TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Mỹ loay hoay với bài toán ở Đông Bắc Á

Khi công bố chiến lược tái cân bằng ở châu Á Mỹ chưa tính đầy đủ được những tác động của việc chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy ở Đông Bắc Á qua tranh chấp đảo ở khu vực.

Căng thẳng nằm ngoài sự tính toán của Washington

Căng thẳng ngoại giao xung quanh tranh chấp chủ quyền đối với các đảo ở Đông Bắc Á đang ở đinh điểm và dường như còn lâu mới kết thúc.Trong tình hình hiện nay, hành động theo nghĩa vụ của hiệp ước và duy trì sự lãnh đạo ở khu vực đang trở thành hai yếu tố cấu thành chính sách của Mỹ.

Triển vọng một cuộc xung đột quân sự hạn chế quanh quần đảo tranh chấp là mối lo ngại chủ yếu đối với các nước trong khu vực cũng như với Mỹ. Ngoài việc lo ngại về quân sự, tác động về kinh tế và xã hội, dù vẫn chưa rõ nét, có thể trở thành một mối lo lớn đối với các nước liên đới.

Sự trỗi dậy và lan rộng của chủ nghĩa dân tộc lãnh thổ ở khu vực tạo ra bối cảnh chiến lược mới cho sự lãnh đạo của Mỹ ở châu Á mà đầu năm nay khi chính quyền Mỹ của Tổng thống Obama khi tiến hành chính sách tái cân bằng về châu Á đã không tính toán một cách đầy đủ.

Khó có thể dự đoán sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc sẽ ảnh hưởng đến mức độ nào đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ không thể trốn tránh việc nhận lấy một vai trò có trách nhiệm trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp các quần đảo.

Từ bỏ chủ quyền lãnh thổ không khi nào được coi là có thể chấp nhận được đối với bất kỳ quốc gia nào. Lịch sử của các cuộc xung đột vũ trang cho thấy giải quyết một cách hòa bình và ngoại giao các cuộc tranh chấp có tính dân tộc chủ nghĩa là đặc biệt khó khăn. Thách thức ấy càng khó giải quyết ở Đông Bắc Á.

Giờ đây khi Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đang chuẩn bị cho việc thay đổi lãnh đạo, các cuộc biểu tình quần chúng liên quan đến chủ quyền lãnh thổ gây ra sự chia rẽ chính trị ở mỗi nước. 

 

Mỹ nói được nhưng có làm được?

Chính phủ của Tổng thống Obama nói "không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền về các đảo". Đồng thời, Washington đã có những nỗ lực không ngừng để thiết lập một khuôn khổ ngoại giao cho việc trao đổi và giải quyết những vấn đề về lãnh thổ.

Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, về nguyên tắc, không phản đối lập trường ngoại giao như vậy của Mỹ. Nhưng làm thế nào để các nước này giải quyết được vấn đề?

Gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Leon Panetta đã đến thăm Trung Quốc và Nhật Bản. Khi đó, ông đề nghị một giải pháp hòa bình cho căng thẳng Trung - Nhật về quần đảo tranh chấp. Đáp lại, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cảnh báo về khả năng có thêm hành động nếu cần, gồm một thông điệp mạnh mẽ là "không được can thiệp" với Mỹ.

Trong khi đó, sau chuyến thăm của  Panetta đến Nhật Bản, Thủ tướng Yoshihiko Noda đã nói về việc tính đến việc cử một đặc phái viên đến Trung Quốc để giải thích về việc Nhật Bản quốc hữu hóa hòn đảo tranh chấp mà người Nhật gọi là Senkaku (còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). 

Sau chuyến thăm của ông Panetta, Trợ lý bộ trưởng ngoại giao Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, Kurt Campbell nói rằng, nếu Nhật Bản bị Trung Quốc khiêu khích về vấn đề tranh chấp quần đảo thì hiệp ước phòng thủ với Nhật Bản buộc Mỹ phải bảo vệ đồng minh. Quan sát các chuyến ngoại giao con thoi của Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, dường như rất khó và phức tạp cho Mỹ hành động ở thời điểm này thay vì họ tiếp tục giữ lập trường trung lập về vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

 

Căng thẳng bùng nổ vượt giới hạn ở khu vực?

Về những thay đổi về kinh tế ở khu vực, việc người Trung Quốc tẩy chay hàng hóa Nhật đã lan rộng ra khắp cả nước cùng với sự trỗi đậy của tình cảm chống Nhật.

Cơ quan thúc đẩy đầu tư và thương mại Hàn Quốc gần đây dự đoán rằng một cuộc tẩy chay hàng của Nhật tại Trung Quốc có thể thúc đẩy việc bán được nhiều hàng hóa của Hàn Quốc hơn trong thị trường Trung Quốc và dự tính rằng kết quả có thể đem lại một khoản thu đến trên 5 tỷ USD về ngắn hạn.

Tuy nhiên, về dài hạn thì những căng thẳng như vậy sẽ cản trở các cuộc thương lượng về một hiệp định thương mại ba bên giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

Suy cho cùng, bản chất thay đổi trong thương mại khu vực tùy thuộc lẫn nhau, không phải chỉ riêng ba nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, mà cùng với các nước khác - đang phải đối mặt với một sự bất ổn cực kỳ quan trọng.

Gần đây, đại diện của Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đã liên tiếp đưa ra những lập trường "hung hăng và bướng bỉnh" của họ đối với tranh chấp chủ quyền tại phiên họp thứ 67 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York. Dường như, căng thẳng trong tranh chấp đang trở thành một chương trình nghị sự quốc tế, vượt quá giới hạn khu vực Đông Bắc Á.

Tổng thống Obama và ứng cử viên của đảng Cộng hòa Mitt Romney cùng có những khái niệm tương tự về lợi ích sống còn của Mỹ ở châu Á và can dự với sự trỗi đậy của Trung Quốc.

Trên thực tế, Chính phủ Mỹ không thể không liên can đối với các cuộc trao đổi ngoại giao nhằm giải quyết những vấn đề về lãnh thổ ở khu vực. Thay đổi trong cán cân ngoại giao giữa các nước Đông Bắc Á có thể làm phương hại nghiêm trọng đến vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á.

Hơn nữa cách thức Mỹ đối xử với các nước này như thế nào sẽ làm cho các nước khác ở châu Á nghi ngờ về ý đồ chiến lược thúc đẩy và duy trì hòa bình và ổn định ở châu Á nói chung.



Phạm Ngọc Uyển
Theo ĐVO

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te