Một cựu quan chức tình báo Mỹ thời Barack Obama khẳng định, Trung Quốc chính là mục tiêu chính trong kế hoạch chiến tranh chủ đạo của Mỹ.
Người đưa ra lời khẳng định này là Đô đốc Dennis Blair, một chuyên gia châu Á có lối ăn nói hết sức thẳng thắn. Ông này đến năm 2010 vẫn giữ chức giám đốc cơ quan tình báo quốc gia, dưới thời Tổng thống Obama. Trước đây, ông cũng đã giữ chức vụ chỉ huy trong Sở chỉ huy Thái Bình Dương, nơi tập hợp 1/5 sức mạnh quân sự Mỹ.
Học thuyết không - hải chiến (còn gọi là tác chiến không - biển) là chiến lược mà Lầu Năm Góc đưa ra nhằm đánh bại hệ thống radar tầm xa cũng như tên lửa có độ chính xác cao của kẻ thù, sau đó sẽ tấn công bằng đường không và biển.
Khi được hỏi liệu chiến lược này có liên quan gì đến Trung Quốc, Đô đốc Dennis Blair cho biết: “Hiện tôi không còn làm việc ở Lầu Năm Góc nên tôi không thể nói gì cụ thể được. Tuy nhiên, những nước như Iran và Trung Quốc đang nắm giữ những công nghệ về tàu ngầm và tên lửa, có khả năng giữ chân lực lượng không quân và hải quân Mỹ ở một khoảng cách xa (chiến thuật chống tiếp cận). Công việc của các nhà cầm quân Mỹ là tìm ra cách để hóa giải những mối đe dọa đó và tiến hành các chiến dịch quân sự”.
Iran hiện khó có thể gây khó dễ cho các chiến dịch toàn diện của Mỹ, và học thuyết không - hải chiến cũng không được Washington chính thức xác nhận là thuyết chủ đạo của Mỹ nhằm đối phó lại với Quân đội Trung Quốc.
Đô đốc Blair nói thẳng ra: Học thuyết không - biển là nhằm vào Trung Quốc. |
Học thuyết này đã từng khiến giới quân sự Bắc Kinh “nóng mặt”.
Theo ông Huge White, chuyên gia quốc phòng hàng đầu về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, học thuyết không - hải chiến có thể coi là một sai lầm chiến lược của Mỹ.
Nó có thể khiến mối quan hệ vốn “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang, dẫn đến những cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân.
Theo giáo sư White, người cực lực phản đối học thuyết không - hải chiến, học thuyết này có 3 vấn đề cơ bản:
Thứ nhất, nó khó có thể phát huy tác dụng;
Thứ hai: nếu nó phát huy tác dụng, nó cũng không thể đạt được những mục tiêu chiến lược đề ra.
Thứ ba: nó có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Ông cho rằng học thuyết này chỉ là nhưng khái niệm cũ kỹ từ thế kỉ 20, được áp dụng cho thế kỉ 21. Trong cuộc Chiến tranh Lạnh, Mỹ và đồng minh NATO đề xuất chiến lược Tác chiến không - bộ để đối đầu với Liên Xô và khối Warsaw trên chiến trường châu Âu.
Hiền Thảo (theo China-defense-mashup, ĐVO)