Nga nỗ lực chống lại làn sóng di cư người Trung Quốc sang Viễn Đông-Siberia, trong khi di dân ra nước ngoài là chủ trương của Trung Quốc.
Nga nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực Viễn Đông Nga phục vụ hội nghị APEC, cũng như tăng cường hiện diện kinh tế quân sự để chống lại sự bành trướng quá mức của Trung Quốc vào khu vực này.
Khánh thành 3 cầu tại khu vực Primorie
Sáng 11/8, Nga đã khánh thành hai cây cầu phục vụ hội nghị tổ chức Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC-2012), được tổ chức vào tháng 9 tới tại Vladivostok. Hai cây cầu trên bắc qua vịnh Sừng Vàng (Zolotoi Rog) và Vịnh Amur.
Cầu qua Vịnh Sừng Vàng, một trong các công trình cải thiện cơ sở hạ tầng cho vùng Viễn Đông Nga, thông xe giữa tháng 8/2012
Ông Vladimir Miklushevsky, Thống đốc khu Primorie, cho biết nhiều thế hệ người dân Vladivostok đã mong mỏi chờ đợi sự kiện trọng đại này và đây là mốc lịch sử quan trọng đối với toàn khu vực Primorie. Cầu Sừng Vàng không chỉ là công trình kiến trúc đồ sộ và đẹp nhất thế giới mà còn là tuyến giao thông ngắn nhất và tiện lợi nhất cho dân chúng sống hai bờ vịnh này.
Cầu Sừng Vàng được khởi công xây dựng vào ngày 25/7/2008, với tổng chiều dài gần 1,4 km, trong đó phần bắc qua vịnh dài 737 mét, cao 60 mét so với mặt nước, nối trung tâm thành phố Vladivostok với quận 1/5 và sẽ thông xe vào ngày 13/8 tới.
Cầu qua Vịnh Amur dài 4.362 mét và được coi là điểm nhấn của tuyến đường cao tốc Novyi-De Friz-Sedanka-Patrokl dài gần 40 km, một nhánh của tuyến quốc lộ liên bang Khabarovsko-Vladivostok. Việc khánh thành tuyến đường nhánh này cho phép các phương tiện giao thông tránh đoạn đường vòng qua bán đảo Muraviov-Amur để tiết kiệm ít nhất 2/3 thời gian đi tuyến đường cao tốc này, từ 80-90 phút xuống còn 20-30 phút.
Trước đó, ngày 2/8, chính quyền Primorie cũng đã khánh thành cây cầu bắc qua Vịnh Bôxpho Đông nối trung tâm Vladivostok với Đảo Nga, nơi sẽ diễn ra các hoạt động chính của APEC-2012. Cầu dài 3,1km, trong đó phần bắc qua vịnh dài 1,1km, cao 324 m. Độ cao với mặt nước 70 m, cho phép mọi loại tàu bè lưu thông tự do.
Nga hy vọng rằng khu vực Viễn Đông sẽ được thúc đẩy phát triển kinh tế dài hạn từ nhiều tỷ đô la đầu từ vào hạ tầng cơ sở cơ bản phục vụ cho hội nghị APEC sẽ được tổ chức tại Đảo Nga bên kia vịnh Vladivostok.
Thủ tướng Nga cảnh báo mối đe dọa Trung Quốc đối với khu vực Viễn Đông
Ngày 9/8, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã đưa ra lời cảnh báo úp mở về ảnh hưởng đang tăng lên của Trung Quốc ở vùng Viễn Đông giàu tài nguyên của Nga khi nói rằng Nga cần phải bảo vệ khu vực này trước "sự bành trướng quá mức của các quốc gia giáp biên giới".
Nàng tiên cá của Thái Bình Dương ngồi trên Vịnh Amur đợi các hoàng tử bạch mã đến phát triển vùng Viễn Đông Nga
Phát biểu trên của ông Medvedev, được coi là những lời phát biểu mạnh mẽ nhất về vấn đề này, đã cho thấy rõ những nghi ngờ của Điện Kremlin rằng dòng người Trung Quốc di cư rút cục có thể trở thành mối đe dọa đối với quyền bá chủ của Nga tại các vùng lãnh thổ hẻo lánh và dân cư thưa thớt ở Siberia và Viễn Đông.
Nga và Trung Quốc vốn có các mối quan hệ ngoại giao và thương mại gắn bó. Hai bên đã ký một loạt thỏa thuận về kinh tế và năng lượng trong những năm gần đây, và có thể sẽ ký kết thêm các thỏa thuận khác tại hội nghị APEC sắp tới. Tuy nhiên, ảnh hưởng đang tăng lên của Trung Quốc ở vùng Viễn Đông - nơi các tên phố được viết bằng cả tiếng Nga và tiếng Trung - từ lâu đã trở thành nguồn gốc gây căng thẳng.
Nga là quốc gia giàu tài nguyên, có diện tích lớn nhất thế giới, song những năm gần đây, nước này đã phải chứng kiến dân số 143 triệu người của mình đang giảm dần, trong khi Trung Quốc là quốc gia “khát”, lại có số dân đang tăng lên, tới hơn 1,34 tỷ người.
Dân số của thành phố Vladivostok đã giảm 5 vạn người kể từ năm 1991 đến năm 2010.
Thủ tướng Medvedev đã nêu ra vấn đề nhạy cảm này tại một cuộc họp của Chính phủ bàn về vấn đề di cư. Ông nói: “Đáng tiếc là không có nhiều người sinh sống ở đây, và chúng ta phải luôn duy trì nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ ở Viễn Đông của chúng ta trước sự phát triển quá mức của các quốc gia láng giềng”.
Khuyến khích di cư ra các nước là chính sách của Trung Quốc
Quốc sách của Trung Quốc là hỗ trợ công dân của mình đến định cư tại tất cả các quốc gia trên thế giới. Vùng Viễn Đông-Siberia của Nga là mảnh đất lý tưởng để Trung Quốc “bành trướng” dân số.
Dân số Trung Quốc đạt 1,34 tỷ người. Việc người Trung Quốc di cư và định cư ở nước ngoài được nhà nước khuyến khích và cộng đồng người Hoa hỗ trợ
Tại tất cả các nước, Hội người Hoa là tổ chức thực hiện sự hỗ trợ, kể cả tài chính, các công dân Trung Quốc sang làm ăn gia nhập quốc tịch bản địa và định cư lâu dài.
Nga đã cố gắng chống lại ảnh hưởng đang lớn mạnh của Trung Quốc ở vùng Viễn Đông của Nga bằng cách tăng cường sự hiện diện về chính trị và quân sự của mình tại khu vực này. Lần đầu tiên có Bộ trưởng phụ trách Viễn Đông để hỗ trợ các chương trình quốc gia đang được thực hiện. Một chương trình quốc gia như vậy đã đưa 400 gia đình từ các nước cộng hòa Xôviết cũ tới vùng Viễn Đông để làm tăng số dân nói tiếng Nga ở khu vực này.
Ông Medvedev nói rằng các chính sách mới về di cư đã được Tổng thống Vladimir Putin soạn thảo và yêu cầu các bộ trưởng phác thảo một kế hoạch hành động nhằm hiện thực hóa các chính sách này. Ông Putin trước đó đã viết rằng các dân tộc thiểu số phải sống dưới cái ô văn hóa của Nga và những người di cư phải vượt qua các kỳ thi về ngôn ngữ và lịch sử của Nga. Và các cơ quan chức năng Nga phải được trao thêm quyền hạn để thu hút lực lượng chuyên môn lành nghề và sinh viên phải đọc khoảng 100 tác phẩm cổ điển Nga./.
Hoài Nam
Theo Tổ Quốc