TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Mỹ thúc Trung Quốc đàm phán đa phương về Biển Ðông

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm 4 và 5 tháng 9 đã gặp mặt liên tiếp các lãnh đạo Trung Quốc từ Ngoại trưởng đến Chủ tịch nước nhằm áp lực Bắc Kinh giải quyết tranh chấp Biển Ðông theo chiều hướng đàm phán đa phương.

 

 

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào ngày 5/9/2012 ở Bắc Kinh, áp lực giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Ðông bằng các giải pháp hòa bình của đàm phán đa phương

Không thấy có tin tức gì cho biết có sự nhượng bộ nào không nhưng báo chí chính thức của Bắc Kinh đều đưa ra các lời bình luận rất hung hăng về lập trường của họ cũng như đả kích việc bà Clinton chỉ tới “gây rối”.

Thông tấn AP đưa tin, hôm 4/9, bà Clinton đã gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì sau khi rời thủ đô Jakarta, Indonesia. Tại đây bà đã kêu gọi các nước ASEAN hợp nhất để thảo luận với Bắc Kinh nhằm giảm căng thẳng tranh chấp chủ quyền biển đảo Biển Ðông. Hôm 5/9, bà Clinton gặp Chủ tịch Trung Quốc, Hồ Cẩm Ðào và Ủy viên Quốc Vụ viện Trung Quốc, Ðới Bỉnh Quốc.

Trong các cuộc hội đàm, Mỹ muốn Trung Quốc và các nước tranh chấp của khu vực hoàn tất thỏa hiệp về một bản Quy tắc Ứng xử để tránh xung đột vũ trang cùng với một tiến trình giải quyết tranh chấp không qua đe dọa, áp lực hay sử dụng vũ lực.

Theo bản tin AP, bà Clinton muốn Bắc Kinh từ bỏ chủ trương nhất định chỉ đàm phán song phương để giải quyết tranh chấp chủ quyền với các nước khác. Thay vào đó là một công thức thương thuyết đa phương cho các nước nhỏ trong khu vực ASEAN có tiếng nói mạnh hơn.

Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi các bên tranh chấp cố đạt được tiến bộ “nhiều ý nghĩa” trước khi hội nghị Thượng đỉnh Đông Á khai mạc vào tháng 11 ở Campuchia với sự tham dự của Tổng thống Barack Obama.

Quan điểm của Mỹ hoàn toàn ngược lại với chủ trương bá quyền nước lớn của Bắc Kinh và họ đã lập đi lập lại rất nhiều lần. Trước khi tới Bắc Kinh, bà Clinton đã nói cùng một thông điệp với Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, Ngoại trưởng Marty Natalegawa và Tổng Thư Ký ASEAN Surin Pitsuwan, về quan điểm của Mỹ. “Mỹ có lợi ích quốc gia, như tất cả mọi nước, khi duy trì hòa bình, ổn định và tôn trọng luật lệ quốc tế, tự do hàng hải, không cản trở hoạt động thương mại hợp pháp trên Biển Ðông”- bà Clinton nói với báo chí sau khi đã thảo luận với Ngoại trưởng Indonesia.

Tân Hoa Xã thuật lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi, đòi Mỹ giữ lời hứa “trung lập” trong cuộc tranh chấp. “Chúng tôi ghi nhận phía Mỹ từ chối đứng về một phe nào đối với vấn đề (tranh chấp) Biển Ðông. Chúng tôi hy vọng phía Mỹ tiếp tục giữ lời cam kết và nỗ lực để giúp thay vì làm hại hòa bình và sự ổn định của khu vực”- ông Hồng Lỗi nói trong cuộc họp báo.

Tờ Nhân Dân Nhật Báo thì viết bình luận đặt câu hỏi là bà Clinton “đến Trung Quốc để giải quyết (tranh chấp) hay gây rối?” báo này cho rằng bà đến chỉ để làm áp lực với Bắc Kinh về các vấn đề quốc tế và khu vực từ tranh chấp quần đảo Ðiếu Ngư, Biển Ðông cũng như các vấn đề chế tạo bom nguyên tử của Iran, nội chiến ở Syria. Tờ báo chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng các hành động của Mỹ “gây tổn hại cho niềm tin lẫn nhau”.

Còn tờ Hoàn Cầu Thời Báo, con đẻ của Nhân Dân Nhật Báo, cùng ngày 5/9 thì nói lập trường của Mỹ “không được Trung Quốc chấp nhận”. Báo này khuyến cáo Bắc Kinh “nên nói thẳng và thành thật cho bà Clinton về các nguyên tắc và những nỗ lực chúng ta sẽ làm và những tổn hại chúng ta chuẩn bị phải trả để bảo vệ” các vùng biển đang tranh chấp. “Trung Quốc không nên để Mỹ hiểu lầm hay phán đoán sai lầm về sự quyết tâm” của Trung Quốc, tờ Hoàn Cầu Thời Báo viết.

Một ngày trước khi bà Clinton đặt chân tới Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc họp báo nói “vấn đề Biển Ðông nên giải quyết trực tiếp giữa các nước liên quan”. Ý ám chỉ rằng bà Clinton sẽ không đạt được điều bà mong muốn.

Và quả đúng như vậy, chuyến thăm Bắc Kinh 2 ngày của Ngoại trưởng Mỹ nhằm tìm giải pháp về vấn đề tranh chấp Biển Đông đã không đạt được nhiều tiến bộ.

Theo giới phân tích, Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông có lẽ là giải pháp tốt nhất cho giai đoạn này.

Nh.Thạch (Theo AP, Petrotimes)

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te