Hàn Quốc và Mỹ đã đạt được thỏa thuận về việc tăng hơn gấp đôi tầm bắn của các hệ thống tên lửa nước này để nhắm tới bất kỳ mục tiêu nào ở Triều Tiên, một động thái có thể khiến Triều Tiên nổi giận.
Cố vấn an ninh quốc gia Chun Yung-Woo nói với các nhà báo rằng thỏa thuận kể trên cho phép Hàn Quốc triển khai các tên lửa với tầm bắn 800km, tăng đáng kể từ mức hạn chế hiện nay là 300km.
"Mục tiêu lớn nhất của việc sửa đổi này là để đối phó với những khiêu khích quân sự của Triều Tiên," ông Chun nói.
Như vậy toàn bộ lãnh thổ Triều Tiên, và thậm chí cả một số khu vực của Trung Quốc và Nhật Bản, cũng nằm trong tầm bắn của tên lửa Hàn Quốc.
Thỏa thuận nâng tầm bắn tên lửa Mỹ-Hàn Quốc có thể đẩy bán đảo Triều Tiên vào một cuộc đối đầu mới
Dù tầm bắn của các tên lửa đã được nâng lên thành 800 km nhưng lượng chất nổ vẫn được giữ nguyên ở mức 500 kg. Tuy nhiên, ông Chun nhấn mạnh rằng hai thông số này có quan hệ tỷ lệ nghịch, tức là nếu tên lửa được bắn tới mục tiêu gần hơn thì khối lượng chất nổ sẽ được phép tăng lên. Một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng đầu đạn 500 kg là đủ uy lực để tiêu diệt hoặc làm hư hại vài sân bóng đá cùng lúc.
Hồi tháng 3, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak cho hay các tên lửa của Triều Tiên có thể vươn tới đảo miền nam Jeju của Hàn Quốc, tức là hơn 400 km xuống phía nam tính từ biên giới hai nước. Ông nhấn mạnh rằng Seoul cần một "điều chỉnh thực tế" đối với tầm bắn của các tên lửa hiện có.
Nhu cầu này càng trở nên cấp bách sau khi Triều Tiên phóng tên lửa Ngân Hà-3 (Unha-3) hồi tháng 4. Bình Nhưỡng tuyên bố phóng tên lửa này để đưa vệ tinh Quang Minh Tinh-3 (Kwangmyongsong-3) lên quỹ đạo, nhưng Mỹ và các đồng minh cho rằng đây thực chất là một vụ thử tên lửa tầm xa vốn bị cấm theo các nghị quyết của Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, thỏa thuận mới được điều chỉnh tăng tầm bắn tên lửa của Hàn Quốc sẽ đi ngược lại với một thỏa thuận kiểm soát vũ khí toàn cầu được gọi là Cơ chế Kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR). Cơ chế này là sự tham gia tự nguyện, không chính thức của 34 quốc gia với mục tiêu ngăn chặn sự phổ biến của các hệ thống phóng không người lái có khả năng mang vũ khí hủy diệt hàng loạt. Là một thành viên tham gia MTCR, Hàn Quốc đã chọn lựa phát triển các tên lửa hành trình tầm thấp có phạm vi bắn tới 1.500 km, vốn không bị cơ chế trên ràng buộc.
Mỹ hiện có 28.500 quân đóng tại Hàn Quốc và bảo đảm "ô hạt nhân" cho Seoul trong trường hợp bị tấn công hạt nhân. Đổi lại, Hàn Quốc chấp nhận các hạn chế đối với khả năng tên lửa của mình.
Năm 2001, năm Hàn Quốc tham gia MTCR, Seoul và Washington đã ký thỏa thuận giới hạn tầm bắn tên lửa của Hàn Quốc ở phạm vi 300 km và giới hạn lượng chất nổ đầu tên lửa là 500 kg. Hàn Quốc từ lâu kêu gọi xem xét lại hiệp ước tên lửa mà Seoul ký với Washington năm 1979, theo đó ngăn cản Hàn Quốc phát triển tên lửa đạn đạo tầm bắn xa hơn dù phải đối mặt với những mối đe dọa tên lửa từ Bình Nhưỡng.
Bộ Ngoại giao Mỹ chưa đưa ra bình luận nào về việc điều chỉnh tầm bắn tên lửa của Hàn Quốc. Trong khi đó, nhiều nhà phân tích cảnh báo động thái này có thể làm nóng hơn nữa cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Bắc Á.
Chuyên gia Yang Yang Moo-Jin thuộc đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul nhận xét đây là một con dao hai lưỡi với Hàn Quốc khi nó đi ngược lại những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc giảm vũ khí hủy diệt hàng loạt.
V.V
Theo Tổ Quốc