Công ty Lockheed Martin của Mỹ đang chuẩn bị để thực hiện một vụ phóng thử nghiệm loại tên lửa hành trình chống tàu tầm xa (LRASM) từ máy bay ném bom của Không quân Mỹ. Công ty này đang tiếp tục nỗ lực đầu tư cho kế hoạch tích hợp một biến thể phóng từ tàu chiến của loại tên lửa hành trình tầm xa này dựa trên hệ thống các ống phóng thẳng đứng (VLS).
Ảnh minh họa. |
LRASM được Lockheed Martin phát triển theo một hợp đồng trị giá 90 triệu USD từ Cơ quan Nghiên cứu các Dự án Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) nhằm đáp ứng yêu cầu lấp khoảng trống tác chiến của Hải quân Mỹ. Năm 2008, Hạm đội Thái Bình Dương đã đề xuất phải phát triển ngay một công nghệ vũ khí có thể đánh bại các mục tiêu tàu chiến được bảo vệ bởi các hệ thống phòng thủ tên lửa dày đặc của đối phương.
Được phát triển dựa trên loại công nghệ tên lửa không - đối - đất/biển liên minh tăng cường tầm xa (JASSM-ER) AGM-158B của Lockheed Martin, tên lửa hành trình chống tàu tầm xa LRASM được trang bị một mạng lưới dữ liệu để cung cấp thông tin mới nhất về tình trạng tiếp cận khu vực mục tiêu. Nó cũng có khả năng chống radar để phát hiện, nhận dạng các tín hiệu được phát ra từ mục tiêu, sau đó hỗ trợ cho việc dẫn đường để tên lửa tấn công các mối đe dọa một cách chính xác nhất.
JASSM-ER có tầm bắn xa tới 500 dặm (804 km), trong khi đó biến thể LRASM sẽ vượt qua tầm bắn yêu cầu là 200 dặm (321km). Hiện tại, Lockheed Martin đang xây dựng 3 mẫu thử nghiệm của tên lửa LRASM và lên kế hoạch sang năm 2013 sẽ tiến hành bắn thử nghiệm các mẫu thử này từ máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer.