiên cứu khoa học, nhưng các binh sĩ, nhân viên của tàu sân bay Liêu Ninh đang chưa thể có được khả năng vận hành và khả năng sửa chữa tàu một cách độc lập trên các vị trí khác nhau.

Như vậy, thách thức lớn đầu tiên của tàu sân bay Liêu Ninh là làm thế nào để vừa tiến hành chạy thử trên biển cuối cùng, vừa để triển khai huấn luyện cho binh sĩ.

2. Trang bị máy bay cho tàu sân bay

Về bản chất, tàu sân bay hiện đại là một sân bay di động trên biển, khả năng tấn công và phòng thủ của nó chủ yếu thể hiện ở uy lực tác chiến của máy bay trang bị cho tàu sân bay.

Nếu không có máy bay hải quân, một tàu sân bay khẳng khác nào một “bia ngắm sống” trôi trên biển. Vì vậy, việc lựa chọn máy bay hải quân, đặc biệt là máy bay chiến đấu chủ lực thường đã thể hiện trình độ cao nhất của máy bay chiến đấu quốc gia.

 

Hình ảnh này được đăng tải rộng rãi trên các trang mạng của Trung Quốc, được cho là máy bay J-15 đã hạ cánh chạm tàu sân bay Liêu Ninh.

Hiện nay, phi công biên chế cho tàu sân bay Liêu Ninh vẫn đang tiến hành huấn luyện mô phỏng ở đường băng trên mặt đất, chứ chưa tiến hành thử nghiệm và huấn luyện cất/hạ cánh trên tàu sân bay.

Như vậy, có thể thấy tàu sân bay Liêu Ninh hiện chỉ có khả năng phòng thủ dựa vào pháo tầm gần và vũ khí phòng không tầm ngắn.

Tàu sân bay Liêu Ninh muốn có khả năng tác chiến thì nhiệm vụ quan trọng hàng đầu chính là “dời” sân bay mặt đất ra biển, thông qua phối kết hợp nhiều lần giữa tàu sân bay và máy bay hải quân, đưa máy bay lên tàu. Đây tiếp tục là một thách thức lớn của tàu sân bay Liêu Ninh, hơn nữa là thách thức nghiêm trọng nhất.

Máy bay hải quân cất/hạ cánh là vấn đề nan giải mà cả thế giới phải công nhận. Có người coi nó như “múa trên lưỡi kiếm”. Bởi vì, độ dài và độ rộng của đường băng hạ cánh đều rất có hạn, nhỏ hơn nhiều so với sân bay trên mặt đất.

Hơn nữa tàu sân bay luôn trong trạng thái bập bềnh, đu đưa, di động, phi công rất khó phán đoán chuẩn xác điểm hạ cánh, càng khó phán đoán góc độ hạ cánh. Một khi hạ cánh mắc sai lầm, sẽ gây ra tổn thất khó mà cứu vãn được.

Ngoài ra, cáp hãm đà trên tàu sân bay hoàn toàn không phải lần nào cũng “móc” chuẩn xác máy bay hải quân hạ cánh, lúc đó nếu không sử dụng lực đẩy tối đa, không đủ điều kiện..., máy bay hải quân rất dễ đâm xuống biển, hoặc đâm vào tốp máy bay đang đậu trên tàu sân bay, gây ra các sự cố thê thảm như cháy, nổ.

 

Máy bay trực thăng săn ngầm Ka-28 của Hải quân Trung Quốc, do Nga chế tạo.

Các nước trên thế giới hoàn thành huấn luyện cất/hạ cánh cho máy bay chiến đấu trên tàu sân bay cần trải qua thời gian dài ngắn khác nhau.

Hải quân Mỹ áp dụng mô hình huấn luyện như sau: Khi một chiếc tàu sân bay đang được chế tạo, thì phi công máy bay của con tàu đó sẽ được tiến hành huấn luyện tập trung ở một tàu sân bay khác. Như vậy, sau khi tàu sân bay mới đi vào hoạt động, máy bay chiến đấu hải quân chỉ cần vài tháng là có thể có khả năng tác chiến.

Nhưng, các nước khác không có điều kiện như Mỹ, thời gian hình thành khả năng tác chiến của máy bay hải quân dài hơn Mỹ, thường phải trải qua 2-5 năm.

Chẳng hạn, tàu sân bay Charles De Gaulle R91 của Pháp đi vào hoạt động từ năm 2001, máy bay chiến đấu chủ lực Rafale bắt đầu huấn luyện trên tàu từ năm 2002, mãi đến tháng 6/2004, Hải quân Pháp mới tuyên bố máy bay hải quân của họ có khả năng tác chiến.

Tình hình xấu nhất là Hải quân Nga, máy bay chiến đấu Su-33 trang bị cho tàu sân bay Admiral Kuznetsov là một loại máy bay chiến đấu hải quân cánh cố định cất/hạ cánh thông thường đầu tiên của Hải quân Nga, do thiếu kinh nghiệm và kinh phí không đủ, Hải quân Nga đã phải mất 10 năm mới nắm chắc công nghệ cất/hạ cánh có liên quan.

Máy bay trang bị cho tàu sân bay hoàn toàn không chỉ là máy bay chiến đấu, mà còn có nhiều loại máy bay bảo đảm khác như máy bay săn ngầm, máy bay cảnh báo sớm, máy bay tác chiến điện tử, chúng đều là thành phần quan trọng không thể thiếu trong tác chiến của tàu sân bay.

 

Cụm chiến đấu tàu sân bay Charles De Gaulle R91 của Hải quân Pháp tham gia tập kích đường không đối với Lybia năm 2011.

Chẳng hạn, máy bay cảnh báo sớm có thể phát hiện các loại tên lửa tấn công từ bên ngoài vài trăm km, có thể thông báo cho biên đội tiến hành phòng thủ tổng hợp. Nếu không có máy bay cảnh báo sớm, tàu sân bay sẽ “bị mù” ở đại dương, sức chiến đấu của nó sẽ giảm đi đáng kể.

Vì vậy, trong điều kiện thông tin hóa, nếu không có các loại máy bay bảo đảm, thì cho dù đã trang bị máy bay tác chiến, cũng không thể cho rằng tàu sân bay đã có sức chiến đấu.

Chính vì vậy, học giả Trung Quốc cho rằng, tàu sân bay Liêu Ninh muốn có sức chiến đấu ban đầu thì khâu then chốt nhất, cơ bản nhất là các loại máy bay hải quân phải được trang bị đầy đủ, cất/hạ cánh tốt và có khả năng chiến đấu.

Do đó, Hải quân Trung Quốc chắc chắn sẽ phải thử nghiệm nhiều lần các thiết bị tác động đến máy bay hải quân, các phi công của họ tiến hành huấn luyện cá nhân và huấn luyện hiệp đồng máy bay nhiều lần.

Điều đáng nói đến là, sức chiến đấu của máy bay hải quân và số lượng phi công có mối quan hệ chặt chẽ. Các nước phương Tây thường biên chế 1,5 phi công cho 1 máy bay, như vậy có thể thực hiện được “nghỉ người, không nghỉ ngựa” trong môi trường chiến tranh, từ đó nâng cao tần suất lên đường của máy bay hải quân, tăng cường khả năng tác chiến đường không cho máy bay hải quân.

Do đó, mấy chuyên gia Trung Quốc cho rằng, việc đào tạo được số lượng phi công nhất định cho máy bay hải quân cũng là một vấn đề nan giải không thể né tránh của tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc.

 

Máy bay cảnh báo sớm E-2C Hawkeye cất cánh từ tàu sân bay Charles De Gaulle, Hải quân Pháp.

3. Kết nối toàn bộ hệ thống trên tàu sân bay

Bản thân tàu sân bay là một hệ thống phức tạp. Một tàu sân bay hoàn thiện, đầy đủ chức năng chắc chắn phải có đầy đủ các loại thiết bị. Chẳng hạn, radar mảng pha cỡ lớn, radar tọa độ 3 đối không (radar quét điện tử một chiều), radar dẫn đường, tên lửa phòng không.

Phải phát huy đầy đủ tác dụng của những thiết bị này, vừa phải bảo đảm cho mỗi thiết bị hoạt động tốt, vừa phải bảo đảm sự nhịp nhàng hữu cơ giữa các loại thiết bị, vận hành “hài hòa”.

Do đó, sau khi đưa vào biên chế, tàu sân bay Liêu Ninh sẽ phải tiếp tục tiến hành chạy thử, kết hợp nhiều lần các loại thiết bị, hệ thống điện tử, hệ thống vũ khí trên tàu, khi cần thiết thậm chí có thể tiến hành cải tiến đối với một số thiết bị.

Điều này đòi hỏi phải tiến hành huấn luyện phối hợp giữa các vị trí, các khâu, trên cơ sở huấn luyện mô-đun hóa. Chẳng hạn huấn luyện phối hợp nhân viên tổ máy trên không, nhân viên sửa chữa và máy bay hải quân.

Những hoạt động huấn luyện này thường tiến hành theo đơn vị “nhóm”. Sau khi hoàn thành huấn luyện nhóm, còn phải tiến hành huấn luyện hiệp đồng cho toàn bộ con tàu. Thông qua đó, tất cả các thành viên trên tàu đều được đào tạo.

Đây là một công việc có độ khó rất lớn, thời gian liên tục sẽ rất dài. Chẳng hạn, sau khi được biên chế 6 năm, tàu sân bay Charles De Gaulle R91 của Pháp vẫn tiến hành chạy thử đối với các thiết bị quan trọng như lò phản ứng hạt nhân, chân vịt.

Mặc dù tiến hành kết nối hệ thống các thiết bị trên tàu cần phải trải qua thời gian rất dài, nhưng sự kết nối này lại có lợi cho bảo đảm tàu sân bay vận hành ổn định và có khả năng tác chiến. Bởi vì, tàu sân bay một khi bị bắn chìm, không chỉ xảy ra thương vong rất lớn, mà còn đóng vai trò then chốt đối với thắng bại của cuộc chiến tranh.

 

Tàu sân bay Charles De Gaulle chụp từ trên không ở Địa Trung Hải

Cho nên, các nước trên thế giới đều rất coi trọng việc kết nối và kiểm tra các hệ thống trên tàu sân bay. Thực tiễn cho thấy, chính do tàu sân bay Charles De Gaulle Pháp đã tiến hành kiểm tra, thử nghiệm chu đáo toàn bộ con tàu trong thời gian dài, mới loại bỏ được rất nhiều tai họa ngầm, giúp cho nó thể hiện tương đối xuất sắc khi được điều đi phục vụ cho các cuộc tập kích đường không cường độ cao đối với Lybia, một quốc gia Bắc Phi, vào năm 2011.

Khi tàu sân bay hoạt động ở biển xa trong thời gian dài, các loại vấn đề như tiếp tế hậu cần, sửa chữa trang bị kỹ thuật rất nổi cộm, hoạt động trong thời gian dài và lênh đênh trên biển cũng tác động to lớn tới tâm lý của thuyền viên, những điều này trực tiếp ảnh hưởng đến sức chiến đấu của tàu sân bay.

Giải quyết những vấn đề hoàn toàn mới này như thế nào là một con đường tìm tòi khó khăn của toàn bộ binh sĩ, nhân viên tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc.

4. Hình thành khả năng tác chiến biên đội

Khả năng tác chiến tổng hợp của cụm chiến đấu tàu sân bay là một chỉ tiêu quan trọng đo lường sức chiến đấu tổng hợp của hải quân một nước. Do các nguyên nhân như mục tiêu lớn, khả năng tự vệ yếu…, tàu sân bay rất dễ bị hệ thống trinh sát đối phương phát hiện, đối mặt với nhiều mối đe dọa như tên lửa tầm xa, tàu ngầm, tàu nổi, máy bay... của đối phương.

Đối với vấn đề này, tàu sân bay chỉ có khả năng hoàn chỉnh như phòng không, săn ngầm, phòng thủ tên lửa, chống hạm và tấn công đất liền, thì mới có thể loại bỏ được các mối nguy hiểm và mối đe dọa. Những khả năng này lại phải hoàn thành bởi rất nhiều loại vũ khí trang bị khác nhau.

 

Cụm chiến đấu tàu sân bay Mỹ

Vì vậy, khi tàu sân bay tác chiến, các tàu chiến khác phải tiến hành cảnh giới, hộ tống, tiếp tế cho nó. Bất kể là ra khơi hay thực hiện nhiệm vụ, tàu sân bay đều không thể độc lập hoạt động, mà phải hoạt động theo biên đội – cụm chiến đấu tàu sân bay.

Như vậy, Hải quân Trung Quốc muốn tàu sân bay Liêu Ninh có được khả năng chiến đấu thực tế, thì ý định của họ chắc chắn sẽ là phải xây dựng được cụm chiến đấu tàu sân bay với hạt nhân là tàu sân bay, và có sự kết hợp với các loại tàu hộ tống với các đặc điểm chức năng khác nhau như tàu khu trục, tàu hộ vệ, tàu ngầm, tàu tiếp tế; từ đó làm cho nó có được hệ thống tác chiến tương đối độc lập bảo đảm thống nhất giữa tác chiến, huấn luyện và hậu cần, hình thành khả năng tác chiến chỉnh thể tổng hợp, lập thể, hợp nhất với hạt nhân là tàu sân bay.

Đây là vấn đề cần nghiên cứu và tìm hiểu sâu sắc bởi nó có liên quan trực tiếp đến cân bằng lực lượng tại khu vực châu Á.

Chẳng hạn, cụm chiến đấu tàu sân bay Mỹ thường gồm có: hạt nhân là tàu sân bay, biên chế 2-4 tàu tuần dương lớp Ticonderoga hoặc tàu khu trục lớp Arleigh Burke, 1 tàu hộ vệ săn ngầm lớp Perry, 2 tàu ngầm hạt nhân tấn công và 1 tàu tiếp tế cỡ lớn.

Căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể, còn có thể tăng cường biên chế tàu vận chuyển lực lượng, tàu tấn công đổ bộ và tàu chở hàng. Kết cấu của cụm chiến đấu tàu sân bay Mỹ tương đối cố định, mục đích là tiện cho nhân viên tác chiến nhanh chóng hiểu rõ vai trò của từng người.

Pháp cũng đã áp dụng cách làm tương tự, biên chế cố định là: Tàu sân bay Charles De Gaulle kết hợp với 1 tàu khu trục phòng không, 1 tàu tiếp tế và căn cứ vào tình hình nhiệm vụ cụ thể, biên chế thêm tàu khu trục phòng không khác, tàu khu trục săn ngầm, tàu hộ vệ đa dụng, tàu ngầm hạt nhân tấn công và tàu tiếp tế.

 

Hạm đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc (tưởng tượng)

Muốn phát huy vai trò thể thống nhất lực lượng trên biển-trên không của tàu sân bay, còn phải bảo đảm sự phối hợp hài hòa, chặt chẽ giữa biên đội tàu sân bay với các hệ thống trên không như vệ tinh, các loại hệ thống trinh sát cảnh báo sớm, bảo đảm cho máy bay chiến đấu trên không, tàu chiến mặt nước, tàu ngầm có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, bảo đảm sự kết hợp hữu cơ giữa con người và vũ khí, bảo đảm cho các hệ thống được kết nối chặt chẽ trên các phương diện như thông tin, chỉ huy-kiểm soát, truyền liên kết dữ liệu.

Sức chiến đấu của biên đội tàu sân bay còn có liên quan tới rất nhiều khâu như biên chế tác chiến, phương pháp tác chiến, tư tưởng tác chiến, vận dụng chiến thuật, phương thức huấn luyện, phương thức tiếp tế của cụm chiến đấu tàu sân bay, điều này đòi hỏi phải tiến hành huấn luyện, diễn tập hiệp đồng trong thời gian dài, liên tục, nhiều lần đối với các loại lực lượng khác nhau, các loại tàu chiến và hệ thống khác nhau. Căn cứ vào quy luật và thông lệ quốc tế, quá trình này thường phải trải qua 5-8 năm.

Chẳng hạn, năm 1946, Pháp sở hữu chiếc tàu sân bay đầu tiên, sau đó, được Anh và Mỹ đào tạo phi công và nhân viên điều khiển đường băng cho họ, đến năm 1956, trong sự kiện kênh đào Suez, tàu sân bay này tham gia tác chiến, mới đánh dấu biên đội tàu sân bay Pháp hoàn toàn hình thành khả năng chiến đấu thực tế, thời gian trải qua là 10 năm.

Cho dù là Hải quân Mỹ, lực lượng sử dụng tàu sân bay rất thành thục, một chiếc tàu sân bay mới hình thành sức chiến đấu biên đội cũng cần thời gian 2-3 năm. Đối với Hải quân Trung Quốc, lực lượng chưa từng tiếp xúc với tàu sân bay, quá trình này sẽ dài hơn, độ khó sẽ lớn hơn nhiều, đây tiếp tục là một thách thức lớn của tàu sân bay Liêu Ninh do TQ tân trang lại của nước ngoài.

 

Cụm chiến đấu tàu sân bay Trung Quốc ( do dân mạng TQ tưởng tượng)



Việt Dũng
Theo báo Giáo dục Việt Nam


 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te