Một chiếc tàu tấn công đổ bộ của Mỹ chở theo 2.200 lính thủy đánh bộ đang trên đường từ Guam hướng tới Biển Đông để tham gia một cuộc tập trận chung với lực lượng thủy quân lục chiến Philippines trong tháng này.
Chiến hạm USS Bonhomme Richard – một tàu tấn công đổ bộ, gần đây đã gia nhập vào nhóm tàu sân bay tấn công USS George Washington. Đây là nhóm tàu mới vừa được điều đến hoạt động tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, chủ yếu là ở biển Hoa Đông.
Ngoài hơn 2.000 lính thủy đánh bộ, tàu USS Bonhomme Richard (HLD-6) còn mang theo một loạt phương tiện tấn công đổ bộ, phương tiện bọc thép hạng nhẹ, pháo, trực thăng và máy bay chiến đấu Harrier.
Lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ có mặt trên tàu USS Bonhomme Richard được cho là sẽ tham gia cùng với 1.200 binh lính Philippines trong các cuộc diễn tập đổ bộ chung mang tên Phiblex. Cuộc tập trận này dự kiến diễn ra ở tỉnh Palawan và Zambales vào tuần tới.
Hai tỉnh trên được Philippines xem là hai khu vực cực kỳ chiến lược vì nó liên quan đến cuộc tranh chấp lãnh thổ quanh một dãy đảo ở Biển Đông hiện nay. Các quan chức Mỹ và Philippines cho biết, họ tổ chức cuộc tập trận chung sắp tới là nhằm mục đích tăng cường khả năng hoạt động, tương tác chung giữa binh lính hai nước.
Trong một tuyên bố được phát đi ngày hôm qua (1/10), Đại sứ Mỹ tại Philippines – ông Harry Thomas Jr. cho biết, cuộc tập trận đổ bộ chung năm nay được cho là sẽ tạo cơ hội để các binh lính tham gia có thể rèn luyện khả năng phối hợp sát cánh với nhau trong nhiều nhiệm vụ, đặc biệt là trong hoạt động phản ứng trước thảm họa hay cứu trợ nhân đạo.
“Hàng năm, cuộc tập trận này cho phép chúng tôi củng cố và làm sâu sắc thêm mối quan hệ không chỉ giữa quân đội mà còn giữa cộng đồng hai nước”, ông Thomas Jr. nói thêm.
Cuộc tập trận hải quân sắp tới giữa Mỹ và Philippines sẽ bao gồm các bài diễn tập về bố trí lực lượng và nhiều hoạt động trên thực địa.
Manila bác bỏ tin đưa 800 lính thủy đánh bộ đến Biển Đông
Liên quan đến Biển Đông, chính phủ Philippines hôm qua đã lên tiếng bác bỏ những thông tin trên báo chí cho rằng, nước này đang triển khai 800 lính thủy đánh bộ đến Palawan để bảo vệ các vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông.
Ông Raul Hernandez, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, cho biết: “Không có một chút sự thật nào trong những thông tin nói rằng, 800 lính thủy đánh bộ Philippines được triển khai ở khu vực thuộc quyền quản lý của Bộ Chỉ huy Phía Tây”.
Phát biểu với các phóng viên, Đại tá Arnulfo Burgos Jr. – phát ngôn viên Lực lượng Vũ trang Philippines, khẳng định, chỉ có ít hơn 80 lính thủy đánh bộ Philippines được điều động đến hai tiểu đoàn thủy quân lục chiến chứ không phải là 800 binh lính như các thông tin trước đó đã đưa.
Theo ông Burgos, các lính thủy đánh bộ của họ được triển khai gần đây là nhằm củng cố khả năng “chỉ huy và kiểm soát” đối với các tiểu đoàn đang đóng tại Palawan. Hoạt động triển khai này hoàn toàn mang tính phòng vệ, Trung tá Juancho Sabban – người đứng đầu Bộ Chỉ huy Phía Tây Philippines, nhấn mạnh.
Trước đó, ngày hôm qua, báo chí khắp nơi rộ lên tin tức cho rằng, hồi cuối tháng 9, Philippines đã triển khai 800 lính thủy đánh bộ đến Biển Đông để bảo vệ các lợi ích của họ ở vùng biển giàu tài nguyên này.
Suốt 5 tháng qua, Biển Đông luôn nổi sóng gió bởi một loạt các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trong khu vực. Những cuộc tranh chấp này nhiều lúc đã leo thang nghiêm trọng đến mức người ta phải nghĩ đến viễn cảnh về một cuộc xung đột. Trước nguy cơ đáng lo ngại này, các nước trong khu vực đang tìm cách tháo “ngòi nổ” của những cuộc tranh chấp ở Biển Đông.
Hồi tuần trước, Thái Lan đã lên tiếng đề nghị được đứng ra giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Với tư cách là nước điều phối giữa Trung Quốc và ASEAN cùng với việc Thái Lan có mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước liên quan đến tranh chấp, nữ Thủ tướng Thái Lan tự tin tuyên bố, bà có thể đóng góp cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp nóng bỏng ở Biển Đông hiện nay.
Sau Thái Lan, Singapore đã kêu gọi tăng cường vai trò của Liên Hợp Quốc trong việc ngăn chặn các cuộc khủng hoảng quốc tế và trong việc làm trung gian, giải quyết các tranh chấp lãnh thổ.
Phát biểu tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi cuối tuần vừa rồi, Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam cho biết, nước ông – một thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) muốn nhìn thấy một hệ thống luật pháp quốc tế hiệu quả và cơ chế linh hoạt để giải quyết hòa bình các tranh chấp. Điều đó sẽ giúp các nước có tranh chấp giải quyết vấn đề theo cơ chế và luật pháp đưa ra thay vì dùng vũ lực để giải quyết nó.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với 4 nước thành viên ASEAN gồm Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia. Dự kiến, trong ngày mai (3/10) sẽ diễn ra Diễn đàn Hàng hải ASEAN (AMF) lần thứ 3 ở thủ đô Manila của Philippines. Diễn đàn này được cho là sẽ đề cập đến các cuộc tranh chấp lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông hiện nay.
Phó Tổng thống Philippines Jejomar Binay sẽ có bài phát biểu quan trọng trong lễ khai mạc AMF này.
Kiệt Linh - (tổng hợp từ các nguồn tin Philippines)
Theo VNmedia