Tạp chí Đánh giá Quân sự châu Á đưa ra thống kê số lượng máy bay lực lượng không quân 10 nước trong khu vực Đông Nam Á.
Brunei
Không quân Hoàng Gia Brunei có nhiệm vụ bảo vệ không phận quốc gia, giám sát bảo vệ tuyến biên giới trên bộ, trên biển. Trong khu vực, Không quân Brunei được đánh giá là nhỏ bé, lực lượng chủ yếu gồm các máy bay vận tải, trực thăng.
Không quân vận tải chỉ có duy nhất một chiếc CN-235-110M (kiêm nhiệm vụ tuần tra biển). Đơn vị huấn luyện có 4 máy bay cánh quạt Pitalus PC-7 MK II.
Không quân trực thăng đông đảo hơn cả gồm: 11 trực thăng Bell 212/214ST; 4 S-70A; 4 BO-105CB và 2 Bell 212 dùng cho huấn luyện.
Trực thăng đa dụng S-70 Không quân Brunei. |
Brunei đang lên kế hoạch hiện đại hóa trực thăng bằng hợp đồng mua S-70i thay thế Bell 212 (dự kiến chuyển giao năm 2014).
Riêng với việc xây dựng phi đội chiến đấu cơ, nước này từng có chương trình mua vài máy bay huấn luyện/chiến đấu phản lực BAE Hawk. Tuy nhiên, do một số lý do mà chương trình bị hủy bỏ.
Campuchia
Không quân Hoàng gia Campuchia cũng là lực lượng nhỏ yếu trong khu vực Đông Nam Á. Biên chế không quân nước này khoảng 2.500 người với hơn 20 máy bay.
Trong đó, không quân chiến đấu gồm 4 tiêm kích đánh chặn hạng nhẹ MiG-21bis và 2 biến thể huấn luyện MiG-21UM, 5 máy bay huấn luyện phản lực L-39C có thể dùng cho vai trò chiến đấu nếu cần.
Biến thể huấn luyện tiêm kích đánh chặn MiG-21UM Không quân Campuchia. |
Không quân vận tải gồm: 4 An-24, 2 Y-12-II. Dù vậy, những máy bay này hoạt động nhiều trong lĩnh vực chở khách cho Hãng hàng không dân dụng Campuchia vốn cũng thiếu thốn mọi bề.
Không quân trực thăng gồm: 3 Mi-8, 3 Mi-17, 1 Eurocopter AS355, 1 UH-1H, 2 Mi-26. Campuchia cũng mua thêm trực thăng Z-9 từ Trung Quốc.
Để tăng năng lực bảo vệ không phận, theo một số nguồn tin, Campuchia từng lên kế hoạch nâng cấp MiG-21bis lên tiêu chuẩn MiG-21-2000 do Israel thực hiện. Tuy vậy, nhiều khả năng điều này đã không thành do thiếu kinh phí.
Indonesia
Không quân Indonesia là một lực lượng đáng gờm trong khu vực Đông Nam Á với quân thường trực hơn 34.000 người.
Trong đó, không quân chiến đấu có: 10 F-16A/B, 25 BAE Hawk 209, 5 Su-27SK/SKM, 5 Su-30MK/MK2, 9 F-5E/F.
Không quân huấn luyện có: 13 BAE Hawk 53/109 dùng cho huấn luyện nâng cao và 18 Aermacchi SF260, 2 Pitalus PC-6, 16 Beechcraft T-34C, 11 KT-1B cho huấn luyện cơ bản.
Không quân vận tải/tiếp dầu có: 15 C-130B/H/H-30/L-100, 10 C-212, 5 CN-235 110/220M, 6 Fokker F27-400M, 5 Fokker F28 1000/3000, 1 Boeing 737 (vận chuyển khách VIP). Indonesia đặt hàng thêm 9 vận tải cơ chiến thuật hiện đại CN-295 trị giá 325 triệu USD.
Không quân Indonesia tổ chức phi đội cho nhiệm vụ tuần tra bảo vệ biển có: 3 tuần thám biển Boeing 737 và 1 CN-235 MPA.
Không quân trực thăng có: 11 AS332J, 11 EC120B, 28 AS/SA-202.
Tiêm kích đa năng Su-27SK/Su-30MK Không quân Indonesia tập trận cùng tiêm kích F/A-18 Australia. |
Đối với chương trình hiện đại hóa, năm 1992 Indonesia bị Mỹ và một số nước áp đặt lệnh cấm vận vũ khí. Trước yêu cầu tăng cường sức mạnh không quân, nước này tích cực mở rộng nguồn cung cấp. Kết quả, Indonesia ký hợp đồng với Nga mua mới một số máy bay chiến đấu Su-27/30.
Indonesia cũng từng bước khôi phục mối quan hệ với Mỹ. Gần đây, Chính phủ Mỹ đồng ý bán lại 24 F-16A/B và số máy bay này sẽ nâng cấp lên tiêu chuẩn Block 52 hiện đại. Cùng với đó, Indonesia ký thêm hợp đồng mua 8 máy bay chiến đấu cánh quạt EMB-314 Super Tucano từ Brazil.
Indonesia đang mua thêm 16 máy bay huấn luyện nâng cao KAI T-50 (Hàn Quốc) với tổng trị giá 400 triệu USD để thay thế đội bay BAE Hawk đáp ứng yêu cầu huấn luyện phi công lái máy bay chiến đấu thệ hệ mới.
Đối với công tác huấn luyện cơ bản, họ đặt hàng 18 máy bay G120TP (Đức). Cùng với lực lượng khác, trực thăng được chú trọng đầu tư với hợp đồng mua 12 AW101 và 12 EC725.
Ngoài ra, Indonesia cũng là quốc gia có nền công nghiệp hàng không quân sự phát triển khá mạnh. Tập đoàn hàng không - không gian Indonesia (IPTN) hợp tác với hãng CASA Tây Ban Nha thiết kế, sản xuất máy bay vận tải CN-235, sản phẩm đạt được thành công trên thị trường thế giới, được một số nước nhập khẩu.
Đặc biệt, Indonesia còn hợp tác với Hàn Quốc thực hiện chương trình đầy tham vọng thiết kế máy bay chiến đấu thế hệ mới KF-X. Dù dự án còn nằm trong giai đoạn nghiên cứu nhưng Indonesia tuyên bố sẽ đặt hàng 50 chiếc loại này.
Lào
Tương tự Campuchia, Brunei, Không quân Nhân dân Lào là lực lượng nhỏ yếu, hầu hết trang bị vũ khí thế hệ cũ được Liên Xô viện trợ.
Phi đội chiến đấu cơ chủ lực của Lào gồm 25 tiêm kích đánh chặn MiG-21PFM/UM.
Trực thăng đa năng Mi-17 Không quân Lào. |
Không quân vận tải gồm: 10 An-2, 1 An-26, 1 An-74K-100. Lực lượng trực thăng có: 7 Mi-8, 9 Mi-17, 4 UH-1H, 4 Z-9 và 6 Ka-32.
Lào có mua trực thăng vận tải lớn nhất thế giới Mi-26 của Nga, tuy vậy nó được dùng cho hãng hàng không quốc gia Lào.
Những năm gần đây, Chính phủ Lào có đầu tư hiện đại hóa nhưng vẫn ở mức “nhỏ giọt” do giới hạn về ngân sách.
Malaysia
Không quân Hoàng gia Malaysia là lực lượng mạnh trong khu vực Đông Nam Á. Với nền kinh tế phát triển tốt, Malaysia có đầu tư đáng kể xây dựng quân đội, ưu tiên hiện đại hóa Không quân.
Không quân chiến đấu có: 10 F-5E/F, 8 F/A-18D (đang thực hiện nâng cấp, dự kiến hoàn thành năm 2015), 14 BAE Hawk 208, 18 Su-30MKM, 10 MiG-29N.
Đơn vị huấn luyện phi công có: 6 Hawk 108, 2 MiG-29UB cho huấn luyện nâng cao và 8 Aermacchi MB339CM, 31 Pitalus PC-7, 17 Pitalus PC-7 MK II cho huấn luyện cơ bản.
Tiêm kích đa năng F/A-18D Không quân Malaysia. |
Không quân vận tải có: 14 C-130H/H-30/T, 6 CN-235-220M, 1 Falcon 900B, 1 Fokker F-28-1000, 10 Cessna 402, 1 Global Express BD700 (dùng cho VIP), 1 Boeing 737 (dùng cho VIP) 4 King Air 200. Malaysia mua thêm 4 máy bay tiên tiến Airbus A400M tăng cường năng lực vận tải tầm xa.
Không quân trực thăng có: 4 Mi-171Sh, 26 S-61A-4, 2 AS61N-1, 21 SA316, 1 AW109 và 2 S-70 (dùng cho VIP). Malaysia đặt hàng mua 12 EC-725 (giao hàng năm 2012).
Nhằm tăng cường sức mạnh trên không, Malaysia đưa ra chương trình MRCA nhằm thay thế 10 máy bay MiG-29N bằng 18 chiến đấu cơ thế hệ mới.
Các ứng viên sáng giá được lựa chọn gồm: JAS-39 Gripen, Dassault Rafale, F/A-18E/F Super Hornet và EF-2000 Typhoon. Dự kiến, quyết định cuối cùng được đưa ra vào năm 2013. Theo một số nguồn tin, Malaysia có kế hoạch mua máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không.
Hồng Hà
Theo Infonet, Zing