Các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc vẫn ở một khoảng cách quá xa về công nghệ so với các tàu ngầm hạt nhân chiến lược Nga, Mỹ.
Không thể ra khơi vì vấn đề kỹ thuật
Tàu ngầm hạt nhân không được coi mà món hàng có thể đem ra bán trên thị trường bởi nó là vũ khí mang tầm chiến lược không thể chia sẽ cho bất kỳ ai, những quốc gia nào có ý định phát triển tàu ngầm thì chỉ có cách tự đóng mà thôi.
Bằng cách mua lại các hệ thống vũ khí từ nước ngoài, chủ yếu là Nga, Trung Quốc có thể dễ dàng mổ xẽ nó nghiên cứu và sao chép lại, tuy nhiên, họ gần như phải tự mày mò tất cả mọi thứ trong việc chế tạo tàu ngầm hạt nhân.
Type-091 lớp Hán, tàu ngầm động lực hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc. |
Dự án phát triển tàu ngầm hạt nhân được Trung Quốc manh nha trong những năm 1950, nếu không có sự kiện xung đột với Liên Xô vào những năm 1960, Trung Quốc có thể đã nhận được sự giúp đỡ của Liên Xô để phát triển tàu ngầm hạt nhân.
Tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc được khởi đóng từ năm 1967 song mãi đến năm 1974, chiếc tàu ngầm tấn công hạt nhân đầu tiên lớp Hán Type-091 mới được hoàn thành. Trong việc phát triển tàu ngầm hạt nhân, lò phản ứng hạt nhân chính là khâu quan trọng nhất quyết định chất lượng con tàu.
Do không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào từ bên ngoài, nền tảng công nghệ còn hạn chế, động cơ đẩy năng lượng hạt nhân do Trung Quốc sản xuất vẫn tồn tại những vấn đề kỹ thuật chưa thể khắc phục cho đến tận hôm nay.
Việc tàu ngầm hạt nhân lớp Hán đưa vào sử dụng như là một “trò chơi may rủi” nó mang nhiều tính biểu tượng hơn là một hệ thống vũ khí thực thụ. Các báo cáo cho biết, hệ thống lò phản ứng trên tàu ngầm Type-091 quá ồn khi hoạt động, hệ thống che chắn bức xạ hạt nhân hoạt động không hiệu quả.
Type-092 tàu ngầm hạt nhân chiến lược đầu tiên của Trung Quốc, khả năng răn đe hạt nhân với tàu ngầm này rất hạn chế. |
Các thủy thủ trên tàu ngầm này buộc phải sống chung với bức xạ hạt nhân cao hơn tiêu chuẩn cho phép, ngoài ra, tàu ngầm này không có khả năng phóng tên lửa trong trạng thái ngập nước, đối với tác chiến hải quân hiện đại, việc ngoi lên để phóng tên lửa có thể coi là cửa tử đối với bất kỳ tàu ngầm nào.
Những vấn đề kỹ thuật của lò phản ứng khiến tàu ngầm Type-091 nằm tại cảng nhiều hơn là hoạt động, đến những năm 1990, tàu ngầm Type-091 đã có thể hoạt động nhiều hơn song bức xạ hạt nhân trên tàu chỉ mới được hạn chế chưa thể khắc phục tuyệt đối.
Tàu ngầm tấn công thế hệ tiếp theo của Trung Quốc là Type-093 lớp Tống, sự khôi phục mối quan hệ với Nga, Trung Quốc đã nhận được rất nhiều sự trợ giúp từ Cục thiết kế Trung ương Rubin để phát triển tàu ngầm tấn công hạt nhân Type-093.
Nhiều báo cáo cho rằng, Type-093 là một thiết kế sao chép lại của tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Victor-III song cả Nga và Trung Quốc đều từ chối xác nhận điều này. Tàu ngầm tấn công hạt nhân Type-093 được cho là đã được đưa vào trang bị trong khoảng năm 2005-2006.
Các báo cáo về sự giúp đỡ từ Nga có vẽ không được chính xác bởi các vấn đề của hệ thống động lực hạt nhân vẫn chưa được khắc phục triệt để, độ ồn khi hoạt động vẫn là điểm yếu chết người của tàu ngầm này. Một chiếc tàu ngầm được đóng vào những năm 2000 trong khi nó lại có độ ồn của một tàu ngầm cách đây 30 năm điều đó khiến nỗ lực nâng cao sức mạnh quân sự Trung Quốc chưa mang lại kết quả mong muốn.
Chỉ hoạt động được xung quanh vùng biển Trung Quốc
Mặc dù tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Hán còn tồn tại quá nhiều vấn đề kỹ thuật, song nó đã tạo được nền tảng ban đầu cho Trung Quốc trong việc phát triển tàu ngầm hạt nhân chiến lược. Tàu ngầm hạt nhân chiến lược đầu tiên của Trung Quốc cũng là đầu tiên của khu vực châu Á Type-092 lớp Hạ được khởi đóng vào năm 1970.
Khó khăn về hệ thống động lực hạt nhân chưa được khắc phục lại thêm một khó khăn khác là phát triển khả năng phóng tên lửa dưới nước, bên cạnh đó các vấn đề chính trị đã trở thành rào cản đối với sự phát triển của tàu ngầm hạt nhân chiến lược này.
Phải mất 10 năm sau khi khởi đóng tàu ngầm Type-092 mới được đưa vào thử nghiệm, vấn đề lớn nhất của tàu ngầm này là tích hợp tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) JL-1. Type-092 chính thức đi vào phục vụ trong năm 1983, tuy nhiên các thử nghiệm với tên lửa JL-1 đã không thành công cho đến năm 1987.
Ngay cả khi tàu ngầm Type-092 được báo cáo là ở trạng thái hoạt động đầy đủ thì tàu ngầm này vẫn gặp rất nhiều vấn đề do lỗi thiết kế. Trong những năm 1990, tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-092 không bao giờ được phép hoạt động vượt ra ngoài vùng biển Trung Quốc, với tầm bắn khoảng 2500km của tên lửa JL-1, nên khả năng răn đe hạt nhân của tàu ngầm này chỉ tồn tại trên lý thuyết.
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược mới nhất của Trung Quốc là Type-094 lớp Tấn, đây được xem là nỗ lực để hoàn thiện khả năng răn đe hạt nhân trên biển của Trung Quốc. Sự phát triển của tàu ngầm Type-094 được khởi xướng cùng với sự phát triển của tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-2.
Type-094 lớp Tấn, tàu ngầm hạt nhân chiến lược đúng nghĩa nhất của Trung Quốc. |
Chương trình Type-094 được khởi đóng vào năm 1999 chiếc đầu tiên được hoàn thành vào năm 2004, sự phát triển của Type-094 tiếp tục dính nghi án có sự trợ giúp của Cục thiết kế Trung ương Rubin của Nga.
Tàu ngầm Type-094 có tải trọng ngập nước khoảng 9000 tấn, tàu có khả năng mang 12 tên lửa SLBM JL-2 với tầm bắn khoảng 8000km. Ít nhất 4 tàu ngầm loại này đã được đưa vào sử dụng trong Hải quân Trung Quốc để đánh giá và thử nghiệm, tuy nhiên, chưa có bất kỳ báo nào về việc thử nghiệm tên lửa JL-2 từ các tàu ngầm này.
Một cố vấn hải quân Nga công tác với tạp chí Khán Hòa đánh giá, thiết kế của tàu ngầm Type-094 vẫn không thể so sánh được với các tàu ngầm hạt nhân chiến lược đã được cho là lạc hậu của Nga, Mỹ. Ông này bình luận, thiết kế khoang tên lửa của Type-094 là quá thô và nổi hẳn lên khỏi thân tàu, thiết kế này tạo ra nhiều tiếng ồn khi hoạt động dưới nước và dễ dàng bị phát hiện.
Trong khi đó các tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Nga, Mỹ không thể nhìn thấy khoang tên lửa từ bề mặt của tàu, điều này được lý giải là do Trung Quốc gặp khó khăn trong việc thu hẹp kích thước tên lửa trong khi vẫn duy trì được tầm bắn.
Một vấn đề khác làm suy yếu năng lực răn đe hạt nhân trên biển của Trung Quốc là tàu ngầm Type-094 trước mắt chỉ có thể triển khai ở vịnh Bột Hải với tầm bắn của tên lửa JL-2 nó chỉ có thể tấn công Alaska hoặc Hawaii chứ không phải là toàn bộ lãnh thổ Mỹ.
Để có thể tấn công toàn bộ lãnh thổ Mỹ, tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-094 buộc phải tiến gần hơn đến bờ biển Mỹ, với khả năng của nó chắc chắn không thể vượt qua hệ thống chống ngầm của Mỹ, bên cạnh đó, hệ thống kiểm soát và nhiên liệu của tên lửa JL-2 có vấn đề.
Mặc dù không thể so sánh được với các tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Nga, Mỹ song các tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Trung Quốc đã mang lại cho quốc gia này khả năng răn đe quân sự đáng kể, ít nhất là về mặt lý thuyết.
Phan Nguyễn
Theo mạng Kiến Thức